24 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    Home Blog Page 8

    Ống hút giấy gây hại cho sức khỏe hơn ống hút nhựa?

    0

    Sau nhiều năm nhận thức “Ống hút giấy gây hại cho sức khỏe hơn ống hút nhựa” đang gây hoang mang cho các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống tại Hàn Quốc.

    Theo các quan chức ngành công nghiệp, một báo cáo do Chính phủ Hàn Quốc ủy quyền cho rằng ống hút giấy gây hại cho sức khỏe hơn ống hút nhựa. Thông tin này đang gây hoang mang cho các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống tại nước này. Các nhà sản xuất ống hút giấy ở Hàn Quốc đã nhận được nhiều lời chỉ trích sau báo cáo này. Tuy nhiên, họ cho rằng báo cáo chỉ trích dẫn một nghiên cứu của nước ngoài và không liên quan đến sản phẩm của họ.

    Tác động của báo cáo đã lan rộng đến người tiêu dùng và doanh nghiệp sử dụng ống hút giấy vì khả năng phân hủy sinh học và thân thiện với môi trường như quảng cáo. Sau khi báo cáo được công bố vào đầu tháng 9/2024, doanh số của các nhà sản xuất ống hút giấy đã chậm lại.

    Theo đó, nhà sản xuất ống hút giấy Nuridaon, có trụ sở tại Seocheon, tỉnh Chungcheong Nam chưa thể bán được 25 triệu ống hút giấy đang có trong kho, trị giá 300 triệu won (222.000 USD). Sản phẩm của Nuridaon đã được Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc (MFDS) chứng nhận an toàn, thậm chí đã xuất khẩu sang Australia. Nuridaon cho biết quy trình sản xuất của họ đã được chứng nhận an toàn trong nước và nước ngoài.

    Nuridaon không phải nhà sản xuất ống hút giấy duy nhất của Hàn Quốc có chứng nhận nước ngoài. Nhà sản xuất ống hút giấy Lee&B đã mua một chứng nhận từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ và Seoil từ TUV Austria. Phó Chủ tịch Seoil Park Jae Il cho biết ống hút giấy của Hàn Quốc đã được bán cho các doanh nghiệp toàn cầu.

    Ống hút nhựa phân hủy sinh học có nguồn gốc từ tinh bột ngô trông tương tự như ống hút nhựa truyền thống. (Ảnh: AnEco)

    Quan chức này cho biết: “Các công ty toàn cầu như Nestle, Danone, Coca-Cola, Pepsi, Burger King và McDonald’s đang sử dụng ống hút giấy sản xuất tại Hàn Quốc. Sản phẩm của chúng tôi đã giành được sự tin tưởng trên toàn cầu. Chúng tôi kêu gọi (người tiêu dùng tại Hàn Quốc) tin tưởng vào sản phẩm của chúng tôi”.

    Sự thất bại của các nhà sản xuất ống hút giấy ở Hàn Quốc diễn ra sau báo cáo cho biết lớp phủ hóa chất trên ống hút giấy gây nguy hiểm cho môi trường hơn ống hút nhựa.

    Báo cáo do Công ty tư vấn Ecofill Plus và bộ phận hợp tác công nghiệp-học viện của Đại học Anyang cùng thực hiện cho biết ống hút giấy thải ra nhiều carbon dioxide, lưu huỳnh dioxide, phosphate và dichlorobenzene hơn ống hút nhựa khi bị đốt hoặc chôn dưới lòng đất.

    Tuy nhiên, việc so sánh độc tính không dựa trên các thí nghiệm mới mà dựa trên một báo cáo trước đó được công bố tại Mỹ 2 năm trước. Một trong hai người viết báo cáo trước đó là một học sinh trung học ở Florida. Báo cáo đã vấp phải phản ứng dữ dội từ các nhà sản xuất ống hút giấy ở Hàn Quốc khi cho rằng báo cáo này “hoàn toàn không liên quan đến cách chúng tôi sản xuất sản phẩm của mình”.

    Tổng Giám đốc điều hành Nuridaon Han Ji Man cho biết: “Chúng tôi đã gặp phải báo cáo gây tranh cãi này một cách bất ngờ. Thông tin của báo cáo đến với khi chúng tôi hoàn toàn không chuẩn bị. Chúng tôi không sử dụng bất kỳ lớp phủ nào trên sản phẩm của mình. Nhưng vì một nghiên cứu trường hợp ở nước ngoài, tất cả ống hút giấy đều có khả năng trở nên nguy hiểm. Thật nản lòng”.

    Báo cáo đã khiến một số người tiêu dùng hoài nghi về ống hút giấy. Các công ty nhượng quyền cà phê, một trong những người tiêu dùng chính của ống hút giấy tại Hàn Quốc đã yêu cầu chính phủ đưa ra hướng dẫn chính sách rõ ràng hơn về sản phẩm.

    Một viên chức của công ty nhượng quyền cà phê lớn cho biết: “Một số người tiêu dùng hỏi chúng tôi rằng liệu ống hút giấy có còn được bán tại các cửa hàng của chúng tôi nữa không. Nếu Bộ Môi trường không giải quyết rõ ràng với công chúng, sự nhầm lẫn giữa người tiêu dùng, các đơn vị nhượng quyền và nhà sản xuất ống hút giấy sẽ tiếp tục xảy ra”.

    Có thể thấy, các loại ống hút mới chưa chắc đã “xanh” hơn ống hút nhựa truyền thống. Các nhà hàng đã cân nhắc tới cả ống hút kim loại, ống hút gạo, ống hút tre và nhiều vật liệu có nguồn gốc thực vật. Nhưng đa số các ống hút dạng này đều đắt hơn và không mỏng như ống hút nhựa. Chúng cũng có thể tạo ra khí nhà kính cao trong suốt vòng đời vì quá trình trồng trọt nguyên liệu.

    Nhiều doanh nghiệp chấp nhận trả phí cao cho các ống hút thay thế nhựa và tìm cách đẩy phí này vào tay người tiêu dùng. Nhưng các tổn hại về môi trường thì gần như không thể định giá được.

    Tại Việt Nam, theo Luật Bảo vệ Môi trường, bắt đầu từ năm 2026, Việt Nam sẽ giảm dần sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa. Các loại ống hút dùng một lần và dụng cụ khuấy đồ uống bằng nhựa sẽ bị hạn chế đáng kể, ngoại trừ đối với người khuyết tật, trong các bệnh viện và cơ sở chăm sóc. Từ sau năm 2030, các sản phẩm nhựa dùng một lần sẽ bị cấm hoàn toàn.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/ong-hut-giay-gay-hai-cho-suc-khoe-hon-ong-hut-nhua-d226127.html

    Tìm hiểu về Chứng chỉ Năng lượng Tái tạo (P1)

    0

    Chứng chỉ Năng lượng tái tạo (REC – Renewable Energy Certificate) là một loại chứng chỉ thuộc nhóm Chứng chỉ Năng lượng (Energy Attribute Certificate – EAC), có chức năng xác nhận lượng điện được tạo ra từ các nguồn năng lượng tái tạo.

    REC đóng vai trò là công cụ theo dõi các đặc điểm tái tạo của điện năng, từ giai đoạn sản xuất đến tiêu thụ. Mỗi REC đại diện cho 1 MWh điện từ các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió, thủy điện và điện sinh khối.

    Các loại Chứng chỉ REC

    Chứng chỉ I-REC (International Renewable Energy Certificate) là một chứng chỉ xác nhận rằng một đơn vị năng lượng đã được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo. Chúng được sử dụng để chứng minh rằng một công ty hoặc tổ chức đang sử dụng năng lượng tái tạo.

    Chứng chỉ I-REC được chứng nhận bởi Tổ chức Chứng nhận Năng lượng Tái tạo Quốc tế (I-REC Standard). I-REC Standard là một bộ tiêu chuẩn quốc tế quy định việc phát hành, giao dịch và sử dụng chứng chỉ I-REC.

    I-REC được áp dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia và khu vực bao gồm Bắc Mỹ, châu Phi, châu Mỹ Latinh, châu Á – Thái Bình Dương. Hiện nay, hơn 95% REC giao dịch quốc tế là I-REC.

    Chứng chỉ đảm bảo nguồn gốc năng lượng GO (Guarantee of Origin) được sử dụng tại thị trường năng lượng Liên minh châu Âu.

    Chứng chỉ TIGR (Tradable Instrument for Global Renewables) cũng là một loại Chứng chỉ năng lượng tái tạo tương tự I-REC. TIGR chiếm khoảng 2% khối lượng REC quốc tế. Tính đến năm 2023, TIGR được sử dụng phổ biến ở 12 quốc gia gồm Bangladesh, Trung Quốc, Guatemala, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc, Malaysia, Philippines, Singapore, Đài Loan, Thái Lan và Việt Nam.

    Lợi ích khi sở hữu Chứng chỉ REC

    Chứng minh việc sử dụng năng lượng tái tạo: Trên thực tế, các nguồn điện sau khi phát lên hệ thống điện và được truyền tải, phân phối đến các hộ tiêu thụ, hộ tiêu thụ không thể biết điện năng họ đang tiêu thụ đến từ nhà máy điện nào. Để áp dụng các cơ chế đặc biệt hỗ trợ các nguồn điện năng nhất định mà cụ thể là nguồn điện năng lượng tái tạo, cần phải giải quyết hai vấn đề: Nhận diện một cách chính xác sản lượng điện năng đó khi sản xuất và khi tiêu thụ. Vì lý do này, các nhà máy năng lượng tái tạo sẽ được cấp Chứng chỉ REC cho mỗi MWh điện tạo ra.

    Tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong việc sử dụng năng lượng tái tạo: Chứng chỉ này có thể dùng cho mục đích tự nguyện hoặc tuân thủ quy định. Trong thị trường tự nguyện, các bên tự chọn tiêu thụ điện sạch thường tuân theo các hướng dẫn tốt nhất từ các khuôn khổ báo cáo bền vững. Còn trong thị trường tuân thủ, Chính phủ yêu cầu các thực thể sử dụng điện từ năng lượng tái tạo như Tiêu chuẩn tỷ lệ năng lượng tái tạo và các đơn vị/tổ chức sử dụng REC để đáp ứng yêu cầu này.

    Lợi ích tài chính: Doanh nghiệp có thể nhận được các ưu đãi của chính phủ như ưu đãi thuế và tăng thêm doanh thu từ việc bán chứng chỉ.

    Lợi thế thị trường: Sở hữu Chứng chỉ REC còn giúp doanh nghiệp cải thiện uy tín, thương hiệu và tăng khả năng cạnh tranh.

    Như vậy, việc sở hữu Chứng chỉ REC sẽ giúp thúc đẩy sự phát triển của năng lượng tái tạo góp phần giảm khí thải nhà kính. Việc sở hữu REC và tham gia vào thị trường REC quốc tế cũng rất quan trọng với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty đa quốc gia và các công ty hướng tới mục tiêu ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp).

    VNCPC

    https://vncpc.org/tim-hieu-ve-chung-chi-nang-luong-tai-tao-rec-p1/

     

    Chuyên gia cảnh báo mùi hương trong bột giặt gây nguy hiểm cho sức khỏe

    0

    Nhiều người thích mùi thơm trong các loạt bột giặt, nước xả vải nhưng mới đây chuyên gia cảnh báo rằng, mùi hương khi tiếp xúc trên da quá lâu và quá nhiều có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Bột giặt thông thường có thể có mùi thơm dễ chịu và khiến quần áo của chúng ta trông sáng bóng, mới mẻ, nhưng các nghiên cứu gần đây đã tiết lộ mối nguy hiểm của hóa chất ẩn chứa trong bột giặt hoặc chất lỏng chúng ta sử dụng.

    Một số thương hiệu bột giặt được phát hiện có chứa các chất được biết đến là chất gây ung thư, gây ô nhiễm không khí và gây rối loạn nội tiết tố. Những hạt và chất có hại này làm ô nhiễm chất lượng không khí trong nhà và gây tác động xấu đến sức khỏe khi hít phải hoặc thấm qua da.


    Việc sử dụng các loại bột giặt quá thơm cũng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

    Sự độc hại của bột giặt có hương thơm

    Benzen và acetaldehyd – cả hai hóa chất độc hại được tìm thấy sau khi giặt quần áo có mùi thơm đều góp phần gây ra các trường hợp mắc bệnh bạch cầu, ung thư vòm họng và mũi.

    Ở mức độ nghiêm trọng tương đương, nhiều chất trong sản phẩm tẩy rửa có thể gây kích ứng, phát ban, cũng như phản ứng dị ứng và gây hại cho môi trường. Mặc dù benzen và acetaldehyde đã đủ tệ nhưng các nghiên cứu phát hiện những hợp chất này chưa phải là tất cả. Một báo cáo từ các nhà nghiên cứu tại Đại học Washington đã tìm thấy gần 100 hợp chất hữu cơ dễ bay hơi trong 6 loại bột giặt phổ biến.

    Các cuộc khảo sát quy mô lớn cũng phát hiện những tác động khác của các sản phẩm có mùi thơm đối với sức khỏe con người. Mặc dù không tập trung vào vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như ung thư, nghiên cứu cho thấy 20% số người được khảo sát cho biết có phản ứng tiêu cực với chất làm mát không khí. Những lời phàn nàn này phổ biến gấp đôi ở những người đã mắc bệnh hen suyễn.

    Cách giặt quần áo an toàn

    Có một số nguyên tắc chung cần tuân theo để đảm bảo bột giặt có mùi thơm không gây độc hại với chính bạn hoặc môi trường.

    Mua bột giặt không có mùi thơm

    Phần lớn các chất có hại trong bột giặt là do hóa chất được thêm vào để tạo cho chúng mùi hương hấp dẫn. Bằng cách mua chất tẩy rửa không có mùi thơm, bạn sẽ tránh được hoàn toàn các hóa chất này.

    Dĩ nhiên, bạn sẽ nghĩ mùi thơm của đồ mới giặt là thứ không thể thiếu. Nhưng thực tế, vẫn có cách để bạn có được mùi hương tươi mát đầy mê hoặc đó.

    Hãy thử mua chất tẩy rửa không mùi để tránh độc hại, sau đó thêm vào máy giặt một vài giọt tinh dầu tự nhiên mà bạn chọn. Cách này vô cùng thân thiện với bạn và môi trường quanh bạn.

    Tránh xa phốt phát và hóa dầu

    Cũng như nhiều loại hóa chất khác trong chất tẩy rửa có mùi thơm, hai thành phần thường được tìm thấy là phốt phát và hóa dầu. Những thành phần này cũng có thể được tìm thấy trong chất tẩy rửa không mùi.

    Những hợp chất khó chịu này gây tai hại cho môi trường vì chúng gây ô nhiễm các tuyến đường thủy tự nhiên. Hóa dầu, một chất có nguồn gốc từ dầu, cũng thường là thủ phạm gây kích ứng da, vì vậy bạn cần tránh sử dụng nếu có làn da nhạy cảm.

    Giảm tần suất giặt quần áo

    Đôi khi những giải pháp đơn giản lại là giải pháp tốt nhất. Nếu bạn không thể từ bỏ chất tẩy rửa có mùi thơm yêu thích của mình, việc sử dụng nó ít hơn có thể giúp giảm bớt các hóa chất mà bạn đang tiếp xúc.

    Vì mỗi lần giặt sẽ làm rò rỉ hóa chất mới lên quần áo của bạn và bay vào không khí, nên việc giặt ít hơn sẽ tạo ra ít hóa chất hơn. Giặt ít hơn cũng giúp giảm tác động đến môi trường, chẳng hạn như giảm phát thải hạt vi nhựa, thậm chí có thể giúp quần áo của bạn bền đẹp hơn.

    Bảo Linh
    https://vietq.vn/chuyen-gia-canh-bao-ve-mui-huong-trong-bot-giat-gay-nguy-hiem-cho-suc-khoe-d226122.html

    Vì sao không nên bỏ bữa sáng?

    0

    Bữa sáng khởi động quá trình trao đổi chất giúp đốt cháy calo, cung cấp năng lượng cần để hoàn thành công việc. Đó là một trong những lý do tại sao bữa sáng được xem là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.

    Chị Thúy (Đống Đa, Hà Nội) có thói quen gộp bữa sáng thành bữa trưa trong nhiều năm do dậy muộn. Là nhân viên công nghệ thông tin, chị làm thêm nhiều việc, thường xuyên thức đến ba giờ sáng. Hôm sau, chị dậy sát giờ làm, đến công ty ngồi họp, xử lý các nhiệm vụ, nhìn lên đồng hồ đã gần trưa, nên “bấm bụng” đợi đến 11h30 xuống căng tin ăn cùng đồng nghiệp.

    Trong thời gian khoảng ba tháng, nữ nhân viên hay đau thượng vị, ợ hơi, ợ chua, trào ngược, ăn không ngon miệng, da xanh xao, nhiều đêm mất ngủ. Chị đến Bệnh viện Đại học Y kiểm tra, được chẩn đoán viêm dạ dày, HP, trào ngược do thường xuyên thức khuya, sinh hoạt thất thường.

    Một trường hợp khác, chị Bích Ngọc (30 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận) có công việc thoải mái giờ giấc nên thời gian ăn sáng cũng vô chừng. Chị hay dậy sớm làm việc trên máy tính, chat với bạn bè, đối tác. Đến khi bụng đói cồn cào và cảm giác không còn năng lượng làm gì nữa, chừng 9 giờ mới đặt đồ ăn sáng trên ứng dụng giao thức ăn. Hoặc chị ăn qua loa bánh ngọt, vài hạt mắc ca. Vì ăn sáng trễ và thất thường, chị nói mình thường xuyên rơi vào trạng thái hết sạch năng lượng. Làm việc sáng đến trưa xong là chỉ muốn nằm, buổi chiều uể oải.

    Theo bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cơ sở 3, một số nhóm người nếu bỏ qua bữa sáng có thể gặp vấn đề về sức khoẻ. Bữa sáng có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người. Một bữa sáng đầy đủ dinh dưỡng giúp cải thiện sức khỏe và hạn chế mắc phải các loại bệnh lý liên quan. Tất cả mọi người đều không nên bỏ bữa sáng, đặc biệt với một số nhóm người có vấn đề sức khoẻ.


    Bỏ bữa ăn sáng sẽ không cung cấp đủ chất dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể. (Ảnh minh họa).

    Tương tự, bác sĩ Nguyễn Trọng Hưng, Trưởng Khoa Khám Tư vấn Dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết, nhiều người xem bữa sáng chỉ là phụ nên thường xuyên bỏ qua. Về nguyên lý, sau khi kết thúc bữa tối, qua một đêm đến 6 giờ sáng hôm sau là khoảng 10-12 tiếng dạ dày “trống rỗng”, chưa kể phải chuẩn bị năng lượng cho cả một ngày làm việc mới nên cần được bổ sung năng lượng.

    Nếu bỏ ăn sáng, cơ thể không có nguồn cung năng lượng, buộc phải huy động lượng đường và protein dự trữ, làm tăng quá trình lão hóa. Trong khi đó, vào buổi tối, mọi người ít hoạt động nhưng tiêu thụ nhiều thực phẩm sẽ khiến lượng mỡ tích tụ ngày càng nhiều, dẫn đến thừa cân – béo phì.

    Chuyên gia khuyến cáo mọi người nên duy trì chế độ ăn cân đối và đầy đủ dinh dưỡng, ăn đủ bữa và đúng giờ, kiểm soát khẩu phần ăn. Nên dùng bữa sáng trước 8h hoặc sau khi thức dậy 30 phút đến một tiếng. Bữa ăn sáng cần đầy đủ, cân đối dinh dưỡng, gồm protein trong ngày, tinh bột, chất đạm, chất béo, trái cây và rau củ.

    Hạn chế đường và thực phẩm chế biến sẵn. Kiểm soát lượng dầu mỡ. Hạn chế ăn sáng bằng bánh ngọt, nhiều đường, hoặc sử dụng lại thức ăn thừa.

    Bữa sáng món gì, bao nhiêu là hợp lý?

    Bữa ăn sáng cần đầy đủ, cân đối chất béo, chất xơ, chất khoáng và vitamin. Ngoài chiếm 1/4 – 1/3 lượng protein trong ngày, bữa sáng còn cần thêm một trong những thành phần: tinh bột, chất đạm, chất béo, trái cây và rau củ.

    Mỗi ngày, cơ thể chúng ta cần trung bình 2.000 – 2.500 calo. Bữa sáng chiếm 400 – 500 calo. Lượng calo bữa sáng phải cân bằng, không nên nạp quá nhiều dễ gây cảm giác no, mất sự tập trung… Trứng, sữa, đậu nành, cá, thịt, ngũ cốc… là thực phẩm lý tưởng cho bữa sáng người trưởng thành. Ở Việt Nam, rất nhiều món ăn sáng đủ chất như bánh mì, xôi, bún, phở, hủ tiếu…

    Thanh Hiền (t/h)

    https://vietq.vn/Vi-sao-khong-nen-bo-bua-sang-d226129.html

    Đề xuất nâng tiêu chuẩn khí thải đối với mô tô lên mức 4

    0

    Bộ GTVT đề xuất nâng mức tiêu chuẩn khí thải xe mô tô hai bánh trong thử nghiệm lên Mức 4 từ ngày 1/7/2027.

    Bộ Giao thông Vật tải (GTVT) đang lấy ý kiến góp ý dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ về lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải (TCKT) đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp. Dự thảo đề xuất các loại mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới tiếp tục áp dụng TCKT mức 3 trong thử nghiệm tới hết ngày 30-6-2027. Từ ngày 1-7-2027 phải áp dụng TCKT mức 4 trong thử nghiệm.

    Hiện tại, Việt Nam có khoảng 70 triệu xe lưu hành, tập trung nhiều ở nơi đông dân cư. Những phương tiện này cũng đóng góp lượng phát thải đáng kể ra môi trường, do đó cần thiết để nâng mức TCKT để giảm ô nhiễm môi trường.

    Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết trong khu vực ASEAN, đa phần các nước đã áp dụng hoặc có lộ trình áp dụng Euro 4 đối với mô tô. Việc nâng cao mức TCKT lên mức 4 không ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp bởi đa số công nghệ cho mô tô đáp ứng TCKT mức 3 đã sẵn sàng có thể đáp ứng TCKT mức 4 và không cần thay đổi quá nhiều về công nghệ.

    Đề xuất nâng mức tiêu chuẩn khí thải mô tô sẽ giảm thiểu khí thải độc hại ra môi trường

    Theo thống kê, khoảng 50%-60% lượng khí độc hại như NOx, CO, HC được cắt giảm nếu tiêu chuẩn khí thải Euro 4 được đưa vào áp dụng. Đây là các chất ảnh hưởng mạnh đến sức khỏe con người. Việc giảm phát thải từ mô tô là nhiệm vụ thiết yếu nhằm góp phần thực hiện chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí mê tan của ngành GTVT và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại COP26 đưa mức phát thải ròng về “0” năm 2050.

    Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, việc nâng cao mức TCKT đối với xe mô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới lên Mức 4 không ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp bởi vì đa số công nghệ cho xe mô tô đáp ứng TCKT Mức 3 đã sẵn sàng có thể đáp ứng TCKT Mức 4, và không cần thay đổi quá nhiều về công nghệ.

    Mặt khác, đa phần các công nghệ này đã có sẵn khi được các công ty mẹ sản xuất và áp dụng tại các thị trường có TCKT cao hơn Việt Nam. Do vậy tác động đối với các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu cũng không đáng kể.

    Bên cạnh đó, việc nâng mức TCKT đồng nghĩa với việc các công nghệ sản xuất mới, thiết kế mới sẽ được đưa vào các sản phẩm nội địa. Đây có thể coi là tiền đề của chuyển giao công nghệ, một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực sản xuất trong nước, cũng như tiếp cận với các công nghệ mới.

    Bảo Linh (t/h)
    https://vietq.vn/de-xuat-nang-tieu-chuan-khi-thai-doi-voi-mo-to-len-muc-4-d226098.html

    Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những loại trà thảo mộc người mắc bệnh tiểu đường nên tránh

    0

    Theo chuyên gia dinh dưỡng chuyên về bệnh tiểu đường và dinh dưỡng đa văn hóa Lorena Drago (Tây Ban Nha) cho biết, trà thảo mộc là thức uống tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, đối với những người mắc bệnh tiểu đường nên tránh một số loại.

    Tiểu đường là một căn bệnh mãn tính có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày. Một phần quan trọng của quản lý tiểu đường là kiểm soát nồng độ đường huyết. Ngoài việc duy trì chế độ ăn uống cân đối và tập thể dục đều đặn, sử dụng trà cho người bị tiểu đường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát đường huyết và cải thiện sức kháng của cơ thể.

    Trà là một nguồn nguyên liệu tự nhiên có khả năng giảm thiểu các triệu chứng không mong muốn của bệnh tiểu đường. Không chỉ giúp kiểm soát đường huyết, trà cho người bị tiểu đường còn giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, nâng cao năng lượng và điều hòa huyết áp.

    Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng việc sử dụng trà để giảm đường huyết mang lại nhiều lợi ích bao gồm tăng cường độ nhạy insulin, ổn định huyết áp, giúp ngăn ngừa cục máu đông, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ngăn chặn sự phát triển của bệnh tiểu đường tuyp 2.

    Có rất nhiều loại trà tốt cho người tiểu đường nhưng cũng có nhiều loại không tốt cần tránh. Ảnh minh họa

    Một trong những ưu điểm đáng chú ý của trà là không calo. Loại thức uống này không chỉ giúp duy trì lượng nước cần thiết cho cơ thể, mà còn hỗ trợ trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Một số loại trà còn chứa nhiều polyphenol có khả năng thúc đẩy hoạt động của insulin, đồng thời flavonoid theanine cũng đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát huyết áp và giảm căng thẳng.

    Tuy nhiên theo chuyên gia dinh dưỡng chuyên về bệnh tiểu đường và dinh dưỡng đa văn hóa Lorena Drago (Tây Ban Nha), một số loại trà thảo mộc có thể tương tác với một hoặc nhiều loại thuốc, ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, gây hạ đường huyết và dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác.

    Trà thảo mộc nha đam

    Việc sử dụng nhiều nha đam có thể gây tác động xấu đến lượng đường trong máu, dẫn đến tình trạng hạ đường huyết. Bởi chúng có thể gây ra lượng đường trong máu quá thấp gây nguy hiểm cho những người dùng thuốc hạ đường huyết.

    Trà thảo mộc hoa cúc

    Trà thảo mộc hoa cúc được sử dụng để hỗ trợ giấc ngủ, tiêu hóa, sức khỏe tinh thần và nhiều tác dụng khác. Tuy nhiên, nếu bạn bị bệnh tiểu đường và cũng đang dùng một số loại thuốc nhất định, như thuốc làm loãng máu warfarin, hoa cúc có thể tương tác nguy hiểm với thuốc do nguy cơ chảy máu tăng cao.

    Trà thảo mộc cỏ cà ri

    Cỏ cà ri có tác dụng hạ đường huyết, gây ra tình trạng giảm lượng đường trong máu. Ngoài ra, chúng cũng có thể tương tác với các loại thuốc làm loãng máu, gây ảnh hưởng không tốt tới những người mắc bệnh tiểu đường và các bệnh tim mạch. Vì vậy, trước khi sử dụng cỏ cà ri như một loại trà thảo mộc, hãy trao đổi với bác sĩ để chắc chắn rằng nó sẽ không tương tác với các loại thuốc bạn đang dùng.

    Ngoài những loại trà không nên sử dụng trên thì người mắc bệnh tiểu đường cũng nên uống một số loại thích hợp như trà hoa cúc, trà xanh, trà nghệ, trà sen…nhưng trong quá trình sử dụng trà cho người bị tiểu đường nên chọn trà không đường để uống. Không thêm đường hoặc mật ong để tạo hương vị vì có thể làm tăng đường huyết. Nếu muốn tạo thêm hương vị cho trà, có thể thêm một chút chanh hoặc một ít quế để làm cho trà thơm ngon hơn. Luôn tuân thủ đúng hướng dẫn của bác sĩ và sử dụng thuốc theo chỉ định.

    Một số tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về đồ uống không cồn ở Việt Nam

    Trong hệ thống, tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia của Việt Nam hiện nay đang áp dụng có QCVN 6-2:2010/BYT đối với các sản phẩm đồ uống không cồn, bao gồm quy chuẩn về: An toàn thực phẩm: Hàm lượng kim loại nặng, độc tố vi nấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật,…Các yêu cầu quản lý đồ uống không cồn, gồm: Nước rau quả và nước giải khát pha chế sẵn.

    Tiêu chuẩn quốc gia về đồ uống không cồn tại Việt Nam chỉ có các quy định về an toàn thực phẩm, chưa có các tiêu chí chất lượng của từng sản phẩm đặc thù. Cụ thể về các tiêu chuẩn TCVN đồ uống không cồn như sau: Nước uống đóng chai: Áp dụng [TCVN 6096:2010 (CODEX STAN 227-2001)]; Nước khoáng thiên nhiên: Áp dụng [TCVN 6213:2010 (CODEX STAN 108-1981, Rev.2-2008)]; TCVN nước ép trái cây: Áp dụng TCVN 7946:2008 (CODEX STAN 247-2005); Sữa đậu nành: Áp dụng TCVN 12443:2018; TCVN nước giải khát: Áp dụng TCVN 12828:2019. Lưu ý: Đối với nước giải khát, TCVN 12828:2019 được dùng thay thế cho TCVN 7041:2009 quy định về TVCN đồ uống không cồn.

    Vân Thảo (T/h)

    https://vietq.vn/nhung-loai-tra-thao-moc-nguoi-mac-benh-tieu-duong-nen-tranh-d226040.html

    Mỹ cảnh báo hút thuốc lá liên quan tới rất nhiều căn bệnh ung thư

    0

    Theo các nhà nghiên cứu của Mỹ, thuốc lá chứa rất nhiều chất độc hại. Chúng là một trong những “thủ phạm” gây ra hàng loạt căn bệnh ung thư cho người sử dụng.

    Theo Tổ chức Y tế thế giới, Hiệp hội Ung thư Mỹ, Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong xã hội. Mỗi năm, khói thuốc gián tiếp gây ra khoảng 7.000 ca tử vong. Tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp làm tăng nguy cơ bệnh phổi, bao gồm ung thư phổi, bệnh mạch vành và đau tim cùng hàng loạt bệnh ung thư nguy hiểm khác.

    Gần đây, Tạp chí Y khoa của Mỹ The New England Journal of Medicine đã đưa ra những cảnh báo về việc hút thuốc lá có liên quan tới rất nhiều căn bệnh ung thư.

    Ung thư phổi: Theo thống kê tại nhiều nước, có 80 – 90% bệnh nhân bị mắc ung thư phổi do hút thuốc lá. Nghiên cứu của các giáo sư y học thực hiện cho thấy những người hút thuốc lá trong vòng 6 tháng có nguy cơ bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Đặc biệt, người hút thuốc lá có thể chết sớm hơn 20 năm so với người không hút.

    Ung thư da: Ung thư da là hiện tượng các tế bào da bất thường phát triển mạnh không thể kiểm soát. Người hút thuốc lá có nguy cơ ung thư da cao hơn. Tại các nước châu Á, châu Phi, ung thư da tuy không nằm trong 10 bệnh ung thư hàng đầu dễ mắc, nhưng tỉ lệ mắc mới đang có dấu hiệu gia tăng.

    Ung thư môi: Ung thư môi là dạng phổ biến nhất của ung thư miệng. Ung thư khoang miệng là một trong 10 bệnh ung thư thường gặp nhất hiện nay trên thế giới. Thói quen hút thuốc lá, uống rượu và thiếu vệ sinh răng miệng là các nguyên nhân chính gây ra căn bệnh này.

    Ung thư cổ tử cung: Bệnh ung thư cổ tử cung không chỉ lây qua đường tình dục mà còn có nguyên nhân từ thuốc lá. Theo kết quả nghiên cứu, phụ nữ có thói quen hút thuốc sẽ dễ bị ung thư cổ tử cung hơn người bình thường. Bệnh ung thư này không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống vợ chồng mà còn hủy hoại sức khỏe, thậm chí có thể tước đi thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.

    Ung thư thanh quản: Riêng đối với căn bệnh ung thư thanh quản thì nguyên nhân do hút thuốc lá chiếm đến 80%, do thuốc lá vào cơ thể khi tác động lên thanh quản dường như vẫn còn nguyên độc tố của nó, nên gây ra ảnh hưởng và tác hại mạnh mẽ hơn rất nhiều. Trên thế giới, ung thư thanh quản có độ phổ biến sau ung thư vòm họng. Ngay cả những người sống sót vẫn chịu hậu quả nghiêm trọng khi nói, thở và nuốt.

    Ung thư đại trực tràng: Người có thói quen sử dụng thuốc lá lâu dài có nguy cơ mắc bệnh ung thư đại trực tràng cao hơn người bình thường từ 20 – 60%. Tại Mỹ, số ca mắc mỗi năm khoảng 30.000 ca, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên hơn 40.000 ca.

    Ung thư thận: Theo kết quả nghiên cứu của Hiệp hội Nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ, người không hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư thận 2%, trong khi người hút thuốc nguy cơ mắc bệnh là 50%.

    Ung thư bàng quang: Một nửa số bệnh nhân mắc bệnh ung thư bàng quang là do hút thuốc lá. Nguy cơ mắc bệnh của người hút thuốc cao hơn ít nhất là 3 lần so với người bình thường.

    Ung thư gan: Bên cạnh rượu, thuốc lá cũng được đưa vào danh sách những thành phần có tác động tiêu cực đến cơ thể người sử dụng. Các bác sĩ Mỹ đã đưa bệnh ung thư gan vào danh mục những bệnh do thuốc lá gây ra. Hằng năm, trên thế giới có tới gần 1 triệu ca mắc mới và hơn 2 triệu người tử vong vì ung thư gan.

    Ung thư dạ dày: Ung thư dạ dày thường xảy ra ở người cao tuổi hoặc người trẻ hút thuốc. Ở riêng nước Mỹ, cứ 100.000 người thì có ít nhất 12 người bị ung thư dạ dày; ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi và nam nhiều hơn nữ.

    Ung thư vú: Hiệp hội Ung thư Mỹ đã công bố hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư vú. Khi họ bỏ thuốc, rủi ro mắc bệnh sẽ giảm còn 13%. Theo các chuyên gia đầu ngành, ung thư vú hiện nằm trong top 5 các bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ và dự đoán số ca mắc mới và ca tử vong sẽ gia tăng hằng năm.

    Ung thư thực quản: Người thường xuyên hút thuốc lá có nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản cao hơn 5 lần so với những người không hút thuốc. Ung thư thực quản là loại bệnh lý ác tính có tiên lượng bệnh xấu, với tỉ lệ sống thêm 5 năm khi phát hiện bệnh thường không cao. Lý do là biểu hiện bệnh chỉ sắc nét khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn.

    Ung thư buồng trứng: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hút thuốc lá và ung thư buồng trứng có mối liên quan với nhau. Theo đó, nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng gấp đôi nếu bạn hút thuốc. Theo thống kê, mỗi năm thế giới có khoảng 200.000 phụ nữ được chẩn đoán mắc ung thư buồng trứng mới, với tỉ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 45%.

    Các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện

    Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá quy định:

    Sản xuất, mua bán, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển thuốc lá giả, sản phẩm được thiết kế có hình thức hoặc kiểu dáng như bao, gói hoặc điếu thuốc lá; mua bán, tàng trữ, vận chuyển nguyên liệu thuốc lá, thuốc lá nhập lậu. Quảng cáo, khuyến mại thuốc lá; tiếp thị thuốc lá trực tiếp tới người tiêu dùng dưới mọi hình thức.

    Tài trợ của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc lá, trừ trường hợp quy định tại Điều 16 của Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá. Người chưa đủ 18 tuổi sử dụng, mua, bán thuốc lá. Sử dụng người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. Bán, cung cấp thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi. Bán thuốc lá bằng máy bán thuốc lá tự động; hút, bán thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm. Sử dụng hình ảnh thuốc lá trên báo chí, xuất bản phẩm dành riêng cho trẻ em. Vận động, ép buộc người khác sử dụng thuốc lá.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/my-canh-bao-nhieu-can-benh-ung-thu-lien-quan-toi-viec-hut-thuoc-la-d226003.html

    Phát hiện mới về một số loại nước uống và lượng uống chuẩn giúp giảm đáng kể nguy cơ đột quỵ

    0

    Theo nghiên cứu mới của các nhà khoa học từ Ireland và Canada, có rất nhiều loại nước quen thuộc có thể giúp giảm nguy cơ đột quỵ nếu uống đủ lượng.

    Nghiên cứu mới vừa được công bố trên tạp chí về đột quỵ International Journal of Stroke của các nghiên cứu toàn cầu do Đại học Galway (Ireland) đồng dẫn đầu, hợp tác với Đại học McMaster Canada và mạng lưới các nhà nghiên cứu về đột quỵ quốc tế đã phân tích dự án nghiên cứu về đột quỵ

    Đây là một nghiên cứu quốc tế lớn nhằm mục tiêu cung cấp thông tin hữu ích về cách giảm nguy cơ đột quỵ. Cụ thể bao gồm 2 nghiên cứu: Một nghiên cứu xem xét tác động của nước ngọt có ga, nước ép trái cây và nước lọc đối với nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu thứ hai phân tích tác động của việc tiêu thụ trà và cà phê đối với nguy cơ này.

    Cả hai nghiên cứu bao gồm gần 27.000 người tham gia từ 27 quốc gia, trong đó có gần 13.500 người đã bị đột quỵ lần đầu. Kết quả đã phát hiện ảnh hưởng của các loại đồ uống đến nguy cơ đột quỵ như sau:

    Đối với nước lọc nếu uống hơn 7 ly nước mỗi ngày (240 ml một ly) thực sự giúp giảm nguy cơ đột quỵ do cục máu đông. Uống trà giúp giảm 18 – 20% nguy cơ đột quỵ. Với 3 – 4 tách trà đen (240 ml một tách) mỗi ngày giảm đến 29% nguy cơ đột quỵ. Và 3 – 4 tách trà xanh mỗi ngày giúp giảm 27% nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, thêm sữa vào trà có thể làm giảm hoặc ngăn chặn tác dụng có lợi của chất chống oxy hóa trong trà và làm mất tác dụng ngăn ngừa đột quỵ của trà.

    Tình trạng đột quỵ gia tăng cần có cách phòng ngừa hiệu quả từ việc sử dụng các loại đồ uống hàng ngày. Ảnh minh họa

    Kết quả nghiên cứu cũng phát hiện uống ít hơn 4 tách cà phê mỗi ngày không làm tăng nguy cơ đột quỵ. Tuy nhiên, uống hơn 4 tách cà phê mỗi ngày có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.

    Nước ngọt có ga và đồ uống có ga dùng đường nhân tạo hoặc không đường đều làm tăng nguy cơ đột quỵ lên 22% và nguy cơ này tăng mạnh nếu uống từ 2 đồ uống trở lên mỗi ngày. Nước ép trái cây đóng chai dùng nhiều loại thức uống này làm tăng 37% nguy cơ đột quỵ.

    Nhà nghiên cứu chính, giáo sư Andrew Smyth, làm việc tại Đại học Galway, cho biết, nước ép trái cây tươi có nhiều khả năng mang lại lợi ích, nước trái cây đóng chai làm từ chất cô đặc, có nhiều đường và chất bảo quản bổ sung, có thể làm mất đi những lợi ích của trái cây tươi và có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nguy cơ đột quỵ tăng lên khi uống đồ uống có ga thường xuyên hơn.

    Giáo sư Smyth lưu ý mọi người tránh hoặc hạn chế tiêu thụ đồ uống có ga và nước trái cây đóng chai và cân nhắc chuyển sang uống nước lọc thay thế.

    Trong diễn biến liên quan tới tình trạng đột quỵ, theo báo cáo, tỷ lệ mắc đột quỵ ngày càng gia tăng ở người trẻ và trung niên trên toàn cầu. Tỷ lệ tử vong do đột quỵ được dự đoán sẽ tăng 50%, từ 6,6 ca năm 2020 lên 9,7 triệu ca đến năm 2050, với số năm sống điều chỉnh theo tình trạng khuyết tật tăng từ 144,8 lên 189,3 triệu trong cùng thời kỳ. Đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên toàn thế giới. Gánh nặng tàn tật sau đột quỵ cũng rất lớn và đang gia tăng với tốc độ nhanh hơn ở các nước thu nhập thấp và trung bình so với các nước thu nhập cao.

    Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn

    Trên thế giới, hiện nay các quốc gia cũng xây dựng các tiêu chuẩn cho các loại đồ uống không cồn khác nhau. Ví dụ: Australia và New Zealand có tiêu chuẩn riêng cho nước giải khát như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải; Trung Quốc có tiêu chuẩn riêng cho nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên, nước quả, và các loại nước giải khát như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải, nước uống chứa nước quả, nước uống chứa chè, nước uống chứa cà phê…

    Tuy nhiên, các sản phẩm đồ uống không cồn là nhóm đối tượng quy chuẩn tương đồng, vì vậy trong hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam hiện nay chỉ có QCVN 6-2:2010/BYT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm đồ uống không cồn, quy định các chỉ tiêu an toàn thực phẩm (kim loại nặng; độc tố vi nấm; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật; vi sinh vật) và các yêu cầu quản lý đối với đồ uống không cồn, bao gồm nước rau quả, nectar rau quả và đồ uống pha chế sẵn không cồn (nước giải khát). QCVN 6-2:2010/BYT chỉ quy định các nội dung về an toàn thực phẩm, không quy định các chỉ tiêu chất lượng của sản phẩm.

    Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam (TCVN) hiện nay đối với sản phẩm đồ uống không cồn đã có các TCVN về: Nước uống đóng chai [TCVN 6096:2010 (CODEX STAN 227-2001)]; Nước khoáng thiên nhiên [TCVN 6213:2010 (CODEX STAN 108-1981, Rev.2-2008)]; Nước rau quả [TCVN 7946:2008 (CODEX STAN 247-2005)]; Sữa đậu nành (TCVN 12443:2018); Nước giải khát (TCVN 12828:2019) .

    TCVN 12828:2019 nước giải khát thay thế cho TCVN 7041:2009 đồ uống không cồn – Quy định kỹ thuật. TCVN 12828:2019 nước giải khát đã được Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ công bố theo Quyết định số 4059/QĐ-BKHCN để thay thế cho TCVN 7041:2009.

    Tiêu chuẩn TCVN 12828:2019 nước giải khát được áp dụng cho nhóm sản phẩm nước giải khát có mặt trên thị trường, như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải và các đồ uống đặc biệt khác, nước giải khát có chứa cà phê, nước giải khát có chứa chè, đồ uống thảo mộc, nước giải khát có chứa nước trái cây và các loại đồ uống từ ngũ cốc.

    TCVN 12828:2019 nước giải khát quy định các chỉ tiêu chất lượng, như yêu cầu nguyên liệu, yêu cầu cảm quan, yêu cầu lý hóa, yêu cầu về phụ gia thực phẩm, yêu cầu về an toàn thực phẩm (giới hạn về kim loại nặng, giới hạn về vi sinh vật) cũng như cập nhật các phương pháp thử hiện hành, hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực.

    Ngoài ra, TCVN 12828:2019 nước giải khát cũng nêu định nghĩa chi tiết về một số nhóm sản phẩm nước giải khát có mặt trên thị trường, như nước uống tăng lực, nước uống thể thao, nước uống điện giải, nước giải khát chứa nước trái cây, nước giải khát có chứa chè… để giúp cho việc ghi nhãn sản phẩm được chính xác.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/phat-hien-moi-ve-mot-so-loai-nuoc-uong-quen-thuoc-giup-giam-dang-ke-nguy-co-dot-quy-d226018.html

    Những loại thuốc có thể gây khô và bong tróc da cần lưu ý

    0

    Tình trạng da khô là vấn đề phổ biến. Có rất nhiều nguyên nhân gây khô da nhưng một nguyên nhân nhiều người không để ý tới đó chính là do sử dụng một số loại thuốc như trị mụn, lợi tiểu, hạ mỡ máu…

    Theo thông tin từ Bệnh viện Vinmec, da khô là tình trạng da rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, phổ biến hơn ở những người cao tuổi. Trong hầu hết trường hợp, da khô không gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nhưng có thể dẫn đến một số biến chứng da liễu và khó điều trị.

    Da khô xuất hiện nhiều ở khu vực như cánh tay, bàn tay, đặc biệt là bàn chân. Các yếu tố môi trường, chẳng hạn như độ ẩm và nhiệt độ, có ảnh hưởng nhiều nhất đến lượng nước trong da. Thường xuyên rửa tay cũng làm mất nước và làm khô da. Da khô cũng có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc.

    Retinoid

    Retinoid là thuốc liên quan đến vitamin A, được dùng để điều trị mụn trứng cá, làm giảm sự xuất hiện của các vấn đề về da liên quan đến tuổi tác… nhưng chúng cũng có thể khiến da khô, bong tróc.

    Nguyên nhân là do retinoid làm tăng sự phát triển của tế bào da mới. Khi cơ thể tạo ra các tế bào da mới, sẽ loại bỏ tế bào cũ. Retinoid cũng làm giảm lượng dầu mà da tạo ra. Những tác động kết hợp này khiến da khô, bong tróc, đặc biệt là trong tuần đầu điều trị. Một số retinoid tại chỗ có khả năng gây khô da hơn những loại khác.

    Thuốc điều trị mụn tại chỗ

    Các bác sĩ tại Công ty TNHH Thẩm mỹ Y khoa TIGI Việt Nam cho rằng, bên cạnh lợi ích mà thuốc điều trị mụn trứng cá mang lại, chúng cũng có thể gây nên một số tác dụng phụ trên da đáng lưu ý như khô da và khô môi, da trở nên dễ bong tróc do bị mất nước, sần sùi, kích ứng, ngứa và đỏ da. Da trở nên nhạy cảm hơn với ánh sáng, dễ bị thâm sạm.

    Khô da và khô môi là tác dụng phụ phổ biến và dễ nhận biết khi sử dụng thuốc trị mụn. Nguyên nhân chính là do hầu hết các loại thuốc trị mụn có đặc tính làm giảm tiết bã nhờn và loại bỏ tế bào chết. Điều này dẫn đến tình trạng mất nước, làm da trở nên khô hơn và dễ bong tróc.

    Ngoài ra, da có thể bị khô ngay cả khi không sử dụng thuốc trị mụn nếu cơ thể không được bổ sung đủ nước hoặc da không được cung cấp đủ độ ẩm. Khi sử dụng thuốc trị mụn, tình trạng khô da càng dễ xảy ra và thường ở mức độ nghiêm trọng hơn do tác động của thuốc. Vì vậy, việc duy trì đủ độ ẩm cho da và bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể là rất quan trọng trong quá trình điều trị mụn.

    Ngoài ra theo DS. Nguyễn Phương Thu (Hà Nội), một số loại thuốc trị mụn tại chỗ cũng có thể gây khô da, kích ứng tại chỗ bôi như: Benzoyl peroxide, axit salicylic. Cả hai đều có bán không cần kê đơn.

    Cả hai sản phẩm đều có nhiều công thức khác nhau. Bắt đầu dùng với sản phẩm có nồng độ thấp giúp giảm khô da. Chỉ sử dụng các sản phẩm trị mụn tại chỗ một lần một ngày (lúc đầu) để giúp da thích nghi với thuốc. Chọn các sản phẩm không có mùi thơm, thuốc nhuộm hoặc dán nhãn là không gây dị ứng cũng hữu ích để giảm khô da. Giống như retinoid, cần thoa kem chống nắng, kem dưỡng ẩm hàng ngày trong khi sử dụng.


    Có rất nhiều nguyên nhân gây khô da, trong số đó phải nói tới do tác dụng phụ của một số loại thuốc. (Ảnh minh họa)

    Thuốc lợi tiểu

    Thuốc lợi tiểu được dùng trong điều trị tăng huyết áp cũng như tình trạng sưng phù (tấy) do lượng chất lỏng dư thừa trong cơ thể. Thuốc lợi tiểu hoạt động bằng cách loại bỏ chất lỏng khỏi cơ thể qua nước tiểu. Trong một số trường hợp, có thể khiến cơ thể bị mất nước, dẫn đến da khô. Nguy cơ da khô cao hơn đối với người trung niên hoặc lớn tuổi, dùng nhiều hơn một loại thuốc có tác dụng phụ này.

    Nếu da khô gây khó chịu, hãy dùng kem dưỡng ẩm hàng ngày. Duy trì đủ nước cũng có thể tạo nên sự khác biệt. Lượng chất lỏng này thay đổi tùy theo tiền sử bệnh tật của từng cá nhân. Hãy cho bác sĩ kê đơn biết nếu da khô nghiêm trọng hoặc gây nứt nẻ, lở loét. Bác sĩ có thể cần thay đổi thuốc để giúp kiểm soát tình trạng này.

    Thuốc hạ mỡ máu statin (crestor, lipitor)

    Statin điều trị cholesterol cao nhưng chúng cũng góp phần gây ra các vấn đề về da. Atorvastatin (lipitor), lovastatin nói riêng đã được báo cáo gây khô da. Ngoài ra, còn có mối liên quan giữa statin, nguy cơ mắc bệnh chàm tăng cao.

    Tác dụng phụ của statin đối với da có thể là do tác dụng của chúng đối với cholesterol. Trong khi cholesterol gây ra rủi ro cho sức khỏe khi tích tụ trong mạch máu của bạn, nó cũng giúp da giữ được độ ẩm. Khi statin làm giảm mức cholesterol, da sẽ trở nên khô hơn bình thường.

    Cũng giống như thuốc lợi tiểu, nguy cơ da khô do statin dễ xảy ra hơn nếu đang dùng các loại thuốc khác gây ra tình trạng này, bạn ở độ tuổi trung niên hoặc lớn tuổi hơn. Giữ ẩm cho da, sử dụng chất tẩy rửa nhẹ nhàng có thể giúp kiểm soát tình trạng da khô. Nhưng nếu tình trạng này nghiêm trọng hoặc gây khó chịu, cần thông báo cho bác sĩ kê đơn biết.

    Một số thuốc chống trầm cảm

    Tuy không phổ biến nhưng một số loại thuốc chống trầm cảm cũng có thể gây khô da. Một số thuốc chống trầm cảm có tác dụng kháng cholinergic có thể dẫn đến khô mắt, khô miệng, khô da. Cũng có thể mức serotonin tăng cao khiến da bị ngứa, đây là triệu chứng phổ biến của da khô. Thuốc chống trầm cảm có thể gây ra nhiều triệu chứng liên quan đến da khác như phản ứng dị ứng nghiêm trọng, mụn trứng cá, khiến da khô hoặc bị kích ứng.

    Thuốc kháng histamin

    Thuốc kháng histamin có tác dụng điều trị dị ứng, nhưng chúng cũng có thể gây khô mắt, khô miệng (những dấu hiệu phổ biến), khô da. Thuốc kháng histamin có thể ngăn chặn việc sản xuất một số loại dầu trên da, có thể khiến da bạn khô hơn bình thường. Thuốc kháng histamin thế hệ đầu tiên, chẳng hạn như diphenhydramine (benadryl), có nhiều khả năng gây khô da hơn. Tuy nhiên, da khô cũng có thể xảy ra với các thuốc mới hơn như cetirizine, loratadine. Da khô cũng có thể xảy ra nhiều khả năng hơn nếu bạn dùng thuốc kháng histamin thời gian dài.

    Thuốc hóa trị

    Hóa trị nhắm vào các tế bào phân chia nhanh để làm chậm hoặc ngăn chặn sự phát triển của ung thư. Da khô là tác dụng phụ thường gặp của thuốc hóa trị cũng như xạ trị. Trong một số trường hợp, nó có thể đủ nghiêm trọng để làm gián đoạn quá trình điều trị. Có thể bảo vệ làm da trong quá trình điều trị ung thư bằng cách uống đủ nước, sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi hai lần một ngày. Bạn cũng nên thoa kem chống nắng, tránh gió, nhiệt độ khắc nghiệt bất cứ khi nào có thể.

    Thuốc tránh thai

    Da khô không phải là tác dụng phụ phổ biến của thuốc tránh thai, nhưng estrogen làm giảm lượng dầu do các tuyến trên da sản xuất. Đây là lý do tại sao thuốc tránh thai kết hợp có thể được sử dụng để giúp điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên, ít dầu hơn cũng có thể dẫn đến da khô đối với một số người.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/bac-si-chi-ra-nhung-loai-thuoc-gay-kho-da-can-luu-y-d225839.html

    Nguy cơ lãng phí từ sản xuất dư thừa

    0

    Sản xuất dư thừa là một trong những lãng phí được đánh giá là nghiêm trọng và tồi tệ nhất trong các dạng lãng phí vì nó tiềm ẩn hoặc/và tạo ra các lãng phí khác.

    Theo chuyên gia năng suất, sản xuất dư thừa có thể gây ra các nguy cơ sau đối với doanh nghiệp: Nếu sản xuất quá nhiều, doanh nghiệp sẽ lưu kho nhiều, khó thay đổi dòng sản phẩm theo thị hiếu và tiến bộ khoa học công nghệ, từ đó gia tăng rủi ro sự lỗi thời hàng hóa.

    Đây sẽ là những hàng hóa, sản phẩm không theo kịp yêu cầu, đòi hỏi của thị trường và tiến bộ công nghệ, bị tụt hậu so với những sản phẩm ở thời điểm hiện tại. Việc loại bỏ những hàng hóa, sản phẩm này sẽ dẫn đến nguy cơ về sự giảm sút doanh thu và thị phần của doanh nghiệp trên thị trường. Sản xuất dư thừa cũng góp phần làm doanh nghiệp phải đối mặt với tình hình sản phẩm, hàng hóa hết hạn.

    Chẳng hạn như mặt hàng dược phẩm, thực phẩm… doanh nghiệp không chỉ cần bảo quản đúng cách mà còn phải theo dõi hạn dùng. Nếu hết hạn sử dụng doanh nghiệp phải hủy các loại hàng hóa này, như vậy đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải tốn chi phí cho khoản tiến mua nguyên liệu, đầu vào ban đầu; bên cạnh đó phải mất thêm một khoản chi phí để xử lý và thải bỏ các hàng hóa hết hạn. Sản xuất dư thừa góp phần tăng thêm số lượng tồn kho so với nhu cầu thực, dẫn đến lượng tồn kho vượt quá khả năng lưu trữ, chiếm dụng diện tích. Từ đó phát sinh thêm chi phí cho các hoạt động lưu trữ và bảo quản hàng hóa.


    Sản xuất dư thừa là một trong những lãng phí được đánh giá là nghiêm trọng và tồi tệ nhất trong các dạng lãng phí.

    Với sản xuất dư thừa doanh nghiệp có thể phải bán các sản phẩm này với giá thấp hoặc phải bỏ đi dưới dạng phế liệu hoặc phải dùng loại đầu vào, bàn giao sản phẩm cho khách hàng với chất lượng cao hơn mức yêu cầu. Ngoài ra, doanh nghiệp phải đầu tư vốn trước thời hạn như đầu tư mua nguyên liệu và phụ tùng trước kỳ hạn mà doanh nghiệp có khả năng tiếp tục được đặt hàng. Sản xuất thừa còn dẫn đến gia tăng nhiều chi phí như: chi phí lưu kho, chi phí năng lượng, chi phí bảo quản, chi phí nhân lực, chi phí hành chính, chi phí thiết bị, chi phí tài chính…

    Các nguyên nhân dẫn đến sản xuất dư thừa có thể là: Thường doanh nghiệp đều mong muốn chủ động trong sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của khách hàng càng nhanh càng tốt do vậy doanh nghiệp vẫn chấp nhận một khoảng sản xuất dư thừa nào đó như một khoảng dự phòng.

    Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng có được lượng sản xuất dư thừa mong muốn này. Nguyên nhân là do có một số khoản dự phòng nhưng mức này được tính toán chưa hợp lý dẫn đến dự phòng quá cao; Hoặc mặc dù doanh nghiệp chưa có đơn hàng, chưa ký hợp đồng, thông tin hợp đồng/đơn hàng chưa rõ đã bắt tay vào triển khai thực hiện để tạo thế chủ động và lợi thế so với đối thủ cạnh tranh. Cũng có một số doanh nghiệp dự báo sai nhu cầu hoặc sản xuất trước kỳ hạn và cho rằng khách hàng sẽ đặt lại đơn hàng cũ nên tiến hành triển khai sản xuất trước khi có thông tin chính thức.

    Thường các doanh nghiệp đều mong muốn chủ động trong sản xuất kinh doanh, mong muốn đáp ứng yêu cầu của khách hàng càng nhanh càng tốt do vậy nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận một khoảng sản xuất dư thừa nào đó như một khoảng dự phòng.


    Ảnh minh hoạ.

    Trong một số trường hợp, khi doanh nghiệp đã sản xuất hoàn thiện đơn hàng nhưng đơn hàng lại bị hủy hoặc thay đổi số lượng hay chủng loại. Đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến sản xuất dư thừa. Mức độ nghiêm trọng của sản xuất dư thừa trong trường hợp này gặp ở các doanh nghiệp có quy mô sản xuất theo lô hàng lớn hoặc sản xuất hàng loạt nhiều hơn so với doanh nghiệp có loại hình sản xuất khác.

    Việc quản lý trao đổi thông tin trong doanh nghiệp chưa tốt, thông tin truyền đạt giữa bộ phận kinh doanh và bộ phận sản xuất không xuyên suốt dẫn đến thông tin đầu vào, đầu ra (ví dụ: nguyên vật liệu) không rõ và giám sát thông tin, giám sát tuân thủ không tốt (ví dụ mặt dưới mặt bàn cần được làm bằng gỗ loại A, trong khi khách hàng chỉ yêu cầu loại B, v.v. hoặc kế hoạch sản xuất không đạt.

    Phương Nam
    https://vietq.vn/nguy-co-lang-phi-tu-san-xuat-du-thua-d225939.html