Thế giới đã thay đổi đáng kể trong năm 2020 nhưng có một thực tế rõ ràng không thay đổi là thế giới chưa đạt được các mục tiêu quốc tế về hạn chế tác động của biến đổi khí hậu.

Đại dịch Covid-19 đã gây ra một trong những cú sốc lớn nhất đối với nhu cầu năng lượng toàn cầu. Nhưng phục hồi lạc quan và những xu hướng thúc đẩy nhu cầu trong những năm tới có thể diễn ra. Năng lượng tái tạo, pin lưu trữ và xe điện đang phát triển nhanh chóng, xong chưa đủ nhanh để chuyển tốc độ phát thải khí nhà kính toàn cầu khỏi quỹ đạo tăng trước năm 2030.

Theo thỏa thuận khí hậu Paris 2015, chính phủ của gần 200 quốc gia đã cam kết hành động để hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu kể từ thời tiền công nghiệp xuống dưới mức 2 độ C. Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Wood Mackenzie, các xu hướng năng lượng hiện nay trên thế giới sẽ khiến nhiệt độ Trái đất tăng thêm 3 độ C vào cuối thế kỷ này.

Thế giới có thể đạt được các mục tiêu khí hậu Paris song sẽ cần ba thay đổi quan trọng. Thứ nhất là sự nỗ lực khẩn cấp và bền vững của các chính phủ trên thế giới nhằm thay đổi xu hướng năng lượng cơ bản hiện nay, được hỗ trợ bởi sự ủng hộ của người dân. Thứ hai là cần sự tăng tốc phát triển công nghệ năng lượng mới, trong đó có công nghệ thu gom và lưu trữ CO2, sản xuất hydro tái tạo và khử carbon. Thứ ba là tăng cường đầu tư vào năng lượng carbon thấp, không chỉ ở thị trường đầu cuối mà trong cả chuỗi cung ứng. Mục tiêu kìm hãm tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C trở nên khó khăn hơn bởi đại dịch Covid-19. Sự suy thoái nền kinh tế toàn cầu có tác động kéo dài thời gian hồi phục. Covid-19 đã ảnh hưởng đến cả cung và cầu đối với tài nguyên thiên nhiên và nhiều loại hàng hóa khác, cũng như suy giảm đầu tư.

Bùng nổ sản xuất nguyên liệu cho pin điện

Công nghệ xe điện, lưu trữ năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo sẽ đóng vai trò quan trọng để đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu, đòi hỏi sản xuất nguyên liệu tăng mạnh. Đối với pin điện, thế giới cần sự bùng nổ trong sản xuất lithium và các kim loại quan trọng khác. Áp lực suy giảm kinh tế toàn cầu đang gây ra những khó khăn trong duy trì tăng trưởng sản xuất lithium. Tùy thuộc vào tốc độ phục hồi kinh tế, hạn chế nguồn cung một số kim loại cần thiết như Coban và Niken có thể xảy ra trong vài năm tới. Trong kịch bản giảm 2 độ C, số lượng xe điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 3 lần vào năm 2040, lên 900 triệu chiếc, nhu cầu nguyên liệu tăng cao và sẽ xảy ra tình trạng thâm hụt Coban vào năm 2025 và Niken vào năm 2024.

Nhu cầu dầu và khí đốt sẽ tiếp tục tăng

Tổng chi phí CAPEX trong ngành năng lượng và khai khoáng năm 2020 dự kiến sẽ giảm 16% so với năm 2019 trước khi tăng trở lại vào năm 2021. Nếu không có nỗ lực phối hợp toàn cầu để nhiệt độ Trái đất tăng dưới 2 độ C, nhu cầu dầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng ổn định, mặc dù tốc độ có thể chậm lại đáng kể sau năm 2025. Theo kịch bản cơ sở (base case) của Wood Mackenzie, nhu cầu dầu sẽ không đạt đỉnh trước năm 2039 và nguồn nguyên liệu hóa dầu sẽ tiếp tục tăng sau năm 2030 ngay cả khi tiêu thụ xăng bắt đầu giảm. Cũng theo kịch bản này, sản lượng khai thác dầu toàn cầu sẽ giảm từ 96 triệu thùng/ngày xuống còn 75 triệu thùng/ngày vào cuối thập kỷ tới. Nhu cầu khí toàn cầu dự kiến tiếp tục tăng và chững lại vào khoảng năm 2040, trong đó nhu cầu LNG được dự báo tăng trưởng mạnh. Một lượng lớn dự án đã được lên kế hoạch, nhưng cuộc khủng hoảng đại dịch đã làm trì hoãn/dừng các quyết định đầu tư cuối cùng. Với nhu cầu LNG ngày càng tăng, các nhà sản xuất khí sẽ phải xem xét quyết định đầu tư tiềm năng trong tương lai gần để đáp ứng nhu cầu của thị trường vào giữa thập kỷ tới.

Sự cần thiết mở rộng nhanh chóng các công nghệ mới

Trong kịch bản tăng trưởng nhiệt độ dưới 2 độ C, thế giới cần sử dụng năng lượng hiệu quả hơn và sử dụng nhiều điện hơn. Tổng mức sử dụng năng lượng sơ cấp vào năm 2040 phải giảm 14%, mức tiêu thụ điện tăng 29%. Phần lớn nguồn điện năng phải đến từ các nguồn tái tạo, trong đó điện gió và điện mặt trời phải chiếm tỷ trọng ít nhất 30%. Tuy nhiên, tốc độ sử dụng năng lượng tái tạo và xe điện như hiện nay là chưa đủ. Thế giới cần phải mở rộng nhanh chóng công nghệ năng lượng mới như phát triển điện gió, điện mặt trời quy mô lớn và sản xuất hàng loạt ô tô điện. Khó khăn tiếp theo là những vấn đề liên quan lưu trữ năng lượng trong thời gian dài, xe tải hạng nặng chạy điện, sử dụng nhiên liệu sinh học hoặc động cơ điện cho máy bay vẫn chưa có lời giải cuối cùng. Hai công nghệ có thể hỗ trợ khử carbon và ổn định lưới điện là công nghệ thu gom và lưu trữ CO2 (CCS) và công nghệ hydro tái tạo (được sản xuất bằng điện phân nước sử dụng điện gió và điện mặt trời) chưa thực sự được triển khai rộng rãi. Hơn nữa, hydro tái tạo hiện có giá thành đắt hơn nhiều so với hydro được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch.

Nhiều phương pháp tiếp cận mới để giảm phát thải CO2 đang được thử nghiệm, bao gồm quá trình metan hóa, tổng hợp nhiên liệu và khoáng hóa. Các công nghệ này vẫn đang ở giai đoạn đầu và cần thời gian để chứng minh tính khả thi về mặt thương mại. Nếu thành công, chúng có thể giảm tổng chi phí cho công nghệ CCS.

Nếu thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu trong Thỏa thuận Paris 2015 thì hydro tái tạo và CCS phải là một phần của giải pháp. Điều này có nghĩa, hai công nghệ mới này cần được sự hỗ trợ bền vững về mặt chính sách từ các chính phủ. Việc thu hút đầu tư để chuyển hai công nghệ này từ giai đoạn thử nghiệm ứng dụng sang thương mại hóa hoàn toàn cần giá nhiên liệu cao hơn, cộng thêm một chính sách carbon toàn cầu nhất quán.

Phạm TT
https://petrotimes.vn/dai-dich-khien-muc-tieu-giam-2-do-c-cho-trai-dat-tro-nen-ngay-cang-kho-khan-580360.html