30 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng mười một 15, 2024
More
    Home Blog Page 418

    7 tỷ người đang phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm

    Báo cáo tình trạng Không khí toàn cầu năm 2018 cảnh báo khoảng 7 tỷ người, tương đương với 95% dân số thế giới đang phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm. Không chỉ vậy, có tới 60% dân số toàn cầu đang sống ở các khu vực không đáp ứng đủ tiêu chuẩn cơ bản về chất lượng không khí.

    Theo IFLScience, ô nhiễm không khí hiện gây ra cái chết sớm cho khoảng 6,1 triệu người trên thế giới, với những căn bệnh phổ biến chủ yếu là ung thư phổi, đột quỵ và bệnh phổi mãn tính. Nhìn chung, ô nhiễm không khí là nguyên nhân thứ tư gây ra cái chết cho một người, chỉ đứng sau cao huyết áp, suy dinh dưỡng và hút thuốc lá.

    Mặc cho nhận thức về môi trường sống và ô nhiễm không khí ngày càng được cải thiện tại các đô thị lớn, tình hình vẫn ngày càng trầm trọng hơn. Trong năm 2014, có tới 92% dân số thế giới đang sống ở nơi có chất lượng không khí không đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

    Ô nhiễm không khí hiện gây ra cái chết sớm cho khoảng 6,1 triệu người trên thế giới.

    Bob O’Keefe, Phó Chủ tịch WHO, chia sẻ: “Ô nhiễm không khí thực sự là một cú sốc lớn cho toàn cầu. Vấn nạn này khiến những người mắc bệnh hô hấp thêm khó thở, trẻ con và người già phải vào viện, bỏ học, bỏ việc và gây nên những cái chết sớm cho mọi người”.

    Tình trạng ô nhiễm không khí là sự kết hợp của rất nhiều chất khí độc hại mà con người đang phải hít thở hàng ngày, với những cái tên không thể không kể đến như sulfat, nitrat, amoniac, natri clorua, muội than và bụi khoáng.

    Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách ô nhiễm môi trường. Đây cũng là hai nước ghi nhận số ca tử vong do ô nhiễm không khí nhiều nhất, chiếm tới 1/2 số ca trên toàn cầu. Riêng tại Trung Quốc đã ghi nhận 1,1 triệu người chết vi ô nhiễm không khí trong năm 2016.

    5,5 triệu người chết do ô nhiễm không khí

    Theo thống kê của Viện Max Planck trên tạp chí Nature, hơn 5,5 triệu người chết mỗi năm do bệnh tật liên quan đến ô nhiễm không khí. Bắc Kinh cũng đã 2 lần phát đi báo động đỏ vì những vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Còn ở Việt Nam, với ngưỡng ô nhiễm không khí nghiêm trọng, người dân đang phải đối mặt với những nguy hại trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt tại những khu vực đông dân cư như Hà Nội, TP.HCM. Vậy ô nhiễm không khí đang tiềm tàng gây ra những căn bệnh hiểm nghèo nào?

    Trung Quốc và Ấn Độ là hai quốc gia đứng đầu danh sách ô nhiễm môi trường.

    Tăng huyết áp: Nghiên cứu của các nhà khoa học Đức tìm hiểu ảnh hưởng của không khí ô nhiễm lên huyết áp người dân năm 2000 – 2003 cho thấy loại ô nhiễm này đang là kẻ thù giấu mặt của bệnh tim – căn bệnh đang có xu hướng gia tăng ở cư dân đô thị. Khi tiếp xúc với ô nhiễm không khí trong một thời gian dài, huyết áp tăng lên rõ rệt. Ở nữ giới, bệnh tăng huyết áp do ô nhiễm không khí cao hơn ở nam giới. Thống kê cho thấy có khoảng 10 triệu người Việt Nam mắc bệnh tăng huyết áp trong năm 2014 và con số này không ngừng tăng lên theo từng năm. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh sẽ gây ra những biến chứng như xuất huyết não, suy thận, xuất huyết võng mạc…

    Tự kỷ và bệnh tâm thần phân liệt: Theo một nghiên cứu mới đây thì việc tiếp xúc sớm với ô nhiễm không khí gây ra các biến đổi có hại ở não, tương tự như những gì chúng ta quan sát được ở bệnh tự kỷ hay tâm thần phân liệt. Một nhóm nghiên cứu đến từ ĐH Rochester, Mỹ đã thí nghiệm trên 40 con chuột trong 270 ngày khi đặt chúng giữa môi trường ô nhiễm mức độ trung bình như mức độ ô nhiễm ở một thành phố. Kết quả cho thấy não chuột lớn dần lên, khiến tế bào não bị tổn thương, mà nguyên nhân có thể xuất phát từ ô nhiễm không khí, hậu quả dẫn đến căn bệnh tự kỷ và rối loạn tâm thần. Đối với con người, tâm thần phân liệt khiến người bệnh rối loạn khả năng tư duy, mất ý thức muốn làm việc, dần dần trở nên cách ly với xã hội.

    Béo phì: Các nhà khoa học Trung Quốc mới đây kết luận rằng hít thở thường xuyên không khí ô nhiễm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình chuyển hóa gây ra các bệnh tiểu đường, béo phì. Một nghiên cứu được thực hiện trước đó tại miền Nam bang California cũng cho thấy nơi có mật độ dân số cao và không khí ô nhiễm nặng nề, chỉ số cân nặng của người dân thường cao hơn so với các khu vực khác. Một nghiên cứu khác được thực hiện tại New York cũng chỉ ra ô nhiễm không khí ảnh hưởng xấu đến việc mang thai cũng như chứng béo phì ở trẻ em. Tại Việt Nam khoảng 25% người trưởng thành mắc bệnh béo phì. Và tình trạng thừa cân, béo phì ở người trưởng thành đang có xu hướng ngày càng phổ biến. Nguyên nhân có thể có nhiều nhưng không thể loại trừ nguyên nhân do ô nhiễm không khí.

    Viêm tai giữa: Không khí ô nhiễm, bụi bẩn, sống trong môi trường khói thuốc là những yếu tố làm tăng nguy cơ viêm tai giữa, đặc biệt là ở trẻ em. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, số bệnh nhân đến khám và điều trị bệnh viêm tai giữa tăng lên từng năm, từ 441 trường hợp năm 1996 vào lên 1.999 trường hợp vào năm 2005. Viêm tai giữa nếu không được điều trị có thể gây thủng màng nhĩ, nhiễm trùng, dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm tắc tĩnh mạch, gây tê liệt dây thần kinh số 7.

    Cần làm gì để giảm ô nhiễm không khí?

    Trước tình trạng “mở mắt đã ngửi thấy mùi ô nhiễm” tại các thành phố lớn, chúng ta cần làm gì để ô nhiễm không khí không còn là nguyên nhân gây bệnh hàng đầu?

    Trước hết, hãy thực hiện những việc hết sức đơn giản như đeo khẩu trang khi ra ngoài, sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài. Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đại tiểu tiện, thay quần áo và tắm gội ngay khi về nhà.

    Đóng cửa kính khi đi xe ô tô, đóng kín cửa tại các khu tập trung đông dân. Hạn chế ở ngoài trời vào giờ cao điểm, tránh tập thể dục ngoài trời khi mức độ ô nhiễm cao. Tận dụng không gian quanh nhà để trồng thêm cây xanh nếu có điều kiện. Trồng cây xanh ở nơi có mật độ dân cư đông sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí khi nó hấp thu khí độc như NO2, CO2, CO.

    Ai cũng biết ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng con người. Nhưng dường như việc tự cá nhân đi khám chữa bệnh do ô nhiễm thì dễ dàng hơn toàn thể nhân loại chung tay bảo vệ môi trường. Con người chúng ta mới chỉ dừng ở mức nhận thức, đến lúc bắt đầu hành động thì có lẽ đã quá muộn rồi!

    Theo moitruong.com.vn

    Phát hiện enzym “ăn nhựa” có thể làm giảm ô nhiễm môi trường

    0

    Các nhà khoa học đã vô tình phát triển một enzym “ăn nhựa’” có thể được sử dụng để chống lại một trong những vấn đề ô nhiễm tồi tệ nhất của thế giới.

    Những nhà nghiên cứu từ Đại học Portsmouth của Vương quốc Anh và Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo Quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ đã khám phá ra cấu trúc của một enzym tự nhiên được tìm thấy tại trung tâm tái chế chất thải vài năm trước đây ở Nhật Bản.

    Họ nói rằng enzym Ideonella sakaiensis 201-F6 có thể “ăn” polyethylene terephthalate (PET) – một chất dẻo được sử dụng trong hàng triệu tấn chai nhựa. Mục đích của các nhà nghiên cứu là nghiên cứu cấu trúc của enzym này, nhưng họ lại vô tình tạo ra một enzym tốt hơn, thậm chí có khả năng phá vỡ nhựa PET.

    Enzym mới được phát triển có thể tiêu hủy nhựa PET. Ảnh: CNN

    Nhà nghiên cứu hàng đầu của NREL, Gregg Beckham cho biết: “Chúng tôi hy vọng sẽ xác định cấu trúc được cấu trúc của enzym Ideonella sakaiensis 201-F6 để hỗ trợ kỹ thuật protein, nhưng chúng tôi đã tiến thêm một bước và vô tình thiết kế ra một enzym với hiệu suất được cải thiện hơn rất nhiều”.

    Đại học Portsmouth nói rằng phát hiện này có thể dẫn đến một giải pháp tái chế cho hàng triệu tấn chai nhựa làm từ PET, hiện đã và đang tồn tại hàng trăm năm trong môi trường.

    Giáo sư John McGeehan, giám đốc của Viện Khoa học Sinh học thuộc Trường Đại học ở Portsmouth cho hay: “Sự may mắn thường đóng một vai trò quan trọng trong nghiên cứu khoa học cơ bản và khám phá của chúng tôi ở đây cũng không phải ngoại lệ”.

    Ước tính, mỗi năm hàng triệu tấn chai nhựa bị thải ra đại dương –  Ảnh: Getty

    Enzym này cũng có thể làm suy giảm cấu trúc của polyethylene furandicarboxylate (PEF) – chất thay thế cho nhựa sinh học PET đang được hoan nghênh. Chất dẻo PEF trên thực tế không thể phân huỷ sinh học và vẫn sẽ là chất thải trong các bãi chôn lấp và trong biển, NREL cho biết trong một báo cáo trên trang web của mình.

    Theo giáo sư McGeehan: “Mặc dù cải tiến là khiêm tốn, nhưng phát hiện không ngờ này cho thấy có thể cải thiện thêm các enzym này, đưa chúng ta đến gần hơn với giải pháp tái chế lượng lớn nhựa thải ra trong môi trường”.

    Các nhà nghiên cứu đang cố gắng cải tiến enzym mới hơn nữa nhằm cho phép nó được sử dụng trong công nghiệp. NREL nhấn mạnh tính cấp bách của công việc, chỉ ra rằng 8 triệu tấn chất thải nhựa, bao gồm chai PET thả vào đại dương mỗi năm, tạo ra những hòn đảo nhân tạo lớn toàn rác thải.

    “Các chuyên gia ước tính rằng vào năm 2050, sẽ có nhiều chất thải nhựa trong đại dương tương tự như số lượng cá”, nghiên cứu cho biết.

    Theo Đời sống & Pháp luật

    Ốp lưng điện thoại xuất xứ Trung Quốc chứa chất gây ung thư

    Ốp lưng điện thoại của nhiều hãng smartphone danh tiếng như Apple, Xiaomi… có nguồn gốc từ Trung Quốc được phát hiện chứa hàm lượng các chất nguy cơ gây ung thư.

    Hội bảo vệ Người tiêu dùng thành phố Thâm Quyến (Trung Quốc) mới đây đã tiến hành kiểm tra 30 mẫu ốp lưng, bao da của 28 thương hiệu điện thoại phổ biến nhất Trung Quốc.

    Kết quả, ốp lưng dành cho 7 mẫu smartphone của Apple, Xiaomi, Tiya, Yuening và Q-Guo chứa các chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn châu Âu.


    Nhiều ốp lưng iPhone có nguồn gốc từ Trung Quốc chứa hàm lượng hóa chất gây ung thư cao (Ảnh minh họa).

    Các chất độc hại được tìm thấy chủ yếu là chất dẻo hoá (Plasticiser) và hydrocarbon thơm đa vòng (Polycyclic Aromatic Hydrocarbon – PAH), có nguy cơ dẫn đến ung thư.

    Tỷ lệ Plasticiser trong ốp lưng cho điện thoại của Xiaomi lên tới 17%, gấp 170 lần mức an toàn 0,1% của tiêu chuẩn châu Âu.

    Trong khi đó, hàm lượng PAH trên ốp lưng cho iPhone cao gấp 50 lần, dù mức giá của nó không hề rẻ, tới 47 USD mỗi chiếc.

    Các loại vỏ bọc không đạt tiêu chuẩn của Apple và Xiaomi được bán chính thức thông qua các cửa hàng chính hãng hoặc ủy quyền của hai hãng smartphone.

    Apple hiện chưa đưa ra bình luận gì về kết quả điều tra của Hiệp hội bảo vệ người tiêu dùng thành phố Thâm Quyến, trong khi đó Xiaomi đã bác bỏ kết quả nghiên cứu này.

    Trung Quốc là thị trường smartphone lớn nhất thế giới với khoảng 450 triệu smartphone được bán ra trong năm ngoái.

    Số lượng tiêu thụ ốp lưng điện thoại tại Trung Quốc thậm chí còn cao hơn lượng tiêu thụ smartphone khi nhiều người dùng tại quốc gia này có xu thế thay đổi ốp lưng điện thoại mới nhiều hơn thay điện thoại.

    Hiện nay, tại Việt Nam, các mẫu ốp lưng điện thoại của 2 hãng lớn này cũng được bán tràn lan tại các cửa hàng lớn cũng như các cửa hàng nhỏ lẻ trên thị trường.

    Chỉ từ 50.000 đến hơn 100.000 đồng là khách hàng có thể tìm cho mình một ốp lưng đẹp và thời trang cho chú dế cưng của mình.

    Trước đó, vào năm 2017, chính quyền Mỹ cũng đã thu hồi nhiều loại ốp lưng iPhone có nguồn gốc từ Trung Quốc chứa chất lạ có thể gây bỏng hoặc kích ứng da.

    Điều đáng nói là loại ốp lưng iPhone này cũng được bán khá phổ biến tại Việt Nam.

    Theo datviet.com

    Điện mặt trời nổi: Công nghệ triển vọng trong tương lai

    Gần ba phần tư hành tinh của chúng ta được bao phủ bởi nước, trong khi ngày càng có nhiều người sống và ăn ở trên những vùng đất đang trở nên khan hiếm, thì việc sử dụng mặt nước của chúng ta để sản xuất điện sạch sẽ là một ý tưởng tuyệt vời.

    Một ý tưởng hoàn hảo?

    Trên thị trường thế giới hiện nay mới chỉ có một số ít các công ty đang tập trung vào thị trường điện mặt trời nổi.

    Trong bài báo này, chúng ta sẽ khám phá những quốc gia nơi điện mặt trời nổi nổi đang cất cánh, những nhà phát triển chính và các công nghệ khác nhau của họ, cũng như những thuận lợi và ý nghĩa của việc lắp đặt các tấm pin năng lượng mặt trời trên bề mặt nước.

    Theo ông Yossi Fisher, Giám đốc điều hành của Solaris Synergy, người tiên phong trong lĩnh vực điện mặt trời nổi: “Thị trường điện mặt trời nổi là một thị trường mới đang phát triển. Có rất nhiều nơi trên thế giới không có đất cho các công trình điện mặt trời, chủ yếu là các đảo như: Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Philippines và nhiều nơi khác. Nói chung chi phí sử dụng mặt nước thấp hơn nhiều so với chi phí sử dụng đất. Ngày nay đã có nhu cầu về điện mặt trời nổi tại Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, Brasil, Ấn Độ và các nước khác. Nhu cầu này dự kiến ​​sẽ tăng và sẽ lan rộng ra khắp thế giới”.

    Có một sự kết hợp tuyệt vời của điện mặt trời nổi với các đập thủy điện do cơ sở hạ tầng, chẳng hạn như lưới điện, đội ngũ nhân công, đường xá, đã có sẵn.

    “Nổi” và “trên mặt đất” – hệ thống nào sản sinh ra nhiều điện hơn?

    Các hệ thống điện mặt trời được lắp đặt trên bề mặt nước được hưởng lợi từ nhiệt độ môi trường thấp hơn đáng kể do tác động bay hơi, làm mát của nước. Các khung nhôm chắc chắn cũng truyền nhiệt độ mát hơn từ nước, làm giảm nhiệt độ tổng thể của các mô-đun.

    Tuy nhiên, lợi thế hiệu suất thực tế so với lắp đặt trên mặt đất có vẻ như thay đổi do rất nhiều yếu tố.

    Nghiên cứu do Tổng công ty Tài nguyên nước Hàn Quốc tiến hành đã chỉ ra rằng các hệ thống điện mặt trời nổi có hiệu suất vượt trội so với các hệ thống điện mặt trời tiêu chuẩn được lắp đặt trên mặt đất là 11%. Đó quả là một sự khác biệt đáng kể.

    Một nghiên cứu đáng chú ý khác đang được tiến hành là Nghiên cứu so sánh Hệ điện mặt trời nổi của Viện nghiên cứu năng lượng mặt trời Singapore (SERIS).

    Chính phủ Singapore đang tiến hành một nghiên cứu so sánh lớn nhất từ trước tới nay giữa các hệ thống điện mặt trời nổi được quản lý bởi SERIS. Dự án trị giá 11 triệu đô la này sẽ được tổ chức thành hai giai đoạn trong thời gian 4 năm, và trong giai đoạn một, bắt đầu từ năm 2015, sẽ triển khai 10 hệ thống điện mặt trời nổi, mỗi hệ thống có công suất khoảng 100 kWp. Giai đoạn hai, bắt đầu sau khi các hệ thống của giai đoạn một đã được thử nghiệm tương đối trong vài tháng, và sẽ mở rộng thêm 2-3 MWp khác.

    Làm thế nào khi có sóng và gió mạnh?

    Hệ thống điện mặt trời nổi chắc chắn sẽ bị di chuyển theo sóng và gió mạnh. Hệ thống điện mặt trời nổi cần phải có khả năng chịu đựng được những sức mạnh tác động của thiên nhiên.

    Làm thế nào để hệ thống năng lượng mặt trời nổi chịu được sóng to và gió mạnh?

    Công nghệ năng lượng mặt trời nổi của Ciel & Terre được gọi là Hydrelio © được thử nghiệm bởi ONERA (phòng thí nghiệm vũ trụ của Pháp) để chịu được sức gió lên đến 190 km/h (118mp/h). Cấu trúc cáp của Solaris Synergy cũng có thể chịu được các cơn gió ở cấp độ bão.

    Một chiếc phao nổi khác được phát triển bởi Infratech Industries Inc có thể chịu được mực nước thay đổi tối đa là 10 mét và cột sóng cao nhất là 2 mét.

    Làm thế nào để các hệ thống điện mặt trời nổi được trên biển?

    Với hơn ba phần tư bề mặt trái đất được bao phủ bởi nước, một câu hỏi hợp lý sẽ là triển khai các hệ thống năng lượng mặt trời nổi trên biển. Liệu điều này có khả thi?

    Solaris Synergy nhận xét:

    “Hệ thống nổi của chúng tôi có thể chịu được cột sóng lên đến 2 mét, và có thể được lắp đặt trong đầm phá hoặc vịnh.Vấn đề ngày nay với nước mặn là các nhà sản xuất tấm pin mặt trời chưa sẵn sàng để cung cấp bảo hành cho việc lắp đặt trong khu vực nước mặn.

    Nếu các nhà sản xuất tấm pin mặt trời chưa sẵn sàng cung cấp sự đảm bảo khắt khe cho các tấm pin lắp đặt trên biển, chúng ta có thể dùng các tấm pin “chuyên dụng cho quân đội” cho các dự án trên biển, hoặc hạn chế việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời nổi chỉ trên các hồ nước ngọt”.

    Những ảnh hưởng của nước mặn trên các tấm pin mặt trời là gì?

    Người ta biết rằng, rỉ sét kim loại do sương muối có thể ảnh hưởng đến tuổi thọ của các tấm pin mặt trời được lắp đặt gần bờ biển.

    Các nhà sản xuất hiện nay cũng cung cấp một chứng nhận đặc biệt chứng minh rằng họ có thể sản xuất các tấm pin có thể chịu được sự ăn mòn sương muối theo các tiêu chuẩn cụ thể. Tiêu chuẩn ăn mòn sương muối này là IEC 61701.

    Như chúng ta biết về những sai sót và những khó khăn liên quan đến bảo hành tấm pin mặt trời, các chi tiết hợp đồng bảo hành rất khác nhau và thường dễ bị vô hiệu nếu các tấm pin không được xử lý và lắp đặt theo đúng điều kiện bảo hành.

    Bất cứ thứ gì được lắp đặt trên biển đều cần phải có khả năng chống ăn mòn và dường như hầu hết các nhà sản xuất pin năng lượng mặt trời tiêu chuẩn vẫn chưa hoàn toàn tự tin để bảo hành cho các tấm pin mặt trời lắp đặt trên biển.

    Trong thực tế hầu hết các chính sách bảo hành tấm pin năng lượng mặt trời không bao gồm các tấm pin ‘có tiếp xúc với ăn mòn’. Dưới đây là một trích dẫn ví dụ từ chính sách bảo hành của Trina Solar:

    “Bảo hành có giới hạn” không áp dụng đối với bất kỳ sản phẩm nào có điều kiện môi trường khắc nghiệt hoặc bị ăn mòn, oxy hoá”.

    Những nhà cung cấp hệ thống điện mặt trời nổi trên thị trường là ai?

    1/ Solaris Synergy

    Công nghệ độc quyền của Solaris Synergy khác với hầu hết các giải pháp nền tảng nổi trên thị trường. Thiết bị nổi của nó đã đạt được một chi phí tương đương với các hệ thống giá đỡ lắp trên mặt đất.

    Hệ thống độc quyền dựa trên nền tảng lưới của công ty Solaris Synergy cho phép các tấm pin điện mặt trời trôi nổi độc lập với nhau trong khi vẫn duy trì cấu hình hình học được xác định trước bằng hệ thống cáp căng được kết nối hình mạng nhện và được hỗ trợ bởi một hệ thống trụ nổi cứng.

    Hãy tưởng tượng một cấu trúc tương tự như một cây vợt tennis, nơi mà các cạnh cứng là khung của cây vợt, và lưới của dây căng là các dây của vợt chạy theo chiều dọc và chiều rộng. Trong các hình vuông được hình thành bởi các dây căng chéo qua – các tấm pin mặt trời được đặt và được néo lỏng lẻo vào các góc của hình vuông bằng dây cáp.

    Hệ thống nổi dạng lưới của Solaris Synergy. Nguồn: Solaris-synergy.

    2/ Ciel et Terre

    Hệ thống điện mặt trời nổi HYDRELIO của Ciel et Terre gồm các phao đã được cấp bằng sáng chế được biết đến nhờ khả năng lắp đặt dễ dàng. Hệ thống có thể được lắp ghép với nhau mà không cần bất kỳ công cụ gì.

    3/ Kyocera

    Những năm vừa qua Kyocera TCL Solar đã tung ra các hệ thống điện mặt trời nổi quy mô lớn tại Nhật Bản. Do thiếu không gian, nhưng lại phong phú về bề mặt nước chưa sử dụng, công ty đã được xây dựng một số hệ thống điện mặt trời nổi.

    Hệ thống điện mặt mặt trời mới nhất,và là hệ thứ ba, có công suất lắp đặt 2,3MW, được xây dựng ở Hyogo Prefecture, Nhật Bản. Cấu trúc nổi được cung cấp bởi Ciel et Terre.

    Công ty hiện đang triển khai một hệ thống khổng lồ mới có công suất 13,4MW, sẽ được đặt nổi trên một hồ chứa đập ở quận Chiba.


    Hệ thống điện mặt trời nổi công suất 13,7MW trên hồ Yamakura Dam tại Nhật Bản. Nguồn: Kyocera

    Các công ty hoạt động trong lĩnh vực điện mặt trời nổi trên thế giới hiện nay không nhiều. Tiêu biểu gồm có: Ciel & Terre, Pháp; LG CNS: Hàn Quốc; Sunfloat: Hà Lan; Takiron Engineering: Nhật Bản; Solaris Energy: Israel; SPG Solar:, Hoa Kỳ; và Sunergy: Úc. Trong đó Ciel & Terre chiếm hơn một nửa thị phần hiện tại.

    Hiện có ít nhất 100 dự án điện mặt trời nổi trên thế giới đang hoạt động trên khắp thế giới, thay đổi kích cỡ từ một vài mô hình trình diễn kW đến các dự án quy mô công suất lớn tới 40 MW. Các nước chính có các dự án điện mặt trời nổi như Trung Quốc (40MW), Nhật Bản với 56MW công suất, Anh Quốc với 10MW, Hàn Quốc với 7MW, và Mỹ với ~ 1 MW. Ngoài ra, điện mặt trời nổi cũng đang được quan tâm và có tiềm năng cho một số nước khác như Ấn Độ, Pháp, Israel, Ý, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Úc, Brazil, Việt Nam và Singapore.

    Các thành phần/vật liệu được sử dụng cho các hệ thống điện mặt trời nổi là gì?

    Hệ thống năng lượng mặt trời điển hình nổi (PV) bao gồm các thành phần sau:

    1/ Một hệ thống nổi, bao gồm một ụ nổi hoặc phao riêng biệt:

    Bè nổi – một thiết bị dạng xuồng nổi có khoang rỗng đủ để tự nổi cũng như chịu tải nặng.

    Phao – thường gồm nhiều phao nhựa nổi được ghép lại, tạo thành một bè khổng lồ. Phao nổi thường được làm bằng HDPE (polyethylene-ethylene), loại vật liệu có độ bền kéo, chống tia cực tím và khả năng chống ăn mòn. Một lợi thế quan trọng của phao nổi được làm bằng HDPE là những chất này có thể được sử dụng trong các hồ chứa nước uống. HDPE thường được sử dụng để chế tạo chai sữa, ống nước, thùng nhiên liệu. HDPE cũng có thể được tái chế.

    2/ Hệ thống neo, hệ thống neo đậu thường đề cập đến bất kỳ cấu trúc vĩnh cửu nào mà tàu có thể được bảo vệ. Ví dụ bao gồm bến cảng, cầu cảng, bến tàu, phao neo. Trong trường hợp của một hệ điện mặt trời nổi, hệ thống neo giữ các tấm pin ở cùng vị trí và ngăn không cho chúng bị lật hoặc trôi nổi. Việc lắp đặt một hệ thống neo đậu có thể là một thách thức và tốn kém trong điều kiện nước sâu. Không phải tất cả các công ty đều đang sử dụng hệ thống neo đậu. Ví dụ công ty Solaris Synergy của Israel không sử dụng hệ thống neo đậu, và sử dụng hệ thống lưới dựa trên bằng sáng chế của họ, đảm bảo các tấm pin mặt trời nổi được.

    3/ Các tấm pin mặt trời, hiện tại các tấm pin mặt trời tiêu chuẩn được sử dụng cho các hệ thống điện mặt trời nổi được lắp đặt từ trước tới nay. Tuy nhiên, một khi các dự án được lắp đặt trên bề mặt nước mặn, hy vọng các tấm pin mặt trời chế tạo đặc biệt sẽ được yêu cầu để chống lại sự tiếp xúc lâu dài với muối. Gần như bất kỳ kim loại nào sẽ ăn mòn theo thời gian và do đó có những giải pháp thay thế cho khung nhôm tiêu chuẩn, chẳng hạn như khung polymer sau được làm từ Suntech Power, không bị ăn mòn.

    4/ Dây cáp. Điện được lấy ra từ các tấm pin mặt trời và được vận chuyển đến đất. Trên mặt đất, điện có thể được nạp vào lưới, hoặc được lưu trữ trong các hệ ắc quy. Các dự án chúng tôi đã biết cho đến nay không có cáp kéo dưới nước, mà vẫn giữ dây trên mặt nước. Mặc dù không có các thành phần điện nào dưới nước, các loại cáp được kiểm định chính xác và hộp nối không thấm nước theo tiêu chuẩn IP67 rất quan trọng với các dự án điện mặt trời nổi. Các thành phần điện khác như biến tần và ắc quy vẫn được giữ “đẹp và khô” trên đất.

    Điện mặt trời nổi ở Việt Nam

    Tháng 3/2017, một nhà lắp đặt điện mặt trời Hàn Quốc là công ty Solkiss cũng đã tổ chức chuyến khảo sát hồ thủy điện Thác Bà tại Yên Bái để chuẩn bị xây dựng nhà máy điện mặt trời nổi.

    Tại một hội thảo hồi tháng 5 năm 2017, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết đang xem xét nghiên cứu một loạt các dự án điện mặt trời ở các khu vực hồ thủy điện cho EVN sở hữu. Trong đó có một số dự án điển hình như dự án trên hồ Trị An công suất 126MW (Đồng Nai), dự án trên hồ Sê San 4 công suất 47MW (Gia Lai), và dự án trên hồ Đa Mi công suất 47.5MW (Bình Thuận). Với lợi thế về mặt diện tích bề mặt rộng lớn, hệ thống hạ tầng lưới điện và đội ngũ nhân lực sẵn có, việc đầu tư các dự án điện mặt trời nổi trên mặt hồ thủy điện là giải pháp tối ưu trong bối cảnh diện tích đất khan hiếm như hiện nay.

    Về công nghệ thiết bị nổi, hiện nay Viện Nghiên cứu Cơ khí (NARIME) cũng đang phối hợp với các đơn vị khác cùng nghiên cứu hệ thống thiết bị cho các nhà máy điện mặt trời nổi bao gồm: Nghiên cứu hệ thống phao nổi, hệ thống neo; Vật liệu chế tạo phao nổi, các tiêu chuẩn, phương pháp kiểm tra độ bền cơ lý hoá, độ bền theo thời gian; Phương án sản xuất, kết nối, lắp phao tại hiện trường; Máy móc, thiết bị chế tạo, lắp đặt phao; Tính toán, thiết kế hệ thống neo, các tiêu chuẩn áp dụng vv…

    Theo nangluongvietnam.vn

    Cà phê trộn pin hủy hoại cơ thể đến mức nào?

    Cà phê làm từ pin có chứa hàm lượng chất mangan dioxit, nếu chất này đi vào cơ thể sẽ khiến cơ thể bị ngộ độc và làm ảnh hưởng đến cơ quan thần kinh, tim mạch…

    Sáng 17/4, Phòng Cảnh sát Môi trường (PC49 – Công an tỉnh Đắk Nông) cho biết đơn vị vừa phối hợp với lực lượng chức năng bắt quả tang một cơ sở chế biến cà phê bằng cách trộn với bột màu đen trong lõi pin.

    Theo thông tin từ báo Pháp luật Việt Nam, trong quá trình tạo ra một viên pin khô như loại pin Con ó, nhà sản xuất phải sử dụng hợp chất mangan dioxit (MngO2), màu nâu đen bao quanh lõi than chì vốn có tính dẫn điện để làm chất điện ly giải phóng nguồn điện cho lõi pin. Việc nấu lõi pin ít nhiều sẽ làm cho lượng mangan dioxit đi vào cơ thể người sử dụng, tác động xấu đến hệ thần kinh. Để kiểm nghiệm hàm lượng mangan dioxit gây độc hại ở mức độ nào đối với sức khỏe người sử dụng thì cần phải kiểm nghiệm mẫu cà phê.

    Bộ Y tế cho rằng: mangan là một trong những nguyên tố vi lượng cơ bản của sự sống, giữ nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể như: tác động đến sự hô hấp tế bào, sự phát triển xương, chuyển hóa gluxit và hoạt động của não… Mặc dù không gây ra các tác động trực tiếp đến sức khỏe con người, nhưng nếu tiếp xúc, ăn uống, sử dụng nguồn nước có nhiễm mangan trong thời gian dài cũng để lại những hậu quả xấu, đặc biệt là đối với hệ thần kinh.

    Cà phê làm từ pin gây hậu quả khôn lường cho sức khỏe người tiêu dùng.

    Mangan có mặt trong nước ở dạng ion hòa tan (Mn2+). Nếu ở hàm lượng nhỏ dưới 0,1mg/lít thì mangan có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên nếu hàm lượng mangan cao sẽ gây ra không ít ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể.

    Trao đổi với báo điện tử Zing.vn, PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, lõi pin chủ yếu là bột mangan dioxit, chất tạo ra màu đen. Việc trộn với bột cà phê, sau đó trong quá trình pha cà phê, mangan dioxit sẽ thôi ra nước cà phê. Người uống phải lượng mangan này sẽ có thể bị ngộ độc.

    “Nếu hàm lượng mangan cao vượt quá 0,5 mg/lít sẽ gây ảnh hưởng đến một số cơ quan nội tạng của cơ thể”, PGS Côn cho hay.

    Cũng theo PGS. TS Trần Hồng Côn, mangan không có khả năng gây đột biến cũng như hình thành các bệnh nguy hiểm như ung thư, cũng không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nó có liên quan mật thiết đến hệ thần kinh, gây ra các độc tố hình thành hội chứng manganism với các triệu chứng tương tự bệnh Parkinson. Nếu lượng mangan hấp thu vào cơ thể cao có thể gây độc với phổi, hệ thần kinh, thận và tim mạch.

    Đặc biệt, chuyên gia khuyến cáo phụ nữ đang mang thai và trẻ em tuyệt đối tránh tiếp xúc và sử dụng nguồn nước nhiễm mangan. Bởi cơ thể trẻ em dễ dàng hấp thụ được rất nhiều mangan trong khi tiết thải ra ngoài thì rất ít. Điều đó dẫn đến sự tích tụ mangan trong cơ thể trẻ, gây ra các hậu quả nghiêm trọng.

    Theo Vietq

    WWF đề xuất hiệp định toàn cầu về bảo vệ môi trường biển

    Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) – một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới về bảo vệ thiên nhiên đã lên tiếng cảnh báo, nếu chúng ta muốn bảo vệ đại dương xanh, bảo vệ động thực vật ở các đại dương không bị đe dọa tuyệt chủng thì phải có ngay các biện pháp ngăn chặn nạn xả chất thải rắn xuống biển, trong đó chất thải nhựa chiếm tỷ lệ vô cùng to lớn.

    Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Đại dương Thế giới tổ chức tại Playa del Carmen, Mexico vào ngày 11.3 vừa qua, Chủ tịch WWF đã chính thức lên tiếng kêu gọi xây dựng một Hiệp định Đại dương tương tự như Hiệp định biến đổi khí hậu Paris (COP21) về bảo vệ môi trường biển.

    Bà Jenna Jambeck, kỹ sư môi trường của Đại học Georgia – trưởng nhóm nghiên cứu của WWF cho hay, hiện có 8 triệu tấn rác thải nhựa trôi ra biển mỗi năm. Bà cũng nhấn mạnh nguy cơ đến năm 2025, sẽ có tới 155 triệu tấn mỗi năm nếu không cải thiện cách thức xử lý rác hiện tại.

    Ảnh minh họa.

    Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế thế giới từ năm 2016 đã kết luận: Với đà tăng của các loại rác thải nhựa trên biển như hiện nay, đến năm 2050, khối lượng các loại rác thải này sẽ ngang bằng với khối lượng của các loài cá trên khắp các đại dương nếu tốc độ gia tăng vẫn “chóng mặt” như hiện nay. Một nghiên cứu mới đây của APEC ước tính, các nước thành viên của tổ chức này hằng năm phải chi trả tới 1,3 tỉ USD để xử lý vấn đề ô nhiễm môi trường biển.

    Cũng theo báo cáo của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), hằng năm thế giới phải chi trả số tiền từ 80 tỉ USD đến 120 tỉ USD cho việc sản xuất bao bì bằng nhựa. Theo các nhà khoa học, một vỏ chai bằng nhựa cần đến 400 năm mới có thể bị phân hủy, sau khi bị phân hủy, nó biến thành các hạt vi nhựa và tiếp tục thâm nhập vào nguồn động thực vật.

    Sự gia tăng nhanh chóng lượng rác thải nhựa ra biển gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn hải sản cũng như sức khỏe con người. Tuy nhiên, giải pháp chung hiện nay vẫn chỉ thông qua những chương trình hành động cụ thể của các quốc gia trong việc hợp tác chia sẻ kinh nghiệm, nỗ lực cùng nhau tuyên truyền, vận động ý thức của người dân. Mặt khác, ưu tiên cho các chương trình ngăn chặn, hạn chế tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường biển.

    Trước những thách thức về ô nhiễm môi trường biển trên toàn cầu, đề xuất trên đang được cộng đồng quốc tế quan tâm nhằm ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển do rác thải nhựa gây ra.

    Theo baomoi.com

    Rác thải đang “tấn công” trái đất

    Theo ước tính của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, khoảng 170 triệu mảnh rác vũ trụ đang bay quanh Trái Đất. Còn rác thải nhựa dưới mặt đất thì sao? Tổng số rác thải plastic được sản xuất và tiêu thụ từ khi loại chất liệu này xuất hiện trên địa cầu đã lên đến con số kinh khủng: 8,3 tỉ tấn.

    Từ rác thải vũ trụ…

    Theo ước tính của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, khoảng 170 triệu mảnh rác vũ trụ đang bay quanh Trái Đất. Với kích cỡ to như một chiếc xe tải hoặc nhỏ như đồng xu, rác vũ trụ là mối đe dọa với ngành công nghiệp vũ trụ toàn cầu.

    Chúng bay trong quỹ đạo với vận tốc 8 km/giây, nhanh gấp 10 lần tốc độ của đạn, theo CNN. Với vận tốc trên, một mảnh vụn nhỏ chỉ 1 cm khi va chạm sẽ có sức nổ ngang một quả lựu đạn. Rác vũ trụ có thể là những vệ tinh đã ngừng hoạt động hay các mảnh vụn của các tên lửa.

    Khi một vệ tinh bay chậm lại, nó sẽ giảm dần độ cao, gặp nhiều ma sát hơn với bầu khí quyển cho tới khi cháy và bốc hơi. Tuy nhiên, nhiều vệ tinh hay vật thể tiếp tục ở lại quỹ đạo, trở thành rác vũ trụ.

    Năm 2007, hàng triệu mảnh vụn được tạo ra trên quỹ đạo quanh Trái Đất khi Trung Quốc phóng tên lửa để phá hủy một vệ tinh của mình, theo Guardian.

    Hai năm sau, một vệ tinh viễn thông quân sự Nga đã ngừng hoạt động đâm vào một vệ tinh của Mỹ với vận tốc 42.000 km/giờ. Đó là lần đầu tiên một vệ tinh đang hoạt động va chạm với một vệ tinh khác, làm các mảnh vụn văng ra với vận tốc lớn.

    Một số sẽ cháy khi vào bầu khí quyển, nhưng hầu hết được cho là sẽ tiếp tục bay quanh Trái Đất trong hàng thập kỷ.

    … tới rác thải nhựa trên mặt đất

    Kỳ vọng về một Trái đất “không còn rác thải nhựa” sẽ luôn luôn là kỳ vọng. Chúng ta vẫn tiếp tục sử dụng chai, túi nhựa và thoải mái vất bỏ chúng ở bất cứ nơi nào thuận tiện, kể cả dưới… nước. Tỉ lệ tái chế rác thải nhựa chiếm tỉ trọng không lớn và ngày nào cũng có thêm một lượng rác khổng lồ bổ sung, đặc biệt là tại những nước đang phát triển, chưa được tiếp cận với các công nghệ xử lý rác thải hiện đại.

    Mới đây, qua một công trình nghiên cứu về rác thải nhựa, các nhà khoa học Mỹ ước tính tổng số rác thải plastic được sản xuất và tiêu thụ từ khi loại chất liệu này xuất hiện trên địa cầu đã lên đến con số kinh khủng: 8,3 tỉ tấn. Đây là lượng plastic khổng lồ con người tạo ra trong 65 năm và chúng ta đang phải vất vả đối phó với nó trong một cuộc chiến không thấy… tương lai.

    8,3 tỉ tấn plastic tương đương với số vật liệu đủ dùng để xây dựng 25.000 tòa cao ốc Empire State Building ở thành phố New York (Mỹ) và nặng bằng… 1 tỉ con voi trưởng thành.

    Vấn đề lớn nhất đối với “bài toán” plastic là các sản phẩm bao bì đa dạng như túi nhựa có vòng đời cực ngắn trước khi bị vất bỏ. Hãy nhìn vào những thứ mua ở chợ về và bao bì đựng chúng tại các nước Đông Nam Á sẽ thấy qui mô của vấn đề này và sự bất lực trong việc giải quyết nó. Theo các nhà môi trường, hiện có hơn 70% sản phẩm plastic được sản xuất kết thúc số phận ngoài bãi rác. Một số đi xuống sông ngòi và ra biển. “Thật sự, loài người đang tiến dần đến việc biến Trái đất thành “Hành tinh Plastic”.

    Theo moitruong.com.vn

    Làm mát trái đất bằng công nghệ địa nhiệt

    0

    Solar geo-engineering – công nghệ địa nhiệt năng lượng mặt trời được cho là một trong những biện pháp tạm thời để làm mát trái đất trước những biến đổi khôn lường của khí hậu.

    Chống biến đổi khí hậu bằng cách thay đổi khí hậu

    Các nhà khoa học tại nhiều quốc gia trên thế giới liên tiếp đưa ra các giải pháp làm chậm lại quá trình biến đổi khí hậu và hiện tượng nóng lên toàn cầu nhằm giảm tối đa công nghệ “solar geo-engineering” – công nghệ địa nhiệt năng lượng mặt trời, mô phỏng các vụ phun trào núi lửa lớn tạo thành một tấm mạng lớn tro bụi che mặt trời.

    Việc sử dụng công nghệ mới này nhằm giảm nhiệt độ toàn cầu phần nào thông qua những tác động vào các thuộc tính của trái đất, trong đó có cả khí hậu. Các nhà khoa học cho rằng, nếu con người không có sự thay đổi về nhận thức trong nỗ lực giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính thì có thể hành tinh xanh của chúng ta sẽ không còn xanh nữa, thậm chí một ngày nào đó có nguy cơ tận diệt. Do vậy, công nghệ địa nhiệt năng lượng mặt trời có thể giúp làm mát trái đất, tránh rủi ro cho môi trường trái đất cũng như tiết kiệm kinh phí bảo vệ môi trường.

    Còn nhiều tranh cãi về công nghệ địa nhiệt năng lượng mặt trời, vì còn quá sớm để xác định những tác động của nó.

    Công nghệ geo-engineering được cho là phương pháp tiềm năng nhất để có thể làm mát trái đất, khi mục tiêu của phương pháp này là giảm 3 độ C nếu được đưa triển khai trên toàn cầu. Theo đó, các nhà khoa học sẽ tạo ra những vụ phun trào núi lửa nhân tạo. Việc làm này để sulfur (lưu huỳnh) có trong thành phần của tro bụi núi lửa, sẽ bắn vào bầu khí quyển. Từ đó, các phân tử phản xạ ánh sáng và nhiệt từ mặt trời quay trở lại bầu không khí giống như một bóng mây lớn để làm dịu mát trái đất.

    Trách nhiệm không chỉ riêng ai

    Nếu chúng ta không có những biện pháp ứng phó kịp thời, khí hậu của hành tinh chúng ta sẽ thay đổi khôn lường và còn kéo theo nhiều hệ lụy cho nền văn minh nhân loại. Các chuyên gia dự đoán, nhiệt độ của trái đất sẽ tăng lên ít nhất 2 độ C vào năm 2021, vì vậy điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra giải pháp tối ưu nhất để tìm cách sinh tồn cho trái đất, thậm chí có thể phải chịu những rủi ro tiềm tàng liên quan đến những phương pháp này.

    Đầu tháng 4-2018 vừa qua, một nhóm các nhà khoa học từ Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Thái Lan, Bangladesh, Ethiopia và Jamaica, cho rằng các nước nghèo và đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất khi biến đổi khí hậu. Do đó, các quốc gia này cần đi đầu trong nghiên cứu và triển khai công nghệ solar geo-enginering.

    Hiện tại, các nghiên cứu về solar geo-enginering đang được hỗ trợ bởi Dự án Sáng kiến Kiểm soát bức xạ mặt trời (SRMGI) với kinh phí khoảng 400.000 USD. Quỹ này có thể giúp các nhà khoa học ở các quốc gia đang phát triển nghiên cứu tác động của solar geo-enginering trong khu vực với các kiểu tình hình thời tiết khác nhau như hạn hán, mưa lũ, hoặc gió mùa.

    Tuy nhiên, một số nhà khoa học, trong đó có Atiq Rahman, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu tiên tiến Bangladesh cho rằng, ý tưởng công nghệ solar geo-enginering tương đối viển vông, nhưng mặt khác ông Atiq cũng khẳng định công nghệ này đang và sẽ là nền tảng cho những nghiên cứu tương tự cho tương lai.

    “Cho dù chúng ta có can thiệp hay không thì biến đổi khí hậu vẫn đang tiếp diễn và điều chúng ta cần làm ngay lúc này là duy trì trái đất luôn ở nhiệt độ thấp nhất có thể để duy trì sinh tồn cho nhân loại cũng như mọi sinh vật trên hành tinh. Công nghệ solar geo-enginering hiện đang còn nhiều tranh cãi, nhưng chúng ta cũng chưa có giải pháp tối ưu nào vào thời điểm này để thay thế nhằm giảm nhiệt độ cho hành tinh của chúng ta”, David Grinspoon, nhà khoa học hàng đầu tại Viện Khoa học Hành tinh (Planetary Science Institute) khẳng định.

    Theo antd.vn

    Ô nhiễm môi trường làm gia tăng tỷ lệ ung thư

    Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Jyotsna Jagai, ĐH Illinois, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy tác động của môi trường lên tỉ lệ ung thư.

    Theo DM, các nhà nghiên cứu Mỹ tin rằng ô nhiễm không khí đã làm gia tăng thêm 44/100.000 người bị mắc ung thư. Theo đó, 50% ung thư là do gen nhưng môi trường cũng làm tổn thương ADN và cũng làm thay đổi hoạt động của các gen.

    Nghiên cứu được đăng tải trên Tạp chí Ung thư, là nghiên cứu đầu tiên tìm kiếm mối lien quan giữa môi trường và ung thư, mặc dù nghiên cứu trước đó đã phát hiện ra khói diesel có thể gây ra sinh non.

    Các nhà nghiên cứu đã xem xét 2.700 khu dân cư trên khắp nước Mỹ và kết quả cho thấy chỉ riêng chất lượng không khí đã gây ra thêm 44,19 trường hợp/100.000 người trong 4 năm (2006 – 2010) ở những vùng ô nhiễm nhất so với những vùng sạch nhất con số này cho thấy sự gia tăng là khoảng 10%, trong khi tình hình kinh tế xã hội và đường xá cũng làm tăng nguy cơ.

    WHO cảnh báo số ca mắc bệnh ung thư mới trên toàn cầu đang gia tăng đáng báo động mà có đến 90% số ca ung thư có nguyên nhân từ môi trường ô nhiễm và lối sống thiếu lành mạnh.

    Chất lượng nước ít hoặc không ảnh hưởng đến tỉ lệ ung thư. Chất lượng đất (bao gồm cả việc sử dụng thuốc trừ sâu) cũng cho thấy ít có tác động..

    Trưởng nhóm nghiên cứu, TS Jyotsna Jagai, ĐH Illinois, cho biết: “Nghiên cứu của chúng tôi lần đầu tiên cho thấy tác động của môi trường lên tỉ lệ ung thư.

    Ung thư phổi từng được biết đến là liên quan với khí thải động cơ diesel và hydrocarbon thơm đa vòng do ô tô thải ra cũng là nguyên nhân gây bệnh hen và bệnh tim.

    Và giờ là thêm 10 trường hợp ung thư tuyến tiền liệt trên 100.000 nam giới, 4/100.000 nữ giới bị ung thư vú cũng do ô nhiễm không khí. Nghiên cứu trước đó cũng cho thấy các hạt không khí ô nhiễm có thể bắt chước oestrogen, vốn được xem là thủ phạm gây ung thư vú. Chúng cũng làm dày mô vú, làm tăng nguy cơ ung thư.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo số ca mắc bệnh ung thư mới trên toàn cầu đang gia tăng đáng báo động. Trong đó có đến 90% số ca ung thư có nguyên nhân từ môi trường ô nhiễm và lối sống thiếu lành mạnh.

    Theo WHO, số ca mắc bệnh ung thư mới trên toàn cầu đang ngày càng gia tăng với tốc độ đáng báo động. Các nước đang phát triển tại các khu vực châu Phi, châu Á, Trung Mỹ và Nam Mỹ chiếm tới 60% các ca ung thư trên toàn cầu.

    Trong số các loại ung thư, phổ biến nhất và nghiêm trọng nhất là ung thư phổi. Dữ liệu năm 2012 cho thấy, số lượng chết vì ung thư phổi lên đến 1,59 triệu ca, tiếp đến là ung thư gan, dạ dày, đại trực tràng, vú và thực quản.

    Trong số các nguyên nhân gây ra ung thư phổi, có thể thấy thuốc lá và ô nhiễm không khí là những yếu tố đáng lưu ý nhất, nhưng đáng lo hơn, những yếu tố này càng nghiêm trọng hơn khi nhiều quốc gia chưa có chính sách kiểm soát hiệu quả.

    Ví dụ ở Trung Quốc, quốc gia sản xuất 40% tổng số thuốc lá toàn cầu và thường xuyên đối mặt với hiểm họa sương khói đầy độc hại ở các thành phố lớn thì đồng thời cũng chiếm hơn 1/3 tổng số ca chết vì ung thư phổi trên toàn cầu.

    Các chuyên gia cho rằng, chỉ có 5% tới 10% của tất cả các trường hợp ung thư có thể cho là do lỗi gene. Trong khi đó, có tới 90% đến 95% là căn nguyên từ môi trường và lối sống. Theo đó, tác hại từ việc hút thuốc, béo phì, ô nhiễm môi trường và thực phẩm công nghiệp là nguyên nhân chính gây ra ung thư.

    Theo báo cáo Ung thư Thế giới của Cơ quan Nghiên cứu về Ung thư Quốc tế thuộc WHO, số ca mắc bệnh ung thư trên thế giới có khả năng sẽ tăng thêm 22 triệu người mỗi năm trong vòng 2 thập kỷ tới.

    Theo moitruong.com.vn

    ĐH Bách Khoa HN nghiên cứu thành công túi nilon tự hủy làm từ bột sắn

    Trung tâm nghiên cứu Vật liệu Polymo thuộc Đại Học Bách Khoa Hà Nội đã nghiên cứu thành công loại túi nilon tự hủy, bền và dai hơn túi nilon thông thường. Sản phẩm được làm từ bột sắn với giá chỉ cao hơn gấp 1,5 lần so với túi nilon truyền thống.

    Sử dụng túi nilon hiện đang là một vấn đề khiến các chuyên gia môi trường phải đau đầu tìm hướng giải quyết. Việc sử dụng các loại túi thay thế bằng giấy hay các vật liệu có thể phân hủy hiện nay chưa hiệu quả bởi giá thành và mức độ tiện lợi của chúng vẫn chưa thể so sánh với túi nilon truyền thống để người dân tự thay đổi thói quen sử dụng hàng ngày.

    Mới đây, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu Vật liệu Polyme của trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đã chế tạo thành công một loại túi nilon làm từ bột sắn kết hợp với nhựa sinh học, được cho là sản phẩm có thể thay thế được túi nilon khó phân hủy trên thị trường hiện nay.

    Nguyên liệu chính để làm ra túi là từ bột sắn, kết hợp với các loại nhựa sinh học nên có giá thành không quá cao.

    Theo kết quả thử nghiệm thì loại túi mới này có độ bền lớn hơn, dai hơn so với túi nilon bình thường. Nguyên liệu chính để làm ra túi là từ bột sắn, kết hợp với các loại nhựa sinh học nên có giá thành không quá cao, chỉ lớn hơn so với túi nilon truyền thống từ 1,5 đến 2 lần mà thôi. Do được làm từ các nguyên liệu sinh học thân thiện với môi trường nên sau khi sử dụng, túi này có thể được chôn xuống và phân hủy như rác thải sinh học bình thường.

    Hàm lượng bột sắn được sử dụng khi sản xuất loại túi này sẽ chiếm từ 35- 40%, phần còn lại là nhựa sinh học có thể phân hủy được. Với đặc tính bền, thân thiện với môi trường nhưng chi phí sản xuất lại không quá đắt như vậy, các nhà nghiên cứu của trường đại học Bách Khoa Hà Nội dự kiến có thể sản xuất và bán loại sản phẩm này cho thị trường trong nước cũng như phục vụ nhu cầu xuất khẩu ra nước ngoài.

    Trên thế giới và tại Việt Nam cũng đã từng có khá nhiều nghiên cứu thành công về việc sử dụng tinh bột để sản xuất túi nilon thân thiện với môi trường. Đơn cử như trong năm 2017, Nguyễn Cẩm Kiều Thanh và Nguyễn Cẩm Bình Minh đã dùng tinh bột sắn cùng với nano bạc để tạo ra một loại túi có khả năng kháng khuẩn, bền, dai nhưng vẫn có thể phân hủy được khi đem đi chôn.

    Hay như tại một số quốc gia khác trên thế giới cũng đã sử dụng khoai tây làm nguồn cung cấp tinh bột để sản xuất túi nilong hữu cơ, phân hủy được trong tự nhiên. Tuy nhiên, đa phần các phát minh trên vẫn chưa giải quyết được bài toán về chi phí và giá cả đến mức có thể chấp nhận được như nghiên cứu của trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội.

    Theo Trí thức trẻ