Tại Hội thảo khoa học “Không để nhựa thành rác”, các nhà khoa học, chuyên gia chính sách đồng quan điểm cho rằng rác thải nhựa nếu được tái chế hợp lý sẽ là nguồn tài nguyên quý giá, tiết kiệm cho nền kinh tế Việt Nam hàng tỷ USD.

Nhựa từng được xem là phát minh có tính bước ngoặt của loài người, đã được đưa vào đời sống hàng ngày và vẫn phổ biến đến ngày nay. Tuy nhiên, hành động thiếu ý thức của con người đã biến nhựa thành thảm họa “ô nhiễm trắng”.

Nhựa bị vứt bỏ ra môi trường gây tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững. Nhằm nâng cao nhận thức xã hội với rác thải nhựa, sáng ngày 22/10/2019, tại Hà Nội, Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học “Không để nhựa thành rác”.

Hội thảo quy tụ các nhà khoa học nghiên cứu về kinh tế tuần hoàn, về môi trường; các chuyên gia đang làm công tác quản lý, nghiên cứu tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Thi – Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mỗi năm lượng chất thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt trái đất, trong đó 13 triệu tấn chất thải nhựa được đổ ra đại dương. Việt Nam hiện đang đứng thứ 17 trong 109 quốc gia về lượng phát thải nhựa phát sinh hằng năm.

Lượng rác lớn nhưng hiện nay việc xử lý rác thải rắn nói chung và rác thải nhựa nói riêng chủ yếu ông nghệ chôn lấp, trong đó 69% không đạt yêu cầu vệ sinh, 132 bãi chôn lấp là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trong khi đó công nghệ sản xuất phân bón compost, công nghệ đốt… hạn chế và gây tác hại đến môi trường.

Hiện nay, các quy định nêu trên chưa thành một hệ thống thống nhất để có thể vận hành hệ thống xử lý, tái chế chất thải ở nước ta. Thêm vào đó tình trạng “đánh trống bỏ dùi” ở các địa phương dẫn đến rác thải nhựa đang là vấn nạn môi trường.

Chung nhận định, TS. Bùi Đức Hiển – Phòng Luật Tài nguyên và Môi trường, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng, các hoạt sản xuất và dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất là xu hướng phát triển bền vững, sự quay vòng đó tạo nên nền kinh tế tuần hoàn. Đây là xu hướng của phát triển bền vững giúp đạt được cả hai mục tiêu, ứng phó với sự cạn kiệt của tài nguyên đầu vào và tình trạng ô nhiễm môi trường trong phát triển ở đầu ra.

“Ở Việt Nam, nhu cầu thúc đẩy phát triển nền kinh tế tuần hoàn ngày càng trở nên cấp thiết do tài nguyên ngày càng bị khai thác cạn kiệt, môi trường ngày càng bị ô nhiễm trầm trọng. Với diện tích đứng thứ 68 thế giới, dân số đứng thứ 15, nhưng chúng ta hiện đứng thứ 4 thế giới về rác thải nhựa, với 1,83 triệu tấn/năm”, TS. Hiểu nêu quan điểm.

Tại Hội thảo TS. Bùi Đức Hiển thông tin: Ước tính thực tế tại Châu Âu, kinh tuần hoàn có thể tạo ra lợi ích 600 tỷ Euro mỗi năm, 580.000 việc làm mới và giúp giảm phát thải khí nhà kính . Hay ở Thái Lan, Malaysia, Singapore,… đã áp dụng các phương pháp tái chế chất thải rắn thông thường hợp lý, nên mỗi năm đã tiết kiệm được 50-55% các loại nguyên liệu như: bột giấy, nhựa, kim loại nặng từ việc tái chế rác thải.

Với kinh tế Việt Nam nếu phát triển nền kinh tế tuần hoàn bằng cách coi rác thải nói chung, rác thải nhựa nói riêng là nguồn tài nguyên để từ đó khai thác thành nguyên liệu đầu vào cho sản xuất sẽ giúp tiết kiệm hàng tỷ USD mỗi năm.

TS. Hiển nhấn mạnh: Thứ nhất, quan điểm về thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Xây dựng pháp luật, phát triển kinh tế tuần hoàn phải gắn với yêu cầu về phát triển bền vững; yêu cầu về bảo đảm quyền con người, trong đó có quyền được sống trong môi trường trong lành. Thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cần tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, nhưng cũng phải phù hợp với thực tiễn phát triển của Việt Nam.

Thứ hai, hoàn thiện các chính sách pháp luật về quản lý chất thải nhựa hướng tới phát triển kinh tế tuần hoàn. Thực hiện giảm chất thải nhựa, phân loại chất thải nhựa tại nguồn, thu gom xử lý chất thải nhựa.

Cho rằng Hội thảo chọn chủ đề thời sự, góp phần sáng tỏ vấn đề dư luận quan tâm, PGS.TS Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII, Viện trưởng Viện Tài nguyên, Môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, báo chí truyền thông cần đẩy mạnh việc thông tin để người dân hiểu đúng, hiểu đầy đủ về rác thải nhựa.

Theo PGS.TS Bùi Thị An hiện nay không ít người coi rác thải nhựa như “kẻ thù” mà quên rằng chính hành động thiếu ý thức của con người như vứt rác bừa bãi, dẫn đến hệ lụy cho môi trường. Đồng thời, việc cơ quan quản lý nhà nước chưa quan tâm, nhận thức đẩy đủ vấn đề rác thải nhựa dẫn đến lãng phí nguồn tài nguyên quý.

PGS.TS Bùi Thị An cho biết, các nước hình thành ngành công nghiệp tái chế rác thải, trong đo rác thải nhựa, từ đó làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất. Vấn đề ở đây là thay đổi nhận thức từ đó hành động để từ đó góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Cũng bày tỏ quan điểm tại hội thảo, ông Nguyễn Thanh Tùng – Vụ trưởng Vụ chính sách và pháp luật, Tổng cục biển và hải đảo (Bộ TN&MT) cho rằng: Hiện tại, việc hạn chế ô nhiễm môi trường bắt nguồn từ rác thải nhựa mới đang ở mức kêu gọi và cần phải có hành động thiết thực hơn.

“Chúng ta đã được nghe các báo cáo đề cập đến giải pháp về thể chế chính sách, tư tưởng kinh tế tuần hoàn và kỹ thuật liên quan đến sản lượng nhựa…Qua đó chúng ta thấy rằng Việt Nam cũng đã triển khai thực hiện các hành động và có các nhận thức khác nhau về rác thải nhựa”, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ. Đồng thời cho biết, qua hội thảo sẽ lắng nghe các giải pháp được đưa ra, để tổng hợp có ý kiến tham mưu đến các cấp có thẩm quyền để có chính sách phù hợp về nhựa và rác thải nhựa trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hiện nay ngoài việc triển khai các vấn đề chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến việc hạn chế rác thải nhựa như: Luật bảo vệ môi trường, Luật về thuế bảo vệ môi trường… thì hiện Bộ TN&MT cũng đang xây dựng kế hoạch hành động quốc gia về giảm thiểu rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 để trình Thủ tướng. Đồng thời xúc tiến thành lập Trung tâm nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa được đặt tại Việt Nam.

“Thông qua các hội nghị quốc tế, chúng ta đang nỗ lực kêu gọi và khẳng định Việt Nam là một trong những nước tiên phong đi đầu trong lĩnh vực chống rác thải nhựa nói chung và rác thải nhựa đại dương nói riêng”, ông Tùng thông tin.

Bàn về rác thải nhựa ông Tùng cho rằng có 3 nội dung cần quan tâm chủ yếu đó là: Vấn đề phát sinh rác thải nhựa, vấn đề tái chế rác thải nhựa, vấn đề thu gom rác thải nhựa…

Đánh giá cao các ý kiến tham luận của các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo PGS.TS Nguyễn Thị Chính – Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho biết, qua ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học đã gợi mở những “từ khóa” để giả quyết bài toán rác thải nhựa, thảm họa “ô nhiễm trắng” hiện nay.

Theo Moitruong.com.vn/Tienphong (23/10/2019)