20 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 5, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCó thể phơi nhiễm chì từ hàng loạt sản phẩm trong môi...

    Có thể phơi nhiễm chì từ hàng loạt sản phẩm trong môi trường sống

    Date:

    Related stories

    Trên thị trường hiện nay vẫn còn có một số sản phẩm chứa chì như đồ chơi trẻ em, đũa ăn bằng nhựa, một số loại son môi và thuốc có thể gây nhiễm độc chì nghiêm trọng nếu tiếp xúc thường xuyên.

    Theo Tiến sĩ Y, Sinh học Đào Đại Cường (Nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM), trong công nghiệp, chì được dùng làm các tấm phản ứng để tạo ra điện trong bình ắc quy, pha trộn với các kim loại khác để trở thành hợp kim. Ngoài ra, nó được dùng làm chất nhuộm trắng trong sơn, là thành phần tạo màu trong kỹ thuật tráng men – đặc biệt là màu đỏ và vàng, làm tấm ngăn tia phóng xạ trong các phòng chiếu, chụp X quang, là chất chống lão hóa trong các sản phẩm bằng nhựa PVC.

    Trước kia, chì còn được dùng làm ống nước, pha với xăng để chống hiện tượng kích nổ trong động cơ xe hơi, xe máy… Do chì là chất độc hại với sức khỏe con người nên hiện tại, việc sử dụng chì trong sơn, gốm sứ, hàn vá tàu thuyền, hàn vá các loại ống kim loại đã giảm mạnh. Nhiều nước trong đó có Việt Nam đã cấm sử dụng chì làm phụ gia trong xăng. Tuy nhiên, trên thị trường vẫn còn có một số sản phẩm chứa chì, chẳng hạn như đồ chơi trẻ em, đũa ăn bằng nhựa màu đỏ, vàng, xanh…, một số loại son môi và ngay cả một số thuốc chữa bệnh mang nhãn hiệu “thuốc dân tộc cổ truyền”.

    Các sản phẩm có chứa chì khác bao gồm: Bột màu, sơn, chất hàn, kính màu, kính pha lê chì, đạn dược, men gốm, đồ trang sức; Một số mỹ phẩm như phấn trang điểm mắt, mỹ phẩm dạng bột phấn có màu đỏ son hoặc cam-đỏ; Các loại thuốc truyền thống được sử dụng ở các nước như Ấn Độ, Mexico và Việt Nam; Nước uống được cấp qua đường ống làm từ chì hoặc nối bằng chất hàn chì cũng có thể chứa chì.


    Nhiều sản phẩm chứa chì gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe con người. Ảnh minh họa

    Chì xâm nhập cơ thể người chủ yếu qua đường miệng và đường hô hấp. Đũa ăn chẳng hạn, để tạo màu sắc bắt mắt, lâu phai, nhà sản xuất đã cho thêm chì vào. Khi dùng đũa này ăn thức ăn nóng như mì, hủ tiếu, phở, canh…, các phân tử chì sẽ hòa tan với thức ăn, lâu dài gây ra nhiễm độc chì. Với những người làm nghề tái chế bình ắc quy, việc nhiễm độc chì xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với những tấm “lắc” làm bằng chì.

    Đồ hộp cũng vậy, một vài hãng sản xuất đồ hộp vẫn dùng chì để hàn mí vỏ hộp nhằm làm giảm giá thành. Nếu hộp được sử dụng để đựng nước ép trái cây, tính axit trong nước ép sẽ giải phóng các phân tử chì ở các mối hàn. Tại vài nhà hàng, nhằm tăng thêm tính sang trọng, quý phái, chén, dĩa ăn được làm bằng gốm sơn mài. Chì trong sơn mài sẽ hòa tan vào thức ăn, đặc biệt là thức ăn nóng.

    Chì là một chất độc đã được công nhận là có tác hại đến sức khỏe con người, đặc biệt là ảnh hưởng đến hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa và máu. Các nghiên cứu khoa học từ lâu đã chỉ ra: Trẻ nhỏ đặc biệt dễ bị tổn thương vì các em có mức phơi nhiễm cao hơn người lớn vì chì ảnh hưởng đến não đang phát triển, có khả năng làm giảm khả năng trí tuệ.

    Khi đi vào cơ thể, chì thường tích tụ trong các mô mềm, trong xương. Chì làm giảm yếu tố tạo xương, gây mất cân bằng các tế bào xương, làm giảm chiều cao ở trẻ. Nếu chì đã vào xương thì rất khó thải loại. Muốn thải loại phải dùng những loại biệt dược và phải mất từ 10 đến 20 năm. Bên cạnh đó, chì còn gây tổn thương cho hệ thần kinh não bộ, chủ yếu ở chất xám vỏ não và tủy sống, chưa kể chì còn ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.

    Kể cả ở liều lượng thấp, chì vẫn có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, dẫn đến giảm chỉ số IQ, thay đổi hành vi như giảm khả năng chú ý và gia tăng các hành vi chống đối xã hội, giảm khả năng học hành. Phơi nhiễm chì cũng có thể gây tổn thương thận, cơ quan sinh sản, và hệ miễn dịch, dẫn đến tình trạng thiếu máu và tăng huyết áp. Các tác động đến thần kinh và hành vi của chì thường không thể khắc phục.

    Với trẻ em, mức độ hấp thụ chì nhanh và cao gấp 3 hoặc 4 lần so với người lớn. Thời gian bộc phát những triệu chứng nhiễm độc cũng nhanh hơn. Không chỉ ảnh hưởng với trẻ em, người lớn, nhiễm độc chì còn có thể gây ra những tác hại cho thai nhi ngay từ khi còn nằm trong bụng mẹ.

    Các khảo sát của Tổ chức Y tế thế giời (WHO) cho thấy người mẹ mang thai bị nhiễm độc chì thường sinh non, ở khoảng 37 tuần tuổi. Trẻ ra đời chỉ nặng trung bình 2kg, não bị tổn thương, thiếu máu, chậm phát triển, chậm biết bò, đi, nói và giao tiếp so với những trẻ bình thường khác.

    Điều nguy hiểm nhất là triệu chứng nhiễm độc chì thường rất khó nhận biết ngoại trừ trường hợp cấp tính, biểu hiện bằng những cơn hôn mê, co giật, giống như viêm màng não, viêm não, còn thì nó chỉ là kém ăn, da xạm, xanh tái, tri giác lơ mơ như các bệnh về thần kinh, tâm thần. Ngay cả với những bác sĩ khám bệnh bằng các biện pháp thông thường cũng khó phát hiện người bệnh nhiễm độc chì nếu không làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, đo nồng độ chì trong xương.

    Xét nghiệm máu chẳng hạn, nếu hàm lượng chì từ 40 đến dưới 69 mcg/dl là nhiễm độc nhẹ, từ 70 đến 100 là trung bình còn trên 100 mcg/dl là nặng. Điều trị thải độc chì cho mỗi bệnh nhân nhiễm độc chì rất tốn kém vì phải cần đến 16 đợt, kéo dài trong 2 năm, tốn từ 250 đến 300 triệu đồng. Vì thế, người tiêu dùng nên thận trọng với những sản phẩm chứa chì.

    Theo TS Maria Neira, Giám đốc Bộ phận sức khỏe cộng đồng và môi trường (WHO), việc tiếp xúc gần với chì gây ra gần 1 triệu ca tử vong mỗi năm. Nhiều người bị suy giảm sức khỏe và chịu những ảnh hưởng về lâu dài. Đặc biệt, trẻ em rất dễ bị phơi nhiễm chì với những di chứng về sức khỏe, trí tuệ không thể khắc phục. “Chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn nguy cơ phơi nhiễm từ việc ngừng sử dụng chì khi không cần thiết. Trong đó, nâng cao nhận thức về nguồn phơi nhiễm tiềm ẩn là bước quan trọng đầu tiên” – bà Maria Neira nhấn mạnh. Phơi nhiễm chì có thể xảy ra trong hoạt động sản xuất và tái chế chất thải điện tử, pin, ắc quy, sơn, kính và chất hàn; hoạt động khai khoáng và nấu chảy kim loại.

    Hiện nay đang có sự chênh lệch đáng kể trong Tiêu chuẩn tham chiếu đối với hàm lượng chì máu ở trẻ em tại Việt Nam (Quyết định số 1548/QĐ-BYT ngày 10/5/2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn chẩn đoán và điều trị ngộ độc chì (trẻ em bị nhiễm độc chì khi có hàm lượng chì máu >10 µg/dL)) so với tiêu chuẩn mới ban hành năm 2021 của CDC Mỹ.

    Do đó, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) đề xuất Bộ Y tế và các cơ quan liên quan nghiên cứu, điều chỉnh mức giới hạn tiêu chuẩn khi xét nghiệm hàm lượng chì máu từ 10 μg/dL xuống 3,5 μg/dL. Trên cơ sở này để có các giải pháp hiệu quả nhằm phòng chống nhiễm độc chì ở trẻ em khi tiếp xúc với các nguồn xung quanh môi trường sống và trường học.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/nhiem-doc-chi—ke-giet-nguoi-tham-lang-an-hien-xung-quanh-moi-truong-song-s8-d212968.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img