28 C
Hanoi
Thứ Bảy, Tháng 5 10, 2025
More
    Home Blog Page 5

    Khoai tây mọc mầm gây ngộ độc: Cảnh báo từ chuyên gia

    Khoai tây là loại rau củ quen thuộc và giàu dinh dưỡng nhưng không phải ai cũng biết khoai tây nảy mầm hoặc có đốm xanh có thể chứa độc tố gây hại cho sức khỏe.

    Khoai tây là loại thực phẩm phổ biến và được ưa chuộng ở nước ta. Khoai tây được trồng rộng rãi ở Việt Nam, do đó giá cả khá phải chăng và dễ dàng mua ở bất kỳ cửa hàng nào. Nó có thể được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau từ món chiên, nướng, lẩu đến món hầm, canh…

    Theo nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp Mỹ, trong khoai tây có chứa lượng lớn vitamin và khoáng chất thiết yếu. Thậm chí, một củ khoai tây nướng cỡ to sẽ chứa gấp 3 lần lượng sắt so với 84g thịt gà. Đặc biệt, thành phần vitamin C cao có sẵn trong khoai hỗ trợ tăng cường hấp thu sắt hiệu quả.

    Chính vì ngon, giàu dinh dưỡng, có thể ăn thay thế cơm mà khoai tây trở thành lương thực thiết yếu trong nhiều gia đình, thường được tích trữ số lượng lớn để khi cần có thể mang ra dùng. Tuy nhiên, khi khoai tây nảy mầm hoặc xuất hiện đốm xanh, chúng sẽ sản sinh ra hai loại glycoalkaloid độc hại là solanine và chaconine.

    Độc tố tập trung nhiều nhất ở mầm, vỏ xanh và mắt khoai tây. Màu xanh lá cây trên khoai tây là dấu hiệu cho thấy nồng độ glycoalkaloid đã tăng cao. Khi khoai tây nảy mầm, nồng độ glycoalkaloid cao có thể gây ra các triệu chứng ngộ độc như rối loạn tiêu hóa: chuột rút, tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa. Các triệu chứng nghiêm trọng hơn (hiếm gặp) như tụt huyết áp, sốt, rối loạn thần kinh, thậm chí tử vong.


    Khoai tây mọc mầm có thể gây nguy hiểm khi ăn phải. (Ảnh minh họa).

    Để an toàn cho sức khỏe, cách tốt nhất là vứt bỏ những củ khoai tây có đốm xanh hoặc nảy mầm. Nếu chỉ có một vài mầm nhỏ, bạn có thể cắt bỏ chúng và gọt vỏ kỹ lưỡng, nhưng cần lưu ý rằng cách này không loại bỏ hoàn toàn độc tố. Bởi vì hóa chất tự nhiên này không thể loại bỏ bằng cách chiên, nướng, cho vào lò vi sóng hoặc đun sôi.

    Chỉ mua lượng khoai tây vừa đủ dùng. Bảo quản khoai tây ở nơi mát mẻ, tối và thông thoáng. Tránh để khoai tây tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trực tiếp và nhiệt độ cao. Không bảo quản khoai tây trong tủ lạnh hoặc tủ đông (trừ khi đã nấu chín một phần).

    Nếu bạn lỡ mua quá nhiều, hãy bảo quản chúng nhưng tránh xa hành tây, vì hành tây giải phóng khí và có thể khiến khoai tây nảy mầm nhanh hơn.

    Khi khoai tây tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng sẽ khiến chất solanine tích tụ, làm vỏ khoai tây chuyển sang màu xanh lục. Thậm chí, nhiệt độ lạnh hơn khiến tinh bột khoai tây chuyển thành đường, dẫn đến vị ngọt và đổi màu khi nấu chín. Đặc biệt, khoai tây mua về nên để nguyên, không rửa, vì bất kỳ độ ẩm nào cũng có thể khiến khoai tây bị hỏng sớm. Đây cũng là lý do tại sao khoai tây đã rửa trước sẽ không để được lâu sau khi mua về.

    PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học & Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho hay, khoai tây mọc mầm là thực phẩm không nên ăn. Trong các loại rau, củ mà con người sử dụng thì gần như chỉ có khoai tây mọc mầm là chứa độc.

    Trong khoai tây mọc mầm chứa chất solanin, đây là độc tố chủ yếu xuất hiện ở chân mầm và lớp vỏ xanh bên ngoài. Solanin là dạng chất kháng sinh của thực vật với lượng chất độc acid cyanic lớn. Nếu ăn khoai tây mọc mầm khi bị trúng độc, người bệnh sẽ bị đau bụng, tiêu chảy, sốt, sốc, thậm chí là co giật, hôn mê, suy hô hấp, tử vong.

    Cục An toàn thực phẩm cho biết, chất solanin có thể gây ngộ độc chết người với liều lượng 0,2-0,4g trên 1kg trọng lượng cơ thể. Tốt nhất không nên ăn những củ khoai tây đã mọc mầm.

    Trong trường hợp khoai tây chỉ mới nảy 1-2 mầm nhỏ thì phải bỏ hết mầm, khoét bỏ hết chân mầm, đồng thời gọt bỏ vỏ để loại bỏ hết chất solanin. Khi chọn mua khoai tây, mọi người nên mua những củ cầm lên thấy nặng, chắc tay và lành lặn, vỏ trơn nhẵn, có màu vàng vì đây là củ khoai tây thơm ngọt hơn cả.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/khoai-tay-moc-mam-gay-ngo-doc-canh-bao-tu-chuyen-gia-d231937.html

    Vì sao ăn thực phẩm đóng hộp đã mở nắp có thể bị nhiễm khuẩn botulinum

    Theo báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) thực phẩm đóng hộp tiện lợi, dễ sử dụng nhưng tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc do vi khuẩn botulinum. Vậy tại sao thực phẩm này lai dễ nhiễm khuẩn kịch độc này?

    Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, ngộ độc thực phẩm do độc tố botulinum là loại ngộ độc kinh điển trong y văn nhưng trên thực tế xảy ra không thường xuyên, yếu tố dịch tễ và các biểu hiện đặc trưng của bệnh thường khó khai thác nên việc chẩn đoán xác định rất khó khăn. Một số bệnh nhân ngộ độc loại này cũng có thể bị bỏ sót khi liệt xuất hiện nhanh, không có người chứng kiến, khi phát hiện đã tử vong hoặc liệt nặng, không thể giao tiếp.

    Theo báo cáo của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Châu Âu (ECDC), chất độc botulinum không màu, không mùi, không vị nhưng botulinum là một trong những chất độc nguy hiểm và mạnh nhất từng được biết đến. Chỉ với một lượng nhỏ, botulinum dễ dàng khiến con người rơi vào trạng thái liệt toàn thân, nguy kịch hay thậm chí không qua khỏi. Chất độc này do vi khuẩn kỵ khí Clostridium botulinum tạo ra, với điều kiện lý tưởng để sinh sôi là môi trường thiếu oxy, chẳng hạn trong thực phẩm đóng hộp hoặc ủ kín.

    Các trường hợp ngộ độc botulinum được ghi nhận rải rác trong năm mà không có sự gia tăng rõ rệt vào một mùa nhất định. Điều này cho thấy yếu tố thời tiết, nhiệt độ không quyết định nguy cơ mắc bệnh mà quan trọng hơn là cách thực phẩm được bảo quản và chế biến.


    Thực phẩm đóng hộp không được chế biến và bảo quản sai cách có thể gây ngộ độc tử vong. Ảnh minh họa

    Vi khuẩn Clostridium botulinum chỉ phát triển khi không có khí oxy. Nếu thực phẩm bị nhiễm khuẩn và được bảo quản trong điều kiện thiếu oxy, nhiệt độ không phù hợp hoặc không đảm bảo vệ sinh, vi khuẩn có thể sinh sôi và tạo ra độc tố botulinum. Điều này thường xảy ra với thực phẩm chế biến thủ công như đồ hộp, thực phẩm muối chua hoặc lên men không đúng cách.

    Thống kê của Eurofins (công ty hàng đầu thế giới về kiểm nghiệm) cho thấy 80% vụ ngộ độc botulinum liên quan đến thực phẩm đóng hộp tại nhà do xử lý không đúng cách. Vi khuẩn botulinum không thể phát triển trong môi trường có tính axit cao (pH dưới 4,6), nên thực phẩm có độ axit cao thường không sinh độc tố.

    Chính vì thế, botulinum thường được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, rau củ có độ axit thấp (đậu xanh, rau bina, nấm, củ cải đường), sản phẩm từ cá (cá ngừ đóng hộp, cá muối, cá hun khói, cá lên men) và thịt chế biến (giăm bông, xúc xích) bị nhiễm khuẩn. Mức độ nguy hiểm của botulinum còn phụ thuộc vào thói quen ăn uống và phương pháp bảo quản. Ngay cả thực phẩm sản xuất công nghiệp cũng không loại trừ nguy cơ nhiễm độc tố.

    Phòng ngừa ngộ độc botulinum chủ yếu dựa vào thực hành an toàn thực phẩm, đặc biệt là trong khâu chế biến, tiệt trùng và bảo quản. Việc diệt khuẩn và bào tử trong sản phẩm đóng hộp hoặc bảo quản nhiệt cao là biện pháp quan trọng. Thực phẩm có độ axit thấp cần được bảo quản cẩn thận.

    Theo đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra 5 nguyên tắc để giữ thực phẩm an toàn: Giữ vệ sinh sạch sẽ; Tách riêng thực phẩm sống và chín; Nấu chín kỹ; Bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ an toàn; Sử dụng nước và nguyên liệu an toàn.

    Chọn các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, có tiêu chuẩn chất lượng và an toàn được công nhận. Thận trọng với các thực phẩm đóng kín như trên nhưng có mùi hoặc màu sắc thay đổi, hoặc có vị thay đổi khác thường (ví dụ đáng lẽ chua nhưng lại không chua). Không nên tự đóng gói kín các thực phẩm theo các cách khác nhau (hộp, chai, lọ, hộp,…) và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá (nhiệt độ đông đá làm vi khuẩn ngừng phát triển).

    Lưu ý nấu chín sẽ phá hủy độc tố botulinum (nếu không may có trong thực phẩm). Với các thực phẩm lên men, đóng gói hoặc che đậy kín theo cách truyền thống (như dưa muối, măng, cà muối,…) cần đảm bảo phải chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn.

    Tiêu chuẩn HACCP trong đóng hộp thực phẩm

    Tiêu chuẩn HACCP hiện là một tiêu chuẩn quốc tế được viết tắt từ Hazard Analysis and Critical Control Points giúp doanh nghiệp, tổ chức kiểm soát giới hạn các mối nguy hình thành trong quá trình sản xuất chế biến thực phẩm. Trong tiêu chuẩn này, có những nguyên tắc cần được tuân thủ gồm:

    Tiến hành phân tích mối nguy: Hầu hết các loại khuôn khổ giảm thiểu nguy cơ khác, điều đầu tiên cần làm khi nói đến HACCP là tiến hành phân tích nguy cơ đầy đủ và kỹ lưỡng hoặc đánh giá rủi ro về quy trình mà bạn chịu trách nhiệm. Điều này có nghĩa là tìm kiếm bất kỳ rủi ro hóa học, sinh học hoặc vật lý nào có thể xảy ra trong quá trình sản xuất, đóng gói, bảo quản thực phẩm hoặc bất kỳ quy trình nào khác.

    Thiết lập giới hạn tới hạn cho từng điểm kiểm soát tới hạn: Tại các điểm kiểm soát tới hạn, đây là lúc cần phải quyết định chính xác đâu là giới hạn tới hạn và cách thức kiểm soát rủi ro bởi điều này. Khi xem xét ví dụ về thịt, rủi ro là một miếng thịt nấu chưa chín có thể chứa vi khuẩn có hại, điều đó có nghĩa là miếng thịt sẽ cần đạt đến một nhiệt độ nhất định để tiêu diệt vi khuẩn này. Xác định giới hạn tới hạn nghĩa là quyết định nhiệt độ chính xác mà thịt phải đạt tới.

    Thiết lập các yêu cầu giám sát điểm kiểm soát tới hạn: Cách thức giám sát điểm kiểm soát tới hạn là cực kỳ quan trọng và trong một số trường hợp, việc này khó hơn nhiều so với những trường hợp khác. Tuy nhiên, việc giám sát điều này có thể trở nên phức tạp hơn nhiều, chẳng hạn như trong các cơ sở sản xuất thực phẩm nơi có các giải pháp công nghệ cao được sử dụng để xác định xem liệu các dị vật có tìm được đường vào thực phẩm hay không và liệu chúng có ở hoặc thậm chí vượt quá giới hạn tới hạn hay không.

    Thiết lập các hành động khắc phục: Khi giám sát đã thiết lập rằng các giới hạn tới hạn tại một điểm kiểm soát tới hạn đã bị vượt quá, thì điều cực kỳ quan trọng là phải thực hiện hành động khắc phục để đảm bảo rằng mối nguy không thể trở thành vấn đề. Điều này có thể có nghĩa là vứt bỏ bất kỳ mặt hàng nào không được nấu chín đúng cách, thu hồi các mặt hàng bán có thể đã bị xâm phạm hoặc thậm chí thực hiện bất kỳ hành động nào khác để ngăn chặn việc tiêu thụ một mặt hàng nguy hiểm.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/vi-sao-an-thuc-pham-dong-hop-da-mo-nap-co-the-bi-nhiem-botulinum-chat-doc-than-kinh-cuc-manh-gay-tu-d231899.html

    Thực phẩm đóng hộp nhiễm khuẩn: Cảnh báo tác hại và cách thức nhận biết

    Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), một số loại thực phẩm đóng hộp nếu không được sản xuất, bảo quản đúng cách có thể tiềm ẩn nguy cơ nhiễm khuẩn, đặc biệt là vi khuẩn Clostridium botulinum gây ngộ độc.

    Mới đây, nam thanh niên 25 tuổi phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng mắt không cử động được, liệt tứ chi hoàn toàn sau khi ăn pate đóng hộp. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc botulinum nặng liên quan đến sử dụng thực phẩm đóng hộp nhưng không được bảo quản đúng cách.

    Trong một số loại thực phẩm đóng hộp có thể chứa vi khuẩn Clostridium botulinum, gây ngộ độc nặng nếy không được bảo quản và sản xuất đúng cách.

    Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, chỉ cần lượng nhỏ độc tố botulinum cũng có thể gây ngộ độc, dẫn đến liệt cơ, suy hô hấp và đe dọa tính mạng nếu không cấp cứu kịp thời. Cục này cho biết các loại thực phẩm dễ nhiễm botulinum gồm pate đóng hộp, thịt hộp, cá hộp, cá, xúc xích đóng hộp. Nếu quy trình đóng gói, tiệt trùng không đảm bảo có thể tạo môi trường yếm khí cho vi khuẩn botulinum phát triển.

    Bên cạnh đó, đồ hộp tự làm như rau củ muối chua, ngâm dầu hoặc đóng lọ như dưa chuột ngâm, cà muối nếu không tiệt trùng kỹ cũng dễ nhiễm botulinum.


    Các loại thực phẩm đóng hộp nếu không bảo quản đúng cách sẽ trở thành mối đe dọa đến tính mạng. (Ảnh minh họa).

    Rau củ đóng hộp như ngô, đậu Hà Lan, đậu xanh, củ cải đường, măng, nấm… khi đóng hộp có thể là môi trường tiềm năng cho vi khuẩn nếu không đun đủ nhiệt độ tiêu diệt bào tử. Sản phẩm hút chân không hoặc để lâu trong môi trường yếm khí như xúc xích hun khói, thịt muối, thực phẩm lên men để lâu ngày không đúng cách cũng dễ gây ngộ độc.

    Các dấu hiệu nhận biết thực phẩm đóng hộp bị nhiễm khuẩn như: hộp bị phồng, rỉ sét, móp méo hoặc rò rỉ, khiến bao bì mất khả năng bảo vệ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập. Nắp và đáy hộp lồi bất thường. Hay có mùi lạ, hôi hoặc chua cho thấy thực phẩm đã bị biến chất. Nước trong hộp bị đục hoặc có bọt khí, dấu hiệu vi sinh vật sinh khí và phân hủy thực phẩm. Thực phẩm đổi màu, có váng lạ nổi trên bề mặt.

    Bên cạnh đó, với thực phẩm chưa mở nắp, cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát (nhiệt độ 15-25 độ C); tránh ánh nắng trực tiếp, nơi có nhiệt độ cao hoặc độ ẩm cao; không để hộp bị va đập mạnh, móp méo hoặc xếp chồng nặng. Với thực phẩm sau khi mở hộp, nên chuyển thực phẩm ra hộp sạch, không để thực phẩm trong hộp gốc sau khi mở nắp, vì lớp kim loại bên trong có thể bị oxy hóa và ảnh hưởng đến thực phẩm.

    Nên dùng hộp thủy tinh, hộp nhựa an toàn thực phẩm có nắp kín để bảo quản. Nhiệt độ lý tưởng để bảo quản là dưới 4 độ C để hạn chế vi khuẩn phát triển. Với thực phẩm đã mở hộp như thịt hộp, cá hộp, pate, chỉ nên dùng trong 1 – 3 ngày. Với rau củ đóng hộp, sử dụng tối đa 3 – 5 ngày. Trái cây đóng hộp sử dụng trong thời gian 5 – 7 ngày.

    Đặc biệt, với thực phẩm có nguy cơ cao nhiễm khuẩn (pate, cá hộp, thịt hộp, thực phẩm homemade) cần hâm nóng kỹ trước khi ăn lại, đặc biệt là pate hoặc thịt hộp, để tiêu diệt vi khuẩn (đun sôi ít nhất 10 – 15 phút). Không để thực phẩm ở nhiệt độ phòng quá 2 giờ sau khi mở hộp.

    Những sản phẩm đồ ngâm, pate tự làm, thực phẩm hút chân không nếu chưa dùng ngay nên bảo quản trong ngăn đá để kéo dài thời gian sử dụng. Khi lấy ra dùng, cần rã đông đúng cách trong ngăn mát tủ lạnh thay vì để ở nhiệt độ phòng.

    Chỉ dùng sản phẩm khi còn hạn sử dụng, hộp không phồng hoặc móp méo. Đun sôi lại thực phẩm trong 10 – 15 phút trước khi ăn. Tránh sử dụng pate hoặc đồ hộp đã mở lâu trong tủ lạnh (quá 3 ngày) để phòng nguy cơ ngộ độc botulinum nguy hiểm.

    Ngộ độc botulinum có thể gây liệt cơ, khó thở và tử vong, đặc biệt khi sử dụng thực phẩm đóng hộp hoặc thực phẩm tự làm không đảm bảo vệ sinh, tiệt trùng. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần thận trọng và tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc an toàn thực phẩm khi sử dụng và bảo quản thực phẩm đóng hộp để không xảy ra hậu quả đáng tiếc.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/nhan-biet-thuc-pham-dong-hop-bi-nhiem-khuan-d231788.html

    Phát triển gỗ “tự nén” siêu bền có thể cạnh tranh với kim loại

    Trong khi gỗ trồng bền vững có thể là vật liệu xây dựng tiết kiệm và thân thiện với môi trường, thì độ bền kéo tương đối thấp lại hạn chế các ứng dụng tiềm năng của nó. Tuy nhiên, điều đó có thể sớm thay đổi nhờ vào một kỹ thuật tự làm đặc mới để tạo ra gỗ siêu bền.

    Các sợi gỗ riêng lẻ chủ yếu được tạo thành từ cellulose, cùng với chất kết dính được gọi là lignin. Hỗn hợp này tạo thành thứ về cơ bản là một ống rỗng dài – sợi – chạy theo chiều dài bên trong khối gỗ lớn hơn. Không gian rỗng bên trong ống được gọi là lumen, nó là thứ giới hạn độ bền của gỗ.

    Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Nam Kinh của Trung Quốc gần đây đã quyết tâm giải quyết nhược điểm đó bằng cách phát triển quy trình mới. Quá trình này bắt đầu bằng cách đun sôi khối gỗ trong hỗn hợp natri hydroxit (kiềm) và natri sunfit, loại bỏ một số lignin. Sau đó, khối gỗ được nhúng vào hỗn hợp muối liti clorua và dung môi được gọi là dimethylacetamide đã đun nóng. Điều này khiến cellulose (và lignin còn lại) nở ra, nở vào bên trong để lấp đầy khoang.


    Mặc dù đã được sử dụng rộng rãi trong xây dựng, gỗ truyền thống (hình ảnh) không phải đã tối ưu..

    Trong bước cuối cùng, gỗ đã qua xử lý được để khô tự nhiên ở nhiệt độ phòng trong 10 giờ. Khi làm như vậy, gỗ sẽ co lại đồng đều từ mọi phía nhưng vẫn giữ nguyên chiều dài ban đầu. Vật liệu thu được được cho là có độ bền kéo, độ bền uốn và độ bền va đập “siêu cao” – cao hơn nhiều so với gỗ tự nhiên.

    Nó thậm chí còn vượt trội hơn gỗ đã được nén bằng phương pháp truyền thống, trong đó các sợi chỉ được làm phẳng bằng máy theo một hướng. Và không giống như các phương pháp làm đặc gỗ đồng đều khác, phương pháp này không đòi hỏi quá trình ép nóng tốn nhiều năng lượng.

    Người ta hy vọng khi công nghệ này phát triển hơn nữa, gỗ tự nén có thể được sử dụng thay thế cho kim loại truyền thống trong xây dựng và các ứng dụng khả thi khác.

    Tiểu My
    https://vietq.vn/phat-trien-go-tu-nen-sieu-ben-co-the-canh-tranh-voi-kim-loai-s27-d231801.html

    Nghiên cứu chỉ ra tác dụng tuyệt vời của hạt điều với sức khỏe tim mạch, tiểu đường

    Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, hạt điều có rất nhiều lợi ích tốt cho sức khỏe nhất là với tim mạch, tiểu đường nên thường xuyên bổ sung.

    Hạt điều là món ăn nhẹ bổ dưỡng và rất tiện lợi. Trong 100 gram hạt điều khô không ướp muối có 18 gram protein, 660 mg kali, gần 600 mg phốt pho, 290 mg magiê, 37 mg canxi cùng nhiều dưỡng chất khác, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

    Nhìn vào giá trị dinh dưỡng của hạt điều, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy hạt Hạt điều điều rất tốt cho sức khỏe. Một nghiên cứu công bố trên chuyên san The New England Journal of Medicine (Anh) cho thấy ăn hạt điều thường xuyên có thể giúp hỗ trợ giảm nguy cơ tử vong ở mọi nguyên nhân.

    Cụ thể, nghiên cứu đã thu thập dữ liệu sức khỏe của các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu trong suốt 30 năm. Các kết quả phân tích cho thấy những người ăn hạt điều thường xuyên có nguy cơ chết sớm thấp hơn 20%.

    Nhiều bằng chứng nghiên cứu khác cũng đã chứng minh lợi ích của hạt điều. Các số liệu cho thấy bệnh tim là nguyên nhân gây ra khoảng 20% số ca tử vong sớm ở những người từ 25 đến 64 tuổi. Trong đó, huyết áp cao là một trong những yếu tố nguy cơ chính.

    Một nghiên cứu công bố trên chuyên san Trends in Cardiovascular Medicine cho thấy ăn nhẹ bằng hạt điều có thể giúp cải thiện mức huyết áp, nhờ đó giảm nguy cơ tử vong sớm do bệnh tim.


    Hạt điều chứa nhiều chất giúp hỗ trợ cải thiện sức khỏe tim mạch, tiểu đường và ung thư. Ảnh minh họa

    Trong khi ấy, một nghiên cứu khác của các chuyên gia tại Đại học South Australia (Úc) phát hiện thường xuyên ăn các loại hạt, trong đó có hạt điều, có thể làm giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch từ 19% đến 25%, giảm tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch vành từ 24% đến 30% và tử vong do đột quỵ từ 17% đến 18%.

    Trang Times of Indian (Ấn Độ) cũng đưa tin, hạt điều rất giàu magiê, một khoáng chất rất quan trọng đối với sức khỏe cơ và xương. Magiê đóng vai trò chính trong việc co, giãn cơ và mật độ khoáng chất của xương. Ăn hạt điều thường xuyên có thể giúp duy trì cơ và xương chắc khỏe. Những lợi ích này đặc biệt quan trọng đối với những người có nguy cơ loãng xương hoặc các vấn đề liên quan đến cơ.

    Hạt điều là nguồn chất xơ tốt, có thể giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Chất xơ làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu, ngăn ngừa tình trạng tăng đột biến có thể dẫn đến bệnh tiểu đường loại 2. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Chiropractic Medicine (Mỹ) cho thấy, ăn hạt điều thường xuyên có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.

    Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, vì hạt điều giàu các chất chống oxy hóa như axit anacardic, cardanol, cardol nên có hiệu quả tốt cho những bệnh nhân đang điều trị u bướu và ung thư. Đặc biệt chất proanthocyanidins có trong hạt điều thuộc nhóm flavonoid còn có tác dụng chống lại và hạn chế các tế bào ung thư phát triển, là lợi ích nổi bật của loại hạt này. Thúc đẩy hình thành hồng cầu trong cơ thể: vì hạt điều chứa nhiều vi chất đồng hỗ trợ quá trình trao đổi sắt giúp sản sinh các tế bào hồng cầu, từ đó xương và hệ miễn dịch trở nên khỏe mạnh.

    Đối với hạt điều, tổ chức y tế phi lợi nhuận Mayo Clinic (Mỹ) khuyến nghị người trưởng thành nên ăn khoảng 120 đến 180 gram hạt điều/tuần. Điều cần lưu ý là để tối ưu sức khỏe, hạt điều này không được tẩm ướp muối, đường hay chất phụ gia nào. Vì những chất này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch của chúng ta. Cách tốt nhất là nên chọn các loại hạt rang khô hoặc tươi.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13752:2023 nhân hạt điều rang

    Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho nhân hạt điều rang còn vỏ lụa và/hoặc không còn vỏ lụa, để tiêu thụ trực tiếp. Yêu cầu về cảm quan của nhân hạt điều rang còn và không còn vỏ lụa được quy định phải có hình dạng đặc trưng của nhân hạt điều còn vỏ lụa, không bị biến dạng. Hạt điều rang còn vỏ có màu sắc đồng nhất, có màu nâu sẫm, xám tro nhạt, nhân hạt điều không còn vỏ có màu vàng, vàng nhạt. Có mùi thơm, không có mùi dầu ôi, mùi lạ. Không được có tạp chất.

    Sản phẩm đáp ứng được giới hạn tối đa ô nhiễm vi sinh vật, an toàn thực phẩm, kim loại nặng theo quy định hiện hành. Sản phẩm được bao gói trong bao bì khô, sạch, không hút ẩm, không thấm khí, đảm bảo bền, chắc. Vật liệu bao bì đáp ứng yêu cầu theo quy định hiện hành. Ghi nhãn sản phẩm theo TCVN 7087 (CODEX STAN 1) và các quy định hiện hành.

    Phương tiện vận chuyển và bảo quản sản phẩm phải khô, sạch, không có mùi lạ, đảm bảo chống ẩm ướt, duy trì được chất lượng sản phẩm. Không vận chuyển nhân hạt điều rang lẫn với các loại hàng hóa khác có thể ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/nghien-cuu-chi-ra-nhung-tac-dung-tuyet-voi-cua-hat-dieu-voi-suc-khoe-tim-mach-tieu-duong-d231691.html

    Chuyên gia cảnh báo nguy cơ đột quỵ do hút shisha

    Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh đã cứu sống một trường hợp đột quỵ do hút shisha trong thời gian dài.

    Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, Phó Chủ tịch Hội Đột quỵ Việt Nam, Trưởng Khoa Bệnh lý mạch máu não, Bệnh viện Nhân dân 115 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nam thanh niên 22 tuổi, quê Cà Mau nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội. Hình ảnh chụp CT scan cho thấy, bệnh nhân bị xuất huyết não.

    Khi khảo sát thêm bằng cộng hưởng từ, các bác sĩ ghi nhận có huyết khối tại nhiều vị trí trong hệ thống tĩnh mạch não. Tìm hiểu kỹ về bệnh sử, người bệnh có thói quen hút shisha thường xuyên và ngày càng tăng dần trong suốt một năm qua. Sau khi được chẩn đoán và điều trị kịp thời, các bác sĩ đã giúp người bệnh hồi phục hoàn toàn.

    Theo bác sĩ Nguyễn Huy Thắng, hút shisha làm tăng nguy cơ tạo huyết khối bởi trong khói shisha chứa nicotine và carbon monoxide (CO). Nicotine kích thích giải phóng các yếu tố đông máu, làm máu dễ đông hơn (trạng thái tăng đông). Còn CO làm giảm oxy trong máu, gây stress cho hệ tuần hoàn và thúc đẩy hình thành cục máu đông.

    Theo nghiên cứu từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO), một buổi hút shisha (khoảng 1 giờ) khiến người dùng hít lượng CO gấp 9 lần và nicotine gấp 1,7 lần so với một điếu thuốc lá.

    Bên cạnh đó, các chất độc trong khói shisha như kim loại nặng (chì, cadmium) và hợp chất hữu cơ độc hại, gây viêm, tổn thương nội mạc tĩnh mạch. Thành mạch bị tổn thương là nơi lý tưởng để cục máu đông bám vào và phát triển. Hút shisha thường diễn ra trong thời gian dài và ở tư thế ngồi, ít vận động làm chậm lưu thông máu, đặc biệt ở tĩnh mạch chân, tạo điều kiện cho huyết khối hình thành. Đây là yếu tố quan trọng trong “tam giác Virchow” (tăng đông, tổn thương mạch, ứ trệ máu).

    Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã cảnh báo shisha gây hại cho hệ tim mạch tương tự hoặc hơn thuốc lá, bao gồm nguy cơ huyết khối.


    Hình ảnh não của nam thanh niên bị xuất huyết. (Ảnh: BSCC).

    Tại Việt Nam, số trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc lá điện tử đã được ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hầu hết các trường hợp xảy ra ở lứa tuổi học sinh, trong đó có cả nữ giới.

    ThS.BS Nguyễn Thị An – Giám đốc Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cảnh báo, các tổ chức sản xuất, buôn bán thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có những chiến lược, cách thức thu hút nhắm thẳng vào giới trẻ.

    “Các chiến lược thường tập trung vào việc sản xuất các sản phẩm với hình thức đẹp, bắt mắt dễ hấp dẫn trẻ em như: hình cái bút, hình thỏi son, dán các hình hoạt hình ngộ nghĩnh… vào các sản phẩm. Họ tạo ra nhiều loại hương vị mà trẻ em yêu thích như: hương vị xoài, táo, chanh leo… để thu hút trẻ. Ngoài ra, họ cũng thường sử dụng hình ảnh những người nổi tiếng, những người mà giới trẻ thần tượng để quảng cáo sản phẩm, bán hàng” – BS. An nói.

    Theo các chuyên gia, các sản phẩm thuốc lá mới còn có nguy cơ cao tiềm ẩn và phát sinh các tệ nạn xã hội, nhất là sử dụng ma túy và các chất gây nghiện đồng thời với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, ảnh hưởng đến sức khỏe, an ninh trật tự xã hội.

    Thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện.

    Một số khảo sát trong cộng đồng sử dụng thuốc lá điện tử cho thấy rõ ràng về mối liên quan giữa sử dụng thuốc lá điện tử với các tệ nạn xã hội khác như ma túy, hút shisha và các chất gây nghiện khác. Pha trộn ma túy vào dung dịch điện tử (Cannabis và Marijuana) đã được ghi nhận ở Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai và Trung tâm Giám định ma túy Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an. Những hệ lụy này ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, môi trường, lối sống, hành vi của giới trẻ.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-canh-bao-nguy-co-dot-quy-do-hut-shisha-d231670.html

    Hệ lụy khi lạm dụng điện thoại có thể gây rối loạn giấc ngủ

    Các chuyên gia Trung Quốc mới đây đã cảnh báo về tác động tiêu cực của việc lạm dụng điện thoại di động đối với chất lượng giấc ngủ.

    Theo một khảo sát gần đây về tình trạng giấc ngủ của người dân Trung Quốc, có đến 48,5% số người trưởng thành được hỏi thừa nhận họ gặp vấn đề về giấc ngủ và tình trạng này có xu hướng nghiêm trọng hơn theo độ tuổi. Các chuyên gia khuyến nghị người dân nên hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ, đặc biệt là tránh sa đà vào mạng xã hội và các nền tảng chia sẻ video.

    Khảo sát do Hiệp hội Nghiên cứu giấc ngủ Trung Quốc cùng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc phối hợp thực hiện cho thấy những người dành hơn 3 giờ/ngày trên mạng xã hội có nguy cơ bị rối loạn giấc ngủ cao gấp 2,3 lần so với người khác. Bác sĩ Meng Fanqiang – một chuyên gia hàng đầu về rối loạn tâm thần tại một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh – cho biết: “Mỗi giờ tiếp xúc với màn hình điện tử có thể làm giảm từ 10 đến 20 phút giấc ngủ sâu”.

    Các chuyên gia cũng đặc biệt lo ngại về chất lượng giấc ngủ của thanh thiếu niên, khi nhiều em có thói quen sử dụng điện thoại quá mức trước khi đi ngủ. Ánh sáng xanh phát ra từ màn hình điện tử có thể làm giảm tiết melatonin – một loại hormone quan trọng giúp cơ thể dễ ngủ hơn. Bác sĩ Meng nhấn mạnh: “Những thanh thiếu niên có chất lượng giấc ngủ kém trong thời gian dài sẽ bị suy giảm đáng kể khả năng tập trung và ghi nhớ vào ban ngày”.

    Lạm dụng điện thoại có thể gây nên rối loạn giấc ngủ

    Nhằm cải thiện tình trạng này, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp kết hợp giữa nhà trường và gia đình để đảm bảo học sinh có giấc ngủ đầy đủ. Các quy định yêu cầu học sinh phải ngủ ít nhất 8 giờ/ngày nhằm bảo vệ sức khỏe và cải thiện hiệu suất học tập của các em.

    Liên quan đến vấn đề này, theo PGS.TS.BS Lê Khắc Bảo – Giám đốc Trung tâm Giáo dục Y học, Đại học Y Dược TP.HCM, Phó Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam cho biết, nguyên nhân phổ biến của rối loạn giấc ngủ là do thói quen sinh hoạt không lành mạnh như sử dụng điện thoại, máy tính trước khi ngủ, tập thể dục quá muộn, uống cà phê, rượu bia vào buổi tối. Ngoài ra, môi trường ngủ kém, căng thẳng, lo âu kéo dài do áp lực từ công việc, học tập, cuộc sống và nhiều trường hợp bệnh lý cũng khiến rối loạn giấc ngủ.

    Để phòng ngừa và điều trị rối loạn giấc ngủ cần tuân thủ vệ sinh giấc ngủ, PGS.TS.BS Lê Khắc Bảo nhấn mạnh rằng, cần áp dụng các biện pháp khoa học, bao gồm: Tuân thủ vệ sinh giấc ngủ, cụ thể là ngủ đúng giờ, tránh thiết bị điện tử trước khi ngủ, không làm việc trên giường ngủ; Xây dựng môi trường ngủ lý tưởng: Giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh, nhiệt độ mát mẻ, sử dụng chăn ga thoải mái; Hạn chế chất kích thích: Không uống cà phê, rượu bia vào buổi tối, tránh ăn quá no trước khi ngủ; Luyện tập thể dục phù hợp: Tránh tập luyện quá muộn, ưu tiên yoga hoặc thiền để thư giãn trước khi ngủ.

    “Rối loạn giấc ngủ là một bệnh. Khi có triệu chứng mất ngủ, buồn ngủ ngày, biến cố trong khi ngủ. Cụ thể, người bệnh bị mất ngủ trên 3 tháng; ảnh hưởng chất lượng cuộc sống đáng kể như không tập trung học tập; ảnh hưởng đến người xung quanh như ngáy lớn, gây thương tích người ngủ cùng… đều cần đi khám bác sĩ ngay”, PGS.TS.BS Lê Khắc Bảo khuyến cáo.

    Bảo Linh
    https://vietq.vn/he-luy-khi-lam-dung-dien-thoai-co-the-gay-roi-loan-giac-ngu-d231666.html

    Nước ép trái cây có thể là nguyên nhân gây ra bệnh béo phì

    Theo nghiên cứu của các nhà khoa học tại Trường Y tế Công cộng Harvard mới đây cho biết việc uống nước ép trái cây hàng ngày có thể gây ra tình trạng béo phì nhẹ ở trẻ con và người lớn.

    Tiến sĩ Walter Willett, đồng tác giả và là nhà nghiên cứu dinh dưỡng tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, cho biết: “Một vấn đề cơ bản với nước ép trái cây là về số lượng. Tiêu thụ trái cây theo cách này dễ khiến chúng ta bị quá liều”.

    Ông nêu ví dụ, ăn ba quả cam là việc không thường gặp. Tuy nhiên, một ly nước cam nguyên chất là cách tiêu thụ khá dễ dàng khoảng ba quả cam trong vòng ít phút và thậm chí có thể tăng thêm một ly nước ép nữa nếu yêu thích. Điều này sẽ bổ sung lượng calo và đường đột biến trong máu.

    Các chuyên gia cho biết, theo thời gian, lượng đường trong máu quá cao có thể dẫn đến tình trạng kháng insulin, hội chứng chuyển hóa, tiểu đường, bệnh tim, béo phì và các tình trạng mãn tính khác.

    Do lo ngại về tình trạng béo phì ở trẻ em và sâu răng đang gia tăng, AAP (Học viện Nhi khoa Mỹ) khuyên các bậc phụ huynh nên tránh hoàn toàn nước ép trái cây cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi, hạn chế lượng nước ép trái cây ở mức 4 ounce (tương đương với khoảng 118ml) mỗi ngày đối với trẻ em từ 1 đến 3 tuổi và chỉ 6 ounce (khoảng 177 ml) mỗi ngày đối với trẻ em từ 4 đến 6 tuổi.

    Nước ép trái cây khi sử dụng thường xuyên có thể khiến tăng cân

    Hannon, Giám đốc chương trình tiểu đường nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Riley, nhấn mạnh: “Thực sự không có lý do sức khỏe nào để uống nước ép thay vì ăn trái cây và rau củ nguyên quả, trừ khi con bạn không thể ăn thức ăn thông thường”. Thanh thiếu niên và người lớn cũng không nên uống quá 8 ounce (khoảng 230ml) nước ép 100% mỗi ngày.

    Trái cây và rau củ nguyên quả giàu chất xơ, tuy nhiên nước ép thì không còn giữ nguyên giá trị như vậy, làm thay đổi thành phần, cấu trúc của thực phẩm và khiến cơ thể tiêu hóa, chuyển hóa theo cách khác. Ăn cả quả táo không làm tăng lượng đường trong máu vì fructose, loại đường có trong trái cây và một số loại rau, được giải phóng chậm vào máu. Tuy nhiên, uống nước ép táo lại sẽ làm tăng lượng frutose trong máu.

    Tiến sĩ David Katz, một chuyên gia về y học phòng ngừa và lối sống, cho rằng không nên tiêu thụ nước ép các loại trái cây hoặc rau quả 100% như một khẩu phần ăn hàng ngày. Thay vào đó, hãy ưu tiên ăn trái cây nguyên quả.

    Bảo Linh
    https://vietq.vn/nuoc-ep-trai-cay-co-the-la-nguyen-nhan-gay-ra-benh-beo-phi-d231565.html

    Chuyên gia chỉ ra các loại trái cây giàu chất chống oxy hóa giúp hỗ trợ ngừa bệnh tật, sống thọ hơn

    Theo nhiều chuyên gia dinh dưỡng Mỹ, có rất nhiều loại trái cây sở hữu chất chống oxy hóa có thể hỗ trợ ngăn ngừa bệnh tật, sống thọ hơn nếu ăn thường xuyên.

    Theo Thư viện Y khoa Quốc gia của Mỹ, chất chống oxy hóa là các loại hoạt chất dùng để bảo vệ hoặc làm chậm tổn thương do các gốc tự do gây ra cho tế bào. Đó chính là những phân tử không ổn định được tạo ra trong quá trình hoạt động của cơ thể hoặc trước tác động của yếu tố bên ngoài.

    Có rất nhiều nguồn tạo chất chống oxy hóa nhân tạo và tự nhiên. Chất chống oxy hóa nội sinh là do cơ thể tự sản xuất được, chất chống oxy hóa ngoại sinh là chất được tạo ra bên ngoài cơ thể. Tế bào là nơi tạo ra gốc tự do, nguồn gốc của nó là từ quá trình xử lý thức ăn của cơ thể hoặc khi cơ thể phản ứng lại môi trường bên ngoài. Khi cơ thể không có khả năng loại bỏ hiệu quả các gốc tự do sẽ gây nên stress oxy hóa làm tổn thương chức năng của các cơ quan và các tế bào.

    Chất chống oxy hóa bao gồm vitamin A, C và E; beta-carotene, lutein, lycopene, và selen. Các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng anthocyanin, sắc tố thực vật tự nhiên tạo nên màu đỏ tươi, xanh lam hoặc đỏ của trái cây, là dấu hiệu của thực phẩm có chất chống oxy hóa cao. Nếu chỉ ăn táo và chuối sẽ nhận được ít chất chống oxy hóa hơn các loại trái cây khác. Vì thế, tốt nhất là “ăn đủ màu” vì các loại trái cây có màu sắc khác nhau có các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa khác nhau. Sự đa dạng là chìa khóa.

    Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng chế độ ăn dựa trên thực vật giúp bảo vệ chống lại các bệnh mãn tính liên quan đến căng thẳng oxy hóa, chẳng hạn như bệnh tim và ung thư.

    Trong khi đó, việc bổ sung chất chống oxy hóa không giống vậy, chúng không thay thế được chế độ ăn uống lành mạnh và không có bằng chứng nào cho thấy chất bổ sung chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa ung thư hoặc bệnh tim.

    Chuyên gia dinh dưỡng Natalie Rizzo người Mỹ cũng cho biết, về cơ bản, ăn thực phẩm có chất chống oxy hóa giúp giảm viêm và tốt cho sức khỏe. Nhìn chung, các loại trái cây sẫm màu sẽ có nhiều chất chống oxy hóa hơn. Dưới đây là một số loại cây có hàm lượng chất chống oxy hóa cao nhất:


    Nhiều loại quả chứa chất chống ô xy hóa tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

    Các loại quả mọng

    Quả mâm xôi đen, mâm xôi đỏ, dâu tây, và việt quất là những “ngôi sao” chống oxy hóa, với sắc tím đậm, đỏ và xanh lam báo hiệu hàm lượng chất chống oxy hóa cao. Chuyên gia dinh dưỡng Samantha Cassetty đến từ Mỹ đã đưa quả việt quất lên đầu danh sách các loại trái cây lành mạnh nhất, nhấn mạnh sự hiện diện của anthocyanin, sắc tố thực vật chống oxy hóa.

    Các chất chống oxy hóa trong quả việt quất có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính, chẳng hạn như bệnh tim, tiểu đường, và bệnh Alzheimer. Quả việt quất cũng được biết đến với tác dụng mạnh mẽ đối với hệ thống miễn dịch. Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong quả việt quất có thể có tác dụng bảo vệ não của bạn.

    Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng ăn quả mọng các loại là một chiến lược ăn hợp lý và có khả năng hữu ích để giảm nguy cơ ung thư. Chúng cũng nằm trong số những loại trái cây có ít đường nhất.

    Hay như quả mâm xôi hay còn gọi là phúc bồn tử cũng cung cấp nhiều chất xơ, vitamin C, ellagitannin, anthocyanins, axit phenolic,… có tác dụng trong việc làm giảm nguy cơ ung thư, chống oxy hóa, chống viêm, đái tháo đường, các bệnh lý tim mạch…

    Theo chuyên gia Rizzo, quả mọng là một sự bổ sung tuyệt vời cho chế độ ăn hàng ngày.

    Mận và kỷ tử khô

    Dẻo dai và chua ngọt, mận khô có nhiều chất dinh dưỡng giống như quả màu tím tươi, nhưng nồng độ cao hơn. Mận khô có nhiều chất xơ, vì vậy chúng có thể giúp giảm táo bón. Chuyên gia dinh dưỡng Frances Largeman-Roth người Mỹ khuyên nên ăn chúng như một món ăn nhẹ lành mạnh để giảm cân.

    Những quả mọng nhỏ màu đỏ mọc trên cây bụi có nguồn gốc từ vùng Địa Trung Hải và Châu Á. Chúng thường được sử dụng trong súp Trung Quốc và trà thảo mộc trong đó có quả kỷ tử khô. Trong 28g quả kỷ tử khô chứa lượng vitamin A gấp đôi lượng khuyến nghị hàng ngày, theo Bộ Nông nghiệp Mỹ. Chúng chứa các hợp chất có thể giúp hạ huyết áp và lượng đường trong máu, đồng thời có thể giúp kích thích hệ thống miễn dịch.

    Lựu và nước ép nho tím, anh đào chua

    Màu của quả lựu cũng đến từ anthocyanins, sắc tố thực vật lành mạnh có tác dụng chống oxy hóa. Chúng có nhiều tác dụng chống viêm. Lựu chứa chất xơ và axit béo chống viêm, có lợi cho sức khỏe tim mạch.

    Giống như trái cây sấy khô, nước ép cô đặc hơn trái cây tươi, đó là lý do tại sao nó giàu chất chống oxy hóa. Một lượng nhỏ nước ép 100% – khoảng một phần tư cốc – là một cách tốt để bổ sung một số chất chống oxy hóa vào chế độ ăn hàng ngày. Nhưng hãy tránh nước ép có thêm đường. Nếu là người hâm mộ nho, nho khô cũng chứa một lượng chất chống oxy hóa tốt.

    Quả anh đào có hai loại là chua và ngọt. Anh đào chua có kích thước nhỏ hơn nhưng có hàm lượng chất chống oxy hóa cao hơn nhiều so với loại ngọt. Anh đào chua chứa melatonin và tryptophan, giúp ngủ ngon. Việc uống nước ép anh đào chua trước khi đi ngủ như một phương thuốc chữa mất ngủ. Nếu thích loại quả ngọt hơn, anh đào ngọt khô cũng đặc biệt giàu chất chống oxy hóa.

    Ổi

    Tiến sĩ – Lương Y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Phát triển Y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, ổi được mệnh danh là “siêu thực phẩm” và được coi là một trong những thực phẩm chống oxy hóa hàng đầu, cung cấp nhiều vitamin C và lycopene.

    Ổi là một trong những loại thực phẩm cung cấp vitamin C tốt nhất. Vitamin C nổi tiếng với lợi ích tăng cường miễn dịch. Nó hỗ trợ ngăn ngừa tổn thương tế bào nhờ đặc tính chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật, bao gồm các bệnh nghiêm trọng như bệnh tim, viêm khớp và ung thư.

    Năm 2011, một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia Hyderabad (Ấn Độ) đã nghiên cứu các đặc tính chống oxy hóa của một số loại trái cây, bao gồm táo, chuối, nho, ổi… Nghiên cứu đã kết luận rằng quả ổi chứa nhiều chất chống oxy hóa nhất so với các loại trái cây khác.

    Chất chống oxy hóa là những hợp chất mạnh mẽ có thể vô hiệu hóa các gốc tự do để bảo vệ cơ thể chống lại tổn thương tế bào và bệnh mãn tính. Một số nghiên cứu cho thấy việc tăng lượng chất chống oxy hóa cho cơ thể có khả năng hỗ trợ ngăn ngừa các tình trạng phổ biến như bệnh tim mạch, ung thư, và đái tháo đường.

    Lycopene là một chất chống oxy hóa mạnh có rất nhiều trong quả ổi, đặc biệt là ổi đào, loại ổi có ruột màu hồng. Nó đã được chứng minh là một chất chống ung thư nhờ khả năng ức chế sự phát triển của nhiều loại tế bào ung thư. Theo một nghiên cứu được công bố trên PLoS One, việc tăng tiêu thụ lycopene có thể giúp giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt. Một nghiên cứu khác cho thấy lycopene cũng có thể làm chậm sự phát triển và lây lan của các tế bào ung thư phổi.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-chi-ra-cac-loai-trai-cay-giau-chat-chong-oxy-hoa-giup-ho-tro-ngua-benh-tat-song-tho-d231579.html

    Việt Nam có nguồn phát sinh rác thải nhựa đứng top đầu thế giới

    Theo Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP), Việt Nam là một trong những quốc gia có nguồn phát sinh rác thải nhựa xả ra môi trường nhiều nhất thế giới.

    Ông Hoàng Đức Vượng, Chủ tịch Chi hội Nhựa tái sinh, Hiệp hội Nhựa Việt Nam cho biết, trong những năm qua, tiêu thụ nhựa ở Việt Nam liên tục tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm. Với lượng tiêu thụ tăng mạnh, lượng rác thải nhựa ra môi trường là rất lớn và tăng hàng ngày. Lượng rác thải nhựa này đang một phần (nhựa có giá trị) đang được thu gom, tái chế ở các làng nghề trên cả nước.

    Tuy nhiên còn lượng lớn rác thải nhựa khó tái chế, giá trị thấp như bao bì, túi nilon, nhựa sử dụng 1 lần… không được tái chế, đổ ra bãi rác chôn lấp, hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Điều này cũng đồng nghĩa với lượng rác thải nhựa thải ra rất lớn cần phải xử lý.

    Theo số liệu của Bộ Tài nguyên & Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường), hằng năm, trên thế giới, có tới 300 triệu tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là có túi nylon.

    Trung bình, mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng một kg túi nylon mỗi tháng. Hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần… chỉ 27% lượng rác này được tái chế. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế. Riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon.


    Rác thải nhựa để lại không ít nguy hại cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Ảnh minh họa

    Ông Albert Lieberg, Trưởng Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) tại Việt Nam từng nhận định, Việt Nam là một trong 5 quốc gia hàng đầu phải chịu trách nhiệm cho khoảng 13 triệu tấn rác nhựa được thải ra đại dương mỗi năm. Khi mà tiêu dùng nhựa của Việt Nam ngày càng tăng cũng đang phải đối mặt với nguy cơ từ vi nhựa. Một trong những nguồn vi nhựa được đưa vào cơ thể hàng ngày có thể kể tới đó là nước uống đóng chai.

    Năm 2024, một nghiên cứu tại Mỹ được trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia của Mỹ (PNAS) đã cho thấy 1 lít nước đóng chai trung bình có gần 250.000 hạt vi nhựa vô hình, dù hiện chưa rõ tác động của những hạt này đối với sức khỏe con người.

    Các nhà nghiên cứu đã xem xét 5 mẫu nước đóng chai từ 3 nhãn hiệu phổ biến. Sau khi tính toán, họ phát hiện mật độ hạt vi nhựa dao động trong khoảng 110.000-400.000 hạt/lít, trung bình ở mức khoảng 240.000 hạt/lít. Số lượng vi nhựa này cao gấp 10 đến 100 lần so với ước tính trước đây, gây ra những nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe và cần được được nghiên cứu thêm.

    Liên quan tới việc nước đóng chai chứa hạt vi nhựa, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Nguyên trưởng khoa Y tế Công Cộng, nguyên Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh cho hay, nhiều nghiên cứu đã cho thấy nước đóng chai chứa vi nhựa. Có 2 lý do nước đóng chai có nhiều vi nhựa đó là do vi nhựa này có thể có từ nước dùng làm nguyên liệu cho nước đóng chai. Hoặc vi nhựa có thể bị nhiễm vi nhựa từ trong không khí và từ sự bong tróc các hạt nhựa li ti từ chai nhựa hoặc từ nắp chai hay lót nắp chai.

    Đặc biệt với các loại bình nước đóng chai 20l giá rẻ màu xanh với giá bán từ 20.000 -25.000đ được làm bằng nhựa hỗn hợp có khả năng sản sinh ra hạt vi nhựa nhiều. Sự tác động của nhiệt độ môi trường các hạt vi nhựa trong các loại bình này sẽ có khả năng phát tán vi nhựa vào nước và trong môi trường mạnh hơn. Do quá trình đối lưu diễn ra mạnh mẽ do tác động nhiệt. Do đó việc giảm thiểu chất thải từ nhựa, nilon đã trở thành yêu cầu cấp bách ngay lúc này, trước hết bắt đầu từ việc giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm nhựa và nilon khó phân hủy, đặc biệt là các sản phẩm nhựa dùng một lần.

    Điều đáng chú ý, để giảm thiểu rác thải nhựa, giải pháp cần phải được triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả. Việc tăng cường tuyên truyền và nâng cao nhận thức là nền tảng quan trọng. Thay đổi hành vi và ứng xử của cả cộng đồng và doanh nghiệp đối với sản phẩm nhựa và rác thải nhựa là quan trọng nhất. Những hành động nhỏ như hạn chế sử dụng túi nilon, sử dụng chai và lọ thủy tinh thay vì nhựa, ưu tiên mua sản phẩm đóng hộp giấy thay vì hộp nhựa… sẽ đóng góp tích cực vào cuộc chiến chống rác thải nhựa.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/viet-nam-la-mot-trong-nhung-quoc-gia-co-nguon-phat-sinh-rac-thai-nhua-dung-dau-the-gioi-d231159.html