Ngày nào cũng tiếp xúc với giấy vở, hai nữ sinh Trường THCS Phan Tây Hồ (Q.Gò Vấp, TP.HCM) đau đáu với mong muốn tìm nguyên liệu làm giấy thay thế cây thân gỗ để giữ được nguồn tài nguyên rừng.
Nhóm tác giả. Ảnh: Nữ Vương
Sau nhiều tháng ròng rã nghiên cứu, thành quả đã mỉm cười với Bùi Trần Vân Trang và Bùi Minh Nguyệt (cùng học lớp 9 của trường) vì hai em đã làm ra được giấy từ đài sen.
“Chúng em nghiên cứu tìm ra nguồn nguyên liệu mới thay thế gỗ và có chu kỳ khai thác ngắn, dồi dào. Do đó, nghiên cứu và thử nghiệm quy trình sản xuất giấy từ đài sen đã tách hạt, một nguồn phế phẩm nông nghiệp đang bị bỏ phí hiện nay sẽ là nguồn nguyên liệu phi gỗ cho công nghiệp giấy trong tương lai”, Trang chia sẻ.
Còn Nguyệt thì tự hào: “Sử dụng được nguồn nguyên liệu rất phổ biến, có nguồn gốc tự nhiên, không gây ô nhiễm môi trường. Quy trình sản xuất dễ thực hiện, không đòi hỏi công đoạn xử lý nguyên liệu ở điều kiện nhiệt độ và áp suất cao, lượng hóa chất tiêu thụ ít, lại thông dụng, rẻ và không độc hại. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất do không có quá trình nấu nên vừa tiết kiệm được năng lượng lại không sinh ra khí CO2. Nước thải ra đảm bảo độ an toàn”.
Nguyệt cũng cho biết bản chất kỹ thuật của phương pháp này căn cứ vào cấu tạo chính của tế bào thực vật tồn tại dưới dạng tổ hợp chất phức tạp, trong đó lignin, hemixenlulozơ và xenlulozơ xâm nhập vào nhau bằng liên kết hóa học và liên kết hidro. Các hóa chất là natri hidroxit, a xít clohyđric được dùng trong giai đoạn nghiền thô để làm phân rã tổ hợp các tế bào đài sen khô và phân chia đại phân tử lignin thành phần nhỏ có thể hòa tan được vào dung môi. Còn trong công đoạn làm trắng, các hóa chất khác như natri hiđroxit và hiđroperoxit sẽ kết hợp với các chất màu và lignin trong đài sen, ngăn không cho các phân tử lignin kết hợp lại với nhau, đồng thời làm trắng bột giấy.
“Bằng phương pháp đơn giản, chúng em làm ra giấy từ xenlulozơ có trong xác thực vật đó là đài sen đã tách hạt phơi khô”, Nguyệt chia sẻ.
Tuy nhiên, Nguyệt cũng lưu ý: “Trong quá trình ngâm bột giấy có thể sử dụng dung dịch nước clo hoặc hidroperoxit cho giấy có màu trắng hơn, thay vì dùng natrihiđroxit. Cần sử dụng đài sen không bị ẩm mốc và được phơi khô không có màu đen. Nên sử dụng búp sen to, già, có chứa nhiều xenlulozơ để có kết quả tốt hơn”.
Hiện nay, sản phẩm giấy của 2 nữ sinh sau nhiều lần thất bại vì sần sùi không viết lên được, thì bây giờ có thể viết và vẽ như các loại giấy thông dụng khác.
Nhưng để làm ra được sản phẩm mà không ảnh hưởng đến việc học, Trang và Nguyệt đã dành 3 tháng hè “nằm lì” trên phòng thí nghiệm của trường. Rồi vào năm học, tranh thủ giờ nghỉ trưa, 2 nữ sinh tiếp tục bám víu phòng thí nghiệm với quyết tâm làm ra sản phẩm như mong muốn.
Theo Nữ Vương/thanhnien.vn (22/7/2018)