Ngày 24/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề Nông thôn Việt Nam (VIRI) cùng các đối tác là: Công ty TNHH Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC); Công ty Funzilife Ltd (Funzi), Trung tâm Nghiên cứu tư vấn Sáng tạo và Phát triển bền vững (CCS) đã chính thức khởi động Dự án “Xúc tiến cung và cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái – công bằng tại Việt Nam” (Dự án Eco-Fair).

Dự án Eco-Fair do Liên minh châu Âu tài trợ và được thực hiện trong khoảng thời gian từ tháng 04/2020 đến tháng 04/2023.

Các đối tác của dự án tại lễ khởi động.

Dự án Eco-Fair hướng tới các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ như tiêu dùng có trách nhiệm, sức khỏe và cuộc sống tốt, hành động vì khí hậu… Theo đó, các sản phẩm nông sản sinh thái – công bằng được thúc đẩy cung và cầu, nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất cải thiện thị trường tại Việt Nam cũng như mở rộng thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng sẽ được hưởng lợi khi có nguồn cung các sản phẩm chất lượng cao và an toàn với một mức giá ổn định.

Cụ thể, dự án sẽ cung cấp 3 khóa học miễn phí về phát triển bền vững cho doanh nghiệp và người tiêu dùng trên khắp cả nước. Các khóa học này được thiết kế sinh động, ngắn gọn và mang tính tương tác cao, có thể học ở bất kỳ đâu và bất cứ lúc nào, trên điện thoại di động hoặc máy tính.

Để tham gia khoá học dành cho người tiêu dùng, hãy click vào đường link sau: funzi.mobi/go/tieudungbenvung

Với khóa học dành cho người tiêu dùng, người học sẽ hiểu thêm về tác động của tiêu dùng lên môi trường và xã hội, nhận biết được các nhãn mác sinh thái – công bằng, từ đó thay đổi nhận thức và điều chỉnh thói quen mua sắm, sinh hoạt, cũng như ủng hộ các sản phẩm bền vững nội địa.

Đối với các doanh nghiệp sản xuất, khóa học đầu tiên về sản xuất bền vững đã được khởi động tại đường link sau: funzi.mobi/go/sanxuatbenvung2 

Sau khóa đào tạo về sản xuất bền vững, các doanh nghiệp sẽ được lựa chọn để tham gia vào các hoạt động tiếp theo của dự án như tư vấn tại doanh nghiệp nhằm hỗ trợ triển khai thực tiễn cách thức nâng cao hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP), đổi mới sản phẩm bền vững, tiếp cận tài chính xanh… Khóa học thứ 3 sẽ dành cho các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận và vay vốn tại các tổ chức tài chính có chương trình hỗ trợ dành cho thực hiện sản xuất bền vững.

Ông Lê Xuân Thịnh – Giám đốc VNCPC – giới thiệu về hoạt động thúc đẩy RECP.

Mục tiêu cụ thể của dự án bao gồm: 

  • Nâng cao năng lực của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) tại Việt Nam để triển khai các thực hành sản xuất bền vững và đổi mới sản phẩm trong chuỗi cung ứng sản phẩm chế biến nông sản
  • Nâng cao nhận thức trong cộng đồng người tiêu dùng về tiêu dùng bền vững và xây dựng mạng lưới tiêu dùng sản phẩm sinh thái – công bằng
  • Xúc tiến sản phẩm sinh thái – công bằng thông qua nền tảng thương mại điện tử bền vững và mạng lưới nhà bán lẻ các sản phẩm sinh thái – công bằng
  • Tăng cường năng lực tiếp cận tài chính xanh cho các MSME sinh thái – công bằng
  • Thúc đẩy chính sách về sản xuất và tiêu dùng sản phẩm sinh thái – công bằng tại châu Á

Đối tượng hưởng lợi:

  • MSME trong lĩnh vực chế biến thực phẩm nông nghiệp thuộc 4 tiểu ngành: hạt điều, gạo, rau củ, hoa quả
  • Người tiêu dùng tại Việt Nam
  • Các tổ chức trung gian hỗ trợ kinh doanh

    Các sản phẩm sinh thái – công bằng được giới thiệu tại lễ khởi động dự án.

Bà Nguyễn Bảo Thoa – Viện trưởng VIRI tin tưởng rằng kết quả đạt được từ dự án sẽ thúc đẩy tiêu dùng bền vững các sản phẩm chế biến nông nghiệp sinh thái – công bằng. Từ đó, góp phần vào sự phát triển sinh kế bền vững và kinh tế xanh trong quá trình hướng tới một nền kinh tế carbon thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

VNCPC