15 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng Một 21, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngHành trình của túi ni lông

    Hành trình của túi ni lông

    Date:

    Related stories

    Ra đời từ đầu những năm 1970, ngày nay túi ni lông đã trở thành một sản phẩm phổ biến toàn cầu, được sản xuất với tốc độ 1.000 tỷ túi mỗi năm. Túi ni lông thậm chí có mặt ở nơi sâu nhất của đại dương cho đến nơi cao nhất là đỉnh núi Everest, tạo ra thách thức lớn về môi trường.

    Chúng ta hãy cùng nhìn lại chặng đường phát triển của loại vật liệu này.

    1933: Polyethylene, loại nhựa được sử dụng phổ biến nhất hiện nay để sản xuất túi ni lông, được tạo ra do một tai nạn hóa chất ở thị trấn Northwich, hạt Cheshire, Anh. Trước đó, nhựa polyetylene thường được sản xuất với số lượng rất ít, đây là lần đầu tiên vật liệu này được sản xuất với số lượng lớn trong ngành công nghiệp và được quân đội Anh sử dụng bí mật trong thế chiến thứ 2.

    1965: Công ty Celloplast, Thụy Điển cấp bằng sáng chế cho túi ni lông. Với sự thiết kế của kỹ sư Sten Gustaf Thulin, túi ni lông nhanh chóng thay thế vải và hộp nhựa ở châu Âu trong các hoạt động mua sắm.

    1979: Túi ni lông chiếm 80% thị trường túi ở châu Âu, được xuất khẩu sang nước ngoài, tiêu biểu như thị trường Mỹ. Các công ty nhựa bắt đầu tích cực đưa ra thị trường các sản phẩm túi ni lông với nhiều ưu điểm vượt trội hơn túi giấy và các loại túi tái sử dụng khác.

    1982:  Safeway và Kroger, 2 trong số các chuỗi siêu thị lớn nhất ở Mỹ, chuyển sang sử dụng túi ni lông. Nhiều cửa hàng đi theo xu hướng này và đến cuối thập kỷ, túi nhựa đã gần như thay thế toàn bộ túi giấy trên toàn thế giới.

    1997: Nhà nghiên cứu kiêm thủy thủ Charles Moore đã phát hiện ra “đảo rác Thái Bình Dương”, nơi mật độ rác thải trên biển lớn nhất thế giới, đe dọa nghiêm trọng đến sinh vật biển. Trong đó, túi ni lông là nguyên nhân chính dẫn đến cái chết của nhiều loài rùa biển, do rùa biển tưởng nhầm túi ni lông là sứa biển và ăn chúng.

    2002: Băng-la-đét là quốc gia đầu tiên trên thế giới thực thi lệnh cấm các túi nhựa mỏng, sau khi phát hiện ra chúng là nguyên nhân quan trọng làm tắc nghẽn hệ thống thoát nước trong các thảm họa lũ lụt. Từ đây, các quốc gia khác cũng bắt đầu lưu ý hơn về vấn đề này.

    2011: Cứ mỗi phút trôi qua, trên thế giới có 1 triệu túi ni lông được tiêu thụ.

    2017: Kenya ban hành lệnh cấm túi ni lông. Đây là 1 trong hơn 20 nước trên thế giới thực hiện các biện pháp mạnh để giảm thiểu sử dụng túi ni lông, thông qua việc đánh thuế hoặc cấm sử dụng túi ni lông.

    2018: “Chống ô nhiễm nhựa và ni lông” được chọn làm chủ đề của ngày Môi trường thế giới”, được tổ chức tại Ấn Độ. Các công ty và Chính phủ trên khắp thế giới tiếp tục công bố các cam kết nhằm đối phó với chất thải nhựa và túi ni lông.

    Từ khi ra đời đến nay, đã có khoảng 9,1 tấn nhựa, bao gồm cả túi ni lông được sản xuất trên toàn thế giới. Nếu số lượng nhựa này được xếp cạnh nhau thì độ rộng của nó có thể bao phủ khoảng 98% toàn bộ bề mặt Trái đất. Nghiêm trọng hơn, theo một nghiên cứu công bố trên Tạp chí Science Advances, 79% lượng vật liệu này có điểm đến cuối cùng là bãi rác, sông hồ, hay các đại dương, bao gồm cả những nơi xa nhất của biển, đảo và trong cơ thể của nhiều loài cá, cũng như động vật hoang dã. 12% trong số chất thải được đốt, thải ra khí nhà kính và góp phần gây ô nhiễm không khí, c chỉ có 9% được tái chế. Tuy nhiên, ngay cả khi tái chế, rác thải vẫn bị rò rỉ ra môi trường do quy trình tái chế còn nhiều hạn chế.

    Khác với vật liệu sinh học, nhựa có thể không phân hủy trong hàng trăm năm, ngay cả khi nằm trong cơ thể của sinh vật, khi sinh vật chết, cơ thể của chúng bị phân hủy, nhựa vẫn tồn tại. Các nhà khoa học cho biết, khoảng 270.000 tấn rác thải nhựa đang trôi nổi trên biển, tuy nhiên, con số rác thải nhựa nằm trong lòng biển phải lên đến vài triệu tấn.

    Theo Huyền Trang (Nguồn: Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 7/2018)

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img