26 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024
More
    Home Blog Page 24

    Bác sĩ tim mạch chỉ ra những thực phẩm cần tránh để tốt cho hệ tim mạch

    Theo các bác sĩ tim mạch, có rất nhiều thực phẩm người tiêu dùng cần tránh như khoai tây chiên, kem, thực phẩm siêu chế biến… để tốt cho hệ tim mạch.

    Theo các chuyên gia, thành phần dinh dưỡng của một số loại thực phẩm có thể hỗ trợ sức khỏe tim mạch của chúng ta. Rau quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất chống lại bệnh tim. Cá chứa axit béo omega-3 hỗ trợ điều chỉnh mức chất béo trung tính trong khi ngũ cốc nguyên hạt có thể giúp kiểm soát huyết áp. Ngược lại, không ít loại thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho tim mạch.

    Khoai tây chiên

    Trong số những thực phẩm mà nhiều bác sĩ tim mạch khuyên nên từ bỏ đầu tiên là khoai tây chiên. Dữ liệu khảo sát do Statista công bố tiết lộ hơn 284 triệu người Mỹ (hơn 80% dân số) ăn khoai tây chiên vào năm 2020.

    Tiến sĩ, bác sĩ tim mạch Elizabeth Klodas của Mỹ chia sẻ, nếu ăn khoảng 30g khoai tây chiên hằng ngày trong một năm, chúng ta sẽ hấp thụ khoảng 200g muối, có thể dẫn đến tăng 6,8kg. Vì những nguy cơ sức khỏe này, bác sĩ Klodas cho biết cá nhân bà kiêng ăn khoai tây chiên bằng mọi giá.

    Cũng có thể thỉnh thoảng thưởng thức một ít khoai tây chiên không nguy hiểm. Điều quan trọng là nên quan tâm tới số lượng và tần suất thưởng thức món này.

    Thịt chế biến sẵn

    TS.BS Neil Srinivasan, điều hành một phòng khám tim mạch tại Anh cho biết, bệnh tim và đột quỵ vẫn là những “kẻ giết người” lớn nhất ở phương Tây, bất chấp những tiến bộ y tế. Béo phì, tiểu đường và lối sống ít vận động dẫn đến tăng cholesterol, huyết áp cao và kháng insulin là những vấn đề lớn trong cuộc sống hiện đại. Điều này có sự góp phần rất lớn của thực phẩm siêu chế biến.

    Theo đó TS.BS Neil Srinivasan khuyên không nên ăn salami (một dạng xúc xích), đặc biệt là loại chứa nhiều calo và chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa. Tất nhiên cũng nên hạn chế các thực phẩm sử dụng xúc xích, thịt nguội như pizza.

    Đồ chiên trong dầu hoặc bơ có thể là nguyên nhân gây ra bệnh tim và cholesterol cao. Tiến sĩ Srinivasan giải thích: “Chiên thức ăn ngập dầu mỡ hoặc sử dụng thịt xông khói có thể tăng hương vị bữa ăn nhưng cũng làm tăng nhiều chất phụ gia”.

    Lượng muối bổ sung có trong thịt chế biến sẵn cũng gây cao huyết áp – một yếu tố được cho góp phần dẫn tới bệnh tim. Thịt chế biến sẵn cũng thường chứa nitrat, chất có liên quan đến ung thư.

    Thức uống có đường

    Trong đồ uống có ga như soda, nước tăng lực có thể chứa rất nhiều đường, caffeine và calo rỗng. Các chuyên gia giải thích những đồ uống này khiến chúng ta dễ mắc các bệnh như tiểu đường và chuyển hóa, cả hai đều liên quan đến bệnh tim mạch. Hàm lượng đường và caffeine trong các thức uống trên có khả năng dẫn đến tim đập nhanh hoặc rối loạn nhịp tim.

    Ngũ cốc ăn sáng chế biến sẵn

    Thưởng thức một bát ngũ cốc ăn sáng chế biến sẵn chứa nhiều đường là một trong những cách ít lành mạnh nhất để bắt đầu ngày mới. TS Srinivasan cho biết chúng là thực phẩm siêu chế biến, “kẻ thù số một”. Nghiên cứu gần đây theo dõi 10.000 phụ nữ Australia trong 15 năm, cho thấy những người tiêu thụ lượng thực phẩm chế biến sẵn cao nhất trong chế độ ăn uống có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp hơn 39% so với những người dùng ở mức thấp nhất.

    Hầu hết loại thực phẩm trải qua một vài quy trình sản xuất dưới hình thức cắt nhỏ, nấu, nướng, lọc hoặc đóng hộp. Tuy nhiên, thực phẩm siêu chế biến trải qua quá trình xử lý nhiều hơn. Phân tích trên một triệu người cho thấy những người tiêu thụ nhiều thực phẩm siêu chế biến tăng 24% nguy cơ gặp các vấn đề nghiêm trọng về tim và tuần hoàn bao gồm đau tim, đột quỵ và đau thắt ngực.

    Bánh ngọt nướng, thanh ngũ cốc và bánh quy mang đi đều thuộc danh mục thực phẩm siêu chế biến. Những sản phẩm này được sản xuất bằng cách chế biến công nghiệp. Chúng chứa chất phụ gia như màu thực phẩm, hương vị, chất nhũ hóa hoặc chất bảo quản, cũng như phân hủy thực phẩm ban đầu thành các chất bao gồm dầu, đường và tinh bột. Đồ nướng nổi tiếng là làm tăng LDL – loại cholesterol xấu – tích tụ trong thành động mạch.

    Kem

    Kem cũng là món nên hạn chế, bởi với quá trình chế biến nhiều công đoạn, thuộc danh mục thực phẩm siêu chế biến. Một nghiên cứu từ Tây Ban Nha theo dõi gần 20.000 sinh viên tốt nghiệp đại học cho thấy mối liên hệ giữa thực phẩm siêu chế biến và nguy cơ tử vong sớm. Những người ăn nhiều nhất (4 phần trở lên mỗi ngày) nguy cơ tử vong cao hơn 62% sau trung bình 10 năm so với những người ở nhóm thấp (ăn 2 phần ăn trở xuống). Trái cây hấp hoặc tươi là tốt nhất. Giải pháp tốt nhất là nên duy trì 3 phần trái cây tươi mỗi ngày.

    Đồ uống có ga

    Hấp thụ quá nhiều đường từ đồ uống có ga liên quan đến nguy cơ béo phì, tăng huyết áp và tiểu đường type 2. Do đó, nên cắt bỏ hoàn toàn thức uống này. Nên dùng nước, nước trái cây. Mỗi ngày có thể dùng 1-3 tách cà phê. Thay bia hoặc rượu bằng rượu vang, không quá hai ly 148 ml mỗi ngày đối với nam và một ly mỗi ngày đối với nữ.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7049:2020 về Thịt chế biến đã qua xử lý nhiệt

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7049:2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Tiêu chuẩn này áp dụng cho các sản phẩm thịt chế biến đã qua xử lý nhiệt được dùng làm thực phẩm. Tiêu chuẩn này không áp dụng đối với thịt hộp.

    Theo đó nguyên liệu chính sử dụng trong chế biến sản phẩm thịt đã qua xử lý nhiệt có thể là: Thịt tươi, phù hợp với TCVN 7046, hoặc thịt mát, phù hợp với TCVN 12429 (tất cả các phần), hoặc thịt đông lạnh, phù hợp với TCVN 7047.

    Các nguyên liệu tùy chọn sử dụng trong chế biến sản phẩm thịt đã qua xử lý nhiệt như muối, nước mắm, đường, hạt tiêu, hành, tỏi, gừng, sả, ớt v.v…: đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn để dùng làm thực phẩm.

    Yêu cầu cảm quan của thịt chế biến đã qua xử lý nhiệt phải đặc trưng, không có tạp chất lạ. Chỉ sử dụng các chất phụ gia thực phẩm với mức sử dụng tối đa theo quy định hiện hành. Thịt chế biến đã qua xử lý nhiệt được vận chuyển bằng các phương tiện khô, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và không ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Sản phẩm được bảo quản ở nhiệt độ phù hợp, nơi khô, sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/bac-si-tim-mach-chi-ra-nhung-thuc-pham-can-tranh-de-tot-cho-he-tim-machs9-d222189.html

    Cách dùng kem chống nắng nâng tông cho da đang sử dụng các sản phẩm đặc trị

    Xu hướng sử dụng kem chống nắng nâng tông (tone) ngày càng được yêu chuộng vì tính tiện lợi và mang lại vẻ đẹp tự nhiên. Nhưng với da đang sử dụng các sản phẩm đặc trị thì cần lưu ý khi sử dụng.

    Kem chống nắng nâng tone là sản phẩm vừa có công dụng ngăn chặn tia UV tác động lên da, đồng thời vừa giúp da sáng mịn và đều màu hơn. Người dùng có thể dùng kem chống nắng nâng tone như một lớp kem lót khi trang điểm. Trên thị trường hiện tại cung cấp rất nhiều loại kem chống nắng nâng tone phù hợp với mọi loại da, kể cả đối với những ai đang sử dụng các sản phẩm đặc trị như nám, tàn nhang, mụn, lỗ chân lông to, thâm mụn, lão hóa…

    Thành phần phổ biến thường thấy trong các sản phẩm đặc trị là vitamin và acid. Tác dụng chính của các hoạt chất này là thúc đẩy sản sinh collagen, tăng độ đàn hồi giúp làn da căng mịn, tươi trẻ và săn chắc hơn. Đây cũng là những sản phẩm đặc trị được đánh giá là mang lại hiệu quả nhanh chóng cho các vấn đề làn da đang gặp phải. Tuy nhiên, sức khỏe của làn da cũng yếu đi vì sử dụng các hoạt chất khá mạnh. Theo đó, việc chăm sóc phục hồi và bảo vệ làn da này vô cùng quan trọng.

    Vì sau khi đặc trị làn da thường có xu hướng mỏng yếu hơn và dễ tổn thương trước tác hại của tia UV có trong ánh nắng mặt trời. Do đó, việc sử dụng kem chống nắng để bảo vệ làn da càng trở nên quan trọng. Nhưng cần chú ý khi lựa chọn kem chống nắng cho da phù hợp nhất là loại kem nâng tông. Bởi kem chống nắng kém chất lượng vừa không đủ mạnh để bảo vệ làn da mỏng yếu vừa có thể gây hại tới làn da đang rất dễ tổn thương.


    Sử dụng kem chống nắng nâng tông cho da đang sử dụng các sản phẩm đặc trị cần lưu ý để có hiệu quả như mong muốn. Ảnh minh họa

    Theo các chuyên gia da liễu, những làn da đang sử dụng sản phẩm đặc trị vẫn có thể sử dụng kem chống nắng nâng tone. Nhưng khi chọn kem chống nắng nâng tone cho da này cần đáp ứng một số tiêu chí nhất định để đảm bảo hiệu quả mà an toàn, không gây kích ứng. Bởi kem chống nắng nâng tone là một loại kem chống nắng đặc biệt, không chỉ có khả năng bảo vệ da khỏi tác hại của tia UV, mà còn có thể giúp da sáng hơn, rạng rỡ hơn và che phủ được một số khuyết điểm như nám, tàn nhang, mụn.

    Kem chống nắng nâng tone cho da đang sử dụng sản phẩm đặc trị có thể bảo vệ toàn diện ngăn ngừa nám sạm, lão hóa và không gây kích ứng da cần đáp ứng chỉ số chống nắng SPF 30 trở lên. Bên cạnh đó, sản phẩm cũng đáp ứng được tiêu chuẩn chống nắng phổ rộng để làn da được bảo vệ tốt khỏi tác hại của cả tia UVA, UVB, ánh sáng xanh… Chính điều này sẽ giúp làn da hạn chế được tổn thương và nhanh chóng phục hồi.

    Chọn kem chống nắng cho da đang sử dụng sản phẩm đặc trị nên ưu tiên sản phẩm chứa thành phần dịu nhẹ và an toàn như Titanium Oxide, Zinc Oxide… Cũng nên tránh những sản phẩm kem chống nắng có chứa dầu khoáng, hương liệu, chất bảo quản, paraben.

    Nên chọn kem chống nắng nâng tone đến từ các thương hiệu uy tín, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bảo vệ toàn diện mà không gây kích ứng. Nên chọn kem có khả năng chống nước giúp bảo vệ làn da lâu hơn ngay cả khi đổ mồ hôi hay đi bơi. Tiêu chí này khá quan trọng với da đang sử dụng sản phẩm đặc trị bởi quá trình điều trị khiến làn da nhạy cảm hơn.

    Nên chọn kem chống nắng với khả năng nâng tone nhẹ nhàng tự nhiên và phù hợp với màu da hiện tại. Nhiều kem chống nắng nâng tone lên màu quá sáng hay tạo vệt trắng. Những điều này ảnh hưởng đến yếu tố thẩm mỹ. Tùy theo nền da khô, da dầu hay da hỗn hợp mà chọn kem chống nắng có công thức phù hợp tránh gây kích ứng hay làm bưng bít lỗ chân lông dễ sinh mụn. Nếu làn da khô nên chọn kem chống nắng có thêm khả năng dưỡng ẩm. Còn với làn da dầu nên chọn dạng gel hay fluid để tránh tình trạng bóng nhờn. Làn da hỗn hợp nên tìm kem chống nắng dạng kem-gel.

    Tiêu chuẩn cơ bản cho một kem chống nắng an toàn

    Quy định của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ yêu cầu các nhãn phải tuân theo một số nguyên tắc nhất định:

    Chọn một loại kem chống nắng có bảo vệ phổ rộng cao: Kem chống nắng có nhãn này bảo vệ chống lại cả tia UVA và UVB. Tất cả các sản phẩm chống nắng bảo vệ chống lại tia UVB, là nguyên nhân chính gây ra cháy nắng và ung thư da. Những tia UVA cũng góp phần gây ung thư da và lão hóa sớm. Chỉ những sản phẩm vượt qua một thử nghiệm nhất định mới có thể được dán nhãn phổ rộng như vậy.

    Chỉ số chống nắng SPF: Hãy chắc chắn rằng kem chống nắng đang dùng có chỉ số chống nắng (SPF) 30 hoặc cao hơn. Số SPF là mức độ bảo vệ mà kem chống nắng cung cấp chống lại tia UVB. Số SPF cao hơn có nghĩa là bảo vệ nhiều hơn, nhưng càng cao, sự khác biệt giữa chúng càng nhỏ nên ko nhất thiết phải quá cao. Kem chống nắng SPF 15 lọc ra khoảng 93% tia UVB, trong khi kem chống nắng SPF 30 lọc ra khoảng 97%, kem chống nắng SPF 50 khoảng 98% và SPF 100 khoảng 99%. Không có kem chống nắng bảo vệ bạn hoàn toàn. FDA yêu cầu bất kỳ loại kem chống nắng nào có SPF dưới 15 để đưa ra cảnh báo rằng nó chỉ bảo vệ chống cháy nắng, không gây ung thư da hay lão hóa da.

    Tính chống thấm nước: Có nghĩa là không thấm nước, có khả năng chống thấm nước. Thường sẽ ghi trên nhãn của sản phẩm để duy trì da trong tầm khoảng 40 – 80 phút trong khi bơi hoặc đổ mồ hôi. Cho nên có kết quả tốt nhất, hãy bôi lại kem chống nắng ít nhất 2 giờ một lần và thậm chí thường xuyên hơn nếu bạn đang bơi hoặc đổ mồ hôi. Bổ sung thành phần dưỡng dịu da chống cháy nắng panthenol, vitamin, khoáng chất giúp da khỏe mạnh và chống lão hóa.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/luu-y-khi-dung-kem-chong-nang-nang-tone-cho-da-treatment-d221981.html

    Cảnh báo: Các nước Đông Nam Á dẫn đầu về mức hấp thụ hạt vi nhựa có trong thực phẩm

    Theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây, các quốc gia Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam dẫn đầu về mức độ hấp thụ vi nhựa trên toàn cầu, một trong những nguyên nhân do mức tiêu thụ hải sản cao.

    Cụ thể, Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Environmental Science and Technology (Khoa học và Công nghệ Môi trường) của Mỹ, cho thấy, Malaysia nằm trong top 10 quốc gia hít phải nhiều hạt vi nhựa trong không khí nhất, ước tính khoảng 494.000 hạt vi nhựa mỗi ngày trên đầu người. Nước này xếp hạng cao nhất trong số 109 quốc gia về hấp thụ vi nhựa. Nghiên cứu lưu ý rằng hơn 50% lượng hấp thụ vi nhựa của Malaysia đến từ cá.

    Vi nhựa – các hạt nhựa nhỏ hơn 5mm thường được tìm thấy trong môi trường nước ngọt và biển, nơi chúng được ăn bởi các sinh vật sau đó được con người tiêu thụ.

    Theo các tác giả nghiên cứu – gồm Giáo sư Xiang Zhao tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Quốc gia (Trung Quốc) và Giáo sư Fengqi You tại Đại học Cornell (Mỹ), phát triển công nghiệp khiến mức độ ô nhiễm nhựa ngày càng tăng. Trong khi đó, vi nhựa đến từ đường ăn uống liên quan đến những hạt nhựa tích lũy trong thực phẩm và từ nhựa trong sản xuất, chế biến thực phẩm và đồ uống và đóng gói sản phẩm. Còn vi nhựa trong không khí chủ yếu bắt nguồn từ sự mài mòn của vật liệu nhựa, chẳng hạn như từ lốp xe trên mặt đường. Một nguồn vi nhựa xâm nhập qua đường thủy là chất thải nhựa từ các bãi chôn lấp hoặc bãi rác lộ thiên không được quản lý hiệu quả.


    Ảnh minh họa

    Nghiên cứu nhấn mạnh, những hạt nhựa này có thể làm ô nhiễm hệ thống nước và vi nhựa trong môi trường nước ngọt và nước mặn, sau đó được phân tán qua dòng nước hoặc truyền không khí và xâm nhập vào chuỗi thức ăn. Cũng theo nghiên cứu, hấp thụ vi nhựa từ hít thở và ăn uống đã tăng hơn 6 lần từ năm 1990 đến năm 2018 trên khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ, bao gồm cả Trung Quốc và Mỹ.

    Các tác giả nghiên cứu cho rằng, bằng cách loại bỏ 90% các mảnh vụn nhựa thủy sinh toàn cầu, sự hấp thụ vi nhựa có thể giảm hơn 48% ở các quốc gia Đông Nam Á, nơi đang chứng kiến hầu hết sự hấp thụ vi nhựa vào cơ thể con người.

    Các nhà nghiên cứu khuyến cáo, để giảm sự hấp thụ vi nhựa và rủi ro sức khỏe cộng đồng tiềm ẩn, chính phủ ở các nước đang phát triển và công nghiệp hóa ở châu Á, châu Âu, châu Phi, Bắc và Nam Mỹ nên khuyến khích loại bỏ các mảnh vụn nhựa tự do khỏi môi trường nước ngọt và nước mặn thông qua xử lý nước tiên tiến và thực hành quản lý chất thải rắn hiệu quả.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/canh-bao-cac-nuoc-dong-nam-a-dan-dau-ve-muc-hap-thu-hat-vi-nhua-co-trong-thuc-pham-d222096.html

    Tăng cường giám sát an ninh mạng, phòng chống tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền

    Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cần khẩn trương rà soát, làm sạch hệ thống và tăng cường giám sát an ninh mạng để phòng chống các cuộc tấn công mã hóa dữ liệu tống tiền có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới.

    Mới đây, hệ thống công nghệ thông tin của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) bị tin tặc tấn công, mã hóa dữ liệu khiến cho hoạt động bị ngưng trệ. Cuộc tấn công này đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các hoạt động liên quan đến dịch vụ bưu chính chuyển phát. Các dịch vụ tài chính bưu chính, hành chính công và phân phối hàng hóa đến thời điểm này vẫn hoạt động bình thường.

    Theo kết quả phân tích ban đầu, đây là hình thức tấn công trực tiếp vào hệ thống máy chủ ảo hoá và mã hoá các file máy ảo (bao gồm cả hệ điều hành và dữ liệu) đòi tiền chuộc. Chưa có thông tin cụ thể về nhóm tấn công nhưng cách thức tấn công tương tự như cách VnDirect bị tấn công cách đây chưa lâu.

    Ngay khi vụ việc xảy ra, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia đã khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam cần khẩn trương rà soát, làm sạch hệ thống và tăng cường giám sát an ninh mạng để phòng chống các cuộc tấn công tương tự có thể còn tiếp diễn trong thời gian tới.

    Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng quốc gia) cho biết: “Với các hệ thống máy chủ vật lý, không sử dụng ảo hoá, tin tặc sẽ phải tìm cách truy cập từng máy để tấn công, phá hoại, việc này sẽ mất nhiều thời gian, để lại dấu vết và dễ bị phát hiện. Trong khi nếu xâm nhập, chiếm quyền điều khiển hệ thống quản lý ảo hóa, tin tặc có thể từ một chỗ thực hiện chỉnh sửa hay bật tắt các máy chủ bao gồm các dịch vụ quan trọng đang chạy trên hệ thống, đặc biệt là có thể mã hoá toàn bộ các máy ảo, bao gồm cả các máy ảo dự phòng”.


    Ảnh minh họa

    Để tăng cường chủ động phòng chống tấn công mã độc mã hoá dữ liệu, đặc biệt cho hệ thống ảo hoá, Ban nghiên cứu, tư vấn, phát triển công nghệ và Hợp tác quốc tế, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia khuyến cáo: Các tổ chức, doanh nghiệp cần khẩn trương rà soát, làm sạch hệ thống (nếu có mã độc), đặc biệt với các máy chủ quan trọng như máy chủ quản lý hệ thống ảo hoá, máy chủ email, máy chủ AD.

    Cập nhật các bản vá lỗ hổng, loại bỏ các tài sản công nghệ thông tin không sử dụng để tránh bị lợi dụng tấn công mạng.

    Kiểm tra lại các hệ thống sao lưu dự phòng, cần có phương án tách biệt hoàn toàn giữa hệ thống chính và hệ thống dự phòng, không sử dụng chung một hệ thống quản lý phân quyền. Có kế hoạch sao lưu hệ thống một cách thường xuyên để đảm bảo dữ liệu có thể phục hồi nhanh nhất trong trường hợp hệ thống bị tấn công.

    Ban hành quy trình ứng phó, xử lý sự cố khi bị tấn công. Liên hệ ngay với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ xử lý và điều phối ứng cứu.

    Thiết lập và tuân thủ quy trình truy cập, quản trị các hạ tầng hệ thống quan trọng (vCenter, ESXi, các máy chủ quan trọng như AD, Mail…). Chỉ cho phép truy cập mục đích quản trị từ một số địa chỉ mạng tin cậy (Whitelist IP, Jump server).

    Đồng thời, sử dụng giải pháp quản lý đặc quyền truy cập PAM và xem xét áp dụng xác thực đa yếu tố (2-FA) với các xác thực quản trị. Triển khai, rà soát các hệ thống giám sát an ninh mạng (SOC). Bổ sung thu thập nhật ký (log) liên quan truy cập/xác thực với hệ thống ảo hoá. Bổ sung các tập luật (rule) cho các công cụ, giải pháp phòng chống tấn công để phát hiện các hành vi truy cập/xác thực bất thường.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/tang-cuong-giam-sat-an-ninh-mang-phong-chong-cac-cuoc-tan-cong-ma-hoa-du-lieu-tong-tien-d222080.html

    Dùng nước ion kiềm để trị ung thư – Cách đi nhanh hơn đến cửa tử

    Dù đã có nhiều cảnh báo, thậm chí đã có những trường hợp tử vong sau khi điều trị theo phương pháp chỉ uống nước kiềm để “bỏ đói” tế bào ung thư. Nhưng không ít người vẫn tin vào phương pháp trị bệnh phản khoa học này.

    Ảnh minh họa.

    Hiểu lầm về nước ion kiềm và ung thư – thực tế đau lòng

    Theo Ths.BSNT Hà Hải Nam – Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K, nước kiềm hay nước có tính kiềm được xác định dựa trên độ pH của nước với độ pH >7 thì dung dịch có tính kiềm. Nước kiềm có thể bổ sung đề kháng cho con người nhưng không thể thay thế thuốc chữa bệnh.

    Tuy nhiên nhiều người tin rằng nước kiềm có thể trung hòa axit dư thừa trong cơ thể hoặc ăn các thực phẩm giàu kiềm như các loại hạt, rau, củ, quả, rong biển, trái cây giúp kiềm hóa máu và ngăn chặn khối u. Thực tế, chưa có nghiên cứu nào khẳng định chỉ uống nước kiềm có thể trị bệnh dạ dày và ung thư. Y khoa chưa ghi nhận trường hợp nào khỏi ung thư chỉ nhờ thuốc nam hay thuốc gia truyền. Nhịn ăn càng khiến hệ miễn dịch suy giảm, cơ thể nhanh chóng suy kiệt và tử vong hơn.

    BS Hà Hải Nam chia sẻ thêm, Bệnh viện K gần đây đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 47 tuổi mắc ung thư giai đoạn muộn, không thể phẫu thuật do khối u lan rộng. Mặc dù được bác sĩ tư vấn dùng hóa chất để nâng cao thể trạng và kéo dài sự sống, bệnh nhân từ chối điều trị và xin về nhà “uống nước kiềm để tăng sức đề kháng, giảm cân, ổn định huyết áp, thải độc, thu nhỏ khối u”. Sau ba tuần, bệnh nhân suy kiệt, nhập viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.

    Một phóng sự của Chuyển động 24h – Đài truyền hình quốc gia VTV cũng đã ghi nhận trường hợp một bệnh nhân nam tử vong trong tình trạng cơ thể suy kiệt hết mức do nhịn đói 20 ngày để sử dụng nước ion kiềm điều trị ung thư dạ dày.

    Bệnh ung thư dạ dày thường tiến triển âm thầm với các triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lành tính khác. Tại Việt Nam, hơn 90% người ung thư dạ dày đến viện trong giai đoạn muộn, khiến việc điều trị khó khăn và tỷ lệ khỏi bệnh và sống trên 5 năm sau phẫu thuật thấp.

    Phân tích và khuyến nghị từ chuyên gia

    TS.BS. Nguyễn Minh Đức – Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện Ung bướu TP.Hồ Chí Minh cho biết, môi trường khối u bị nhiễm toan, axit (thiếu oxy, chuyển hóa đường vượt định mức, chuyển hóa lactate) khiến các tế bào ung thư sống trong một môi trường chật chội, axit hóa, làm chúng trở nên “dữ” và khó tiếp cận. Nhưng môi trường toàn thân vẫn ở trạng thái thăng bằng kiềm toan, và nếu cơ thể nhiễm toan hay nhiễm kiềm sẽ rơi vào tình trạng cấp cứu.

    Do đó, sau khi chúng ta uống nước có pH kiềm vào dạ dày, nước này sẽ bị trung hòa bởi môi trường axit của dạ dày. Sau đó, đến ruột là một bước cân bằng tiếp theo trước khi được hấp thụ vào máu. “Sau khi vào máu, pH phải luôn ở mức ổn định. Hy vọng rằng uống nước ion kiềm giúp kiềm hóa toàn thân, kháng lại quá trình oxy hóa khử và kiềm hóa môi trường khối u là điều không dễ dàng,” BS. Nguyễn Minh Đức nhấn mạnh.

    Các bác sĩ khuyên người bệnh nên sáng suốt và có trách nhiệm với sức khỏe của mình. Gia đình cần bình tĩnh và trao đổi kỹ với bác sĩ để người thân được điều trị tốt nhất. Bệnh nhân cần được chăm sóc hỗ trợ ngay từ lúc khám bệnh để giảm nhẹ về tâm lý và áp lực bệnh tật, không bỏ điều trị.

    Trong bối cảnh hiện nay, cần thiết phải tăng cường tuyên truyền về các phương pháp điều trị ung thư khoa học và cảnh báo người dân về những phương pháp phản khoa học, không có cơ sở y khoa để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.

    Duy Trinh (t/h)
    https://vietq.vn/dung-nuoc-ion-kiem-de-tri-ung-thu—cach-di-nhanh-hon-den-cua-tu-d222081.html

    Tài chính khí hậu – chìa khóa cho tương lai bền vững

    0

    Tiêu chuẩn quốc tế đóng vai trò quan trọng trong thu hút và quản lý tài chính khí hậu. Chúng không chỉ đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy và trách nhiệm giải trình trong các dòng tài chính mà còn giúp đo lường, báo cáo và xác minh tác động môi trường của các khoản đầu tư liên quan đến biến đổi khí hậu.

    Tài chính cho khí hậu là yếu tố trung tâm trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu toàn cầu kể từ năm 1992. Thỏa thuận về biến đổi khí hậu Cancun năm 2010 kêu gọi các nước phát triển cùng “huy động” 100 tỷ USD hàng năm vào năm 2020 để giải quyết nhu cầu của các nước đang phát triển. Mặc dù đây có vẻ là mục tiêu đáng khen ngợi nhưng cuộc kiểm kê toàn cầu lần đầu tiên trên thế giới tại Hội nghị về Biến đổi Khí hậu của Liên hợp quốc (COP28) vào tháng 12 năm 2023 cho thấy rằng cả đóng góp tài chính và nỗ lực giảm thiểu đều còn lâu mới đạt được các cam kết.

    Chúng ta càng chờ đợi thì chi phí càng cao, cả về việc giảm thiểu sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu và đối phó với tác động của nó. Vì vậy, hãy xem xét tài chính khí hậu thực sự đòi hỏi những gì và khám phá các giải pháp tài chính có thể giúp giải quyết khủng hoảng khí hậu.

    Tài chính khí hậu

    Định nghĩa tài chính khí hậu tiếp tục là chủ đề tranh luận gay gắt. Theo Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), “Tài chính khí hậu đề cập đến tài chính địa phương, quốc gia hoặc xuyên quốc gia – được lấy từ các nguồn công, tư nhân và thay thế, nhằm hỗ trợ các hành động giảm thiểu, thích ứng nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu”.

    Tài chính khí hậu chỉ là một trong nhiều thuật ngữ được sử dụng để mô tả sự di chuyển của các quỹ trong bối cảnh các vấn đề liên quan đến khí hậu. Tuy nhiên, nhìn chung, có thể phân biệt giữa “tài chính bền vững” áp dụng cách tiếp cận rộng rãi về môi trường, xã hội, kinh tế và quản trị, khái niệm hẹp hơn về “tài chính xanh” chỉ liên quan đến các vấn đề môi trường. Thậm chí còn tập trung hơn vào những hành động nhằm mục đích giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu gọi là tài chính khí hậu.

    Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, tổng tài chính khí hậu bao gồm tất cả các dòng tài chính có tác động dự kiến là giảm phát thải ròng khí nhà kính hoặc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu hiện tại và dự kiến.

    Dòng tài chính khí hậu

    Các dòng tài chính khí hậu bao gồm việc phân bổ và phân phối các nguồn tài chính với trọng tâm cụ thể là hỗ trợ các dự án, chương trình và hoạt động liên quan đến biến đổi khí hậu. Các quỹ này hướng tới sáng kiến nhằm giải quyết cả việc giảm thiểu (giảm phát thải khí nhà kính) và thích ứng (xây dựng khả năng phục hồi trước các tác động của khí hậu).

    Vốn “chảy” từ nước này sang nước khác như thế nào? Sơ đồ dòng chảy làm sáng tỏ cách các quốc gia cung cấp và nhận tài chính khí hậu cũng như các loại tài chính được cung cấp bởi quốc gia tài trợ khác nhau. Ví dụ, họ tiết lộ tỷ lệ kinh phí được phân bổ cho các dự án thích ứng so với giảm thiểu và liệu hỗ trợ tài chính chủ yếu đến dưới hình thức tài trợ hay cho vay.

    Những loại hình đầu tư cần thiết

    Nói rộng ra, có ba hạng mục chính nhận được tài trợ khí hậu, mỗi hạng mục được hỗ trợ bởi các giải pháp tài chính khí hậu chuyên biệt được thiết kế để huy động và phân bổ nguồn vốn cho hành động khí hậu.

    Các khoản đầu tư giảm thiểu nhằm mục đích giảm phát thải khí nhà kính và bao gồm các dự án tài trợ liên quan đến nguồn năng lượng tái tạo. Các khoản đầu tư thích ứng tập trung vào việc tăng cường khả năng phục hồi trước tác động của biến đổi khí hậu, ví dụ bằng cách hỗ trợ cải thiện cơ sở hạ tầng có thể chịu được các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

    Đầu tư mang lại lợi ích kép phục vụ cả mục tiêu giảm thiểu và thích ứng, chẳng hạn như các sáng kiến nông nghiệp bền vững góp phần cô lập carbon đồng thời cải thiện an ninh lương thực.

    Các công cụ tài chính khí hậu

    Tài chính khí hậu bao gồm nhiều công cụ khác nhau. Để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng tăng, các giải pháp tài chính khí hậu đổi mới đã xuất hiện để tài trợ hoặc tái cấp vốn cho các dự án và tài sản góp phần hành động vì khí hậu. Một số công cụ tài chính quan trọng bao gồm:

    Các khoản tài trợ và quyên góp: Các khoản tài trợ cung cấp nguồn vốn không hoàn lại để hỗ trợ các dự án và sáng kiến liên quan đến khí hậu. Chúng thường hoạt động như một nguồn tài trợ dựa trên kết quả trong đó việc giải ngân vốn gắn liền với việc cung cấp thành công các kết quả đầu ra cụ thể (ví dụ: cơ sở hạ tầng).

    Hoán đổi nợ: Hoán đổi nợ lấy khí hậu là các thỏa thuận tài chính trong đó các quốc gia mắc nợ đàm phán để cơ cấu lại khoản nợ hiện tại của họ để đổi lấy cam kết đầu tư các nguồn lực giải phóng vào dự án thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu trong phạm vi biên giới của họ. Cơ chế này đặc biệt có lợi cho các quốc gia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ nần lớn.

    Cổ phần vốn sở hữu: Vốn chủ sở hữu thường đề cập đến cổ phần sở hữu hoặc cổ phần trong các công ty hoặc dự án. Cổ phần trong các hoạt động liên quan đến khí hậu cho phép nhà đầu tư hỗ trợ các sáng kiến phù hợp với mục tiêu khí hậu đồng thời có khả năng kiếm được lợi nhuận dựa trên sự thành công của dự án.

    Trái phiếu xanh: Trái phiếu xanh là công cụ có thu nhập cố định được thiết kế để hỗ trợ các dự án cụ thể liên quan đến khí hậu hoặc thân thiện với môi trường.

    Bảo lãnh: Bảo lãnh là cam kết trong đó người bảo lãnh (ví dụ tổ chức tài chính phát triển hoặc cơ quan tín dụng xuất khẩu) cam kết thực hiện nghĩa vụ của con nợ đối với người cung cấp nợ. Cụ thể là trong bối cảnh các hoạt động thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, bảo lãnh đóng vai trò then chốt trong huy động nguồn tài trợ của khu vực tư nhân bằng cách giảm thiểu rủi ro tài chính liên quan đến các sáng kiến khí hậu.

    Các khoản vay ưu đãi: Những khoản vay này khác với khoản vay truyền thống vì chúng đưa ra điều khoản có lợi: thời gian trả nợ dài hơn hoặc lãi suất thấp hơn thị trường. Chúng được cấp bởi các tổ chức tài chính lớn, chẳng hạn như các ngân hàng phát triển và quỹ đa phương, cho các nước đang phát triển cho các dự án có tác động lớn nhằm chống biến đổi khí hậu và xây dựng một tương lai bền vững hơn.

    Việc lựa chọn công cụ và cách thức cung cấp công cụ có thể ảnh hưởng đáng kể đến việc nguồn tài chính có đạt được các mục tiêu giảm thiểu và thích ứng một cách hiệu quả hay không. Vì lý do này, việc thiết lập sự kết hợp phù hợp giữa các giải pháp tài chính khí hậu cho quốc gia, ngành và dự án là rất quan trọng để tối đa hóa tác động của tài chính khí hậu.

    Đo lường hiệu quả của tài chính khí hậu

    Đo lường chính xác hiệu quả của các sáng kiến tài chính khí hậu trong việc phân bổ vốn cho các dự án có tác động vẫn là một nhiệm vụ phức tạp. Về cốt lõi, nó liên quan đến việc theo dõi các dòng tài chính nhằm mục đích rõ ràng là giải quyết các nỗ lực giảm thiểu, thích ứng và phục hồi biến đổi khí hậu. Điều này bao gồm tài trợ từ nhiều nguồn công và tư nhân khác nhau, chẳng hạn như ngân sách chính phủ, viện trợ quốc tế, đầu tư tư nhân và các công cụ tài chính sáng tạo như trái phiếu xanh và thị trường carbon.

    Những thách thức vẫn tồn tại trong việc nắm bắt và phân loại chính xác các dòng tài chính khí hậu. Ví dụ, việc phân biệt giữa tài trợ dành riêng cho khí hậu và hỗ trợ phát triển chung có thể là thách thức, vì nhiều dự án phát triển đóng góp cả vào việc thích ứng và giảm nhẹ khí hậu. Ngoài ra, việc theo dõi đầu tư của khu vực tư nhân vào các dự án thân thiện với khí hậu có thể gặp khó khăn do thiếu các thông lệ báo cáo chuẩn hóa.

    Tuy nhiên, việc đo lường hiệu quả tài chính khí hậu không chỉ dừng lại ở việc theo dõi các dòng tài chính. Các nhà tài trợ khí hậu muốn được đảm bảo bằng dữ liệu chắc chắn rằng sự tham gia của họ sẽ không bị coi là “tẩy xanh”. Ví dụ, trái phiếu xanh thường được phát hành để huy động tiền đầu tư thân thiện với khí hậu; tuy nhiên, mối liên hệ giữa các biện pháp thực sự thân thiện với khí hậu và tác động của chúng đôi khi có thể rất mong manh do thiếu tính minh bạch và tuân thủ các tiêu chuẩn.

    Các biện pháp bảo vệ tài chính khí hậu

    Các khung đo lường hiệu quả là cần thiết để theo dõi tiến độ, đảm bảo trách nhiệm giải trình và hướng dẫn các khoản đầu tư trong tương lai. Để giải quyết thách thức này, các nỗ lực đang được tiến hành nhằm cải thiện tính minh bạch, nhất quán và khả năng so sánh trong báo cáo tài chính khí hậu. Đó là lý do tại sao các tổ chức tài chính lớn, bao gồm cả Ngân hàng Thế giới đang áp dụng các công nghệ mới như blockchain để tạo ra giải pháp tài chính khí hậu minh bạch, có thể kiểm chứng và có thể mở rộng hơn.

    Tiêu chuẩn quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và quản lý tài chính khí hậu. Chúng không chỉ đảm bảo tính minh bạch, độ tin cậy và trách nhiệm giải trình trong các dòng tài chính mà còn giúp đo lường, báo cáo và xác minh tác động môi trường của các khoản đầu tư liên quan đến biến đổi khí hậu.

    Việc giám sát đầy đủ tác động môi trường của dự án là chìa khóa trong việc xác định liệu dự án đó có đủ điều kiện nhận tài trợ khí hậu hay không. Tính đầy đủ của thông tin là nguyên tắc cốt lõi của ISO 14100, một tiêu chuẩn giúp các tổ chức ở cả hai phía của giao dịch tài chính xác định rủi ro và cơ hội về môi trường liên quan đến các dự án, tài sản và hoạt động có khả năng mang lại lợi ích.

    Bằng cách tuân thủ các tiêu chuẩn toàn cầu, nhà đầu tư có thể đảm bảo nguồn vốn của họ được hướng tới các dự án góp phần thực sự vào việc giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu.

    Hà My (theo iso)
    https://vietq.vn/tai-chinh-khi-hau-chia-khoa-cho-mot-tuong-lai-ben-vung-d222048.html

    Tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến ảnh hưởng nghiêm trọng tới giấc ngủ

    Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng thực hiện tại Hà Lan cho biết, việc sử dụng một số thực phẩm siêu chế biến có thể làm tình trạng mất ngủ trở nên nghiêm trọng hơn.

    Một phân tích mới được công bố trên Tạp chí của Hà Lan do Viện Dinh dưỡng và Ăn kiêng thực hiện, cho thấy việc tiêu thụ thực phẩm siêu chế biến (UPF) có thể liên quan đến khoảng 1/3 trường hợp mất ngủ trong dân số nói chung.

    Thực phẩm siêu chế biến hiện có rất nhiều xung quanh chúng ta như các loại giăm bông, xúc xích, đồ ăn nhẹ chiên, nước giải khát có ga, kem, bánh kẹo…

    Dựa trên dữ liệu của 39.000 người, các nhà khoa học đã phát hiện gần 20% bị mất ngủ mãn tính sau khi tiêu thụ 16% năng lượng từ thực phẩm siêu chế biến. Đối với nhóm mất ngủ mãn tính, tỉ lệ năng lượng tiêu thụ từ thực phẩm siêu chế biến cao hơn mức trung bình và cao hơn nhiều so với những người ngủ ngon. Mối liên hệ này được quan sát ở cả nam và nữ, trong đó nam giới bị ảnh hưởng mạnh hơn.

    Thực phẩm siêu chế biến là nhóm thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đường, muối và nhiều loại phụ gia, từng được nhiều nghiên cứu cảnh báo là làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường, mất trí nhớ, và vấn đề sức khỏe tâm thần…

    TS Marie-Pierre St-Onge từ Trung tâm Nghiên cứu giấc ngủ và sinh học thuộc Khoa Y – Đại học Columbia (Mỹ), tác giả chính, cho biết họ đã nghiên cứu dựa trên dữ liệu của 39.000 người.


    Thực phẩm siêu chế biến tiềm ẩn nhiều mối nguy hại tới giấc ngủ. Ảnh minh họa

    Nhóm tình nguyện viên này cho biết họ tiêu thụ khoảng 16% năng lượng từ UPF và gần 20% bị mất ngủ mạn tính. Phân tích sâu hơn nhóm mất ngủ mạn tính, tỉ lệ năng lượng tiêu thụ từ UPF cao hơn mức trung bình và cao hơn nhiều so với những người ngủ ngon. Mối liên hệ này được quan sát ở cả nam và nữ, trong đó nam giới bị ảnh hưởng mạnh mẽ hơn một chút. Các tác giả cũng ước tính UPF có thể liên quan đến khoảng 1/3 trường hợp mất ngủ trong dân số nói chung.

    UPF là nhóm thực phẩm giàu chất béo bão hòa, đường, muối và nhiều loại phụ gia, từng được nhiều nghiên cứu cảnh báo là làm tăng nguy cơ béo phì, bệnh tim mạch, đái tháo đường, mất trí nhớ, vấn đề sức khỏe tâm thần… Đối với cơ chế thúc đẩy tình trạng mất ngủ, các tác giả cho biết cần phải nghiên cứu thêm. Tuy vậy, bằng chứng mới này ủng hộ khuyến nghị phổ biến rằng nên hạn chế tiêu thụ UPF.

    Thực phẩm siêu chế biến là các loại thực phẩm được chế biến theo kiểu công nghiệp với từ 5 thành phần trở lên. Các thành phần này cũng bao gồm các thành phần được sử dụng cho thực phẩm chế biến nhóm 3, chẳng hạn như muối, đường, chất chống oxy hóa, chất ổn định, bảo quản.

    Ngoài ra, đặc trưng của thực phẩm siêu chế biến là chúng chứa các thành phần lạ, không thường được sử dụng trong ẩm thực, chẳng hạn như các phụ gia để ngụy trạng hoặc biến thực phẩm nhóm 4 có cảm quan như thực phẩm nhóm 1, bao gồm: casein, lactose, whey, gluten, dầu hydro hóa, protein hydrolysed, protein đậu nành cô đặc, maltodextrin, xi-rô ngô hàm lượng cao fructose (HFCS)…

    Các chất phụ gia có thể được sử dụng để tăng cường hình thức, kết cấu, mùi vị hoặc độ bền của thực phẩm, cùng với việc bổ sung thêm màu sắc, hương vị và chất nhũ hóa.

    Thông thường, thực phẩm siêu chế biến có nhiều muối, đường và chất béo, ít vitamin và chất xơ, đồng thời có rất ít hoặc không có thực phẩm toàn phần (thực phẩm chưa qua chế biến và tinh chế hoặc rất ít).

    “Thực phẩm siêu chế biến là thực phẩm không có gì giống với các bộ phận/thành phần cấu thành của nó. Thực phẩm siêu chế biến đã bị mất đi giá trị dinh dưỡng (về cơ bản). Nó cũng có nhiều thành phần, bao gồm cả phụ gia thực phẩm (tức là chất béo hydro hóa, tinh bột biến tính) không được sử dụng trong nấu ăn tại nhà. Những thực phẩm này chủ yếu có nguồn gốc công nghiệp và có thể bảo quản trong thời gian dài”, Dana Hunnes, Tiến sĩ, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng cấp cao tại Trung tâm Y tế UCLA nói với Medical News Today.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/thuc-pham-sieu-che-bien-anh-huong-nghiem-trong-toi-giac-ngu-d221998.html

    Khói thuốc lá: Những nguy hại nghiêm trọng đối với trẻ em

    Khói thuốc lá là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh nguy hiểm, đặc biệt đối với trẻ em bởi ở trẻ em các cơ quan phổi, tim, não… chưa phát triển hoàn thiện, sức đề kháng chưa cao.

    Bà Đinh Thị L., ở xã Sơn Cao, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi cho biết, gia đình vừa đưa cháu ngoại mới 2 tuổi nhập viện tại Khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi) sau nhiều ngày bị ho, sốt, đã uống thuốc nhưng không khỏi. Tại đây, cháu được chẩn đoán viêm phổi, cần phải theo dõi, chăm sóc tích cực.

    Bà L. chia sẻ, trong gia đình bà có nhiều người hút thuốc lá, khiến cho con trẻ không tránh khỏi việc hút thuốc lá thụ động. “Cháu hay ho, khò khè và bị các bệnh về đường hô hấp. Sau khi bác sĩ tư vấn, tôi mới biết là khói thuốc lá khiến cháu dễ bị bệnh”, bà L. cho biết thêm.

    Thực tế đã có rất nhiều nghiên cứu chứng minh hút thuốc lá thụ động sẽ tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi, làm trẻ thường xuyên bị ho, sổ mũi. Ước tính mỗi năm, nước ta có khoảng 150 nghìn – 300 nghìn trẻ em dưới 18 tháng tuổi bị viêm phế quản hoặc viêm phổi có liên quan đến môi trường có khói thuốc.

    Trẻ dưới 1 tuổi thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc bị viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi những trường hợp khác. Nguy cơ lên cơn hen hàng ngày tăng gấp 2 lần. Số lần phải nhập viện điều trị cơn hen cũng nhiều hơn so với những đứa trẻ mà các thành viên trong gia đình không hút thuốc lá.

    Tương tự trường hợp trên, tại tỉnh Đắk Nông, chị Lê Thị H., phường Nghĩa Trung, TP.Gia Nghĩa cho biết, bé nhà chị hiện mới được 4,5 tháng. Bé thường xuyên bị thở khò khè và ho. Gia đình đã đưa bé về Bệnh viện Nhi Đồng I để được khám và điều trị thì các bác sĩ ở đây cho biết, bé bị viêm phế quản. Khi bác sĩ hỏi ra chị mới hay, do nhà chị hiện đang ở chung ba thế hệ, trong nhà có ông nội và chồng chị đều là những người hút thuốc lá. Mỗi lần hút mặc dù hai người đã ra ngoài nhưng vẫn không tránh khỏi cho bé “hút thuốc lá thụ động”.

    Bác sĩ Trịnh Tế Hi – Khoa Nhi hô hấp (Bệnh viện Sản – Nhi tỉnh Quảng Ngãi) cho biết, hệ hô hấp của trẻ nhỏ còn non yếu, chưa hoàn thiện, nhạy cảm với khói bụi bên ngoài, nhất là khói thuốc lá. Việc hút thuốc lá thụ động kéo dài lâu ngày sẽ gây tổn thương niêm mạc đường thở của trẻ, gây ra các bệnh lý mãn tính về hô hấp. Ngoài ra, chất độc trong khói thuốc sẽ gây ra nhiều bệnh lý ung thư khởi phát sớm như: Ung thư phổi, thanh quản, vòm họng…


    Khói thuốc – mối nguy hại đối với trẻ em. (Ảnh minh họa)

    Không có ngưỡng an toàn với việc hút thuốc lá thụ động. Những người chỉ tiếp xúc với khói thuốc lá thời gian ngắn đã có thể chịu ảnh hưởng xấu về sức khỏe. Ngoài hệ hô hấp, các cơ quan khác như tim, não của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển nên việc hít khói thuốc lá thụ động lâu dài có thể gây ảnh hưởng về cả thể chất lẫn tinh thần trẻ. Trẻ sẽ gặp hạn chế về khả năng học hỏi, gặp các rắc rối về hành vi, chứng hiếu động thái quá và bệnh rối loạn tăng động giảm chú ý. Bên cạnh đó, nguy cơ trẻ trở thành người nghiện thuốc lá khi trưởng thành cũng sẽ cao hơn.

    Khảo sát trên địa bàn tỉnh cho thấy, Quảng Ngãi có 28,6% người trưởng thành hút thuốc lá. Trong đó, có 32,7% người bắt đầu hút thuốc lá trước 20 tuổi và 67,3% người bắt đầu hút thuốc sau 20 tuổi. Đặc biệt, tỷ lệ người hút thuốc lá thụ động tại nhà chiếm hơn 40%; tại nơi làm việc hơn 21%; tại cơ quan nhà nước chiếm hơn 39%; tại nhà hàng chiếm 53,7%; tại quán bar, cà phê chiếm hơn 78%.

    Theo BS.Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô Hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1, hút thuốc thụ động được hiểu là người không trực tiếp hút thuốc nhưng vẫn hít phải khói thuốc của người hút thuốc lá, xì gà hay ống điếu. Môi trường có khói thuốc bao gồm dòng khói thở ra từ người hút và dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc lá đang cháy.

    Dòng khói tỏa ra từ đầu điếu thuốc đang cháy sẽ vất vưởng trong phòng lâu hơn và có nồng độ chất gây ung thư cao hơn so với dòng khói thuốc chính thở ra từ người hút. Vì vậy, việc có người hút thuốc trong nhà, dù là hút thuốc ở phòng khác thì trẻ vẫn có nhiều nguy cơ hít phải khói thuốc.

    Bác sĩ Lê Thanh Minh-Trưởng khoa Sản (Bệnh viện Đại học Y dược-Hoàng Anh Gia Lai) cảnh báo, trẻ em có thể bị nhiễm khói thuốc ngay từ khi còn nằm trong bào thai theo hình thức thụ động. Hút thuốc lá thụ động không chỉ ảnh hưởng đến phổi của trẻ mà còn ảnh hưởng đến não, tim, đường ruột, bệnh về đường hô hấp. Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh hút thuốc lá thụ động làm tăng nguy cơ nhiễm lao phổi, khởi phát cơn hen, viêm phế quản, viêm phổi…

    Bệnh viện Đa khoa tỉnh mỗi tháng tiếp nhận hàng chục trẻ sinh non, nhẹ cân bị các bệnh về hô hấp, thậm chí bị tim bẩm sinh mà không ít trẻ trong số đó có bố hoặc mẹ nghiện hút thuốc lá. Bác sĩ Hoàng Ngọc Thành-Phó trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai) cho hay: Nhiều phụ huynh đến chăm con nằm điều trị dài ngày tại khoa bệnh mà vẫn tụ tập ngoài hành lang để hút thuốc lá. Dù cán bộ y tế nhắc nhở nhưng nhiều người không ý thức được việc hút thuốc lá sẽ gây hại cho sức khỏe của bản thân mình và người xung quanh. Thậm chí có trường hợp khi bị nhắc nhở còn tỏ ra khó chịu với cán bộ y tế, họ không biết rằng hút thuốc lá trong bệnh viện là vi phạm pháp luật.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/su-nguy-hai-nghiem-trong-cua-khoi-thuoc-la-doi-voi-tre-em-d221880.html

    Ăng-ten vây cá mập trên nóc ô tô có công dụng gì đặc biệt?

    Ăng-ten vây cá mập, ngày càng trở nên phổ biến trên các dòng xe ô tô. Với hình dáng giống như vây cá mập, loại ăng-ten này không chỉ mang lại vẻ thể thao và năng động cho chiếc xe mà còn sở hữu nhiều công dụng đáng chú ý.

    Ăng-ten vây cá mập và những công dụng đặc biệt. Ảnh minh họa

    Giống như các loại ăng-ten cơ bản, ăng-ten vây cá mập có chức năng chính là giúp tăng cường tín hiệu truyền thông trong xe. Cấu tạo của nó bao gồm vỏ ngoài làm bằng nhựa và bên trong là dây ăng-ten bắt sóng.

    Nhờ thiết kế này, ăng-ten vây cá mập có khả năng bắt tín hiệu radio, GPS, và các dịch vụ truyền thông khác, đảm bảo kết nối luôn ổn định khi lái xe.

    Đối với các mẫu xe hạng sang, ăng-ten vây cá mập còn có thêm tính năng chống nhiễu tín hiệu radio. Sử dụng nguyên lý động lực học không khí, phụ kiện cao cấp này giúp giảm thiểu sự can thiệp của các tín hiệu không mong muốn, mang lại trải nghiệm nghe radio tốt hơn.

    Một trong những lợi ích nổi bật của ăng-ten vây cá mập là khả năng giảm lực cản không khí. Với thiết kế dạng xẻ, thuôn dài về phía sau, ăng-ten này giúp cải thiện khả năng khí động học của xe, cho phép xe di chuyển mượt mà hơn ngay cả khi ngược gió. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm nhiên liệu mà còn duy trì tốc độ ổn định hơn khi lái xe trên đường cao tốc.

    Không những thế, ăng-ten vây cá mập còn có tác dụng như một dây nguội cho thiết bị điện của xe, giúp giảm bớt nguy cơ chập điện. Đặc biệt, trong điều kiện thời tiết giông bão, phụ kiện này có thể giảm nguy cơ bị sét đánh, tăng cường an toàn cho xe và người lái.

    Mặc dù có nhiều ưu điểm, ăng-ten vây cá mập cũng có một số hạn chế. Khả năng bắt sóng của loại ăng-ten này thường kém hơn một chút so với ăng-ten thông thường. Chẳng hạn, khi xe di chuyển qua những khu vực sóng yếu như tầng hầm, ăng-ten vây cá mập gần như không bắt được tín hiệu, trong khi ăng-ten nguyên bản vẫn có thể bắt được đôi chút tín hiệu.

    Có thể thấy, ăng-ten vây cá mập không chỉ mang lại vẻ ngoài thời trang và thể thao cho xe ô tô mà còn sở hữu nhiều công dụng hữu ích như tăng cường tín hiệu truyền thông, chống nhiễu, giảm lực cản không khí, và đảm bảo an toàn điện.

    Dù có một số hạn chế về khả năng bắt sóng trong khu vực sóng yếu, nhưng với những ưu điểm vượt trội, ăng-ten vây cá mập vẫn là lựa chọn lý tưởng cho những ai mong muốn nâng cấp chiếc xe của mình cả về công nghệ và phong cách.

    QCVN 37:2018/BTTTT:

    Quy chuẩn này áp dụng cho thiết bị vô tuyến có ăng ten liền dùng phương thức điều chế góc trong các nghiệp vụ di động mặt đất, chủ yếu cho thoại tương tự, hoạt động trong băng tần số vô tuyến điện từ 30 MHz đến 1 000 MHz với các khoảng cách kênh là 12,5 kHz và 25 kHz.

    Quy chuẩn này cũng áp dụng cho thiết bị PMR 446 theo ECC/DEC/(15)05 đáp ứng các yêu cầu về thiết bị bộ đàm công suất thấp được miễn giấy phép sử dụng tần số vô tuyến điện theo quy định tại Thông tư số 46/2016/TT-BTTTT ngày 26 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Lưu ý rằng thiết bị PMR 446 có yêu cầu kết hợp máy thu và có thể có yêu cầu về thời gian truyền tối đa 180 s và VOX.

    Duy Trinh (t/h)
    https://vietq.vn/ang-ten-vay-ca-map-tren-noc-o-to-co-cong-dung-gi-dac-biet-d221892.html

    Giải pháp ứng phó với tin nhắn rác, cuộc gọi rác

    Lừa đảo qua điện thoại không phải hình thức mới nhưng số nạn nhân vẫn ngày một tăng lên. Hình thức lừa đảo này diễn biến phức tạp và không ngừng thay đổi khiến nhiều người chủ quan và dễ sập bẫy của kẻ xấu.

    Từ ngày 15/4/2024, các doanh nghiệp viễn thông di động chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện SIM được phát triển mới không đúng quy định. Tuy nhiên, hiện nay một số người vẫn còn băn khoăn về tính khả thi của quy định này và lo ngại tình trạng bị làm phiền vẫn sẽ tiếp diễn ra cũng như các SIM phát triển mới không đúng quy định.

    Trước vấn đề này, ông Nguyễn Phong Nhã – Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu rõ quan điểm về trường hợp phát hiện các vi phạm, Thanh tra Bộ tổ chức thanh tra xử lý vi phạm (có thể xem xét ở mức cao nhất là dừng phát triển mới); đồng thời, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ xem xét có văn bản nhắc nhở người đứng đầu các doanh nghiệp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét có hình thức kỷ luật.

    Trên cơ sở đó trong thời gian qua, ngay sau khi nhận được phản ánh (trong đó có phản ánh từ các cơ quan báo chí), Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các đơn vị (Thanh tra Bộ, Cục Viễn thông) tổ chức khảo sát, kiểm tra, xác minh. Đến thời điểm hiện tại, kết quả xác minh sơ bộ cho thấy các trường hợp này đều có đầy đủ thông tin thuê bao. Đồng thời các doanh nghiệp đã rà soát, làm rõ (chuẩn hóa lại thông tin, cam kết đang sử dụng đúng mục đích) khoảng 5,75 triệu thuê bao thuộc tập 4-9 SIM/1 giấy tờ.

    Trong trường hợp phát hiện các dấu hiệu vi phạm, Cục sẽ báo cáo, trình lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho phép tiến hành thanh tra, kiểm tra việc giao kết hợp đồng, mua bán, lưu thông SIM thuê bao di động trên thị trường. Đồng thời, xử lý vi phạm (nếu có) theo các quy định của pháp luật như Nghị định 15/2020/NĐ-CP, Nghị định 14/2022/NĐ-CP.

    Phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác

    Đối với các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, ông Nguyễn Phong Nhã nêu, bên cạnh công tác xử lý SIM có thông tin thuê bao không đúng quy định, cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người sử dụng.

    Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện triển khai đồng bộ các phương án, giải pháp về chính sách, hành chính, kỹ thuật… nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cuộc gọi giả mạo từ các số thuê bao điện thoại cố định.

    Một trong những giải pháp là triển khai là cấp tên định danh (Voice brandname) các số điện thoại là các số hotline (đường dây nóng) được sử dụng để liên lạc trực tiếp với nhân dân cho các cơ quan nhà nước như Tòa án, Công an, Viện kiểm sát… (hiện nay Bộ đang phối hợp với Bộ Công an để triển khai cấp tên định danh cho các đầu mối ngành công an).

    Bên cạnh đó, chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cấp tên định danh cho các số hotline chăm sóc khách hàng của mình; chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông cố định phối hợp thực hiện các biện pháp ngăn chặn các cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại cố định.

    Trong thời gian tới, Bộ sẽ nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý cũng như chỉ đạo các nhà mạng áp dụng các công nghệ kỹ thuật, nhằm hạn chế tối đa việc phát tán cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ số thuê bao cố định này.


    Ảnh minh họa

    Khi người dân nhận được tin nhắn, cuộc gọi rác đề nghị: Không thực hiện theo các yêu cầu của các đối tượng; kịp thời phản ánh đến các hệ thống tiếp nhận của Bộ Thông tin và Truyền thông (tổng đài 5656, website: https://thongbaorac.ais.gov.vn/) hoặc tới tổng đài chăm sóc khách hàng của các doanh nghiệp viễn thông; phản ánh tới cơ quan công an tại địa phương với trường hợp tin nhắn, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo.

    Cũng theo Cục Viễn thông, Cục đã có các công văn chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông thực hiện một số biện pháp để ngăn chặn các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo từ các số điện thoại cố định. Các doanh nghiệp viễn thông hiện đang tích cực phối hợp triển khai.

    Tuy nhiên, các cuộc gọi rác (tele sell, tele marketing), cuộc gọi lừa đảo (spam calls, fisshing call) là vấn nạn chung của các nước trên thế giới. Cơ quan quản lý nhà nước tìm cách ngăn chặn (các biện pháp kỹ thuật, thuật toán để hạn chế) thì đối tượng cũng tìm cách để tránh khỏi các biện pháp kiểm soát này và tiếp tục thực hiện phát tán cuộc gọi.

    Cảnh giác khi thấy đầu số điện thoại 1900 gọi tới

    Để tránh tiền mất tật mang, người dùng cần nắm vững cách nhận biết các đầu số điện thoại lừa đảo. Các đầu số điện thoại lừa đảo thường xuyên mạo danh nhà mạng, mạo cơ quan tổ chức có thẩm quyền, quảng cáo để tiếp cận khách hàng, thu thập thông tin cá nhân hoặc có dấu hiệu lừa đảo.

    Khi thấy các đầu số này gọi vào máy, bạn hãy cân nhắc không nghe máy và không gọi lại. Trong đó: Đầu số (+1900) gồm có những số điện thoại sau:19003439, 19004510, 19002191, 19003441, 19002170, 19002446, 19001095, 19002190, 19002196, 19004562, 19003440, 19001199,…

    Nhận biết kịch bản lừa đảo của kẻ gian

    Để chủ động phòng ngừa, không để trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo, cơ quan công an khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phát hiện các cuộc gọi, tin nhắn lừa đảo qua các dấu hiệu như:

    Các cuộc gọi tự xưng là cán bộ Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng… gọi điện yêu cầu cung cấp thông tin thẻ ngân hàng để nhận gửi bưu phẩm hoặc giấy triệu tập, chuyển tiền vào tài khoản chỉ định trước để phục vụ điều tra…

    Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành, để giải quyết các hành vi vi phạm, cơ quan chức năng phải làm việc trực tiếp với công dân. Đồng thời, cũng không có quy định cho phép cơ quan chức năng được yêu cầu công dân nộp tiền qua điện thoại.

    Các cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng,… Trên thực tế, đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin để chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại.

    Thủ đoạn lừa đảo của chúng thường là thông báo thông tin giả về việc trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp mật khẩu OTP khách hàng hay lấy lý do nào đó yêu cầu cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng.

    Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ.

    Nên làm gì khi nhận được cuộc điện thoại từ số lạ

    Nếu thuê bao di động thường hay nhận được các cuộc điện thoại từ số lạ thì người dùng cần chủ động đề phòng bằng cách:

    Người dùng tuyệt đối không cung cấp các thông tin cá nhân; không thực hiện tải và cài đặt các ứng dụng được đối tượng yêu cầu trên điện thoại cá nhân,…

    Không cung cấp những thông tin cá nhân như họ và tên, ngày tháng năm sinh, số CMND/CCCD.

    Không làm theo hướng dẫn của đối tượng như click vào link để nhận tiền, nhận thưởng, nhận quà của người khác tặng,…

    Nếu đối tượng nhá máy không nên gọi lại.

    Ngoài ra, khách hàng nên nhắn tin, gọi điện báo cáo đến số 156 – tổng đài của các nhà mạng chuyên tiếp nhận phản ánh về cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, để các nhà mạng phối hợp với cơ quan chức năng kịp thời xử lý. Đồng thời, thông báo ngay cơ quan công an gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/giai-phap-ung-pho-voi-tin-nhan-rac-dien-thoai-rac-d221973.html