18 C
Hanoi
Thứ năm, Tháng mười hai 19, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCẩn trọng khi sử dụng thuốc để không gây ra phản ứng...

    Cẩn trọng khi sử dụng thuốc để không gây ra phản ứng có hại

    Date:

    Related stories

    Theo các bác sĩ, với bất cứ loại thuốc nào đều có khả năng gây ra các phản ứng có hại, trong đó nặng nhất là phản ứng sốc phản vệ nếu không cấp cứu kịp thời có thể gây tử vong. Do đó người dùng cần cảnh giác để có cách xử lý kịp thời.

    Theo thông tin từ Th.S Lê Quốc Thịnh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (thành phố Hồ Chí Minh, dị ứng thuốc có rất nhiều dạng: Nặng như choáng (sốc) phản vệ có thể gây chết người, phản ứng trên da, niêm mạc, hệ hô hấp, tim mạch, gây rối loạn đông máu… Một số thuốc có ảnh hưởng trên thai kỳ như gây dị dạng thai. Các thuốc dùng ngoài như một số thuốc nhỏ mắt có chứa Sulfamid cũng có thể gây hội chứng Stevens-Johnson, thậm chí có thể gây choáng phản vệ.

    Nói chung, tất cả các thuốc đều có khả năng gây ra phản ứng có hại, trong đó phản ứng nặng nhất là sốc phản vệ nếu không cấp cứu kịp thời có thể sẽ tử vong. Đối với một số trường hợp đặc biệt dễ mẫn cảm với thuốc do cơ địa, thì chỉ cần dùng một lượng thuốc rất nhỏ khi thử phản ứng (test) người bệnh cũng đã có thể bị sốc không cấp cứu kịp.

    Hội chứng Stevens-Johnson, Lyell là những hội chứng dị ứng thuốc rất nặng phải điều trị tích cực với nhiều loại thuốc chống dị ứng và các thủ thuật y tế chuyên môn khác mới cứu sống được người bệnh.


    Hầu hết các loại thuốc đều dễ gây ra phản ứng có hại cho sức khỏe nên cẩn trọng khi dùng. Ảnh minh họa

    Hội chứng Stevens-Johnson (tên của hai bác sĩ mô tả đầu tiên bệnh lý này) biểu hiện bằng tổn thương hồng ban đa dạng ở da và tổn thương niêm mạc. Nguyên nhân thường do dị ứng thuốc như: Sulfamide, Carbamazepine, Valproate sodium (Depakine)…; hoặc nhiễm siêu vi (Herpes simplex), vi trùng (Mycoplasma pneumoniae). Biến chứng thường gặp là nhiễm trùng huyết, viêm phổi, mất nước, rối loạn điện giải. Việc điều trị bao gồm giảm thiểu thương tổn da niêm, phòng chống bội nhiễm, bù nước điện giải, dinh dưỡng đầy đủ và điều trị nguyên nhân. Vậy đâu là những loại thuốc dễ gây phản ứng có hại nhất?

    Những loại thuốc đứng đầu danh sách có khả năng gây ra phản ứng có hại nhất

    Bệnh viện Vinmec thông tin, đứng đầu bảng các thuốc hay gây sốc phản vệ là các loại thuốc kháng sinh. Nhiều loại kháng sinh nhóm Betalactam như: Penicillin, Ampicillin, Cefotaxim… gây phản ứng nặng choáng phản vệ, nhẹ là bong tróc da toàn thân. Các thuốc kháng sinh khác như Streptomycin, Kanamycin, Gentamcin (thuộc nhóm Amino glycosid) uống hoặc chích lâu dài có thể ảnh hưởng trên thận (gây suy thận) và hệ thần kinh số 8 (gây rối loạn tiền đình, chóng mặt)…

    Nhóm các vitamin: Vitamin C truyền đường tĩnh mạch được xem là nguyên nhân gây sốc phản vệ thường gặp ở nước ta, xếp sau là vitamin B1, vitamin B12 dạng tiêm.

    Các loại dung dịch truyền như glucose, alvesin, nutrisol, bestamin, tryphosan.; Thuốc tê như procain, lidocain, novocain, thiopental; Thuốc cản quang có iod như visotrat; Các hormon như insulin, vasopressin, ACTH; Các loại vacxin, huyết thanh: Vaccin phòng dại, phòng uốn ván, uốn ván, huyết thanh kháng bạch cầu; Các thuốc có phân tử lượng thấp: Dextran, dịch chiết phủ tạng, gamma globulin; Các enzym: Chymotrypsin, trypsin,.

    Một số thuốc như thuốc điều trị bệnh phong (hay còn gọi là hủi, cùi…), thuốc điều trị tiểu đường có gốc là Sulfamid, thuốc điều trị đau khớp, thần kinh (thuốc kháng động kinh), một số thuốc điều trị bệnh gout… cũng có thể gây ra những phản ứng có hại rất nguy hiểm.

    Các thuốc ảnh hưởng trên hệ tim mạch như thuốc tê Novocain, Lydocain, ngay cả một số thuốc vitamin như vitamin C dạng tiêm, vitamin B1 tiêm… có thể gây choáng phản vệ. Aspirin uống cũng có thể gây choáng phản vệ.

    Một số thuốc ảnh hưởng trên hệ tiêu hóa như thuốc kháng viêm Steroid và kháng viêm không Steroid gây loét dạ dày. Có người chỉ dùng một viên Aspirin phải cấp cứu vì thủng dạ dày. Có thuốc dùng nhiều lần trước đó không việc gì nhưng sau lại bị phản ứng.

    Một số thuốc có thể ảnh hưởng trên gan gây viêm gan do thuốc như các thuốc điều trị lao. Có thuốc ảnh hưởng đến cơ quan tạo máu gây suy tủy không hồi phục như: Tifomycin, Cloramphenicol… Có trường hợp dùng thuốc nhỏ mắt có Cloramphenicol (Chlorocid) cũng gây ra suy tủy, dù tỷ lệ rất thấp.

    Cách nào để bệnh nhân biết mình bị phản ứng thuốc?

    Phản ứng dị ứng thuốc ngay tức thì, nặng nhất là phản ứng phản vệ mà biểu hiện lâm sàng thường gặp là sốc phản vệ- bệnh nhân hốt hoảng, lo lắng, vã mồ hôi, tay chân lạnh, khó thở, mạch nhanh, huyết áp tụt, ngưng tim, nếu cấp cứu không kịp thời có thể tử vong trong vòng một vài phút. Nhẹ hơn thì có thể phản ứng trên da: ngứa, nổi mẩn đỏ da (có thể khu trú tại chỗ hoặc lan ra toàn thân).

    Phản ứng chậm hơn ở ngoài da sau vài giờ đến vài ngày như hội chứng Stevens-Johnson, hội chứng Lyell- bong da, tróc niêm mạc toàn thân, bệnh nhân cũng có thể tử vong sau đó vì nhiễm trùng da và nhiễm trùng huyết.

    Sau khi dùng thuốc, nếu bị các triệu chứng kể trên, thì nên đến bệnh viện ngay và thông báo cho bác sĩ biết các thuốc mình đã sử dụng thật đầy đủ. Có nhiều triệu chứng mà người bệnh không thể nào biết, như uống thuốc xong bị rối loạn tiền đình, suy thận, mất tế bào máu… thì phải theo dõi nhiều ngày sau dùng thuốc mới nhận biết được bởi những cán bộ có chuyên môn.

    Cần lưu ý, các biện pháp dân gian như uống nước đậu xanh để dã thuốc, uống nước chanh, lòng trắng trứng… đều chưa có cơ sở khoa học để chứng minh và không cấp cứu được dị ứng thuốc. Khi đi khám, bệnh nhân nên thông báo với bác sĩ các thuốc mình đã bị dị ứng hay phản ứng trước đó (nếu biết). Không nên lạm dụng thuốc và đặc biệt không tự mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh và một số thuốc chuyên khoa đặc trị, kể cả thuốc nhỏ mắt, bôi da có chứa kháng sinh cũng phải tuân theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

    Để điều trị thành công và cứu sống các trường hợp bị sốc phản vệ hay hội chứng Stevens-Johnson, cần lưu ý sử dụng thuốc phải theo hướng dẫn của bác sĩ. Khi thấy nổi hồng ban trên da đặc biệt có kèm thêm tổn thương niêm mạc như mắt, mũi, miệng sau dùng bất cứ một loại thuốc nào… nên đưa ngay đến bệnh viện để được khám và định bệnh chính xác, từ đó có hướng điều trị thích hợp, kịp thời.

    Ngọc Nga (T/h)
    https://vietq.vn/thuoc-nao-cung-co-the-gay-phan-ung-co-hai-khi-su-dung-can-canh-giac-truoc-cac-phan-ung4-d219237.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img