18 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười hai 21, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCảnh báo: Ánh sáng đêm nhân tạo có thể làm tăng nguy...

    Cảnh báo: Ánh sáng đêm nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ mắc tiểu đường

    Date:

    Related stories

    Các nhà khoa học từ trường Đại học Y Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) mới đây đã tìm thấy mối liên quan giữa việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và quá trình tiếp xúc với ánh sáng đêm nhân tạo (đèn đường).

    Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới, toàn cầu hiện có khoảng 422 triệu người mắc tiểu đường. Trong đó, 95% mắc tiểu đường loại 2. Khác với tiểu đường loại 1, chúng ta hoàn toàn có thể phòng tiểu đường loại 2 thông qua việc thay đổi lối sống với dinh dưỡng, tập luyện, nghỉ ngơi.

    Đặc biệt, mới đây, các nhà khoa học từ trường Đại học Y Giao thông Thượng Hải (Trung Quốc) đã tìm thấy mối liên quan giữa việc tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và quá trình tiếp xúc với ánh sáng đêm nhân tạo (LAN – light at night). Nghiên cứu này được công bố trên Tạp chí của Hiệp hội Nghiên cứu Bệnh Tiểu đường châu Âu Diabetologia.

    LAN hay ánh sáng đêm nhân tạo là một phần của vấn đề toàn cầu liên quan ô nhiễm ánh sáng. Đây là tổng lượng ánh sáng được nhìn thấy vào ban đêm từ các biển hiệu, đèn đường, đèn xe, đèn chiếu sáng bên ngoài các gia đình…

    Vào ban đêm, các loại ánh sáng này chiếu lên trời, làm phát sáng một vùng bầu trời. Tình trạng này diễn ra phổ biến hơn ở khu vực thành thị, đô thị lớn so với nông thôn. Atlas về độ sáng của bầu trời đêm cho thấy khoảng 80% dân số thế giới và hơn 99% người dân tại Mỹ và châu Âu đang sống tại khu vực bị ô nhiễm ánh sáng.


    Ánh sáng nhân tạo có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa

    Ô nhiễm ánh sáng từ LAN khiến chúng ta khó nhìn thấy các ngôi sao cũng như thiên thể khác ngoài vũ trụ. Ánh sáng đêm nhân tạo còn phá vỡ hệ sinh thái tự nhiên thông qua các ảnh hưởng tiêu cực đến hình thức di cư của chim, sự phát triển của một số loài thực vật hay khả năng săn mồi, ẩn nấp của các loài động vật vào ban đêm.

    Trước đó, một số nghiên cứu được công bố trên PubMed Central, BMC Central cũng cho thấy ô nhiễm ánh sáng từ LAN có thể ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe con người gồm vấn đề về giấc ngủ, tâm lý, rối loạn lo âu, béo phì và một số bệnh ung thư. Theo tiến sĩ Yu Xu, nhà khoa học tại Viện Nội tiết và Bệnh Chuyển hóa Thượng Hải, Bệnh viện Ruijin (trường Đại học Y Giao thông Thượng Hải), tác giả chính của nghiên cứu trên, nhóm đã xác định LAN là nguyên nhân gây nên sự gia tăng nhanh bệnh nhân tiểu đường tại Trung Quốc trong những thập kỷ qua.

    “Việc xác định các yếu tố nguy cơ mới của bệnh tiểu đường có thể hỗ trợ quá trình phòng bệnh”, bà nhận định.

    Vị chuyên gia cho rằng ảnh hưởng của ánh sáng đêm nhân tạo với bệnh nhân tiểu đường có ý nghĩa lớn đối với những người sống trong xã hội hiện đại – nơi việc tiếp xúc với ánh sáng nhân tạo trong nhà cũng như ngoài trời vào ban đêm rất phổ biến.

    Nếu thiết lập được mối quan hệ nguyên nhân – kết quả giữa việc tiếp xúc với ánh sáng đêm nhân tạo và bệnh tiểu đường, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc tìm cách hạn chế tiếp xúc với LAN nhằm giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

    Về cơ chế tác động của LAN với nguy cơ tiểu đường, TS Xu cho hay: “Đã có những báo cáo về việc tiếp xúc với LAN có thể làm thay đổi cấu tạo của các hormone như melatonin và corticosteron. Ngoài ra, việc tiếp xúc với loại ánh sáng này có thể làm thay đổi biểu hiện gene tại vùng dưới đồi cũng như những cơ quan ngoại vi. Những thay đổi sinh lý này có thể góp phần vào sự rối loạn sự trao đổi đường glucose”.

    Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã sử dụng dữ liệu từ hơn 98.000 người trưởng thành tham gia giám sát bệnh không lây nhiễm tại Trung Quốc. Tại đây, những người này được chỉ định thử nghiệm với các mức độ phơi nhiễm LAN trên dữ liệu từ Chương trình Vệ tinh Khí tượng Quốc phòng Mỹ và phân thành 5 nhóm dựa trên mức độ họ tiếp xúc. Sau khi phân tích, các nhà khoa học nhận thấy những người trong nhóm tiếp xúc với LAN mức cao nhất có nguy cơ tiểu đường cao hơn 28% so với nhóm tiếp xúc ở mức thấp nhất. Họ cũng nhận nhận thấy những người thuộc nhóm tiếp xúc với LAN nhiều có chỉ số BMI cao hơn.

    TS Xu nói: “Ban đầu, chúng tôi khá ngạc nhiên trước sự gia tăng lớn về nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Nguyên nhân là chúng tôi cho rằng tác động của LAN sẽ tương đối nhỏ so với các yếu tố rủi ro khác như béo phì”.

    Tuy nhiên, sau khi xem xét mức độ phơi nhiễm mạn tính của LAN có thể kéo dài hàng năm, thậm chí hàng thập kỷ cũng như mức độ này ở nhóm tiếp xúc với LAN cao hơn gấp 70 lần so với nhóm thấp nhất, điều này lại trở nên hợp lý.

    Liên quan vấn đề này, tiến sĩ David W. Lam, Giám đốc Y tế của Viện Tiểu đường Lâm sàng (Mount Sinai) cho biết, nghiên cứu trên đã đưa ra các mối liên hệ và một vấn đề thú vị để tiếp tục điều tra. Nghiên cứu này có thể dẫn tới một cách can thiệp khác trong việc điều chỉnh yếu tố rủi ro.

    “Tiểu đường là một bệnh lý toàn cầu. Trong bối cảnh cả thế giới đang tìm cách phòng, chống bệnh lý này, các bác sĩ nên xem xét tới việc điều chỉnh các yếu tố nguy cơ”, vị chuyên gia nhận định.

    Cụ thể, khi nói tới tiểu đường, chúng ta thường nghĩ tới những vấn đề cá nhân. Tuy không thể thay đổi tuổi tác, tiền sử gia đình, chủng tộc… chúng ta có thể giảm cân hoặc tăng hoạt động thể lực, thay đổi chế độ ăn. Tuy nhiên, ở cấp độ sức khỏe cộng đồng, các chương trình và sáng kiến thường hướng tới việc giải quyết các yếu tố rủi ro có thể thay đổi từ bên ngoài (như LAN).

    TS Lam cho rằng dù quy mô đối tượng trong nghiên cứu này khá chắc chắn, các tác giảcũng thừa nhận hạn chế là việc sử dụng hình ảnh vệ tinh để đại diện cho mức độ phơi nhiễm ở từng cá nhân.

    Trong tương lai, nhiều nghiên cứu sẽ cần được thực hiện ở các quốc gia khác nhau để đánh giá tác động của ánh sáng đêm nhân tạo có tương tự với các dân tộc khác nhau hay không. Mặt khác, các nghiên cứu trong thời gian tới sẽ cần làm rõ hơn mối quan hệ giữa định lượng trong thông tin hình ảnh vệ tinh với mức độ phơi nhiễm của từng cá nhân; khám phá thêm về cơ chế tác động của LAN cũng như việc giảm mức độ phơi nhiễm LAN có thể thay đổi sự gián đoạn quá trình trao đổi chất hay không, từ đó giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường.

    Trước đó, các nhà khoa học Anh đã công bố nghiên cứu về tác động của ánh sáng đèn đường phá vỡ hệ cân bằng sinh thái. Theo nghiên cứu này, đèn đường có tác động rất mạnh đối với số lượng và mật độ phân bố của các loài côn trùng, “ưu ái” cho loài này nhưng lại “ngược đãi” với loài khác.

    Cụ thể, trong một thí nghiệm, các nhà khoa học Anh đã thu thập được 1.194 con côn trùng thuộc 60 loài khác nhau. Các nhà khoa học phát hiện ra rằng, việc thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng đèn đường là nhân tố đáng kể tác động tới số lượng của côn trùng và các loài phổ biến. Năm loài côn trùng như kiến, gián đất, mọt gỗ… sa vào những miếng keo dính đặt ngay dưới đèn đường có số lượng nhiều hơn hẳn so với những miếng keo dính đặt ở khoảng cách giữa 2 đèn đường. Ánh sáng đèn đường cũng thu hút nhiều hơn các loài côn trùng săn mồi và ăn xác thối.

    Còn theo Hội Sinh lý thực vật Việt Nam, hiện ở nước ta chưa có công trình nghiên cứu chính thức nào về tác động của ánh sáng đến hệ sinh thái. Tuy nhiên, trên lý thuyết có thể dễ dàng hiểu được điều này. Nguồn ánh sáng đèn điện trong đêm có thể gây ra những rối loạn nghiêm trọng của nhịp sinh học ở rất nhiều loài động vật. Một số loài động vật đã được chương trình hóa về gen để có thể định hướng trong ban đêm dưới ánh sáng mặt trăng, do đó ánh sáng đèn điện đối với chúng là thứ ánh sáng “sát thủ”.

    Trước đây, ở Mỹ, có một loài cua nhỏ, cứ vào ban đêm lại nổi lên mặt nước để ăn các loại tảo Algea sống trên mặt hồ. Nhưng khi ánh đèn điện biến đêm thành ngày, loài cua này không còn nổi lên mặt nước nữa. Hậu quả là tảo phát triển nhanh làm ô nhiễm nước hồ, đe dọa cuộc sống của những sinh vật khác trong hồ.

    Viện Bảo hộ Lao động cũng cho hay, trước đây đã có những đề tài nghiên cứu về tác động đến sức khoẻ của người làm việc ca đêm. Những người thường xuyên làm việc dưới ánh đèn điện đều có dấu hiệu tổn thương võng mạc, mống mắt ở các mức độ khác nhau, thị lực suy giảm, giảm khả năng nhận biết màu sắc, giảm khả năng nhận biết độ tương phản…

    Đồng thời, tỷ lệ mắc bệnh đục thủy tinh thể cũng lên tới 45% ở những đối tượng này. Những chiếc bóng đèn được thắp sáng suốt ngày đêm đã khiến cho con người mất dần khái niệm về ngày và đêm, làm thay đổi đồng hồ sinh học, rối loạn giấc ngủ của con người.

    Các nghiên cứu khoa học cũng khẳng định rằng, ánh sáng đèn điện có thể phá vỡ sự cân bằng hormon trong cơ thể con người. Khi ánh sáng đèn điện chiếu vào võng mạc – ngay cả lúc ngủ – sẽ kìm hãm và làm giảm đáng kể việc sản xuất melatonin – một loại hormon quan trọng giúp điều chỉnh chu kỳ sinh nở ở phụ nữ và đồng hồ sinh học của con người. Hormon melatonin cũng đóng vai trò rất quan trọng, có tác dụng ức chế sự phát triển của một số bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư ruột kết, trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/canh-bao-o-nhiem-anh-sang-nhan-tao-co-the-lam-tang-nguy-co-mac-tieu-duong-d205766.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img