Mối đe dọa của biến đổi khí hậu đã vượt qua viễn cảnh chiến tranh hạt nhân trong khi cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ làm tăng nguy cơ Ebola lan rộng hơn và đến các khu vực trước đây không bị ảnh hưởng bởi vi rút, làm tăng từ 1,75 đến 3,2 lần về tốc độ vi rút chết người lây lan từ động vật sang người vào năm 2070.

Cấp bách hơn chiến tranh hạt nhân

Mối đe dọa của biến đổi khí hậu đã vượt qua viễn cảnh chiến tranh hạt nhân để trở thành mối quan tâm cấp bách nhất mà loài người phải đối mặt. Đây là lời cảnh báo được cựu Tổng thống Colombia và là người đoạt giải Nobel Hòa bình 2016 đưa ra ngày 21/10 tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh tế Xanh Thế giới tại Dubai.


Con người đang phải đối mặt với một điều tồi tệ hơn: Đó là biến đổi khí hậu.

Cựu Tổng thống Colombia và là nhà hoạt động môi trường bền bỉ Juan Manuel Santos nói rằng, sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, thế giới đã phải đối mặt với mối đe dọa của một cuộc chiến tranh hạt nhân. Cho đến nay, mối đe dọa từ chiến tranh hạt nhân vẫn hiện diện… nhưng con người đang phải đối mặt với một điều tồi tệ hơn. “Đó là biến đổi khí hậu”.

“Nếu chúng ta không hành động, chúng ta sẽ diệt vong. Chúng ta phải hành động để sinh tồn”, cựu Tổng thống Colombia nhấn mạnh.

Tại hội nghị diễn ra trong hai ngày này, các chuyên gia đã kêu gọi các chính sách tích cực hơn để đạt được mục tiêu của Thỏa thuận Paris là ngăn nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng hơn 2 độ C (3,6 Fahrenheit) trên mức trước thời kỳ công nghiệp.

Các chuyên gia, các nhà chính sách cũng kêu gọi hành động nhiều hơn để giảm lượng khí thải carbon và tiến nhanh hơn tới năng lượng tái tạo cũng như tăng thuế đối với lượng khí thải carbon.

Chủ tịch Hội đồng Năng lượng Xanh thế giới Mohamed Kafafy nói rằng: “Một số quốc gia vẫn nghĩ rằng tiến tới nền kinh tế xanh là một điều xa xỉ. Thực ra, nó đã trở thành một câu hỏi tồn tại hay không tồn tại”.

Ông Kafafy nói rằng các quỹ thu được từ thuế carbon cần được sử dụng để thúc đẩy các sáng kiến kinh tế xanh và năng lượng tái tạo.

Dịch Ebola lây lan khắp thế giới

Cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ làm tăng nguy cơ Ebola lan rộng hơn và đến các khu vực trước đây không bị ảnh hưởng bởi vi rút, làm tăng từ 1,75 đến 3,2 lần về tốc độ vi rút chết người lây lan từ động vật sang người vào năm 2070. Thậm chí, có nguy cơ cao Ebola sẽ lây lan sang Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, châu Âu và Mỹ.

Hãng CNN trích dẫn một công trình nghiên cứu công bố trên Nature Communications khẳng định khủng hoảng khí hậu làm tăng nguy cơ bùng phát Ebola. Biến đổi khí hậu có thể khiến Ebola lan rộng hơn và tiếp cận các khu vực trước đây không bị ảnh hưởng bởi vi rút.

Nghiên cứu nói trên cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ làm tăng 3,2 lần nguy cơ lây lan của vi rút từ động vật sang người. Cụ thể, những vụ dịch tàn khốc hơn ở các khu vực châu Phi nơi trước đây chưa từng có vi rút, đều được ghi nhận trong tất cả các kịch bản nóng lên của khí hậu.

Từ những khu vực này, căn bệnh này sẽ lan sang các quốc gia khác do dịch vụ hàng không phát triển. Nghiên cứu cho thấy cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ mang lại sự gia tăng từ 1,75 đến 3,2 lần về tốc độ vi rút chết người lây lan từ động vật sang người vào năm 2070.

Đặc biệt, sẽ có nguy cơ bùng phát dữ dội hơn ở các khu vực châu Phi chưa từng thấy dịch bệnh bùng phát trước đây trong tất cả các kịch bản nóng lên của khí hậu mà các nhà nghiên cứu đã xem xét, bao gồm cả kịch bản khi chúng ta cắt giảm một chút hay đáng kể lượng khí thải carbon. Nhiệt độ cao hơn và sự phát triển kinh tế và xã hội chậm hơn sẽ dẫn đến rủi ro lớn hơn.

Các nhà nghiên cứu cho biết, ở Tây Phi và Trung Phi, nơi các ổ dịch truyền thống tích tụ lại, các vụ dịch bệnh sẽ xảy ra thường xuyên hơn và lan rộng hơn, thông qua các hãng hàng không, đến các khu vực không bị ảnh hưởng trước đây. Sử dụng mạng lưới các chuyến bay hiện tại trong mô hình nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy có nguy cơ cao Ebola lây lan sang Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, châu Âu và Mỹ.

Theo Thanh Thảo/Moitruong.com.vn/Nhandan/Motthegioi (23/10/2019)