24 C
Hanoi
Thứ tư, Tháng mười một 20, 2024
More
    Home Blog Page 30

    Khẩn trương xây dựng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân

    0

    Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 165/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà về xây dựng, ban hành cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp.


    Ảnh minh họa

    Việc xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự sản, tự tiêu nhằm từng bước thay thế cho các nguồn năng lượng hóa thạch là cần thiết. Đây là nhiệm vụ cấp bách, giải pháp quan trọng để huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào các nguồn năng lượng sạch, thân thiện với môi trường góp phần bảo đảm an ninh năng lượng Quốc gia theo đúng chủ trương của Chính phủ về tăng trưởng xanh và là con đường phát triển tất yếu cho Việt Nam để hiện thực hoá mục tiêu giảm lượng phát thải nhà kính về Net Zero vào năm 2050.

    Để xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích này bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước, Phó Thủ tướng yêu cầu, về việc xây dựng Nghị định: Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có chỉ đạo về việc này, vì vậy việc xây dựng Nghị định để chế định các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư điện mặt trời áp mái là chủ trương nhất quán xuyên suốt của Đảng, Chính phủ và Quốc hội, bảo đảm không được thiếu điện trong thời gian tới. Trường hợp để chậm chễ trong việc xây dựng Nghị định này thì Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

    Đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương, tích cực và chủ động xây dựng Dự thảo Nghị định từ thực tiễn, cơ sở khoa học, vấn đề pháp lý để xác định nội hàm của Nghị định, mục tiêu của Nghị định trong đó có việc tổng kết, đánh giá những mặt được và chưa được của các chính sách trước đây để có cái nhìn khách quan, trên cơ sở đó xây dựng Nghị định phù hợp với tình hình thực tế và đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đồng thời cần quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và trình tự, thủ tục cấp “tín chỉ xanh” đối với các nhà máy sử dụng nguồn năng lượng sạch, hoàn thành và báo cáo Phó Thủ tướng trước 25 tháng 4 năm 2024.

    Nghiên cứu chính sách hỗ trợ đối tượng đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng

    Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ chương trình, hồ sơ xây dựng Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà dân, cơ quan công sở, khu công nghiệp…, trong đó cần lưu ý một số nội dung sau:

    Về phạm vi, đối tượng được áp dụng của Nghị định: là mái nhà dân, cơ quan công sở, tòa nhà văn phòng, khu công nghiệp/Cụm công nghiệp… dưới hình thức tự sản tự tiêu có đấu nối với điện lưới Quốc gia hoặc hoạt động độc lập không đấu nối với điện lưới Quốc gia, có Pin lưu trữ, hoặc không có Pin lưu trữ, nghiên cứu giải pháp sử dụng Zero export tuỳ theo từng đối tượng và công suất đặt của hệ thống Điện mặt trời mái nhà nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: (i) Phương án phát triển nguồn điện mặt trời mái nhà được tính toán để hài hoà giữa các loại hình nguồn điện đã được lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII; (ii) Đảm bảo tuyệt đối an toàn trong vận hành đối với Hệ thống điện Quốc gia.

    Chủ trì, phối hợp cùng các Bộ/ngành có liên quan, EVN… Xây dựng bộ hồ sơ mẫu quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, yêu cầu về quản lý nhà nước trong việc khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái nhà; quy định rõ quy trình, thủ tục, thời gian giải quyết của từng lĩnh vực có liên quan trên tinh thần một cửa liên thông, minh bạch, công khai, cải cách và rút ngắn tối đa các hồ sơ, thủ tục, trong đó có các quy định về quy trình thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy… để tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời tránh các hành vi trục lợi, tiêu cực.

    Nghiên cứu bổ sung các cơ chế để có thể kiểm tra, giám sát, điều khiển xa với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có công suất lớn để đảm bảo các đơn vị điều độ thuộc EVN có thể chủ động trong việc đóng cắt từ xa đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà nhằm đảm bảo linh hoạt, an toàn trong việc vận hành hệ thống điện Quốc gia.

    Chủ trì, phối hợp các bộ liên quan nghiên cứu các chính sách hỗ trợ đối với những đối tượng đầu tư điện mặt trời mái nhà để sử dụng, trong đó có lắp đặt thiết bị lưu trữ điện năng thì cần có phương án hỗ trợ về giá, thuế, lãi suất… để khuyến khích và bảo đảm lợi ích lâu dài cho nhà đầu tư.

    Nhà nước Việt Nam ưu tiên phát triển nguồn năng lượng tái tạo (mặt trời áp mái nhà tự sản, tự tiêu, điện gió ngoài khơi, điện sinh khối, điện rác) nếu đáp ứng được yêu cầu về công nghệ, an toàn hệ thống, giá cả phù hợp thì không giới hạn quy mô phát triển. Quy hoạch điện VIII là quy hoạch mở, vì vậy, trường hợp cần thiết có thể huy động bổ sung nguồn điện năng lượng tái tạo thay thế cho các nguồn điện khác để bảo đảm không thiếu điện trong bất cứ trường hợp nào.

    Chủ trì, phối hợp với EVN và các cơ quan liên quan sớm triển khai việc thực hiện giá điện 2 thành phần để khách hàng sử dụng điện nâng cao ý thức trong việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả, góp phần cân bằng biểu đồ phụ tải của hệ thống điện, đồng thời giúp cho công tác đầu tư nguồn điện, lưới điện đạt được hiệu quả tốt hơn.

    Về trình tự, thủ tục xây dựng Nghị định: Giao Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm định Dự thảo Nghị định nếu phát hiện các nội dung cần báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo khoản 3 Điều 19 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến chỉ đạo.

    Thành Long
    https://vietq.vn/khan-truong-xay-dung-co-che-khuyen-khich-phat-trien-dien-mat-troi-ap-mai-lap-dat-tai-nha-dan-d220516.html

    Có tới 70% người tiêu dùng internet đã mua phải hàng giả trên các sàn thương mại điện tử

    Bộ Công Thương cho biết, sự phát triển mạnh mẽ của hoạt động kinh doanh hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử càng khiến phương thức, thủ đoạn buôn bán hàng giả, hàng gian lận thương mại gia tăng khiến nhiều người mắc bẫy.

    Thương mại điện tử Việt Nam đang trải qua giai đoạn 10 năm phát triển rực rỡ. Từ những ngày khái niệm “thương mại điện tử” còn khá xa lạ với người tiêu dùng thì trong những năm qua Việt Nam liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16- 30%/năm. Sang năm 2024 thương mại điện tử dự kiến tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 18- 20%/năm. Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh trong năm tới có thể đạt 650 nghìn tỷ đồng vào năm 2024.

    Tuy nhiên hiện nay, cơ chế hoạt động của các sàn thương mại điện tử chỉ nắm giữ khâu trung gian, chính vì vậy mà bất cứ đơn vị bán hàng nào cũng có thể kinh doanh được trên không gian mạng online. Điều này khiến cho nhiều đối tượng đã lợi dụng thương mại điện tử để buôn bán hàng giả, hàng lậu trên các sàn thương mại điện tử.

    Vẫn còn nhiều người tiêu dùng mua phải hàng giả trên sàn thương mại điện tử

    Theo số liệu thống kê của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương), hiện cả nước có gần 75% người dùng internet tham gia mua sắm trực tuyến như: quần áo, giày dép, mỹ phẩm. thiết bị đồ dùng gia đình, đồ công nghệ và điện tử, sách…Đây là những loại hàng hóa dịch vụ được người tiêu dùng lựa chọn mua sắm trực tuyến nhiều nhất. Sự phát triển mạnh mẽ này càng khiến phương thức, thủ đoạn hoạt động của đối tượng vi phạm, tình trạng gian lận thương mại điện tử ngày càng tinh vi.

    Kết quả khảo sát của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) với 1.000 người tại mỗi quốc gia khu vực ASEAN cho thấy, có tới 88% người tiêu dùng đã nhìn thấy hàng giả trên thị trường. Bên cạnh đó, có tới 70% người tiêu dùng đã mua phải hàng giả. Đặc biệt, cứ bốn người tiêu dùng lại có một người biết hàng đó không phải là hàng chính hãng.

    Qua tìm hiểu, không chỉ trên các trang mạng xã hội diễn ra tình trạng mua bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng mà trên các sàn thương mại điện tử có uy tín như Shopee, Lazada, TiTok… cũng diễn ra tình trạng này.

    Người tiêu dùng ngồi bất cứ đâu và đăng nhập vào ứng dụng của Lazada trên điện thoại, nhập từ khóa, ví dụ các mặt hàng xa xỉ của những thương hiệu lớn: Gucci, Chanel, Versace… sẽ có một loạt các cửa hàng hiện ra với các thông tin như thương hiệu, số lượng đã bán, đánh giá sản phẩm.

    Khi khách hàng ưng ý sản phẩm nào đó chỉ cần chọn, cho vào giỏ hàng và thanh toán. Khi đơn hàng được xác nhận, vài ngày sau sản phẩm “xa xỉ” đến tay người mua với giá chỉ vài chục nghìn đồng.

    Nhiều người tiêu dùng mua phải hàng giả trên các sàn thương mại điện tử. Ảnh minh họa

    Các sàn thương mại điện tử không chỉ bán hàng giả, hàng nhái mà còn mua bán cả hàng cấm. Như trước đây, chỉ cần lên ứng dụng Lazada gõ từ khóa “máy phá sóng”, một loạt các từ gợi ý như “máy phá sóng 8 râu”, “máy phá sóng wifi”, “máy phá sóng di động”… sẽ cho ra một loạt những gian hàng bày bán công khai các sản phẩm này. Có loại được bán chỉ với giá gần 200 ngàn đồng cho đến thiết bị có 8 râu được quảng cáo là phá sóng trong bán kính 20m có giá 3 triệu đồng.

    Tuy nhiên, hiện nay Lazada đã đổi thành các cụm từ khóa khác như: “thiết bị gây nhiễu”, “thiết bị phá sóng karaoke” dù vẫn là từ khóa để tìm kiếm các loại hàng hóa trên. Hầu hết các sản phẩm này đều không nhãn mác, thương hiệu, bảo hành, chỉ được quảng cáo là xuất xứ từ Trung Quốc.

    Một gian hàng từ nước ngoài quảng cáo thiết bị gây nhiễu Bluetooth và Wife di động 808HD (Vùng phủ sóng: 5 ~ 15M) có giá 537 ngàn đồng, đã được giảm trừ 50% khuyến mãi. Theo quảng cáo của gian hàng này, thiết bị được sử dụng để chặn việc vận chuyển Wifi, Bluetooth, video không dây, không ảnh hưởng đến máy điện tử khác và cơ thể con người.

    Qua tìm hiểu được biết, các loại máy phá sóng này xuất hiện trên thị trường nhiều năm nay và được bán nhiều trên các sàn thương mại điện tử như Lazada một cách công khai. Nhiều người thường mua về sử dụng để phá sóng hoặc gây nhiễu sóng của các loại loa, mic hát karaoke do muốn được yên tĩnh.

    Tuy nhiên, theo Nghị định 96/2016 NĐ-CP, khoản 4 điều 13 quy định chỉ cơ sở kinh doanh thuộc Bộ Quốc phòng và Bộ Công an mới được kinh doanh thiết bị gây nhiễu, phá sóng thông tin di động. Vì vậy, việc mua bán, sử dụng các thiết bị này cho mục đích ngăn hàng xóm hát karaoke là trái pháp luật.

    Không chỉ có các loại hàng hóa trên, trên rất nhiều nền tảng mạng xã hội, các sản phẩm thực phẩm chức năng chứa chất cấm Sibutramine vẫn được quảng cáo với công dụng “giảm cân cấp tốc”, “giảm cân mà không cần ăn kiêng”. Đặc biệt hơn, trên các sàn thương mại điện tử các sản phẩm này vẫn được bày bán công khai và quảng cáo vô tội vạ.

    Quản lý chặt hơn nữa các sàn thương mại điện tử

    Có thể thấy vấn nạn hàng giả, hàng nhái đang xuất hiện rất nhiều trên các sàn thương mại điện tử hiện nay. Số vụ vi phạm không ngừng ra tăng, tính chất và diễn biến phức tạp. Không chỉ hàng hóa tiêu dùng thông thường mà nguy hiểm hơn, nhiều thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thuốc chữa bệnh,… cũng bị làm giả với số lượng lớn để kinh doanh online, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng.

    Với số lượng người mua và bán khổng lồ, các sàn thương mại điện tử đang trong tình trạng mất kiểm soát về chất lượng, uy tín. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho người mua mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của người bán và nhãn hàng.

    Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê cho biết, việc điều tra, phát hiện vi phạm trên nền tảng thương mại điện tử gặp rất nhiều khó khăn, hạn chế do đối tượng vi phạm thường giới thiệu trên website thương mại điện tử là mẫu hàng chính hãng, nhưng khi giao hàng thì giao hàng giả hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng. Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn.

    Thời gian tới, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ tập trung tuyên truyền và tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện trách nhiệm của các sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội trong việc sàng lọc, phòng ngừa, ngăn chặn đối với các tài khoản không cung cấp đầy đủ thông tin, các tài khoản có dấu hiệu kinh doanh hàng hóa vi phạm.

    Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tăng cường quản lý hoạt động thương mại điện tử có yếu tố nước ngoài và hoạt động thương mại điện tử trên mạng xã hội. Đồng thời, tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách để có sự điều chỉnh phù hợp thực tế nhằm quản lý tốt hơn hoạt động kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử.

    Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, người dân cần phải cẩn trọng hơn khi giao dịch mua bán hàng hóa không chỉ trên các trang mạng xã hội mà cả những sàn thương mại điện tử. Người dân nên lựa chọn những nền tảng uy tín và đăng ký pháp nhân và khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý nhà nước.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/can-siet-chat-hoat-dong-cac-san-tmdt-de-giam-tinh-trang-ban-hang-gia-hang-cam-d220719.html

    Doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi xanh để xuất khẩu lâu bền sang EU

     

    “Để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp bắt buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường”, TS. Lê Xuân Thịnh – Giám đốc Trung tâm Sản xuất sạch hơn Việt Nam (VNCPC) chia sẻ.

    TS. Lê Xuân Thịnh

    PV: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may Việt Nam?

    TS. Lê Xuân Thịnh: Ngành Dệt may đã phát triển rất nhanh trong hơn 20 năm qua. Tính đến nay, sản phẩm của ngành Dệt may đã xuất khẩu sang 66 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng thị trường EU, chúng ta đã xuất khẩu vào 26/27 quốc gia.

    Các doanh nghiệp, tiêu biểu là các thương hiệu quốc gia của dệt may Việt Nam đã có những đổi mới để bắt kịp xu hướng dệt may thế giới. Bên cạnh việc nâng cao năng lực sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu, doanh nghiệp đã chuyển đổi công nghệ để tiết kiệm năng lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn của sản xuất và tiêu dùng bền vững. Mặc dù vậy, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của ngành Dệt may còn nhiều, khoảng 20%. Con số này đòi hỏi các doanh nghiệp phải tiếp tục thực thi các giải pháp tiết kiệm năng lượng để giảm chi phí đầu vào, gia tăng các lợi thế cạnh tranh.

    PV: Theo ông, có thể áp dụng những giải pháp nào để thực hành tiết kiệm năng lượng cho doanh nghiệp trong ngành Dệt may?

    TS. Lê Xuân Thịnh: Tôi cho rằng, về chính sách, cần xây dựng định mức sử dụng năng lượng cho ngành Dệt may, yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm ngặt. Bên cạnh đó, cũng cần các chương trình ưu đãi để doanh nghiệp tiếp cận vốn cho đổi mới công nghệ. Kiểm toán năng lượng cũng là một bước tiếp theo để giúp doanh nghiệp nhìn ra vấn đề của mình để xác định mức đầu tư cho tiết kiệm điện, nước, than…

    Trên thực tế, tiêu thụ năng lượng của ngành Dệt may chủ yếu do việc vận hành các thiết bị như: lò hơi và hệ thống hơi, hệ thống chiếu sáng, máy may và các máy chuyên dụng, hệ thống nước và máy nén khí. Do đó, khi doanh nghiệp tìm ra đúng khâu gây lãng phí năng lượng, sẽ có được sơ đồ chi tiết và dùng đúng giải pháp để tiết kiệm năng lượng.

    Tôi lấy ví dụ, một doanh nghiệp có công suất thiết kế hơn 2 triệu mét vải/năm, mỗi tháng tiêu thụ khoảng 50.000kWh điện, 60 tấn than. Nhưng khi cải tạo hệ thống lò hơi, lắp thêm bộ tụ bù cho các máy dệt, quản lý phụ tải thì lượng điện tiêu thụ có thể giảm xuống còn 30.000-33.000 kWh/tháng.

    Mặt khác, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn tiết kiệm năng lượng hiệu quả cho các doanh nghiệp; tổ chức các triển lãm về công nghệ xanh cho ngành Dệt may gắn với mục tiêu xuất khẩu.

    Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp dệt may đã vào cuộc tiết kiệm năng lượng hiệu quả, chủ động dành nguồn tiền để kiểm toán năng lượng, thay mới thiết bị, cập nhật công nghệ tiết kiệm điện của hệ thống chiếu sáng… bên cạnh thực hiện quy trình quản trị doanh nghiệp tinh gọn.

    Hiện nay, VNCPC với sự hỗ trợ của Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH – Hà Lan) và Viện Dệt may toàn cầu (Aii) đang hỗ trợ các doanh nghiệp dệt may thực hiện các giải pháp hiệu quả tài nguyên – sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng thông qua chương trình “Vươn tới đỉnh cao” (Race to the Top) nay gọi là “Clean By Design”. Nhiều doanh nghiệp thực hiện chương trình đã mang lại hiệu quả cao. Cụ thể, năm 2022, bốn doanh nghiệp dệt nhuộm đã tiết kiệm tới 1,97 triệu kWh điện, 3.150 tấn than, 203.400 Sm3 khí CNG, 595.000 kg gỗ, 228.450 m3 nước và qua đó giảm được 10.480 tấn CO2 tương đương.

    Một loạt giải pháp tiết kiệm năng lượng mà các doanh nghiệp đã áp dụng như: Cải tạo thông gió phòng máy nén khí, khắc phục rò rỉ khí nén, giảm áp suất cài đặt máy cho nén khí; Cải thiện hiệu suất lò dầu, lắp hệ thống thu hồi nhiệt khí thải để gia nhiệt cho không khí cấp lò dầu; tối ưu hóa chế độ vận hành các máy móc thiết bị tiêu thụ điện của hệ thống lò hơi /lò dầu; Tăng cường bảo ôn nhiệt bề mặt nóng hệ thống dầu tải nhiệt, hệ thống hơi tải nhiệt; Thay thế máy nhuộm Jet (dung tỷ 1:10; tiêu thụ nước 45 lít/kg vải) bằng máy nhuộm tròn tiết kiệm nước (dung tỷ 1:5; tiêu thụ nước 24 lít/kg vải).

    Như vậy, không chỉ tiết kiệm chi phí, mà còn định hình con đường chuyển đổi phương thức từ “nâu” sang “xanh” cho mỗi doanh nghiệp. Qua đó, sản phẩm dễ dàng tiếp cận được với khách hàng ngày càng đòi hỏi khắt khe về tính thân thiện, bền vững với môi trường.

    Doanh nghiệp dệt may cần chuyển đổi xanh để xuất khẩu lâu bền sang EU. Nguồn ảnh: congthuong.vn

    PV: Ngành Dệt may Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do (FTA) với 53 quốc gia, mở rộng biên độ thị trường rất lớn. Nhưng các FTA thế hệ mới cũng đặt ra thách thức khi yêu cầu về tăng trưởng xanh ngày càng khắt khe. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may phải chuyển đổi sản xuất như thế nào, thưa ông?

    TS. Lê Xuân Thịnh: Để tận dụng các cơ hội mà FTA mang lại, theo tôi, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần nỗ lực hơn để đáp ứng quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Bởi chứng từ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được xem là giấy thông hành của hàng hóa xuất nhập khẩu trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA).

    Đồng thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đúng mức về phát triển bền vững, kết nối, hợp tác: tăng cường mối liên kết trong ngành giữa các nhà sản xuất may với các nhà sản xuất nguyên phụ liệu, phụ trợ để tận dụng được các thành phẩm của nhau làm nguyên liệu sản xuất cho dệt may.

    Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất hạ tầng, các doanh nghiệp dệt may cần chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế, tiếp cận thị trường, chuẩn bị tâm thế, nội lực để bước vào sân chơi lớn toàn cầu. Cần chuyển đổi từ phương thức gia công CMT (cắt, may, hoàn thiện sản phẩm) sang phương thức OEM (phương thức mua nguyên liệu, bán thành phẩm) và ODM (phương thức bao gồm cả sản xuất và thiết kế), tiến tới là phương thức OBM (phương thức sản xuất có thương hiệu riêng), từ đó sẽ giúp nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu dệt may của Việt Nam.

    Để có thể xuất khẩu lâu bền sang EU, doanh nghiệp buộc phải tính đến sản xuất hàng hóa bằng các nguồn năng lượng sạch gắn với các tiêu chuẩn về môi trường. Các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tuân thủ quy trình sản xuất xanh để có được các sản phẩm xanh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo các tiêu chí về môi trường, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội, qua đó cũng giúp phát triển xuất khẩu bền vững hơn.

    PV: Vốn đầu tư cho chuyển đổi sản xuất xanh cũng là một thách thức. Các doanh nghiệp có thể tiếp cận các nguồn vốn như thế nào, thưa ông?

    TS. Lê Xuân Thịnh: Hiện nay, có nhiều nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất xanh gồm cả nguồn trong nước và ngoài nước. Các nguồn vốn trong nước gồm các nguồn vay ưu đãi của các định chế tài chính cho tín dụng xanh theo Chỉ thị 03/CT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước năm 2015 và đến nay đã có nhiều các ngân hàng tham gia hỗ trợ doanh nghiệp. Một số nguồn vốn từ các tổ chức tài chính quốc tế khác như: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Pháp (AFD), Cục kinh tế Liên bang Thụy Sĩ (SECO),…

    Trong Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030 theo Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó có giao Ngân hàng Nhà nước xây dựng các cơ chế huy động và hỗ trợ các doanh nghiệp vay vốn thay đổi công nghệ, sản xuất xanh. Một trong những ưu tiên của Chiến lược là xây dựng thị trường tín chỉ các bon để các doanh nghiệp có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn thông qua cơ chế buôn bán, trao đổi tín chỉ khi đầu tư công nghệ cho giảm sử dụng năng lượng qua đó giảm phát thải khí nhà kính.

    Tuy nhiên, để có thể tham gia vào việc tiếp cận các nguồn vốn này, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đầy đủ cả thông tin tài chính của dự án đầu tư lẫn thông tin về công nghệ để dễ dàng đáp ứng các tiêu chí và yêu cầu của các bên cho vay vốn.

    PV: Trân trọng cảm ơn ông!

    https://www.evn.com.vn/d6/news/Doanh-nghiep-det-may-can-chuyen-doi-xanh-de-xuat-khau-lau-ben-sang-EU-100-653-124048.aspx

     

    Sử dụng nước uống đóng bình theo quy chuẩn để tránh tác hại không mong muốn

    Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại nước uống đóng bình khác nhau người tiêu dùng nên lựa chọn cẩn thận để tránh những tác hại không mong muốn.

    Khảo sát trên thị trường hiện nay, ngày càng có nhiều loại nước đóng bình với đủ chủng loại, mẫu mã phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng. Bên cạnh các sản phẩm nước đóng chai uy tín có thương hiệu lâu năm xuất hiện với mức giá từ 60.000 – 80.000 đồng/bình khoảng 20 lít cũng có không ít sản phẩm nước đóng chai của các cơ sở tư nhân có mức giá rẻ chỉ bằng 1/4.

    Các sản phẩm này đều lấy theo tên “nhái” những sản phẩm, thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng hoặc đặt tên “na ná” như: Lavis, Leve, Lovea, Leva, Bavie, Aquafona, Aquanova… Nếu chỉ nhìn qua, khách hàng rất có thể nhầm lẫn bởi có rất nhiều điểm giống nhau về mầu sắc, hình ảnh in trên bao bì, cùng kích cỡ, dung tích, màu sắc…

    Các sản phẩm trên cũng được quảng cáo được sản xuất theo quy trình tiên tiến, hiện đại bậc nhất, công nghệ lọc tiên tiến nhất. Trên thực tế, ngoại trừ những loại nước uống đã khẳng định thương hiệu trên toàn quốc, được sản xuất và đóng bình bằng công nghệ hiện đại, đạt chuẩn theo tiêu chuẩn quốc tế, thì phần lớn các loại nước đóng bình khác đều được sản xuất theo quy mô hộ gia đình, nhỏ lẻ và khó có thể kiểm chứng chất lượng.


    Sử dụng nước uống đóng bình theo quy chuẩn để tránh những tác hại không mong muốn. Ảnh minh họa

    Qua các hoạt động kiểm tra của cơ quan chức năng phát hiện vi phạm, nhiều cơ sở sản xuất nước uống đóng bình giả thu gom những bình nước của thương hiệu chính hãng đã qua sử dụng và đổ nước máy hoặc nước giếng khoan, hoàn toàn không thông qua hệ thống lọc và kiểm tra chất lượng nguồn nước.

    PGS.TS Phan Thị Sửu, Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cho biết, quy trình sản xuất nước đóng bình để đảm bảo chất lượng phải có rất nhiều bước và nếu làm đúng các quy trình này thì nước đóng bình đến tay người tiêu dùng không thể có giá “siêu rẻ” như các loại nước đóng bình “nhái”. Nước uống nhiễm vi khuẩn E.coli, B.cereus, có hàm lượng men mốc, kim loại vượt giới hạn cho phép sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đứng đầu là các bệnh đường ruột.

    Nước đóng bình không đảm bảo chất lượng thường được lấy trực tiếp từ nguồn nước máy hoặc giếng khoan, không qua xử lý lọc do đó nếu uống phải loại nước này sẽ rất nguy hiểm đối với sức khỏe.

    Chưa kể đến, nguồn nước mà các cơ sở sản xuất nước đóng bình “nhái” nếu là nước giếng khoan gần vùng đất ô nhiễm có thể chứa hàm lượng cao nitrat, asen, amoniac – những chất có thể gây ung thư, bệnh tim mạch. Ngoài ra còn có thể khiến người tiêu dùng bị nhiễm độc do có các kim loại nặng như thủy ngân, chì.

    Ngoài nguồn nước thì môi trường sản xuất nước uống đóng chai giả thường rất mất vệ sinh, bụi bặm và không đạt tiêu chuẩn vô trùng không đảm bảo tiêu chuẩn của Bộ Y tế như các loại nước uống đóng bình của các nhãn hàng chính hãng.

    Do đó nước uống giả có thể chứa các vi khuẩn có hại, đặc biệt là vi khuẩn E.Coli. Đây là loại vi khuẩn trong phân rất nguy hiểm, nếu uống nước nhiễm vi khuẩn này hàng ngày có thể bị ngộ độc cấp tính, làm tăng nguy cơ mắc bệnh đường ruột, tiêu chảy…

    Chi phí trang bị hệ thống lọc nước rất cao, do đó để có thể sản xuất hàng loại nước đóng chai giả, nhiều cơ sở gia công còn sử dụng chất hóa học để làm nước trong, khử mùi. Các chai nước đóng bình gia công cũng thường được sản xuất bằng nhựa tái chế, nguy cơ nước bị nhiễm độc là rất lớn.

    Ngoài ra, nhiều người vẫn đinh ninh rằng nguồn nước có sạch hay không thì hoàn toàn có thể phân biệt được bằng mắt thường điều này là hoàn toàn sai lầm. Bởi lẽ, trong nước có rất nhiều tạp chất cũng như vi khuẩn tồn tại mà mắt thường không thể nào nhìn thấy được, những thứ này sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp lên sức khoẻ của bạn về lâu về dài.

    Nguồn nước ngầm ở Việt Nam hiện nay đang phải đối mặt với vấn đề ô nhiễm quan trọng. Các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp ồ ạt xả thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn nước ngầm. Còn ở các vùng nông thôn, thì canh tác bón phân, thuốc trừ sâu một cách vô tội vạ cũng khiến tình trạng ô nhiễm mạch nước ngầm ngày càng chuyển biến nghiêm trọng.

    Để tránh “bệnh từ miệng vào”, các chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng không nên chọn mua các loại nước uống đóng chai với mức giá quá rẻ. Đồng thời, chúng ta nên chọn các loại nước uống đóng chai có nhãn mác và thành phần rõ ràng, có địa chỉ nơi sản xuất vì các loại nước uống này đều được quản lý chặt chẽ về chất lượng và nguồn nguyên liệu để đảm bảo sức khỏe cho bản thân và gia đình.

    Cần phải biết tiêu chuẩn nước uống trực tiếp của Bộ Y tế để từ đó có thể lựa chọn những cách thức lọc nước phù hợp để có nguồn nước tinh khiết, đảm bảo đủ chất lượng để sử dụng.

    Theo đó, theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN số 6-1:2010/BYT thì các loại nước sử dụng để sản xuất nước uống đóng chai phải đáp ứng các yêu cầu theo QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống đƣợc ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

    Các chỉ tiêu hoá học của nước khoáng thiên nhiên đóng chai liên quan đến an toàn thực phẩm được quy định tại Quy chuẩn này. Việc ghi nhãn nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nƣớc uống đóng chai phải theo đúng quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hoá và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tên nguồn nước khoáng và khu vực có nguồn khoáng phải được ghi rõ trên nhãn của sản phẩm.

    Các sản phẩm nước khoáng thiên nhiên đóng chai và nước uống đóng chai được nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh trong nước phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại Quy chuẩn này.

    Ngọc Nga (T/h)
    https://vietq.vn/moi-nguy-hai-cua-nuoc-dong-binh-gia-cong-sieu-re-cach-lua-chon-an-toan-d220664.html

    Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo giảm cân chứa chất cấm Sibutramin

    Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế thông tin về kết quả phân tích của Viện Pháp y Quốc gia với sản phẩm Detox Táo hỗ trợ giảm cân có chứa Sibutramin – chất cấm sử dụng trong thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

    Theo đó, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua và sử dụng sản phẩm nêu trên. Nếu phát hiện sản phẩm lưu thông trên thị trường, đề nghị người dân thông báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý theo quy định. Cục An toàn thực phẩm cũng khẳng định chưa từng cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm cho sản phẩm Detox Táo.

    Trước đó, Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc do sử dụng sản phẩm Detox cơ thể có chứa chất cấm Sibutramine. Người phụ nữ 26 tuổi tiền sử giảm tiểu cầu vô căn 11 năm, đã điều trị tại Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương 2 năm.


    Bộ Y tế cảnh báo sản phẩm Detox Táo giảm cân chứa chất cấm Sibutramin.

    Vì có nhu cầu giảm cân, chị mua sản phẩm có tên gọi Detox Táo về sử dụng. Trong 1 lọ sản phẩm có 2 loại viên màu vàng và xanh, chị uống sản phẩm trong 10 ngày có hiện tượng bị đau dây chằng, sau 2 tuần sử dụng mắt đột ngột không nhìn thấy gì theo cơn.

    Ngày 28/3, chị xuất hiện 2 cơn giảm thị lực, được chuyển vào Trung tâm Thần kinh của Bệnh viện Bạch Mai điều trị. Tại đây, kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy hình ảnh tổn thương lồi thể chai, chị được theo dõi do ngộ độc. Xét nghiệm loại sản phẩm Detox Táo phát hiện có chứa chất cấm Sibutramine. Chị sau đó được chuyển sang Trung tâm Chống độc của bệnh viện để tiếp tục điều trị.

    Theo tìm hiểu của PV, hoạt chất Sibutramine đã bị Cơ quan Dược phẩm Châu Âu (AMEA), Cơ quan quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) và các cơ quan quản lý dược một số nước trên thế giới khuyến cáo không được cho vào thực phẩm chức năng. Tại Việt Nam Sibutramine là hoạt chất đã bị Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cảnh báo không nên sử dụng theo công văn số 5149/QLD-CL ngày 14/4/2011 do có tác dụng không mong muốn.

    Sibutramine là hoạt chất được khuyến cáo không dùng cho bệnh nhân có tiền sử tim mạch, huyết áp. Để sử dụng loại thuốc có hoạt chất này, người bệnh phải tuân theo chỉ dẫn của bác sỹ, không tự sử dụng vì nó sẽ gây tác động xấu đến sức khỏe. Thậm chí, nó có thể gây tương tác bất lợi, đe dọa tính mạng nếu sử dụng với những loại thuốc khác mà người tiêu dùng đang dùng để trị bệnh.

    An Nguyên
    https://vietq.vn/bo-y-te-canh-bao-san-pham-detox-tao-giam-can-chua-chat-cam-sibutramin-d220556.html

    Người bệnh đang xạ trị, hóa trị ung thư nên cẩn trọng khi dùng thuốc nhuộm tóc

    Theo bác sĩ, những bệnh nhân đang xạ trị, hóa trị ung thư nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi sử dụng thuốc nhuộm tóc vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho da đầu.

    BS.CKII Nguyễn Trần Anh Thư, Khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, bệnh ung thư có rất nhiều phương pháp điều trị như phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nội tiết, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch… Trong đó, hóa trị là liệu pháp điều trị toàn thân, sử dụng các thuốc hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư.

    Trong quá trình điều trị bằng thuốc, bệnh nhân ung thư có thể gặp một số tác dụng phụ như cảm giác chán ăn, buồn nôn hoặc nôn, tóc gãy, rụng tóc, thay đổi màu tóc. Mức độ hư tổn của tóc tùy thuộc vào loại thuốc điều trị. Nhuộm tóc giúp tôn lên vẻ đẹp hình thể ngoài, từ đó tác động tích cực đến tâm lý và tạo sự tự tin cho người bệnh, nhất là trong các bữa tiệc đông người.


    Người bệnh đang điều trị ung thư nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc nhuộm tóc. Ảnh minh họa

    Tuy nhiên, theo bác sĩ Trần Anh Thư, những bệnh nhân đang điều trị xạ trị hoặc thuốc không phải hóa trị (liệu pháp nội tiết, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch) nên tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ điều trị trước khi nhuộm tóc.

    Riêng với người bệnh đang hóa trị bác sĩ khuyến cáo không nên nhuộm tóc, uốn tóc trong thời gian điều trị. Tóc của bệnh nhân ung thư đang hóa trị thường mỏng manh, yếu hơn bình thường. Nếu sử dụng các hóa chất trong thời gian này dễ dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng hơn.

    Các sản phẩm nhuộm tóc thường chứa hóa chất có thể ảnh hưởng đến da đầu, gây kích ứng, khô và ngứa. Tình trạng đau rát da đầu khi sử dụng thuốc nhuộm tóc cũng khiến người bệnh khó chịu.

    Hiệp hội Ung thư Mỹ (American Cancer Society) cũng khuyến cáo bệnh nhân ung thư không nên uốn, nhuộm hoặc sử dụng các hóa chất làm tóc trong giai đoạn đang điều trị ung thư, nhất là khi đang hóa trị. Thời gian tốt nhất để làm tóc là ít nhất 6 tháng sau khi kết thúc liệu trình hóa trị, vì đây là thời gian ngắn nhất cần thiết cho tóc mới mọc và chắc khỏe.

    Trường hợp phương pháp điều trị ung thư không gây rụng tóc và không có bất kỳ vấn đề gì về da đầu, người bệnh ung thư có thể nhuộm tóc nhưng cũng nên tham vấn bác sĩ điều trị. Người bệnh nên tìm hiểu các loại thuốc nhuộm tóc có nguồn gốc thảo dược, liều lượng hóa chất thấp phù hợp hoặc các sản phẩm chuyên dụng cho người đang điều trị ung thư.

    Thành phần thường gây lo ngại về kích ứng da và trong một số trường hợp gây ra phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng được gọi là sốc phản vệ, có tên là paraphenylenediamine, hay còn được gọi là PPD. PPD có thể được tìm thấy trong một số chất tạo màu tóc, lông mày và lông mi. Người bệnh cũng có thể dễ dàng tránh được khả năng xảy ra phản ứng dị ứng nghiêm trọng bằng cách thực hiện kiểm tra độ nhạy/dị ứng 48 giờ trước khi sử dụng thuốc nhuộm hoặc màu nhuộm tóc, đồng thời làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Lưu ý, thời gian nhuộm nên cách nhau khoảng 6 tháng, tránh để thuốc nhuộm tiếp xúc vào chân tóc gây dị ứng da. Người bệnh nên trao đổi với người nhuộm để kiểm tra phản ứng của da đầu với thuốc nhuộm.

    Kiểm tra độ mẫn cảm là cách tốt nhất để thử và kiểm tra xem có bị dị ứng với sản phẩm hay không. Mặc dù hướng dẫn này tập trung vào việc kiểm tra độ mẫn cảm với chất tạo màu tóc, nhưng có thể sử dụng hướng dẫn này để thực hiện kiểm tra dị ứng cho hầu hết mọi sản phẩm.

    Ngọc Nga (T/h)
    https://vietq.vn/nguoi-benh-dang-xa-tri-hoa-tri-ung-thu-nen-can-trong-khi-dung-thuoc-nhuom-toc-d220463.html

    Nhật Bản phát triển thành công nhựa sinh học có thể hòa tan trong nước biển

    0

    Các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã phát triển thành công loại nhựa sinh học mới không chỉ bền mà còn có khả năng phân hủy nhanh chóng trong nước biển và có thể sản xuất hàng loạt trong tương lai.

    Tạp chí khoa học ACS Bền vững Hóa học và Kỹ thuật Mỹ công bố, các nhà khoa học tại Đại học Kobe (Nhật Bản) và một số tổ chức khác đã thành công trong việc tạo ra loại nhựa sinh học mới được làm từ axit polylactic, một loại polyester có nguồn gốc từ các loại tinh bột như mía và ngô.

    Axit polylactic còn được biết đến là polylactide có thể làm vật liệu thay thế cho nhựa từ dầu mỏ. Tuy nhiên, vật liệu này khá giòn và khó tạo hình, đồng thời không dễ phân hủy. Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã phát triển một loại polylactide có khả năng phân hủy, được gọi là LAHB, nhưng khó sản xuất hàng loạt.


    Nhựa sinh học có thể tan trong nước biển. (Ảnh: Kyodo)

    Để vượt qua những hạn chế này, nhóm đã sử dụng một loại vi khuẩn được gọi là dehydrogenase lactate để sản xuất nhựa, thông qua việc biến đổi gene, họ đã thành công trong việc sản xuất hàng loạt LAHB. Kết quả là một loại nhựa sinh học mới, trong suốt và có khả năng phân hủy nhanh chóng trong môi trường nước biển.

    Giáo sư Seiichi Taguchi thuộc Đại học Kobe, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, sự phát triển của nhựa sinh học mới “sẽ giúp ngăn chặn nóng lên toàn cầu và đã đưa sáng kiến ​​sản xuất sinh học của chính phủ lên cấp độ công nghiệp.

    Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Đại học Kobe mang lại hy vọng một ngày nào đó các đại dương trên thế giới có thể sẽ không còn rác thải nhựa.

    Chính phủ Nhật Bản hy vọng sẽ tăng mức sử dụng nhựa sinh học của nước này lên khoảng 2 triệu tấn vào năm 2030. Đồng thời đặt mục tiêu giảm 25% lượng rác thải nhựa có thể phân hủy và đến năm 2035, tái chế hoặc tái sử dụng 100% các loại rác thải nhựa, bao gồm rác thải nhựa sinh hoạt và rác thải nhựa công nghiệp.

    Theo Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP), với hơn 400 triệu tấn nhựa được sản xuất mỗi năm và chỉ khoảng 10% được tái chế, việc phát triển nhựa sinh học có thể là một bước quan trọng trong việc giảm ô nhiễm nhựa toàn cầu. Mức độ phát thải khí nhà kính từ sản phẩm nhựa được dự báo sẽ tăng lên 19% của ngân sách carbon toàn cầu vào năm 2040, nhưng với những nỗ lực như nghiên cứu này, chúng ta có thể hướng tới một tương lai sạch hơn và bền vững hơn.

    Duy Trinh (t/h)
    https://vietq.vn/nhat-ban-phat-trien-thanh-cong-nhua-sinh-hoc-co-the-hoa-tan-trong-nuoc-bien-d220389.html

    Người tiêu dùng cần lưu ý về nội dung hạn sử dụng ghi trên nhãn có trong bao bì thực phẩm

    Sau khi mua thực phẩm, người tiêu dùng cần phải tuân thủ nguyên tắc hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất; trong đó, tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về thời gian và điều kiện bảo quản thực phẩm sau khi mở gói thực phẩm.

    Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), hạn sử dụng ghi trên nhãn thực phẩm giúp người tiêu dùng biết được thực phẩm có thể được lưu giữ trong bao lâu trước khi bắt đầu hỏng, hoặc không thể ăn được và không nên ăn.

    Cụm từ hạn sử dụng thực phẩm “Sử dụng trước” và “sử dụng tốt nhất trước” ngày được hiểu như thế nào?

    Hạn sử dụng ghi trên nhãn thực phẩm giúp người tiêu dùng biết được thực phẩm có thể được lưu giữ trong bao lâu trước khi bắt đầu hỏng hoặc không thể ăn được và không nên ăn. Thuật ngữ “sử dụng trước-Use by” ngày…” là về an toàn thực phẩm, còn “tốt nhất trước” ngày..” là về chất lượng thực phẩm, không phải là tính an toàn.

    “Sử dụng trước-Use by”…

    Thuật ngữ “sử dụng trước” ngày…” là về an toàn thực phẩm. Thực phẩm có thể sử dụng và an toàn cho đến ngày hạn sử dụng, chứ không phải ngày sau ngày đó. Cụm từ này thường dùng cho những loại thực phẩm có thời hạn an toàn ngắn, dễ hỏng sau ngày hạn sử dụng, ví dụ: như các sản phẩm thịt hoặc các loại salát ăn liền.

    “Sử dụng tốt trước-Best Before” ngày…

    Hạn sử dụng “tốt nhất trước” ngày… là hạn sử dụng về chất lượng tốt nhất của sản phẩm, không phải là về độ an toàn. Thực phẩm vẫn có thể an toàn để ăn sau ngày này nhưng không ở trạng thái ngon nhất. Hương vị và kết cấu của nó có thể không còn ngon như trước. Cụm từ này thường được dùng đối với thực phẩm đông lạnh, đồ khô và đóng hộp. Tuy nhiên, người tiêu dùng nên tránh ăn những thực phẩm hư hỏng và nên sử dụng theo đúng hạn sử dụng ghi trên bao bì thực phẩm.


    Ảnh minh họa

    Lưu ý sau khi sử dụng thực phẩm bao gói đã được mở

    Sau khi mua thực phẩm phải tuân thủ nguyên tắc hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất, hạn ghi nhãn trên bao bì thực phẩm có thể không còn phù hợp nữa. Làm theo hướng dẫn có nhà sản xuất về thời gian và điều kiện bảo quản thực phẩm sau khi mở gói thực phẩm, ví dụ “bảo quản trong tủ lạnh sau khi mở nắp ở nhiệt độ bằng hoặc thấp hơn 40C và dùng hết trong vòng 7 ngày”.

    Cục An toàn thực phẩm cũng lưu ý về việc sử dụng thực phẩm sau khi bao gói đã được mở. Theo đó, sau khi mua thực phẩm, phải tuân thủ nguyên tắc hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất; trong đó, tuân thủ hướng dẫn của nhà sản xuất về thời gian và điều kiện bảo quản thực phẩm sau khi mở gói thực phẩm, ví dụ: “bảo quản trong tủ lạnh sau khi mở nắp ở nhiệt độ bằng hoặc thấp hơn 4 độ C và dùng hết trong vòng 7 ngày”.

    Một vài thuật ngữ thay thế cho exp trên hàng hóa

    Bên cạnh exp, hạn sử dụng còn có thể được biểu diễn bằng các thuật ngữ khác có cùng ý nghĩa như:

    – BBE/BE (viết tắt cho Best before end date): Đây cũng là cách viết hạn sử dụng hợp pháp được thay thế cho exp. Theo đúng ý nghĩa của cụm từ này là thời hạn cuối cùng để sử dụng mà sản phẩm còn giữ và đảm bảo được chất lượng.

    – PAO ( viết tắt cho Period After Opening): Thông thường hạn sử dụng sẽ được so với mốc thời gian là ngày sản xuất. Còn PAO là hạn sử dụng được tính từ ngày mở nắp. Đây là hạn sử dụng quan trọng và phổ biến đối với sản phẩm là các loại mỹ phẩm chăm sóc da, trang điểm. Ví dụ: PAO 10M có nghĩa là thời hạn an toàn để sử dụng sản phẩm là 10 tháng tính từ ngày mở nắp.

    Quy định về cách ghi hạn sử dụng trên bao bì sản phẩm

    Các điều kiện đối với việc ghi và in hạn sử dụng trên sản phẩm được quy định rõ tại Điều 14 Nghị định 43/2017/NĐ-CP như sau:

    – Hạn sử dụng của hàng hóa phải được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm tính theo lịch dương. Các trường hợp ghi exp theo thứ tự khác cần có chú thích bằng tiếng Việt giải thích thứ tự đó.

    – Phải ghi các số chỉ ngày, tháng, năm bằng số có hai chữ số, số chỉ năm được phép ghi bằng bốn chữ số. Phải ghi các số chỉ ngày, tháng, năm có cùng một mốc thời gian trên cùng một dòng.

    – Hạn sử dụng phải được ghi đầy đủ bằng chữ hoặc “hạn dùng” trên nhãn. Có thể ghi tắt bằng chữ in hoa là: “HSD”, “HD”;

    – Trường hợp hàng hóa bắt buộc phải ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng theo quy định tại Phụ lục I của Nghị định này mà nhãn hàng hóa đã ghi ngày sản xuất thì hạn sử dụng được phép ghi là khoảng thời gian kể từ ngày sản xuất và ngược lại nếu nhãn hàng hóa đã ghi hạn sử dụng thì ngày sản xuất được phép ghi là khoảng thời gian trước hạn sử dụng.

    – Đối với hàng hóa được san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại phải thể hiện ngày san chia, sang chiết, nạp, đóng gói lại và hạn sử dụng phải được tính từ ngày sản xuất được thể hiện trên nhãn gốc.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/nguoi-tieu-dung-can-luu-y-ve-noi-dung-han-su-dung-ghi-tren-nhan-co-trong-bao-bi-thuc-pham-d220447.html

    Những chất độc hại tiềm ẩn trong khói thịt nướng có thể gây ung thư

    Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCI) khẳng định khói từ thịt nướng là chất gây ung thư thuộc nhóm 1, nghĩa là nhóm có bằng chứng rõ ràng về khả năng gây ung thư cho con người.

    Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) và Viện Ung thư quốc gia Hoa Kỳ (NCI) khẳng định khói thịt nướng chứa nhiều chất độc hại, đặc biệt là hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) và amin dị vòng (HCAs) có khả năng gây ung thư.

    Khói thịt nướng gây hại cho con người qua hai cách. Một là tác động đến gene gây đột biến gene, khiến tế bào ung thư hình thành và phát triển. Hai là làm suy yếu hệ miễn dịch khiến cơ thể dễ dàng bị các tế bào ung thư khác tấn công. Chất thứ nhất là hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) hình thành khi đốt cháy than, gỗ, dầu và khí đốt ở nhiệt độ cao. Khi nướng thịt, PAHs trong khói bám vào bề mặt thịt và được nạp vào cơ thể khi ăn.

    PAHs gây tổn thương gene DNA, dẫn đến đột biến gene và hình thành tế bào ung thư, đồng thời làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây ung thư khác.


    Khói thịt nướng chứa nhiều chất độc hại. Ảnh minh họa

    Chất thứ hai là amin dị vòng (HCAs) hình thành khi protein trong thịt, đặc biệt là thịt đỏ, phân hủy ở nhiệt độ cao. HCAs cũng gây tổn thương DNA và dẫn đến đột biến gene, làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng, trực tràng, vú và tuyến tiền liệt.

    Ngoài PAHs và HCAs, khói thịt nướng còn chứa nhiều chất độc hại khác có khả năng gây ung thư như benzen gây ung thư máu, đặc biệt là bệnh bạch cầu. Formaldehyde gây ung thư da, mũi và họng. Dioxin gây ung thư gan, da và hệ thống miễn dịch. Furan gây ung thư gan và phổi.

    Ngoài ra bụi mịn PM2.5 là những hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 2.5 micromet, có thể đi sâu vào phổi và vào máu. Khi hít phải bụi mịn PM2.5, cơ thể sẽ kích hoạt phản ứng viêm, dẫn đến các triệu chứng như ho, khó thở, tức ngực, đau họng, chảy nước mũi và mệt mỏi, hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, bệnh tim mạch, ung thư phổi. May mắn là cơ thể chúng ta có thể tự đào thải một lượng PAHs và HCAs nhất định, nhưng nếu nạp vào quá nhiều và nạp vào liên tục hằng ngày thì chúng sẽ tích tụ trong cơ thể và gây hại cho sức khỏe.

    Tại Thái Lan từ nhiều năm trước Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Thái Lan đã cảnh báo các quầy hàng bán xiên thịt nướng ven đường là mối nguy hiểm cho sức khỏe của người bán cũng như người mua.

    Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Thái Lan cho biết, cả người bán và người mua đều có thể gặp những rủi ro như chảy nước mắt, các vấn đề về hô hấp.

    Một nghiên cứu của Cục Kiểm soát ô nhiễm thuộc Bộ Tài nguyên thiên nhiên và Môi trường Thái Lan cho thấy khói từ các lò nướng thịt có chứa nhiều hợp chất hữu cơ dễ bay hơi với tỉ lệ từ 168 đến 441 phần triệu.

    Cục này nhấn mạnh: “Lượng hợp chất hữu cơ này có thể không cao so với khói từ đốt nhang và khí thải, nhưng tiếp xúc lâu dài có thể gây hại cho sức khỏe”.

    Thông tin thêm về tác hại từ khói thịt nướng, bác sĩ Đặng Ngọc Hùng, Viện trưởng Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng cho biết, khói thịt nướng không đơn giản như chúng ta vẫn thường nghĩ. Theo đó, khi nướng thịt trên than, mỡ của thịt sẽ chảy xuống than hồng, hình thành các phân tử hydrocarbon thơm đa vòng (PAH), tạo thành khói rất có hại cho sức khỏe, có thể làm tăng nguy cơ ung thư.

    Tương tự, khi nướng trong lò ở nhiệt độ 80- 100 độ C, chất creatin trong thịt sẽ trở thành amin thơm dị vòng (HAC), chất này cũng có hại cho sức khỏe. Chính vì thế, khói từ thịt nướng tưởng chừng như vô hại nhưng chúng lại gây ảnh hưởng tới môi trường cũng như gây hại cho người hít phải chúng. Chưa kể, khói từ than vốn sinh ra nhiều khí độc, người trực tiếp nướng thịt, khách hàng, hay thậm chí là người đi đường, nếu thường xuyên tiếp xúc với khói rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.

    Do đó, trong trường hợp nếu muốn ăn, khi vào các quán nướng, người dân cần ngồi ở những vị trí không bị ảnh hưởng của khói nướng thịt. Với người làm công việc nướng thịt cũng có thể dùng quạt để điều chỉnh hướng khói không bay vào người, đồng thời đeo khẩu trang dày dặn để hạn chế hít phải các làn khói này.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/my-canh-bao-khoi-thit-nuong-chua-nhieu-chat-doc-hai-d220442.html

    Lỗ hổng Telegram tấn công máy tính hệ điều hành Windows

    Trên ứng dụng nhắn tin Telegram, một lỗ hổng nguy hiểm đang tồn tại, có khả năng ảnh hưởng đến người dùng máy tính sử dụng hệ điều hành Windows.

    Cảnh báo 9 lỗ hổng bảo mật gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới các sản phẩm của Microsoft
    Tập đoàn Intel đưa ra cảnh báo về 34 lỗ hổng đe dọa đến an toàn thông tin người dùng
    Theo thông tin từ tổ chức Chống lừa đảo – Dự án của Việt Nam nhằm hỗ trợ người dùng kiểm tra độ tin cậy của các website và ngăn chặn truy cập vào các website không an toàn, bảo vệ người dùng trên môi trường trực tuyến, lỗ hổng trên ứng dụng nhắn tin Telegram này bắt nguồn từ việc lập trình viên để sót lỗi chính tả khi nhập câu lệnh ở phần mở rộng extension zipapp python. Cụ thể, thay vì gõ “pyzw”, lỗi đánh máy khiến câu lệnh thay đổi thành “pywz”, mở ra cơ hội cho tin tặc thực thi mã khai thác tấn công mà không cần sự cho phép của người dùng.


    Lỗ hổng trên Telegram ảnh hưởng đến máy tính Windows. Ảnh minh họa.

    Đại diện của tổ chức Chống lừa đảo cho biết, mặc dù lỗi đánh máy có vẻ nhỏ nhưng tác động của nó là lớn, cho phép tin tặc thực hiện các cuộc tấn công nhằm chiếm quyền kiểm soát máy tính Windows. Tin tặc có thể giấu các tệp thực thi dưới nhiều loại định dạng khác nhau, bao gồm cả ảnh hoặc video được gửi đến người dùng thông qua tin nhắn trên Telegram.

    Đáng chú ý, trên một số phiên bản Telegram Windows, việc tải xuống các tệp này có thể diễn ra tự động, khiến người sử dụng trở nên hoàn toàn bất động trước các cuộc tấn công từ tin tặc.

    Thực tế vừa qua, đã có một số cảnh báo về lỗ hổng này của Telegram trên diễn đàn tin tặc Nga. Đây là lỗ hổng Zero-day (lỗ hổng chưa từng được biết đến). Nó có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau. Thậm chí đã có mã khai thác được chia sẻ trên nhóm kín. Do vậy, lỗ hổng này rất nguy hiểm.

    Do đó, chuyên gia an ninh mạng khuyến nghị, để đảm bảo an toàn, người dùng Telegram, đặc biệt là trên máy tính Windows, cần chủ động tắt tính năng tự động tải xuống video, ảnh và không tải xuống tệp tin ảnh hoặc video từ người lạ hoặc từ các nhóm, kênh công khai.

    Để thực hiện điều này, người dùng có thể truy cập phần “Cài đặt” (Settings) của ứng dụng Telegram, chọn mục “Dữ liệu và lưu trữ” (Data and storage), và tắt tính năng tự động tải xuống cho các loại phương tiện như “Ảnh”, “Video” và “Tệp” trong mục “Tự động tải xuống phương tiện” (Automatic media download).

    Về phía Telegram cũng đã tung ra bản cập nhật nhằm vá lỗi nghiêm trọng. Người dùng Telegram được khuyến nghị tải về ngay bản cập nhật này để bảo vệ bản thân khỏi các cuộc tấn công khai thác lỗ hổng này.

    Duy Trinh (t/h)
    https://vietq.vn/lo-hong-telegram-tan-cong-may-tinh-he-dieu-hanh-windows-d220431.html