Các loại thực phẩm nên hạn chế trong bữa ăn hàng ngày là thông tin cần lưu ý cho người mắc bệnh cường giáp để hỗ trợ quá trình điều trị tốt hơn.

Bệnh cường giáp là một nhóm bệnh gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: Tim đập nhanh, gầy sút cân, cổ sưng, viêm cánh tay, đau cơ khớp, tóc và da suy yếu,… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ dẫn đến các biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.

Các loại thức ăn mà người mắc bệnh cường giáp nên tránh là thông tin vô cùng hữu ích giúp quá trình điều trị bệnh gặp nhiều thuận lợi hơn.


Người bị cường giáp nên tránh các thực phẩm giàu i-ốt. Ảnh minh họa

Thực phẩm giàu i-ốt

I-ốt sẽ làm tăng hoạt động của tuyến giáp, thúc đẩy tình trạng cường giáp nặng lên. Thông thường, người mắc bệnh cường giáp thường được chỉ định điều trị bằng biện pháp i-ốt phóng xạ. Bệnh nhân có thể được khuyên nên ăn kiêng ít i-ốt trước khi điều trị. Chế độ ăn ít i-ốt trước khi điều trị giúp tuyến giáp dễ tiếp nhận i-ốt phóng xạ hơn và tăng hiệu quả điều trị. Người bệnh sẽ cần tiếp tục duy trì chế độ ăn kiêng này cho đến khi hoàn thành quá trình điều trị.

Các thực phẩm giàu i-ốt như: Muối i-ốt, rong biển, tảo hoặc một số loại hải sản. Người bệnh nên chọn muối biển, muối thường không có i-ốt. Hạn chế ăn hải sản và rong biển vì những thực phẩm này rất giàu i-ốt. Đối với trứng, do lòng đỏ trứng có hàm lượng i-ốt cao hơn lòng trắng trứng. Nên nếu ăn trứng, người bệnh nên chọn lòng trắng sẽ giúp giảm lượng i-ốt trong chế độ ăn hàng ngày.

Thực phẩm chứa nhiều đường

Ở người bệnh cường giáp có các dấu hiệu của rối loạn chuyển hóa carbohydrate, ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết của cơ thể. Đồng thời, sử dụng đường nhiều làm tăng mức độ hồi hộp, một triệu chứng hay gặp của bệnh. Do đó, bệnh nhân cường giáp nên hạn chế sử dụng các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao như: Nước ngọt, nước trái cây, các loại kẹo mứt hoặc khoai tây ăn liền.

Chất béo chuyển hóa và chất béo bão hòa

Cơ thể bệnh nhân nếu nạp vào lượng chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa quá lớn thì bệnh càng trầm trọng hơn. Vì thế, cần hạn chế những loại thực phẩm chứa nhiều chất béo này như: Thịt đỏ, thức ăn nhanh, bánh ngọt, thực phẩm chiên xào,…

Cà phê

Cà phê là chất có tác dụng kích thích tiết hormone ở tuyến giáp nên có thể làm nặng hơn tình trạng cường giáp. Bên cạnh đó, người bệnh cường giáp thường xuyên khó ngủ mặc dù cơ thể rất mệt mỏi. Sử dụng cà phê càng làm họ dễ mất ngủ hơn đi kèm cảm giác nóng nảy khó chịu, căng thẳng, nhịp tim đập nhanh. Vì vậy nên kiêng sử dụng cà phê. Hãy thử sử dụng những đồ uống thay thế khác như nước ép trái cây, trà thảo mộc tự nhiên.

Đậu nành

Đậu nành làm giảm sự hấp thụ hormone tuyến giáp từ thuốc. Do vậy, người bệnh nên hạn chế sử dụng đậu nành nếu đang dùng thuốc tuyến giáp hoặc có tuyến giáp kém hoạt động. Tuy nhiên hạn chế không có nghĩa là phải kiêng hoàn toàn, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa để lựa chọn chế độ ăn tốt cho sức khỏe.

Thu Phương (T/h)
https://vietq.vn/cac-loai-thuc-pham-nguoi-mac-benh-cuong-giap-nen-tranh-d196541.html