27 C
Hanoi
Thứ Bảy, Tháng 5 10, 2025
More
    Home Blog Page 3

    Những đồ uống giúp hỗ trợ bảo vệ sức khỏe tim mạch khi trời nóng

    Theo chuyên trang sức khỏe của Mỹ, trong những ngày nắng nóng có rất nhiều loại đồ uống giúp hỗ trợ bảo vệ tim mạch rất tốt nên thường xuyên bổ sung.

    Các chuyên gia khuyến cáo sử dụng đồ uống có đường tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa
    Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ, các bệnh lý tim mạch có khả năng gây tử vong cao nếu người bệnh không chú ý đến việc thăm khám, điều trị và thay đổi thói quen sinh hoạt. Một trong những điều quan trọng nhất khi thời tiết nắng nóng là giữ cho cơ thể đủ nước. Mất nước có thể gây áp lực lên hệ tim mạch, dẫn đến tăng nhịp tim và huyết áp giảm.

    Một số loại thức uống tự nhiên không chỉ giúp giải nhiệt mà còn giúp duy trì sức khỏe tim mạch lâu dài. Các dưỡng chất có lợi trong những loại thức uống này giúp hỗ trợ lưu thông máu, điều hòa huyết áp và cung cấp dồi dào chất chống ô xy hóa.

    Nước lọc

    Loại nước uống đầu tiên cần nhắc đến là nước lọc. Nước lọc cực kỳ quan trọng giúp duy trì thể tích máu và điều hòa thân nhiệt, đặc biệt là khi thời tiết nóng bức. Uống đủ nước giúp tim không phải làm việc quá sức để bơm máu đi khắp cơ thể. Khi cơ thể được cung cấp đủ nước, huyết áp cũng được giữ ở mức ổn định, ngăn ngừa các tình trạng liên quan đến tim mạch và say nắng. Ngoài ra, uống nước thường xuyên còn hỗ trợ thải độc và cải thiện chức năng trao đổi chất. Đây là những yếu tố gián tiếp giúp bảo vệ trái tim khỏe mạnh.

    Nước dừa rất tốt cho tim mạch

    Nước dừa là nguồn cung cấp điện giải tự nhiên dồi dào, đặc biệt là kali, magiê và canxi. Những khoáng chất này rất cần thiết cho hoạt động của tim. Chẳng hạn, kali giúp điều hòa huyết áp bằng cách làm giảm tác động của natri, trong khi magiê giúp duy trì nhịp tim ổn định. Một số nghiên cứu cho thấy nước dừa có thể giúp hạ huyết áp nhẹ và cải thiện cholesterol trong máu.


    Nước dừa là loại đồ uống tốt cho tim mạch. Ảnh minh họa

    Nước ép củ dền

    Củ dền chứa nhiều nitrat tự nhiên, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành nitric oxide. Đây là hợp chất giúp giãn nở mạch máu, cải thiện tuần hoàn và giảm huyết áp. Nhiều nghiên cứu cho thấy uống nước ép củ dền thường xuyên sẽ giúp cải thiện hiệu suất vận động. Ở người lớn tuổi, nước ép củ dền còn có tác dụng hạ huyết áp. Tuy nhiên, những người bị sỏi thận hoặc huyết áp thấp nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước đưa nước ép củ dền vào chế độ ăn uống hằng ngày.

    Nước ép dưa hấu

    Nước ép dưa hấu không chỉ mát lạnh mà còn chứa một loại a xít amin gọi là citrulline. Chất này có tác dụng tăng sản xuất nitric oxide trong cơ thể, từ đó làm giãn mạch máu và giảm huyết áp. Dưa hấu cũng rất giàu nước, giúp cơ thể bù nước nhanh chóng, đồng thời chứa chất chống ô xy hóa lycopene rất có lợi cho tim mạch.

    Một số loại trà phổ biến

    Bệnh viện Medlatec cũng thông tin, đối với những người mắc bệnh tim mạch nên bổ sung một số lọai trà như trà đen, trà xanh, trà gừng. Đối với lá trà đen, đây là lá trà tươi được thu hoạch về, sơ chế, phơi khô hoặc sấy khô. Với hàm lượng chất chống oxy hóa dồi dào, trà đen là thức uống mà người mắc bệnh tim mạch không thể bỏ qua. Pha trà đen với nước nóng rồi uống hàng ngày sẽ giúp cải thiện quá trình tuần hoàn máu, giảm cholesterol trong máu, phòng ngừa đột quỵ.

    Trà xanh được thu hoạch về, sơ chế và đem đi sử dụng ngay, không trải qua quá trình sấy hay phơi khô. Uống trà xanh mỗi ngày có tác dụng giảm nguy cơ hình thành cục máu đông, kiểm soát lượng cholesterol trong máu và chống viêm.

    Trà gừng cũng là thức uống không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn giúp tăng cường miễn dịch, cải thiện hô hấp,… chỉ cần chuẩn bị một cốc nước nóng, cho vào vài lát gừng tươi là có thể sử dụng ngay. Thức uống này có tác dụng giảm cholesterol trong máu, ngăn ngừa chất béo bám và tích tụ trong mạch máu.

    Ngoài việc bổ sung các loại đồ uống thì người bệnh cần tuân thủ ăn uống khoa học, tránh xa chất béo xấu là những chất béo có trong bánh ngọt, kem, bơ,… Những chất béo này khiến cholesterol xấu trong máu tăng cao, gây tắc nghẽn mạch vành, dẫn đến các biến chứng tim mạch. Do đó, bạn cần tránh tiêu thụ, thay vào đó là tăng cường chất béo lành mạnh trong cá hồi, dầu ô liu, hạt lanh, hạt óc chó,… để giảm nguy cơ mắc bệnh. Tập thể dục đều đặn, nói không với thuốc lá.

    Quy chuẩn Quốc gia QCVN 6-2:2010/BYT về đồ uống không cồn

    Quy chuẩn này yêu cầu chất lượng nước sử dụng để chế biến đồ uống không cồn. Nước sử dụng để chế biến đồ uống không cồn phải đáp ứng các yêu cầu theo QCVN 01:2009/BYT về chất lượng nước ăn uống được ban hành kèm theo Thông tư số 04/2009/TT-BYT ngày 17/6/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế.

    Yêu cầu giới hạn tối đa các chất nhiễm bẩn, chỉ tiêu vi sinh vật, phụ gia thực phẩm được quy định tại quy chuẩn này. Có thể sử dụng các phương pháp thử có độ chính xác tương đương với các phương pháp quy định kèm theo các chỉ tiêu trong quy chuẩn này. Số hiệu và tên đầy đủ của phương pháp lấy mẫu và các phương pháp thử được quy định tại Phụ lục III của quy chuẩn này.

    Trong trường hợp cần kiểm tra các chỉ tiêu chưa quy định phương pháp thử tại quy chuẩn này, Bộ Y tế sẽ quyết định căn cứ theo các phương pháp hiện hành trong nước hoặc ngoài nước đã được xác nhận giá trị sử dụng. Việc ghi nhãn các sản phẩm đồ uống không cồn phải theo đúng quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hoá và các văn bản hướng dẫn thi hành.

    Vân Thảo (T/h)

    https://vietq.vn/nhung-loai-do-uong-giup-ho-tro-bao-ve-suc-khoe-tim-mach-khi-troi-nong-d232460.html

    Những lưu ý cần nằm lòng khi mua xe ô tô cũ ít sử dụng

    Những chiếc ô tô cũ ít sử dụng thường tạo cảm giác yên tâm nhờ vẻ ngoài còn mới và nội thất sạch sẽ. Tuy nhiên, việc không vận hành thường xuyên có thể khiến nhiều bộ phận xuống cấp âm thầm.

    Nhiều người mua ô tô nhưng lại rất ít khi sử dụng, dẫn đến tình trạng xe nằm im trong garage suốt thời gian dài. Những chiếc xe ô tô cũ ít sử dụng này thường có số kilomet thấp, ngoại hình gần như mới và nội thất ít xuống cấp, khiến người mua lại dễ có cảm giác yên tâm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy ô tô ít vận hành thường tiềm ẩn không ít rủi ro kỹ thuật nếu không được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi mua.

    Ô tô sở hữu hệ thống cơ khí phức tạp, bao gồm nhiều bộ phận như hệ dẫn động, hệ thống bôi trơn, hệ thống điện điều khiển, làm mát… Các chi tiết này đều cần hoạt động định kỳ để duy trì trạng thái ổn định và vận hành trơn tru.

    Đối với những chiếc xe cũ ít sử dụng, hệ thống điện, đặc biệt là ắc-quy là những thành phần đầu tiên cần được kiểm tra. Khi không được sạc thường xuyên, ắc-quy có thể hư hỏng, yếu điện, dẫn đến khó khởi động xe hoặc không cấp đủ nguồn cho các hệ thống khác.

    Ngoài ra, các giắc cắm, mối nối điện có thể bị oxy hóa, ẩm mốc, làm phát sinh lỗi cảm biến, chập mạch, khiến đèn cảnh báo bật sáng liên tục hoặc hệ thống điện tử hoạt động chập chờn. Bên cạnh đó, lốp xe để lâu không vận hành dễ bị nứt, biến dạng hoặc mất độ đàn hồi dù gai lốp vẫn còn tốt. Hệ thống phanh cũng có nguy cơ bị kẹt, rỉ sét má và đĩa phanh nếu không sử dụng thường xuyên, làm tăng nguy cơ bó cứng khi vận hành.

    Giảm xóc và các khớp nối cơ khí trong hệ thống treo cũng cần được kiểm tra kỹ để phát hiện dấu hiệu rò rỉ dầu, nứt cao su hoặc lỏng lẻo các liên kết bên trong.

    Khu vực khoang động cơ ô tô cũ là nơi cần đặc biệt chú ý. Dầu động cơ nếu để lâu không thay có thể bị xuống màu, mất độ nhớt hoặc có mùi khét – dấu hiệu cho thấy dầu đã hư hỏng. Nước làm mát không được thay định kỳ có thể hình thành cặn, gây tắc két nước hoặc ăn mòn hệ thống làm mát. Dây cu-roa nếu xuất hiện vết nứt, bị chùng cũng cần được thay mới để tránh đứt bất ngờ khi xe đang vận hành.


    Một chiếc ô tô cũ ít sử dụng không đồng nghĩa với tình trạng kỹ thuật còn tốt. Thậm chí, nhiều chi tiết cơ khí và điện tử có thể đã xuống cấp.

    Bình xăng cũng là yếu tố không nên bỏ qua. Nhiên liệu cũ có thể đóng cặn, gây tắc nghẽn bơm xăng hoặc kim phun, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất động cơ.

    Bên trong cabin, các thiết bị như hệ thống điều hòa, nút bấm, màn hình cảm ứng, camera lùi và cảm biến đỗ xe cũng có nguy cơ gặp lỗi sau thời gian dài không sử dụng. Người mua nên kiểm tra kỹ khả năng làm lạnh của điều hòa ở nhiều chế độ, cũng như thử vận hành các thiết bị điện tử để phát hiện kịp thời hỏng hóc tiềm ẩn.

    Cùng với đó, các chuyên gia hướng dẫn, khi đi mua ô tô cũ là tiếp cận và gặp gỡ với người bán, chủ nhân của chiếc xe. Đây là thời điểm bạn cần tranh thủ để hỏi han, tìm hiểu về lý lịch và quá trình sử dụng của chiếc xe (xe mua khi nào, sử dụng mục đích gì, có “tiền sử” đâm đụng, thủy kích hay không, vì sao muốn bán xe…). Một điều quan trọng hơn nữa là người mua cần xem kỹ các giấy tờ, pháp lý về xe từ tên đăng ký trong giấy tờ có chính xác không? Các loại giấy tờ đã đầy đủ chưa? Biển số xe có đồng nhất với giấy tờ không?…

    Sau khi đã hoàn tất các thủ tục và tìm hiểu về lý lịch xe, bước tiếp theo cần làm là kiểm tra chất lượng xe, bắt đầu từ ngoại thất. Dĩ nhiên, ở vị thế của người bán xe, thông thường không ai mang một chiếc xe có tổng thể móp méo hay trầy xước nặng ra chào bán. Thay vào đó, chủ xe thường “tân trang” lại cho bắt mắt. Tuy nhiên, dù có kỹ càng đến đâu thì vẫn có những vị trí mà cả thợ lành nghề trong lĩnh vực này cũng không để ý hoặc không thể khắc phục. Ví dụ các điểm ghép nối ở phần đầu xe, đuôi xe, hốc bánh, mép cửa và thân xe. Nếu thấy có hiện tượng khe hở không đồng đều nghĩa là xe đã bị gò hàn lại.

    Tương tự ngoại thất, bên trong ca-bin, người mua cũng nên chú ý các chi tiết nhỏ. Đầu tiên là các nút bấm chức năng trên vô-lăng. Nếu xe dùng nhiều, nút này có thể sẽ bị mòn hoặc bong tróc. Kế đến là dây đai an toàn. Nên kéo hết dây đai an toàn để xem nó có bị ngả màu không. Ngoài ra, cần chú ý các đường chỉ khâu, vân da trên ghế, bảng táp lô, bệ cửa… Nếu xe ít sử dụng vân da ghế sẽ không bị đen, bề mặt da căng đàn hồi tốt.

    Sau khi đã xem xét và kiểm tra các chi tiết bằng mắt thường, bước cuối cùng để thẩm định một chiếc ô tô cũ chính là trực tiếp lái thử xe. Theo đó, ngay khi bật chìa khóa khởi động, hãy chú ý đến các loại đèn báo xem có hoạt động bất thường không? Ví dụ mở khóa nhưng các đèn báo không sáng hoặc sáng lên nhưng không tắt đi, đèn túi khí nhấp nháy…

    Một chiếc ô tô cũ ít sử dụng không đồng nghĩa với tình trạng kỹ thuật còn tốt. Thậm chí, nhiều chi tiết cơ khí và điện tử có thể đã xuống cấp nghiêm trọng. Người mua cần tỉnh táo, trang bị kiến thức kiểm tra cơ bản hoặc tìm đến garage, xưởng dịch vụ uy tín để đánh giá chính xác tình trạng xe trước khi xuống tiền.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/nhung-luu-y-can-nam-long-khi-mua-xe-o-to-cu-it-su-dung-d232412.html

    Các chuyên gia khuyến cáo sử dụng đồ uống có đường tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa

    Theo số liệu của Bộ Y tế, lượng tiêu thụ đường ở nước ta tăng lên gấp 7 lần trong 15 năm qua. Đường sử dụng trong các sản phẩm đồ uống công nghiệp hiện nay thường gây nghiện thậm chí còn gia tăng rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng.

    Một nghiên cứu mới từ Viện Nghiên cứu Cơ bản Tata (TIFR) của Ấn Độ đã cho thấy, việc tiêu thụ đồ uống có đường không chỉ làm tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường mà còn dẫn đến tình trạng rối loạn chuyển hóa nghiêm trọng.

    Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình tiền lâm sàng trên chuột có mô phỏng chặt chẽ thói quen tiêu thụ của con ngườ cho thấy việc tiêu thụ nước đường sucrose (10%) trong thời gian dài có thể làm thay đổi các quá trình sinh lý, phân tử và chuyển hóa quan trọng trong cơ thể, từ đó thúc đẩy sự khởi phát của các bệnh như tiểu đường và béo phì.

    Nghiên cứu này cung cấp những hiểu biết quan trọng về cách thức tiêu thụ đồ uống có đường kéo dài, ngay cả ở mức độ phổ biến đối với con người, có thể làm rối loạn các quá trình sinh lý trong cơ thể. Điểm đặc biệt của nghiên cứu là sự tích hợp các cơ chế phân tử đặc trưng cho từng cơ quan, mang đến một cái nhìn toàn diện về tác động của đồ uống có đường vào sự phát triển của béo phì, tiểu đường và các rối loạn chuyển hóa khác.

    Dữ liệu từ Liên Hợp quốc và Cơ sở Dữ liệu Dinh dưỡng Toàn cầu, cùng với các nghiên cứu trên quy mô dân số do các tổ chức như NHS, NIH và nhiều tổ chức khác thực hiện, đã chỉ ra sự gia tăng đáng báo động trong việc tiêu thụ đồ uống có đường trên toàn cầu, bao gồm cả Ấn Độ. Chính vì vậy, những phát hiện từ nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng, góp phần vào nỗ lực chung nhằm giảm thiểu các rối loạn chuyển hóa do tiêu thụ đồ uống có đường quá mức.


    Đồ uống có đường gây ra tình trạng chuyển hóa nghiêm trọng cần tránh lạm dụng. Ảnh minh họa

    Các nhà nghiên cứu đã sử dụng mô hình thí nghiệm trên chuột, trong đó chuột được cho uống nước sucrose 10%, tương tự như chế độ tiêu thụ đồ uống có đường ở con người. Sau đó, họ tiến hành phân tích chi tiết các phản ứng phân tử, tế bào và chuyển hóa trong nhiều mô khác nhau, bao gồm gan, cơ và ruột non, dưới cả hai trạng thái ăn no và nhịn đói. Nghiên cứu đã cho thấy nhiều phát hiện quan trọng như:

    Nghiên cứu phát hiện rằng ruột non đóng vai trò quan trọng trong sự mất cân bằng đường huyết toàn thân. Việc tiêu thụ quá nhiều sucrose dẫn đến một dạng “nghiện phân tử” trong niêm mạc ruột, khiến cơ thể hấp thụ glucose (đường hexose) quá mức so với các chất dinh dưỡng thiết yếu khác như axit amin và chất béo. Sự mất cân đối trong hấp thụ chất dinh dưỡng này gây rối loạn chuyển hóa năng lượng, đồng thời làm trầm trọng thêm sự suy giảm chức năng của gan và cơ bắp.

    Liên quan tới tình trạng sử dụng đồ uống có đường TS.BS Bùi Thị Mai Hương, Viện Dinh dưỡng quốc gia cho biết, kết quả nghiên cứu trên gần 2000 người về thói quen sử dụng nước ngọt có gas cho thấy, trên 57% có thói quen uống nước ngọt có gas. Trong đó, 13% nam giới được hỏi và có uống nước ngọt có gas cho biết, mỗi ngày gần 16% uống 5-6 lần/tuần, gần 29% uống 3-4 lần/tuần. Ở nữ giới, tỉ lệ tuy có thấp hơn nhưng cũng có đến hơn 10% uống mỗi ngày.

    Theo báo cáo của tổ chức WHO năm 2023, đường tự do (đường tự nhiên) góp phần vào mật độ năng lượng chung của chế độ ăn uống và lượng đường tự do cao hơn sẽ đe dọa chất lượng dinh dưỡng của chế độ ăn uống bằng cách cung cấp năng lượng đáng kể mà không có chất dinh dưỡng cụ thể, dẫn đến tăng cân không lành mạnh và tăng nguy cơ béo phì cũng như nhiều bệnh không lây nhiễm khác, đặc biệt là các bệnh về răng miêng- bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất trên toàn cầu.

    “Khi đường trong máu tăng, tuyến tụy giải phóng insulin, insulin đưa glucose vào các tế bào, gây tình trạng tích trữ chất béo. Insulin cũng tham gia ức chế quá trình đốt cháy chất béo và làm tăng đột biến kích thích tăng lượng thức ăn vào bữa ăn tiếp theo. Vì vậy, insulin gây bệnh tiểu đường, béo phì, dẫn đến bệnh tim, các vấn đề về khớp, huyết áp cao, hôn mê tăng đường huyết”, TS Mai Hương chia sẻ.

    Chuyên gia dinh dưỡng này cũng chỉ ra, chế độ ăn nhiều đường cũng có thể dẫn đến lượng glucose dư thừa trong não, ảnh hưởng đến trí nhớ cũng như các khiếm khuyết về nhận thức. Thậm chí, đường có hại cho não còn do ảnh hưởng đến một số chất dẫn truyền thần kinh, có thể dẫn đến nghiện đường. Sử dụng nhiều đường cũng là nguyên nhân gây bệnh mạn tính không lây.

    ‎Theo khuyến nghị sử dụng đường của tổ chức WHO, cả người lớn và trẻ em đều nên giảm lượng đường tự do hấp thụ xuống dưới 10% tổng lượng năng lượng hấp thụ. Trong đó, giảm lượng đường bằng cách giảm cho đường vào các đồ uống và thực phẩm bao gồm ngũ cốc, cà phê hoặc trà hoặc lựa chọn thực phẩm không đường, giảm đường để giảm dần lượng đường cho đến khi thích nghi.

    Người dân cũng có thể thay thế uống đường bằng nước lọc là tốt nhất hoặc thay thế bằng đồ uống ăn kiêng, trà đá không đường và các loại đồ uống không đường khác có hương vị cũng có thể là lựa chọn tốt hơn.

    Theo chuyên gia về dinh dưỡng của Tập đoàn TH, khi muốn sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng, người tiêu dùng cần so sánh nhãn thực phẩm và chọn các sản phẩm có lượng đường bổ sung thấp nhất. Trong đó, các sản phẩm từ sữa và trái cây sẽ chứa một số loại đường tự nhiên hoặc tăng cường thực phẩm bằng gia vị ấm thay vì tất cả lượng đường bổ sung, như dùng gừng, hạt tiêu Jamaica, quế hoặc hạt nhục đậu khấu.

    Đường sử dụng trong các sản phẩm đồ uống công nghiệp hiện nay thường gây nghiện, tức là đã uống thì sẽ có xu hướng sử dụng nhiều hơn trong các lần sau. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ sử dụng nhiều đường hơn để tăng sự hấp dẫn với người tiêu dùng. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách tiêu dùng, để bảo vệ sức khoẻ của chính mình và gia đình.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/cac-chuyen-gia-khuyen-cao-su-dung-do-uong-co-duong-tung-nguy-co-roi-loan-chuyen-hoa-d232248.html

    Tránh tin tưởng lời quảng cáo trên mạng về “nước thần” chữa bách bệnh

    Hiện nay có rất nhiều người tin lời quảng cáo trên mạng xã hội về việc nấu chanh, mía, sả, gừng, muối biển làm nước uống hằng ngày có thể chữa bệnh, bảo vệ tế bào tuy nhiên theo các chuyên gia không nên tin tưởng.

    Gần đây, trên mạng xã hội lan truyền trào lưu uống nước chanh, mía, sả, gừng thêm chút muối biển với lời đồn thổi “chữa bách bệnh”. Đơn cử, một người tự nhận là lương y T.Đ.C với hơn 300.000 người theo dõi đã khen ngợi hết lời loại nước trên.

    Theo như lời lương y tên thì công dụng của bài chanh, mía, sả, gừng gần như bao trùm hết tất cả các thể loại bệnh tật vì kiềm hóa cơ thể, gọi máu về, mặc áo giáp cho tế bào, cân bằng nội môi và ngoại môi tế bào giúp quá trình trao đổi chất, hấp thu chất dinh dưỡng và đào thải độc tố diễn ra mượt mà và chất lượng hơn.

    Trước thông tin trên, tiến sĩ Nguyễn Hồng Vũ từng là nghiên cứu y sinh tại Viện Nghiên cứu City of Hope (Mỹ) cho rằng các quảng cáo về công dụng chanh, mía, sả, gừng, muối biển đang bị thần thánh hóa. Với thông tin loại nước này “bao trùm hết tất cả các loại bệnh tật”, “uống thay nước lọc mỗi ngày”, ông Vũ lo ngại các nguy cơ biến chứng rất lớn nếu người dân uống hằng ngày mà không có tư vấn của người có chuyên môn.

    Thực tế, chị Nguyễn Ngọc Anh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ mẹ của mình bị tăng huyết áp nhẹ uống theo công thức này và bỏ thuốc huyết áp. Sau 1 tháng, huyết áp tăng lên 140-150mmHg nhưng bà vẫn tiếp tục dùng loại nước đó. Ba ngày sau, huyết áp của bà tăng 210mmHg ảnh hưởng dây thần kinh, tai ù không nghe được gì phải đi khám. Tại bệnh viện, bác sĩ lập tức chỉ định hạ huyết áp kịp thời cho nữ bệnh nhân, không để lại biến chứng nguy hiểm.


    Không nên tin tưởng mù quáng vào những loại nước được gọi là ‘thần thánh’ từ chanh, sả, gừng. Ảnh minh họa

    Còn theo lương y Đỗ Minh Tuấn – Hội Đông y Hà Nội cho biết, công thức chanh, mía, sả, gừng, muối được đánh giá cao trong Đông y vì tác dụng dưỡng sinh có đủ 5 vị điều hòa âm dương tuy nhiên, theo lương y Tuấn không nên thần thánh hóa công thức trên có thể chữa bách bệnh.

    Những người không hợp như bị huyết áp thấp, có vấn đề về đường huyết (mía có lượng đường tự nhiên khá cao), dạ dày yếu, dễ kích ứng. Người có cơ địa âm hư hỏa vượng – cơ thể hay nóng trong, táo bón, mất ngủ cũng được khuyến cáo không dùng.

    Ông Đỗ Minh Tuấn khẳng định, không có bài thuốc nào là vạn năng, không có công thức nào có thể thay thế hoàn toàn lối sống lành mạnh. Thực tế, một số bệnh nhân đã uống rất nhiều loại nước detox, ăn kiêng theo xu hướng nhưng vẫn mắc bệnh vì họ chỉ chăm chăm vào một công thức được mách bảo và quên mất sự cân bằng tổng thể.

    Cách tốt nhất để thải độc, bảo vệ sức khỏe là ăn uống cân bằng, không lạm dụng bất cứ thực phẩm nào. Tập thể dục thường xuyên, vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng, hạn chế thức khuya.

    “Người dân không nên tin vào ‘thần dược’, chạy theo trào lưu bởi bất cứ thực phẩm nào cũng có giới hạn. Công thức nước chanh, mía, sả, gừng, muối nếu uống cần kiểm soát, theo dõi cơ thể, không lạm dụng”, lương y Tuấn nói.

    Thông tin thêm về loại nước trên, dược sĩ Trần Xuân Thuyết (nguyên dược sĩ cao cấp Công ty Dược liệu Trung ương I) cho biết, không có bằng chứng hay nghiên cứu khoa học nào khẳng định chỉ uống nước chanh, mía, sả, gừng… sẽ chữa khỏi được bệnh, kể cả bệnh suy thận. Ngoài ra, nước mía rất ngọt, chứa nhiều đường, đường lại thuộc top thực phẩm “cần hạn chế” của những người mắc bệnh tiểu đường. Vì vậy những bệnh nhân có tiền sử mắc căn bệnh này tốt nhất không nên uống nước mía để duy trì lượng đường huyết trong cơ thể luôn ở mức ổn định, tránh để bệnh càng thêm trầm trọng.

    Dược sĩ Trần Xuân Thuyết phân tích, gừng là vị thuốc trong đông y để ôn ấm tỳ vị. Gừng có thể được sử dụng làm gia vị trong chế biến món ăn, hoặc làm mứt, pha trà gừng… Theo y học cổ truyền, dùng gừng vào buổi sáng có lợi cho sức khỏe nhưng dùng buổi tối đôi khi có hại cho sức khỏe. Sả cũng là vị thuốc trong đông y có tác dụng chủ yếu trên tỳ vị và cũng có tính ôn ấm. Chiết xuất từ cây sả ra được nhiều tinh dầu.

    Cũng đề cập đến vấn đề này, lương y Trần Văn Quảng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Đông y Việt Nam cho hay, trong Đông y, khi có bệnh phải đi khám chứ không được uống các bài thuốc chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng mà ‘tiền mất tật mang'”.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/tranh-tin-tuong-loi-quang-cao-tren-mang-ve-nuoc-than-tu-chanh-mia-sa-gung-muoi-bien-chua-bach-d232365.html

    Sữa kém chất lượng – hệ lụy đến sức khỏe và cách phân biệt hàng thật, hàng giả

    Sữa bột là một trong những nguồn dinh dưỡng quan trọng cho trẻ, cũng đem lại lợi nhuận khủng lồ, vì vậy, không ít gian thương đã không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng mà bất chấp để chuộc lợi.

    Sữa giả đang trở thành vấn nạn toàn cầu

    Mới đây, cơ quan chức năng kịp thời xử lý một vụ việc nghiêm trọng liên quan đến sản xuất sữa bột giả, trong đó 573 nhãn hiệu sản phẩm dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ mang thai có chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố.

    Vụ việc trên cho thấy tình trạng sản xuất và buôn bán sữa giả tại Việt Nam đang diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng và uy tín của các thương hiệu sữa uy tín. Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, tránh sử dụng để ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của bản thân cũng như người thân trong gia đình.

    Theo các chuyên gia y tế, sữa là dòng thực phẩm chăm sóc sức khỏe phổ biến, những dòng đặc thù thường được sử dụng cho những đối tượng có nhu cầu chăm sóc sức khỏe đặc biệt như trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người bệnh cần phục hồi thể trạng. Khi các sản phẩm này bị làm giả, không đạt tiêu chuẩn dinh dưỡng, thậm chí chứa chất phụ gia không rõ nguồn gốc, hậu quả với sức khỏe có thể rất nghiêm trọng.

    Sữa giả tiềm ẩn nhiều nguy cơ nguy hiểm đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ mang thai

    TS.BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Ứng dụng Việt Nam cảnh báo, các loại sữa bột kém chất lượng, không rõ nguồn gốc đang được bán tràn lan trên mạng xã hội và tại các hội thảo sức khỏe trá hình, có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người sử dụng.

    BS Sơn cho biết, những loại sữa này thường không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng hoặc các vitamin và khoáng chất như bảng thành phần trên vỏ hộp, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng, đặc biệt ở người già và trẻ nhỏ. Ngoài ra, quy trình sản xuất không đảm bảo vệ sinh có thể khiến sữa bị nhiễm vi khuẩn và nấm mốc, gây ra các vấn đề như rối loạn tiêu hóa, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, dị ứng, thậm chí ngộ độc.

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo: “Sữa công thức giả hoặc không đạt chuẩn an toàn vẫn hiện diện tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi việc kiểm soát thương mại điện tử còn nhiều kẽ hở”.

    Một nghiên cứu của Viện An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng Australia đã chỉ ra: Trẻ uống sữa bột không đạt chuẩn trong thời gian dài có nguy cơ tổn thương gan, thận, suy giảm miễn dịch, chậm phát triển thể chất và trí tuệ.

    Thậm chí, nếu sữa bị nhiễm khuẩn chéo, chứa tạp chất, hoặc có chất cấm như melamine – như vụ việc rúng động ở Trung Quốc năm 2008 – hậu quả có thể nghiêm trọng đến mức gây tử vong.

    Cách để phân biệt sữa thật – giả

    Theo bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, mặc dù không thể hoàn toàn xác định sữa giả – sữa thật bằng mắt thường, nhưng người tiêu dùng có thể lưu ý một số yếu tố sau.

    Màu sắc và độ mịn: Sữa thật thường có màu trắng ngà tự nhiên, bột mịn và đồng đều. Sữa giả có thể có màu lạ, bột thô hoặc vón cục.

    Mùi vị: Sữa thật có mùi thơm nhẹ, tự nhiên. Sữa giả có thể không mùi hoặc có mùi hóa chất.

    Khả năng hòa tan: Sữa thật tan đều trong nước ấm, không vón. Sữa giả thường nổi bột, khó tan, để lại nhiều cặn.

    Bao bì: Sản phẩm chính hãng có in ấn rõ ràng, sắc nét, đầy đủ thông tin theo quy định. Bao bì sữa giả thường bị mờ, lệch màu, thiếu thông tin bắt buộc.

    Bác sĩ Lợi khuyến cáo các phụ huynh nên chọn mua sữa tại các cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị có uy tín và rõ ràng về nguồn gốc; kiểm tra kỹ bao bì sản phẩm, tem chống giả, mã vạch, hạn sử dụng và tên nhà sản xuất; tránh mua sữa theo các hình thức bán hàng không chính thống như livestream, mạng xã hội, hoặc sản phẩm có giá thấp bất thường; nên ưu tiên những nhãn hiệu đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan y tế.

    Bảo Linh (t/h)
    https://vietq.vn/sua-kem-chat-luong—he-luy-den-suc-khoe-va-cach-phan-biet-that—gia-d232333.html

    Những lưu ý của chuyên gia khi dùng chảo chống dính

    Chảo chống dính từ lâu đã gây ra không ít tranh cãi có thể làm tăng nguy cơ ung thư và các mối nguy hiểm sức khỏe khác.

    Theo Nhóm Công tác Môi trường Mỹ, nhiều người có thói quen làm nóng chảo trước khi cho dầu hoặc thực phẩm vào nhưng điều này có thể nguy hiểm nếu áp dụng với chảo chống dính.

    Lớp phủ chống dính trên một số loại chảo là PTFE thường được gọi là Teflon bắt đầu phân hủy khi nhiệt độ vượt quá 260 độ C. Khi đó, các hợp chất hóa học có thể phát tán vào không khí dưới dạng khí độc, gây ra triệu chứng được gọi là “cúm Teflon” với biểu hiện như sốt nhẹ, ho khan, đau họng hoặc tức ngực.

    Theo Consumer Reports, sau mỗi lần nấu ăn, nếu thấy thực phẩm dính lại trên chảo, nhiều người có thói quen dùng búi sắt hoặc miếng chà nồi cứng để cọ mạnh cho sạch. Tuy nhiên, điều này dễ khiến lớp chống dính bị mài mòn, hình thành các vết trầy xước nhỏ mà mắt thường có thể không nhìn thấy. Những vết xước này sẽ khiến thức ăn bám lại nhiều hơn trong các lần nấu sau, đồng thời tạo điều kiện cho lớp phủ phân hủy nhanh hơn khi gặp nhiệt.

    Ngoài ra, một số loại chảo chống dính không nên rửa bằng máy rửa bát vì nhiệt độ cao và hóa chất tẩy rửa mạnh có thể khiến lớp phủ bong tróc nhanh chóng.

    Sau khi nấu ăn, để chảo nguội hẳn trước khi rửa. Dùng miếng bọt biển mềm hoặc khăn vải cùng với nước rửa bát dịu nhẹ. Nếu có vết bẩn khó tẩy, bạn có thể ngâm chảo trong nước ấm pha baking soda trong vài phút trước khi vệ sinh.

    Một sai lầm khác thường xảy ra phổ biến tại các hộ gia đình là đồ ăn thừa còn lại trong chảo sẽ để y nguyên và cất vào tủ lạnh để bữa sau tiếp tục dùng. Tuy cách này rất tiện lợi nhưng sẽ gây hư hỏng cho chảo, bởi thức ăn thường có độ ẩm, chứa nước không tốt cho bề mặt chống dính của chảo nếu để lâu.

    Thay vì giữ nguyên trong chảo, các gia đình có thể cất thức ăn còn thừa lại vào hộp bảo quản, đậy kín và để vào tủ lạnh, như vậy sẽ tốt hơn cho chảo chống dính và bảo quản thức ăn tốt hơn.


    Những điều cần tránh khi sử dụng chảo chống dính. (Ảnh minh họa).

    Bên cạnh đó, nhiều người lo ngại lớp phủ trên chảo, xoong chống dính gây mất an toàn trong nấu nướng, thậm chí làm tăng nguy cơ ung thư và các vấn đề về sức khỏe. Sự thực thành phần chất trong chảo chống dính tác hại thế nào, bác sĩ Nguyễn Xuân Tuấn – Giảng viên Trường đại học Y Dược, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, công thức Teflon nổi tiếng đến mức nhiều người đã gọi các loại chảo, nồi chống dính là Teflon.

    Thực tế không phải tất cả thành phần chống dính trong dụng cụ nấu ăn đều là Teflon. Mặc dù xuất hiện từ rất lâu nhưng Teflon vẫn gây ra những lo ngại tiềm ẩn đối với sức khỏe. Teflon là tên của một loại hóa chất tổng hợp được gọi là polytetrafluoroethylene (PTFE). Teflon được sử dụng như một lớp chống dính trên bề mặt nhiều loại sản phẩm vì nó không thấm nước và giúp giảm ma sát.

    Teflon được sử dụng từ những năm 1940 và xuất hiện trong nhiều vật dụng, từ bóng đèn nhiệt cho đến đồ bảo vệ vải. Bên cạnh đó, nó còn được ứng dụng vào công nghiệp, ô tô và dược phẩm. Tuy nhiên, công dụng quen thuộc nhất của Teflon có lẽ là lớp chống dính phủ trên bề mặt nồi và chảo, giúp việc nấu nướng và vệ sinh dụng cụ dễ dàng hơn rất nhiều.

    Theo bác sĩ Tuấn, mối quan tâm về dụng cụ nấu ăn như nồi chống dính và nguy cơ gây ung thư hoàn toàn không liên quan đến Teflon. Nguy cơ này liên quan đến axit perfluorooctanoic (PFOA) – một hóa chất được sử dụng trong quá trình sản xuất Teflon.

    Mặc dù PFOA từng được sử dụng để sản xuất Teflon nhưng kể từ năm 2013 trở đi, tất cả sản phẩm mang nhãn hiệu Teflon đều không chứa PFOA nữa. Có một số nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa PFOA và ung thư, nhưng mối liên hệ giữa Teflon và ung thư lại hoàn toàn không có căn cứ.

    Cần lưu ý thêm, lớp phủ chống dính cũng có thể giải phóng hóa chất độc hại vào không khí khi đạt đến nhiệt độ nhất định. Các nhà khoa học đã cho thấy khi đun nóng đến 260 độ C sẽ bắt đầu tạo ra khói, khi đạt đến 400 độ C sẽ bị phân hủy và sinh ra một số chất độc hại. Vì thế, trong nấu ăn hàng ngày ở hãy để dưới 200 độ C và tránh để chảo khô trên bếp.

    Các chuyên gia cũng khuyên nên tránh đun chất chua trong chảo chống dính vì thức ăn có tính axit sẽ dễ ăn mòn lớp kim loại. Nên thay mới chảo sau 2 năm sử dụng.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/nhung-luu-y-cua-chuyen-gia-khi-dung-chao-chong-dinh-d232316.html

    Thực hư thông tin “dầu ăn độc hại hơn cả rượu”?

    Gần đây, trên mạng xã hội xôn xao thông tin cho rằng dầu ăn là thực phẩm “độc”. Chuyên gia khẳng định đây hoàn toàn là thông tin “không khoa học và không chính xác”.

    Trên mạng xã hội đang lan truyền video một người tên Ng. nói: “Loại thực phẩm độc hại hơn cả rượu, đường và mỡ… đang hiện diện trong bữa ăn mỗi gia đình mỗi ngày đó chính là dầu ăn tinh luyện hay dầu ăn thực vật”. Người này cho rằng dầu ăn “độc hại” vì “chứa chất béo trans fat, omega-6 dư thừa có thể gây tăng viêm, hexane độc cho hệ thần kinh, gan, thận”. Video này hiện đang lan truyền nhanh chóng trên mạng xã hội, khiến nhiều người lo lắng, hoang mang.

    Liên quan đến thông tin này, TS. Nguyễn Hồng Vũ, Chuyên gia Sinh học phân tử trong Y học (đang làm việc tại Mỹ) khẳng định: “Những thông tin mà Ng. đưa ra, cho rằng dầu thực vật đang “đầu độc” người tiêu dùng là không khoa học và không chính xác”.

    Giải thích kỹ hơn về các chất mà Ng nhắc tới, TS. Vũ nói rằng chất béo trans fat là một loại chất béo không bão hoà, có khả năng ảnh hưởng xấu tới sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều. Tuy nhiên, hầu hết các loại dầu ăn hiện nay không chứa trans fat hoặc chứa rất thấp (gần bằng 0%).

    WHO khuyến cáo mức giới hạn sử dụng trans fat là dưới 1% tổng năng lượng hàng ngày (khoảng 2,2 gram với người trưởng thành tiêu thụ 2000 calo/ngày). Với omega 6, đây là một acid béo không bão hoà đa – chất thiết yếu mà cơ thể không tự tổng hợp được. Nó có vai trò trong phát triển tế bào, miễn dịch, chữa lành tổn thương ở giai đoạn đầu (tạo phản ứng viêm), và duy trì sức khoẻ của da, tóc, xương.

    “Nghiên cứu cho thấy omega-6 nên chiếm khoảng 4-5% tổng năng lượng hằng ngày, tương đương 10g/ngày với người tiêu thụ 2000 calo. Việc nói rằng ăn dầu ăn hàng ngày gây thừa omega-6 là không thực tế, đặc biệt với người châu Á”, TS. Vũ khẳng định.


    Thực hư thông tin “dầu ăn độc hại hơn cả rượu”. (Ảnh minh họa).

    Chất thứ 3 được Ng. nhắc tới là hexane – đây là dung môi hữu cơ được sử dụng trong công nghiệp chiết xuất dầu từ các loại hạt như đậu nành, hướng dương, cải… Tuy nhiên, dầu sau khi ép sẽ trải qua các bước lọc, khử mùi, tinh luyện – trong đó hexane được loại bỏ bằng nhiệt (bay hơi). Lượng hexane còn sót lại trong dầu thành phẩm thường rất nhỏ, dưới ngưỡng an toàn theo quy định của Bộ Y tế và các tiêu chuẩn quốc tế (ví dụ như Codex, FAO/WHO).

    TS. Vũ khuyên: “Không cần phải quá lo lắng về tin đồn này. Khi tiếp nhận các thông tin trên mạng xã hội, người tiêu dùng cần tỉnh táo, đối chiếu lại với nguồn thông tin khoa học đáng tin cậy để tránh hoang mang, sợ hãi không cần thiết”.

    Bên cạnh đó, các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo người tiêu dùng cách dùng dầu ăn lành mạnh, không nên chiên rán ở nhiệt độ cao. Khi chiên rán nên để lửa ở mức nhỏ, tốt nhất là chỉ nên dùng trộn salad để giữ được các cầu nối đôi của axit béo không no trong dầu.

    PGS. TS. BS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, sử dụng dầu ăn để chiên rán, ninh, nấu kỹ phổ biến ở Việt Nam có thể làm giảm giá trị dinh dưỡng của thức ăn. Đun nấu ở nhiệt độ cao hay sử dụng dầu chiên đi chiên lại nhiều lần đều có thể khiến dầu biến tính, tạo ra chất béo trans (chất béo không bão hòa) rất độc hại cho sức khỏe, làm tăng cholesterol “xấu” LDL trong máu và nguy cơ mắc các bệnh tim mạch.

    Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), chất béo trans là một trong những yếu tố gây tăng cholesterol toàn phần, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt.

    Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh, dầu ăn có mùi khét là do bị vỡ cầu nối đôi trong quá trình chiên rán. Điều này cho thấy dầu đã không còn giữ được giá trị dinh dưỡng và tạo ra trans fat (một loại axit béo xấu được tạo thành trong quá trình chế biến thực phẩm trong dầu ăn ở nhiệt độ cao) có hại cho sức khỏe.

    Để tránh nguy cơ hình thành chất béo xấu khi dùng dầu ăn, cần chiên rán ở nhiệt độ thấp và sau khi rán xong, đổ dầu thừa đi và rửa sạch chảo trước khi chế biến món ăn tiếp theo. Theo chuyên gia khi dùng đầu ăn đúng cách sẽ gìn giữ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Thói quen nấu nướng đúng cách không chỉ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm mà còn giúp phòng tránh nhiều bệnh tật không đáng có.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/thuc-hu-thong-tin-dau-an-doc-hai-hon-ca-ruou-d232343.html

    Chuyên gia lưu ý khi bao gói thực phẩm bằng túi ni lông, hộp xốp giúp hạn chế vi nhựa

    Theo chuyên gia thực phẩm, trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng túi ni lông, hộp nhựa, hộp xốp để đựng thực phẩm thì chỉ đựng những đồ nguội, lạnh và mang tính tạm thời, không để kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày vì có thể gây độc hại cho sức khỏe.

    Theo các chuyên gia, vi nhựa hiện có mặt ở khắp nơi, gồm cả những nơi xa xôi như các hòn đảo hẻo lánh, tuyết ở Nam Cực và đáy rãnh Mariana, cũng như trong thực phẩm, nước uống và không khí.

    Lý giải về điều này, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia Công nghệ thực phẩm, nguyên Giảng viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay: “Tôi nhớ ngày xưa đi chợ, gói thịt bằng lá chuối, cá được xâu bằng dây chuối, đồ ăn dùng sành, sứ để đựng… Nhưng hiện nay, cuộc sống đã khác. Đi chợ ai cũng lủng lẳng vài chiếc túi nilon trên tay. Đồ dùng trong nhà hầu hết có mặt của nhựa. Các sản phẩm nhựa đã trở thành một phần thiết yếu của cuộc sống”.

    Một thực tế hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống đường phố có thói quen sử dụng túi ni lông, hộp xốp để bao gói thực phẩm chế biến sẵn bán cho khách hàng mang đi. Việc con người thích sự tiện dụng trong sử dụng sản phẩm từ nhựa không có sự cân nhắc khiến môi trường sống đang bị vi nhựa và rác thải nhựa bủa vây.


    Không nên dùng túi ni lông, hộp xốp để đựng thực phẩm nóng. (Ảnh minh họa)

    Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, túi ni lông mà nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống đang dùng để bao gói thực phẩm đa số được tái chế từ nhựa đã qua sử dụng có chứa chất độc hại như monostyren, dioctin phatalat… và các kim loại nặng như cadimi, chì. Quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi ni lông, hộp xốp diễn ra mạnh khi chịu tác động của nhiệt độ cao.

    Túi ni lông hoặc hộp xốp nếu đựng thực phẩm nóng như tào phớ, nước canh, cơm… sẽ bị tác động nhiệt, có thể nóng chảy và hòa tan, thôi nhiễm chất độc hại vào thức ăn. Không chỉ các loại thực phẩm nóng, ngay cả thực phẩm nguội lạnh nếu đựng trong các loại túi ni lông, hộp nhựa sản xuất từ nhựa tái chế cũng gây tác hại cho sức khỏe. Đó là những loại thực phẩm có nhiều axit như dấm chua, dưa chua, dưa cà, các loại thực phẩm chứa dầu hay thực phẩm mặn khi đựng trong túi ni lông cũng rất nguy hiểm vì có chất điện ly nên khiến việc hòa tan rất nhanh.

    Tuy nhiên, vì hàm lượng chất độc sinh ra rất thấp, nên người tiêu dùng chưa thấy được ngay tác động nhưng khi sử dụng trong thời gian dài chất độc sẽ tích lũy dần trong cơ thể và sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây tổn thương tế bào gan, thận, gây suy gan, suy thận, ung thư.

    Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, chuyên gia Nguyễn Duy Thịnh khuyến nghị người dân, tiểu thương kinh doanh, không đựng, bao gói thức ăn, đồ uống nóng trong túi ni lông, hộp xốp. Vì thời gian hộp xốp tiếp xúc với thực phẩm càng lâu sẽ càng tăng nguy cơ phơi nhiễm chất độc hại.

    Trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng túi ni lông, hộp nhựa, hộp xốp để đựng thực phẩm thì chỉ đựng đồ nguội, lạnh và mang tính tạm thời, không để kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày. Nên sử dụng loại sản xuất từ 100% các hạt nhựa PV và PP nguyên sinh từ dầu mỏ nguyên chất. Loại túi ni lông sản xuất từ nhựa này sử dụng được.

    Chỉ nên sử dụng màng bọc thực phẩm chuyên dụng, sạch có nguồn gốc rõ ràng, chứng nhận an toàn và các hộp chứa thực phẩm được sản xuất bằng nhựa đạt tiêu chuẩn, chất lượng để gói, bọc rau, thịt… cất trữ trong tủ lạnh. Lưu ý, không nên để thực phẩm sống lẫn lộn với thực phẩm chín bởi sẽ gây ra lây nhiễm chéo làm thức ăn nhanh ôi thiu.

    Liên quan tới những sản phẩm này, theo quy định tại Điều 64 Nghị định 08/2022/NĐ-CP, lộ trình hạn chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa được quy định như sau:

    Từ ngày 01/01/2026, không sản xuất và nhập khẩu túi ni lông khó phân hủy sinh học có kích thước nhỏ hơn 50 cm x 50 cm và độ dày một lớp màng nhỏ hơn 50 µm, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu hoặc sản xuất, nhập khẩu để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

    Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học phải thực hiện trách nhiệm tái chế, xử lý. Giảm dần việc sản xuất và nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa.

    Sau ngày 31/12/2030, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi ni lông khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.

    Như vậy, theo quy định trên, từ sau năm 2025 sẽ không được lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị, khách sạn, khu du lịch, trừ sản phẩm, hàng hóa có bao bì nhựa khó phân hủy sinh học.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-luu-y-khi-bao-goi-thuc-pham-bang-tui-ni-long-hop-xop-dam-bao-an-toan-d232270.html

    Bổ sung các loại hạt đậu giúp cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, cải thiện sức khỏe tổng thể

    Theo một nghiên cứu từ Mỹ cho thấy việc bổ sung các loại hạt đậu vào chế độ ăn có thể giúp cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể.

    Nghiên cứu mới được trình bày tại hội nghị của Học viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng ở Minneapolis (Mỹ). Nghiên cứu dựa vào dữ liệu từ Khảo sát Kiểm tra sức khỏe và dinh dưỡng Quốc gia Mỹ, đây là cuộc khảo sát về chế độ ăn uống và sức khỏe của người dân Mỹ.

    Kết quả cho thấy việc bổ sung đậu vào chế độ ăn có thể giúp cơ thể nhận đủ các chất dinh dưỡng cần thiết, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể. Cụ thể, việc ăn thêm đậu sẽ giúp tăng cường các chất dinh dưỡng quan trọng mà nhiều người thiếu, chẳng hạn như chất xơ, magie, kali và sắt.

    Chất xơ là một trong những thành phần quan trọng nhất mà nhiều người không nhận đủ trong chế độ ăn. Chất xơ có vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tiêu hóa, giúp giảm nguy cơ táo bón và các vấn đề đường ruột khác. Đặc biệt, chất xơ hòa tan có trong các loại đậu có thể giúp cải thiện mức cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đồng thời giúp ổn định lượng đường huyết. Việc bổ sung đậu vào chế độ ăn giúp cơ thể có thể tiêu hóa và hấp thụ các dưỡng chất một cách hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc ăn đậu còn giúp người tiêu dùng cảm thấy no lâu, giúp giảm cảm giác đói và kiểm soát khẩu phần ăn trong ngày.

    Bà Julie Garden-Robinson, chuyên gia thực phẩm và dinh dưỡng, cho biết khi đậu cùng chế độ ăn uống ít calo và ít chất béo, chúng có thể giúp kiểm soát cân nặng. Chất xơ trong đậu còn giúp giảm sự thèm ăn, góp phần hỗ trợ giảm cân.


    Nhiều hạt đậu mang lại những giá trị tốt cho sức khỏe nên bổ sung thường xuyên. Ảnh minh họa

    Ngoài ra sắt và magie đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chức năng cơ thể, đặc biệt là trong việc hỗ trợ sức khỏe tim mạch và cải thiện năng lượng trong cơ thể. Magie có tác dụng giúp duy trì sức khỏe của xương, trong khi kali giúp điều hòa huyết áp và hỗ trợ chức năng thần kinh.

    Thêm vào đó, đậu cũng cung cấp một lượng lớn protein thực vật, giúp phục hồi cơ bắp và cải thiện sức khỏe tổng thể. Việc thay thế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh hoặc các thực phẩm chứa nhiều đường và chất béo bão hòa bằng đậu sẽ giúp cải thiện chất lượng dinh dưỡng của bữa ăn. Nhờ đó, cơ thể nhận được lượng chất xơ và protein tốt hơn, đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh do ăn không lành mạnh, như bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2.

    Liên quan tới các loại đậu Bệnh viện Vinmec cũng chỉ ra các loại hạt đậu cung cấp một loạt có hàm lượng chất dinh dưỡng cao đem lại rất nhiều lợi ích tiềm năng cho sức khỏe. Một số lợi ích tiềm năng mà chúng cung cấp bao gồm: giảm cholesterol; giảm lượng đường trong máu; cung cấp protein cho năng lượng. Dưới đây, chúng tôi thảo luận về 9 loại đậu lành mạnh nhất cho bữa ăn. Dưới đây là những loại hạt đậu tốt nhất cho sức khỏe.

    Đậu gà

    Tên gọi khác là đậu garbanzo, đậu gà chứa rất nhiều chất xơ và protein. Nhiều nghiên cứu khoa học minh chứng cho việc ăn đậu và các loại đậu như đậu gà có thể giúp giảm cân, giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim và thậm chí là nguy cơ ung thư, được khuyến cáo thay thế các loại thịt đỏ trong thực đơn. Đậu gà còn góp phần giảm lượng đường trong máu và tăng độ nhạy cảm với insulin khi đặt lên bàn cân với các loại thực phẩm giàu carb khác. Khi thực hiện nghiên cứu trên 19 phụ nữ, nhóm người ăn một bữa ăn chứa 1,7 ounce (50 gram) đậu gà có lượng đường trong máu và lượng insulin thấp hơn đáng kể so với nhóm còn lại ăn cùng một lượng bánh mì trắng hoặc các loại thực phẩm chứa lúa mì khác.

    Đậu lăng

    Đậu lăng là thực phẩm cung cấp protein chay tuyệt vời và nguồn bổ sung tuyệt vời cho các món súp và món hầm. Chúng có một số lợi ích rõ rệt về sức khỏe. đậu lăng cũng có công dụng giảm lượng đường trong máu. Một nghiên cứu trên 3.000 người đã cho kết quả những người ăn nhiều đậu lăng và các loại đậu khác có tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường thấp nhất trong các nhóm. Những lợi ích này có được là do tác dụng của đậu lăng đối với đường ruột.

    Đậu Hà Lan

    Đậu Hà Lan chứa dồi dào lượng chất xơ và protein. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất xơ và protein trong hạt đậu, sử dụng như một chất bổ sung, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Một nghiên cứu trên 23 người thừa cân đã cho thấy rằng ăn 1,8 ounce (50 gram) bột đậu mỗi ngày trong 28 ngày làm giảm đáng kể tình trạng kháng insulin và mỡ bụng rất nhiều so với bột mì. Một vài nghiên cứu khác cho thấy bột đậu và chất xơ trong hạt đậu giúp giảm sự gia tăng insulin và lượng đường trong máu sau bữa ăn, giảm chất béo trung tính trong máu và khiến chúng ta cảm giác no hơn.

    Đậu thận

    Đậu thận vô cùng giàu chất xơ, hay đậu tây, nó giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường vào máu của cơ thể và từ đó làm giảm lượng đường trong máu. Theo một nghiên cứu trên mẫu 17 người mắc bệnh tiểu đường loại 2 đưa ra kết luận ăn đậu tây với gạo làm giảm đáng kể lượng đường trong máu so với chỉ ăn cơm, sau bữa ăn.

    Đậu đen

    Đậu đen giúp giảm lượng đường trong máu tăng đột biến xảy ra sau khi ăn, ngoài ra có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tăng cân. Do đậu đen có chỉ số đường huyết thấp hơn so với các loại thực phẩm giàu carbohydrate khác. Điều này có nghĩa là chúng làm giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Một vài nghiên cứu cho rằng những người ăn đậu đen kết hợp gạo, đậu đen có thể làm giảm lượng đường trong máu tăng lên so với chỉ ăn cơm.

    Đậu nành

    Ngoài những chất dinh dưỡng này, đậu nành có chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa được gọi là isoflavone, là nguyên nhân mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của chúng. Nhiều minh chứng cho thấy rằng tiêu thụ đậu nành và isoflavone của chúng có hiệu quả trong việc giảm nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu trong số này chỉ là quan sát, có nghĩa là chế độ ăn của những người tham gia không được kiểm soát, do vậy những yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến nguy cơ ung thư.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13121:2020 đậu Hà Lan đông lạnh nhanh

    Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn này áp dụng cho đậu Hà Lan thuộc loài Pisum sativum L. đông lạnh nhanh, như định nghĩa trong Điều 2, để sử dụng trực tiếp mà không chế biến thêm, ngoại trừ đối với loại phân hạng theo kích cỡ hoặc bao gói lại, nếu cần. Tiêu chuẩn này không áp dụng cho sản phẩm dùng để chế biến tiếp hoặc chế biến công nghiệp.

    Yêu cầu chất lượng sản phẩm phải có màu xanh đồng nhất theo loại, nguyên hạt, sạch, hầu như không có tạp chất lạ, không có bất kỳ mùi hoặc vị lạ nào và hầu như không bị hư hỏng do côn trùng và sâu bệnh. Sản phẩm phải có hương vị thông thường, có tính đến mọi gia vị hoặc thành phần bổ sung.

    Nếu phân loại theo kích cỡ, sản phẩm phải không nhỏ hơn 80 % theo số lượng hoặc khối lượng đậu Hà Lan có kích cỡ được công bố hoặc kích cỡ nhỏ hơn. Không được có đậu Hà Lan có kích cỡ lớn hơn hai kích cỡ lớn hơn liền kề hoặc không quá 20 % theo số lượng hoặc khối lượng đậu Hà Lan của hai kích cỡ lớn hơn liền kề, nếu có. Không lớn hơn một phần tư số đậu Hà Lan này theo số lượng hoặc khối lượng nằm trong kích cỡ lớn hơn của hai kích cỡ liền kề.

    Sản phẩm quy định trong tiêu chuẩn này nên được sơ chế và xử lý theo các quy định tương ứng của TCVN 5603 (CAC/RCP 1) Quy phạm thực hành về những nguyên tắc chung đối với vệ sinh thực phẩm và các quy phạm thực hành khác có liên quan đến sản phẩm này.

    Tuân thủ Thực hành sản xuất tốt, sản phẩm không được có tạp chất lạ.Khi thử nghiệm bằng các phương pháp lấy mẫu và phân tích thích hợp, sản phẩm. Không được có vi sinh vật với lượng có thể gây hại đến sức khỏe; không được có ký sinh trùng có thể gây hại đến sức khỏe; không được chứa bất kỳ chất nào có nguồn gốc từ vi sinh vật với lượng có thể gây hại đến sức khỏe.

    Ngoài các yêu cầu của TCVN 7087 (CODEX STAN 1) ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn, cần áp dụng các yêu cầu cụ thể.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/bo-sung-cac-loai-hat-dau-giup-co-the-nhan-du-cac-chat-dinh-duong-can-thiet-cai-thien-suc-khoe-tong-d232252.html

    Chuyên gia dinh dưỡng chỉ ra những bất lợi cho sức khỏe nếu ăn gan lợn sai cách

    Theo chuyên gia dinh dưỡng, gan lợn là bộ phận rất nhiều người thích ăn nhưng nếu chế biến không đúng cách có thể biến thực phẩm này thành chất độc hại sức khỏe con người.

    Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), giống như phần lớn các loại nội tạng động vật, gan lợn có giá trị dinh dưỡng cao bởi có nhiều chất đạm, sắt, vitamin nhóm B, các loại men như men tiêu hóa, men thải độc, tốt cho người thiếu máu, mù màu, còi xương. Chưa hết, vitamin A có trong gan còn có tác dụng bổ mắt, tăng cường sức đề kháng, sinh trưởng và phát triển ở trẻ.

    Nghiên cứu của y học hiện đại cũng cho thấy, trong 100g gan lợn chứa 21,3 g protein, 25 mg sắt, 8.700 mcg vitamin A, vitamin B, D, axit folic, nicotilic… Gan lợn có thể coi là một thực phẩm bổ dưỡng, cung cấp nhiều chất thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu không được chế biến đúng cách và loại bỏ những chất độc có trong gan thì thực phẩm này sẽ mang lại nhiều độc hại.

    Ăn gan lợn mắc bệnh

    Theo thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (thành phố Hồ Chí Minh), việc ăn phải gan của những con lợn bệnh sẽ rất có hại cho sức khỏe bởi trong gan của những con lợn này sẽ chứa những virus và độc tố gây bệnh. Gan của những con lợn bệnh thường không có màu đỏ tươi, bề mặt gan có nốt sần, màu vàng hoặc tím sẫm, có mùi hôi. Khi ấn tay vào không có độ đàn hồi mà cảm giác nhão, chảy nước.


    Gan lợn dù rất giàu dinh dưỡng nhưng cũng nên thận trọng khi chế biến để tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

    Gan lợn chưa được chế biến chín hẳn

    Gan lợn có thể chứa nhiều ký sinh trùng như sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ, hoặc virus gây bệnh. Nếu gan không được nấu chín hẳn, còn tái sẽ không diệt hết được các loại virus, ký sinh trùng này. Nếu ăn loại gan này bạn sẽ mang theo mầm bệnh nguy hiểm vào người.

    Không loại bỏ hết máu đọng trong gan

    Lượng máu đọng trong gan chứa rất nhiều độc tố mà gan chưa kịp đào thải, vì vậy trước khi chế biến bạn cần bóp hết lượng máu đọng này. Đồng thời, hãy bóc bỏ lớp màng mỏng trên bề mặt gan để việc vệ sinh gan được triệt để. Người tiêu dùng có thể ngâm gan lợn trong nước muối khoảng 10 phút rồi mới chế biến. Cũng có thể cắt lát mỏng rửa sạch bằng nước lạnh rồi lấy giấy ăn thấm khô hết máu ứ trong gan. Như vậy, các chất độc có trong máu của gan đã bị loại bỏ chỉ còn các tế bào gan giàu chất dinh dưỡng.

    Ăn gan kém chất lượng, ôi thiu

    Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết thêm, người ăn phải gan, nội tạng động vật kém chất lượng, bị ôi thiu, biến đổi màu rất dễ bị nhiễm giun sán. Một số nội tạng như ruột, dạ dày, tá tràng… của động vật được nuôi bằng nguồn nước bẩn còn chứa vi khuẩn E.coli gây bệnh tả, tiêu chảy, thương hàn.

    Ăn gan thế nào mới an toàn

    PGS- TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện công nghệ sinh học và thực phẩm – Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, thực tế độc tố đi qua gan sẽ được chuyển hóa, phân hủy, đào thải qua phân và nước tiểu ra khỏi cơ thể. Xong do trong gan có thể chứa nhiều ký sinh trùng như sán lá gan hoặc virus gây bệnh. Khi mua, nên quan sát màu sắc của gan phải đỏ tươi, bề mặt nhẵn, không có những nốt sần sùi, không có mùi lạ.

    Ngoài ra khi chế biến gan không nên xào gan với giá đỗ bởi trong giá đỗ có rất nhiều vitamin C. Nếu xào lẫn hoặc ăn gan lợn với giá đỗ cùng một lúc sẽ làm vitamin C bị oxy hóa, món ăn không còn chất dinh dưỡng. Hạn chế ăn gan với gỏi cá, bởi sẽ gây trướng bụng, khó tiêu.

    Gan lợn chứa các ion kim loại làm phân giải vitamin C nên hạn chế ăn kèm cà rốt. Rau cần có chất cellulose và axit oxalic, nếu kết hợp với gan lợn cũng làm hạn chế sự hấp thụ sắt của cơ thể.

    Gan lợn chứa hàm lượng cholesterol cao, những người mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp ăn nhiều gan lợn sẽ có hại. Nguy hiểm hơn, nhiều nhà chăn nuôi không tuân thủ quy trình an toàn, sử dụng thức ăn cho lợn có nhiều tồn dư chất độc hại, kim loại nặng, … và làm ảnh hưởng đến chất lượng gan lợn.

    Tuyệt đối không được ăn quá nhiều gan lợn vì hàm lượng cholesterol trong gan lợn rất cao, có thể gây ra các bệnh như xơ vữa động mạch, bệnh tim nặng hơn, bệnh tăng huyết áp hoặc bệnh mạch vành. Những người mắc bệnh cao huyết áp, mạch vành nên hạn chế tiêu thụ gan lợn.

    Trẻ em, phụ nữ có thai, cho con bú, người thiếu máu thiếu sắt, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi nên ăn các loại phủ tạng, trong đó có gan nhưng chỉ nên vừa phải, mỗi tuần ăn 2-3 lần, mỗi lần ăn 50-70g đối với người lớn, còn trẻ em chỉ ăn 30-50g/bữa.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/chuyen-gia-dinh-duong-khuyen-cao-che-bien-gan-lon-khong-dung-co-the-thanh-doc-hai-d232188.html