26 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024
More
    Home Blog Page 23

    Cách phòng, chống cháy nổ khi sử dụng thiết bị điện vào mùa nắng nóng

    Theo khuyến cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, mùa nắng nóng người dân cần nâng cao ý thức và trang bị cho mình kiến thức cơ bản trong sử dụng các thiết bị điện để giảm thiểu cháy nổ xảy ra.

    Những năm gần đây, tình hình cháy, nổ trên cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng diễn biến phức tạp, ngày càng gia tăng về số vụ cháy, số người chết, bị thương và tài sản thiệt hại.

    Đặc biệt, nhiều vụ cháy nổ, hỏa hoạn liên tiếp xảy ra tại những căn nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn phòng cháy chữa cháy có thể gây ra hậu quả, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Theo điều tra của lực lượng chức năng, tình trạng quá tải, chập điện, thiết bị điện không an toàn… là nguyên nhân gây ra nhiều sự cố cháy, nổ với hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng người dân. Để chủ động ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ do việc sử dụng điện, các thiết bị điện gây ra, Tập đoàn Điện lực Việt Nam khuyến cáo người dân cần chú ý thực hiện một số biện pháp sau:


    Mùa nắng nóng mỗi gia đình cần trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy phù hợp, trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn,… để kịp thời xử lý tình huống cháy, nổ xảy ra. Ảnh minh họa

    Hệ thống điện, dây dẫn điện phải có tiết diện và cách điện phù hợp, đáp ứng công suất của các thiết bị sử dụng điện; có thiết bị đóng, ngắt, bảo vệ cho hệ thống điện chung toàn nhà, từng tầng, từng phòng, khu vực và các thiết bị tiêu thụ điện có công suất lớn; cầu dao, aptomat nên lắp đặt tại vị trí dễ thấy, thuận tiện cho việc ngắt điện; đường dây dẫn điện phải được đi trong ống gel bảo vệ.

    Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng đối với hệ thống điện, khi phát hiện các điểm mất an toàn, điểm bất thường (dây dẫn điện bị nứt, đổi màu, đứt gẫy; các thiết bị đóng cắt, bảo vệ hoạt động kém, thường xuyên xảy ra phóng điện tại các tiếp điểm; các ổ cắm, mối nối, các điểm tiếp xúc, công tắc điện bị oxy hóa gây ra hiện tượng phóng điện, dò điện…) phải kịp thời sửa chữa hoặc thay thế để đáp ứng tiêu chuẩn an toàn về điện, phòng chống cháy nổ.

    Hạn chế sử dụng các thiết bị điện có công suất cao trong cùng một thời điểm; đặc biệt, không cắm đồng thời nhiều thiết bị điện có mức tiêu thụ điện lớn trên cùng một ổ cắm; hạn chế sử dụng nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm. Khi lắp đặt thêm thiết bị tiêu thụ điện cần tính toán, lựa chọn dây dẫn, thiết bị đóng cắt bảo vệ phù hợp, tránh gây tình trạng quá tải.

    Khi sử dụng thiết bị đốt nóng như bếp điện, bàn là, lò sưởi, ấm điện… phải đặt trên vật liệu không cháy, đảm bảo khoảng cách với các vật liệu dễ cháy và phải có người trông coi, giám sát. Không để trang thiết bị điện phát nhiệt gần các đồ vật dễ cháy, nổ. Không sạc pin các thiết bị qua đêm; không nên vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại, ipad, …

    Bố trí tách biệt hệ thống điện của khu vực sản xuất, kinh doanh với khu vực khác của nhà ở, sinh hoạt. Kiểm tra và tắt các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết khi không sử dụng. Lựa chọn thiết bị có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, công suất thiết bị phù hợp nhu cầu sử dụng. Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện. Sử dụng điện hàn, cắt phải thực hiện đầy đủ quy định; không câu mắc, tự ý đấu nối điện tùy tiện. Mỗi hộ gia đình phải trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy phù hợp; trang bị kiến thức, kỹ năng chữa cháy, thoát nạn,… để kịp thời xử lý tình huống cháy, nổ xảy ra.

    Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn thiết bị điện và điện tử

    Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 4 : 2009/BKHCN về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử.

    Quy chuẩn kỹ thuật này quy định yêu cầu về an toàn và quản lý đối với thiết bị điện, điện tử quy định trong Danh mục tại Phụ lục của Quy chuẩn kỹ thuật này. Danh mục có thể được sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

    Theo đó, các thiết bị điện và điện tử quy định tại phụ lục của Quy chuẩn kỹ thuật này phải bảo đảm an toàn, phù hợp với Tiêu chuẩn quốc gia tương ứng được quy định cụ thể trong Quy chuẩn. Các thiết bị điện và điện tử khi lưu thông trên thị trường phải có nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, phải được chứng nhận hợp quy, mang dấu hợp quy (dấu CR ) theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật này và chịu sự kiểm tra trên thị trường của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

    Thiết bị điện và điện tử phải được đánh giá, chứng nhận hợp quy theo phương thức 5 “thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất, giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất”. Giấy chứng nhận hợp quy khi đánh giá theo phương thức 5 có giá trị hiệu lực không quá 3 năm.

    Doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán lẻ thiết bị điện và điện tử phải bảo đảm chất lượng theo quy định có liên quan của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

    Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện mới nhất áp dụng theo QCVN 01:2020/BCT được ban hành kèm theo Thông tư 39/2020/TT-BCT ngày 30/11/2020 của Bộ Công thương. QCVN 01:2020/BCT quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn khi xây dựng, vận hành, kinh doanh, thí nghiệm, kiểm định, sửa chữa đường dây dẫn điện, thiết bị điện và các công việc khác theo quy định của pháp luật.

    QCVN 01:2020/BCT áp dụng cho tất cả tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện để sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/cach-phong-chong-chay-no-khi-su-dung-cac-thiet-bi-dien-vao-mua-nang-nongs13-d222340.html

    Cảnh báo chiêu trò đánh giá trực tuyến giả mạo khi mua hàng qua thương mại điện tử

    Mua hàng qua thương mại điện tử mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, người tiêu dùng cần cẩn trọng với những chiêu trò như đánh giá trực tuyến giả mạo (fake online review) hay các loại “bẫy tâm lý” trên mạng xã hội…

    Thời gian qua, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin đã làm thay đổi cách thức giao dịch thương mại. Giao dịch thương mại điện tử, thương mại điện tử xuyên biên giới trở thành xu thế tất yếu trên toàn cầu.

    Bà Phạm Quế Anh – Chuyên gia Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ phân tích những cơ hội và thách thức đối với người người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử, thương mại xuyên biên giới. Về mặt cơ hội, thương mại truyền thống giao dịch chỉ bó hẹp diễn ra trong các cửa hàng, chợ, siêu thị, hoặc tại tư gia của người tiêu dùng. Khi thương mại điện tử phát triển nhanh, tạo ra cơ hội cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm cả hàng hoá, sản phẩm tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, bởi ranh giới của thị trường được mở rộng.

    Thương mại điện tử tiện dụng và hiệu quả cao hơn khi không cần địa điểm, giờ giấc cụ thể, gửi, nhận phản hồi, các câu hỏi cũng như khiếu nại ngay lập tức, trải nghiệm mua sắm, tiêu dùng được cá nhân hóa, với các gợi ý chính xác từ phía người bán… Nguồn thông tin vô tận, cho phép người tiêu dùng có thể so sánh giữa các lựa chọn, nhà cung cấp khác nhau, chi phí giao dịch giảm xuống.

    Chiêu trò đánh giá trực tuyến giả mạo khi mua hàng qua trực tuyến gây thiệt hại cho người dùng nếu như đặt mua sản phẩm nhưng chất lượng không như quảng cáo. Ảnh minh họa.

    Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới, giao dịch diễn ra qua mạng Internet, trên trang web của người bán hoặc nền tảng của bên thứ ba, người tiêu dùng không được kiểm tra chất lượng hàng hóa. Bởi vậy, họ phải dựa vào việc thu thập thông tin các nghiên cứu trước đó, hoặc đánh giá của người mua khác. Đồng thời, thanh toán qua internet, hàng hóa được gửi đến cho người tiêu dùng thường qua bên thứ ba, hoặc thanh toán khi nhận hàng. Do đó, người tiêu dùng cũng gặp phải nhiều rủi ro khi lựa chọn và thanh toán hàng hoá.

    Một vấn đề nữa ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng mà bà Quế Anh đưa ra đó là: Tiếp thị qua những người có tầm ảnh hưởng (influencer marketing), đánh giá trực tuyến giả mạo (fake online review) và các loại “bẫy tâm lý” trên mạng…

    Thực tế, thời gian qua, lợi dụng uy tín của bản thân, không ít người nổi tiếng, nghệ sỹ đang “chạy sô” để quảng cáo, bán hàng, làm đại diện thương hiệu cho các đơn vị kinh doanh, nhãn hàng trong khi chất lượng sản phẩm chưa được kiểm chứng. Bên cạnh đó, khi người dùng mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử cũng rất dễ bắt gặp những đánh giá trực tuyến giả mạo về sản phẩm hàng hóa, điều này gây hoang mang cũng như thiệt hại cho người dùng nếu như đặt mua sản phẩm nhưng chất lượng không như quảng cáo…

    Theo ông Hồ Tùng Bách – Phó Trưởng ban Ban Bảo vệ người tiêu dùng – Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 có nhiều quy định mới liên quan đến việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, cung cấp dịch vụ nền tảng số, dịch vụ liên tục, trách nhiệm cung cấp thông tin, thu hồi sản phẩm.

    “Trường hợp dịch vụ cung cấp không đúng nội dung cam kết, quảng cáo, giới thiệu, doanh nghiệp có trách nhiệm thỏa thuận: Cung cấp lại dịch vụ; Tiếp tục cung cấp nhưng không thu tiền hoặc giảm giá với phần dịch vụ đã cung cấp; Chấm dứt việc cung cấp dịch vụ và hoàn tiền cho người tiêu dùng; Biện pháp khác theo thỏa thuận của các bên”, ông Hồ Tùng Bách phân tích.

    Thanh Tùng
    https://vietq.vn/canh-bao-chieu-tro-danh-gia-truc-tuyen-gia-mao-khi-mua-hang-qua-thuong-mai-dien-tu-d222350.html

    Gia tăng tình trạng nghiện game ở trẻ nhỏ trong kỳ nghỉ hè

    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) đưa ra cảnh báo, dịp nghỉ hè trẻ rất dễ bị rối loạn nghiện game và phụ huynh cần nhận biết sớm và can thiệp kịp thời.

    Nghỉ hè là khoảng thời gian trẻ không phải đến trường. Do đó, nhiều em dễ sa đà vào các trò chơi game online. Với đồ họa sinh động, nội dung đa dạng và sự cải tiến liên tục, game online luôn là trò chơi tiêu khiển hấp dẫn, nhất là với trẻ em.

    Tuy nhiên, chơi game cũng tiềm ẩn nguy cơ gây nghiện. Rối loạn nghiện game (Gaming disorder) là một dạng hành vi chơi game có đặc điểm là khả năng kiểm soát trò chơi bị suy giảm, ưu tiên việc chơi game hơn các hoạt động khác đến mức việc chơi game được ưu tiên hơn các sở thích và hoạt động hàng ngày khác, bất chấp những hậu quả tiêu cực có thể xảy ra.

    Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 70-80% số trẻ em từ 10-15 tuổi thích game online, trong đó tỷ lệ trẻ bị nghiện game chiếm khoảng 10-15%. Rối loạn nghiện trò chơi trực tuyến (Internet gaming disorder) được mô tả trong Cẩm nang chẩn đoán và thống kê các rối loạn tâm thần (DSM-5-TR) của Hiệp hội Tâm thần học Hoa Kỳ (APA), theo đó, nghiện trò chơi trực tuyến phải gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với một số khía cạnh trong cuộc sống con người.

    Lý do dẫn đến nghiện game do yếu tố tâm lý, bởi những người nghiện game tìm thấy ở các trò chơi những điều mới mẻ, hấp dẫn, mang đến cho họ cảm giác thích thú, dễ chịu hơn so với cuộc sống thực tại. Ánh sáng, màu sắc, âm thanh và nội dung của game có sức cuốn hút mãnh liệt, khiến họ dần dần dành nhiều thời gian và tâm trí cho nó hơn bất kỳ điều gì khác.

    Bên cạnh đó, não bộ cũng đóng góp một phần vào việc hình thành nên nghiện game. Khi chơi game, não bộ sẽ giải phóng dopamine và endorphin, tạo cảm giác hưng phấn và khoái cảm. Điều này khiến người chơi muốn tiếp tục chơi game để được trải nghiệm những cảm giác tích cực đó.

    “Tuy nhiên, không phải ai chơi game cũng sẽ nghiện game. Chỉ có một tỷ lệ nhỏ người chơi game có nguy cơ cao trở thành nghiện game. Nghiên cứu cho thấy, ở những người nghiện game, nồng độ serotonin – một chất dẫn truyền thần kinh quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng – sẽ bị sụt giảm đáng kể. Sự sụt giảm này tương tự như ở những người mắc bệnh trầm cảm, dẫn đến các triệu chứng như lo âu, buồn bã, mất hứng thú với các hoạt động khác”, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM chỉ rõ.


    Ảnh minh họa

    Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đồng thời cho biết, để xác định tình trạng rối loạn nghiện game, hành vi phải đủ nghiêm trọng đến mức dẫn đến suy giảm đáng kể chức năng của một người trong các lĩnh vực cá nhân, gia đình, xã hội, giáo dục, nghề nghiệp hoặc các lĩnh vực quan trọng khác và thường biểu hiện rõ ràng trong ít nhất 12 tháng.

    Theo các bác sĩ, người nghiện game thường có những biểu hiện như: sự bận tâm với việc chơi game; những triệu chứng cai khi ngừng chơi (buồn bã, lo lắng, dễ bị kích động); sự kiên nhẫn, cần phải dành nhiều thời gian chơi game để thỏa mãn sự ham muốn; không thể giảm chơi game, cố gắng bỏ chơi game nhưng không thành công. Bên cạnh đó, trẻ từ bỏ các hoạt động khác, mất hứng thú với các hoạt động yêu thích trước đây vì chơi game; tiếp tục chơi game bất chấp những vấn đề có thể xảy ra và lừa dối các thành viên trong gia đình hoặc người khác về lượng thời gian chơi game.

    Về mặt xã hội, trẻ nghiện game thường ít tham gia vào hoạt động xã hội, hạn chế giao tiếp với người xung quanh, lâu dần dẫn đến bị cô lập và cảm thấy cô đơn, mất bạn bè. Thậm chí, để có tiền chơi game, một số trẻ còn có hành vi trộm cắp, cướp giật tài sản của người khác.

    Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh cảnh báo nghiện game không khó để phòng tránh. Tuy nhiên, khi trẻ đã nghiện thì rất khó để giáo dục tâm lý và hành vi. Vì vậy, phụ huynh nên có những can thiệp kịp thời cũng như chủ động phòng ngừa việc trẻ nghiện game online.

    Cha mẹ cần giúp trẻ hiểu được những tác hại của nghiện game, hỗ trợ trẻ điều chỉnh hành vi ngay từ khi có dấu hiệu nghiện chơi game. Tuy nhiên, phụ huynh không nên cấm cản trẻ, bởi vì càng cấm trẻ lại càng muốn khám phá nhiều hơn, khao khát được chơi game hơn. Phụ huynh cần dành nhiều thời gian cho trẻ để có thể kiểm soát thời gian chơi game, hiểu hơn về tâm lý và mong muốn của trẻ.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/gia-tang-tinh-trang-nghien-game-o-tre-nho-trong-ky-nghi-he-d222345.html

    Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về hấp thụ vi nhựa nhiều nhất qua đường thực phẩm

    Các nhà khoa học từ Đại học Cornell (Mỹ) trong một nghiên cứu mới đây đã chỉ ra người dân Việt Nam nằm trong nhóm hấp thụ vi nhựa nhiều nhất thế giới.

    Các nhà nghiên cứu của Đại học Cornell chỉ ra con người hấp thụ vi nhựa qua hai đường chính đó là thực phẩm và không khí. Các nước Đông Nam Á dẫn đầu bảng xếp hạng trong nghiên cứu tính theo bình quân đầu người, với các trường hợp điển hình là Việt Nam, Indonesia, Philippines và Malaysia.

    Người dân Việt Nam xếp thứ 4 trong chỉ số tiêu thụ nhiều vi nhựa nhất qua đường thực phẩm. Nghiên cứu chỉ ra trung bình mỗi người Việt Nam “ăn” 363,6 mg vi nhựa mỗi ngày. Trong khi đó, người dân Trung Quốc và Mông Cổ đứng đầu về lượng hấp thụ vi nhựa trong không khí.

    Nghiên cứu tiến hành khảo sát 109 quốc gia, lấy dữ liệu từ năm 1990 – 2018, được hoàn thiện và xuất bản vào tháng 4/2024. Các nhà khoa học cũng tính đến các yếu tố như thói quen ăn uống, công nghệ chế biến thực phẩm và nhân khẩu học.

    Vi nhựa theo định nghĩa của các nhà khoa học của Đại học Cornell, là những hạt nhựa có kích thước nhỏ hơn 5 mm. Chúng có thể là những sợi, mảnh, hạt vụn đến từ các sản phẩm nhựa bị vỡ, bong tróc, hư hỏng. Quá trình sản xuất, xử lý nhựa không đúng cách cũng khiến vi nhựa tràn ra ngoài môi trường.


    Vi nhựa ẩn mình trong thực phẩm, không khí gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường và sức khỏe con người. Ảnh minh họa

    Bệnh viện Đại học Y Huế định nghĩa vi nhựa là “những mảnh nhỏ được hình thành từ quá trình phân hủy các sản phẩm nhựa như chai nhựa, túi nilon, đồ dùng bằng nhựa,… thải ra môi trường”. Ngoài ra, chúng còn được tạo ra ở kích thước siêu nhỏ trong các sản phẩm kem đánh răng và chất tẩy tế bào chết.

    Một số nghiên cứu đã chứng minh mối quan hệ giữa vi nhựa và các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng của con người. Chúng chứa những hóa chất độc hại có thể gây ung thư, bệnh tim hoặc khiến thai nhi kém phát triển.

    Nghiên cứu chỉ ra quá trình công nghiệp hóa ở các nước đang phát triển, đặc biệt là tại Đông Nam Á, là nguyên nhân chính dẫn đến việc tốc độ sử dụng nhựa tăng mạnh. Hoạt động xả thải nhựa ra môi trường tự nhiên từ đó cũng tăng theo.

    Trong khi đó, các quốc gia phát triển lại chứng kiến chiều hướng ngược lại. Vi nhựa trong không khí ghi nhận tại Việt Nam cao gấp 8 lần so với tại Nhật Bản.

    Việt Nam đứng thứ hai thế giới về nhập khẩu rác thải, phế liệu nhựa, chỉ sau Malaysia, với lượng rác thải nhựa nhập khẩu hơn 2 triệu tấn trong năm 2022, theo Liên minh Không rác Việt Nam (Vietnam Zero Waste Alliance – VZWA).

    Đánh giá về thực trạng này, Liên minh không rác Việt Nam (VZWA) cho biết: “Chất thải nhựa nhập khẩu là hiện nay rất cần để bổ sung cho nguồn cung trong nước và đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho ngành sản xuất, tái chế nhựa của Việt Nam.”

    Việt Nam có những làng nghề chuyên thu gom, xử lý phế liệu, rác thải nhựa, đơn cử như làng Minh Khai tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên. Tuy nhiên, việc xử lý rác thải nhựa ở các làng nghề như vậy có nhiều rủi ro do sử dụng máy móc lạc hậu, khiến cho phần nhựa không thể tái chế bị vứt bỏ bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Nước trong quá trình xử lý nhựa mang các vi nhựa theo dòng chảy đi ra sông, biển.

    Các hạt vi nhựa khi đi ra môi trường nước sẽ bị các sinh vật phù du ăn phải. Sau đó, các loài cá, động vật thủy sinh ăn các sinh vật phù du, và con người khi tiêu thụ những thủy hải sản này sẽ vô tình hấp thụ luôn cả vi nhựa.

    Một báo cáo được công bố vào tháng 4/2024 của Liên Hiệp Quốc chỉ ra rằng Việt Nam đứng thứ 4 trong các quốc gia xả phế liệu, rác thải nhựa ra biển nhiều nhất thế giới.

    Nghiên cứu từ Đại học Cornell cho biết hơn 50% lượng vi nhựa người dân Việt Nam “ăn” phải đến từ môi trường nước, đặc biệt là hải sản. Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia tiêu thụ hải sản cao nhất thế giới với 37 kg/người/năm. Ngoài ra, vi nhựa cũng xuất hiện trong trái cây, rau, ngũ cốc, đồ uống, đường, muối và các gia vị khác.

    Cần xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa

    Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 22 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt. Trong đó, khoảng 10% là chất thải nhựa và số lượng này ngày càng gia tăng. Theo dự báo của các chuyên gia, thất thoát rác thải nhựa không chủ đích vào môi trường nước của Việt Nam dự kiến sẽ tăng 106% từ năm 2021 đến năm 2030. Còn số này chỉ giảm nếu có những hành động mang tính hệ thống và đột phá được thực hiện nhằm giải quyết triệt để vấn đề nhựa và chất thải nhựa, từ tái thiết kế vật liệu, sản xuất và tiêu thụ bền vững cho đến tăng cường năng lực quản lý chất thải.

    Về các giải pháp, trước đó Chính phủ đã có Quyết định số 1746/QĐ-TTg đặt ra một loạt các mục tiêu với thời hạn cụ thể để giải quyết cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa.

    Trong đó, cắt giảm một nửa lượng chất thải nhựa trong môi trường biển vào năm 2025; giảm thiểu 75% lượng chất thải nhựa trên biển vào năm 2030; và loại bỏ hoàn toàn đồ nhựa sử dụng một lần và túi ni lông khó phân huỷ tại các điểm du lịch ven biển và các khu bảo tồn biển vào năm 2030.

    Cần thiết lập khuôn khổ pháp lý và thể chế ở phạm vi quốc gia về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất các sản phẩm nhựa; xây dựng hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn về nhựa và vi nhựa.

    Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, để kiểm soát và giảm ô nhiễm vi nhựa trong không khí, cần ưu tiên thực hiện các nhóm giải pháp cụ thể như chính sách và quản lý, giải pháp kỹ thuật – tài chính, giáo dục và truyền thông nâng cao nhận thức.

    Giải pháp chính sách và quản lý: Thúc đẩy chính sách tái chế và xử lý chất thải nhựa gia tăng hiệu quả để giảm ô nhiễm vi nhựa. Quản lý hữu hiệu quy trình tái chế có thể chuyển đổi các sản phẩm nhựa đã qua sử dụng thành nguyên liệu tái chế để sản xuất sản phẩm mới.

    Giải pháp kỹ thuật – tài chính: Đầu tư nghiên cứu và phát triển các công nghệ tiên tiến để xử lý và loại bỏ ô nhiễm nhựa cũng là giải pháp quan trọng góp phần bảo vệ môi trường không khí. Trong đó ưu tiên ứng dụng các công nghệ xanh, hiệu quả và tiết kiệm năng lượng. Đảm bảo việc thu gom, xử lý và tái chế chất thải nhựa thực hiện một cách hiệu quả và bền vững. Ưu tiên nguồn vốn thúc đẩy sản phẩm thân thiện môi trường bằng cách khuyến khích phát triển và sử dụng các sản phẩm nhựa thay thế theo hướng thân thiện sinh thái. Ví dụ, sử dụng các loại túi, bao bì, nhựa dễ phân hủy sinh học (bioplastics)… có nguồn gốc từ tự nhiên. Qua đó, giảm thiểu nguồn phát sinh, các tác động xấu đối với môi trường và hệ sinh thái.

    Tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức về tác động của ô nhiễm nhựa trong không khí là cần thiết. Công chúng cần được thông báo về tác động của vi nhựa đến sức khỏe con người và môi trường, cũng như khuyến khích thay đổi hành vi/nhận thức tiêu dùng và sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.

    Như vậy, nhằm bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, cần hợp tác và thực hiện biện pháp kiểm soát ô nhiễm vi nhựa ở cấp địa phương, quốc gia và toàn cầu. Qua đó, tạo ra những thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động thiết thực về việc hạn chế sử dụng, xử lý và tái chế nhựa, hướng đến một tương lai bền vững. Việc kiểm soát ô nhiễm vi nhựa đòi hỏi sự kết hợp của nhiều biện pháp, bao gồm chính sách – quản lý, giải pháp kỹ thuật – tài chính, giáo dục – truyền thông. Cụ thể như giảm sử dụng nhựa, tái chế và xử lý chất thải, nghiên cứu và phát triển công nghệ mới, thúc đẩy sản phẩm thân thiện với môi trường, tăng cường giáo dục và nâng cao ý thức cộng đồng.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/nguoi-viet-nam-trong-nhom-hap-thu-nhua-nhieu-nhat-the-gioi-d222336.html

    Gia tăng bệnh nhân rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu

    Theo các bác sĩ, lạm dụng rượu không chỉ gây trầm cảm lo âu mà còn làm suy giảm nhận thức và nhiều tác hại tới sức khỏe tâm thần khác.

    Trong quý I năm 2024, Khoa Tâm thần – Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận điều trị gần 100 bệnh nhân mắc các rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu.

    Bệnh nhân chủ yếu là nam giới đang trong độ tuổi lao động và cư trú tại các vùng nông thôn. Đa số bệnh nhân nhập viện với các biểu hiện như mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới, lo âu, hoảng sợ, ảo giác, đánh người, gây thương tích cho bản thân và những người xung quanh…

    Đơn cử như trường hợp bệnh nhân H.V.T. (43 tuổi) vào viện trong tình trạng mê sảng, rối loạn cảm xúc, ảo giác, co giật… Sau khi thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần do lạm dụng rượu và chỉ định điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.

    Người nhà bệnh nhân chia sẻ: “Bệnh nhân thường xuyên uống rượu, đã nhiều lần chỉ uống rượu, chứ không ăn, không ngủ và bị lên cơn co giật, mê sảng. Mỗi lần gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện đều điều trị khỏi nhưng khi về nhà lại tiếp tục uống rượu. Đây là lần thứ 3 bệnh nhân vào viện điều trị do rối loạn tâm thần từ lạm dụng rượu”.

    Bác sĩ Trịnh Thị Việt Hà, Phó Trưởng Khoa Tâm thần – Thần kinh thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn cho biết, thời gian gần đây, mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 1-2 bệnh nhân nhập viện điều trị do mắc các rối loạn tâm thần có liên quan đến rượu. Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày…


    Số bệnh nhân nhập viện do rối loạn tâm thần ngày càng gia tăng do uống nhiều rượu. Ảnh minh họa

    Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc, la hét, chửi bới… Đây là biến chứng trầm trọng và thường gặp nhất ở người lạm dụng rượu. Biểu hiện này cũng được gọi là “Trạng thái cai rượu”. Nguyên nhân gây ra sảng run là nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12 – 48 giờ với triệu chứng nổi bật là rối loạn ý thức kiểu mê sảng và các rối loạn về thần kinh, bệnh nhân có thể xuất hiện những cơn co giật kiểu động kinh.

    Tại tỉnh Cao Bằng, thời gian gần đây, Khoa Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận nhiều bệnh nhân rối loạn tâm thần do sử dụng rượu. Phần lớn bệnh nhân đến khám và điều trị với các biểu hiện như lo âu lan toả, tăng cảm xúc, tăng tính kích thích, rối loạn trí nhớ hoặc các biểu hiện hoang tưởng bị hại, ghen tuông, tự cao, nghi bệnh hay có các ảo giác về âm thanh, về mùi vị ảo khứu …Một số ít bệnh nhân nhập viện cùng với các biểu hiện rối loạn tâm thần còn kèm theo các biểu hiện sảng rượu trên bệnh nền về tim mạch, sơ gan, tai biến mạch máu não…

    Tại tỉnh Tuyên Quang, theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm bệnh viện khám và tiếp nhận điều trị cho trên 500 bệnh nhân bị loạn thần do rượu. Nhiều trường hợp nghiện rượu gây ra ảo giác, với các biểu hiện như chửi rủa, cảm giác lo âu, ảo giác chi phối hoạt động của bệnh nhân. Nhiều trường hợp loạn thần do rượu có những hành vi gây tổn hại đến bản thân và cộng đồng.. Đây là một rối loạn tâm thần thứ phát, trong đó sự tiếp xúc với đời sống thực tế bị tổn hại do hoang tưởng và ảo giác, xảy ra trong các điều kiện liên quan đến rượu như nhiễm độc cấp tính, ngộ độc rượu, hoặc khi có sự giảm đáng kể việc tiêu thụ rượu.

    Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, nước ta là một trong những quốc gia đứng hàng đầu thế giới về tỷ lệ người sử dụng rượu. Có tới 77,3% nam giới sử dụng rượu bia, đây là con số cao nhất thế giới, gấp gần hai lần mức trung bình. Nguy hại hơn, trong gần 18.500 bệnh nhân bị tai nạn giao thông thì có gần 67% người điều khiển giao thông có nồng độ cồn cao vượt mức quy định trong máu.

    Rượu gây ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần thế nào?

    Theo ThS.BS. Chu Văn Điểu, Bệnh viện Bạch Mai, rượu là chất ức chế, làm đình trệ và gây rối loạn hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Khi lạm dụng rượu bia, các chức năng của não như sự phán đoán, tính tự chủ, ý thức về đạo đức hoàn toàn bị ức chế. Khi đó người uống rượu sẽ trở nên bê tha, nói năng huênh hoang, nói nhiều, không thận trọng trong cử chỉ và lời nói, không biết đúng sai và xấu hổ. Họ sẽ hành động mà người bình thường có lòng tự trọng không cho phép mình làm. Rượu tác động lên hệ thần kinh trung ương khiến người ta không làm chủ được suy nghĩ và hành vi của mình. Từ đó dẫn đến những hậu quả khôn lường như bất cẩn trong giao thông, liều lĩnh không kiềm chế trước các tình huống nguy hiểm gây ra tai nạn giao thông đáng tiếc, đánh đập, chém giết…

    Trong chức năng hoạt động của bộ não con người có rất nhiều chức năng khác nhau đó là: trí nhớ, tư duy, tri giác, cảm xúc, hành vi… Một người thường xuyên uống rượu, nghiện rượu, lạm dụng rượu sẽ dẫn tới bị suy giảm và rối loạn các chức năng hoạt động của não bộ, dẫn đến suy giảm trí nhớ, suy giảm trí tuệ, rối loạn tư duy, rối loạn cảm xúc và rối loạn hành vi tác phong… Bệnh nhân loạn thần do rượu bị rối loạn tư duy sinh ra các hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng bị hại… Rối loạn tri giác sinh ra có ảo thị, ảo xúc (rối loạn cảm giác trên da). Rối loạn cảm xúc như trầm cảm hoặc hưng cảm, hung giữ không thể kiềm chế, đánh vợ con. Người bệnh mất kiểm soát hành vi dễ gây gổ với mọi người xung quoanh, hành hung đánh đập vợ con thường xuyên, tạo ra những vấn nạn bạo hành trong gia đình.

    Một điều rất rõ ràng là rượu đã tác động xấu đến hoạt động cảm xúc và hành vi của người uống rượu. Khi người uống rượu trong trạng thái say, ở giai đoạn đầu của say rượu là giai đoạn hưng phấn cảm xúc. Họ nói nhiều, nói luyên thuyên một chủ đề không thể ngăn cản. Nếu ai đó chọc tức hoặc ngăn cản họ dễ nổi khùng, sinh ra chửi nhau, đánh lộn và rất rễ gây ra án mạng vì hành vi thiếu kiểm soát. Đã có rất nhiều vụ việc gây ra trên bàn nhậu, chỉ cần một lời thách đố hay khích bác cũng dẫn đến ẩu đả gây thương tích hoặc án mạng nặng nề. Chúng ta đã chứng kiến bao cảnh bạo lực gia đình khi có ông chồng nghiện rượu, nát rượu mà vợ con liên tục phải chịu những trận đòn roi tàn bạo.

    Giai đoạn tiếp theo của say rượu là giai đoạn hưng phấn, người uống tiếp tục uống tăng tửu lượng sẽ dẫn đến giai đoạn ức chế. Người uống say mềm, nằm một chỗ, không nói năng, thậm chí có người dẫn đến tình trạng sảng rượu.

    Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ), rượu ảnh hưởng đến phần não phụ trách khả năng kiểm soát của chúng ta. Do đó, rượu có thể giúp người uống cảm thấy thư giãn và bớt lo lắng. Tuy nhiên, hiệu ứng này chỉ là tạm thời và nhanh chóng biến mất. Sau đó, những tác hại sẽ xuất hiện.

    Uống nhiều rượu không chỉ ảnh hưởng lớn đến thể chất mà còn gây nhiều bất lợi cho sức khỏe tâm thần. Sau giai đoạn cảm thấy thư giãn nhờ rượu, người uống có thể rơi vào trạng thái cảm thấy mọi thứ tiêu cực hơn, dễ tức giận hoặc lo lắng hơn. Uống quá nhiều rượu có thể dẫn đến hoặc làm trầm trọng hơn các triệu chứng trầm cảm và lo âu. Rượu ảnh hưởng đến các chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh tâm trạng như serotonin và dopamine, từ đó làm thay đổi tính chất hóa học của não.

    Uống nhiều rượu trong thời gian dài có thể làm suy giảm chức năng nhận thức, trong đó có khả năng ghi nhớ, tập trung chú ý và ra quyết định. Sự suy yếu này là do tác động gây ngộ độc thần kinh của rượu lên não, gây ra các tình trạng như mất trí nhớ liên quan đến rượu và hội chứng Wernicke – Korsakoff. Hội chứng đặc trưng với các triệu chứng như mê sảng, rung giật nhãn cầu, khó đi lại, buồn ngủ, nhịp tim nhanh, hạ thân nhiệt, tụt huyết áp và một số triệu chứng khác.

    Uống nhiều rượu có liên quan đến việc tăng nguy cơ rối loạn tâm thần như rối loạn lượng cực và tâm thần phân liệt. Vì trong rượu có một số chất có thể kích hoạt các giai đoạn loạn thần và góp phần làm trầm trọng thêm các rối loạn.

    Dù ban đầu rượu có thể giúp chúng ta buồn ngủ nhưng đổi lại cũng có thể làm gián đoạn chu kỳ giấc ngủ. Hệ quả là làm giảm chất lượng giấc ngủ, gây thiếu ngủ mạn tính. Thiếu ngủ sẽ làm trầm trọng thêm các vấn đề sức khỏe tâm thần khác.

    Uống rượu quá mức có thể dẫn đến các vấn đề về hành vi như hung hăng, bốc đồng và xa lánh xã hội. Những hành vi này sẽ gây căng thẳng cho các mối quan hệ xung quanh, giảm liên kết xã hội và ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

    Để kiểm soát việc uống rượu, mọi người cần thiết lập một giới hạn rõ ràng khi uống và cần tuân thủ nó. Nếu bạn cảm thấy khó kiểm soát việc uống rượu thì hãy tìm đến các chuyên gia chăm sóc sức khỏe để được hỗ trợ.

    Nhiều người uống rượu như là cách để kiểm soát căng thẳng hay cảm xúc. Thay vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo hãy chọn các cơ chế ứng phó lành mạnh hơn, chẳng hạn như tập thể dục, thiền hay tham gia các hoạt động mình yêu thích, theo Healthline.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/suc-khoe-tam-than-anh-huong-nghiem-trong-khi-uong-nhieu-ruou-d222211.html

    Lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch: Nguy cơ biến chứng nặng

    Thời gian gần đây có rất nhiều người lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch để giảm triệu chứng viêm xoang đã gây ra không ít biến chứng phải nhập viện cấp cứu.

    Thuốc co mạch mũi là thuốc nhỏ mũi hoặc xịt mũi, thường được dùng để làm giảm tình trạng nghẹt mũi. Tuy nhiên, cần tránh lạm dụng thuốc co mạch nhỏ mũi để chữa nghẹt mũi vì có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng.

    ThS.BS.CKI Nguyễn Trung Nguyên, Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mỗi tháng đơn vị tiếp nhận khoảng 80 người bệnh nghẹt mũi lâu năm, trong đó 80-90% trường hợp lạm dụng thuốc nhỏ mũi thời gian dài để “qua cơn, cắt cơn”.

    Thuốc nhỏ mũi co mạch tiếp xúc với niêm mạc mũi lập tức có tác dụng co mạch, giảm xung huyết, giúp mũi thông thoáng, giảm nghẹt, dễ thở. Tuy nhiên, sau đó máu dồn lại và làm tắc mũi, người bệnh phải tiếp tục dùng.

    “Thuốc nhỏ mũi co mạch không có tác dụng trị bệnh mà để giảm triệu chứng”, bác sĩ Nguyên nói. Dùng thuốc nhiều lần mỗi ngày thì sau vài tuần liên tục, thuốc giảm hiệu quả. Từ đó, người bệnh phải tăng tần suất, lâu dần khiến niêm mạc mũi phù nề, kém nhạy cảm, tạo nên vòng luẩn quẩn, gây phụ thuộc thuốc.


    Lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch có thể gây biến chứng nặng nề. Ảnh minh họa

    Thuốc có thể gây hiệu ứng dội ngược, làm tình trạng nghẹt mũi nặng hơn, tiến triển thành viêm mũi, khó điều trị về sau. Người bệnh viêm mũi phải thở bằng miệng, không khí hít vào không được lọc sạch và làm ấm nên dễ dẫn đến viêm họng, viêm thanh quản, viêm khí phế quản và phổi.

    Cuốn mũi còn bị giãn nở, không còn co lại như bình thường khi lạm dụng thuốc, gây quá phát cuốn mũi. Trường hợp này phải phẫu thuật chỉnh hình cuốn mũi một phần hoặc toàn bộ mới có kết quả. Dùng thuốc co mạch kéo dài còn ảnh hưởng tới tim mạch, nhất là người cao huyết áp, viêm xoang, viêm tai giữa, đau đầu…

    Điển hình, bệnh nhân Loan, 35 tuổi bị nghẹt mũi, khó thở, thường xuyên mất ngủ suốt ba năm. Triệu chứng rõ rệt nhất khi giao mùa. Chị đi khám, được chẩn đoán viêm mũi dị ứng mạn tính. Do cơ địa nhạy cảm nên uống thuốc điều trị nghẹt mũi nhưng tái lại. Thỉnh thoảng sử dụng thuốc nhỏ mũi co mạch để dễ thở hơn, đỡ nghẹt mũi. Thời gian gần đây giao mùa bệnh nhân dùng thường xuyên hơn, khoảng 7-8 lần mỗi ngày, mỗi bên mũi vài giọt. Nhiều lần mũi không ngửi được mùi.

    Còn Hiếu, 16 tuổi, bị viêm mũi dị ứng, nghẹt mũi liên tục. Thường xuyên biểu diễn âm nhạc, Hiếu phải dùng thuốc nhỏ mũi co mạch trước giờ lên sân khấu để kiểm soát triệu chứng. Dùng thuốc kéo dài khiến Hiếu bị lệ thuộc.

    Bác sĩ Nguyên cho biết hai bệnh nhân trên đã lạm dụng thuốc nhỏ mũi co mạch gây phì đại cuốn mũi dưới, cản trở không khí dẫn đến khó thở, nghẹt mũi kéo dài. Bác sĩ chỉ định phẫu thuật nội soi, giảm kích thước của cuốn mũi dưới, cải thiện luồng không khí. Niêm mạc mũi của bệnh nhân Loan phù nề, sung huyết nên chảy nhiều máu khi phẫu thuật nạo hạch. Hai tuần sau, bệnh của họ đều cải thiện.

    Các cuốn mũi là cấu trúc xương nằm bên trong mũi, được bao phủ bởi lớp niêm mạc, có chức năng lọc, làm ấm, làm ẩm không khí khi hít thở, nhạy cảm với tác động từ môi trường bên ngoài. Người có cơ địa viêm mũi dị ứng, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, cấu trúc cuốn mũi bẩm sinh… có nguy cơ cao bị phì đại cuốn mũi (hay còn gọi là quá phát cuốn mũi). Triệu chứng bệnh gồm nghẹt mũi kéo dài, khó thở, tắc nghẽn, thở bằng miệng khi ngủ, tăng tiết nước bọt.

    Thông tin thêm về thuốc nhỏ mũi co mạch, Bệnh viện Vinmec cho biết, thuốc co mạch hay còn gọi là thuốc chống sung huyết với thành phần chính là Pseudoephedrine (Sudafed), Oxymetazoline (Afrin), Phenylephrine (Sudafed PE), Naphazoline, … Thuốc có hai dạng là nhỏ và xịt với tác dụng chính là làm co mạch ở mũi để giảm sổ mũi, nghẹt mũi.

    Khi bị nghẹt mũi, người bệnh thường không đến khám bác sĩ mà tự ý mua thuốc về dùng vì cho rằng nghẹt mũi là tình trạng lưu thông trong niêm mạc mũi bị tắc nghẽn. Tuy nhiên, nguyên nhân chính gây nghẹt mũi là do tình trạng co giãn quá mức các mạch máu ở mũi.

    Lạm dụng thuốc co mạch mũi như sử dụng vượt liều dùng và dùng trong thời gian dài có thể lại gây ra viêm mũi, nghẹt mũi. Cho đến nay, nguyên nhân gây nghẹt mũi, viêm mũi do thuốc vẫn chưa được xác định rõ, tuy nhiên có một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc co mạch như gây phù nề niêm mạc mũi do liên tục làm co mạch máu ở mũi, không cung cấp đủ máu nuôi dưỡng niêm mạc mũi. Nhờn thuốc do số lượng thụ thể đáp ứng thuốc bị suy giảm và dẫn đến nghẹt mũi. Sau khi thuốc co mạch hết tác dụng sẽ gây ra hiện tượng giãn mạch bù trừ.

    Khả năng co mạch có thể bị mất và giãn mạch có thể xảy ra khi dùng thuốc liên tục trong thời gian dài. Viêm mũi, nghẹt mũi do dùng thuốc co mạch nếu không điều trị có thể dẫn đến phì đại cuốn mũi, viêm mũi teo, viêm xoang mãn tính, ngưng thở khi ngủ, … gây nguy hiểm đối với sức khỏe.

    Lạm dụng thuốc co mạch nhỏ mũi còn có thể gây nghiện. Khi đó, người bệnh nên đến thăm khám bác sĩ để được hướng dẫn giảm liều sử dụng đến khi có thể ngưng dùng thuốc hẳn. Việc ngưng dùng thuốc ngay lập tức có thể khiến tình trạng nghẹt mũi trở nên nặng hơn.

    Do vậy, để đảm bảo sức khỏe, người bệnh nên đến các trung tâm y tế để thăm khám và được kê đơn thuốc với liều lượng phù hợp. Nên tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ, nếu 5 ngày không bớt bệnh cần ngừng nhỏ mũi và tái khám. Người bệnh nghẹt mũi kéo dài khoảng 2-3 tuần nên đi khám để phát hiện kịp thời, điều trị hiệu quả ngay từ đầu. Người bị lệ thuộc thuốc nhỏ mũi co mạch nên cai thuốc theo tư vấn của bác sĩ. Để hạn chế tái phát viêm mũi dị ứng lúc giao mùa, người bệnh nên giữ ấm niêm mạc mũi, đeo khẩu trang khi ra ngoài, xịt rửa mũi bằng nước muối sinh lý mỗi ngày.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/lam-dung-thuoc-nho-mui-co-mach-khong-co-tac-dung-tri-benh-nhung-nguy-co-bien-chung-nang-d222248.html

    Chuyển đổi sang nhà máy thông minh – xu thế tất yếu

    Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0, việc chuyển đổi từ hệ thống nhà máy truyền thống sang mô hình hoạt động của nhà máy thông minh đã và đang được triển khai rộng rãi trong ngành công nghiệp và sản xuất, trở thành xu thế tất yếu.

    Nhà máy thông minh (Smart Factory) với yếu tố cốt lõi là tận dụng các đột phá công nghệ số như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data),… áp dụng vào sản xuất, không chỉ giúp tăng năng suất lao động, cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn tối ưu kinh phí, lợi nhuận, phòng ngừa những rủi ro nhất định cho doanh nghiệp.

    Nhà máy thông minh đánh dấu bước nhảy vọt từ nhà máy tự động hóa truyền thống 3.0 sang nhà máy 4.0 nơi hệ thống máy móc, cảm biến, dữ liệu, con người… được kết nối internet, đồng bộ với nhau qua hệ thống để đưa ra các quyết định sản xuất hiệu quả. Với những tiềm năng mang lại, thị trường nhà máy thông minh trên toàn cầu ước đạt 153,7 tỷ USD vào năm 2019 và con số này dự báo sẽ tăng đạt mức 244,8 tỷ USD vào năm 2024.

    Chuyển đổi từ nhà máy truyền thống sang nhà máy thông minh là xu thế tất yếu. Ảnh minh họa.

    Một nghiên cứu của Hãng Tư vấn Deloitte (Hoa Kỳ) chỉ ra, việc ứng dụng nhà máy thông minh đã giúp tăng trung bình 12% năng suất lao động của công nhân, 11% hiệu suất nhà máy và 10% tổng sản phẩm đầu ra. Bên cạnh đó, Hãng Nghiên cứu tư vấn kinh tế Frontier Economics (Anh) cũng cho biết các ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể giúp tăng trưởng lợi nhuận tới 38% cho ngành sản xuất vào năm 2035.

    Lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, may mặc được đánh giá là những lĩnh vực có tính đa dạng về sản phẩm, có điều kiện thuận lợi để nhà máy thông minh được ứng dụng và phát huy đặc tính ưu việt của chúng, đây lại là những lĩnh vực có thế mạnh tại Việt Nam.

    Theo ông Nguyễn Đoàn Kết, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông, IoT mở ra những tiềm năng lớn trong việc tạo ra quy trình sản xuất thông minh, linh hoạt và hiệu quả. IoT không chỉ làm thay đổi cách mà các nhà máy hoạt động, mà còn tạo ra môi trường sản xuất linh hoạt và kết nối, giúp tăng năng suất và giảm chi phí. IoT kết hợp với AI cũng mở ra cánh cửa cho các hệ thống sản xuất tự động hoàn toàn.

    Nhờ ứng dụng nhà máy thông minh, giá trị hàng tồn kho tại Rạng Đông đã giảm 30%, tiết kiệm chi phí lãi vay hơn 1 tỷ đồng mỗi tháng… so với trước kia. Từ đó, các sản phẩm của Công ty đã đáp ứng yêu cầu đánh giá của cơ quan chứng nhận quốc tế, đáp ứng khách hàng khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada…

    Không riêng Rạng Đông, GE Hải Phòng hiện cũng là một trong những nhà máy thông minh hàng đầu nước ta, nhà máy thông minh đã giúp cho GE Hải Phòng tiết kiệm tới 30% thời gian hoàn tất đơn hàng, giảm lượng hàng tồn kho tới 20%, nâng cao năng suất thêm 15% và hiệu suất tổng thể tăng 25%.

    Nhà máy Takako Việt Nam (Khu công nghiệp VSIP I tỉnh Bình Dương) cũng là minh chứng cho thấy ưu thế vượt trội từ việc ứng dụng các thành tựu chuyển đổi số, áp dụng nhà máy thông minh vào sản xuất. Bằng việc kết nối các máy móc, thiết bị, công đoạn sản xuất, cùng các bộ phận khác bằng công nghệ số, sử dụng AI và IoT làm nền tảng chính để điều khiển toàn bộ quá trình sản xuất, năng suất lao động tại công ty đã cải thiện 2,5 lần so với trước.

    Thời gian qua, nhằm khuyến khích doanh nghiệp Việt phát triển theo xu hướng nhà máy thông minh, Chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực vào lĩnh vực chuyển đổi số này, góp phần thực hiện thành công chủ chương chuyển đổi số nền kinh tế, chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề được coi là rào cản cho giải pháp phát triển nhà máy thông minh như: nguồn nhân lực đang thiếu và yếu về năng lực; mô hình quản trị và quy trình đi kèm của các doanh nghiệp còn lạc hậu…

    Thanh Tùng
    https://vietq.vn/chuyen-doi-sang-nha-may-thong-minh-la-xu-the-tat-yeu-d222278.html

    Cẩn trọng khi chọn màu sắc trang phục bơi cho trẻ nhằm tránh tai nạn đuối nước

    Hiện nay trên thị trường có rất nhiều kiểu dáng, mẫu mã trang phục bơi dành cho trẻ em. Tuy nhiên, khi mua đồ cho trẻ đừng nên chọn mỗi kiểu dáng mà còn cần chú ý tới màu sắc. Những bộ đồ bơi sặc sỡ sẽ giúp trẻ được an toàn hơn, phòng tránh tai nạn đuối nước.

    Theo ông Bernard Fisher, Giám đốc sức khỏe và an toàn của Hiệp hội Nhân viên cứu hộ Mỹ cho biết, màu áo tắm rất quan trọng trong việc ngăn ngừa tình trạng đuối nước. Màu sắc tươi sáng và tương phản nổi bật hơn, giúp nhân viên cứu hộ và phụ huynh phát hiện trẻ nhanh chóng và dễ dàng, đặc biệt trong những tình huống khẩn cấp.

    Ông lưu ý các bậc cha mẹ nên tránh cho con mặc đồ bơi có màu xanh dương, xanh lam hoặc xanh lục, bởi chúng có thể hòa lẫn với màu nước và môi trường xung quanh, gây khó khăn cho việc phát hiện trẻ. Fisher khuyến nghị chọn các màu sắc sáng và tương phản như vàng neon, cam, hồng và đỏ tươi. Đây đều là các màu sắc có thể nhìn thấy rõ cả dưới nước và trên mặt nước.

    Thêm vào đó, Wyatt Werneth, nhân viên cứu hộ ven biển ở Florida, người phát ngôn của Hiệp hội Nhân viên cứu hộ Mỹ, nhận định màu sắc của đồ bơi chưa được nhắc đến nhiều trong vấn đề an toàn công cộng. Các nhân viên cứu hộ cũng lưu ý chi tiết mặc quần áo màu sắc bắt mắt là vô cùng quan trọng đối với trẻ em khi tham gia các hoạt động bơi lội. Thực tế, màu sắc quần áo tươi sáng sẽ giúp họ xác định vị trí của trẻ trong môi trường nước.

    Theo tạp chí Today’s Parent (Canada), Công ty ALIVE Solutions đã tiến hành một cuộc nghiên cứu để xem màu sắc ảnh hưởng thế nào đến khả năng được nhìn thấy rõ của trẻ em trong bộ quần áo bơi ở môi trường nước. Công ty đã mang những bộ quần áo bơi có màu sắc khác nhau và cho vào hồ tự nhiên, hồ bơi để kiểm tra xem màu sắc nào sẽ dễ được nhìn thấy nhất ở dưới mặt nước. Vì thế trong trường hợp trẻ con không may bị đuối nước, người lớn ở trên bờ có thể dễ dàng nhận ra nhanh chóng.

    Trong hồ nước, họ quan sát được những bộ quần áo bơi ở khoảng gần 48cm (18 inch) từ 3 góc nhìn khác nhau (bao gồm cả vị trí quan sát của bố mẹ khi ngồi ở trên bờ) và tìm thấy rằng, những màu sắc dễ nhận thấy hàng đầu là vàng neon, xanh neon, và cam neon.

    Màu sắc cần sự tươi sáng và tương phản, lưu ý rằng điều quan trọng là phải xem xét các yếu tố môi trường khác có thể ảnh hưởng đến khả năng nhìn thấy rõ của bộ quần áo bơi, bao gồm độ trong của nước, ánh sáng, dòng chảy và thời tiết.


    Thang đo mức độ hiển thị của các loại đồ bơi trẻ em trong môi trường nước. Ảnh minh họa

    Mặc dù những màu tối sẽ dễ thấy ở khu vực đáy hồ hơn quần áo bơi sáng màu nhưng chúng cũng thường bị bỏ qua vì có thể bị cho là lá cây, bụi bẩn, hoặc bóng tối. Trong hồ bơi, phía công ty đã kiểm tra khả năng dễ dàng nhận diện ở cả khu vực nước yên tĩnh và khu vực nước bị khuấy động, họ cũng nhận ra rằng màu sắc tương phản và tươi sáng là lựa chọn tốt nhất cho trang phục bơi. Trong điều kiện này, màu trắng và xanh nhạt là khó thấy nhất còn hồng neon và cam neon là dễ thấy nhất.

    Những lưu ý khi lựa chọn đồ bơi cho trẻ

    Kiểu dáng, màu sắc đồ bơi cho bé phải bắt mắt: Trước hết, trẻ nhỏ bao giờ cũng yêu thích trang phục mà chúng mặc trên người có thiết kế đáng yêu, trang trí bằng họa tiết bắt mắt. Vì thế, đồ bơi bạn nên ưu tiên họa tiết có nhân vật hoạt hình bé yêu thích, hoa văn đa sắc màu hay chấm bi, kẻ sọc. Về màu sắc, các gam màu lạnh như xanh biển, xanh coban, xanh lá… sẽ mang đến cảm giác mát mẻ, khỏe khoắn cho bé trai. Hay gam màu nữ tính bộ đồ bơi bé gái như hồng, cam hoặc vàng.

    Đồ bơi vừa vặn, không để hở quá nhiều: Vừa vặn là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu mà cha mẹ nhất định cần ghi nhớ khi mua đồ bơi trẻ em. Khi bộ đồ ôm vừa cơ thể bé, chất vải co giãn sẽ tạo được sự thoải mái, dễ chịu đối với hoạt động. Trường hợp quá chật dễ chà vào da, ảnh hưởng lớn đến khả năng tuần hoàn máu. Trong khi đó, mua đồ rộng lại dễ khiến bị tuột làm cơ thể bé bị hở. Đặc biệt, làn da của trẻ rất mỏng manh nên cực kỳ bắt nắng. Để tránh những tổn thương không đáng có, bạn hãy chú trọng đến việc làm thế nào trang phục phải che được tối đa làn da cho bé.

    Đồ bơi trẻ em cần tuân thủ tiêu chuẩn hiện hành: Chất liệu trong đồ bơi là yếu tố vô cùng quan trọng cần được phụ huynh đặc biệt chú ý nhằm đảm bảo sự an toàn của trẻ khi sử dụng. Tại Việt Nam, theo Thông tư số 07/2018/TT-BCT về việc sửa đổi Thông tư số 21/2017/TT-BCT do Bộ Công Thương ban hành, từ ngày 01/01/2019, các sản phẩm dệt may, hàng may mặc trước khi đưa ra thị trường bắt buộc phải được chứng nhận phù hợp quy chuẩn QCVN 01:2017/BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các Amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm Azo trong sản phẩm dệt may.

    Theo quy chuẩn này, các đồ bơi của trẻ được lưu hành tại Việt Nam cần được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy và đăng ký hồ sơ chứng nhận hợp quy theo quy định.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/phu-huynh-nen-luu-y-lua-chon-mau-sac-do-boi-cho-tre-nham-phong-tranh-tai-nan-duoi-nuoc-d222230.html

    Tương lai của những toà nhà thông minh trên thế giới

    Khi các thành phố tiếp tục đối mặt với thách thức do biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng cũ kỹ đặt ra, các tòa nhà thông minh thực sự có thể trở thành thành phần có giá trị của hệ sinh thái năng lượng bền vững và có khả năng phục hồi.

    Một trong những cơ chế chính giúp các tòa nhà thông minh giảm thiểu nguy cơ mất điện là đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ. Theo truyền thống, lưới điện hoạt động theo mô hình cung và cầu không đổi, việc sản xuất điện năng phải luôn khớp chính xác với mức tiêu thụ để duy trì sự ổn định.

    Trạng thái cân bằng này thường bị phá vỡ trong thời gian nhu cầu sử dụng cao nhất, dẫn đến tình trạng quá tải lưới điện và mất điện. Nhiều quốc gia trên thế giới đang đầu tư đáng kể vào năng lực phát điện, lưu trữ và truyền tải mới để cải thiện khả năng quản lý vào giờ cao điểm, tránh hay hạn chế thấp nhất tình trạng mất điện. Trong khi nỗ lực tăng nguồn cung, có một cách rẻ hơn và dễ dàng hơn để giải quyết vấn đề, đó là chuyển hướng nhu cầu tiêu thụ điện sang những giờ và ngày thấp điểm.

    Một nghiên cứu mới đây cho thấy an ninh năng lượng của đất nước có thể được hỗ trợ với sự can thiệp và đầu tư tối thiểu, chỉ bằng cách thay đổi thời gian sử dụng điện trong ngày và khai thác năng lượng của các tòa nhà dưới dạng pin nhiệt. Những phát hiện này được đưa vào nghiên cứu mới của Viện Australia, hợp tác với nhà cung cấp dịch vụ công nghệ xây dựng hàng đầu của Australia “Buildings Alive”.

    Các nhà nghiên cứu cho thấy, nếu các tòa nhà chuyển 1/3 mức tiêu thụ điện vào giờ cao điểm cuối buổi chiều mùa hè sang thời điểm giữa ngày sẽ tiết kiệm được 1,7 tỷ USD mỗi năm. Sự thay đổi này tương đương với việc tăng sản lượng các nhà máy than, khí đốt và thủy điện lên khoảng 25%, đồng thời giảm lượng khí thải nhà kính của Australia xuống 2.780.000 tấn mỗi năm. Những lợi ích này có thể được đảm bảo thông qua thay đổi tương đối nhỏ trong thực tiễn quản lý tòa nhà, chẳng hạn như làm mát các tòa nhà văn phòng lớn sớm hơn trong ngày, sau đó cho phép nhiệt độ của chúng tăng trở lại mức bình thường vào buổi chiều.

    “Điều này thực sự khá đơn giản. Australia có rất nhiều nguồn cung cấp năng lượng tái tạo sạch, giá rẻ vào giữa ngày nhưng lại có nhiều nhu cầu sử dụng điện năng vào cuối ngày khi chúng ta phụ thuộc vào điện từ than và khí đốt. May mắn là, việc chuyển nhu cầu sử dụng điện lớn từ chiều muộn sang thời điểm giữa ngày là tương đối dễ dàng. Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các tòa nhà thương mại lớn đặc biệt hiệu quả trong việc thay đổi nhu cầu điện hàng ngày của họ để tận dụng tốt hơn nguồn năng lượng sạch, giá rẻ dồi dào vào giữa ngày” – Tiến sĩ Richard Denniss, Giám đốc Điều hành tại Viện Australia cho biết.

     Ảnh minh hoạ.

    “Bằng cách thay đổi mô hình nhu cầu tiêu thụ điện năng của các tòa nhà lớn ở Australia phù hợp với thời điểm nguồn cung điện dồi dào, giá rẻ và lượng khí thải carbon thấp, chúng ta có thể tạo ra tác động lớn với mức độ can thiệp và đầu tư tương đối thấp” – Tiến sĩ Craig Roussac, Giám đốc điều hành của Buildings Alive nói.

    “Các giải pháp cho vấn đề này đã có. Tuy nhiên, các hệ thống xếp hạng hiệu quả hiện tại đang cản trở việc áp dụng công nghệ mới do không nhận ra tiềm năng tài chính, khí thải và ổn định lưới điện của các tòa nhà thông minh, tương tác với lưới điện. Nếu chúng ta không khai thác tiềm năng của các tòa nhà thông minh, tương tác với lưới điện, người dân Australia sẽ phải trả giá thông qua chi phí mạng lưới cao hơn, giá điện đắt hơn và ô nhiễm gia tăng”.

    Australia trước đây đã có hệ thống xếp hạng hiệu quả xây dựng hàng đầu thế giới, nhưng chúng vẫn chưa phát triển. Hầu hết tòa nhà có thể tăng gấp đôi nhu cầu năng lượng vào những thời điểm dồi dào trong ngày và giảm một nửa khi mạng lưới bị hạn chế. “Điện năng không được tạo ra như nhau và thị trường, cơ cấu khuyến khích, hệ thống xếp hạng của chúng ta phải được thiết kế để phản ánh thực tế đó. Chỉ khi đó tiềm năng đáng kể của các tòa nhà thông minh trong giảm bớt áp lực lên lưới điện vào thời gian cao điểm, đồng thời giảm cả chi phí và lượng khí thải carbon mới được hiện thực hóa” – Tiến sĩ Craig Roussac nhấn mạnh.

    Tận dụng dữ liệu thời gian thực để điều chỉnh nhu cầu tiêu thụ điện

    Theo các nhà nghiên cứu, sự thay đổi có thể dễ dàng bắt đầu từ các tòa nhà thương mại và tổ chức, vì họ có quy định về việc sử dụng năng lượng hiệu quả và tiêu chuẩn hóa hơn. Những lợi ích hữu hình có thể được đảm bảo thông qua thay đổi tương đối nhỏ đối với phương thức quản lý tòa nhà hiện tại, chẳng hạn như làm mát các văn phòng lớn sớm hơn trong ngày sau đó cho phép nhiệt độ của chúng tăng lên mức chấp nhận được vào buổi chiều.

    Được trang bị cảm biến IoT, các tòa nhà thông minh có thể tận dụng dữ liệu thời gian thực về việc sử dụng năng lượng để điều chỉnh linh hoạt nhu cầu điện nhằm đáp ứng điều kiện lưới điện khác nhau. Trong thời gian lưới điện bị căng thẳng, chẳng hạn như các đợt nắng nóng hoặc hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, năng lượng không cần thiết có thể tự động giảm, giảm bớt áp lực lên hệ thống và giúp ngăn ngừa tình trạng mất điện trên diện rộng.

    Các tòa nhà thông minh cũng có thể tăng cường khả năng phục hồi của lưới điện thông qua việc sản xuất và lưu trữ năng lượng phi tập trung. Các nguồn năng lượng tái tạo tích hợp như tấm pin mặt trời cho phép các tòa nhà tạo ra điện tại địa phương, giảm sự phụ thuộc vào các nhà máy điện tập trung và cơ sở hạ tầng truyền tải. Ngoài ra, hệ thống lưu trữ năng lượng tiên tiến, chẳng hạn như pin lithium-ion, cho phép các tòa nhà lưu trữ năng lượng dư thừa trong thời gian nhu cầu thấp và xả năng lượng đó trong giờ cao điểm hoặc trường hợp khẩn cấp, hoạt động hiệu quả như các lưới điện siêu nhỏ.

    Hơn nữa, khả năng dự đoán của các tòa nhà thông minh góp phần ngăn ngừa tình trạng mất điện bằng cách xác định và giải quyết sự cố cơ sở hạ tầng tiềm ẩn trước khi chúng thành sự cố gián đoạn lớn. Phân tích dựa trên AI liên tục theo dõi tình trạng và hiệu suất của hệ thống tòa nhà, phát hiện các điểm bất thường và dự đoán lỗi thiết bị với độ chính xác vượt trội. Bằng cách giải quyết trước các vấn đề bảo trì, tòa nhà thông minh giảm thiểu nguy cơ mất điện đột xuất do trục trặc hoặc hỏng hóc thiết bị. Khi các thành phố tiếp tục đối mặt với thách thức do biến đổi khí hậu và cơ sở hạ tầng cũ kỹ đặt ra, các tòa nhà thông minh thực sự có thể trở thành những thành phần có giá trị của hệ sinh thái năng lượng bền vững và có khả năng phục hồi.

    Bảo Lâm
    https://vietq.vn/tuong-lai-cua-nhung-toa-nha-thong-minh-tren-the-gioi-d222206.html

    Đeo kính áp tròng đi ngủ thường xuyên nguy cơ hỏng giác mạc

    Theo các bác sĩ, việc đeo kính áp tròng thường xuyên, kể cả khi đi ngủ dễ dẫn đến hội chứng khô mắt, viêm giác mạc mãn tính.

    Thói quen tai hại khi đeo kính áp tròng đi ngủ

    Kính áp tròng ngày càng được sử dụng rộng rãi đặc biệt là ở giới trẻ bởi sự tiện lợi và mang tính thẩm mỹ cao. Đặc biệt, đây cũng là phương án hỗ trợ thị lực cho những người mắc tật khúc xạ như cận thị, viễn thị, loạn thị. Tuy nhiên, kính áp tròng chỉ là giải pháp tạm thời, không những vậy, nếu quá lạm dụng kính áp tròng, có thể gây nguy hại cho mắt.

    Xiao Chen, 21 tuổi đến từ Hàng Châu, Trung Quốc thường thích đeo kính áp tròng. Nhưng một hôm, khi tỉnh dậy, mắt cô đau tới mức không để mở. Người nhà lập tức đưa cô đi cấp cứu tại bệnh viện Hàng Châu.

    Nguyên do là trước đó vài ngày, Xiao Chen rất bận rộn. Khi về tới nhà, cô mệt mỏi đến mức ngủ quên, không tháo kính áp tròng. Sáng hôm sau, ngay cả khi chớp mắt, Chen vẫn cảm thấy rất khô, đau mắt. Lúc này, chiếc kính áp tròng dường như đã bám sâu vào nhãn cầu và rất khó tháo ra. Xiao Chen liền nhỏ vài giọt dung dịch dưỡng ẩm, đeo kính áp tròng thêm một ngày nữa. Sau đó, cô phải nhập viện.


    Thói quen đeo kính áp tròng đi ngủ tác hại khôn lường cho mắt. Ảnh minh họa

    Tại bệnh viện các bác sĩ đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng cho Xiao Chen và cô được chẩn đoán mắc bệnh viêm kèm theo loét giác mạc. Xiao Chen cho biết cô đã đeo kính áp tròng nhiều năm và đây không phải là lần đầu tiên đeo chúng đi ngủ. Sau khi tan làm, cô chỉ muốn đi tắm và đi ngủ, thường xuyên quên tháo lens và việc bị đau mắt chưa từng xảy ra trước đây.

    Trước đó Katerina Kurteeva, bác sĩ nhãn khoa ở thành phố Newport Beach, bang California, Mỹ cũng đã đăng tải đoạn video ghi lại quá trình tháo nhiều kính áp tròng khỏi mắt một phụ nữ lớn tuổi.

    Cô cho biết đã lấy ra không dưới 23 chiếc lens mà bệnh nhân bỏ quên trong mắt suốt vài tháng, thậm chí có thể là nhiều năm, theo Oddity Central. Bác sĩ Kurteeva giải thích rằng bệnh nhân của cô luôn quên tháo kính áp tròng trước khi đi ngủ và liên tục thêm những chiếc mới vào sáng hôm sau.

    Thực tế, 23 kính áp tròng trong một mắt thậm chí không phải là kỷ lục. Vài năm trước, một phụ nữ 67 tuổi đến từ Vương quốc Anh bỏ quên 27 kính áp tròng trong mắt mình hơn 35 năm.

    Dễ gây loét giác mạc và giảm thị lực

    Theo bác sĩ Zhu điều trị cho Xiao Chen, bản thân kính áp tròng là một vật thể lạ đối với mắt. Một mặt, dùng kính áp tròng rất dễ đưa vi khuẩn vào mắt qua tay khi đeo. Mặt khác, kính áp tròng mềm sẽ che trực tiếp lên giác mạc, khiến mắt luôn trong tình trạng thiếu oxy, dễ gây ra các bệnh về giác mạc. Ngoài ra, độ lõm của một số loại kính áp tròng trên thị trường không phù hợp với độ lồi của giác mạc. Việc giác mạc bị mòn không đều dễ gây loét giác mạc và giảm thị lực.

    Bác sĩ Zhu nói với Xiao Chen rằng việc đeo kính áp tròng trong thời gian dài mà không chú ý vệ sinh khiến giác mạc trở nên rất dễ bị tổn thương. Với tình trạng hiện tại của Xiao Chen, việc đeo kính áp tròng sẽ không còn phù hợp nữa.

    Nếu mắt bị thiếu oxy trong thời gian dài, mắt sẽ bị đỏ và viêm, khiến giác mạc bị đục. Có rất nhiều loại bệnh về mắt có thể xảy đến, ví dụ như mật độ trung bình của tế bào nội mô giác mạc giảm đi rất nhiều, điều này không chỉ ảnh hưởng đến thị lực mà còn làm giảm độ rõ nét của mắt.

    Tế bào nội mô giác mạc không thể tái tạo và không thể phục hồi sau khi bị tổn thương. Nó giảm dần theo tuổi tác. Vì vậy, độ trong của mắt bị tổn thương sẽ kém hơn người bình thường và thị lực không rõ bằng người bình thường. Bệnh nhân nói chung không thể cảm nhận được những thay đổi tinh tế này và chỉ có thể phát hiện ra chúng thông qua các dụng cụ, thiết bị.

    Gây nhiễm trùng, khô mắt

    Nếu kính áp tròng không được làm sạch đúng cách, nó có thể gây nhiễm trùng mắt. Khi mắt gặp phải vi khuẩn có độc tính cao tấn công lặp đi lặp lại, lâu ngày không chữa rất dễ dẫn đến thủng giác mạc. Đến lúc mắt bạn không còn nhìn thấy được nữa và bạn cần phải ghép giác mạc thì đã quá muộn.

    Cả kính áp tròng có màu và kính áp tròng không màu thông thường đều có thể làm hỏng mắt. Tuy nhiên, do kính áp tròng có thêm màu sắc, kết cấu nổi bật hơn sẽ tạo độ mòn kết mạc và giác mạc nhiều hơn.

    Bệnh nhân đeo kính áp tròng phần lớn bị viêm kết mạc mãn tính và viêm giác mạc do nhiễm trùng thứ cấp. Cũng có trường hợp vô tình bị trầy xước giác mạc khi đeo kính áp tròng, gây viêm. Ngoài ra, việc đeo kính áp tròng lâu dài sẽ ức chế sự tiết nước mắt ở một mức độ nhất định, thành phần của nước mắt sẽ thay đổi, dễ dẫn đến hội chứng khô mắt.

    Nguy cơ nhiễm ký sinh trùng ăn giác mạc

    Trước đó các nhà khoa học Anh đã lên tiếng cảnh báo về một loại amip ăn giác mạc có khả năng gây mù lòa cho những người đeo kính áp tròng.

    Các giáo sư ở Anh đã đưa ra kết luận về loại ký sinh trùng có tên Acanthamoera là một loại thực vật đơn bào có khả năng tìm thấy trong đất, nước và cả hồ bơi, gây viêm giác mạc dẫn đến mù lòa.

    Ai cũng có thể bị amip ăn giác mạc, nhưng nguy cơ đó ở người đeo kính áp tròng cao hơn so với những người không đeo loại kính này. Nếu thấy nhóm triệu chứng gồm đau mắt, tấy đỏ, mắt nhạy cảm với ánh sáng và nhìn mờ thì phải đến ngay cơ sở nhãn khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

    Nguy cơ gây tắc nghẽn mắt, thiếu oxy

    Kính áp tròng có màu thường có các thành phần hóa học quá mức, lại kết hợp với các thói quen xấu khi đeo kính hoặc mắt bị nhạy cảm với thời tiết có thể gây ra tắc nghẽn ở mắt, viêm ở mắt, thiếu oxy. Tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng làm cho mắt bị biến dạng và nhiễm trùng mắt, gây các bệnh nghiêm trọng như thủng giác mạc mắt và có nguy cơ bị mù mắt vĩnh viễn. Không những vậy, màu của kính áp tròng còn làm giảm tầm nhìn của mắt vì phụ thuộc vào vật liệu của kính áp tròng.

    Các nhà khoa học cảnh báo những người sử dụng kính áp tròng có thể bị mù mắt nếu mắc một loại ký sinh trùng thường được tìm thấy trong nước máy.

    Ký sinh trùng Acanthamoeba là kẻ thù tiềm ẩn đối với mọi người sử dụng kính áp tròng. Theo các chuyên gia, loại ký sinh trùng đơn bào bé nhỏ này thường được tìm thấy trong nước máy, bụi, ngoài biển và các bể bơi. Chúng có thể tự vỗ béo bằng cách ăn những vi khuẩn tồn tại trong những mắt kính áp tròng bẩn.

    Khi các kính áp tròng nhiễm ký sinh trùng được gắn vào mắt người, Acanthamoeba bắt đầu ăn mòn giác mạc, lớp ngoài cùng của nhãn cầu và sinh sôi, nảy nở. Hậu quả từ cuộc tấn công của loại vi khuẩn này sẽ là các triệu chứng mắt ngứa rát , chảy nước mắt sống, nhìn mờ, nhạy cảm với ánh sáng, sưng phồng mí và đau mắt.

    Những lưu ý khi đeo kính áp tròng

    Bệnh viện Vinmec khuyến cáo, trước khi sử dụng kính áp tròng nên đi khám bác sĩ chuyên khoa mắt bởi những người bị các bệnh về mắt nếu đeo kính áp tròng có thể bị kích ứng mắt. Bên cạnh đó, kính áp tròng cần đeo đúng độ đối với người bị các tật khúc xạ nên cần được khám kỹ trước khi mua, sử dụng. Không sử dụng kính áp tròng không rõ nguồn gốc. Trước khi tháo hoặc đeo kính áp tròng cần rửa tay thật sạch.

    Ngoài ra còn có những nhân viên văn phòng làm việc trong phòng máy lạnh thời gian dài, mắt cũng rất dễ bị khô. Một số cảnh sát giao thông, lái xe, giáo viên thể dục… thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao trong nhà và ngoài trời thì tốt nhất không nên đeo chúng. Tốt nhất là không nên đeo kính áp tròng nếu có các triệu chứng như nhiễm trùng cấp tính ở mí mắt, viêm kết mạc, viêm giác mạc, đau mắt hột, tắc tuyến lệ hoặc giảm tiết nước mắt.

    Mặc dù các bác sĩ thường không khuyến khích sử dụng kính áp tròng, nếu bắt buộc phải sử dụng thì tốt nhất không nên sử dụng quá 8 giờ mỗi lần.

    Trong thời gian nghỉ ngơi nên ngâm kính áp tròng trong dung dịch rửa kính chuyên dụng để giúp kính không bị biến dạng, tăng tuổi thọ của kính; Nhỏ mắt từ 6 – 8 lần khi đeo kính áp tròng từ 10h – 12h; Không dùng lại dung dịch ngâm kính cũ vì khi lấy kính ra khỏi dung dịch, nó đã bị nhiễm khuẩn bởi tay hoặc dụng cụ lấy kính nên nếu ngâm lại sẽ làm kính bị nhiễm trùng, gây kích ứng mắt; Không sử dụng lại đối với loại kính áp tròng dùng 1 lần; Không dùng kính áp tròng khi đang bị đau mắt với các biểu hiện như sưng, đỏ, chảy nước mắt.

    Không đeo kính áp tròng quá hạn sử dụng vì sau thời hạn sử dụng, kính sẽ mất khả năng tự bảo vệ, các tạp chất, vi khuẩn có thể bám vào kính. Thay kính sau mỗi 3 – 6 tháng sử dụng tùy loại. Không dùng chung kính áp tròng với người khác để tránh nguy cơ lây lan các bệnh về mắt.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/deo-kinh-ap-trong-di-ngu-thuong-xuyen-nguy-co-thoi-giac-mac-d222136.html