Ngày nay, nhiều sản phẩm mỹ phẩm mang mác “thiên nhiên, nhà làm”, “handmade” được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng, tuy nhiên, nhiều chuyên gia khuyến cáo những sản phẩm này chưa chắc đã an toàn.
Hiện nay, tìm kiếm các mặt hàng có nguồn gốc thiên nhiên dầu gội bồ kết, tinh dầu bưởi xịt tóc trên các kênh bán hàng là điều vô cùng đơn giản. Tuy vậy, chuyên gia y học cổ truyền cho biết người tiêu dùng cần lựa chọn nhà bán lẻ uy tín vì không phải ai hay bất kỳ loại thảo mộc cứ “nấu lên, đun lên”, gắn mác handmade nhà làm là có thể sử dụng đại trà.
Những sản phẩm này là sự kết hợp giữa các nguyên liệu tự nhiên từ dược liệu thảo mộc, nhưng được nghiên cứu chuyên sâu trong phòng thí nghiệm bằng công nghệ tiên tiến tuân theo các quy trình kiểm nghiệm chặt chẽ. Mục đích là để loại bỏ những yếu tố ảnh hưởng xấu đến cơ thể và tối ưu hóa hiệu quả mang lại từ thảo dược cho người dùng.
Đặc điểm chung của dòng sản phẩm làm từ thảo dược này chính là nhà sản xuất phải hạn chế sử dụng thành phần hóa chất tổng hợp. Thành phẩm phải an toàn, ít kích ứng cho người dùng; quá trình điều chế không dùng hương liệu tổng hợp tạo mùi mà là mùi hương vốn có từ thảo dược tự nhiên trong thành phần. Cuối cùng, các sản phẩm nguồn gốc thiên nhiên phải có tính thân thiện với môi trường, có khả năng phân hủy sinh học và có thể tái chế.
Mỹ phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên cũng cần đạt chuẩn, đảm bảo cho sức khỏe người tiêu dùng
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Ngô Lê Minh Anh, hiện là giảng viên Đại học Y dược TPHCM, trưởng phòng khám Da – Thẩm mỹ Y học Cổ truyền bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM cơ sở 3 cho biết, người tiêu dùng cần tỉnh táo phân biệt đâu là sản phẩm đạt chuẩn sản xuất công nghiệp với những mặt hàng gắn mác handmade (làm thủ công) do người bán tự làm và bán trên các trang mạng xã hội hoặc sàn thương mại điện tử.
Trên thực tế, để cho ra thành phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, các nhãn hàng phải xây dựng cho được tiêu chuẩn từ quá trình phát triển thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho đến khâu sản xuất.
“Đặc biệt, doanh nghiệp phải luôn có bộ phận phụ trách kiểm nghiệm chất lượng đầu ra theo từng lô hàng, mẻ thành phẩm dựa trên các tiêu chuẩn đã được xây dựng và có cấp giấy phép để đảm bảo tính đồng nhất của sản phẩm”, bác sĩ nhấn mạnh.
Chuyên gia nói thêm thực tế hiện nay có rất nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình làm sản phẩm thảo dược theo hướng thủ công (handmade) là chính, chưa có xưởng sản xuất cũng như dây chuyền hiện đại mà làm theo ngày và bán theo đơn đặt hàng. Bác sĩ cho rằng đây không phải là những sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên chuẩn đầu ra. Bởi lẽ khái niệm handmade là tự làm, mà tự làm thì phải tự sử dụng trong ngày.
“Nếu chiết xuất từ 100% thảo mộc thì sản phẩm chỉ cần để sang ngày mai sẽ hư, ôi thiu không dùng được. Còn nếu mặt hàng đó được rao bán và giao đi khắp nơi, hạn sử dụng vài tháng thì chắc chắn có thêm thành phần khác giúp bảo quản. Nhưng cụ thể ra sao thì chưa được kiểm định và cũng không được công bố rõ tỷ lệ trên bảng thành phần. Điều này dẫn đến chất lượng sản phẩm thảo dược tự nấu tự bán không được kiểm soát”, chuyên gia nói.
Tiến sĩ Minh Anh cũng lưu ý để cho ra thành phẩm, công thức sản phẩm thảo dược cần nhận được sự tư vấn từ các bác sĩ. Chính cố vấn chuyên môn về y học cổ truyền sẽ hiểu rõ những thành phần có các vị thảo dược kỵ nhau, cơ chế tác dụng như thế nào, cần bổ sung thêm hay tăng liều vị thuốc với nồng độ, tỷ lệ chuẩn bao nhiêu giúp đạt hiệu quả cao hơn chứ không phải đun nấu hòa trộn theo cảm tính là thành sản phẩm xanh, sạch, từ tự nhiên. Bác sĩ cũng không khuyến khích người làm tự phối chế thêm bớt thành phần thảo mộc dựa trên kinh nghiệm dân gian hay những thông tin chưa xác thực.
Một sản phẩm thiên nhiên đạt chuẩn, an toàn với người sử dụng, theo Hiệp hội Các sản phẩm tự nhiên (NPA) của Hoa Kỳ thì một sản phẩm được coi là có nguồn gốc từ thiên nhiên phải có thành phần hoặc được sản xuất từ tài nguyên tái tạo được tìm thấy trong tự nhiên (từ hệ thực vật, động vật, khoáng chất), hoàn toàn không có hợp chất dầu mỏ.
Còn tại Việt Nam, nhiều chuyên gia cho rằng, sản phẩm bắt nguồn từ thiên nhiên phải có những tiêu chí rõ ràng về hàm lượng hay tỷ lệ thành phần và phải được một cơ quan chuyên môn công nhận. cần có những cơ quan chuyên môn làm đầu mối để thu thập ý kiến, nghiên cứu đề xuất xây dựng bộ tiêu chuẩn, xây dựng chính sách, giúp nhà nước và các cơ quan quản lý, giám sát loại hình sản phẩm này phát triển một cách lành mạnh, để người tiêu dùng bớt hoang mang khi sử dụng các sản phẩm trên thị trường hiện nay.
Điển hình là bộ tiêu chuẩn, Tiêu chuẩn ISO 12972-2:2020: Mỹ phẩm – Hướng dẫn định nghĩa kỹ thuật và tiêu chí đối với sản phẩm và thành phần mỹ phẩm tự nhiên và hữu cơ. Tiêu chuẩn này quy định các phương thức tính các chỉ số tự nhiên, chỉ số có nguồn gốc tự nhiên, chỉ số hữu cơ và chỉ số có nguồn gốc hữu cơ áp dụng với các loại thành phần được xác định trong TCVN ISO 12972-2:2020 (ISO 16128-2:2017). Đồng thời tiêu chuẩn đưa ra các khung xác định hàm lượng sản phẩm tự nhiên, sản phẩm nguồn gốc tự nhiên, sản phẩm hữu cơ, sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ dựa trên đặc tính thành phần sản phẩm.
Bảo Linh
https://vietq.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-can-trong-voi-nhung-san-pham-mang-mac-thien-nhien-nha-lam-d204826.html