Chảo chống dính được sử dụng phổ biến vì sự thuận tiện trong việc chế biến món ăn đặc biệt là các món chiên rán. Tuy nhiên không phải ai cũng biết cách lựa chọn chảo phù hợp với mục đích sử dụng và đảm bảo an toàn, chất lượng.

Chảo chống dính được chế tạo với lớp phủ chống dính, giúp ngăn chặn thức ăn bám vào bề mặt và dễ dàng làm sạch sau khi nấu nướng. Chảo chống dính giúp giảm lượng dầu hoặc chất béo cần sử dụng trong quá trình nấu ăn, do đó là lựa chọn phổ biến cho những người muốn nấu ăn ít chất béo hơn.

Việc sử dụng chảo chống dính cũng làm cho công việc nấu nướng trở nên dễ dàng hơn, đặc biệt là khi chiên, xào, hoặc nấu các món thức ăn có thể dính chặt lên bề mặt chảo. Do đó, loại chảo này đang được xuất hiện hầu hết trong mỗi gia đình. Tuy nhiên chảo chống dính sẽ có nhiều loại với đặc điểm cấu tạo cũng như giá thành khác nhau, người tiêu dùng cần chú ý đến những điểm sau đây để lựa chọn được chiếc chảo chống dính phù hợp với gia đình.

Kích thước chảo

Theo tư vấn của nhân viên bán hàng tại siêu thị Điện Máy Xanh việc đầu tiên khi quyết định lựa chọn một chiếc chảo chống dính, người tiêu dùng nên lựa chọn kích thước chảo phù hợp, cần dựa vào nhu cầu nấu nướng gồm những món nào, số lượng bao nhiêu. Kích thước chảo chống dính dựa vào đường kính của chảo. Chảo chống dính có kích thước khoảng 14 – 28 cm, phổ biến nhất là 20 cm, 24 cm và 26 cm.

Người dùng có nhu cầu chiên cá nguyên con, xào nhiều thực phẩm thì chọn chảo từ 26 cm trở lên. Nếu chiên xào thực phẩm cắt nhỏ với số lượng vừa thì chọn chảo 20 – 26 cm. Ngoài ra, nếu dùng để chiên ít như 1 – 2 quả trứng thì chảo 14 – 18 cm là phù hợp.

Lựa chọn chất liệu chảo chống dính

Chảo chống dính cho bếp từ có chất liệu đa dạng như nhôm, hợp kim nhôm, gang, đồng, thép không gỉ (inox). Trong đó, inox và hợp kim nhôm được sử dụng khá phổ biến. Đối với chảo được làm từ inox thường có hai loại chính là inox 304 và inox 430. Inox 304 có tính bền bỉ cao, rất an toàn cho sức khỏe người dùng vì không xảy ra phản ứng với các chất có trong thức ăn khi đun nấu hoặc chứa thức ăn lâu trong nồi. Ngoài ra, inox 304 có khả năng kháng xước, màu inox sáng bóng rất đẹp. Chảo được làm từ inox 430 cũng khá bền nhưng lại có khả năng nhiễm từ ảnh hưởng tới sức khỏe người dùng, và màu không sáng đẹp bằng inox 304.


Lựa chọn chất liệu chảo an toàn với sức khỏe người tiêu dùng

Những chảo chống dính được làm từ nhôm và hợp kim nhôm cũng được nhiều người dùng ưa chuộng. Vì nhôm có khả năng bắt nhiệt và phân tán nhiệt nhanh, giúp tiết kiệm thời gian đun nấu. Tuy nhiên, đối với loại chảo này, người dùng không nên chứa thức ăn lâu trong chảo, đặc biệt là những đồ ăn chua có tính axit cao hoặc đồ ăn mặn nhằm tránh xảy ra tình trạng chảo bị ăn mòn và gây hại cho sức khỏe.

Lựa chọn lớp chống dính của chảo

Đây là một tiêu chí quan trọng khi chọn mua chảo chống dính cho bếp từ. Vì chất liệu lớp chống dính ảnh hưởng trực tiếp đến tuổi thọ của chảo và sức khỏe của người dùng. Một số công nghệ chống dính phổ biến trên thị trường

Lớp chống dính đá hoa cương: Độ cứng cao, chịu nhiệt, dẫn nhiệt nhanh, tỏa nhiệt đều, nhẹ, ít bị trầy xước, nhưng giá cao.


Lớp chống dính hoa cương

Lớp chống dính men ceramic: Bền, hạn chế bong tróc, an toàn cho sức khỏe và dễ dàng vệ sinh.


Lớp chống dính men ceramic

Lớp chống dính Teflon và Whitford: Được sử dụng phổ biến vì có mức giá hợp lý. Khi chảo có vết xước hoặc cháy, bạn cần thay chảo khác để đảm bảo an toàn.


Lớp chống dính Teflon và Whitford

Cấu tạo đáy chảo

Đáy chảo chống dính dthường có 3 loại chính là đáy đúc liền thân, đáy liền, đáy gắn.

Trong đó đáy đúc liền thân có giá thành khá đắt. Loại chảo này thường có phần đáy được đúc liền với thân chảo tạo thành một khối chắc chắn, phía dưới lớp đáy được phun bột từ hoặc kim loại nhiễm từ để có thể dùng trên bếp từ.


Các loại đáy chảo thông dụng

Chảo chống dính đáy liền thường có ở chảo inox. Chảo có khả năng bắt từ tốt, có thể sử dụng cho bất kỳ loại bếp nào, đáy liền không lo bị biến dạng trong quá trình nấu nướng.

Chảo có đáy gắn được bày bán khá phổ biến trên thị trường. Đáy chảo được gắn vào thân chảo bằng cách hàn. Loại chảo đáy gắn có giá rẻ, nhiều mẫu mã nhưng chất lượng kém, dễ bị biến dạng trong quá trình sử dụng.

Loại bếp sử dụng cho chảo

Trước khi mua, người tiêu dùng cần xác định mua chảo chống dính sử dụng trên loại bếp nào, để tránh trường hợp sử dụng bếp từ mua về lại không thể dùng được người mua nên tham khảo thông tin trên bao bì hoặc tham khảo ý kiến người bán để chọn loại chảo phù hợp cho bếp.

Một mẹo nhỏ người dùng có thể áp dụng để biết chảo có thể sử dụng trên bếp từ hay không là dùng nam châm. Nếu nam châm hút được đáy chảo thì chảo dùng được trên bếp từ.

Lựa chọn chảo của thương hiệu, cửa hàng uy tín

Khi lựa chọn sản phẩm của thương hiệu nổi tiếng, chắc chắn người tiêu dùng sẽ được đảm bảo về mặt chất lượng và có chế độ bảo hành, hậu mãi xứng đáng. Thương hiệu uy tín của chảo chống dính dành cho bếp từ được nhiều khách hàng tin tưởng sử dụng ngày nay là Fissler, Elo, Yoshikawa, Sunhouse, HappyCook… Theo lời khuyên của các chuyên gia, người nên chọn những đồ dùng nhà bếp chất lượng ngay từ ban đầu để có thể sử dụng lâu dài giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ sức khỏe gia đình mình.

Bên cạnh đó việc lựa chọn cửa hàng uy tín cũng rất quan trọng vì trên thị trường dịp cuối năm sẽ có nhiều “gian thương” tuồn hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng để bán cho người tiêu dùng. Do đó những siêu thị lớn hoặc những cửa hàng uy tín, có đầy đủ giấy tờ kiểm định về chất lượng, an toàn sẽ là sự lựa chọn được ưu tiên.

Việc lựa chọn chảo chống dính phù hợp không chỉ mang lại hiệu suất tốt trong bếp nấu ăn mà còn đảm bảo an toàn cho sức khỏe gia đình. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng và tìm hiểu thêm trước khi quyết định mua sản phẩm để đảm bảo sự hài lòng nhất.

QCVN 12-3:2011/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ làm bằng kim loại tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm

QCVN 12-3:2011/BYT do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về bao bì và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm biên soạn, Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trình duyệt và được ban hành theo Thông tư số 34/2011/TT-BYT ngày 30 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Quy chuẩn quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, buôn bán sản xuất sản phẩm

– Tổ chức, cá nhân nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và sử dụng các sản phẩm bao bì, dụng cụ kim loại phải công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật tại 5 Quy chuẩn này, đăng ký bản công bố hợp quy tại Cục An toàn vệ sinh thực phẩm và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn theo đúng nội dung đã công bố.

– Tổ chức cá nhân chỉ được phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán và sử dụng các sản phẩm bao bì, dụng cụ kim loại sau khi hoàn tất đăng ký bản công bố hợp quy và bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn phù hợp với các quy định của pháp luật.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/lua-chon-chao-chong-dinh-dam-bao-an-toan-chat-luong-phu-hop-voi-muc-dich-su-dung-d218076.html