Hiện nay khá nhiều người trẻ đi tiêm sản phẩm bổ não với mong muốn tránh được các bệnh về đau đầu, hoa mắt tuy nhiên theo các bác sĩ, nếu dùng không đúng sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trao đổi về vấn đề này, ThS Lê Quốc Thịnh – Giảng viên khoa Dược Trường cao đẳng Y Hà Nội, cho biết hiện có nhiều người thường mua các loại sản phẩm bổ não hiệu C., P. dạng tiêm để tiêm tại nhà với mục đích giúp não tăng cường hoạt động ghi nhớ, tập trung khi học tập, làm việc, giảm các tình trạng hoa mắt, chóng mặt do một số vấn đề liên quan đến thần kinh gây ra. Đây là sản phẩm khi tiêm cần phải có chỉ định của thầy thuốc mới được sử dụng. Bản chất của nhóm này cũng có một số cảnh báo cần lưu ý khi sử dụng để tránh tai biến đáng tiếc.

ThS Lê Quốc Thịnh cho rằng, não bộ là cơ quan giúp kiểm soát và điều khiển mọi hoạt động của cơ thể. Trong não bộ chứa hàng tỉ tế bào thần kinh giúp nhận tín hiệu từ các cơ quan chuyển về não bộ để đưa ra những hiệu lệnh giúp các cơ quan hoạt động tốt. Khi đóng vai trò quan trọng và phải làm việc liên tục như vậy nên não bộ chiếm đến hơn 20% lượng calo mà cơ thể chúng ta tiêu thụ mỗi ngày. Vì vậy, não bộ luôn cần duy trì một lượng dinh dưỡng cao để có thể giúp chúng ta đạt năng suất khi học tập và làm việc. Việc sử dụng thuốc bổ não là cần thiết khi hệ thần kinh trung ương có những triệu chứng ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của con người.

Sản phẩm bổ não C. kể trên là một trong những loại thuốc tiêm được sử dụng nhiều nhất, được sản xuất từ protein não lợn đã được tinh chế, dạng dung dịch của thuốc dùng để tiêm hoặc truyền không có chứa protein, lipid hay những hợp chất có tính kháng nguyên khác. Nhưng trong thành phần của ống tiêm cerebrolysin còn có chất ổn định là sodium hydroxide có thể gây sưng đau tại vị trí tiêm. Ngoài ra với bản chất của sản phẩm bổ não C. làm cho bệnh nhân có cảm giác nóng vùng tiêm nếu tiêm quá nhanh.

Một số tác dụng không mong muốn như run, đau đầu, tăng thân nhiệt nhẹ nên chú ý theo dõi nếu có xảy ra và nên báo trước cho bệnh nhân để lưu ý. Tiêm C. có thể xảy ra tác dụng không mong muốn.


Dùng sản phẩm tiêm bổ não cần lưu ý vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ảnh minh họa

ThS Lê Quốc Thịnh cho biết thêm, sản phẩm bổ não C. được dùng theo đường tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch, người bệnh nên sử dụng thuốc khi có sự giám sát của nhân viên y tế. Để sử dụng thuốc an toàn hãy tiêm hoặc truyền thuốc C. theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, không sử dụng quá liều, nhỏ hơn hoặc lâu hơn so với chỉ định.

Còn đối với sản phẩm bổ não P. dạng tiêm gần đây hay được truyền tai nhau dùng cũng được sử dụng để bổ não, bảo vệ thần kinh vì có tác dụng phục hồi những tổn thương ở não bộ, giúp não tăng cường sinh lực trong các hoạt động liên quan đến trí óc như học tập, ghi nhớ…P. tác động trên não bộ và hệ thần kinh, có tác dụng bảo vệ chống lại tình trạng thiếu oxy ở các cơ quan này. Ngoài ra nó còn giúp giảm các tình trạng hoa mắt, chóng mặt, căng thẳng do thần kinh gây ra.

Một số tác dụng phụ thường gặp của sản phẩm bổ não này là mệt mỏi, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau bụng, trướng bụng, bồn chồn, dễ bị kích động, nhức đầu, ngủ gà, mất ngủ. Trên thị trường, các chế phẩm chứa P. rất đa dạng với nhiều dạng bào chế và hàm lượng khác nhau như dạng viên nén hoặc viên nang hàm lượng 400mg và 800mg, dạng dung dịch uống 40mg/ml, 200mg/ml và dung dịch tiêm 200mg/ml. Vì vậy nếu cần sử dụng sản phẩm bổ não này hãy ưu tiên sử dụng dạng uống, nếu thật cần thiết hoặc không uống được mới dùng dạng tiêm.

Công ty TNHH Dược phẩm Á Âu, Hà Nội cũng khuyến cáo, việc sử dụng các sản phẩm bổ não không có hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ với liều lượng không hợp lý, lạm dụng khi tiêm, uống thuốc có dẫn đến một số tác dụng phụ như: phát ban vì dị ứng với các thành phần của thuốc, đau đầu, chóng mặt, tiêu chảy, đánh trống ngực, buồn nôn, buồn ngủ, nôn mửa…

Đối với những người có tiền sử mắc một số bệnh lý như bệnh tim, bệnh tiểu đường, rối loạn đường ruột, rối loạn thần kinh và các bệnh lý về da. Một số loại sản phẩm bổ não sẽ khiến cho nồng độ insulin bất ổn ảnh hưởng đến việc điều trị tiểu đường, tăng nguy cơ chảy máu khi sử dụng chung với những thuốc giúp chống đông máu hay một số thuốc kháng sinh.

Trường hợp nếu tiêm quá nhiều lần, sẽ dễ gây tình trạng lệ thuộc nhiều vào thuốc. Ngoài ra, khi tiêm sản phẩm bổ não có thể khiến người bệnh gặp phải những tác dụng phụ như: Sưng tấy, mẩn ngứa, nổi đỏ ngay tại vị trí tiêm. Nặng hơn nữa là còn có thể gặp phải tình trạng rối loạn tiêu hóa, ói mửa, dị ứng…

Công ty Cổ Phần Dược Phẩm FPT Long Châu cũng cho rằng, khi sử dụng các loại sản phẩm bổ não dạng tiêm, để đảm bảo an toàn và tối ưu hóa hiệu quả của thuốc chỉ sử dụng sản phẩm bổ não sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa thần kinh. Việc lựa chọn sai sản phẩm bổ não hoặc sử dụng không đúng cách có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt là nguy cơ sốc phản vệ sau tiêm có thể đe dọa tính mạng.

Luôn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng từ nhà sản xuất, thông tin về thành phần, liều lượng, chỉ định và các trường hợp không nên sử dụng được in trên bao bì sản phẩm. Việc tiêm sản phẩm bổ não cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa hoặc y tá có đủ trình độ chuyên môn. Không nên tự ý tiêm trong bất kỳ trường hợp nào. Không nên tự tiêm sản phẩm bổ não nhiều hơn so với định kỳ điều trị của bác sĩ.

Vân Thảo (T/h)
https://vietq.vn/tiem-thuoc-bo-nao-khong-dung-cach-co-the-tiem-an-nhieu-rui-ro-d221359.html