Vỏ lon bia, lon nước ngọt những tưởng sau khi sử dụng sẽ được bỏ đi hoặc bán phế liệu với giá chỉ vài trăm đồng một lon, thì giờ đây lại được chế tác thành những món đồ chơi trẻ em độc đáo.
Và người chế tác ra những món đồ chơi ấy không ai khác mà chính là ông Mã Tấn Phát ngụ phường An Hòa, quận Ninh Kiều- TP Cần Thơ.
Chúng tôi đến nhà ông Phát khi trời vừa đứng bóng, cái nắng giữa trưa hanh hao, rát rạt da thịt. Căn nhà của ông Phát nhỏ nhắn bên những bụi dây leo xanh ngắt, cái bảng để chữ “thu mua vỏ lon” được treo ngay ngắn. Thấy chúng tôi đến ông cười hiền chào đón. Ông bảo, mấy hôm rồi bị té sưng cái chân, nay khỏe mới đi bán trở lại.
Bên trong nhà những chiếc máy bay, xe tải, nón lưỡi trai treo lủng la lủng lẳng rất vui mắt. Với ông Phát công việc làm đồ chơi từ vỏ lon không chỉ giúp ông có tiền lo cho hai người con ăn học thành tài mà còn là niềm đam mê, niềm vui tuổi xế chiều.
“Sân bay thu nhỏ” tại nhà ông Phát.
64 tuổi chưa một lần đi máy bay, nhưng ông có thể tạo hình được rất nhiều mẫu máy bay và cả những chiếc xe ô tô, xe tải cỡ lớn hay những chiếc nón lưỡi trai, đồ gạt tàn thuốc rất dễ thương chỉ từ những cái lon bia, nước ngọt.
“Năm 1987, cuộc sống gia đình tôi khó khăn dữ lắm. Nên bản thân rất muốn làm việc gì kiếm ra tiền. Rồi vô tình tôi xem tivi tôi thấy ở nước ngoài có một số người tìm những phế phẩm như: chai nước ngọt, chai nhựa… để làm đồ chơi. Cũng từ đó tôi nghĩ sao mình không thử làm máy bay, xe cộ bằng vỏ lon”- ông Phát kể về cơ duyên đến với nghề.
Sản phẩm xe đông lạnh ông Phát làm ra rất “bắt mắt”.
Nghĩ là làm, ông Phát bắt đầu tìm các mô hình, các sản phẩm bỏ đi để nghiên cứu. Công việc khởi đầu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng ông không hề nản. Bằng sự kiên trì và ham học hỏi, cộng với sự đam mê sáng tạo, ông Phát đã làm ra sản phẩm máy bay hoàn chỉnh theo kiểu lắp ráp mà không dùng bất cứ loại keo dán nào. Sau khi chế tác thành công chiếc máy bay bằng vỏ lon, ông tiếp tục nghiên cứu làm xe ô tô, xe tải.
Theo ông Phát để cho ra một sản phẩm phải trải qua rất nhiều công đoạn. Vỏ lon sau khi mua về sẽ được ông cắt ra rửa sạch, phơi khô rồi xử lý những chỗ bén, nhọn. Sau đó, tùy mô hình cần làm mà ông cắt tạo ra các khớp ráp từng bộ phận để thành món đồ chơi hoàn chỉnh.
Với ông Phát công việc chế tác máy bay đồ chơi còn là niềm vui rất lớn.
Ông Phát cho hay mạng trực tuyến cũng đã mở ra cho ông cơ hội tiếp cận cũng như chế tác các mô hình máy bay được chuẩn xác hơn, sắc sảo hơn.
“ Trẻ con giờ thông minh lắm, làm mà không giống nó cười mình liền, bởi vậy phải tìm hiểu rồi tẩn mẩn từng chút một. Một món đồ nhỏ nhất trong bộ sưu tập này cũng mất 6 cái lon. Giờ tôi đang nghiên cứu làm chiếc xe xích lô, menu trong nhà hàng, tàu bo bo…”- ông Phát chỉ tay về “sân bay thu nhỏ” trong khuôn viên phòng khách rồi nói.
Không chỉ “hô biến” những lon bia, nước ngọt thành các món đồ chơi độc đáo, ông Phát cũng mong muốn thông qua những món đồ chơi này giáo dục ý thức cho trẻ trong việc bảo vệ môi trường, kích khích sự sáng tạo, tìm tòi ở trẻ.
Trước đây, sản phẩm làm ra, ông Phát đón xe đò sang các tỉnh lân cận để bán, có lần ông mang qua tận Campuchia để chào hàng. Cũng nhờ những món đồ chơi này, ông đã nuôi 2 con học xong đại học.
“Hồi đó, đồ chơi ít có nên tụi nhỏ thấy mấy chiếc máy bay, xe tải vầy rất là thích, mình bán hàng được dữ lắm. Giờ già chỉ bán cho vui, chủ yếu bán ở trường học, mấy điểm đông đúc gần nhà, rồi bán qua mạng cũng có. Món thấp nhất thì vài chục ngàn, cao nhất cũng vài trăm”.
Trong tình hình đồ chơi không có nguồn gốc xuất xứ tràn lan đánh lừa người tiêu dùng, thì những món đồ chơi được làm thủ công do ông Phát làm ra thật đáng được hoan nghênh và đón nhận
Theo Baocantho.vn (25/11/2018)