Kem tan mỡ bụng được quảng cáo rầm rộ với nhiều công dụng khiến chị em tin tưởng lựa chọn, tuy nhiên theo các bác sĩ, kem tan mỡ thực sự không hiệu quả như quảng cáo.

Từ trước tới nay, mỡ thừa không chỉ làm chị em tự ti về thân hình, không diện được những bộ đồ tôn giáng yêu thích mà còn có thể gây béo phì, tăng huyết áp, mỡ trong máu,… Do việc thực hiện các biện pháp giảm mỡ như tập thể dục, dùng đai đeo bụng, ăn kiêng… không đem lại hiệu quả nên nhiều người đã tìm đến kem tan mỡ bụng.

Thực tế, khi muốn tìm hiểu về kem tan mỡ bụng, mọi người có thể thu được rất nhiều thông tin về hàng chục loại kem với những lời quảng cáo có cánh như “tiêu mỡ thần tốc”, “bôi vào đâu mỡ tan chảy đến đó” hoặc “kem tan mỡ giúp tiêu hủy chất béo dự trữ trong các mô mỡ, mang lại vóc dáng thon thả, cân đối…”, hay “thúc đẩy nhanh quá trình đốt cháy mỡ, giúp đánh bay mỡ bụng, giảm 5cm vòng eo chỉ trong 1 tuần sử dụng”…

Dù là lời quảng cáo có cánh tuy nhiên theo các bác sĩ tại Bệnh viện Vinmec, sử dụng kem tan mỡ bụng có thực sự hiệu quả hay không thì chưa được khoa học chứng minh. Mặc dù một số thành phần hạn chế có trong kem tan mỡ bụng đã được chứng minh là đem lại lợi ích nhưng thực sự vẫn chưa được kiểm tra an toàn đầy đủ.


Không nên tin tưởng quá mức vào kem tan mỡ bụng. Ảnh minh họa

Đã có nhiều trường hợp các chị em sau khi dùng kem tan mỡ phải đi khám bác sĩ do trong kem tan mỡ có chất kích ứng mạnh (như ớt, gừng), lại bôi diện rộng trên vùng da bụng gây các phản ứng ngoài da: Nóng rát, ửng đỏ tại chỗ, nặng hơn là phồng, rộp da, chảy nước, sau đó là nổi mụn. Đã có nhiều trường hợp bị dị ứng, viêm da do kem tan mỡ, phải điều trị dài ngày mới khỏi.

Trong các loại kem tan mỡ, thành phần chính là sáp ong tự nhiên, chất cafeine và tinh dầu ớt, tiêu đỏ, gừng cùng các thành phần thiên nhiên khác, được quảng bá với công dụng có khả năng nhanh chóng thấm sâu vào lớp da, kích thích đốt mỡ và thải hồi mỡ qua đường mồ hôi và nước tiểu, kết hợp đưa những chất khác vào để phá hủy mỡ (làm tăng tiêu thụ chất đường), ngăn ngừa tiếp nạp mỡ dư thừa vào các mô…

Như vậy có thể thấy, thành phần của kem tan mỡ gồm các chất nóng và có tính kích ứng nên rất dễ gây tác dụng phụ cho người sử dụng. Do trong kem tan mỡ có chất kích ứng mạnh như ớt, gừng lại bôi rộng trên vùng da bụng, da đùi (vùng đùi non), vùng trong bắp tay – những nơi dễ bị kích ứng nhất nên người dùng thường có cảm giác nóng rát. Những người có làn da nhạy cảm rất dễ gặp tác hại do kem tan mỡ, nhẹ thì nóng rát, ửng đỏ tại chỗ bôi, nặng hơn có thể phồng và rộp da, chảy nước, sau đó là nổi mụn. Nếu không được điều trị phù hợp sẽ dễ bội nhiễm.

Tuy nhiều, thành phần của kem như gừng, ớt, caffeine… được công nhận là có tác dụng phân giải hay “đốt cháy” mỡ, nhưng ngay cả khi điều đó đúng, các chất này cũng không thể thấm xuống lớp mỡ sâu được. Vì thế, chuyện các tảng mỡ ở bụng, hông, đùi, cánh tay… tan chảy ra và mỏng đi sau khi bôi kem là không thể.

Ngay cả việc thoa kem và cuốn nóng kèm massage cũng chỉ là làm mất nước ở vùng da tại chỗ. Ngay sau khi sử dụng chị em cảm thấy mình gọn hơn, nhưng chỉ sau ít thời gian, vùng da đó sẽ nạp nước đủ và trở lại như cũ, sự tích mỡ lại diễn ra như bình thường. Ngoài ra, trong kem tan mỡ có một số chất dưỡng da, tẩy tế bào chết, làm da sáng hơn nên người sử dụng dễ bị đánh lừa bởi cảm giác khi thấy da sáng đẹp hơn, láng mịn hơn… thì tự an ủi là kem đã mang lại hiệu quả.

Trên thực tế, kem tan mỡ bụng không giúp kiểm soát cơn thèm ăn và khắc phục vấn đề tăng cân từ nguyên nhân gốc rễ. Để đạt được kết quả lâu dài cần tìm kiếm lối sống khoa học để giảm cân bền vững. Chị em cần đặc biệt cảnh giác với những quảng bá thổi phồng quá mức tác dụng của kem tan mỡ. Sử dụng các thuốc giảm cân hay kem tan mỡ đều cần có sự tư vấn của bác sĩ để tránh gặp tác hại trên cơ thể.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/kem-tan-mo-bung-tac-dung-ao-chi-em-tranh-tin-tuong-s2-d204347.html