Các nhà khoa học phát hiện con người chỉ chiếm khoảng 0,01% sinh khối của tất cả sinh vật trên Trái Đất. Nhưng con người là loài thống trị, đã xoá sổ hầu hết sự sống khác.

“Tôi hy vọng nghiên cứu này sẽ giúp con người có một góc nhìn về vai trò chi phối của họ đối với sự sống trên Trái Đất”, Ron Milo, tác giả chính của nghiên cứu tại Viện Khoa học Weizmann (Israel), cho biết.


Tổng sinh khối của con người chiếm khoảng 0,01% so với tất cả sinh vật sống trên Trái Đất. Ảnh: AP.

Milo và cộng sự đã dành ba năm để tìm kiếm các tài liệu khoa học về sinh khối của Trái Đất nhằm đưa ra ước tính cập nhật và toàn diện nhất về khối lượng của tất cả sinh vật sống. Nhóm nghiên cứu khảo sát hàm lượng carbon mà không tính đến khối lượng nước khác nhau của các loài động vật, thực vật và những dạng sống khác.

Trong một nhiên cứu được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ vào tháng 4/2018, kết quả cho thấy, tổng sinh khối của Trái Đất khoảng 550 giga tấn carbon (Gt C), 80% trong số đó (450 Gt C) được tạo ra bởi thực vật. Vi khuẩn xếp ở vị trí thứ hai chiếm 15% (70 Gt C). Nấm xếp ở vị trí thứ ba với 12 Gt C, lớn gấp sáu lần tất cả đời sống động vật trên hành tinh. Đứng ở hai vị trí tiếp theo là vi khuẩn cổ (7 Gt C) và sinh vật đơn bào (4 Gt C).

Sinh khối của con người chỉ khoảng 0,06 Gt C, lớn gấp gần 10 lần so với động vật có vú hoang dã (0,007 Gt C).

Nhóm nghiên cứu thừa nhận, rất khó để ước lượng chính xác sinh khối của các loài động vật xuất hiện trước con người. Các phân tích của họ cho thấy, nền văn minh con người đã làm giảm tổng sinh khối của động vật có vú hoang dã khoảng 85%, cũng như làm giảm một nửa sinh khối thực vật.

Điều này gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ sinh quyển, dẫn đến một tình huống mà các nhà khoa học nhận định rằng: “Chúng ta đang ở giữa một sự kiện tuyệt chủng hàng loạt mà gần như chưa có tiền lệ.”

Trên trái đất có bao nhiêu loài sinh vật?

Các nhà khoa học đã xác định và mô tả được gần 1.413.000 loài, chủ yếu là các loài côn trùng và thực vật. Phần lớn các loài côn trùng, vi khuẩn và nấm vẫn chưa được mô tả và thậm chí số lượng các loài có thể đạt tới 5 triệu hay hơn.

Những hiểu biết về loài còn rất hạn chế vì các nhà phân loại học không chú ý đến một số loài như giun, côn trùng và các loài nấm sống trong đất, những loài côn trùng sống trong tán lá rậm rạp trên tầng lá cây cao của rừng nhiệt đới, chúng thường rất nhỏ và rất khó nghiên cứu. Hàng trăm ngàn nhóm loài chỉ được biết đến một cách hết sức sơ sài.

Những nhà vi sinh vật học chỉ biết được khoảng 4.000 loài vi khuẩn vì rất khó nuôi cấy và phân loại những mẫu vật này. Việc lấy mẫu khó khăn đã cản trở việc nghiên cứu, tìm hiểu về sự đa dạng sinh học trong môi trường đại dương, nơi rất giàu có về đa dạng sinh học.

Cả một ngành động vật mới, ngành Loricifera, được biết đến lần đầu tiên năm 1983 nhờ những mẫu vật lấy từ đáy biển sâu và sẽ không sai lầm khi nói rằng hiện còn nhiều loài sinh vật vẫn chưa được loài người phát hiện.

Theo moitruong.com.vn