Theo trang tin News.mit.edu, nhóm chuyên gia ở Viện công nghệ Massachusett Mỹ (MIT) vừa phát triển thành công công nghệ mới, tạo ra một loại bê tông khỏe hơn so với bê tông truyền thống nhờ được tăng độ cứng bằng chai lọ, rác thải nhựa chiếu xạ. Đây là phát minh “một mũi tên trúng nhiều đích” tạo ra sản phẩm hữu ích đồng thời giải quyết được bài toán về rác thải.
Thông thường, việc bổ sung nhựa vào bê tông sẽ làm kết cấu vật liệu trở nên suy yếu, nhưng công nghệ của MIT đã khắc phục được nhược điểm này, bằng cách cho nhựa tiếp xúc với tia gamma, từ đó giúp bê tông tăng cứng, khỏe hơn.
Theo Phó giáo sư Michael Short, thành viên nhóm nghiên cứu ở MIT, nhựa chiếu xạ sẽ được nghiền thành bột và trộn với xi măng. Kết quả giúp tạo ra vật liệu bê tông chắc cứng hơn 15 – 20% so với bê tông tiêu chuẩn mà không để lại hiện tượng nhiễm xạ. Nguồn chiếu xạ ở đây là tia gamma cobalt-60, thường được sử dụng thương mại để khử nhiễm thực phẩm nên rất an toàn cho con người nếu sống trong các ngôi nhà xây dựng bằng các loại bê tông nói trên.
Công nghệ mới giúp bê tông khỏe hơn so với bê tông truyền thống nhờ được tăng độ cứng cứng từ chai lọ, rác thải nhựa chiếu xạ. Nguồn ảnh: News.mit.edu
Hiện, nhóm đề tài đang có kế hoạch thử nghiệm các loại nhựa thải khác với nhiều liều phóng xạ gamma khác nhau để xác định ảnh hưởng của nó đối với bê tông. Với việc thay thế 1,5% bê tông bằng nhựa chiếu xạ sẽ cải thiện đáng kể độ cứng của bê tông. Thông thường, bê tông sản xuất khoảng 4,5% khí thải carbon dioxide của thế giới, nếu giảm 1,5% lượng bê tông sẽ giảm được 0,0675 % khí thải carbon dioxide của thế giới, lượng khí thải này sẽ rất lớn nếu công nghệ được áp dụng trên quy mô toàn cầu.
Theo News.mit.edu