25 C
Hanoi
Thứ bảy, Tháng mười một 16, 2024
More
    Home Blog Page 386

    Báo cáo đặc biệt về sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C

    0

    Sáng 10/10, Hội nghị đối thoại cấp cao về Biến đổi khí hậu do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) tổ chức chính thức diễn ra tại Hà Nội.

    Thứ trưởng Bộ TN&MT phát biểu khai mạc hội nghị.

    Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Vì thế, Việt nam luôn chủ động và tích cực thực hiện những cam kết quốc tế và nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu. Cùng với việc phê duyệt Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã ban hành kế hoạch thực hiện Thoả thuận, trọng tâm tập trung vào việc thực hiện đóng góp do quốc gia tự quyết (NDC).

    Tại hội nghị, thông tin về Báo cáo đặc biệt của IPCC về tác động khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C và các vấn đề liên quan đến phát thải khí nhà kính toàn cầu đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo chuyên gia và giới truyền thông.

    Phát biểu đề dẫn của Báo cáo đặc biệt, TS. Hoesung Lee – Chủ tịch IPCC cho biết, IPCC là cơ quan toàn cầu đánh giá khoa học liên quan đến biến đổi khí hậu. Tại COP21, IPCC được giao nhiệm vụ xây dựng báo cáo 1,5 độ C để các quốc gia xem xét tại Hội nghị lần thứ 24 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP24) được tổ chức tại Ba Lan vào tháng 12 năm nay. Báo cáo vừa được đại diện các quốc gia thảo luận tại Hàn Quốc, từ ngày 2 đến ngày 5/10/2018.

    “Việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu lên 1,5 độ C sẽ đòi hỏi những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong tất cả các khía cạnh của xã hội. Với lợi ích rõ ràng đối với người dân và hệ sinh thái tự nhiên, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C so với 20C có thể đi đôi với việc đảm bảo một xã hội bền vững và công bằng hơn”, Chủ tịch IPCC Lee nhận định.

    Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị.

    Theo Báo cáo đặc biệt của IPCC, ước tính, các hoạt động của con người đã làm nóng lên toàn cầu khoảng 1,0 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với khoảng có khả năng là 0,8 độ C – 1,2 độ C. Nóng lên toàn cầu có khả năng đạt 1,5 độ C trong giai đoạn năm 2030 – 2052, nếu nhiệt độ tiếp tục tăng với tốc độ hiện tại.

    Sự nóng lên là do phát thải từ các hoạt động của con người từ giai đoạn tiền công nghiệp đến hiện tại sẽ tồn tại hàng thế kỷ, thậm chí với hàng nghìn năm, và sẽ tiếp tục gây ra những thay đổi lâu dài trong hệ thống khí hậu, ví dụ mực nước biển dâng, các tác động đi kèm;… Vì vậy, việc hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5 độ C so với 2 độ C sẽ giảm tác động đến hệ sinh thái, sức khỏe con người để dễ dàng đạt được mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

    Báo cáo cũng nêu bật một số tác động của biến đổi khí hậu có thể tránh được, bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu 1,5 độ C so với 2 độ C, hoặc nhiều hơn. Ví dụ, đến năm 2100, mực nước biển dâng toàn cầu sẽ thấp hơn 10 cm với sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C so với 2 độ C. Khả năng xảy ra băng tan ở Bắc Băng Dương trong mùa hè sẽ chỉ có một lần trong mỗi thế kỷ với sự nóng lên toàn cầu là 1,5 độ C, so với ít nhất một lần mỗi thập kỷ với mức tăng là 2 độ C. Rạn san hô sẽ giảm 70 – 90% khi nhiệt độ toàn cầu tăng 1,5 độ C, trong khi hầu như tất cả (> 99%) sẽ bị mất đi khi nhiệt độ tăng 2 độ C.

    Đánh giá về Báo cáo, bà Caitlin Wiesen, Giám đốc Quốc gia của UNDP tại Việt Nam nhận định, báo cáo của IPCC đã nhấn mạnh những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu mà có thể tránh được bằng cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu thêm 1,5 độ C, nhưng thời gian hành động sắp hết.

    “Đổi mới khí hậu là điều cần thiết, giống như cải cách kinh tế toàn diện Việt Nam đã triển khai từ 40 năm trước để giảm phát thải khí nhà kính và tạo công ăn việc làm xanh, hướng đến một xã hội có sức chống chịu và bền vững hơn”, bà nhấn mạnh.

    Việt Nam là một trong những nước bị tác động lớn của biến đổi khí hậu. Các nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy: Biến đổi khí hậu làm gia tăng nguy cơ mắc sốt xuất huyết, tiêu chảy, tay chân miệng và tăng tỷ lệ nhập viện, nhất là người già và trẻ em. Thay đổi các điều kiện khí hậu có nguy cơ làm gia tăng các dịch bệnh, bệnh mới nổi như cúm AH5N1, H1N1, bệnh Zika. Dự báo trong tương lai có thể phát sinh thêm nhiều bệnh mới do tác động của biến đổi khí hậu. (Đại diện Bộ Y tế cho biết tại hội nghị)

    Theo Thương Huế/kinhtedothi.vn (10/10/2018)

    Chai nhựa tự hủy trong nước – Giải pháp chống ô nhiễm đại dương

    0

    Các nhà khoa học Trung Quốc nghiên cứu và hy vọng sản xuất ra loại nhựa có thể phân hủy thành những yếu tố không độc hại trong môi trường biển nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống ô nhiễm đại dương.

    Loại nhựa mới chứa các phân tử sẽ kích hoạt một phản ứng hóa học khi tiếp xúc với nước. Theo bà Vương Cách Hà (Wang Gexia) – Kỹ sư hóa học tại Học viện Khoa học Trung Quốc, quy trình này sẽ giúp nhựa phân giải thành các thành phần không độc hại chỉ trong 10 ngày.

    Nhựa mới chỉ được đưa vào sử dụng được khoảng 70 năm và đã thay đổi mọi thứ, từ đóng gói, mua sắm đến may mặc. Hầu hết những loại nhựa phổ biến đều mất nhiều năm mới có thể phân hủy hoàn toàn. Trong khi đó, lo ngại về tác động từ nhựa đến mối trường ngày càng tăng.

    Con người hiện thải khoảng 10 triệu tấn rác nhựa ra biển mỗi năm, theo các nhà khoa học tại Đại học Georgia, Mỹ.

    Túi bóng này sẽ gây ra nhiều thiệt hại trước khi nó bắt đầu phân hủy (Ảnh: Getty Images)

    Rác nhựa sau đó theo các dòng chảy đại dương lan ra toàn cầu và có thể khiến cá voi, cá heo chết ngạt nếu vướng phải.

    Các mảnh vỡ còn tồn tại trong hệ tiêu hóa của cá cùng nhiều loại sinh vật biển khác có mặt trong chuỗi thực phẩm, gây đe dọa sức khỏe con người.

    “Tuy nhiên, nhiều loại nhựa phân hủy có chứa hợp chất có thể bị phá vỡ bởi vi sinh vật, điển hình là vi khuẩn, có khả năng chuyển hóa chúng. Tự bản thân nước biển cũng có thể giúp phân hủy nhựa”, bà Vương cho biết.

    Nhóm nhà khoa học Trung Quốc thêm vào các hơp chất thủy phân và hòa tan trong nước vào một loại polyester phân hủy sinh học. Quá trình thủy phân sẽ chuyển hóa các phân tử để tạo ra axit, nước và oxy khi nó tiếp xúc với nước, tương tự như khi hòa tan đường.

    Hỗn hợp cũng chứa các gốc tự do – nguyên tử hoặc phân tử tích điện có thể tạo thêm phản ứng hóa học đóng vai trò xúc tác giúp phá hủy nhựa.

    Nhóm nhà khoa học Trung Quốc nói họ có thể điều chỉnh kỹ thuật này để sản xuất nhiều loại sản phẩm khác nhau như túi mua sắm, dĩa nhựa, thìa nhựa.

    Bà Vương đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế nhựa phân hủy và dự đoán Trung Quốc sẽ sớm sản xuất 75.000 tấn/năm loại vật liệu này. 4 nhà máy đã được cấp phép để bắt đầu sản xuất.

    Chan Wai-kin – Giáo sư hóa học chuyên về vật liệu polyme tại Đại học Hong Kong chia sẻ, nhựa phân hủy sinh học đã xuất hiện được vài năm nhưng việc sử dụng rộng rãi chất liệu này đã bị chi phí sản xuất cản trở.

    “Nói chung, nhựa phân hủy sinh học đắt hơn ít nhất 50% so với nhựa thông thường”, theo Chan. Ngoài chi phí, loại nhựa này cũng chưa chắc có thể sản xuất hàng loạt.

    “Quy mô 75.000 tấn vẫn còn khá nhỏ so với lượng nhựa thế giới tiêu thụ mỗi năm – hàng triệu tấn. Nó vượt qua cả khoa học”.

    Bà Vương đang tìm kiếm đối tác giúp bà sản xuất nhiều nhựa phân hủy hơn và giá của loại vật liệu này chưa được xác định. Bà thừa nhận công nghệ này có chi phí tương đương với nhựa phân hủy sinh học bằng chôn lấp nhưng quy trình sản xuất sẽ đơn giản hơn.

    Bà không lý giải thêm vì lý do bảo mật thương mại. Bà dự định công bố chi tiết nghiên cứu trong một tạp chí hàn lâm khi có bằng sáng chế.

    Trước bà Vương, nhóm các nhà khoa học tại Đại học Miền nam Mississippi, Mỹ cũng nghiên cứu một loại nhựa phân hủy sinh học vào năm 2010. Nó được ứng dụng trên biển, có thể dùng sản xuất các tấm bọc cho hàng hóa cỡ lớn, container thực phẩm và dụng cụ ăn uống. Nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Khoa học Polyme Ứng dụng năm 2010.

    Theo Phạm Đình/tapchimoitruong.vn

    Rau hữu cơ: Bán đắt liệu có “xắt ra miếng”?

    0

    Có một thực tế đáng buồn cho ngành sản xuất hữu cơ ở Việt Nam, các doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ “xịn” của châu Âu thì đều xuất khẩu. Thị trường trong nước với 90 triệu dân Việt Nam lại bị bỏ ngỏ.

    Các cửa hàng tự treo biển “sản phẩm hữu cơ” nhan nhản trên phố với giá bán cao gấp 3-4 lần sản phẩm thường thì chưa có cơ quan chứng nhận đủ uy tín. Thiếu niềm tin, người tiêu dùng Việt “rối bời” trước các thông tin sản phẩm hữu cơ thật giả lẫn lộn.
    Sản phẩm hữu cơ “tự xưng” không ai chứng nhận
    TS Hà Phúc Mịch – Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ Việt Nam – cho rằng đến nay người tiêu dùng trong nước chưa biết nhiều và hiểu nhiều về nông nghiệp hữu cơ và sản phẩm hữu cơ, do vậy chưa tồn tại, hình thành thị trường tiêu thụ tại chỗ và chưa khuyến khích các nhà sản xuất chuyển đổi từ nông nghiệp thông thường sang nông nghiệp hữu cơ.
    Nói về khó khăn lớn nhất là doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ gặp phải hiện nay, TS Hà Phúc Mịch cho biết: “Hiện nay, ở Việt Nam mặc dù có chính sách, tiêu chuẩn cho sản phẩm hữu cơ nhưng không có đơn vị chứng nhận tiêu chuẩn của Việt Nam”.
    Thiếu cơ quan chứng nhận hữu cơ có uy tín, người tiêu dùng chưa có niềm tin
    Đáng chú ý, theo TS Hà Phúc Mịch, các doanh nghiệp lấy được chứng nhận của tổ chức nước ngoài như: Nhật, Châu Âu, Mỹ thì sản phẩm đều xuất khẩu. Thị trường trong nước với 90 triệu dân hoàn toàn bị bỏ ngỏ, trong khi đó, nhu cầu sử dụng các sản phẩm hữu cơ an toàn tại TPHCM và Hà Nội rất lớn.
    “Nếu chỉ nghĩ sản xuất sản phẩm hữu cơ để xuất khẩu là sai lệch vì sản phẩm hữu cơ là sản phẩm an toàn cho sức khoẻ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói sản xuất nông nghiệp hữu cơ là cho hơn 90 triệu dân chứ không chỉ cho người giàu và xuất khẩu. Vấn đề cốt lõi là khi có tiêu chuẩn và chính sách thì cần minh bạch, rõ ràng từ khâu sản xuất, tổ chức chứng nhận đến người tiêu dùng” – TS Hà Phúc Mịch nói.
    “Trong giai đoạn chưa có chính sách rõ ràng, một số doanh nghiệp tự xưng “sản phẩm hữu cơ”, nhãn mác cửa hàng, gói hàng. Ai cũng nhận mình hữu cơ nhưng chứng nhận của ai? Tổ chức nào đáng tin cậy không thì không có căn cứ, điều đó khiến người tiêu dùng nghi ngại” – TS Hà Phúc Mịch nói.
    Theo các chuyên gia, sản xuất hữu cơ và sản phẩm hữu cơ là chứng nhận theo chuỗi cả quá trình. Giám sát từ lúc canh tác nông nghiệp hữu cơ, từ hạt mầm đến lúc thu hoạch bao gói đến người tiêu dùng. Chứng nhận sản phẩm hữu cơ là chứng nhận cả một quá trình, việc test mẫu sắc xuất thì không đủ lòng tin cho người tiêu dùng.
    Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và phát triển bền vững thì sản xuất hữu cơ và sản xuất sạch là hướng đi đúng cho nông nghiệp Việt Nam. Mặc dù đã có nhiều chính sách để phát triển nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch nhưng vẫn còn khoảng trống từ chính sách đến thực tiễn. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Liên minh nông nghiệp – “Khi tôi đọc các nghị định, có nhiều điểm chưa sát thực tế, có thời gian chuyển đổi, muốn chuyển người nông dân từ sản xuất hoá học sang sản xuất hữu cơ là cả một vấn đề do họ có thói quen sử dụng hoá chất rất lâu. Giờ chuyển sang thì có bán được không? Đào tạo người nông dân trồng rau hữu cơ như thế nào?”.
    Trao đổi với PV, PGS-TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách – cho rằng khi có thị trường, sẽ có thu nhập từ người nông dân và nhà phân phối. Nhưng thị trường đang gặp vấn đề là thông tin chưa minh bạch, người tiêu dùng là người chi tiền cuối cùng thì chưa có niềm tin của sản phẩm nào là sạch và không sạch. Trong khi đó thì sản phẩm hữu cơ có giá cao hơn. Kết quả là người tiêu dùng vẫn mua sản phẩm cũ, như vậy sản phẩm cũ vẫn có đất tồn tại. Vấn đề ở đây là tổ chức thị trường, để làm sao người tiêu dùng cho thông tin, niềm tin và sẵn sàng chi trả. Có như vậy thu nhập sẽ đến cho những người sản xuất chân chính và có sự dịch chuyển.
    “Giá thực phẩm hữu cơ cao gấp 3-4 lần là không có cơ sở”?

    Hiện nay giá bán sản phẩm hữu cơ gắn mác rau hữu cơ, rau organic tại các cửa hàng, siêu thị đều đắt hơn rau thường. TS Hà Phúc Mịch cho biết: “Theo nghiên cứu của tổ chức quốc tế, giá bán cao 3-4 lần là không có cơ sở. Nếu làm đúng quy trình thì giá cả sẽ không cao như vậy. Giá cao như vậy khó chấp nhận. Tại một số nước trên thế giới, giá nông nghiệp hữu cơ cao 15-30%. Theo kết luận của Viện Nghiên cứu quốc tế, năng suất và giá thành của sản phẩm hữu cơ không cao so với sản phẩm thường nếu làm đúng quy trình”.

    Trao đổi với PV Báo Lao Động – chủ một trang trại trồng rau hữu cơ – cho biết: “Nhiều trang trại làm hữu cơ hiện nay lỗ. Giá thành sản phẩm đội lên do phải thuê nhân công nhổ bằng tay. Mặc dù công chăm sóc lớn bởi rau hữu cơ tuyệt đối không có thuốc kích thích tăng trưởng, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ mà chỉ dùng phân bón hữu cơ nên năng suất thấp hơn so với rau bình thường. Thời gian sinh trưởng của rau hữu cơ chậm hơn. Nếu rau thường dùng thuốc kích thích khoảng 20 ngày đã cho thu hoạch thì rau hữu cơ phải 30 ngày mới thu hoạch được”.

    Chủ một trang trại trồng rau hữu cơ khác cho rằng: “Giá rau hữu cơ đắt một phần vì quy mô trồng rau hữu cơ ở Việt Nam vẫn còn nhỏ lẻ, quỹ đất chưa nhiều”.

    Bàn về vấn đề này, PGS-TS Nguyễn Đức Thành cho rằng, đặc thù của thị trường nông nghiệp trong tương lai chắc chắn sẽ phụ thuộc nhiều vào các tập đoàn lớn bởi đòi hỏi về công nghệ cũng như đất đai rộng và tập trung mới quản lý được chất lượng. Các hộ nhỏ không ai kiểm soát được thông tin và khi làm mà người ta không tin thì họ sẽ không bán được hàng. Tuy nhiên, không có nghĩa là các hộ nông dân và những nhóm sản xuất nhỏ không có cơ hội. Nếu như họ biết liên kết với nhau, có phương thức liên kết thì sẽ làm được”.

     Theo Lao động/moitruong.com.vn (2/10/2018)

    Đồng vị phóng xạ chì trong không khí Hà Nội cao nhất vào mùa đông

    0

    Lần đầu tiên đồng vị phóng xạ chì (Pb210) – một chỉ số phóng xạ có trong đất, bay lên không khí đã được các nhà khoa học trẻ thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam dùng tia gamma để đo chính xác.

    Thông tin được công bố tại hội nghị khoa học và công nghệ hạt nhân cán bộ trẻ ngành năng lượng nguyên tử lần thứ năm, tổ chức ngày 3-4/10 tại Hà Nội.

    Kết quả đo mẫu không khí ở Hà Nội từ tháng 2/2017 đến tháng 1/2018 thu được trên phin lọc sợi thủy tinh cho thấy nồng độ chì phóng xạ hàng tuần nằm trong khoảng từ 0,12 – 2,89 mili Becquerel/m3 (mPq/trong một mét khối không khí). Chỉ số này nằm trong giới hạn cho phép. Vào các tháng mùa đông nồng độ chì phóng xạ thường cao hơn mùa hè. Tháng cao nhất lên tới 9,24mBq/m3.

    Nhiều chỉ số trong không khí ở Hà Nội vượt mức giới hạn cho phép. Ảnh: HH.

    Ths Dương Đức Thắng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, đồng vị phóng xạ chì này không độc hại như chì thông thường nếu con người hít thở từ không khí. Việc đo đếm chính xác các thông số có ý nghĩa quan trọng để nghiên cứu, tính toán mức độ bồi lắng lòng hồ, sông biển, xói mòn đất.

    Các cơ quan quản lý môi trường trước đây chưa đo được chỉ số này do các thiết bị thông thường sẽ không nhận biết và phân biệt được chỉ số chi tiết mà chỉ đo được tổng lượng chì.

    Còn với phương pháp phóng xạ, dùng tia gamma có thể đo được đồng vị Pb210 (trong không khí có rất nhiều đồng vị Pb204,205,206,207…) kể cả mức rất thấp. Giới chuyên môn cho rằng, phương pháp này cũng mở ra triển vọng cho ngành môi trường khi cần đo chính xác các kim loại nặng có trong không khí.

    TS Nguyễn Hào Quang, Phó viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam cho biết, đây chỉ là một trong số nhiều kết quả nghiên cứu ứng dụng năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế.

    Đã có nhiều dược chất, đồng vị phóng xạ được Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, Năng lượng nguyên tử Việt Nam sản xuất phục vụ trong y tế, công nghiệp. Sản phẩm cây, con chiếu xạ có khả năng kháng bệnh không cần dùng kháng sinh cũng được tạo ra phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản…

    Theo VnExpress/moitruong.com.vn (4/10/2018)

    Biến hàu thành lính canh ô nhiễm biển

    0

    Nghiên cứu của họ cho thấy giống như việc mang chim hoàng yến vào mỏ than, hàu nằm gần các giàn dầu ngoài khơi có thể phát hiện một lượng nhỏ hydrocarbon được sử dụng mỗi ngày cho việc lọc hàng chục galông nước.

    Theo dõi việc này, các nhà khoa học có thể sớm phát hiện các vết nứt nhỏ trong cơ sở hạ tầng trước khi thảm họa tràn dầu có thể xảy ra và đe dọa tới sinh vật hoang dã cũng như các cộng đồng ven biển.

    Sinh sống bằng cách bám vào đá hoặc các giá thể khác, hàu là loài động vật lý tưởng cho việc cho việc phân tích trong thời gian thực bởi “chúng không có việc gì làm ngoài để ý âm thanh dao động xung quanh, nhiệt độ và các biến đổi ánh sáng” – nhà nghiên cứu Jean-Charles Massabuau đến từ Viện Khoa học CNRS của Pháp trao đổi.

    Làm việc với Đại học Bordeaux, ông đã phát triển quá trình đo phản ứng của hàu khi tiếp xúc với dầu và khí ga tự nhiên có trong nước từ năm 2011 với nhiều nhà sinh vật học, toán học và chuyên gia máy tính.

    Loài thân mềm hai mảnh vỏ này hoàn hảo cho việc lấy mẫu chất lượng nước mà nó lọc suốt trong cả ngày vì nó phản ứng gần như ngay lập tức với bất cứ lượng dầu nào dù có nhỏ đến đâu đi nữa. Để nghiên cứu về phản ứng trên, ông và nhóm nghiên cứu đã sử dụng một bể cá cách điện làm từ các khối bọt nhựa và bê tông, lốp xe đạp cũ và bóng tennis tại trạm nghiên cứu biển lâu đời thứ 2 trên thế giới ở Vịnh Arcachon nằm phía Tây Nam nước Pháp.

    Các điện cực được gắn vào hàng chục con hàu ở trong bể, cho phép các nhà nghiên cứu đo tốc độ đóng mở van để lọc nước của mỗi con hàu. Đột biến trong chu trình đóng mở van là dấu hiệu đầu tiên cho thấy những con hàu đang bị căng thẳng, trong đó chu trình tăng lên tương ứng với nồng độ hydrocarbon cao hơn.

    Quan sát đã được thực hiện ở nhiều khu vực bao gồm biển Barents ở Na Uy và Nga cũng như các kênh đào xây dựng cho một cơ sở nghiên cứu điều hành bởi tập đoàn năng lượng khổng lồ Total nằm ngoài thành phố Pau ở phía Tây Nam nước Pháp.

    Tiềm năng của công nghệ này đã thu hút được sự chú ý của tập đoàn trong năm 2012, khi họ bắt đầu hợp tác với phòng thí nghiệm và cung cấp hỗ trợ tài chính. Philippe Blanc, người đứng đầu các nỗ lực chống ô nhiễm của Total cho biết, nghiên cứu này có thể giúp bảo vệ môi trường biển khỏi những lần “rò rỉ trong thầm lặng” diễn ra tại các cơ sở của họ.

    Tính đến nay họ đã đầu tư khoảng 1,7 triệu euro cho nghiên cứu lính canh hàu này. Sau 14 tháng thử nghiệm tại mỏ dầu Abu Al Bukhoosh nằm ngoài bờ biển Abu Dhabi với hàu ngọc trai, Total hiện đang lên kế hoạch triển khai dự án tương tự tại mỏ dầu Al Khalij ở Qatar. Tuy nhiên, Massabuau cảnh báo bất chấp sự nhiệt tình trong việc quảng bá hình ảnh có ý thức với môi trường, Total có thể nhìn nhận mối quan hệ hợp tác với phòng thí nghiệm như “con dao 2 lưỡi”.

    Ông mong muốn nghiên cứu của ông trở thành một “đảm bảo đáng tin cậy” chứ không chỉ là một “con tem phê chuẩn có tính khoa học” cho các hoạt động của Total.

    Theo moitruong.com.vn (5/10/2018)

    Khoa học sắp tạo ra điện từ loại rác không ai dám tái chế

    0

    Có một loại rác đứng hàng “top” về độ lãng phí, nhưng chẳng có ai buồn nghĩ đến việc tái chế chúng cả. Đó là giấy vệ sinh, loại đã qua sử dụng!

    Thử liệt kê danh sách các loại rác gây lãng phí bậc nhất, chúng ta có thực phẩm, rác nhựa, và giấy. Trên thực tế, con người đang dần ý thức tác động của lượng rác thải khổng lồ đến môi trường mỗi năm, và đang tìm cách sử dụng tiết kiệm, tăng cường tái chế các loại vật dụng, rác thải.

    Tuy nhiên, có một loại rác đứng hàng “top” về độ lãng phí, nhưng chẳng có ai buồn nghĩ đến việc tái chế chúng cả. Đó là giấy vệ sinh, loại đã qua sử dụng!

    Theo như thống kê từ một số tổ chức môi trường, thì trung bình mỗi người châu Âu xả đi khoảng 14kg giấy vệ sinh/năm. Con số thậm chí còn lớn hơn tại các quốc gia như Mỹ, và quả thực, đó là sự lãng phí kinh khủng.

    Tuy nhiên mới đây, một nhà hóa học từ ĐH Amsterdam (UvA – Hà Lan) đã “dám” dấn thân vào lĩnh vực này. Ông cho rằng, con người đã chưa tận dụng hết được tiềm năng thực sự của giấy vệ sinh, trong khi nó thực sự là nguồn cung carbon rất dồi dào. Và nhờ vậy, ông cùng các cộng sự đã nghĩ ra cách cực kỳ đơn giản, giúp biến giấy vệ sinh thành điện.

    Theo lý thuyết, nếu lấy số giấy do người dân Amsterdam thải ra mỗi năm (khoảng 10.000 tấn) là đủ điện cho 6.400 hộ gia đình sử dụng – một hiệu năng cực kỳ ấn tượng. Hơn nữa về cơ bản, 80% thành phần giấy vệ sinh là cellulose lấy từ cây cối, vậy nên đây là nguồn năng lượng có thể tái tạo. Và quan trọng hơn, người tiêu dùng có thể được trả tiền để giao lại số giấy họ đã sử dụng.

    Tưởng tượng, bạn đi cầu, sau đó có người đưa tiền cho bạn – còn gì tuyệt vời hơn?

    Giáo sư Gadi Rothenberg từ Uva – chủ nhiệm nghiên cứu chia sẻ, bản chất của phương pháp là biến đổi các chất hữu cơ làm nên giấy vệ sinh trở thành carbon monoxide, hydrogen, và CO2. Kế đó, họ sẽ sử dụng nhiên liệu oxide rắn để chuyển đổi các loại khí thành điện cho con người sử dụng.

    Hiệu suất chuyển đổi hiện tại rơi vào khoảng 57% – tức là gần tương đương với hiệu suất quay vòng năng lượng trong các nhà máy điện từ khí thiên nhiên. Và nếu thành công, chi phí sẽ tương đương với hệ thống điện từ năng lượng Mặt trời tiên tiến nhất hiện nay.

    “Khi chúng tôi thảo luận kết quả nghiên cứu với một số công ty, tất cả đều cảm thấy thích thú” – giáo sư Rothenberg cho biết.

    Hiện tại, đây vẫn là công nghệ ước mơ của tương lai. Nhưng Rothenberg tin rằng mô hình tái chế này sẽ sớm được áp dụng tại Hà Lan và nhiều quốc gia trên thế giới. Thời gian đầu, có thể chi phí sẽ cao, nhưng dần dần có thể giảm xuống nhờ thị trường mở rộng hơn.

    Theo Trí Thức Trẻ/moitruong.com.vn (7/10/2018)

    Đề xuất nâng cao tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô

    0

    Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu.

    Bộ Giao thông vận tải cho biết, ô nhiễm môi trường không khí gây ra những tác động trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng. Tỷ lệ người dân ở các đô thị lớn mắc các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí chiếm tỷ lệ khá cao, trong đó trẻ em là nhóm đối tượng chịu tác động lớn nhất.

    Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ước tính có khoảng 2/3 trường hợp tử vong và giảm tuổi thọ do ô nhiễm không khí xảy ra ở các nước đang phát triển thuộc châu Á.

    Ở nước ta, tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp ở các đô thị lớn như Hà Nội, Tp.HCM cao hơn các đô thị khác. Ô nhiễm không khí cũng gây ra những thiệt hại về kinh tế do những chi phí bỏ ra để chữa trị bệnh tật và các chi phí gián tiếp do mất ngày công lao động của người bệnh và người chăm sóc.

    Tại các đô thị, khí thải từ phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (PTGTCGĐB) đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí. Theo các báo cáo đánh giá chất lượng không khí, tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, các chỉ số NOx, CO – là các hợp chất có trong khí thải của PTGTCGĐB – đã vượt mức cho phép từ 1,2 – 1,5 lần, điều này đang gây tác động rất xấu đến sức khỏe người dân.

    Ngày 01/9/2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải (TCKT) đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất lắp ráp và nhập khẩu (SXLR&NK) mới. Theo đó, ô tô SXLR&NK mới áp dụng TCKT mức Euro 4 từ ngày 01/01/2017 và mức Euro 5 từ 01/01/2022. Tuy nhiên, ô tô tham gia giao thông và xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu vẫn áp dụng các mức TCKT cũ quy định cách đây 12 năm, đến nay đã lạc hậu. Do vậy, cần thiết xây dựng lộ trình nâng cao mức TCKT nhằm đồng bộ với việc kiểm soát khí thải đối với xe ô tô SXLR&NK mới.

    Bảo vệ môi trường không khí, bảo vệ sức khỏe người dân

    Theo Bộ Giao thông vận tải, việc nâng cao mức TCKT đối với xe ô tô tham gia giao thông, xe ô tô đã qua sử dụng nhập khẩu là cần thiết để bảo vệ môi trường không khí, đặc biệt là môi trường không khí đô thị, bảo vệ sức khỏe người dân.

    Mức TCKT mới có tính đến các yếu tố như tuổi đời, công nghệ xử lý khí thải của phương tiện và việc thực hiện kiểm soát khí thải trước đó nhằm tạo điều kiện để người sử dụng phương tiện tuân thủ.

    Dự thảo đề xuất Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô nhập khẩu đã qua sử dụng như sau: Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức (động cơ sử dụng nhiên liệu xăng, khí dầu mỏ hóa lỏng – LPG, khí tự nhiên nén – CNG và các loại tương tự) áp dụng Mức 4 kể từ ngày 01/01/2020.

    Ô tô lắp động cơ cháy do nén (động cơ sử dụng nhiên liệu điêzen và các loại tương tự) áp dụng Mức 3 kể từ ngày 01/01/2020.

    Lộ trình áp dụng các mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô tham gia giao thông như sau: Ô tô lắp động cơ cháy cưỡng bức và ô tô lắp động cơ cháy do nén (sau đây gọi chung là ô tô) tham gia giao thông sản xuất trước năm 1999 được tiếp tục áp dụng Mức 1.

    Ô tô tham gia giao thông sản xuất từ năm 1999 đến hết năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01/01/2021.

    Ô tô tham gia giao thông sản xuất sau năm 2008 áp dụng Mức 2 từ ngày 01/01/2020.

    Theo VGP/moitruong.com.vn (7/10/2018)

    Tiến sĩ người Việt dùng trí tuệ nhân tạo lập bệnh án cho cây trồng

    0

    Đo tín hiệu của cây trồng là công việc TS Nguyễn Kỳ Tài, Đại học Southern Queensland (Australia) đang cùng với các đồng nghiệp thực hiện nhiều năm nay. Ông Tài bảo, cây cối cũng giống như cơ thể con người. Nó có ngôn ngữ riêng để thể hiện và nhiệm vụ của khoa học là đọc được mong muốn của cây qua từng chỉ số.

    Để đo được, ông cùng nhóm nghiên cứu đã ứng dụng mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) để mô phỏng và tính toán tối ưu lượng nước và phân bón sử dụng để đạt được năng suất cao nhất trong điều kiện khí hậu thay đổi.

    Thông tin đầu vào thu từ những cảm biến đặt trên các cánh đồng để đo nhiệt độ, độ ẩm của đất, không khí và sự phát triển của cây trồng. Ngoài ra, video và hình ảnh của các cánh đồng được chụp bằng ảnh vệ tinh và máy bay không người lái, sử dụng để xây dựng mô phỏng.

    Các lớp dữ liệu này được AI phân tích và cung cấp kết quả để điều chỉnh chính xác các ứng dụng tưới tiêu, bón phân và kiểm soát dịch bệnh cho cây trồng.

    TS Nguyễn Kỳ Tài. Ảnh: BN.

    Cần nhà nước đầu tư và cung cấp dịch vụ

    Nhiều quốc gia trên thế giới đã ứng dụng AI vào nông nghiệp như robot thu hoạch, tưới tiêu, phun thuốc để tăng năng suất, giảm thất thoát sau thu hoạch. Ở Việt Nam các ứng dụng mới chỉ thông qua những mô hình nhỏ lẻ do doanh nghiệp đầu tư mà chưa có một hệ thống tổng quát.

    Ông Tài cho biết, người dân sẽ không đủ năng lực đầu tư bởi có những thiết bị lên tới 60.000 USD và bản thân họ cũng không biết cách sử dụng. Để người dân được hưởng thụ thành tựu từ khoa học, ông Tài cho rằng Nhà nước nên đầu tư ban đầu và cung cấp các dịch vụ thông qua các viện nghiên cứu.

    Tức là khi có kết quả nghiên cứu, cơ quan này có trách nhiệm xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ hóa thông tin và cập nhật trên trang web. Tùy từng mức độ thông tin sẽ có các dịch vụ sau đó. Với những thông tin căn bản như ba ngày nữa có mưa hay không, lượng mưa bao nhiêu, độ ẩm thay đổi ra sao… mọi người có thể truy cập miễn phí.

    Còn những hợp tác xã, doanh nghiệp đầu tư lớn cân đối được chi phí và lợi nhuận, họ có thể đăng ký gói cao hơn. Ví dụ họ có thể yêu cầu đặt các cảm biến riêng để có thông tin chính xác cho khu vực trồng của họ.

    Nếu muốn yêu cầu cao hơn nữa, người dùng có thể yêu cầu đặt camera, thậm chí có thể thuê nhóm chuyên gia một tháng đến kiếm tra ruộng của họ một lần.

    Mô hình trồng rau công nghệ cao tại Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT – Fujitsu. Ảnh: FPT.

    Ông Tài cho rằng, khi nhà nước đầu tư hệ thống ban đầu, các chuyên gia sau đó chỉ cần mang thiết bị đến scan trong một buổi về xử lý. Người nông dân sau đó truy cập vào trang web biết được dữ liệu của họ và điều chỉnh. Cách này được Australia sử dụng rất hiệu quả vì họ thực sự mong muốn phát triển một nền nông nghiệp thông minh dựa trên AI.

    Mới đây Đại học Cần Thơ, Ban quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao TPHCM đã làm việc với TS Tài để chuẩn bị cho các dự án ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp.

    TS Nguyễn Kỳ Tài cho biết, các công nghệ đã được nghiên cứu thành công ở nước ngoài nên việc ứng dụng vào Việt Nam sẽ không quá đắt đỏ. Ông cũng mong muốn đưa những kiến thức có được đóng góp cho quê hương nên đang đàm phán với chi phí thấp nhất. Hiện nhóm chuyên gia giỏi của Australia cũng sẵn sàng tham gia cùng ông trong các dự án này.

    Tuy nhiên ông Tài vẫn e ngại từ ý tưởng đến dự án và đưa kết quả đến người dùng là một chặng đường dài và có rất nhiều khó khăn cần sự kiên nhẫn để thực hiện.

    Ông “bác sĩ” làm trái nghề

    Học chuyên ngành điện tử viễn thông ở Việt Nam nhưng TS Tài nhận được học bổng sang Australia làm về đánh giá độ hôn mê của bệnh nhân trong phòng mổ bằng tín hiệu điện não đồ.

    Ông kể, nhiều người từng thắc mắc lĩnh vực này không liên quan gì đến điện tử viễn thông nhưng ông cho rằng bản chất đều là bắt tín hiệu. Thời gian học ở đây, ông được các chuyên gia Australia mời làm các dự án nông nghiệp. Thay vì bắt tín hiệu ở cơ thể người thì các thông số đầu vào là từ cây trồng. Công việc thú vị khiến TS Tài say mê tìm hiểu.

    “Khi xây dựng bệnh án để điều trị cho bệnh nhân bác sĩ phải thu thập thông tin ban đầu từ huyết áp, nhịp tim, nhiệt độ cơ thể đến tiền sử người bệnh. Với cây trồng cũng làm được như vậy vì khi cây gặp bệnh cũng cần dựa vào những thông tin trước đó mới chẩn đoán đúng và có phương án điều chỉnh phù hợp”, ông Tài nói.

    Cũng nhờ ứng dụng công nghệ, từ chỗ đất đai có thể canh tác chỉ chiếm 1% tổng diện tích lục địa, lao động ít, tình trạng khô hạn diễn ra thường xuyên, Australia vẫn có sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu đi khắp thế giới. Tính trung bình một nông dân Australia có thể nuôi 190 người.

    Theo Moitruong24h.vn

    Nguồn năng lượng sinh khối ở Việt Nam khoảng 150 triệu tấn/năm

    0

    Là nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguồn năng lượng sinh khối (NLSK). Theo đó, khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn/năm.

    Các loại sinh khối chính gồm: gỗ năng lượng, phế thải – phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Nguồn NLSK có thể sử dụng bằng cách đốt trực tiếp hoặc tạo thành viên nhiên liệu sinh khối.

    Theo Hiệp hội Năng lượng sạch Việt Nam thì một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt), đó là trấu ở đồng bằng sông Cửu Long, bã mía dư thừa ở các nhà máy đường, rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi từ các trang trại gia súc, hộ gia đình và chất thải hữu cơ từ chế biến nông – lâm – hải sản.


    Rơm rạ là một trong những nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam – Ảnh minh họa.

    Cũng theo Hiệp hội này trước đây một số nhà máy đường đã sử dụng bã mía để phát điện nhưng chỉ bán với giá hơn 800 đồng/kWh (tương đương 4 cent/kWh). Đến cuối năm 2013, Bộ Công Thương trình Chính phủ cơ chế hỗ trợ sản xuất điện từ năng lượng sinh khối. Theo đó, mức giá cao nhất mà ngành điện mua lại được sản xuất từ nguồn nguyên liệu sinh khối lần lượt là 1.200 – 2.100 đồng/kWh. Mức giá như đề xuất góp phần tạo động lực cho việc phát triển nguồn điện từ nguồn nguyên liệu sinh khối ở nước ta. Đồng thời, việc xây dựng các nhà máy điện đốt rác thải cũng đang được quan tâm với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đặc biệt tại các thành phố lớn, đô thị lớn.

    Hiện nay, nước ta đã có một số dự án điện từ đốt rác đã đi vào hoạt động hoặc đang được triển khai xây dựng tại thủ đô Hà Nội, TPHCM, Cần Thơ, Hà Nam…

    Riêng ở TPHCM thì theo Sở Công Thương thì hiện nay trên địa bàn TP vẫn chưa có dự án nhà máy điện sinh khối nào triển khai. Xét về mặt kỹ thuật, TPHCM ít có tiềm năng sản xuất điện từ nguồn sinh khối.

    Còn theo kết quả điều tra khảo sát và tính toán của Viện Năng lượng – Bộ Công Thương, tiềm năng sinh khối chưa được khai thác sử dụng tại TPHCM chủ yếu là nguồn phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ. Tuy nhiên các nguồn sinh khối này thường nằm rải rác ở nhiều địa phương trên toàn TP, quy mô tập trung không cao.

    Dự báo trong tương lai tiềm năng nguồn sinh khối TPHCM vẫn duy trì ở mức như hiện tại. Do đó, việc thu gom, khai thác các nguồn phụ phẩm nông nghiệp cho mục đích sản xuất điện là rất khó khăn và không kinh tế.

    Như vậy, trong các nguồn năng lượng tái tạo ở TPHCM thì điện mặt trời chiếm ưu thế lớn nhất, kế đến là điện từ chất thải rắn, còn điện gió và điện sinh khối thì tiềm năng phát triển không cao, hiệu quả kinh tế chưa cao.

    Theo Thiên Thanh/petrotimes.vn (26/9/2018)

    Khi nào tiêu thụ năng lượng toàn cầu đạt đỉnh?

    0

    Tiêu thụ năng lượng sơ cấp toàn cầu có thể đạt đỉnh vào năm 2032 trước khi giảm xuống nhờ các biện pháp tăng hiệu quả năng lượng, đó là thông tin được đưa ra trong cuốn sách Energy Transition Outlook, phát hành giữa tháng 9/2018 bởi Tập đoàn DNV GL, chuyên về cấp chứng nhận và kiểm định trong lĩnh vực hàng hải và dầu khí.

    Tiêu thụ năng lượng sơ cấp trên thế giới có thể tăng 11% từ nay đến năm 2032, và đạt đỉnh 662 EJ (1 EJ = 1018 J) vào năm 2032, theo dự báo của DNV GL, sau đó sẽ giảm và vào năm 2050 thì trở về mức gần bằng với hiện tại.

    Nếu thế giới cần ít năng lượng hơn trong thời gian tới thì phần lớn là nhờ những nỗ lực tiết kiệm năng lượng. Mức tiêu thụ năng lượng toàn cầu cho mỗi điểm GDP có thể giảm 2,3%/năm trong những thập niên tới so với mức trung bình 1,1%/năm trong hai thập niên vừa qua. Mối quan hệ giữa tiêu thụ năng lượng và tăng trưởng kinh tế có thể tách rời hoàn toàn vào năm 2035 – Rémi Eriksen, Chủ tịch DNV GL, cho biết.

    Trong dự báo của mình, DNV GL cho biết, mức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2023 và khí tự nhiên sẽ trở thành nguồn năng lượng lớn nhất từ năm 2026. Nhiên liệu hóa thạch vẫn có thể chiếm gần một nửa hỗn hợp năng lượng toàn cầu vào năm 2050 so với hơn 80% hiện nay (riêng khí tự nhiên sẽ chiếm 25%).

    Theo DNV GL đến năm 2050, gần 80% năng lượng gió của thế giới sẽ đến từ các turbine trên đất liền.

    Năng lượng gió và mặt trời sẽ là những lĩnh vực phát triển nhất trong quá trình chuyển đổi năng lượng, có thể đáp ứng lần lượt 16% và 12% nhu cầu năng lượng thế giới vào năm 2050, trong khi năng lượng sinh khối chiếm 11% và thủy điện chiếm 4%. Tỷ lệ năng lượng hạt nhân dự kiến sẽ tăng vào năm 2030 trước khi trở về mức của năm 2016 là 5%.

    Mức tiêu thụ dầu mỏ của thế giới sẽ đạt đỉnh vào năm 2023 và khí tự nhiên sẽ trở thành nguồn năng lượng lớn nhất từ năm 2026.

    DNV GL lưu ý rằng, việc tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực vận tải thế giới có thể giảm từ 27% hiện nay xuống còn 20% vào năm 2050, do sự phát triển mạnh mẽ của xe điện.

    Theo dự đoán của DNV GL, đầu tư toàn cầu vào năng lượng tái tạo và mạng lưới điện có thể tăng gấp 3 lần vào năm 2050 trong khi mức đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch có thể giảm 1/3 trong giai đoạn này.

    DNV GL cho rằng, đây là sự chuyển đổi năng lượng toàn cầu “giá rẻ” và đánh giá rằng, mức giảm nhu cầu năng lượng cũng sẽ được phản ánh trong đầu tư, với chi tiêu toàn cầu giảm từ 5,5% GDP hiện nay xuống còn 3,1% vào năm 2050.

    Theo S.Phương/petrotimes.vn (3/10/2018)