Máy bay điện nhanh nhất thế giới vừa được chạy thử trên đường băng với tốc độ 500km/h. Được biết đây là chiếc máy bay sẽ trở thành hình mẫu của tương lai
Máy bay điện Spirit of Innovation
Chiếc máy bay điện trên có tên là Spirit of Innovation do hãng Rolls-Royce thử nghiệm. Việc thử nghiệm trên đường băng đóng vai trò quan trọng thể hiện hệ thống đẩy tối tân Spirit of Innovation.
Các nhà phát triển hy vọng mẫu máy bay này không chỉ trở thành hình mẫu với máy bay tương lai mà cả với taxi bay và các hình thức giao thông đô thị khác.
Rolls-Royce lần đầu tiên công bố thiết kế máy bay năm 2019 với mục tiêu phá kỷ lục tốc độ dành cho máy bay điện trước đây do Siemens lập ra vào năm 2017 (338 km/h). Hãng chế tạo Spirit of Innovation cùng với nhiều đối tác theo chương trình Thúc đẩy điện hóa máy bay của chính phủ Anh. Phương tiện trang bị bộ pin 6.000 tế bào với mật độ năng lượng cao nhất từng được dùng trên máy bay.
Chiếc máy bay điện được thử nghiệm đạt tốc độ 500km/h. Ảnh: VnExpress
Hệ thống truyền lực điện 400 kW được kỳ vọng có thể giúp máy bay đạt tốc độ trên 482 km/h, lập kỷ lục mới dành cho máy bay điện. Trong loạt thử nghiệm vừa qua, Spirit of Innovation cho thấy hệ thống đẩy đã được lắp ráp thành công.
Rob Watson, giám đốc Rolls-Royce Electrical, cho biết: “Lần đầu tiên chiếc máy bay tự đẩy về phía trước bằng năng lượng từ bộ pin cao cấp và hệ thống đẩy. Đây là đột phá trong công nghệ điện. Hệ thống này sẽ giúp Rolls-Royce đi đầu trong cung cấp hệ thống điện trên thị trường giao thông trên không trong đô thị”.
Máy bay điện 9 chỗ eCaravan
Tương tự, trước đó, chiếc máy bay trang bị hệ thống đẩy bằng điện công suất 750 mã lực thực hiện chuyến bay thử đầu tiên kéo dài 30 phút ở bang Washington Mỹ.
Máy bay điện 9 chỗ eCaravan, kết quả hợp tác giữa công ty động cơ MagniX và công ty hàng không AeroTEC bay phía trên thành phố Moses Lake thuộc bang Washington (Mỹ) dưới sự điều khiển của một phi công thử nghiệm và theo sau là một chiếc máy bay hộ tống nhỏ. eCaravan bay tới độ cao 762 m, sau đó hạ xuống 305 m và dành 25 phút để bay lướt phía trên cơ sở sân bay Moses Lake.
Khi bay trong không trung, phi công điều khiển eCaravan thực hiện nhiều thao tác nhằm kiểm tra chuyển động và độ an toàn. Chiếc máy bay điện hoàn thành thử nghiệm sau 30 phút bay vòng quanh cơ sở Moses Lake và trở lại đường băng nơi nó cất cánh.
Để phát triển phương tiện, nhóm thiết kế sử dụng máy bay tầm trung Cessna Grand Caravan và trang bị thêm động cơ điện. MagniX hy vọng có thể tung ra phiên bản thương mại của eCaravan với tầm hoạt động 160 km vào cuối năm sau.
Theo Roei Ganzarski, giám đốc điều hành MagniX, động cơ điện rất cần thiết đối với máy bay để giảm lượng khí thải. Ganzarski cho rằng máy bay điện sẽ có chi phí vận hành rẻ hơn do nhu cầu sử dụng nhiên liệu hóa thạch ngày càng giảm. Chi phí cho mỗi giờ bay của máy bay điện sẽ rẻ hơn 40 – 70% so với máy bay thông thường. Nhờ đó, các nhà vận hành có thể đưa nhiều máy bay tới sân bay nhỏ hơn, mang lại trải nghiệm đưa đón tận cửa và không thải khí CO2 độc hại.
Ganzarski dự đoán máy bay điện sẽ thực hiện mọi chuyến bay dưới 1.600 km trong vòng 15 năm tới nhưng trước hết cần cải tiến công nghệ pin. Hiện nay, máy bay điện phù hợp hơn với các chuyến bay ngắn khoảng 160 km. Ngoài MagniX, nhiều công ty khác như Airbus, Embraer và Rolls-Royce cũng đang phát triển máy bay điện.
Máy bay điện X-57
NASA sắp tiến hành thử nghiệm vận hành trên mặt đất bằng điện cao thế với mẫu máy bay đầu tiên hoạt động hoàn toàn bằng điện X-57 Maxwell.
Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) công bố thiết kế cuối cùng của mẫu máy bay hoạt động bằng điện mang tên X-57 Maxwell. Là máy bay điện có người lái đầu tiên do NASA phát triển trong hai thập kỷ qua, X-57 có phần cánh thuôn dài.
X-57 được phát triển dựa trên mẫu máy bay hạng nhẹ Tecnam P2006T 4 chỗ ngồi, trang bị 12 motor điện ở rìa cánh cùng với 2 cánh quạt lớn ở đầu cánh.
Theo NASA, hình dạng cánh dài và dẹt sẽ giúp tăng hiệu suất bay bằng cách giảm lực cản. Motor điện cung cấp lực đẩy để cất cánh và hạ cánh, giúp X-57 đạt tới độ cao hành trình. Ở độ cao này, motor điện ngừng hoạt động, các cánh quạt gập lại bên trong vỏ bảo vệ. Máy bay duy trì hoạt động nhờ cánh quạt đường kính 1,5 mét ở đầu cánh.
Mẫu máy bay X-57 hướng đến đáp ứng các tiêu chuẩn về khả năng bay, độ an toàn, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tiếng ồn, theo Brent Cobleigh, quản lý dự án ở Trung tâm nghiên cứu bay Armstrong của NASA tại Edwards, cách Los Angeles 160 km về phía bắc. X-57 được phát triển từ năm 2015 và dự kiến bay thử lần đầu tiên vào cuối năm nay.
Thử nghiệm sẽ diễn ra tại Trung tâm nghiên cứu bay Armstrong của NASA ở Edwards, California, tạo ra cột mốc quan trọng cho dự án khi NASA triển khai từ giai đoạn thiết kế linh kiện và nguyên mẫu tới vận hành phương tiện như một chỉnh thể thống nhất, tiến gần hơn tới chuyến bay đầu tiên. Hiện nay, X-57 đang được chế tạo theo cấu hình đầu tiên, gọi là Mod 2, sử dụng hệ thống hỗ trợ pin ở giai đoạn thử nghiệm, lấy năng lượng từ bộ cung cấp điện cao thế trong khi công tác phát triển hệ thống kiểm soát pin gần hoàn thành. Theo thiết kế, X-57 có tầm hoạt động 160 km và vận tốc tối đa 282 km/h.
Thử nghiệm sẽ bắt đầu với công suất thấp, kiểm tra khởi động và tắt máy để xác nhận phần mềm điều khiển motor mới sẵn sàng để sử dụng như dự kiến. Gần đây, phần mềm này và nhiều bộ phận quan trọng khác được thiết kế lại dựa trên những bài học trước đó, theo nhà thầu chính của dự án, công ty Empirical Systems Aerospace, hay ESAero, ở San Luis Obispo, California.
Các thử nghiệm sẽ bao gồm vận hành phương tiện với công suất cao hơn. Cặp motor điện đầu tiên trên X-57 do ESAero cung cấp, sẽ được nạp điện và kích hoạt, cho phép kỹ sư đảm bảo cánh quạt đẩy quay như thiết kế. Sau đó, họ sẽ tăng tốc motor, thông qua hệ thống thiết bị trên máy bay và xác nhận tất cả cảm biến đã lắp có hoạt động tốt không.
“Nhiều thành viên trong đội thực hiện thử nghiệm chính là những người sẽ ngồi ở phòng điều khiển bay, và đó là lý do tôi rất hào hứng”, Sean Clarke, nhà nghiên cứu chính trong dự án X – 57 của NASA cho biết.
An Dương (T/h)
http://vietq.vn/cong-nghe-vuot-troi-cua-nhung-chiec-may-bay-dien-nhanh-nhat-the-gioi-d184430.html