Mua hàng qua thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn trọng với những chiêu trò như đánh giá trực tuyến giả mạo (fake online review) hay các loại “bẫy tâm lý” trên mạng xã hội…
Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách thức giao dịch thương mại. Giao dịch thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu.
Bà Phạm Quế Anh – Chuyên gia Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ phân tích những cơ hội và thách thức đối với người người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới. Về mặt cơ hội, thương mại truyền thống giao dịch chỉ bó hẹp diễn ra trong các cửa hàng, chợ, siêu thị, hoặc tại tư gia của người tiêu dùng. Khi thương mại điện tử phát triển nhanh, tạo ra cơ hội cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm cả hàng hoá, sản phẩm tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, bởi ranh giới của thị trường được mở rộng.
Thương mại điện tử tiện dụng và hiệu quả cao hơn khi không cần địa điểm, giờ giấc cụ thể, gửi, nhận phản hồi, các câu hỏi cũng như khiếu nại ngay lập tức, trải nghiệm mua sắm, tiêu dùng được cá nhân hóa, với các gợi ý chính xác từ phía người bán… Nguồn thông tin vô tận, cho phép người tiêu dùng có thể so sánh giữa các lựa chọn, nhà cung cấp khác nhau, chi phí giao dịch giảm xuống.
Chiêu trò đánh giá trực tuyến giả mạo khi mua hàng qua trực tuyến gây thiệt hại cho người dùng nếu như đặt mua sản phẩm nhưng chất lượng không như quảng cáo. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới, giao dịch diễn ra qua mạng Internet, trên trang web của người bán hoặc nền tảng của bên thứ ba, người tiêu dùng không được kiểm tra chất lượng hàng hóa. Bởi vậy, họ phải dựa vào việc thu thập thông tin các nghiên cứu trước đó, hoặc đánh giá của người mua khác. Đồng thời, thanh toán qua internet, hàng hóa được gửi đến cho người tiêu dùng thường qua bên thứ ba, hoặc thanh toán khi nhận hàng. Do đó, người tiêu dùng cũng gặp phải nhiều rủi ro khi lựa chọn và thanh toán hàng hoá.
Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà bà Quế Anh đưa ra đó là: Tiếp thị qua những người có tầm ảnh hưởng (influencer marketing), đánh giá trực tuyến giả mạo (fake online review) và các loại “bẫy tâm lý” trên mạng…
Thực tế, thời gian qua, lợi dụng uy tín của bản thân, không ít người nổi tiếng, nghệ sỹ đang “chạy sô” để quảng cáo, bán hàng, làm đại diện thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh, nhãn hàng trong khi chất lượng sản phẩm chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó, khi người dùng mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử cũng rất dễ bắt gặp những đánh giá trực tuyến giả mạo về sản phẩm hàng hóa, điều này gây hoang mang cũng như thiệt hại cho người dùng nếu như đặt mua sản phẩm nhưng chất lượng không như quảng cáo…
Theo ông Hồ Tùng Bách – Phó Trưởng ban Ban Bảo vệ người tiêu dùng – Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ liên tục, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm.
“Trường hợp dịch vụ cung cấp không đúng nội dung cam kết, quảng cáo, giới thiệu, doanh nghiệp có trách nhiệm thỏa thuận: Cung cấp lại dịch vụ; Tiếp tục cung cấp nhưng không thu tiền hoặc giảm giá với phần dịch vụ đã cung cấp; Chấm dứt việc cung cấp dịch vụ và hoàn tiền cho người tiêu dùng; Biện pháp khác theo thỏa thuận của các bên”, ông Hồ Tùng Bách phân tích.
Thanh Tùng
https://vietq.vn/canh-bao-chieu-tro-danh-gia-truc-tuyen-gia-mao-khi-mua-hang-qua-thuong-mai-dien-tu-d222350.html