Các loại thịt có nguồn gốc thực vật (rau) đang thực sự bùng nổ ở nhiều nước trên thế giới, hướng đến một tương lai “thịt nhưng không phải thịt” có lợi cho người dùng và môi trường.
Cuộc cách mạng thịt làm từ rau
Từ nay tới cuối năm, theo Hãng tin Reuters, các cửa hàng bán lẻ sẽ có thêm một loạt đồ ăn làm từ thịt có gốc thực vật, tạm gọi là “thịt chay”. Hãng Impossible Burger hiện cung cấp đồ ăn thịt chay ở hơn 5.000 nhà hàng tại Mỹ, Hong Kong, Macau và Singapore. Hãng Beyong Burger bán thực phẩm này tại hơn 35.000 điểm, trong đó có nhiều khu ăn uống tại các siêu thị.
“Thịt chay” từ rau củ có mùi vị, dưỡng chất, “rỉ máu” y như thịt thật, Beyond Meat được cả Bill Gates và McDonald’s đầu tư, tham vọng thay thế thịt toàn cầu
Tờ USA Today dùng cụm từ “cuộc cách mạng không thịt” để mô tả xu hướng người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, đặc biệt từ đầu năm 2019 đến nay.
Đầu tháng 8 này, Hãng Subway công bố kế hoạch thử nghiệm loại protein gốc thực vật tại gần 700 nhà hàng. Đây là dự án hợp tác kinh doanh của họ với nhà sản xuất đồ ăn từ thực vật Beyond Meat.
Chi nhánh Beyond Meat Marinara của Beyond Meat sẽ thử nghiệm các sản phẩm “thịt chay” này tại các nhà hàng ở Jackson (Mississippi), South Bend (Indiana), Fresno (California), Louisville (Kentucky) và Harrisburg (Pennsylvania).
Trong tháng 7, Hãng Dunkin’ cũng có kế hoạch hợp tác với Beyond Meat để tung sản phẩm sandwich sáng với “thịt chay”. Một loạt nhà hàng bán đồ ăn nhanh (fast-food) và các nhà hàng bình dân (fast-casual) như Burger King, Del Taco, Red Robin, Blaze Pizza và Qdoba Mexican Eats cũng đã nhập cuộc.
Các nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất của Mỹ như Aramark (mỗi năm phục vụ 2 tỉ bữa ăn) và Sodexo với 420.000 nhân viên và 34.000 địa điểm, phục vụ hàng triệu bữa ăn mỗi ngày, đều đã ký thỏa thuận hợp tác với các nhà sản xuất “thịt chay”. Không lâu nữa, đồ ăn “thịt chay” sẽ tràn ngập các quán ăn công sở, bệnh viện, tiệm ăn nhanh…
Từ thành công vang dội của Công ty Beyond Meat có trụ sở tại California, nhiều hãng chuyên sản xuất thịt thông thường như Nestle SA, Tyson Foods cũng gia nhập thị trường “thịt chay”. Dĩ nhiên còn phải kể tới các “ông lớn” khác như Maple Leaf Foods (Canada), Perdue Foods (Mỹ), Smithfield Foods (Trung Quốc) và Meatless Farm (Anh).
Ngon khó cưỡng
Beyond Meat nhận được sự ủng hộ nhiệt liệt và nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư như Bill Gates, Leonardo DiCaprio, Don Thompson – cựu CEO của McDonald’s và thậm chí là Tyson Foods – tập đoàn chế biến thịt lớn nhất Hoa Kỳ.
Với thành phần chính là đậu, gạo, củ dền… Beyond Meat không chỉ thơm ngon mà còn “rỉ máu” như những miếng thịt thượng hạng, khiến những người ăn sành ăn nhất phải thốt lên kinh ngạc.
Từ nguồn vốn trên, giá trị của Beyond Meat tăng vọt từ 4,8 triệu USD vào năm 2011 lên hơn 550 triệu USD vào năm 2017.
Đến cuối năm 2018, Beyond Meat lên kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán để tiếp tục gọi hơn 100 triệu USD tiền vốn, với kết quả kinh doanh cực kỳ triển vọng: 56,4 triệu USD doanh thu trong 9 tháng đầu năm 2018, tăng trưởng 167% so với cùng kỳ năm trước.
Kể từ lúc xuất hiện trong chuỗi Whole Foods vào năm 2016, Beyond Burger hiện được bán khắp 32.000 siêu thị trên khắp cả nước, trở thành một món ăn quen thuộc tại nhà hàng TGI Friday, khách sạn Ritz Carlton và sân vận động Yankee Stadium.
Với 25 triệu sản phẩm đã được bán trên khắp thế giới, Beyond Meat còn liên tục đa dạng hóa với xúc xích, thịt gà, thịt dăm… nhằm hướng đến một tương lai “thịt nhưng không phải thịt” có lợi cho người dùng và môi trường.
Trang Foxbusiness dẫn nghiên cứu của Hãng MarketsandMarkets cho biết thị trường toàn cầu với những sản phẩm thay thế thịt động vật dự kiến tăng ổn định, từ 4,6 tỉ USD năm 2018 lên 6,4 tỉ USD năm 2023.
Khỏi lo ngại về dinh dưỡng
Ở góc độ sức khỏe, Đài CNN ngày 14/8 dẫn các phân tích của chuyên gia dinh dưỡng Lisa Drayer về “thịt chay”. Theo đó, bà Lisa Drayer cho rằng nếu ai đó chọn ăn “thịt chay” chỉ vì thích vị ngon của nó, hoặc vì lý do tôn giáo, bảo vệ môi trường, động vật thì không vấn đề gì. Song nếu chọn ăn “thịt chay” chỉ vì lý do sức khỏe thì “nên cân nhắc lại”.
Bà lấy ví dụ so sánh, một chiếc burger của Impossible Burger chứa 240 calo, 8 gram mỡ bão hòa (do dùng dầu dừa). Trong khi đó, 80% loại burger bò nạc cũng chứa 280 calo và 9 gram mỡ bão hòa. Rõ ràng không có sự khác biệt lớn, nhưng burger thịt chay không có cholesterol.
Về lượng protein của các bánh burger (cả thịt thật và thịt chay) là như nhau. Cụ thể, bánh của Impossible Burger có 19 gram, của Beyond Burger có 20 gram, các loại burger bò và gà tây thông thường mỗi loại có 19-20 gram, tùy thương hiệu. Ngoài ra, các loại burger thịt chay còn có lượng natri cao hơn burger thịt thật.
Ngoài góc độ khoa học dinh dưỡng, ở Mỹ hiện cũng có một số hãng thực phẩm tuyên bố không bao giờ bán thịt chay. Trang Foxbusiness dẫn quan điểm của ông Kim Lopdrup, CEO Công ty Red Lobster, một người tẩy chay gay gắt hải sản gốc thực vật. Ông gọi nó là thứ “kinh khủng”.
“Mặc dù các loại thực phẩm gốc thực vật tốt cho sức khỏe hơn nhiều thịt đỏ, song dù vậy hải sản vẫn là lựa chọn lành mạnh hơn nhiều” – ông Lopdrup nói.
Khánh Ly/moitruong.com.vn (22/8/2019)