25.1 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng 7 20, 2025
More
    Home Blog Page 38

    Tái sử dụng pin – Giải pháp bền vững lưu trữ năng lượng sạch

    Nhằm giảm thiểu rác thải điện tử ra môi trường cũng như hướng đến một xã hội phát triển bền vững, Uỷ ban tiêu chuẩn IEC mới đây đã công bố bộ tiêu chuẩn hướng dẫn về việc tái sử dụng đối với loại pin xe điện đã hết hạn.

    Pin là vật liệu quan trọng và cần thiết để lưu trữ và tái tạo nguồn năng lượng để sử dụng khi cần thiết. Theo Kịch bản Phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), pin là một phần thiết yếu của hệ thống năng lượng toàn cầu hiện nay và là công nghệ năng lượng phát triển nhanh nhất trên thị trường.

    Để sản xuất ra một sản phẩm pin, cần rất nhiều chi phí, chưa kể, khi pin hết một vòng đời sử dụng có thể thải ra các chất ô nhiễm độc hại nếu không được xử lý đúng cách, có thể gây ra các vấn đề về rác thải điện tử, gây ô nhiễm môi trường.

    Theo IEA ước tính rằng các loại pin không còn đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng trong xe điện (EV), vẫn có thể duy trì tới 80% tổng dung lượng sử dụng được đối với các thiết bị khác. Với số lượng xe điện ngày càng tăng, dần thay thế cho dòng xe xăng, việc tái sử dụng pin sẽ là giải pháp có giá trị để lưu trữ năng lượng và bảo vệ môi trường, hướng tới một mục đích phát triển bền vững.


    Tiêu chuẩn IEC 63338 – Hướng dẫn chung về việc tái sử dụng và tái chế pin và ắc quy thứ cấp

    Tuy nhiên, việc tái sử dụng pin không hề dễ dàng, vì những thách thức về quy định công nghệ vẫn là rào cản đối với việc áp dụng. Không chỉ có rủi ro không may xảy ra trong quá trình tái sử dụng pin mà còn trong quá trình sử dụng chúng. Hơn nữa, nhiều quốc gia và khu vực đang xây dựng các yêu cầu và quy định khác nhau về việc tái sử dụng và tái sử dụng pin, hầu hết tập trung về các vấn đề về kỹ thuật hoặc an toàn.

    Đây là thời điểm thích hợp để tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng nhằm giải quyết vấn đề này, cũng như tạo khung quy định chung, chuẩn mực để các quốc gia tham khảo. Tiêu chuẩn IEC 63338 – Hướng dẫn chung về việc tái sử dụng và tái chế pin và ắc quy thứ cấp, mới được công bố nhằm giải quyết trực tiếp vấn đề này. Tiêu chuẩn đề cập đến các rủi ro về an toàn liên quan đến hệ thống lithium ion và niken cũng như xác định tính phù hợp để tái sử dụng hoặc tái chế, hay quy định chung về cảnh báo của nhà sản xuất, v.v.

    Tiêu chuẩn này được phát triển bởi ủy ban kỹ thuật IEC TC 21/SC 21A dành cho các loại ắc quy và pin thứ cấp chứa chất điện phân kiềm hoặc chất điện phân không phải axit khác.

    Đây là tiêu chuẩn mới nhất trong số nhiều tiêu chuẩn của Uỷ ban TC 21/SC 21A được thiết kế để hỗ trợ việc tái sử dụng và thay đổi mục đích sử dụng pin và hệ thống lưu trữ năng lượng pin một cách an toàn và đáng tin cậy.

    Các tiêu chuẩn khác của Uỷ ban bao gồm IEC 63330-1 (yêu cầu chung về việc tái sử dụng các cell thứ cấp, mô-đun, bộ pin và hệ thống pin), IEC 62933-4-4 (yêu cầu về môi trường đối với hệ thống lưu trữ năng lượng dựa trên pin (BESS) có pin tái sử dụng) và IEC 62933-5-3 (yêu cầu về an toàn đối với hệ thống EES tích hợp lưới điện).

    Bảo Linh (biên dịch từ IEC)
    https://vietq.vn/tai-su-dung-pin—giai-phap-ben-vung-luu-tru-nang-luong-sach-d224706.html

    Chuyên gia khuyến cáo: Tuyệt đối không sử dụng túi nhựa trong lò vi sóng hay ở nhiệt độ cao

    Theo nhiều chuyên gia, túi nilon hay các loại túi nhựa tuyệt đối không nên cho vào lò vi sóng cùng với thực phẩm vì không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe con người.

    Trên thực tế, đối với người Việt, túi nilon hay các loại túi nhựa được xem là một trong những vật dụng xuất hiện hàng ngày trong cuộc sống. Chúng vô cùng quen thuộc và thường xuyên được sử dụng để đựng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Tuy nhiên, Jeannie Nichols – Giáo viên lâu năm tại Đại học bang Michigan – Mỹ khẳng định, tuyệt đối không sử dụng túi nilon hay các loại túi nhựa trong lò vi sóng hay xử lý ở nhiệt độ cao.

    Về bản chất, túi nilon có thành phần cấu tạo lớn là từ nhựa, lại là loại nhựa không an toàn khi tiếp xúc với nhiệt độ cao. Chúng sẽ sản sinh ra các hạt vi nhựa, thậm chí bị đun nóng chảy một phần hoặc hoàn toàn, từ đó thẩm thấu vào thức ăn. Không chỉ gây ảnh hưởng tới chất lượng thực phẩm, nó còn tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hại cho sức khỏe con người.

    Nhiều người dùng cho rằng, nếu chỉ cho túi nilon vào lò vi sóng trong thời gian ngắn và nhiệt độ thấp thì sẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, lời khuyên từ các chuyên gia vẫn là tốt nhất không nên thực hiện việc cho mọi loại túi nilon vào lò vi sóng dù cho thời gian và nhiệt độ là bao nhiêu.

    Bên cạnh túi nilon, các loại túi giấy, túi nhựa cứng có khóa zip, hộp xốp, hộp giấy dùng 1 lần hay giấy bạc, cũng nằm trong danh sách những thứ không được cho vào lò vi sóng. Một số loại như túi, hộp giấy hay giấy bạc có thể cháy nổ trong quá trình lò vi sóng hoạt động.

    Với màng bọc thực phẩm hay các loại hộp nhựa chuyên dụng đựng thực phẩm, trước khi cho vào lò vi sóng, người dùng cần kiểm tra kỹ các ký hiệu hay các hướng dẫn sử dụng được ghi rõ ở bao bì sản phẩm. Các loại an toàn khi dùng trong lò vi sóng thường sẽ có ký hiệu thiết bị, hoặc có ký hiệu chất liệu, làm từ nhựa số 5 PP hoặc BPA Free.

    Trên thị trường hiện nay cũng có một số loại hộp giấy, hộp bìa có thể xử lý với lò vi sóng. Tuy nhiên số lượng vẫn còn ít và chưa quá phổ biến. Các chuyên gia nói thêm, dù được cho phép song các loại hộp giấy này vẫn có giới hạn nhất định về nhiệt độ và thời gian quay trong lò vi sóng.

    Cũng theo một nhóm các nhà khoa học ở Trường đại học Nebraska-Lincoln, Mỹ, tiến hành thí nghiệm đối với các hộp và túi nhựa polypropylene và polyethylene đựng thức ăn cho trẻ em. Hai loại nhựa này đều được Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ công nhận là an toàn. Sau 3 phút được hâm nóng trong lò vi sóng ở công suất 1.000 watt, nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích thức ăn để tìm hạt vi nhựa và hạt nano vi nhựa. Họ ước tính chỉ trong 3 phút đó, mỗi cm2 nhựa đã giải phóng ra 4,22 triệu hạt vi nhựa và 2,11 tỷ hạt nano vi nhựa.

    Kỹ sư Kazi Husain, chuyên gia trong nhóm nghiên cứu, nhận định, khi chúng ta ăn một loại đồ ăn nào đó, thường chúng ta chỉ được cung cấp thông tin hoặc tự ước tính lượng calo và các chất dinh dưỡng khác nạp vào cơ thể, nhưng tôi cho rằng điều quan trọng không kém là cần biết lượng hạt nhựa có trong thức ăn đó.

    Dùng lò vi sóng để hâm nóng nước và các sản phẩm từ sữa đựng trong đồ chứa bằng nhựa làm tăng khả năng thức ăn bị nhiễm vi nhựa. Hạt nhựa luôn luôn được giải phóng ngay cả ở điều kiện nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh, nhưng ít hơn nhiều so với khi dùng trong lò vi sóng.

    Hiện các nhà khoa học chưa rõ mức độ độc hại của vi nhựa đối với cơ thể con người đến đâu, nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy nhiễm độc vi nhựa có thể liên quan đến các vấn đề về tiêu hóa và các quá trình sinh học quan trọng khác trong cơ thể.

    Điều chắc chắn là càng ăn ít đồ ăn chứa trong hộp, túi nhựa thì càng an toàn. Thí nghiệm cho tế bào thận nuôi cấy tiếp xúc với hạt nhựa ở mức độ giống như trong lò vi sóng cho thấy nguy cơ đáng lo ngại. Nhóm nghiên cứu nhận thấy 77% các tế bào thận tiếp xúc với nhựa ở mức độ cao đều bị chết.

    Liên quan tới vấn đề này, bác sĩ Tạ Tùng Duy – Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng cho rằng, một số loại nhựa khi đun nóng trong lò vi sóng có thể giải phóng các chất hóa học như phthalates, khả năng tan vào thực phẩm và chúng ta sẽ nuốt phải nó khi ăn. Những hợp chất hóa học này đặc biệt có hại cho hệ thống nội tiết tố và sự trao đổi chất.

    Bộ đồ ăn làm bằng PP (polypropylene) là loại hộp nhựa duy nhất có thể cho vào lò vi sóng. Tuy nhiên, một số hộp cơm dùng trong lò vi sóng được làm bằng nhựa PP nhưng nắp bằng nhựa PETE (polyethylene terephthalate), không chịu được nhiệt độ cao nên cần phân biệt kỹ khi sử dụng.

    Nguy cơ gây bệnh của lò vi sóng cho đến nay vẫn là giả thuyết, không có bằng chứng chắc chắn. Mặc dù vậy, để đảm bảo an toàn, bạn chỉ nên sử dụng đồ đựng được đánh dấu là “an toàn với lò vi sóng” để nấu hoặc hâm nóng thức ăn và không sử dụng vượt quá thời gian khuyến nghị. Bất kỳ phương pháp làm nóng nào cũng có thể thay đổi thành phần dinh dưỡng của thực phẩm.

    Cùng với nhiều quốc gia trên thế giới, Việt Nam đã cam kết hành động mạnh mẽ thực hiện giảm thiểu rác thải nhựa. Ngày 4/12/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1746/QĐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Trong Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Việt Nam đặt ra các mục tiêu nhằm đảo ngược quỹ đạo rác thải nhựa khi cam kết cắt giảm 50% vào năm 2025 và 75% vào năm 2030 rác thải nhựa đại dương. Kế hoạch hành động này cũng cam kết Chính phủ sẽ loại bỏ nhựa dùng một lần tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 12259:2018- ISO 18606:2013 về bao bì và môi trường- tái chế

    Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các quy trình và yêu cầu cho bao bì phù hợp để tái chế hữu cơ. Bao bì được cho là có khả năng thu hồi thông qua tái chế hữu cơ chỉ khi tất cả các bộ phận riêng rẽ đáp ứng yêu cầu.

    Về kiểm soát các thành phần không được cho vào bao bì hoặc vật liệu bao bì dự kiến để tái chế hữu cơ các thành phần đã biết hoặc được cho là sẽ trở thành chất nguy hại cho môi trường trong quá trình xử lý sinh học. Từng vật liệu bao bì khi nghiên cứu phải được nhận biết và xác định đặc tính trước khi thử nghiệm, gồm ít nhất thông tin và các nhận biết về thành phần của vật liệu bao bì; xác định sự có mặt của các chất nguy hại cho môi trường, ví dụ: các kim loại được quy định; xác định hàm lượng cácbon hữu cơ, tổng các chất rắn khô, chất rắn bay hơi của vật liệu bao bì sử dụng cho phép thử phân hủy sinh học và phân rã.

    Khi được thiết kế để có thể tái chế hữu cơ, mỗi bao bì, vật liệu bao bì hoặc bộ phận bao bì phải có thể phân hủy sinh học hoàn toàn và rõ ràng khi được chứng minh trong các phép thử phòng thí nghiệm và theo các tiêu chí cũng như mức đạt theo quy định.

    Khi được thiết kế để có thể tái chế hữu cơ, mỗi bao bì, vật liệu bao bì hoặc bộ phận bao bì phải phân rã trong một quy trình xử lý chất thải sinh học theo các tiêu chí cũng như mức đạt theo quy định mà không có bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào đến quy trình đó.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-khuyen-cao-tuyet-doi-khong-su-dung-tui-nhua-trong-lo-vi-song-d224663.html

    Cần tránh “3 không” khi sử dụng mì ăn liền để tốt cho sức khỏe

    Mì ăn liền là món ăn nhanh, tiện lợi thông dụng được nhiều người yêu thích tuy nhiên theo một số nghiên cứu cho thấy khi ăn mì tôm nên lưu ý để tránh những tác hại không mong muốn cho sức khỏe.

    Mì ăn liền là một loại thực phẩm thường được chế biến đóng gói sẵn theo khẩu phần ăn. Hiện này để nâng cao tính tiện lợi, mì ăn liền đã được nhà sản xuất đóng trong các cốc hay bát ăn một lần có kèm thìa đũa để người tiêu thụ dễ dàng sử dụng.

    Mì ăn liền được làm từ bột mì, muối, dầu cọ kéo thời sợi rồi hấp chín sấy khô đóng gói kèm gói gia vị. Khi sử dụng người dùng chỉ cần ngâm miếng mì sấy khô cùng các nguyên liệu gia vị đi kèm trong nước nóng chờ 2-3 phút là ăn được. Những thương hiệu mì ăn liền đã tồn tại và phát triển từ lâu đến nay vẫn luôn cung cấp những sản phẩm mì với nhiều hương vị giúp cho khách hàng hài lòng và ngon miệng.

    Mì ăn liền thường có giá khá rẻ và chỉ mất vài phút để chế biến nhưng loại thực phẩm này không chứa đa dạng chất dinh dưỡng như mì tươi. Ngoài ra, mì ăn liền còn chứa nhiều muối và các chất không tốt cho sức khỏe. Do đó khi sử dụng sản phẩm này người tiêu dùng nên lưu ý.


    Không nên sử dụng mì ăn liền vào buổi tối hay ăn sống vì có thể gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

    Không ăn hằng ngày

    Theo Healthline, thỉnh thoảng tiêu thụ mì ăn liền không gây hại cho sức khỏe, nhưng việc ăn thường xuyên có một số tác động xấu. Nghiên cứu trên 6.440 người trưởng thành ở Hàn Quốc cho thấy nhóm hay dùng mì ăn liền thu nạp lượng protein, phốt pho, canxi, sắt, kali và các loại vitamin thấp hơn người bình thường.

    Thêm vào đó, những người hay dùng mì ăn liền cũng tiêu thụ ít rau, trái cây, các loại hạt, thịt và cá. Họ dễ tăng nguy cơ mắc hội chứng chuyển hóa, mỡ bụng dư thừa, huyết áp cao, lượng đường trong máu cao.

    Ngoài ra, mì ăn liền thường có rất nhiều muối. Một gói mì chứa 1,76g natri tương đương 88% lượng khuyến nghị 2g của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Natri (thành phần chính trong muối) là khoáng chất cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, hấp thụ quá mức natri có liên quan đến tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày, bệnh tim và đột quỵ. Ở một số người nhạy cảm, chế độ ăn nhiều natri có thể làm tăng huyết áp, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tim và thận.

    Không ăn mì tôm sống

    Một số người đặc biệt là trẻ em có sở thích ăn mì tôm sống, thậm chí trộn thêm gia vị cho đậm đà. Theo Tribune Online (Mỹ), tiêu thụ mì sống khiến hệ tiêu hóa khó phân hủy thức ăn thành từng phần để tiêu hóa dễ dàng, dẫn tới chứng khó tiêu. Tình trạng này kéo dài có khả năng gây đau bụng khi ruột không thể bài tiết chất thải.

    Hàm lượng cao muối, chất bảo quản trong mì không có lợi cho cơ thể khi ăn ở dạng thô, hấp thụ nhiều có nguy cơ dẫn tới bệnh tiểu đường. Khi nấu chín, hàm lượng các chất trên có thể giảm bớt. Ăn mì sống cũng có hại cho sức khỏe tim mạch. Chất béo, muối trong mì có thể làm tắc nghẽn dòng máu chảy đến tim. Điều này khiến người ăn dễ mắc các bệnh tim khác nhau.

    Không ăn trước khi đi ngủ

    Theo Lancashire Times, giống như tất cả các loại thực phẩm siêu chế biến, mì ăn liền có liên quan đến chất lượng giấc ngủ kém hơn, khó ngủ, thời gian ngủ ngắn hơn. Mặc dù loại mì này có thể cung cấp sắt, vitamin B và mangan nhưng lại thiếu các chất dinh dưỡng quan trọng. Thêm vào đó, lượng muối trong mì có thể khiến người ăn rơi vào tình trạng khát nước, mệt mỏi ban đêm.

    Nên lựa chọn sản phẩm có thương hiệu

    Theo Bệnh viện Vinmec, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn mì ăn liền ra khỏi thực đơn ăn uống nhưng có cách để giảm thiểu tối đa tác động không tốt đến sức khỏe. Do đó việc lựa chọn các thương hiệu uy tín chất lượng sẽ giúp cho chất lượng của mỗi gói mì được nâng cao và tốt hơn cho sức khỏe của người tiêu dùng.

    Khi ăn có thể ăn mì gói trộn chung một số thực phẩm thường ngày để hỗ trợ bổ sung thêm nhiều nhóm dinh dưỡng và năng lượng cho cơ thể được cân bằng. Ngoài ra khi lựa chọn mỳ hãy chú ý mua những loại mì được làm từ ngũ cốc nguyên hạt để tăng lượng chất xơ cho cơ thể vào tạo cảm giác no lâu khi sử dụng. Natri thấp cũng là một tiêu chuẩn để lựa chọn mì ăn liền không hại sức khỏe.

    Mì ăn liền Việt Nam đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm tại EU

    Theo ông Trần Ngọc Quân, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Vương quốc Bỉ và EU, việc mì ăn liền được đưa ra khỏi diện kiểm soát an toàn thực phẩm tại EU là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Công Thương, các cơ quan liên quan và các doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản phẩm mì ăn liền xuất khẩu sang EU. Đây cũng là bước tiến quan trọng, giúp mỳ ăn liền Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường EU, vốn có tiềm năng rất lớn với hơn 450 triệu dân và là minh chứng cho sự nỗ lực của Việt Nam trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia cho sản phẩm nông sản.

    Việc EU điều chỉnh quy định kiểm tra đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam là một tín hiệu tích cực cho thấy sự tin tưởng của EU vào chất lượng và an toàn thực phẩm của Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường EU.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/su-dung-mi-an-lien-nen-luu-y-can-tranh-3-khong-de-tot-cho-suc-khoe-d224673.html

    Không nên cho trẻ dưới 11 tuổi sử dụng điện thoại thông minh quá sớm

    Theo EE, một trong những nhà điều hành mạng di động lớn nhất của Anh đã thông báo, công ty sẽ đưa ra hướng dẫn mới khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên cho trẻ dưới 11 tuổi sử dụng điện thoại thông minh.

    Hướng dẫn mới của EE – một trong những nhà điều hành mạng di động lớn nhất của Anh được đưa ra trong bối cảnh các bậc phụ huynh ngày càng lo ngại những cạm bẫy tiềm ẩn của việc tiếp cận điện thoại thông minh đối với thanh thiếu niên.

    Trong nghiên cứu gần đây của cơ quan quản lý truyền thông Vương quốc Anh cho thấy khoảng 1/4 trẻ em từ 5 đến 7 tuổi ở Anh có điện thoại thông minh. EE cho biết, hướng dẫn mới của công ty sẽ khuyến cáo các bậc phụ huynh chỉ nên cho trẻ sử dụng điện thoại có các tính năng cơ bản nhắn tin và gọi điện. Ngoài ra, nên bật các tính năng kiểm soát của phụ huynh đối với thanh thiếu niên dưới 16 tuổi và hạn chế sử dụng mạng xã hội đối với trẻ dưới 13 tuổi.

    Ông Mat Sears, Giám đốc quan hệ doanh nghiệp của EE nhấn mạnh mặc dù công nghệ và kết nối có thể thay đổi cuộc sống, EE nhận ra sự phức tạp ngày càng tăng của điện thoại thông minh có thể gây thách thức đối với các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ. Do đó, EE đưa ra các hướng dẫn mới về việc sử dụng điện thoại thông minh đối với trẻ dưới 11 tuổi, từ 11 đến 13 tuổi và từ 13 đến 16 tuổi để giúp các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ đưa ra những lựa chọn tốt nhất cho trẻ em trong quá trình trưởng thành.

    Ảnh minh họa

    Ngày càng nhiều phụ huynh ở Anh bắt đầu phản đối xu hướng cho trẻ em sử dụng một thiết bị điện tử thông minh khi trẻ chuyển từ tiểu học lên trung học ở tuổi 11. Xu hướng này được cho là để đảm bảo an toàn cho trẻ, theo đó trẻ có thể sử dụng điện thoại trong tình huống khẩn cấp trên đường đến trường hoặc đi học về.

    Tuy nhiên, các bậc phụ huynh lo ngại điện thoại thông minh có thể khiến trẻ em có thể trở thành nạn nhân của những đối tượng tội phạm trực tuyến, bị bắt nạt trên mạng xã hội và tiếp cận các nội dung độc hại trên mạng. Qua nhiều nghiên cứu, việc cho trẻ sử dụng thường xuyên các thiết bị thông minh đem đến nhiều mối nguy, đặc biệt là chức năng thần kinh của trẻ. Đây là một trong những yếu tố làm gia tăng các chứng bệnh về thần kinh ở trẻ như: cảm xúc, ngôn ngữ kém phát triển, thiếu tập trung… Không chỉ về sức khỏe, hiện nay những thông tin tràn lan, không được kiểm soát trên các trang mạng xã hội cũng khiến trẻ có những nhận thức, hành vi sai lệch.

    Đặc biệt, trong khoảng 10 – 12 tuổi các em đã có thể sử dụng một cách thuần thục các trang web như Facebook, Youtube… để xem các thể loại video, hình ảnh được đăng tải. Có một số trẻ bắt chước làm theo khi xem các video trên mạng mà không có sự giúp đỡ hay giám sát của các bậc cha mẹ, dẫn đến nhiều tai nạn đáng tiếc xảy ra.

    Hiện một số nước, trong đó có Hà Lan, Phần Lan đã cấm học sinh dùng thiết bị điện tử thông minh như điện thoại, máy tính bảng và đồng hồ trong giờ học để giảm tình trạng mất tập trung khi nghe giảng. Học sinh chỉ được sử dụng các thiết bị điện tử thông minh trong trường hợp đặc biệt như giờ học về kỹ năng số, gặp các vấn đề sức khỏe hoặc là người khuyết tật….

    Khánh Mai (t/h)

    https://vietq.vn/khong-nen-cho-tre-duoi-11-tuoi-su-dung-dien-thoai-thong-minh-tu-qua-som-d224677.html

    Điểm khác nhau giữa các loại vitamin đắt và rẻ tiền

    Các chuyên gia về sức khỏe đã chỉ ra điểm khác nhau giữa các loại vitamin cao cấp và thông thường đặc biệt là về mức giá.

    Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không kiểm nghiệm các thực phẩm chức năng trước khi chúng được đưa ra thị trường. Điều này có nghĩa là gần như không có sự giám sát về hiệu quả và độ an toàn và cũng không rõ liệu vitamin có chứa các thành phần mà nhà sản xuất công bố hay không.

    Tiến sĩ Mahtab Jafari, giảng viên Khoa Dược, Đại học California cho rằng, không thể nhìn vào giá của một lọ vitamin rồi nói: “Loại này chất lượng thấp vì giá rẻ”. Theo bà, có một số điều cần lưu ý khi lựa chọn vitamin.

    Giá cả thay đổi tùy thuộc vào loại thực phẩm bổ sung, thành phần và công dụng. Nhà sản xuất đáng tin cậy, có thông tin chi tiết trên trang web của họ về nguồn gốc thành phần và quy trình sản xuất. Điều quan trọng nữa là vitamin phải dùng đúng liều lượng. Liều thấp có thể không mang lại hiệu quả mong muốn nhưng liều quá cao có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.


    Giá cả không phải yếu tố quyết định chất lượng của các loại thực phẩm chức năng

    Ebni Rafe, một chuyên gia dược tại Bệnh viện Đại học ở Ohio, cho biết: “Đã có nhiều trường hợp tổn thương gan do uống các loại thực phẩm bổ sung có liều lượng vitamin quá cao hoặc chứa các thành phần khác gây nguy hiểm cho gan”.

    Cách tốt nhất để xác định một loại vitamin có tốt hay không: Kiểm tra xem nó đã được một công ty kiểm tra của bên thứ ba thẩm định hay chưa. “Theo tôi, một loại vitamin chất lượng cao sẽ là loại được một bên thứ ba độc lập thẩm định về chất lượng và có ít chất độn”, Rafi cho biết.

    Các nhà sản xuất sẽ mất nhiều thời gian và chi phí khi thuê một công ty bên thứ ba như: Dược điển Hoa Kỳ (USP), Hiệp hội An toàn thực phẩm (NSF) tiến hành thử nghiệm và xác nhận sản phẩm có chứa các thành phần, liều lượng đúng như công bố. Vì vậy, hãy tìm các chứng nhận USP hoặc NSP trên bao bì sản phẩm.

    Tìm hiểu kỹ các nghiên cứu khoa học về chất dinh dưỡng mà bạn cần bổ sung, xem trang web của nhà sản xuất và nếu vẫn còn nghi ngờ hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

    Bảo Linh
    https://vietq.vn/diem-khac-nhau-giua-cac-loai-vitamin-dat-va-re-tien-d224546.html

    WHO cảnh báo: Thế giới có ít nhất 1,7 tỉ người uống nước nhiễm khuẩn

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022, ít nhất 1,7 tỉ người trên toàn cầu sử dụng nguồn nước uống bị nhiễm khuẩn.

    Nước sạch là nhu cầu thiết yếu của con người, nhưng hàng tỉ người trên thế giới hiện vẫn chưa được tiếp cận nước sạch do nước nhiễm khuẩn, nhiễm độc khá phổ biến. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022, ít nhất 1,7 tỉ người trên toàn cầu sử dụng nguồn nước uống bị nhiễm khuẩn.

    Nguồn nước có thể bị nhiễm khuẩn từ nhiều nguồn khác nhau. Theo PubMed, cơ sở dữ liệu của Thư viện Y học Quốc gia Mỹ, trực thuộc Viện Y tế Quốc gia Mỹ, thời gian lưu trữ nước, phương pháp lấy nước từ thùng chứa, nắp đậy thùng chứa nước, việc xử lý nước tại nhà và phương pháp xử lý chất thải lỏng cũng là những yếu tố gây ô nhiễm trong nước uống.

    Nước bị ô nhiễm nói chung có thể khiến người uống đối mặt với những rủi ro sức khỏe rất lớn, chẳng hạn các bệnh như tiêu chảy, nhiễm trùng đường hô hấp cấp và nhiều bệnh nhiệt đới khác. Riêng tiêu chảy do uống nước nhiễm khuẩn ước tính gây ra khoảng 505.000 ca tử vong mỗi năm.

    Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện có 50 quốc gia trên thế giới nơi người dân có thể uống nước tại vòi. Những quốc gia đó bao gồm hầu hết châu Âu, ngoại trừ vùng Balkan và các nước thuộc Liên Xô cũ.


    Nguồn nước sinh hoạt ngày càng ô nhiễm trầm trọng ảnh hưởng lớn tới môi trường, sức khỏe con người. Ảnh minh họa

    Riêng nước máy ở Croatia và Estonia có thể uống được tại vòi. Ở châu Mỹ, chỉ có 4 quốc gia có nước máy đủ điều kiện an toàn uống tại vòi là: Canada, Mỹ, Costa Rica và Chile. Toàn bộ châu Á chỉ có 7 quốc gia đạt tiêu chuẩn này là: Israel, Saudi Arabia, Kuwait, UAE, Singapore, Hàn Quốc và Nhật Bản. Úc và New Zealand là hai quốc gia còn lại trong danh sách của CDC.

    WHO nhận định, với con số lên đến 1,7 tỉ người phụ thuộc vào nguồn nước bị ô nhiễm như đã nêu trên, việc sử dụng công nghệ xử lý nước tại hộ gia đình (household water treatment – HWT) để phòng ngừa bệnh tật đã trở nên ngày càng phổ biến.

    Tiến sĩ Batsi Majuru của WHO cho biết lợi ích sức khỏe của HWT đang ngày càng được công nhận. WHO ước tính rằng khi sử dụng đúng cách và nhất quán, kết hợp với lưu trữ an toàn, HWT có thể làm giảm tới 45% bệnh tiêu chảy và cứu sống hàng nghìn trẻ nhỏ mỗi năm.

    Cùng với sự phát triển nhanh chóng về kinh tế trong các ngành nông nghiệp và công nghiệp thì việc ô nhiễm môi trường nước ở Việt Nam cũng ngày càng nghiêm trọng. Sự ô nhiễm đến từ những chất thải công nghiệp, nông nghiệp, cũng như rác thải sinh hoạt.

    Tình trạng ô nhiễm môi trường nước diễn ra nặng nề nhất ở các thành phố lớn và khu công nghiệp. Dẫn chứng thực tế về tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở 2 thành phố lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Tính riêng ở Hà Nội đã có 350.000 – 400.000 m3 lượng nước thải và 1.000 m3 rác thải bị thải trực tiếp ra sông ngòi hàng ngày và chỉ có 10% trong số đó đã qua xử lý. Còn ở Thành phố Hồ Chí Minh đơn cử như khu công nghiệp Thành Lương mỗi ngày có đến 500.000 m3 nước thải được thải ra.

    Theo thống kê của Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường những năm gần đây thì có đến 17 triệu người sống tại Việt Nam đang sử dụng nguồn nước không an toàn chưa được xử lý như nước mưa, nước ngầm,… Mỗi năm nước ta có đến gần 9.000 người từ vong và khoảng 20.000 người phát hiện mắc bệnh ung thư mà nguyên nhân chính là do ô nhiễm nguồn nước gây ra. Có đến 21% người dân Việt Nam đang phải dùng nguồn nước nhiễm Asen một hoạt chất có thể gây ung thư đây là thực trạng đáng lo ngại.

    QCVN 01-1:2018/BYT quy định chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt

    Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia này do Bộ Y tế ban hành ban hành nhằm quy định mức giới hạn các thông số chất lượng đối với nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt là nước đã qua xử lý có chất lượng bảo đảm, đáp ứng yêu cầu sử dụng cho mục đích ăn uống, vệ sinh của con người.

    Quy chuẩn này cũng yêu cầu đơn vị sản xuất nước phải tự tiến hành đánh hợp quy theo quy định tại Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Thông tư số 02/2017/TT-BKHCN ngày 31/3/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN ngày 12/12/2012 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

    Đơn vị sản xuất nước phải tiến hành đánh giá hợp quy theo phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư 28/2012/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ và gửi bản tự công bố hợp quy về Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đơn vị sản xuất nước sạch có trụ sở theo Mẫu tại Phụ lục số 02 của Quy chuẩn này.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/the-gioi-co-17-ti-nguoi-uong-nuoc-nhiem-khuan-d224453.html

    Bác sĩ cảnh báo: Tiêm thuốc tránh thai có nguy cơ gây ra nhiều tác dụng phụ

    Theo các bác sĩ, hiện nay nhiều người chọn phương pháp tiêm thuốc tránh thai thay các biện pháp khác tuy nhiên khi tiêm loại thuốc này sẽ tiềm ẩn những tác dụng phụ không mong muốn.

    Bác sĩ Phạm Minh Ngọc – Phó Giám đốc Trung tâm Y học giới tính Hà Nội, Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội cho biết, mới đây có một người phụ nữ đến khám vì không còn ham muốn với chồng. Tất cả đều mang tâm lý chiều chồng, không có hứng thú trong cuộc yêu. Người phụ nữ lo lắng dẫn đến thường xuyên mất ngủ, lo âu, giảm chất lượng cuộc sống.

    Sau khi bác sĩ khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân đã có 2 con, mối quan hệ vợ chồng tốt, không phải chịu những áp lực về kinh tế hay công việc, không mắc các bệnh lý nền.

    Cách đây một năm, vì lo lắng chuyện mang thai ngoài ý muốn nên chị đã đi tránh thai bằng thuốc tiêm. Sau tiêm 6 tháng, biểu hiện giảm ham muốn rõ rệt, mất hết động lực, không còn hứng thú suy nghĩ về chuyện “chăn gối”. Tình trạng này đã kéo dài hơn 1 năm mà không tự thuyên giảm. Bệnh nhân chia sẻ tình trạng “lệch pha” trong quan hệ với ông xã khiến vợ chồng cãi vã, bất hòa trong cuộc sống. Tại bệnh viện, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân bị giảm nồng độ estrogen và testosterone, tăng prolactin.

    Sau khi thực hiện thêm các xét nghiệm, bệnh nhân bị suy giảm ham muốn sau tiêm thuốc tránh thai. Bệnh nhân được tư vấn điều trị bằng liệu pháp nội tiết kết hợp thay đổi lối sống sinh hoạt. Sau 2 tháng điều trị, bệnh nhân đã tăng ham muốn, lấy lại được cảm hứng khi yêu.


    Thuốc tiêm tránh thai tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ cần lưu ý. Ảnh minh họa

    Liên quan tới tiêm thuốc tránh thai, bác sĩ Ngọc cho hay đây là một trong những trường hợp điển hình bị suy giảm ham muốn do tác dụng phụ của việc tiêm thuốc tránh thai. Nguyên nhân do thuốc tránh thai nội tiết tố kết hợp hấp thụ qua đường uống và qua da có thể làm giảm sản xuất testosterone, từ đó làm giảm ham muốn.

    Tác dụng phụ của các biện pháp tránh thai nội tiết tố có thể dẫn đến những ảnh hưởng nhất định lên chức năng ham muốn của phụ nữ như: khô, đau tiền đình và viêm bàng quang kẽ. Bên cạnh đó, thuốc tránh thai kết hợp cũng có liên quan đến những thay đổi về mặt giải phẫu dài hạn và ngắn hạn, chẳng hạn như teo và giảm độ dày.

    Ngoài ra, thuốc tránh thai loại này ảnh hưởng đến ức chế rụng trứng và điều hòa chu kỳ hàng tháng, làm giảm ham muốn. Thời gian sử dụng thuốc càng dài, sử dụng thuốc tránh thai ở độ tuổi càng trẻ có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến chức năng ham muốn của phụ nữ nhiều hơn.

    Thực tế đã có nghiên cứu cho thấy giảm ham muốn có thể tác động tiêu cực đáng kể đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của phụ nữ. Giảm ham muốn có thể làm tăng 130 – 210% nguy cơ mắc bệnh trầm cảm và ngược lại, trầm cảm cũng có thể làm tăng 50 – 70% nguy cơ giảm ham muốn. 57% phụ nữ đái tháo đường type 1 giảm ham muốn. Ngoài ra, béo phì và hội chứng chuyển hóa từ đó làm giảm kích thích ở người phụ nữ.

    Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, mặc dù tiêm thuốc tránh thai có nhiều ưu điểm như hiệu quả cao, tiện lợi, tác dụng lâu và an toàn, tuy nhiên, phụ nữ cũng nên cân nhắc và thận trọng với một số tác dụng phụ do thuốc tiêm gây ra.

    Tiêm thuốc tránh thai có thể gây tăng cân, loãng xương. Tiêm thuốc tránh thai có thể làm tăng cân trong thời gian dài và loãng xương ở bất kỳ phụ nữ trong độ tuổi nào. Nếu gặp tình trạng tăng cân nhanh bất thường, người dùng nên liên hệ bác sĩ để được thay đổi thuốc và liều dùng phù hợp. Loãng xương có thể xảy ra khi sử dụng thuốc tiêm tránh thai trong thời gian dài (>2 năm).

    Một số tác dụng phụ khác như: Tâm trạng thay đổi thất thường, đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đầy hơi, … là một số tác dụng phụ khác cũng có thể xảy ra khi tiêm thuốc tránh thai, do nồng độ hormone trong cơ thể bị thay đổi. Các triệu chứng này sẽ chấm dứt khi cơ thể dần quen với thuốc. Trường hợp phụ nữ gặp các vấn đề về tâm trạng trong thời gian dài nên gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị.

    Bộ Y tế cũng khuyến cáo, tiêm thuốc tránh thai là biện pháp không thích hợp với một số đối tượng: Phụ nữ đang có thai hoặc đang bị ung thư vú. Những người có nhiều nguy cơ bị bệnh mạch vành (như lớn tuổi, hút thuốc lá, tiểu đường và tăng huyết áp). Người có bệnh tăng huyết áp hoặc có bệnh lý mạch máu. Người đang bị thuyên tắc tĩnh mạch sâu, thuyên tắc phổi hoặc đã từng hoặc đang bị tai biến mạch máu não hoặc thiếu máu cơ tim. Người đang bị lupus ban đỏ hệ thống và có kháng thể kháng phospholipid (hoặc không làm xét nghiệm) hoặc có giảm tiểu cầu trầm trọng. Người đã từng bị ung thư vú và không có biểu hiện tái phát trong vòng 5 năm trở lại. Người bị bệnh tiểu đường có biến chứng (thận, thần kinh, võng mạc, mạch máu) hoặc trên 20 năm.

    Quyết định số: 714/QĐ-BYT quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện tránh thai sử dụng trong chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình

    Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu và mua sắm các phương tiện tránh thai được sử dụng trong chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình.

    Các quy định chung về đăng ký lưu hành phương tiện tránh thai: Phương tiện tránh thai đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy phép lưu hành hoặc cấp giấy phép nhập khẩu. Đối với bao cao su nhập khẩu, phải được cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấp giấy phép lưu hành sản phẩm.

    Phương tiện tránh thai bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng phải được đăng ký trong hồ sơ đăng ký lưu hành hoặc hồ sơ nhập khẩu được Bộ Y tế chấp nhận và phải có chứng chỉ kiểm tra đạt tiêu chuẩn chất lượng của cơ quan có thẩm quyền trước khi đưa vào phân phối, sử dụng tại Việt Nam. Trường hợp cần thiết, các cơ quan của Bộ Y tế hoặc cơ quan quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình lấy mẫu sản phẩm để kiểm tra chất lượng theo quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật cụ thể.

    Các lô hàng phương tiện tránh thai phải còn ít nhất 5/6 thời gian hạn dùng kể từ khi nhập kho Trung ương do Bộ Y tế quy định. Bộ Y tế xem xét, quyết định đối với hàng viện trợ, đối với từng trường hợp cụ thể.

    Về ghi nhãn và ký hiệu hàng hóa, thực hiện theo Thông tư số 04/2008/TT-BYT ngày 12/5/2008 của Bộ Y tế về Hướng dẫn ghi nhãn thuốc và các quy định hiện hành của Việt Nam về ghi nhãn hiệu hàng hóa, ký, mã hiệu để phân phối, sử dụng trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình.

    Nghiêm cấm xuất, nhập khẩu và lưu hành các phương tiện tránh thai quá hạn sử dụng hoặc có nghi ngờ về chất lượng của phương tiện tránh thai. Khi phát hiện việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và cung cấp phương tiện tránh thai kém chất lượng, quá hạn sử dụng, chưa được phép lưu hành, hoặc do Bộ Y tế đã có thông báo tạm ngừng sử dụng, cơ quan Dân số – Kế hoạch hóa gia đình các cấp phối hợp với các cơ quan có liên quan xử lý theo quy định hiện hành.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/tiem-thuoc-tranh-thai-co-nguy-co-giam-ham-muon-d224459.html

    Tự làm kem chống nắng tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn sức khỏe

    Trong những thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài, trào lưu tự làm kem chống nắng tại nhà đã lan tỏa trên TikTok do ảnh hưởng từ một số người nổi tiếng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn đối với sức khỏe.

    Cụ thể, tháng 6 vừa qua, Nara Smith, 22 tuổi, một người dùng mạng xã hội nổi tiếng với việc chia sẻ các video tự làm mọi thứ, từ ngũ cốc đến kẹo ngậm ho, đã đăng một video clip giới thiệu cách chồng cô, Lucky Blue Smith, trộn dừa, sáp ong, bơ béo, bơ cacao, dầu jojoba và bột oxit kẽm để tạo ra một loại kem chống nắng. Các nguyên liệu này là thành phần chính trong nhiều loại kem chống nắng từ khoáng chất đang được bán trên thị trường.

    Kể từ đó, video của cô đã nhận được khoảng 2 triệu lượt thích, kéo theo đó là nhiều người khác, như TikToker Avery Cyrus, 24 tuổi, người có 9,3 triệu người theo dõi, cũng đã chia sẻ video về tự làm kem chống nắng tại nhà.

    Nhưng một số bác sỹ da liễu đã bày tỏ lo ngại về loại kem chống nắng tự làm này, cũng như độ lan truyền của nó trên mạng xã hội. Tiến sỹ Aamna Adel, bác sỹ da liễu tại London, Anh cho biết: “Những nguy hiểm liên quan đến kem chống nắng tự chế là về cơ bản, nó sẽ không bảo vệ làn da của bạn như mong đợi. Chỉ vì nó chứa kẽm oxit… không có nghĩa là nó sẽ bảo vệ bạn khỏi tia UV”.

    Những người tự làm kem chống nắng sẽ “làm tăng nguy cơ bị cháy nắng và dẫn đến ung thư da”. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là tiến sỹ Adel đã thực hiện một số chiến dịch trả phí cho các thương hiệu có sản phẩm kem chống nắng trong quá khứ…


    Ảnh minh họa

    Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định kem chống nắng là thuốc không kê đơn. Các sản phẩm trên thị trường “phải trải qua quá trình thử nghiệm rộng rãi,” Tiến sỹ Brooke Jeffy, bác sỹ da liễu tại Scottsdale, Arizona cho biết.

    Các bác sỹ da liễu cho biết có một số lý do khiến việc tự làm kem chống nắng có thể gây nguy hiểm. Đầu tiên, quá trình làm kem chống nắng khá phức tạp, cần công thức rất chính xác và khó có thể sao chép tại nhà. Thứ hai, không có cách nào để biết kem chống nắng tự chế sẽ bảo vệ bạn đến mức nào. Do đó, kem chống nắng của bạn có thể có độ che phủ không đồng đều hoặc không hiệu quả, điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư da và dẫn đến các dấu hiệu lão hóa sớm, như nếp nhăn và đốm cháy nắng.

    “Giả sử bạn sử dụng 15% kẽm, nhưng bạn lại thêm những thành phần khác vào đó. Cuối cùng, công thức và định lượng trong kem chống nắng tự chế có đạt chuẩn hay không? Bởi, không dễ để tạo ra một loại kem chống nắng gốc khoáng và có thể thoa một cách dễ dàng và trơn tru. Tiến sỹ Doris Day, một bác sỹ da liễu có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ cho biết.

    Theo FDA – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và các hiệp hội y khoa đều khuyến nghị sử dụng kem chống nắng vì nó có thể giúp ngăn ngừa ung thư da. Tuy nhiên, bất kỳ ai lo lắng về các sản phẩm gốc hóa chất nên sử dụng kem chống nắng khoáng chất thay thế.

    Kate Ring, 43 tuổi, một người có sức ảnh hưởng trên TikTok sống tại Kent, Vương quốc Anh, cũng đã đăng video về công thức kem chống nắng tự chế của cô, công thức mà cô đã sử dụng trong nhiều năm vì cô lo ngại về các thành phần trong kem chống nắng trên thị trường. Cô cho biết cô không hề nao núng trước những cảnh báo từ các bác sỹ và quan chức y tế công cộng, lập luận rằng quy trình làm kem chống nắng “hoàn toàn không phức tạp.”

    Nhưng nhiều chuyên gia cho biết việc không bị cháy nắng rõ ràng không phải là dấu hiệu cho thấy da được bảo vệ đầy đủ khỏi ánh nắng mặt trời.

    Tiến sỹ Day nói rằng nếu ai đó không muốn nghe bác sỹ da liễu, đó là quyết định của họ. Nhưng “thật không may,” một số người có thể nghe theo những người có sức ảnh hưởng đó hơn là các chuyên gia. “Tôi quan tâm đến việc bảo vệ mọi người khỏi thông tin sai lệch và các sản phẩm có thể gây hại cho làn da của họ”, Day nói. “Tất cả những gì tôi có thể làm là cung cấp thông tin và hy vọng rằng nó có ý nghĩa”.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/tu-lam-kem-chong-nang-tai-nha-tiem-an-nhieu-nguy-co-mat-an-toan-suc-khoe-d224510.html

    Ăn khoai tây thường xuyên với lượng vừa phải giúp tác động tích cực đến huyết áp cao

    Theo một số nghiên cứu nếu ăn khoai tây, nhất là khoai tây tím thường xuyên với lượng vừa phải sẽ tác động tích cực đến huyết áp cao.

    Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Annals of Medicine (Mỹ), khoai tây là nguồn cung cấp dồi dào vitamin C, chất xơ, canxi, magiê, vitamin B6, niacin, folate cùng nhiều dưỡng chất có lợi khác. Đặc biệt, hàm lượng kali dồi dào trong khoai tây có tác dụng rất tốt đối với những người huyết áp cao.

    Ở bệnh nhân huyết áp cao, một trong những điều cần phải làm hạn chế là muối. Vì trong muối chứa lượng lớn natri. Natri khi vào cơ thể sẽ làm tăng tích tụ chất lỏng trong mạch máu, khiến cơ thể giữ nước và làm tăng huyết áp. Trong khi đó, kali lại có khả năng giúp cơ thể loại bỏ lượng natri dư thừa, làm giãn thành mạch máu và giúp máu lưu thông nhiều hơn. Các tác động này giúp giảm huyết áp.

    Ngoài ra nếu tăng lượng canxi, magiê và vitamin C trong chế độ ăn cũng có tác dụng giúp hạ huyết áp. Đây đều là những dưỡng chất quan trọng có trong khoai tây. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo khoai tây dù tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều. Dù là tinh bột phức tạp nhưng ăn nhiều khoai tây cũng có thể gây thặng dư calo và tăng cân.


    Ăn thường xuyên khoai tây, nhất là khoai tây tím với lượng vừa phải sẽ rất tốt cho người cao huyết áp. Ảnh minh họa

    Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, khoai tây nhất là khoai tây tím là loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp hiệu quả. Sở dĩ, khoai tây có khả năng này là do có chứa chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi gốc tự do, nguyên nhân phá hủy các tế bào khỏe mạnh. Vì thế, loại thực phẩm này xứng đáng nằm trong danh sách thực đơn dành cho người cao huyết áp.

    Có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy lợi ích hạ huyết áp từ khoai tây tím. Một nghiên cứu trên 18 người thừa cân béo phì bị huyết áp cao: Họ đã được chia làm 2 nhóm, 1 nhóm thực hiện chế độ ăn khoai tây tím từ 6 – 8 củ (cỡ quả bóng golf) và 1 nhóm không ăn khoai tây tím trong thời gian 4 tuần. Kết quả cho thấy những người ăn khoai tây tím đã hạ huyết áp tâm trương (chỉ số huyết áp thấp nhất) trung bình 4,3% và huyết áp tâm thu (chỉ số huyết áp cao nhất) 3,5%. Họ cho rằng kết quả đặc biệt đáng chú ý vì 14/18 người trong nghiên cứu không hạ huyết áp hiệu quả sau khi uống thuốc hạ huyết áp. Những người này không áp dụng chế độ ăn giảm cân do cân nặng được duy trì trong thời gian nghiên cứu.

    Các nhà nghiên cứu cho biết khoai tây chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tương tự như súp lơ xanh, rau bina và mầm cải Brussels. Tác dụng hạ huyết áp của khoai tây tím gần tương tự với bột yến mạch, khoai tây đỏ và trắng. Do đó ngoài khoai tây tím, người cao huyết áp cũng nên ăn các loại thực phẩm thay thế này.

    Theo nhà nghiên cứu Joe, thuộc Đại học Scranton, Pennsylvania (Mỹ), mặc dù khoai tây có tác dụng hạ huyết áp hiệu quả, tuy nhiên thành phần dinh dưỡng của khoai tây còn phụ thuộc rất nhiều vào việc chế biến.

    Việc chiên ngập dầu và ăn cùng các thực phẩm giàu chất béo có thể phá hủy các chất dinh dưỡng lành mạnh trong khoai tây, vô tình làm giảm hiệu quả hạ huyết áp. Thay vào đó nên lựa chọn biện pháp khác như luộc, nướng khoai tây tím trong lò vi sóng, ăn 2 lần/ngày trong 1 tháng giúp giảm 3 – 4% huyết áp mà không làm tăng cân.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/an-khoai-tay-thuong-xuyen-voi-luong-vua-phai-giup-tac-dong-tich-cuc-den-huyet-ap-cao-d223902.html

    Mỹ: Phát hiện hóa chất độc hại trong thực phẩm cho trẻ em

    Perchlorate, một hóa chất có trong nhiên liệu tên lửa đã làm ô nhiễm nước và thực phẩm tại Mỹ, đồng thời nhiều khả năng được tìm thấy trong thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ em.

    Đó là kết quả nghiên cứu do Consumer Reports – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giám định sản phẩm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tại Mỹ thực hiện và công bố mới đây. Theo Cục Kiểm soát các chất độc hại, perchlorate là hóa chất do con người tạo ra và thường được phát hiện trong nước ngầm. Nhà vi sinh vật học James Rogers – Giám đốc phụ trách nghiên cứu và kiểm tra an toàn thực phẩm tại Consumer Reports cho biết, hầu hết thực phẩm bị phát hiện nhiễm perchlorate là sản phẩm dành cho trẻ em như ngũ cốc và gà viên.


    Hóa chất perchlorate xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm bày bán tại Mỹ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ.

    Các nhà nghiên cứu đã phân tích 196 mẫu thử lấy từ 63 mặt hàng bán tại siêu thị và 10 mặt hàng tại cửa hàng đồ ăn nhanh. Kết quả cho thấy khoảng 67% các sản phẩm này có nồng độ đáng kể perchlorate.

    Theo ông Rogers, 3 nhóm mặt hàng có nồng độ perchlorate cao nhất là thực phẩm cho trẻ em/trẻ sơ sinh, trái cây, rau quả và đồ ăn nhanh. Ngoài ra, bánh burrito thịt bò, bánh sandwich gà và khoai tây chiên là 3 loại thực phẩm có nồng độ perchlorate cao nhất. Hiện chưa có giới hạn cụ thể về mức độ được coi là “nguy hiểm” đối với perchlorate.

    Ông Rogers cho biết việc hấp thụ hóa chất vượt ngưỡng an toàn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tuyến giáp. Ông giải thích: “Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và chức năng tuyến giáp kém có thể dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2 trong trường hợp này. Các vấn đề về tuyến giáp có thể dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người trường thành. Ở trẻ em và thai nhi, điều này có thể dẫn tới các biến chứng về phát triển thần kinh hay làm giảm chỉ số trí tuệ (IQ) của trẻ”.

    Theo Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ, việc tiếp xúc nồng độ perchlorate cao có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp theo nhiều cách. Điều này có thể cản trở quá trình tuyến giáp hấp thụ iodide, phá vỡ chức năng tuyến giáp và có thể dẫn đến giảm sản xuất hormone tuyến giáp.

    Bảo Linh (t/h)
    https://vietq.vn/my-phat-hien-hoa-chat-doc-hai-trong-thuc-pham-danh-cho-tre-em-d224396.html