Để xây dựng mô hình phát triển kinh tế xanh, Việt Nam cần thay đổi nhận thức cho tất cả mọi người trong xã hội. Do vậy, cần có chương trình nâng cao năng lực trong nghiên cứu và triển khai những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh.

Trong hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, cần tiến hành đổi mới giáo trình, bài giảng theo hướng tiếp cận phát triển kinh tế xanh, nâng cấp nội dung Kinh tế học môi trường và Kinh tế học tài nguyên thiên nhiên truyền thống theo hướng giảng dạy Kinh tế học xanh.

Ngoài ra khuyến khích sử dụng công nghệ, sản phẩm thân thiện với môi trường, ít tiêu hao năng lượng trong sản xuất và tiêu dùng. Chính phủ nên ưu tiên chi tiêu trong các lĩnh vực kích thích xanh hóa các thành phần kinh tế, thực hiện mua sắm công xanh để tạo ra và tăng cường thị trường hàng hóa và dịch vụ bền vững.

Bằng các biện pháp mua sắm công xanh, Chính phủ có thể tạo ra nhu cầu lâu dài đối với hàng hóa và dịch vụ xanh. Điều này sẽ khuyến khích các công ty đầu tư dài hạn vào đổi mới công nghệ và các nhà sản xuất nhận diện được lợi thế kinh tế về quy mô, giảm chi phí dẫn tới mở rộng thương mại hàng hóa và dịch vụ xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Hiện nay, mua sắm của các cơ quan nhà nước là một thị trường tiêu dùng rất lớn, chi phối hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nhà sản xuất. Do đó, đã đến lúc phải hướng đến mua sắm công xanh thông qua việc quy định ưu tiên đối với những sản phẩm xanh, hướng tới lợi ích của cộng đồng, như: sử dụng năng lượng hiệu quả, giảm thiểu chất thải và khí thải ra môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu…

Bên cạnh việc xem xét, cân nhắc những tiêu chí về giá cả và hiệu quả sử dụng khi mua sắm, các cơ quan nhà nước là chủ đầu tư, bên mời thầu cần xem xét cân nhắc tới các vấn đề môi trường, sao cho giảm được nhiều nhất tác động tới sức khỏe và môi trường.

Chẳng hạn như đưa các tiêu chí môi trường vào đấu thầu mua sắm công, xác lập các tiêu chí và yêu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường.

Thông qua các quyết định mua sắm công xanh có thể phát triển và tạo ra thị trường cho các sản phẩm sinh thái, phát triển các chương trình khuyến khích nhà cung ứng sản phẩm và dịch vụ xanh.

Ngoài ra, chính sách mua sắm công xanh nên có những quy định như thông điệp gửi tới các nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ về việc người tiêu dùng sẽ nhận biết và đánh giá các nỗ lực vì môi trường của doanh nghiệp/nhà thầu; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm và dịch vụ ít có tác động tới môi trường và khuyến khích phát triển các sản phẩm xanh.

Việc mua sắm xanh giúp các cơ quan của nhà nước tiết kiệm được chi tiêu công cho việc làm sạch ô nhiễm môi trường bằng việc ngăn ngừa trước khi nó xảy ra. Mặt khác, về phía doanh nghiệp, việc sản xuất xanh giúp họ tránh được các chi phí cho việc xử lý hoặc làm giảm chi phí quản lý rác thải hay chất độc hại; cải thiện sức khỏe của nhân viên và cộng đồng; tiết kiệm chi phí thông qua việc tiết kiệm năng lượng, nước, nhiên liệu và các nguồn lực khác và quan trọng hơn là cải thiện hình ảnh, thương hiệu và sự thiện chí của chính họ.

Kinh nghiệm phát triển kinh tế xanh ở Nhật Bản cho thấy: Chương trình khuyến khích sáng kiến xanh là một nội dung quan trọng trong chính sách môi trường của Nhật Bản và là nội dung kết hợp giữa chính sách kinh tế, công nghiệp và môi trường.

Định nghĩa về sáng kiến xanh của Nhật Bản không chỉ gói gọn trong sự phát triển và ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường, mà còn bao gồm cả các khía cạnh mang tính xã hội của tiến bộ công nghệ và tác động của nó tới chất lượng cuộc sống. Khái niệm về sáng kiến xanh này có ngầm ý Nhật Bản muốn thay đổi cấu trúc trong nền kinh tế và xã hội.

Khánh Ly (moitruong.com.vn)