Theo các nhà nghiên cứu, những phát hiện về tác hại của vi nhựa trong cơ thể liên tục xuất hiện, với tỷ lệ ngày càng tăng, đặt ra nhu cầu có những hành động tổng thể để giảm thiểu nguy cơ hấp thụ vi nhựa.

Một báo cáo được đăng trên tạp chí Nature Medicine (Mỹ) đã chỉ ra dù tác động sinh học của vi nhựa đã được nghiên cứu trong nhiều thập niên, phần lớn nghiên cứu tập trung vào ảnh hưởng đến môi trường. Chỉ đến gần đây, các nhà khoa học mới phát hiện vi nhựa trong nhiều cơ quan của con người, bao gồm máu, phổi, nhau thai, sữa mẹ hay tinh hoàn.

Xuất hiện vào thập niên 1950, nhựa ngày càng được dùng trong sản xuất, khi thế giới hiện có thêm 430 triệu tấn nhựa mỗi năm. Hai phần ba trong số này được dùng cho các sản phẩm ngắn hạn, như nước đóng chai hay giấy gói đồ ăn nhẹ, song tuổi thọ của nhựa có thể kéo dài 450-1.000 năm.

Vi nhựa, những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm, có thể xuất hiện khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày, từ rau củ, trái cây đến nước đóng chai hoặc nước máy. Bang California, Mỹ, gần đây đã kiểm tra 250 chai nước mua từ 9 quốc gia và phát hiện 93% trong số này chứa vi nhựa.

Một nghiên cứu gần đây chỉ ra ít nhất 16.000 hóa chất được sử dụng trong ngành nhựa, với 1/4 các chất này được coi là nguy hiểm với sức khỏe con người.

Các hóa chất được thêm vào có thể bao gồm các hợp chất có độc tính cao như chất gây ung thư, chất gây rối loạn nội tiết và chất độc thần kinh hoặc các hóa chất có ảnh hưởng đến sinh sản như BPA, phthalates, bisphenol và per- và poly-flouroalkyl (PFAS).

Nghiên cứu khác dựa trên các bệnh xét nghiệm động mạch cảnh, được đăng trên Tạp chí y học New England (Anh), đã phát hiện những người có hạt vi nhựa bám vào động mạch sẽ có nguy cơ đau tim, đột quỵ hoặc tử vong cao hơn 4,5 lần người không có vi nhựa.

Các nhà nghiên cứu cũng xem xét mối liên hệ giữa vi nhựa và bệnh viêm ruột (IBD), và phát hiện 15 loại vi nhựa trong phân người, cũng như rút ra được nồng độ vi nhựa trong phân của bệnh nhân IBD cao hơn ở người khỏe mạnh.


Những tác hại của hạt vi nhựa tới sức khỏe con người là không nhỏ. Ảnh minh họa

Một nghiên cứu cho thấy trẻ sơ sinh có thể dễ tiếp xúc với vi nhựa cao hơn nếu uống sữa công thức làm từ chai polypropylen, nhấn mạnh điều mà các tác giả cho là “nhu cầu cấp thiết” để xác định mối nguy nào có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.

Những vấn đề sức khỏe liên quan đến nhựa hóa chất đã khiến hệ thống y tế Mỹ năm 2018 ước tính tiêu tốn gần 250 tỷ USD. Những trường hợp vô sinh ở cả nam và nữ, rối loạn phát triển thần kinh, bệnh tim mạch và bệnh thận đều có liên quan đến các chất phụ gia hóa học trong vi nhựa. Công nhân sản xuất nhựa tại các cơ sở dệt may tử vong vì ung thư phổi và bệnh phổi với tỷ lệ cao hơn.

Thiệt hại do vi nhựa gây ra đối với sinh vật biển và thủy sinh đã được báo cáo rộng rãi, nhưng mối đe dọa của chúng đối với cơ thể con người vẫn chưa được xác định rõ ràng. Song, chủ đề này ngày càng được nghiên cứu sâu rộng.

Martin Wagner, nhà sinh vật học và nhà độc học môi trường tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy, cho biết khi ở trong cơ thể, vi nhựa được coi là hạt lạ. Chúng kích thích phản ứng chống viêm của hệ thống miễn dịch.

Nhưng chỉ vi khuẩn bị tiêu diệt, còn vi nhựa thì không, do đó, nó gây ra tình trạng nhiễm trùng mạn tính. Nhiều bệnh bao gồm tiểu đường, bệnh tim mạch, ung thư và những bệnh khác có liên quan đến bệnh viêm mạn tính đều có thể gây tử vong.

Flemming Cassee, nhà nghiên cứu chất độc qua đường hô hấp tại Hà Lan cũng cho biết, hiện chưa rõ vi nhựa trong cơ thể ở mức bao nhiêu thì được coi là nguy hiểm. Tuy nhiên, những phát hiện về tác hại của vi nhựa trong cơ thể liên tục xuất hiện, với tỷ lệ ngày càng tăng, đặt ra nhu cầu có những hành động tổng thể để giảm thiểu nguy cơ hấp thụ vi nhựa.

Nhà miễn dịch học Barbro Melgert, Đại học Groningen, Hà Lan đã nghiên cứu việc con người tiếp xúc với sợi nylon sẽ làm giảm cả số lượng và kích thước đường thở hình thành trong các mô của bộ phận này. “Vi nhựa có thể được coi là một dạng ô nhiễm không khí. Chúng tôi biết chúng đe dọa nguy hiểm trong phổi của chúng ta”.

Hiện nay các nhà khoa học đang đến cách hệ thống miễn dịch của con người phản ứng với vi nhựa (chưa được công bố) cho thấy, các tế bào miễn dịch không nhận ra các hạt vi nhựa trừ khi chúng có protein máu, virus, vi khuẩn hoặc các chất gây ô nhiễm khác được gắn vào. Nhưng có khả năng những mảnh như vậy sẽ bám vào các hạt vi nhựa trong môi trường và bên trong cơ thể. Nếu vi nhựa không sạch, các tế bào miễn dịch sẽ chết nhanh gây ra phản ứng viêm mạnh hoặc có thể làm trầm trọng thêm các bệnh viêm hiện có của phổi hoặc đường tiêu hóa.

Erica Cirino, tác giả cuốn Thicker Than Water: The Quest for Solutions to the Plastic Crisis, cho rằng vì 99% nhựa được làm từ nhiên liệu hóa thạch, giới hạn nghiêm ngặt về sản xuất nhựa, cùng với những quy định nghiêm ngặt hơn nhiều đối với ngành công nghiệp nhựa và nhiên liệu hóa thạch mới có thể tạo ra sự khác biệt.

Trong khi đó, từng cá nhân đang có những bước tiến nhỏ trong việc giảm sử dụng nhựa, như đổi chai nhựa sang chai thủy tinh hoặc thép, hay dùng hộp thủy tinh để vi sóng thức ăn, thay vì hộp nhựa, do nhiệt sẽ giải phóng các hóa chất độc hại. Sử dụng quần áo làm từ sợi tự nhiên, dọn dẹp nhà cửa để giảm bụi, cũng là những cách giúp giảm tiếp xúc với vi nhựa.

Bàn về vấn đề hạt vi nhựa, ông Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển môi trường sức khoẻ phân tíc, hơn 400 triệu tấn là số lượng rác thải nhựa đang được thải ra môi trường mỗi năm. Con số này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Đáng nói trong quá trình phân hủy, rác thải nhựa sẽ sản sinh ra các hạt vi nhựa, một thứ có thể đe dọa trực tiếp tới sức khỏe con người. Nhiều nhà khoa học gọi đây là hiểm họa. Tuy nhiên, hiện nay chưa thật sự nhiều người dân biết hạt vi nhựa là gì, nó tồn tại ở đâu và tác hại như thế nào.

Khi bị xả thẳng ra môi trường, rác thải nhựa sẽ liên tục phân mảnh, vỡ vụn thành hạt, thậm chí còn mảnh hơn sợi tóc người, sau đó dễ dàng bay vào không khí. Theo ước tính toàn cầu gần đây nhất về vi nhựa, có khoảng 51 nghìn tỷ hạt vi nhựa trôi dạt trên bề mặt đại dương, tương đương với khoảng 60 tỷ chai nước nửa lít. Vấn đề phức tạp nhất của nhựa và vi nhựa là chúng tồn tại hàng trăm năm, thậm chí lâu hơn.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy trong một năm mỗi người sẽ tiêu thụ ít nhất khoảng 50.000 hạt vi nhựa. Trong các thí nghiệm, vi nhựa được chứng minh là có thể gây ra hại cho các tế bào trong cơ thể người, bao gồm cả phản ứng ức chế và giết chết tế bào.

Ở Việt Nam, các nghiên cứu về hạt vi nhựa chưa có nhiều do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp. Các nghiên cứu về vi nhựa mới chỉ dừng lại ở việc xác định hình thái, kích thước, phân bố ban đầu của vi nhựa trong tự nhiên chứ chưa có những nghiên cứu sâu về cơ chế hấp phụ độc chất hay tác động của vi nhựa lên hệ sinh thái.

Hiện nay lượng chất thải nhựa và túi ni-lông của cả nước chiếm khoảng 10-12% chất thải rắn sinh hoạt, ước tính khoảng 2,6-2,8 triệu tấn rác thải nhựa phát sinh, một lượng lớn trôi nổi trên sông, hồ, vùng đất ngập nước cửa sông, ven biển. Nhận thức được nguy cơ đối với môi trường của rác thải nhựa, Nhà nước đã ban hành các văn bản quy định về quản lý chất thải nhựa nói chung. Vi nhựa mới bước đầu được đề cập trong Luật BVMT năm 2020 và Chỉ thị số 33/CT-TTG ngày 20/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa, Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030,… tuy nhiên, chưa có những quy định cụ thể.

Để kiểm soát ô nhiễm vi nhựa, có rất nhiều biện pháp được áp dụng từ phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh vi nhựa, chất thải nhựa đến xử lý chất thải nhựa. Về cơ bản, giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh vi nhựa tập trung vào hai đối tượng là người sản xuất và người tiêu dùng hay cung và cầu.

Để có thể phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh và xử lý vi nhựa, trong thời gian tới, Việt Nam cần xem xét, xây dựng bổ sung các quy định cụ thể về quản lý vi nhựa trong các văn bản quy phạm pháp luật như kinh nghiệm mà nhiều quốc gia trên thế giới đã thực hiện.

An Dương (T/h)
https://vietq.vn/hat-vi-nhua-ngay-cang-la-moi-hiem-hoa-trong-co-the-con-nguoi-d221280.html