21 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng Một 22, 2025
More
    HomeTín dụng xanhCần huy động nguồn lực phục vụ tăng trưởng xanh

    Cần huy động nguồn lực phục vụ tăng trưởng xanh

    Date:

    Related stories

    Thực hiện chiến lược tăng trưởng Xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách mà phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

    Sáng 4/4/2018, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kết hợp với Đại sứ quán Thụy Sĩ tổ chức Diễn đàn Tăng trưởng xanh hiệu quả: Triển vọng từ Việt Nam và Thụy Sĩ.

    Diễn đàn là dịp để hai bên chia sẻ các phương thức, các giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng Xanh ở Việt Nam trong giai đoạn tới, lồng ghép tăng trưởng xanh vào Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2021-2030. Đồng thời huy động mạnh mẽ sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và Thụy Sĩ đầu tư vào các dự án tăng trưởng Xanh ở Việt Nam trong thời gian tới.

    Chia sẻ tại Diễn đàn, bà Doris Leuthard, Bộ trưởng phụ trách Môi trường, Giao thông, Năng lượng và Truyền thông Thụy Sĩ cho biết, Thụy Sỹ là một quốc gia tiên phong trong việc giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

    Bà Doris Leuthard cho rằng, để tăng trưởng Xanh phát triển bền vững, Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng những phương thức huy động nguồn lực, tài chính phục vụ tăng trưởng Xanh.

    Ở Thụy Sỹ, không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp nhỏ cũng áp dụng các chính sách “xanh” vào hoạt động của mình để hướng tới một mô hình bền vững với lợi nhuận cao hơn. Ví dụ như chuỗi cửa hàng ăn nhanh nổi tiếng của Thụy Sỹ (Max Burgers), đã bắt đầu thực hiện các chính sách “xanh” cùng với chiến dịch kinh doanh của mình từ năm 2006.

    Cửa hàng chỉ mua duy nhất năng lượng từ sức gió và bù đắp toàn bộ lượng CO2 thải ra bằng cách trồng một lượng cây tương đương tại Uganda. Đến năm 2008, Max đưa thêm nhãn CO2 vào trong thực đơn của mình, với thông số chính xác về lượng CO2 trong từng gói khoai chiên hay trong mỗi món ăn. Đến năm 2011, Max đã mở thêm 45 cửa hàng mới và tăng gấp đôi thị phần tại Thụy Sỹ.

    Không chỉ vậy, để giữ vững tăng trưởng Xanh, trong những năm qua, Thụy Sỹ không xây dựng chương trình điện hạt nhân mà thay vào đó là các công trình năng lượng tái tạo, năng lượng gió, năng lượng mặt trời… để giảm thiểu phát thải, chống biến đổi khí hậu.

    Chia sẻ về quá trình tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian qua, bà Doris Leuthard ghi nhận và đánh giá cao những thành quả đó. Tuy nhiên, theo bà Doris Leuthard, quá trình này đã ảnh hưởng mạnh mẽ tới hệ sinh thái và tạo ra những thách thức đáng kể trong việc quản lý kinh tế và môi trường. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậụ.

    “Do vậy, tăng trưởng Xanh là một chủ đề được đặc biệt ưu tiên đối với Việt Nam. Để tăng trưởng Xanh phát triển bền vững, Việt Nam cần nghiên cứu, áp dụng những phương thức huy động nguồn lực, tài chính phục vụ tăng trưởng Xanh, sự đóng góp từ phía cộng đồng và doanh nghiệp để giải quyết tốt các vấn đề nảy sinh, thách thức trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội”, bà Doris Leuthard nhấn mạnh.

    Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính… là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam

    Khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng Xanh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng Xanh, giảm phát thải khí nhà kính và phát triển bền vững đang là xu hướng phát triển tất yếu của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

    Từ năm 2012, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh, nhằm hỗ trợ cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, và qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững, nâng cao mức sống của người dân.

    “Đến nay Việt Nam đã có 7 Bộ, 39 tỉnh thành phố đã xây dựng và thực hiện kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh. Nhiều văn bản quy phạm pháp quy, pháp luật về hỗ trợ tăng trưởng Xanh đã được ban hành và Chính phủ cũng dành nhiều ưu tiên về nguồn lực cho thúc đẩy tăng trưởng xanh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

    Tìm vốn đầu tư cho tăng trưởng xanh

    Theo xu hướng chung, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng Xanh và quyết tâm theo đuổi mục tiêu này. Tuy nhiên, để Chiến lược đảm bảo thành công thì phải có nguồn lực, trong đó bao gồm cả nguồn lực về tài chính. Việt Nam cần có một cơ chế hỗ trợ, thu hút và quản lý hiệu quả nguồn vốn cho các hoạt động phát triển kinh tế xanh là vấn đề đặt ra.

    Theo tính toán ban đầu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để đạt được mục tiêu đề ra của Chiến lược tăng trưởng Xanh, Việt Nam sẽ phải cần tới 30 tỷ USD. Đây là thách thức không nhỏ khi nguồn lực ngân sách nhà nước hạn chế.

     Diễn đàn kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – Thụy Sỹ đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án tăng trưởng xanh ở Việt Nam. 

    Chính vì vậy, thực hiện chiến lược tăng trưởng Xanh không thể chỉ dựa vào nguồn lực ngân sách mà phải huy động nguồn vốn của hệ thống ngân hàng, khu vực tư nhân, đặc biệt là nguồn đầu tư nước ngoài cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

    Bên cạnh đó, Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng đã chỉ rõ 66 nhóm hành động cụ thể, trong đó 70% kinh phí sẽ huy động từ khu vực tư nhân. Đồng thời, Chính phủ sử dụng các nguồn vốn ngân sách trung ương, địa phương và nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) đầu tư cho các chương trình, dự án liên quan đến lĩnh vực tăng trưởng xanh.

    Ngoài ra, các nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức, các nhà tài trợ nước ngoài như Thụy Điển, Đan Mạch, Đức… đã hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường năng lực về thể chế chính sách, tài chính đầu tư cho tăng trưởng Xanh thông qua các chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu…

    Vì vậy, trong giai đoạn 2017-2020, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam – Thụy Sỹ trong vấn đề tăng trưởng Xanh sẽ gắn liền với 3 nội dung chính, bao gồm: Tăng cường thể chế và chính sách kinh tế hiệu quả; Phát triển khu vực tư nhân sử dụng nguồn lực hiệu quả và có khả năng cạnh tranh; Thúc đẩy phát triển đô thị bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

    Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng Xanh thời kỳ 2013 – 2020 và tầm nhìn đến 2050 tại Quyết định 1393/QĐ- TTg, Bộ Công Thương đã có những hành động rất cụ thể hưởng ứng Chiến lược.

    Theo đó, Bộ đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng Xanh của ngành giai đoạn 2015 – 2020. Trong đó, đã cụ thể hóa các nhiệm vụ trọng tâm trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về  tăng trưởng Xanh đã được Thủ tướng phê duyệt.

    Bộ Công Thương cũng chủ trì soạn thảo một loạt các quyết định liên quan đến  tăng trưởng Xanh để Thủ tướng Chính phủ ban hành như: Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050; Cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện sinh khối tại Việt Nam; Cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam…

    Theo tapchicongthuong.vn

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img