23 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
More
    Home Blog Page 40

    Chuyên gia chia sẻ một số lưu ý khi ăn và bảo quản bánh chưng

    Bánh chưng, món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên việc ăn, chọn và bảo quản bánh chưng đúng cách không phải ai cũng biết.

    Theo Ths.BS Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, xét về mặt dinh dưỡng, bánh chưng có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, nguyên liệu bao gồm gạo nếp (nhóm chất bột đường); đỗ xanh; thịt lợn (nhóm chất đạm động vật và đạm thực vật; nhóm chất béo); hành củ; hạt tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất)… Do đó nên ăn bánh với dưa góp, hành muối để kích thích tiêu hóa, giúp không bị đầy bụng.

    Với hàm lượng dinh dưỡng trong 100g bánh chưng cung cấp năng lượng là 181Kcal; 4,3g chất đạm; 4,2g chất béo; 31,6g chất bột đường; 0,6g chất xơ; 26g canxi; 0,94g sắt; 1,4g kẽm. Một miếng bánh chưng cỡ vừa có trọng lượng khoảng 114g. Một chiếc bánh nhân đậu xanh loại nhỏ thường có trọng lượng khoảng 25g, cung cấp năng lượng là 50Kcal; 1,8g chất đạm; 0,7g chất béo; 9,2g chất bột đường. Vì thế, dù thích bánh chưng đến mấy, cũng nên ăn ở mức vừa phải để tránh bị tăng cân.

    Không chỉ lo ngại về vấn đề tăng cân, nhiều gia đình vì không có thời gian nên thường lựa chọn mua bánh chưng bên ngoài. Tuy nhiên, Ths.BS Nguyễn Văn Tiến chia sẻ, thực tế không ít người kinh doanh muốn sản xuất số lượng nhiều để bán ra thị trường, đã bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng cần chú ý việc lựa chọn bánh chưng ngày Tết, bởi những chiếc bánh xanh đẹp, dẻo thơm trên thị trường thường chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe.

    Chất độc được nhắc tới chính là pin. Môi trường chính trong những viên pin là môi trường kiềm. Trong môi trường này, diệp lục (chất tạo màu xanh cho lá cây) có trong lá dong gói bánh sẽ chuyển thành màu xanh đậm. Đồng thời, kiềm còn giúp tinh bột hấp thụ nước tốt và trong hơn. Do đó, nhiều người đã dùng pin để luộc bánh chưng, làm bánh chưng nhanh chín, hạt nếp trong, màu vỏ lá xanh và bắt mắt.

    Ngoài ra, còn có những nguy cơ tiềm tàng ít được chú ý, đó là các kim loại nặng trong pin: chì (PB), thủy ngân (Hg), cadmium (Cd) và asen hay còn gọi là thạch tín,… là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.

    Do đó cần chú ý tới màu sắc của bánh khi mua. Thời gian luộc bánh chưng thường 8 – 9 giờ mới chín, lớp lá bên ngoài thường ngả màu, hơi vàng hay xanh nâu. Bánh chưng luộc có pin mất ít thời gian hơn, vỏ ngoài có màu xanh mướt, ánh tím.

    Bảo quản như thế nào cho đúng?

    Để bảo quản bánh chưng, không được cho vào túi nilon mà cần treo lên hoặc cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Ở môi trường tự nhiên, bánh chưng thường để được 5 ngày. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh được 15-20 ngày, nhưng bánh sẽ bị rắn, lại gạo.

    Bánh chưng bị mốc thường là mốc từ ngoài vào do nấm mốc trong không khí. Khi gói, bánh chưng phải dùng lá sạch, nên gói chắc tay, nhân bánh phải tươi sạch. Luộc xong phải rửa bánh khi đang nóng, vì lúc này bánh đang nở to, nước lã không vào được. Nếu rửa khi nguội, nước dễ xâm nhập, dễ gây hỏng bánh.

    Bánh chưng, với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và dinh dưỡng, là một phần quan trọng của bữa ăn ngày Tết. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng cần chú ý đến nguồn gốc và cách chế biến của bánh chưng. Việc lựa chọn an toàn và bảo quản đúng cách sẽ giúp mọi người thưởng thức món ăn truyền thống mà vẫn đảm bảo sức khỏe.

    Duy Trinh (t/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-chia-se-mot-so-luu-y-khi-an-va-bao-quan-banh-chung-d218755.html

    Bác sĩ chỉ cách rã đông thực phẩm ngày tết để tránh bị nhiễm khuẩn gây ngộ độc

    Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngày tết là lúc thực phẩm trữ trong tủ lạnh rất nhiều nên việc rã đông cần đúng cách để thực phẩm vẫn giữ nguyên và không gây hại cho sức khỏe.

    Bác sĩ Phạm Ánh Ngân – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, thực phẩm đông lạnh không diệt trừ được vi khuẩn, chỉ giúp ngăn ngừa chúng phát triển. Có nhiều cách để rã đông thực phẩm, cách thường được sử dụng nhất là rã đông ở ngăn mát tủ lạnh, khi nhiệt độ dưới 5 độ C. Nên để thức ăn ở ngăn thấp nhất, tránh nước rơi rỉ lên các thực phẩm khác.

    Trong trường hợp cần rã đông gấp, lò vi sóng là lựa chọn hữu ích để có thể nấu ngay sau khi rã đông. Tuy nhiên cần lưu ý, trước khi đưa vào lò, cần phải tháo các đóng gói bao bì không an toàn khi dùng trong lò vi sóng như: khay bằng nhựa polystyrene, nhựa bọc thực phẩm hay hộp giấy.

    Bác sĩ Ngân cho biết thêm, một trong những cách rã đông khác cũng khá phổ biến là sử dụng nước lạnh, tuy nhiên dễ khiến thực phẩm ở trong khoảng nhiệt độ nguy hiểm từ 8 đến 63 độ C (đây là nhiệt độ có lợi cho vi khuẩn phát triển).

    Khi dùng cách này, cần sử dụng thau, bồn rửa sạch và để toàn bộ khối thực phẩm ngập trong nước. Thực phẩm cần được bọc trong bao bì không thấm nước, không rò rỉ để tránh nhiễm khuẩn. Đặc biệt chú ý quá trình rã đông chỉ nên khoảng trong 2 tiếng hoặc ít hơn để tránh thực phẩm ở nhiệt độ nguy hiểm (8-63 độ C).


    Việc rã đông thực phẩm nên thực hiện đúng cách để đảm bảo thực phẩm vẫn tươi ngon, không nhiễm khuẩn. Ảnh minh họa

    Thậm chí khi thực phẩm được gói trong bao bì không thấm nước, vẫn có vi khuẩn bám trên bề mặt của chậu rửa, vì vậy cần vệ sinh thau chậu sau khi đã rã đông. Ngoài ra, thực phẩm sau rã đông nên được nấu chín trong vòng 24 giờ đầu, nếu chưa thể nấu ngay, nên bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.

    Đối với những món ăn đã chế biến, cần cấp đông để dùng dần trong những ngày tết, nên chia nhỏ khối lượng thực phẩm thành từng phần vừa đủ cho một bữa ăn, tốt nhất là trữ trong hộp thủy tinh, khi ăn thì rã đông phần đó trong lò vi sóng.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nên rã đông thực phẩm đông lạnh ở trong tủ lạnh hoặc nước lạnh để phòng sự phát triển của các vi sinh vật. Lựa chọn tốt nhất là rã đông đồ trong ngăn mát tủ lạnh.

    Còn theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), nên rã đông thực phẩm với nước. Cách này có thể áp dụng cho các loại thịt được trữ đông. Hãy cho thịt cần rã đông vào 1 túi zíp hoặc màng bọc thực phẩm trước khi ngâm vào nước hoặc dưới vòi nước. Rắc chút muối hoặc đập dập gừng tươi cho vào nước để giữ độ tươi ngon cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm.

    Lưu ý nên thay nước mới mỗi 30 phút một lần để hạn chế vi khuẩn có hại. Sau khi rã đông, thịt cần được nấu chín ngay để tránh bị hư hỏng và đảm bảo dinh dưỡng. Không nên ngâm thức ăn trực tiếp vào nước để rã đông, dịch bào có chất dinh dưỡng sẽ tan ra và hòa vào nước, thực phẩm sẽ mất chất dinh dưỡng và bị nhão.

    Rã đông thực phẩm ở ngăn mát tủ lạnh. Cách này thường được nhiều gia đình áp dụng, vì tiện lợi. Chỉ cần chuyển thực phẩm từ ngăn đông xuống ngăn mát, để trong 6-8 giờ để thực phẩm được rã đông tự nhiên. Đây là phương pháp được xem là tối ưu, an toàn nhất nhưng tốn nhiều thời gian. Sản phẩm được rã đông dần trong ngăn mát tủ lạnh nếu chưa dùng ngay vẫn có thể bảo quản trong điều kiện như vậy 3-5 ngày. Nếu cần, có thể tái đông trở lại bằng cách chuyển trở lại ngăn đá để bảo quản lâu hơn.

    Lưu ý, bao bọc cẩn thận và để các thực phẩm tươi sống ra xa thức ăn đã được chế biến nhằm hạn chế lây nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng nên cho thực phẩm cần rã đông vào hộp hoặc đĩa để không bị chảy nước ra ngoài.

    Rã đông bằng lò vi sóng chỉ cần cho thực phẩm cần rã đông vào lò vi sóng, chọn chế độ, thời gian phù hợp để bắt đầu. Rã đông trong lò vi sóng cũng rất tốt vì điện trường cao tần sẽ gây nên nội ma sát trong bản thân thực phẩm, khiến thực phẩm nóng lên, tan đông nhưng không làm vỡ tế bào. Với phương pháp này, thực phẩm phải được chế biến ngay vì một phần thịt có thể đã hơi bị chín. Nếu dùng không hết, có thể bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh, nhưng phải được nấu chín lại thực phẩm, vì lúc này thực phẩm có thể đã nhiễm vi sinh. Ngoài ra, thịt, cá đông lạnh có thể được quay, nướng trong lò vi sóng mà không cần phải rã đông.

    Lưu ý nhiệt độ trong lò rất nóng nên không được bọc thực phẩm trong túi nhựa vì sẽ gây chảy nhựa và cũng không cũng nên bọc thực phẩm bằng giấy bạc vì dễ gây cháy nổ.

    Bác sĩ Trần Thị Hiếu – Phụ trách khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) cũng chia sẻ, những thực phẩm không được trữ đông như: Rau xanh, trái cây, thực phẩm dễ vữa nát (mì, miến, bún, phở, trứng sống), thức ăn bao bột bên ngoài như bột chiên. Khi bảo quản các loại thịt, cá, hải sản không nên để nhiệt độ âm quá sâu làm protein biến tính, thường âm 10 đến 15 độ C là được. Việc chế biến thực phẩm đông lạnh phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải phân khu vực chế biến riêng biệt: sơ chế, rửa đồ sống, bếp nấu… thành từng khu riêng.

    Bác sĩ Hiếu khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, thức ăn cần phải ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên. Thực phẩm lựa chọn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Ngọc Nga (T/h)
    https://vietq.vn/bac-si-chi-cach-ra-dong-thuc-pham-ngay-tet-de-tranh-bi-nhiem-khuan-gay-ngo-doc-d218688.html

    Cảnh báo người dùng không nên dùng “mẹo” đặt điện thoại bị ướt vào gạo để hút ẩm

    Nhiều người cho rằng khi điện thoại không may bị ướt nên bỏ vào thùng gạo để hút ẩm nhưng Apple đã cảnh báo người tiêu dùng không nên làm như vậy.

    Dù hầu hết các smartphone cao cấp ngày nay đều có khả năng kháng nước, nhưng những bộ phận hở như cổng USB vẫn có thể bị chất lỏng bám vào nếu không may làm rơi điện thoại xuống nước.

    Và một trong những “mẹo” mà nhiều người thường nghĩ đến khi điện thoại nói riêng hay thiết bị điện tử nói chung bị vô nước, đó chính là bỏ vào thùng gạo với niềm tin rằng gạo sẽ hút hết chất ẩm ra. Tuy nhiên, theo Apple điều này lại có thể gây hại cho chiếc điện thoại. Các hạt gạo nhỏ có thể làm hỏng thiết bị hơn.

    Apple cũng nói thêm rằng: “Không làm khô điện thoại hay cụ thể là iPhone bằng nguồn nhiệt bên ngoài hoặc khí nén. Không nhét vật lạ, chẳng hạn như tăm bông hoặc khăn giấy, vào đầu nối”.


    Không nên vùi điện thoại vào thùng gạo sau khi bị rơi nước vi có thể làm hỏng thiết bị hơn. Ảnh minh họa

    Như vậy, chính Apple cũng đã bác bỏ một trong những ‘mẹo’ lâu đời nhất được lan truyền khi điện thoại bị ướt. Thay vì bỏ vào thùng gạo, Apple gợi ý người dùng vỗ nhẹ điện thoại vào tay rồi úp xuống để loại bỏ chất lỏng và nên đặt ở nơi khô ráo thoáng khí. Người tiêu dùng cũng có thể thử sạc lại sau 30 phút để xem còn cảnh báo chất lỏng hay không. Trong một số trường hợp có thể mất đến 24 giờ để chất lỏng biến mất hoàn toàn.

    Theo The Verge- một trang công nghệ thông tin của Mỹ, dùng gạo hút ẩm cho điện thoại bị vào nước là “bí kíp” được truyền qua nhiều thế hệ. Quan niệm này xuất phát từ giới nhiếp ảnh. Năm 1946, một bài báo trên Popular Photography nói trà, giấy nâu và gạo là những thứ có thể thay vật hút ẩm nếu người dùng đến nơi có khí hậu ẩm ướt. Năm 1996, tạp chí Make it Last cũng liệt kê gạo nằm trong số hơn 100 cách giúp kéo dài tuổi thọ thiết bị nhờ khả năng hút ẩm. Sau đó, nhiều hướng dẫn, mẹo về bảo quản, xử lý thiết bị điện tử cũng nhắc đến gạo, khiến nhiều người tin rằng món đồ có sẵn trong nhà này là cứu tinh của điện thọai.

    Tuy nhiên năm 2014, trang Gazelle của Mỹ đã thực hiện một thử nghiệm cho thấy gạo là chất hút ẩm tệ nhất trong những thứ có sẵn tại nhà như cát vệ sinh cho mèo, bột yến mạch. TekDry, công ty cung cấp dịch vụ cứu hộ thiết bị điện tử khẩn cấp của Mỹ cũng tiến hành thí nghiệm tương tự và nhận thấy lượng nước bay hơi khi để máy ngoài tự nhiên thậm chí còn lớn hơn việc đặt trong thùng gạo.

    Craig Beinecke, nhà đồng sáng lập TekDry, nói: “Trò lừa gạo tồn tại vì nghe có vẻ đúng, ngay cả khi thực tế chứng minh nó vô dụng. Câu chuyện gạo cứu điện thoại vào nước cứ thế được truyền tai qua nhiều thế hệ”.

    Theo ông, điều nguy hiểm của quan niệm sai này là người dùng sẽ khởi động lại thiết bị sau khi vùi vào gạo, dù máy chưa khô hoàn toàn. Nó có thể khiến thiết bị chết hoàn toàn thay vì có thể sửa nếu được xử lý đúng cách. Trong gạo có lớp cám mịn, khi gặp nước nó có thể vón cục, bám vào các khe hở của điện thoại như lỗ sạc, loa thoại, viền màn hình. Nguy hiểm hơn, nhiều người có thể vô tình cắm sạc và gây cháy nổ ngoài ý muốn.

    Còn theo kỹ thuật viên của Viện Di Động- hệ thống sửa chữa điện thoại tại Hà Nội, việc bỏ điện thoại vào gạo để hút nước là quan niệm sai lầm. Một số may mắn thành công vì điện thoại có thể mới bị dính nước, chưa ngấm sâu vào bên trong. Tuy nhiên, dù được “cứu”, trong quá trình sử dụng, điện thoại vẫn có thể gặp một số rủi ro như sụp nguồn bất ngờ, tự reset máy, lỗi màn hình, hỏng loa, sạc pin không nhận do nước làm hỏng chân sạc.

    Do đó, việc đầu tiên cần làm khi điện thoại ngấm nước là nhanh chóng tắt nguồn, giúp hạn chế nước ngấm sâu vào thiết bị, ảnh hưởng đến bộ phận quan trọng như mạch điện, main gây đoản mạch. Sau đó, người dùng nên tháo những bộ phận có thể tháo khỏi thân máy như sim, nắp lưng, pin.

    Tiếp đến, làm khô điện thoại bằng các chất làm khô chuyên dụng như silica gel (thường có trong túi hút ẩm của bánh kẹo). Nếu không, có thể để thiết bị trước quạt, nơi khô ráo. Thận trọng khi dùng máy sấy vì có thể làm hạt nước văng sâu hơn vào bên trong, làm chảy giăng cao su, keo dán màn hình…

    Cuối cùng, người dùng không nên khởi động thiết bị ngay sau khi thực hiện các bước trên. Thay vào đó, nên chờ thêm vài tiếng cho máy khô hẳn. Nếu “sơ cứu” và nghi ngờ máy bị vào nước nặng, người dùng không nên cắm sạc mà mang ra cửa hàng sửa chữa để kiểm tra.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/apple-canh-bao-nguoi-dung-khong-nen-dat-iphone-uot-vao-gao-d218782.html

    Cách lựa chọn máy làm sữa hạt đảm bảo chất lượng, giá tốt

    Máy làm sữa hạt hiện đang được rất nhiều người sử dụng hiện nay để chế biến các món uống dinh dưỡng. Tuy nhiên hiện trên thị trường có nhiều loại với mức giá khác nhau cần lưu ý để đảm bảo chất lượng.

    Máy làm sữa hạt là thiết bị nhà bếp thông minh giúp người dùng có thể giảm bớt các công đoạn để chế biến ra những ly sữa hạt thơm ngon, dinh dưỡng. Thiết bị này cũng có thể dễ dàng chế biến các ly sinh tố, nấu cháo, súp hay các loại bột từ hạt một cách cực kỳ tiện lợi nên được nhiều bà nội trợ tin dùng. Xong hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại với mức giá khác nhau khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn. Vì vậy, theo các chuyên gia điện máy, trước khi mua người tiêu dùng cũng cần tham khảo những tiêu chí quan trọng dưới đây để đảm bảo mua được sản phẩm chất lượng, bền lâu.

    Lựa chọn máy làm sữa hạt theo dung tích

    Các dòng máy làm sữa hạt hiện nay thường có dung tích từ 1,3L đến gần 2L. Đối với các gia đình ít người có thể lựa chọn máy có dung tích khoảng 1,3L. Đối với các gia đình đông thành viên hoặc nhu cầu sử dụng lớn nên chọn các máy có dung tích lớn.

    Công suất hoạt động của máy

    Để có thể xay nhuyễn các loại hạt cứng như hạnh nhân, óc gió, hạt điều hay các loại đậu … đòi hỏi thiết bị cũng cần có công suất lớn. Trong đó, công suất xay lớn cần đạt trong mức 800 – 1000W, còn công suất nấu cần đạt mức 600 – 800W để có thể tiết kiệm thời gian nấu.


    Mua và sử dụng áy làm sữa hạt nên cân nhắc các tiêu chí để đảm bảo chất lượng. Ảnh minh họa

    Chất liệu đảm bảo an toàn và bền bỉ

    Chất liệu cũng là tiêu chí cần được quan tâm khi chọn mua thiết bị này. Hầu hết cối xay của máy được làm từ các chất liệu nhựa ABS, nhựa PP hoặc thủy tinh …Lưỡi dao làm từ chất liệu thép không gỉ, sắc bén và chống gỉ. Đây đều là các chất liệu an toàn, có khả năng chịu nhiệt cao cũng như dễ dàng vệ sinh nên người dùng có thể an tâm khi dùng

    Độ ồn của máy khi hoạt động

    Mỗi dòng máy khi hoạt động đều có độ ồn nhất định sẽ dao động trong khoảng 50 – 90dB. Do đó, khi chọn mua nên kiểm tra độ ồn của máy xem có phù hợp hay không. Đồng thời, ưu tiên chọn mua những dòng máy đời mới nhất và được sản xuất bởi các thương hiệu uy tín để giúp giảm tiếng ồn tối đa khi hoạt động.

    Tính năng của máy làm sữa hạt

    Tính năng của thiết bị làm sữa hạt cũng là một trong những tiêu chí cần thiết giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm phù hợp. Các dòng máy đa năng vừa tích hợp tính năng nấu sữa, vừa có các tính năng như nấu cháo, nấu súp, xay sinh tố…. đáp ứng tối đa nhiều nhu cầu sử dụng khác nhau. Vì thế cho nên, khi chọn mua thiết bị này người tiêu dùng cần cân nhắc thật kỹ về nhu cầu sử dụng cũng như các tính năng của máy. Nếu chỉ mong muốn sử dụng máy để nấu sữa hạt chỉ nên chọn máy có tính năng nấu sữa hạt đơn thuần

    Lựa chọn theo thương hiệu

    Trên thị trường hiện nay có khá nhiều thương hiệu máy làm sữa hạt chất lượng và giá thành khác nhau. Tuy nhiên, khi chọn mua, người tiêu dùng cần nên tham khảo trước các thương hiệu này và những địa chỉ bán hàng chính hãng uy tín để đảm bảo chất lượng.…

    Cân nhắc về giá thành

    Ngoài các yếu tố kể trên, khi chọn mua máy làm sữa hạt, người tiêu dùng cũng rất quan tâm tới giá thành của sản phẩm. Hiện nay, giá thành của thiết bị này sẽ dao động trong khoảng từ 1 – 7 triệu đồng tùy thuộc vào thương hiệu sản xuất, dung tích hay tính năng của sản phẩm. Do vậy hãy cân nhắc điều kiện tài chính của mình để chọn mua một sản phẩm phù hợp.

    Lưu ý khi sử dụng

    Xử lý đúng cách khi máy đang chạy bị mất điện: Trong quá trình nấu sữa, có thể sẽ khó tránh được các vấn đề như mất điện. Nhiều người sẽ chọn cách bật lại chức năng nấu sữa khi có điện lại, tuy nhiên cách này sẽ làm khê cối, ảnh hưởng đến chất lượng sữa. Tốt hơn hết khi mất điện nên rút dây điện ra và sau đó trút sữa ra nồi để nấu thủ công.

    Không nên cho đường, muối vào cối lúc xay: Nhiều chị em thường cho nhiều đường, muối vào cối lúc xay nấu để giúp điều vị cho sữa. Tuy nhiên việc này sẽ khiến cho cối dễ bị khê. Để tránh tình trạng trên, tốt nhất nên cho đường, muối vào khi đã trút sữa ra khỏi máy. Hoặc nếu muốn cho đường, muối vào cối lúc nấu, xay cần hoà tan trước khi cho vào.

    Không để trẻ lại gần máy đang hoạt động: Trong quá trình nấu sữa cối rất nóng, điều này sẽ có khả năng gây bỏng đặc biệt là trẻ em. Không chỉ vậy, trẻ em có tính tò mò do đó có thể vô tình gây vỡ cối. Để đảm bảo an toàn cho trẻ cần để máy xa tầm tay trẻ em.

    Đảm bảo nguồn điện an toàn để máy hoạt động: Để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng máy cần chắc chắn nguồn điện sử dụng có phù hợp và an toàn. Việc sử dụng nguồn điện có tần số cao hơn hoặc thấp hơn so với thông số sử dụng của máy có thể làm chập điện và hư hỏng thiết bị. Nên sử dụng ổn áp để điều chỉnh dòng điện phù hợp với máy, tránh gây hư hỏng máy và nguồn điện đang sử dụng.

    Không để lượng nước trong cối vượt quá ngưỡng quy định: Nếu để lượng nước trong cối vượt quá ngưỡng quy định của nhà sản xuất, sẽ rất dễ dẫn tới tình trạng thực phẩm trong cối xay bị trào ra ngoài khi sôi. Điều này, vừa mất vệ sinh vừa gây nguy hiểm cho người dùng trong quá trình sử dụng.

    Để quên để kim loại trong cối xay: Một lưu ý nữa bạn cũng cần đặc biệt quan tâm đến khi sử dụng máy làm sữa hạt là hãy đảm bảo rằng các dụng cụ như muỗng, đũa, các vật kim loại hoặc các vật dụng không liên quan đã được lấy ra khỏi cối xay trước khi cho thiết bị vận hành. Vì nếu bỏ quên các vật kim loại này trong cối xay thì khi máy hoạt động sẽ khiến cối bị nứt vỡ. Trường hợp, cối đã nứt, tuyệt đối không được sử dụng để tránh gây nhiễu và trào gây nguy hiểm.

    Vệ sinh và bảo dưỡng định kỳ cho máy: Khi sử dụng máy làm sữa hạt thường xuyên và lâu dài thì nên đem máy đi kiểm tra cũng như bảo dưỡng định kỳ cho máy. Điều này giúp tăng tuổi thọ của máy và tránh những tai nạn không đáng có xảy ra đối với máy khi máy đã cũ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dùng.

    Ngọc Nga (T/h)
    https://vietq.vn/kinh-nghiem-chon-mua-may-lam-sua-hat-chat-luong-gia-tot-d218514.html

    Thực phẩm xông khói tiềm ẩn nhiều nguy cơ tránh lạm dụng ngày tết

    Trong những ngày tết thực phẩm xông khói là món ăn quen thuộc được nhiều gia đình lựa chọn tuy nhiên theo các chuyên gia, thịt xông khói không tốt cho sức khỏe tránh ăn nhiều.

    Đùi heo xông khói, đùi cừu muối hay lườn ngỗng… là những sản phẩm nhập khẩu được nhiều người tìm mua dịp cận tết. Sử dụng loại thực phẩm này nên thận trọng vì có thể có những nguy cơ xấu cho sức khỏe.

    Theo một đầu mối chuyên nhập hộp quà là đùi heo xông khói, năm nay nhập khoảng 2.000 hộp đùi lợn muối xông khói jamon Tây Ban Nha, loại nguyên đùi 4,5 kg kèm sẵn kệ đỡ và dao thái. Đây là loại được ủ muối 24-36 tháng. Mỗi hộp giá 3,8 triệu đồng, rẻ hơn 20% so với năm ngoái. Không chỉ có đùi heo Tây Ban Nha, đùi heo muối xông khói của Hàn Quốc cũng được chuyển nhiều về. Nặng khoảng 1 kg, loại này có giá 320.000 đồng, rẻ hơn nhiều so với các dòng khác.

    Nói tới loại thịt xông khói, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, (Nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), mấy năm gần đây, trào lưu sử dụng thực phẩm ăn nhanh như đồ xông khói thường tăng nhanh vào dịp tết. Đùi lợn xông khói, đùi cừu muối, đùi gà tây, lườn ngỗng xông khói… trở thành món ngon đãi khách tiện dụng.

    Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, dù được làm từ nguyên liệu đúng chuẩn thì đây cũng không phải là thực phẩm tốt cho sức khỏe. Lý do bởi thành phần chính của khói để hun thịt luôn có chứa hợp chất phenol.

    Hợp chất phenol có tác dụng chống lại quá trình oxy hoá, tạo màu, mùi cho thực phẩm và tiêu diệt các vi khuẩn nhiễm trong thực phẩm. Tuy nhiên, khi phenol nhiễm vào trong thịt hun khói khi ăn nhiều sẽ có trong cơ thể và có thể gây ra một số bệnh cho con người và gây độc cho đường tiêu hoá.


    Đùi heo xông khói, thịt xông khói

    Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nếu các sản phẩm này được làm từ nguyên liệu hết hạn, lưu cữu thì ngoài việc không còn giá trị dinh dưỡng, chúng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc thực phẩm bởi vi khuẩn đã xâm nhập và phân hủy. Nhiều bà nội trợ thích tiện dụng, tích trữ trong tủ lạnh nhiều loại thực phẩm ăn sẵn như đùi gà hun khói, chân giò muối, lườn ngỗng…. nhưng loại thịt này cũng ẩn chứa nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

    Rất nhiều vụ buôn bán thực phẩm quá hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc bị phanh phui dịp cận tết. Dù vậy, hàng nhập lậu, hàng trôi nổi vẫn công khai bán tràn lan trên các mạng xã hội, được ship đến tận nhà. Chúng đều được quảng cáo là hàng Nga, hàng Nhật, hàng Mỹ… nhưng thực tế có khi được gia công sản xuất ở một lò chế biến chui nào đó.

    Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, ăn phải những loại thịt hun khói này tất nhiên người dân có nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, về lâu dài sẽ tổn hại sức khỏe, gây bệnh mãn tính như ung thư. Người tiêu dùng chỉ còn cách tự bảo vệ mình bằng cách sử dụng, lựa chọn thực phẩm một cách đúng đắn, thay vì nghe theo quảng cáo của người bán hàng.

    “Nếu ai có thói quen ăn nhiều thịt xông khói, đùi gà hun khói nhất là vào dịp lễ tết này thì nên chấn chỉnh lại để bảo vệ sức khỏe. Trong thịt hun khói nói chung có chứa nhiều muối, ăn quá nhiều có thể khiến tăng huyết áp, gây các bệnh về tim mạch cực nguy hiểm. Thi thoảng ăn cho biết mùi vị thì không có tác hại gì, không nên ăn thường xuyên, hàng ngày hay hàng tuần như một thói quen”, TS Thịnh nói.

    Khi ăn, phải đảm bảo đây là loại thịt còn hạn sử dụng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được hút chân không đảm bảo… Người dân cần hết sức sáng suốt khi lựa chọn thực phẩm dịp cuối năm. Nhất là trong dịp cận tết, để có thể lựa chọn thực phẩm ngon bổ nhưng đảm bảo vệ sinh toàn thực phẩm, tránh rước bệnh vào người ngay đầu năm mới.

    Liên quan tới loại thịt này, Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Quốc tế- là một tổ chức phi chính phủ, phi lợi nhuận quốc tế hoạt động trong lĩnh vực phòng chống, phát hiện và điều trị bệnh ung thư được thành lập tại tại Geneva, Thụy Sĩ cho biết, thịt xông khói làm tăng nguy mắc bệnh ung thư đại trực tràng, dạ dày, tuyến tụy và tuyến tiền liệt. Thịt xông khói thuộc nhóm thịt chế biến được Hiệp hội Nghiên cứu Ung thư Quốc tế liệt vào danh sách những món ăn gây ung thư cao hàng đầu.

    Bất kỳ sản phẩm thịt nào đã được chế biến bằng cách xông khói, ướp muối hoặc các phương pháp xử lý khác để đóng hộp và bảo quản đều tiềm ẩn nguy cơ gây ung thư, bao gồm các loại thịt đông lạnh, thịt nguội, xúc xích, thịt khô.

    Trong quá trình chế biến, phương pháp nướng và hun khói thịt sẽ tạo thành các chất có hại cho cơ thể như hydrocacbon thơm đa vòng (PAH), amin dị vòng (HCAs). Bên cạnh đó, hầu hết các nhà sản xuất thường đưa nitrat (NO3) và nitrit (NO2) vào thịt để thời gian bảo quản được lâu hơn. Đó là lý do tại sao thịt có màu hồng hoặc đỏ do nitrit sau khi cho vào biến thành oxit nitric.

    Chất này phản ứng với các protein có trong thịt làm thay đổi màu sắc, ngăn vi khuẩn xuất hiện và kéo dài thời gian bảo quản. Nếu không có nitrit hay các phụ gia khác, thịt sẽ nhanh chóng chuyển sang màu nâu.

    Nitrat và nitrit là những hợp chất tự nhiên có trong cơ thể con người và một số loại rau quả. Tuy nhiên, lượng nitrat trong rau đi kèm theo một số loại chất chống oxy hóa quan trọng như vitamin C, giúp ngăn ngừa sự hình thành của các hợp chất N-nitroso. Với hàm lượng thấp, nitrit biến đổi thành oxit nitrit có lợi cho cơ thể. Vì vậy, nguồn nitrat đến từ các loại rau quả được xem là an toàn đối với sức khỏe.

    Riêng với các loại thịt chế biến, nitrat hoặc nitrit sẽ theo đó vào bên trong cơ thể. Vi khuẩn trong miệng cùng với các enzyme trong cơ thể có thể chuyển đổi nitrat thành nitrit. Hàm lượng nitrit trong thịt cao hơn nhiều so với rau quả, do đó, chúng dễ tác dụng với các amin tạo thành nitrosamine và các hợp chất N-nitroso gây các bệnh ung thư. Ví dụ, hàm lượng nitrosamin cao tích lũy lâu ngày trong gan gây ra hiện tượng nhiễm độc, ung thư gan.

    Một chương trình nghiên cứu ở Anh trên 475.000 người trong 7 năm, mỗi ngày dùng thêm 20 gram thịt chế biến sẵn, tương đương với hai lát thịt xông khói gia tăng 18% nguy cơ ung thư đại trực tràng. Do đó, chỉ ăn vài lát thịt xông khói mỗi ngày có thể gây hại cho sức khỏe về lâu dài.

    Do đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi người chỉ nên ăn dưới 2.000mg natri một ngày. Sử dụng càng nhiều thịt xông khói đồng nghĩa với việc hấp thu lượng natri càng lớn, không chỉ làm tăng huyết áp mà còn có dẫn đến nguy cơ ung thư cao hơn, nhất là ung thư dạ dày và phổi.

    Mọi người không cần phải loại bỏ hoàn toàn thịt xông khói ra khỏi thực đơn mà nên giảm lượng tiêu thụ xuống càng thấp càng tốt. Bạn cũng có thể thưởng thức mỗi tuần một lần cùng chế độ ăn uống với đầy đủ các thực phẩm lành mạnh khác. Mặt khác, nếu bạn là người nấu ăn trong gia đình thì có thể thay đổi hình thức nấu nướng thay cho cách xông khói, nướng, áp chảo hoặc ướp muối dự trữ.

    Công bố chất lượng thịt xông khói

    Thịt hun khói hay thịt xông khói hay thịt muối xông khói là một món thịt được chế biến sẵn với nguyên liệu từ thịt động vật và được chế biến bằng phương pháp xông khói hay hun khói. Đây là loại thực phẩm có nguồn gốc từ châu Âu và là một món ăn phổ biến ở châu Âu. Là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, thịt hun khói có màu đỏ tươi và có thể có nhiều kích cỡ, thịt phải bao gồm cả da heo dính kèm, khi chế biến có thể ướp thêm muối. Ở Việt Nam, thịt hun khói thường được dùng làm thức ăn kẹp vào bánh mì hoặc bánh Sandwich và dùng cho bữa ăn sáng.

    Căn cứ theo Nghị định 15/2018/NĐ-CP, việc tự công bố chất lượng thịt heo xông khói là thủ tục bắt buộc trước khi đưa sản phẩm ra thị trường nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và an toàn sức khỏe người tiêu dùng.

    Việc tự công bố chất lượng thịt xông khói sẽ giúp doanh nghiệp có được chỗ đứng trên thị trường ngay khi mới bước chân vào đó. Giúp tạo lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp đối với những doanh nghiệp chưa có giấy công bố chất lượng. Tạo được niềm tin cũng như một phần ấn tượng đối với khách hàng, giúp doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với khách hàng trong tương lai, cũng như khi tung ra sản phẩm mới.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/thuc-pham-xong-khoi-cap-dong-it-dinh-duong-nguy-co-chua-nhieu-doc-hais2-d218541.html

    Chuyên gia cảnh báo: Những thực phẩm bảo quản trong tủ lạnh dễ bị nấm mốc, hỏng nhanh

    Theo các chuyên gia dinh dưỡng, có nhiều loại thực phẩm không nên bảo quản trong tủ lạnh điển hình như tỏi, hành tây, gừng, cơm nguội.

    Có thể nói, sự ra đời của những chiếc tủ lạnh đã làm thay đổi đáng kể cuộc sống của cả nhân loại. Trong thời đại hiện đại, tủ lạnh trở thành vật dụng không thể thiếu trong mọi gia đình. Cùng với sự gia tăng về nhu cầu sử dụng, những chiếc tủ lạnh ngày càng được cải tiến về công năng cũng như mẫu mã.

    Tin tưởng vào mục đích thiết kế ra tủ lạnh, người tiêu dùng cứ vậy mà làm theo, mua thực phẩm về là nhanh chóng “cho vào tủ lạnh không để bên ngoài bị hỏng”. Thế nhưng, các nhà khoa học và chuyên gia trong lĩnh vực thực phẩm không tán đồng với quan điểm này. Với họ, tủ lạnh không phải là nơi để lưu trữ mọi thứ, có những thực phẩm nên để bên ngoài sẽ tốt hơn, vì như vậy sẽ giữ được trọn vẹn dinh dưỡng.

    Theo Tiến sĩ Dimple Jangda, chuyên gia dinh dưỡng và tiêu hóa ở Ấn Độ, một trong những loại thực phẩm không nên để vào trong tủ lạnh vì chúng rất dễ gây ra tác hại không mong muốn cho sức khỏe nếu duy trì thói quen này.

    Tỏi

    Tiến sĩ Dimple Jangda cho rằng, người tiêu dùng không nên mua tỏi đã bóc vỏ và cho vào tủ lạnh vì sẽ nhanh chóng bị mốc. Nấm mốc trong tỏi có liên quan đến bệnh ung thư và độ ẩm trong tủ lạnh sẽ đẩy nhanh sự phát triển của nấm mốc.

    Tiến sĩ Jangda gợi ý, người tiêu dùng có thể chọn mua tỏi khô, giữ nguyên cả củ, để ở nhiệt độ thường vẫn có thể sử dụng được lâu. Nếu muốn thuận tiện hơn cũng có thể mua tỏi đóng hộp làm sẵn hoặc ngâm tỏi đã bóc vỏ vào giấm rồi bảo quản trong tủ lạnh.


    Không nên bảo quản tỏi trong tủ lạnh vì chúng dễ bị ẩm mốc. Ảnh minh họa

    Hành tây

    Ngoài tỏi, hành tây cũng thường được cho nhầm vào tủ lạnh. Tiến sĩ Jangda khuyến cáo nếu bảo quản hành tây trong tủ lạnh không đúng sẽ hấp thụ vi khuẩn xung quanh và làm tăng nguy cơ hư hỏng. Ở một số gia đình còn đặt những lát hành tây ở góc phòng bệnh nhân để hấp thụ vi khuẩn có hại, điều này cũng chứng tỏ khả năng hấp thụ vi khuẩn của hành tây. Vì vậy, dù bề ngoài hành tây không có vẻ bị mốc nhưng có thể đã hấp thụ một lượng lớn vi khuẩn từ tủ lạnh, về lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

    Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nhiều gia đình chỉ vệ sinh tủ lạnh một hoặc hai lần một năm, vì vậy có thể tưởng tượng vi khuẩn trong tủ lạnh có thể truyền sang thực phẩm dễ dàng như thế nào, khiến nó trở thành mối đe dọa tiềm tàng đối với sức khỏe. Chuyên gia này khuyên nên đặt hành tây trên kệ khô ráo, tránh ẩm ướt của tủ lạnh, có thể kéo dài thời gian sử dụng và giúp hành không bị hư hỏng.

    Gừng tươi

    Tiến sĩ Jangda cũng đề cập đến vấn đề bảo quản gừng tươi. Khi để trong tủ lạnh, gừng tươi nhanh chóng bị thối, hư hỏng hơn bên ngoài và nấm mốc trong gừng có liên quan đến suy thận và gan. Mặc dù bản thân gừng tươi có lợi cho sức khỏe thận nhưng việc bảo quản không đúng cách có thể gây hại.

    Cơm nguội

    Tiến sĩ Jangda cũng nhắc nhở việc bảo quản cơm nguội trong tủ lạnh là không đủ an toàn. Nhiều người cho cơm vào tủ lạnh với suy nghĩ sẽ diễn ra quá trình thoái hóa ngược, tinh bột sẽ biến thành tinh bột kháng, nên ăn không sợ béo. Thực tế tinh bột dễ bị nấm mốc nhất. Nếu phải để trong tủ lạnh thì không nên giữ quá 24h.

    Tiến sĩ Janine Bowring, ở Canada cũng đồng ý và nói rằng “không bao giờ ăn thức ăn thừa”. Vì thức ăn thừa có xu hướng nhanh chóng bị nấm mốc nên để trong tủ lạnh sẽ bị hỏng nhanh hơn nhiều so với các thực phẩm khác. Ngoài ra, tiến sĩ Bowring còn đề cập cơm nguội có thể sinh ra một loại vi khuẩn có tên là Bacillus cereus có liên quan đến ngộ độc thực phẩm.

    Chuối

    Theo Natalie Alibrandi, một nhà khoa học thực phẩm có trụ sở tại London và Giám đốc điều hành của Nali Consulting (một tổ chức của các nhà khoa học thực phẩm và đồ uống có trụ sở tại London và Hà Lan), chuối không nên để trong tủ lạnh, đặc biệt là nếu chúng chưa chín.

    Thông thường, khi mua chuối ở cửa hàng tạp hóa, chúng chưa chín. Do đó, tốt nhất nên để chúng bên ngoài cho chín. Nhiệt độ thấp trong tủ lạnh có thể làm chậm quá trình chín hóa học của quá trình chín, do đó có thể khiến chuối không thể chín mềm và ngọt”, Alibrandi nói.

    Quả bơ

    Giống như chuối, Alibrandi khuyên nên giữ để quả bơ bên ngoài tủ lạnh vì những lý do tương tự. Nếu mua một quả bơ chưa chín, cứng như đá, việc bảo quản nó trong tủ lạnh sẽ chỉ giữ cho nó càng lâu ăn được. Một lần nữa, nhiệt độ mát trong tủ lạnh làm chậm quá trình chín. Hầu hết các tủ lạnh được giữ ở nhiệt độ 40 ° F trở xuống, điều này không tạo ra môi trường lý tưởng cho một quả bơ chưa chín và sẽ khiến nó mất đi hương vị thơm ngon.

    Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Khoa Thực vật học và Khoa học Thực vật, Đại học California (Mỹ) cho thấy rằng bơ nên được giữ ở khoảng 20 độ C. Vì vậy một nơi khô ráo, thoáng mát như trong nhà bếp rất thích hợp. Khi đó, bơ chín sẽ giữ được tối ưu chất dinh dưỡng của nó.

    Ngọc Nga (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-dinh-duong-canh-bao-nhung-loai-thuc-pham-bao-quan-trong-tu-lanh-de-bi-nam-moc-hong-nhanh-d218488.html

    Phát triển cảm biến không dùng pin, sử dụng năng lượng bằng âm thanh

    0

    Các nhà nghiên cứu đã phát triển cảm biến không dùng pin, phản ứng với sóng âm thanh, chẳng hạn như những lời nói cụ thể, tạo ra đủ năng lượng rung động để cung cấp cho một thiết bị điện tử. Cảm biến mới không chỉ giảm lãng phí pin mà có thể cung cấp năng lượng cho thiết bị y tế như cấy ốc tai điện tử hoặc giám sát các lỗi của tòa nhà.

    Chúng ta phụ thuộc vào pin để cung cấp năng lượng cho nhiều vật dụng sử dụng hàng ngày, mọi thứ từ điện thoại thông minh, đồ chơi đến điều khiển từ xa và đèn pin. Do đó, 15 tỷ pin bị loại bỏ mỗi năm trên toàn thế giới, nhiều trong số đó kết thúc ở bãi rác.

    Đối với một số thiết bị nhất định, việc vứt bỏ pin có thể sẽ sớm trở thành quá khứ nhờ các nhà nghiên cứu tại ETH Zurich phát triển cảm biến không cần gì để cung cấp năng lượng cho nó ngoại trừ âm thanh. Johan Robertsson, một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: “Cảm biến hoạt động hoàn toàn bằng cơ học và không cần nguồn năng lượng bên ngoài. Nó chỉ đơn giản sử dụng năng lượng rung động có trong sóng âm thanh”.


    Cảm biến nhạy âm thanh không cần nguồn điện bên ngoài, được kích hoạt bằng sóng âm thanh do một số tiếng ồn nhất định tạo ra.

    Nhưng chỉ có một số sóng âm nhất định. Cảm biến do các nhà nghiên cứu phát triển có khả năng nhận dạng giọng nói thụ động và kích hoạt bất cứ khi nào từ một âm điệu hoặc tiếng ồn được tạo ra. Các sóng âm thanh phát ra khiến cảm biến rung đủ để tạo ra xung điện nhỏ làm bật một thiết bị điện tử. Cảm biến nguyên mẫu có thể phân biệt giữa các từ được nói “ba” và “bốn”. Bởi vì “bốn” tạo ra nhiều năng lượng âm thanh hơn “ba”, nên nó làm cho cảm biến rung, bật thiết bị hoặc kích hoạt quá trình tiếp theo, trong khi việc nói từ “ba” không có tác dụng.

    Cảm biến là một siêu vật liệu, có đặc tính hiếm thấy trong tự nhiên. Marc Serra-Garcia, đồng tác giả nghiên cứu cho biết: “Cảm biến của chúng tôi gồm hoàn toàn bằng silicon và không chứa kim loại nặng độc hại cũng như bất kỳ loại đất hiếm nào như cảm biến điện tử thông thường”.

    Tuy nhiên, cảm biến thu được đặc tính nhận dạng giọng nói từ cấu trúc của nó chứ không phải từ vật liệu làm nên nó. Sử dụng mô hình và thuật toán máy tính, các nhà nghiên cứu đã thiết kế cấu trúc cảm biến bằng cách sử dụng một mạng gồm các tấm silicon (bộ cộng hưởng) giống hệt nhau kết nối bằng các thanh nhỏ hoạt động giống như lò xo. Lò xo là thứ quyết định liệu âm thanh cụ thể làm cho cảm biến chuyển động hay không.

    Các nhà nghiên cứu nhìn thấy nhiều ứng dụng tiềm năng cho cảm biến chạy bằng âm thanh, không dùng pin. Nó có thể được sử dụng để theo dõi động đất và các tòa nhà, chẳng hạn như ghi lại âm thanh cụ thể phát ra từ vết nứt nền móng của tòa nhà. Hoặc có thể phát hiện tiếng rít do khí thoát ra và kích hoạt báo động.

    Họ cho biết, cảm biến này cũng có thể có ứng dụng trong y tế, chẳng hạn như dành cho người được cấy ghép ốc tai điện tử để điều trị bệnh điếc hoặc mất thính lực. Hiện tại, mỗi bộ cấy cần hai hoặc ba pin, tùy thuộc vào loại bộ xử lý âm thanh sử dụng. Mặc dù thời lượng thay đổi tùy theo loại hoạt động mà một người tham gia, nhưng pin dùng một lần sẽ có thời lượng sử dụng từ 30 đến 60 giờ và cần được thay thế thường xuyên.

    Hà My (theo newatlas.com)
    https://vietq.vn/phat-trien-cam-bien-khong-dung-pin-ma-su-dung-nang-luong-bang-am-thanh-d218486.html

    Cảnh báo tình trạng viêm da, nhiễm trùng do xăm môi làm đẹp

    0

    Mới đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân N.T.S. (62 tuổi, Phú Thọ) đến khám trong tình trạng môi sưng, vảy tiết, đau rát và chảy máu khi chạm vào.

    Bệnh nhân N.T.S. cho biết, sau khi xăm môi 5 ngày, môi trên bắt đầu xuất hiện mụn nước, tiết dịch căng, rát bỏng nên đã tự mua thuốc về bôi. Sau khi đổi nhiều loại thuốc khác nhau, tình trạng vẫn không cải thiện, bà đến bệnh viện thăm khám được các bác sĩ chẩn đoán viêm da, nhiễm trùng do xăm môi. Bà S. được các bác sĩ kê đơn thuốc về điều trị tại nhà và tái khám theo chỉ định.

    Thời gian gần đây, Khoa thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bị biến chứng sau phun xăm môi. Các biến chứng thường gặp nhất bao gồm: viêm da nhiễm trùng, tái hoạt vi rút herpes (gây tình trạng mụn rộp, mụn nước – PV) và phản ứng dị ứng muộn sau xăm môi.


    Xăm môi làm đẹp, cẩn thận đủ kiểu biến chứng.

    Các biến chứng khác hiếm gặp hơn nhưng cũng khá phức tạp như nhiễm mụn cóc tại vùng xăm, sẹo phì đại. Thông thường biến chứng của phun xăm môi thường nhẹ và có thể điều trị khỏi. Tuy nhiên bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị biến chứng bong tróc vảy, căng nứt và sạm da vùng môi kéo dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý bệnh nhân. Các trường hợp này cần được thăm khám và điều trị lâu dài để đạt được hiệu quả tốt.

    Theo ThS. BS Phạm Ngọc Huy – Khoa Thẩm mỹ da, Bệnh viện Da liễu TP.HCM, phun xăm môi là phương pháp sử dụng các đầu kim xăm để đưa hạt mực xăm vào lớp trung bì da tạo nên màu sắc thẩm mỹ mong muốn. Đây là phương pháp giúp tạo nên đôi môi hồng hào mà không cần tốn công trang điểm mỗi ngày, rất phù hợp với người bận rộn không có thời gian trang điểm hoặc sở hữu đôi môi nhạt màu, thâm sạm.

    Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng như: nhiễm trùng da, tái hoạt vi rút herpes, nổi bóng nước, sưng nề, chảy máu hoặc do kỹ thuật phun xăm dẫn đến hiệu quả thẩm mỹ thấp (màu mực không đều, quá tải mực xăm)… Hoặc biến chứng lâu dài như khô môi kéo dài, phản ứng u hạt viêm, phản ứng dị ứng muộn, sẹo phì đại…

    Theo bác sĩ Huy, để hạn chế các biến chứng do xăm môi, người dân cần lựa chọn các cơ sở đáp ứng được hai tiêu chí chính: kỹ thuật viên phun xăm có tay nghề tốt và chất lượng mực xăm tốt. Lưu ý, kỹ thuật viên cần được đào tạo bài bản và có chứng nhận cần thiết để thực hiện kỹ thuật phun xăm.

    Trong quá trình thực hiện, người dân nên chú ý đến các thao tác của kỹ thuật viên phun xăm để đảm bảo khâu tiệt trùng được thực hiện đầy đủ: thay kim xăm mới, sát khuẩn vùng xăm và dụng cụ phun xăm liên quan, găng tay vô khuẩn.

    Đồng thời, kiểm tra chất lượng mực xăm về các tiêu chí như nơi sản xuất, hạn sử dụng để đảm bảo quá trình phun xăm được diễn ra một cách an toàn. Ngoài ra, người dân nếu đã có tiền căn dị ứng với hạt mực xăm, đặc biệt mực xăm màu đỏ thì nên thận trọng cân nhắc không nên tiếp tục xăm.

    An Nguyên
    https://vietq.vn/viem-da-nhiem-trung-do-xam-moi-lam-dep-d218493.html

    Cách lựa chọn máy sấy thực phẩm chất lượng cho gia đình

    0

    Máy sấy thực phẩm là thiết bị đang được nhiều gia đình Việt Nam sử dụng, vì những tính năng sấy khô cực kỳ tiện lợi mà nó mang lại. Tuy nhiên để đảm bảo chất lượng, sử dụng bền lâu cần lưu ý khi lựa chọn.

    Nên tìm hiểu nguyên lý hoạt động của máy trước khi mua

    Máy sấy thực phẩm (hay còn được gọi là máy sấy hoa quả) là sản phẩm có khả năng hút khô một lượng nước tối đa có trong trái cây, rau củ hoặc các thực phẩm khác. Nhờ đó mà thực phẩm khi được sấy khô xong sẽ có thể kéo dài thời gian bảo quản, cũng như mang lại hương vị thơm ngon hơn. Tuy nhiên để có thể mua máy sấy thực phẩm đạt chất lượng tốt, và đảm bảo nhu cầu mong muốn thì cũng cần phải nắm được những nguyên lý hoạt động cơ bản nhất để thuận tiện trong quá trình sử dụng.

    Máy sấy thực phẩm có nguyên lý hoạt động khá đơn giản khi sử dụng nhiệt để sấy khô thức ăn. Cụ thể là khi khởi động máy lên, nhiệt độ ở trong thiết bị sẽ bắt đầu nóng lên và lan tỏa đi khắp các khay sấy. Trong thời gian sấy, các khay sấy bên trong sẽ quay tròn để tạo ra sự đối lưu giúp thực phẩm sấy đều hơn. Và sau một khoảng thời gian, thì thực phẩm sẽ được sấy khô một cách hoàn hảo.

    Lựa chọn kích thước và dung tích của máy phù hợp

    Việc chọn lựa kích thước máy phù hợp khá quan trọng. Do đó nên xem xét thật kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng của bản thân hoặc gia đình để đưa ra quyết định. Vì nếu chọn một chiếc máy có kích thước quá lớn việc di chuyển, sắp xếp không gian lắp đặt máy cũng như việc vệ sinh máy sẽ tốn khá nhiều thời gian.

    Dựa vào số thành viên trong gia đình, cũng như khả năng ăn uống của mỗi người có thể cân nhắc chọn lựa loại máy sấy thực phẩm thích hợp. Hiện nay, trên thị trường có đa dạng các loại máy có đầy đủ mọi loại dung tích có thể tùy ý lựa chọn.


    Khi lựa chọn máy sấy thực phẩm đảm bảo chất lượng cũng cần tham khảo những tiêu chí cơ bản. Ảnh minh họa

    Lựa chọn chất liệu của máy

    Để mua máy sấy hoa quả có chất lượng tốt nên xem xét kỹ lưỡng về chất liệu từng bộ phận của thiết bị. Đặc biệt, đối với phần khay sấy nên chọn những những loại có khay sấy chịu được nhiệt tốt để đảm bảo an toàn, và giữ được chất lượng khi sấy.

    Lựa chọn công suất của máy

    Thông thường, công suất của máy sấy hoa quả sẽ ở mức 200 đến 300W cho dòng máy gia đình. Còn đối với các loại máy sấy công nghiệp công suất sẽ ở khoảng 400W. Có thể thấy công suất càng lớn thì khả năng sấy khô càng nhanh, và ít tốn thời gian hơn vậy nên có thể dựa theo nhu cầu để chọn công suất phù hợp.

    Lựa chọn nhiệt độ sấy của máy

    Việc lựa chọn nhiệt độ thích hợp, cũng là một tiêu chí lựa chọn máy sấy thực phẩm mà bạn cần lưu ý. Thông thường, mấy sấy hoa quả gia đình sẽ có mức nhiệt ở khoảng 30 độ C. Vì thế nên chọn thiết bị có mức nhiệt cao, và có thể điều chỉnh được nhiệt độ với từng loại thực phẩm.

    Lựa chọn máy sấy thực phẩm vừa giá tiền

    Hiện nay, trên thị trường có rất đa dạng các loại máy sấy thực phẩm khác nhau với cùng nhiều phân khúc giá từ cao đến thấp. Tùy vào tình hình tài chính của mỗi cá nhân người tiêu dùng có thể dựa vào đó để lựa chọn loại máy sấy phù hợp.

    Cách sử dụng an toàn, bền lâu

    Trước khi mua cần đọc kĩ thông tin hướng dẫn cảnh báo an toàn về sử dụng máy sấy. Cần sử dụng máy sấy ở nơi khô ráo, thoáng mát. Không chắn các lỗ thông gió phía sau hoặc trên cửa máy sấy.

    Để đảm bảo an toàn tuyệt đối không sử dụng máy sấy thực phẩm khi tay đang ướt hoặc đi chân trên. Không để nước hoặc chất lỏng rơi vào phần động cơ của máy. Không vận hành máy sấy thực phẩm gần nguồn nước. Nên ngắt nguồn điện cho máy sấy thực phẩm khi không sử dụng. Nên theo dõi máy trong quá trình vận hành để nắm bắt tình hình hoạt động của máy.

    Ngọc Nga (T/h)
    https://vietq.vn/cach-lua-chon-may-say-thuc-pham-chat-luong-cho-gia-dinh-d218481.html

    Buộc bánh chưng, giò bằng dây nilon nhuộm màu tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe

    0

    Theo các chuyên gia cảnh báo, trước đây người tiêu dùng thường sử dụng lạt tre, dây chuối để buộc bánh chưng, giò… tuy nhiên hiện nay để tiện lợi họ quay sang sử dụng dây nilon điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe.

    Từ xa xưa trong đời sống người dân Việt Nam, thói quen dùng lá và các loại dây buộc từ lá, từ rơm rạ hay tre, nứa đã rất phố biến. Các loại dây buộc có nguồn gốc từ thiên nhiên này chẳng những không gây hại mà còn giúp tăng tính thẩm mĩ và hương vị tự nhiên của món ăn.

    Đặc biệt người Việt Nam thường sử dụng lá chuối để gói các loại bánh tét, bánh ít, bánh giò… và buộc chặt bằng dây chuối. Dây chuối được làm từ bẹ chuối hoặc phần cọng của lá chuối, xé ra thành sợi, sau đó phơi khô. Khi sử dụng thì ngâm nước cho mềm rồi mới buộc. Dây chuối còn dùng để buộc các loại giò lụa, nem chua… Vài địa phương còn sử dụng lá dừa nước còn non để làm dây buộc cho các loại bánh khác.

    Tuy nhiên, để giảm giá thành sản phẩm và tiện lợi trong khâu gói thực phẩm, nhiều người bán đã thay loại dây buộc tự nhiên như dây chuối, lạt tre bằng dây nilon được nhuộm phẩm màu xanh, đỏ thậm chí là màu đen do dùng nhựa tái sinh, nấu đi nấu lại nhiều lần.


    Việc sử dụng dây nilon buộc các loại bánh chưng, bánh ít, giò…tiềm ẩn nguy cơ độc hại

    Có đôi khi người ta còn sử dụng dây nilon để cột, bó thịt trong món thịt kho trứng truyền thống ngày tết, bó giò heo rút xương, hoặc dùng dây nilon cột các món thịt cuộn, rồi thả vào chảo dầu nóng để chiên gây ảnh hưởng vô cùng nguy hại. Nhiệt độ cao của dầu và của nước kho làm sợi dây nilon biến chất và trở thành chất độc hại thấm vào thức ăn. Các nhà y học đã cảnh cáo rằng chất BPA dùng làm mềm nhựa là thủ phạm gây ảnh hưởng đến hóc môn sinh dục của con người.

    Sợi dây nilon tuy tiện dụng và giúp giảm giá thành cho món ăn, nhưng cũng góp phần làm cho các món ăn dân dân dã, truyền thống mất đi nét mộc mạc và sự thi vị vốn có. Không chỉ thế, các loại dây nilon không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm rất hại đến sức khỏe người sử dụng.

    Nói tới việc sử dụng dây nilon buộc các loai bánh chưng, giò chả, ông Lâm Bá Nhĩ, Công ty Cổ phần Việt Nam kỹ nghệ Súc Sản (VISSAN) cho biết, hiện nay phần lớn các loại bánh tét đều gói bằng lá chuối nhưng cột bằng dây nilon (tái chế) màu đen hoặc màu đỏ, vàng…

    Ngoài ra để tiện dụng, các sản phẩm giò chả, xúc xích… đang lưu hành trên thị trường thường được các nhà sản xuất bao gói bằng các loại bao bì plastic khác nhau. Tuy nhiên, đối với những công ty chế biến thực phẩm có uy tín thương hiệu trong công nghệ chế biến bao giờ cũng sử dụng những loại bao bì chuyên dùng cho ngành chế biến thực phẩm, được kiểm định và cho phép bởi những cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể là các loại bao bì làm từ PA, PE, PVDC là những loại bao bì có khả năng chịu nhiệt tốt và an toàn cho người sử dụng.

    Riêng với vật liệu dây nilon dùng cột các loại bánh thì người tiêu dùng cần cẩn thận khi chọn sử dụng các loại bánh này. Bởi trong trường hợp những loại dây này có chất liệu nằm trong danh mục những chất liệu được sử dụng trong thực phẩm và được kiểm định bởi những cơ quan có thẩm quyền thì vẫn an toàn cho người sử dụng. Tuy nhiên nếu sử dụng những sợi dây nilon tái chế có nhuộm các phẩm màu công nghiệp sẽ dễ thôi nhiễm vào sản phẩm trong quá trình nấu hấp và gây ảnh hưởng sức khoẻ đến người tiêu dùng.

    Sợi nilon nói riêng hay đồ gia dụng bằng nhựa dẻo tổng hợp nói chung là sản phẩm từ vật liệu polymer. Bản chất nhựa polymer không có độc tính, nhưng do quá trình sản xuất, người ta cho các chất phụ gia, chất độn vào, góp phần làm cho sản phẩm này có nhiều cảnh báo về độ nguy hiểm.

    Ví dụ chất hóa dẻo polycarbonate, phthalate từ nhựa PET; hexamethylene diamine, polychlorinate tiết ra từ nguyên liệu PVC; chất benzene, vinyl acetate từ nhựa PE… Thực tế liều phơi nhiễm (độ tiếp xúc đủ gây hại) của các sản phẩm này đối với con người qua đường ăn uống là tương đối thấp. Thường người ta chú trọng hơn đến biện pháp phòng chống tác hại đến sức khỏe công nhân qua đường tiếp xúc là da, niêm mạc và hô hấp trong lĩnh vực an toàn lao động từ cơ sở sản xuất vật liệu polymer.

    Tuy nhiên, đối với sản phẩm dạng nhựa tổng hợp tái chế, ngoài các hóa chất có từ quá trình sản xuất, còn hiện diện các kim loại nặng như chì, cadmium, antimon, phẩm màu công nghiệp, khí furan, dioxin… chắc chắn tính chất độc hại phát tán ra môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe con người sẽ cao hơn dạng “polymer chính phẩm”.

    Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Môi trường quốc tế Environment International (Mỹ), trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích mẫu máu của 22 người trưởng thành khỏe mạnh và phát hiện 17 người có hạt vi nhựa trong cơ thể. Một nửa số mẫu chứa nhựa PET, loại thường được dùng cho chai đựng đồ uống; 1/3 số mẫu chứa polystyrene, loại nhựa được sử dụng trong đóng gói thực phẩm và các sản phẩm khác. Trong khi đó, 1/4 số mẫu máu chứa polyetylen, thành phần chính của các loại túi nhựa.

    Dù tác động của chúng đối với sức khỏe vẫn chưa rõ ràng, song các nhà nghiên cứu bày tỏ lo ngại bởi kiểm tra trong phòng thí nghiệm cho thấy vi nhựa gây tổn thương tế bào của người. Trong khi thói quen dùng đồ nhựa đang thịnh hành, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, trong quá trình được cho ăn bằng bình nhựa, trẻ có thể nuốt hàng triệu hạt vi nhựa mỗi ngày.

    Trong khi các nhà nghiên cứu đang kêu gọi tài trợ cho những nghiên cứu sâu hơn thì trên thực tế, mỗi ngày, vô số rác thải nhựa từ sinh hoạt của con người tiếp tục thải ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn đất, không khí, nguồn nước…, ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đến sức khỏe của con người.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/buoc-banh-chung-gio-xuc-xich-bang-day-nilon-doc-hai-kho-luong-d218450.html