24 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 23, 2024
More
    HomeTiêu dùng bền vữngCách xử lý khi xe máy bị vào nước không khởi động...

    Cách xử lý khi xe máy bị vào nước không khởi động được

    Date:

    Related stories

    Xe máy ngập nước, chết máy có thể dẫn tới những hư hỏng nghiêm trọng nếu không được xử lý kịp thời. Dưới đây là một số kinh nghiệm xử lý khi phương tiện bị chết máy do đi vào vùng ngập nước.

    Vào mùa mưa, những con phố “bỗng” biến thành ao, chỉ một chút sơ xuất khi tham gia giao thông cũng có thể khiến xe máy không thể hoạt động. Thực tế theo ghi nhận của phóng viên, tại Hà Nội những ngày mưa vừa qua không ít người điều khiển phương tiện phải xuống dắt xe khi đi qua vùng ngập.


    “Người dắt xe trong biển nước” dưới những cơn mưa tầm tã tại Hà Nội. Ảnh: Võ Hải

    Theo các kỹ sư của VinFast, nguyên nhân dẫn đến xe ngập nước chết máy là do hệ thống điện và mâm lửa (bộ phận này đặt phía mặt nạ bên trái và gần cần số) có thể bị hỏng do nước xâm nhập vào. Mô tơ của bộ đề (bộ phận chịu trách nhiệm khởi động xe khi bấm nút đề) bị ẩm dẫn đến chập điện, gây cháy nổ.

    Ngoài ra, nước lọt vào hệ thống đánh lửa cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng vận hành của phương tiện, dẫn đến xe bị chết máy và không thể tiếp tục đề nổ được. Khi xe máy bị ngập nước, dầu nhớt bôi trơn bị pha lẫn với nước. Lúc này, dầu nhớt bôi trơn động cơ, hộp số,… không còn đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng đến hiệu suất hoạt động của máy.

    Để xử lý xe chết máy ngập nước hoặc hỏng hóc nặng, người sử dụng có thể tham khảo một trong những cách sau đây:

    Với xe ga

    Với những xe tay ga, do cấu tạo đặc biệt, đường ống thông hơi của hộp số tự động thấp nên nước rất dễ lọt vào làm cho dầu máy bị axit hóa chuyển từ màu vàng thông thường sang màu trắng đục.

    Khi xe chết máy do ngập nước, người điều khiển phương tiện không nên cố khởi động lại xe, có thể làm cho xe hư hỏng nặng thêm mà thực hiện các bước sau:

    Bước 1: Tháo bugi ra và lau thật khô rồi lắp lại như cũ

    Khi đề máy xe không nổ nhưng vẫn có âm thanh của kích điện là dấu hiệu cho thấy có thể bugi bị dính nước. Lúc này chủ xe nên nhanh chóng tháo bugi, khởi động xe thêm vài lần để loại bỏ nước trong xi lanh. Dùng khăn khô hoặc giấy để lau khô bugi rồi lắp lại như cũ.

    Bước 2: Xả hết dầu trong khoang máy

    Nên kiểm tra dầu nhớt sau khi xe máy bị ngập nước, đặt biệt là trong thời gian dài, qua đêm. Dấu hiệu cho thấy dầu nhớt vào tới động cơ là dung dịch có màu không đồng đều hoặc có màu trắng đục. Khi phát hiện điều này, chủ xe cần vệ sinh khoang máy thay dầu nhớt trước khi cố gắng khởi động lại.

    Bước 3: Sấy khô các đầu mối điện

    Mạch điện dễ bị hư hỏng khi bị nước vào, và gây ra các hiện tượng nghiêm trọng. Vì vậy, để tránh tình trạng hệ thống điện bị chập hoặc cháy, dẫn đến việc phải thay mới phụ kiện thì phải sấy khô các đầu mối điện ngay.

    Bước 4: Sấy khô hệ thống phanh

    Sử dụng mỡ hoặc dầu máy để tẩy sạch các tạp chất dính ở bộ phận chân phanh, xích hoặc cần đạp khởi động. Sau đó sấy khô hệ thống phanh để giảm khả năng má phanh bị chai dẫn đến giảm hiệu suất hoạt động.

    Đối với xe số

    Người dùng dắt xe máy qua vùng bị ngập đến nơi khô ráo hơn. Khi xe máy bị ngập nước và chết đột ngột, nếu nổ máy 1, 2 lần không được thì không nên cố đề hay nổ máy, điều này sẽ làm cho sự việc càng thêm nghiêm trọng.


    Dốc ngược xe để nước chảy ra sau đó có thể khởi động lại xe. Ảnh ST

    Khi nổ máy được bình thường nên về số 0 và rồ ga để nếu có nước trong pô xe thì sẽ được giải phóng ra ngoài. Sử dụng công cụ tháo bugi ra lau thật khô rồi lắp trở lại, thường được các hãng xe trang bị sẵn khi mua xe máy mới. Khóa xăng và xả cho hết số xăng cũ còn đọng lại trong bộ chế hòa khí, sau đó mở xăng và khởi động máy.

    Để xử lý xe chết máy do ngập nước phải xả toàn bộ dầu trong khoang máy; làm sạch và thay dầu mới sau khi vệ sinh khoang máy. Sử dụng các thiết bị chuyên dụng để sấy khô, vệ sinh sạch các đầu mối điện trong hệ thống điện để tránh ăn mòn, bị oxy hóa và chập điện. Cần làm khô hệ thống phanh xe để khi sử dụng phanh không bị kêu và không bị ăn mòn.

    Tuy nhiên, đây chỉ là cách xử lý khi xe máy bị ngập nước tạm thời. Để đảm bảo phương tiện được hoạt động ổn định lâu dài, người dùng nên mang xe đến các trung tâm, cửa hàng sửa chữa để đội ngũ kỹ thuật viên kiểm tra và vệ sinh kỹ các chi tiết bên trong động cơ. Bởi khi di chuyển trong vùng ngập nước, các chi tiết máy, dầu xe, hệ thống điện đều dính nước, nên cần được vệ sinh lại.

    Cách đi xe qua vùng ngập nước không bị chết máy

    Khi di chuyển xe máy trên đường ngập lụt, người điều khiển xe hãy tham khảo những kinh nghiệm sau đây để tránh tình trạng xe ngập nước chết máy.

    Với xe số: Nên sang số xe về mức thấp là số 1 hoặc 2 để đi, chú ý giữ đều ga, nắm chặt tay lái và chạy chậm qua khu vực bị ngập. Lưu ý, người điều khiển phương tiện không nên vít ga hết cỡ, phanh gấp vì sẽ khiến xe dễ tắt máy hơn.

    Xe côn tay: Khi điều khiển xe máy côn tay khi đi qua vùng ngập lụt, người điều khiển nên đi số thấp nhất có thể và giữ đều tay ga, chú ý không nhả hết côn.

    Với xe ga: Điều khiển xe từ từ và đều ga, không để ga quá thấp sau đó vít ga mạnh hơn. Người điều khiển xe tuyệt đối không được giảm ga trong suốt quá trình di chuyển vì việc này sẽ gây chết máy ngay lập tức. Nếu gặp nơi nước ngập sâu qua ống pô xe thì không nên tiếp tục điều khiển xe đi qua đoạn đường đó.

    Duy Trinh
    https://vietq.vn/cach-xu-ly-khi-xe-may-bi-vao-nuoc-khong-khoi-dong-duoc-d221317.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img