Theo nghiên cứu đến từ Mỹ, nếu tiêu thụ thường xuyên thực phẩm, đồ uống chứa nhiều siro fructose sẽ khiến cho gan bị tổn thương nghiêm trọng cần tránh lạm dụng.
Năm 1970, ở Hoa Kỳ xuất hiện một chất tạo ngọt mang tên siro fructose. Kể từ đó có một làn sóng từ bỏ các loại đường thông thường và chuyển sang dùng siro fructose. Sau đó, tỷ lệ béo phì ở quốc gia này đã tăng từ 13% lên 40%; tỷ lệ mắc bệnh gút tăng từ 3% năm 1970 lên 9% năm 1996; tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường tăng từ 1% năm 1958 lên 7,4% vào năm 2015.
Siro fructose được cấu tạo từ fructose và glucose. Sở dĩ nó có vị ngọt là do fructose chiếm tỷ lệ cao (fructose là chất tạo ngọt hàng đầu). Ngoài việc tăng thêm vị ngọt, siro fructose còn có thể cải thiện hương vị thực phẩm, kéo dài thời hạn sử dụng và quan trọng nhất là rẻ hơn sucrose. Vì vậy, mọi thứ từ sản phẩm chăm sóc sức khỏe cho người già đến đồ ăn nhẹ cho trẻ em đều có chứa loại gia vị này.
Cơ thể chúng ta có một hệ thống khá hoàn chỉnh để quản lý quá trình trao đổi chất glucose: 80% glucose di chuyển trong máu để cung cấp năng lượng cho các cơ quan và tế bào, 20% còn lại ở gan dưới dạng dự trữ glycogen. Trong giai đoạn này, insulin được sử dụng để điều hòa lượng đường trong máu. Tuy nhiên, cơ thể không xử lý fructose tốt như glucose. Có hơn 90% trong số đó chỉ có thể chuyển hóa thành chất béo ở gan và cuối cùng dẫn đến hàng loạt vấn đề về sức khỏe.
Cần hạn chế sử dụng thực phẩm và đồ uống chứa lượng siro fructose cao. Ảnh minh họa
Một nghiên cứu năm 2009 trên “Tạp chí Dinh dưỡng” của Mỹ cho thấy những người uống một cốc đồ uống có chứa siro fructose mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu cao hơn 55% so với những người không uống đồ uống. Ngoài gây hại cho gan, fructose còn gây ra nhiều tác hại hơn thế.
Trong thực tế, loại siro fructose thường tìm thấy ở trong rất nhiều loại thực phẩm và đồ uống như: Nước ép trái cây, kem, sữa chua, đồ uống có ga; Bánh ngọt, bánh mì, kẹo mềm; Rượu vang, rượu táo, rượu hoa quả, rượu ngọt; Thực phẩm chức năng; Trái cây bảo quản, trái cây đóng hộp, mứt…
Đặc biệt, theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, xi-ro ngô chứa một lượng đường fructose không tự nhiên rất cao. Mặc dù nó chứa nhiều calo nhưng lại không cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Do đó, khi ăn đường fructose nhiều sẽ khiến tổng hàm lượng chất dinh dưỡng trong chế độ ăn uống bị giảm.
Do đó, siro ngô có hàm lượng Fructose cao, gây hại cho cơ thể, vì vậy hạn chế tối đa tiêu thụ sản phẩm chứa nhiều đường Fructose là cách hiệu quả nhất để đảm bảo sức khỏe. Bởi khi ăn nhiều đường fructose sẽ làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ. Nguyên nhân là do hàm lượng fructose cao được chuyển hóa không giống với các loại carbs khác.
Một nghiên cứu ở nam giới và phụ nữ có cân nặng vượt trội cho thấy, nếu thường xuyên uống soda, nước ngọt có đường sucrose trong 6 tháng thì sẽ làm tăng đáng kể tình trạng mỡ gan so với uống sữa, soda ăn kiêng hoặc nước.
Nghiên cứu khác cũng phát hiện ra rằng, đường fructose có thể làm tăng mỡ gan ở mức độ lớn hơn lượng glucose tương đương. Về lâu dài, sự tích tụ mỡ ở gan có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, chẳng hạn như tiểu đường type 2.
Tuy nhiên, trong trái cây nguyên chất lại có chứa đường fructose tự nhiên, chúng rất tốt cho sức khỏe, an toàn và khó để cơ thể tiêu thụ quá nhiều đường fructose từ trái cây, vì vậy không cần quá lo lắng khi ăn nhiều hoa quả.
Nên sử dụng thực phẩm chứa đường như thế nào cho an toàn?
Một nghiên cứu năm 2008 trên “Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Mỹ” cho thấy nếu lượng fructose tiêu thụ mỗi ngày dưới 50 gram, cơ thể có thể chuyển hóa phần đường này một cách hợp lý mà không gây ảnh hưởng xấu đến lipid máu và cân nặng. Do đó việc cần làm không phải là nghĩ cách tránh dùng chúng tuyệt đối mà nên kiểm soát thực phẩm mà mình tiêu thụ.
Khi mua các loại thực phẩm, đồ uống nêu trên nên cẩn thận kiểm tra danh sách thành phần để xem chúng có chứa xi-rô fructose hay không. Ngay cả khi sản phẩm ghi không đường, bạn cũng đừng bất cẩn vì nạp quá nhiều aspartame, cyclamate, saccharin, acesulfame kali và các chất làm ngọt khác dùng trong thực phẩm không đường cũng có hại cho cơ thể.
Khi mua đồ uống như cà phê, trà sữa, tốt nhất nên lưu ý là ít đường hoặc không đường. Nếu bạn thực sự muốn tiêu thụ món đồ ăn nào có vị ngọt, bạn có thể ăn trái cây. Mặc dù chúng cũng chứa đường fructose nhưng hàm lượng của chúng ít hơn nhiều so với đồ uống và còn chứa nhiều chất xơ, có thể hỗ trợ quá trình trao đổi chất và tiêu hóa.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/gia-vi-nguy-hiem-cho-gan-hon-ca-ruou-va-duong-d215790.html