18.6 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng Một 18, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngChuyên gia cảnh báo gia tăng đột quỵ mùa nắng nóng

    Chuyên gia cảnh báo gia tăng đột quỵ mùa nắng nóng

    Date:

    Related stories

    Do thời tiết nắng nóng kéo dài cộng thêm với việc người dân chưa thực hiện các biện pháp tránh nóng hợp lý, số lượng người đột quỵ do ảnh hưởng của nắng nóng ngày càng tăng.

    Theo thông tin từ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thời gian qua, bệnh viện này đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị say nắng, say nóng. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân chưa có hiểu biết về bệnh cũng như cách dự phòng, xử trí khi gặp phải tình trạng này.

    Bác sĩ Nguyễn Ngọc Uyển, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, say nắng, say nóng là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột. Bị say nắng, say nóng không chỉ khiến chúng ta mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt, nhức đầu… mà còn có khả năng dẫn đến đột quỵ. Nếu không xử trí kịp thời có thể dẫn tới di chứng thần kinh không hồi phục hoặc tổn thương đa cơ quan và tử vong.

    Điểm chung của say nắng và say nóng là dẫn đến tình trạng tăng thân nhiệt và triệu chứng tổn thương thần kinh trung ương. Triệu chứng kinh điển là tăng thân nhiệt trên 40 độ C và suy chức năng thần kinh xảy ra đột ngột ở 80% các trường hợp.

    BS Trần Quốc Khánh (Bệnh viện Việt Đức) cho hay, đột quỵ nhiệt là một tình trạng chấn thương bởi nhiệt. Cơ thể bị rối loạn do tiếp xúc với nhiệt độ cao trong một thời gian, thường kết hợp với tình trạng mất nước và ở những người lao động quá sức dẫn đến hệ thống điều hoà nhiệt độ của cơ thể tổn thương, mất kiểm soát. Trong ngày hè nắng nóng, cấp cứu này rất hay gặp.

    Đột quỵ nhiệt có thể giết chết hoặc gây tổn thương não, cơ bắp, các cơ quan khác của cơ thể khi không sơ cứu, xử trí kịp thời. Định nghĩa y học về đột quỵ nhiệt là khi nhiệt độ cơ thể lớn hơn 104 độ F (tức 40 độ C ) với các biến chứng liên quan đến hệ thống thần kinh trung ương xảy ra sau khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Triệu chứng hay gặp là buồn nôn, co giật, lú lẫn, mất phương hướng, đôi khi mất ý thức, hôn mê. Nếu không được sơ cứu, cấp cứu kịp thời có thể tử vong.


    Ảnh minh họa

    Các đối tượng dễ bị đột quỵ

    Đột quỵ nhiệt thường xảy ra vào mùa hè nắng nóng hoặc trong các hầm lò đốt nhiệt độ cao ở những người lao động nặng kéo dài, người tham gia huấn luyện quân sự, các vận động viên chạy đường dài; Người tiếp xúc đột ngột với môi trường nắng nóng như 1 đợt nắng nóng của mùa hè, đi du lịch đến vùng đất nóng… Khi đó cần hạn chế hoạt động mạnh vài ngày để cơ thể kịp thích nghi trước.

    Người dân sống trong khu vực đô thị dễ bị đột quỵ do nhiệt trong một đợt nắng nóng kéo dài. Nguyên nhân một phần từ hiệu ứng đảo nhiệt: nhựa đường và nhiệt cửa hàng bê tông tích trữ trong ngày và chỉ dần dần phát tán nó vào ban đêm làm nhiệt độ tăng cao về đêm; Trẻ sơ sinh, trẻ em dưới 4 tuổi và người lớn trên 65 tuổi dễ bị tổn thương vì kém thích nghi; Người bị bệnh tim, phổi hoặc thận, béo phì hoặc thiếu cân, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tâm thần, nghiện rượu… đều là những đối tượng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đầu tiên bởi nắng nóng kéo dài.

    Phòng đột quỵ bằng cách nào?

    Các bác sĩ khuyến cáo, để phòng chống say nắng và say nóng và đột quỵ do nắng nóng, người dân khi phải ra ngoài khi trời nắng nóng, cần che kín cơ thể bằng cách mặc quần áo rộng, nhẹ và sáng màu, đội mũ rộng vành, sử dụng kem chống nắng. Uống đầy đủ nước khi trời nắng nóng hoặc phải lao động nặng dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Thường xuyên uống nước dù chưa cảm thấy khát. Có thể uống nước có pha một chút muối hoặc uống dung dịch oresol, nước trái cây, tránh xa nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng.

    Không làm việc quá lâu dưới trời nắng hoặc làm việc trong môi trường nóng bức, tránh các hoạt động thể lực quá sức. Nên nghỉ ngơi định kỳ sau khoảng 45 phút hay 1 tiếng làm việc liên tục ở nơi nắng nóng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát từ 10 – 15 phút.

    Luôn trang bị đầy đủ các thiết bị chống nắng, chống nóng khi lao động, làm việc dưới trời nắng như quần áo bảo hộ lao động, mũ bảo hộ, nón rộng vành, kính râm… Làm thoáng mát môi trường làm việc, đặc biệt ở các công xưởng, hầm, lò… rất có ý nghĩa trong việc phòng chống bị say nắng, say nóng.

    Đặc biệt, khi vừa đi nắng về là thời điểm cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, nhiệt cơ thể độ cao, nếu tắm ngay sẽ làm thay đổi thân nhiệt đột ngột, rất nguy hiểm, có thể dẫn đến đột quỵ. Vào mùa nắng nóng, cần uống nhiều nước, ăn các loại thức ăn mát, rau củ quả chứa nhiều kali như: rau đay, mồng tơi, rau má, cà chua…, mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, dễ thoát mồ hôi. Không được để trẻ em hoặc bất kỳ ai trong xe ô tô khi đỗ và tắt máy trong thời tiết nắng nóng, dù chỉ trong thời gian ngắn, do nhiệt độ trong xe có thể tăng hơn 11 độ C chỉ trong 10 phút…

    Bảo Lâm
    http://vietq.vn/chuyen-gia-canh-bao-gia-tang-dot-quy-mua-nang-nong-d175049.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img