22 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCó nên ăn nhiều tôm cua để giải nhiệt trong thời tiết...

    Có nên ăn nhiều tôm cua để giải nhiệt trong thời tiết nắng nóng?

    Date:

    Related stories

    Trong thời tiết nắng nóng, việc nấu những món canh tôm, ngao, cua… kết hợp cùng các thực phẩm khác sẽ bổ sung nước và vitamin tốt cho cơ thể. Nhưng những món ăn trên đều là thực phẩm giàu đạm, vì vậy cần sử dụng với lượng vừa phải và ở mức nhất định.

    Nên cân đối sử dụng tôm, cua, ngao

    Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, tôm, ngao, cua đều giàu đạm, canxi, nấu với rau sẽ làm tăng độ ngọt. Những động vật này thường được nấu với mồng tơi, rau đay, bầu – là những loại rau đang vào chính vụ nên sẽ tươi ngon và an toàn hơn rau trái vụ. Tuy nhiên, bác sĩ Hưng khuyên nên dùng với số lượng vừa phải do tôm, cua, ngao chứa nhiều đạm, cung cấp nhiều năng lượng, tiêu thụ quá nhiều sẽ gây nóng trong.

    Đơn cử, món canh tôm bầu khá nhiều dinh dưỡng. Trong 100 g tôm khô chứa 70 g đạm (cao hơn nhiều so với tôm tươi), thậm chí cao hơn cả lượng đạm trong thịt bò, lợn. Ngoài ra, tôm khô còn giàu natri, kẽm, canxi, muối khoáng. Bầu chứa nhiều vitamin, lượng chất xơ hòa tan cao, vì vậy đây là món có giá trị dinh dưỡng cao. Khi ăn món này, mọi người nên giảm ăn các thực phẩm nhiều đạm khác để tạo cân bằng dinh dưỡng.


    Cua, ốc hay ngao đều sống ở tầng đáy, rất dễ bị nhiễm kim loại nặng. Ảnh minh họa

    TS. BS Từ Ngữ – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam lại cho biết tôm hay cua đều là thực phẩm giàu đạm, nếu dùng nhiều kể cả khi kết hợp với rau để nấu canh cũng cung cấp nhiều năng lượng cho cơ thể. Trong khi đó, nguyên tắc là khi cơ thể sinh năng lượng thì sẽ làm nóng hơn chứ không phải giải nhiệt. Vì thế, nên cho lượng vừa phải tôm, cua để nấu canh, không nên vì ngon mà ăn quá nhiều.

    Ngoài ra, TS Từ Ngữ cũng khuyến cáo các món ăn trên rất hợp với cà muối, trong khi đây là thực phẩm mặn, do vậy cũng nên tiết chế khi ăn. Chỉ nên ăn 3-4 quả cà pháo/bữa và không ăn nhiều. Thậm chí ngay cả với canh cua, canh tôm hay canh ngao cũng không ăn thường xuyên, vì nó có nguy cơ gây hại cho cơ thể.

    “Với cá nhân tôi, nếu là cơm gia đình tôi không ăn cua, ốc hay ngao vì chúng đều sống ở tầng đáy, nhiễm rất nhiều kim loại nặng. Khi ăn những món chế biến từ thực phẩm này cũng có nghĩa cơ thể sẽ hấp thu tất cả những chất đó. Vì vậy, mọi người cũng nên tiết chế, không nên ăn quá nhiều để tránh bị tồn dư các kim loại nặng. Ngoài ra, những người bị dị ứng không nên sử dụng món canh này”, TS Từ Ngữ chia sẻ.

    Tự tay sơ chế và nấu tại nhà

    PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, việc ăn canh tôm hay canh cua cần có sự kiểm soát, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm. Nguyên nhân là hai thực phẩm này rất dễ gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm nếu sơ chế, bảo quản thực phẩm không tốt.

    Theo PGS Thịnh, hiện rất nhiều người nội trợ bận rộn, khi mua thực phẩm đều yêu cầu người bán sơ chế sạch trước. Điều này tuyệt đối không nên, nhất là các thực phẩm có nguồn gốc thủy hải sản. Mọi người vẫn nói “râu tôm nấu với ruột bầu”, nhưng đó là khi khó khăn, chúng ta phải tận dụng ăn những thứ có thể để cơ thể có thêm chất. Ngày nay cuộc sống tốt hơn, không nên ăn đầu tôm vì nó chứa nhiều chất bẩn, nhất là khi nhiều người nhờ quán nhặt sẵn lại càng nguy hiểm, vì họ sẽ không cẩn thận loại bỏ hết các chất bẩn như chính tay mình làm.


    Nên tự chế biến cua tại nhà để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh minh họa

    “Nhiều người nhờ chủ quán xay cua sẵn, sau đó lấy về nấu, điều này có thể gây hại vì cua rất dễ chết trong thời tiết nắng nóng. Ngoài ra, thịt cua nhiều đạm nên nhanh phân hủy, thối rữa. Nếu cho cả cua chết vào xay, rồi nấu ăn, nguy cơ ngộ độc rất lớn”, ông Thịnh nói. Các chuyên gia khuyến cáo dù là món ăn yêu thích trong mùa hè, nhưng mọi người chỉ nên tiêu thụ 1-2 lần một tuần. Nếu ăn thường xuyên sẽ xảy ra tình trạng mất cân đối các chất. “Đặc biệt, chỉ nấu vừa đủ ăn, tuyệt đối không nên ăn lại bữa sau vì chúng rất dễ thiu, hỏng”, PGS. Thịnh cho hay.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/co-nen-an-nhieu-tom-cua-de-giai-nhiet-trong-thoi-tiet-nang-nong-d211116.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img