Có ý kiến cho rằng, giấy càng có độ trắng cao thì càng có nguy cơ chứa nhiều hóa chất độc hại có thể ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và môi trường.
Hóa chất tăng trắng có hại cho sức khỏe
Thời gian qua, trên một số diễn đàn xã hội đã có nhiều ý kiến tranh luận về mức độ độc hại của các loại giấy dùng trong cuộc sống hằng ngày. Trong đó, có ý kiến cho rằng, giấy có độ trắng càng cao thì càng độc hại.
Liên quan tới vấn đề nêu trên, ThS Nguyễn Văn Hiệp (Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo) cho biết, trước đây, trên nhiều diễn đàn, bản thân ông cùng một số đồng nghiệp cũng đã có những chia sẻ rất rõ về việc sản xuất giấy cũng như quá trình sử dụng hóa chất làm tăng độ trắng cho giấy.
Cụ thể, khi chọn mua một sản phẩm giấy (có thể là giấy in, giấy A4, giấy vở…), người tiêu dùng thường hay để ý tới đặc trưng của giấy đó là độ trắng. Giấy càng trắng được cho là có thể bắt mực tốt hơn, giúp chữ viết, hình ảnh in trên giấy chân thực, rõ nét hơn.
“Nếu muốn tăng độ trắng cho các sản phẩm giấy in, giấy viết hoặc một số loại giấy thường dùng khác, nhà sản xuất có thể sẽ phải sử dụng một lượng chất tẩy trắng bột giấy và chất làm trắng quang học nhất định. Việc này làm tăng độ trắng nhưng lại là nguy cơ gây mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe và môi trường”, ThS Hiệp nói.
Cũng theo vị chuyên gia trên, trong quá trình làm trắng giấy, một số hóa chất như clo, H2O2, xút.. có thể được sử dụng để tăng độ trắng cho nguyên liệu đầu vào, giúp loại bỏ lignin hoặc các hợp chất biến đổi và các hợp chất mang màu…
“Thực ra bản chất của hiện tượng làm tăng độ trắng quang học là tăng cường độ của tia phản xạ, tăng độ trắng cảm quan cho giấy. Nhưng các chất tăng trắng quang học đều không bền với thời gian nên giấy bị giảm độ trắng và ố dần khi sử dụng.
Không những thế, các chất hóa học có những ảnh hưởng nhất định đến sức khoẻ và môi trường. Ví dụ như chất tăng trắng huỳnh quang gây kích ứng với mắt và phản ứng với các vùng da nhạy cảm. Một số chất tăng trắng trong nước có hại cho cá và thủy sinh. Đây cũng là các hợp chất khó phân hủy, tích tụ sinh học nên nguy hiểm đến sức khoẻ và môi trường về lâu dài”, ThS Hiệp cảnh báo.
Khó kiểm soát nguồn gốc hóa chất
Trao đổi với PV, TS Đặng Văn Sơn (Viện Công nghiệp giấy và Xenluylo) còn cho rằng, hiện một số nơi trên thế giới đã cấm việc sử dụng chất tăng trắng, đặc biệt là huỳnh quang đối với các sản phẩm giấy (đặc biệt là giấy ăn, giấy lau, giấy vệ sinh). Tuy nhiên, cũng có không ít quốc gia còn duy trì việc sử dụng chất tăng trắng với những hàm lượng, tỷ lệ nhất định mà họ có thể kiểm soát được.
Sản xuất giấy càng trắng càng nguy hại sức khẻo và môi trường.
Ngoài vấn đề lạm dụng chất tăng trắng khi sản xuất giấy, TS Đặng Văn Sơn còn bày tỏ lo ngại về việc, các hóa chất dùng để tăng độ trắng cho giấy được sử dụng một cách bừa bãi, thiếu kiểm soát. Trong đó, nguy hiểm nhất là những hóa chất không rõ nguồn gốc.
“Chất tăng trắng thường được dùng với hàm lượng nhỏ, ví dụ như một tấn nguyên liệu chỉ cần 1 kg hóa chất. Tuy nhiên, thứ đáng lo là nguồn gốc xuất xứ hóa chất này đôi khi không được kiểm soát kỹ càng.
Nếu như nhập khẩu rồi sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất kém chất lượng, hoặc chưa được đánh giá chỉ tiêu an toàn thì nguy cơ gây hại cho sức khỏe con người là điều chắc chắn. Vì vậy, cần có cơ chế để kiểm soát việc này”, TS Đặng Văn Sơn nhấn mạnh.
Giấy trắng ở mức độ nào phù hợp với người dùng?
Trong một lần trao đổi với báo chí, bà Phạm Thu Giang, Phó vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) cho hay, xu hướng các nước phát triển thường sử dụng các sản phẩm giấy có độ trắng nhỏ hơn 80% ISO.
Trong khi đó người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng chọn và sử dụng các loại giấy có độ trắng khá cao lên tới 84-90% ISO cho nhu cầu ghi chép, học tập, in ấn… mà không biết rằng để có loại giấy có độ trắng cao và rất cao thì các nhà sản xuất phải sử dụng các loại chất tẩy trắng giấy.
Mặt khác, kết quả nghiên cứu của Học viện Quân y và Nhà xuất bản Giáo Dục tiến hành trên 102 học sinh tiểu học và THCS ở Cầu Giấy (Hà Nội) cũng đã cho thấy những tác động nhất định của độ trắng của giấy đến thị lực học sinh.
Cụ thể, nhóm nghiên cứu dùng camera độ phân giải cao gắn gần mắt, ghi hình cận cảnh mắt và đồng tử trong quá trình đọc, qua đó đo các thông số: kích thước đồng tử, khoảng cách khe mi, sự thay đổi đường kính đồng tử khi nhìn vật sát và xa mắt, số lần nháy mắt. Trước và sau mỗi lần đọc, các em đều được đo thị lực.
Kết quả cho thấy, kích thước đồng tử sau khi đọc hết hai trang giấy ở loại giấy trắng 82-84% ISO là lớn nhất và ở loại giấy 73-75% ISO là nhỏ nhất. Điều đó cho thấy sự thích nghi của mắt với loại giấy 73-75% ISO tốt hơn. Kết quả thực nghiệm cũng phản ánh khoảng cách khe mi sau khi đọc sách có độ trắng 73-75% ISO là nhỏ nhất và lớn dần khi giấy trắng hơn. Qua đó, nhóm nghiên cứu cho rằng đây là thông số đánh giá sự thích nghi của mắt, khoảng cách khe mi thay đổi nhiều nghĩa là mắt phải làm việc nhiều.
Theo Bảo Lâm/vietq.vn (1/3/2019)