24 C
Hanoi
Thứ ba, Tháng mười một 19, 2024
More
    Home Blog Page 21

    Cẩn trọng khi lựa chọn gạo ‘Séng cù xanh’ được bán rầm rộ trên mạng

    Những ngày gần đây, gạo Séng cù xanh đã trở thành tâm điểm của sự chú ý trên thị trường khi được nhiều người quảng cáo rầm rộ và bán tràn lan trên các trang mạng xã hội. Tuy nhiên, sau khi sử dụng, nhiều người đã thất vọng và nghi ngờ về chất lượng của loại gạo này.

    Ở nước ta, gạo Séng cù là một trong những đặc sản nổi tiếng thơm ngon, cơm chín nhanh khi nấu, hạt mềm dẻo. Loại gạo này là niềm tự hào của bà con nông dân các dân tộc Mông, Thái, Dao đỏ, Nùng,… trên vùng đất Tây Bắc.

    Thế nhưng, trong thời gian gần đây, trên các sàn thương mại điện tử hay các trang mạng xã hội Facebook, Zalo, sản phẩm gạo “Séng cù xanh” hay còn được giới thiệu là Séng cù non, Séng cù cốm với màu xanh lạ mắt được rao bán tràn lan. Một số đầu mối quảng cáo màu xanh của gạo Séng Cù là do bà con thu hoạch lúc lúa mới chỉ vừa cứng hạt (chưa chín vàng). Thế nên, khi xay xát, hạt gạo có màu xanh bắt mắt, cơm nấu chín đảm bảo độ mềm dẻo, thơm ngon.

    Như trên trang mạng xã hội Facebook, tài khoản có tên “Lá Yến” – chuyên bán các loại đặc sản vùng miền đã đăng tải thông tin bán sản phẩm gạo “Séng cù xanh” kèm chú thích: “Gạo Séng cù xanh được giới thiệu là loại gạo đặc sản có nguồn gốc từ Mường Khương và Bát Xát. Mai em về gạo Séng cù xanh hạt tròn. Mời các bác ạ”. Ngay sau khi bài viết được đăng tải, nhiều khách hàng đã quan tâm, bình luận: “Gạo nhuộm ra màu này hả em”, “Có ngâm tẩm gì không em? Hay là tự nhiên hoàn toàn”…Bên dưới mỗi bình luận của khách hàng, chủ kênh luôn khẳng định: “Màu gạo nó vậy, không phải nhuộm. Gạo này ăn sẽ thơm mùi lá dứa và dẻo” hay “Màu gạo là tự nhiên hoàn toàn”…

    Tương tự, trên sàn thương mại điện tử Shopee, mặt hàng gạo “Séng cù xanh” vẫn đang được quảng cáo, rao bán rầm rộ với những thông tin “tấn công” thẳng vào thị hiếu người tiêu dùng như: “Séng cù xanh được trồng trên núi cao, sản lượng không nhiều và luôn trong tình trạng khan hiếm. Chất lượng tuyệt hảo và khó có vùng nào có được. Séng cù đầu mùa có tác dụng chống táo bón, nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa tốt hơn”.

    Tuy nhiên, sự thật về gạo “Séng cù xanh” đã được vén màn vào cuối năm 2023 khi lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Lào Cai đã bắt quả tang một hộ kinh doanh tại thị trấn Mường Khương đang “phù phép” cho gạo Séng cù, thực chất là dùng lá dứa nghiền ra để nhuộm xanh gạo Séng cù. Qua kiểm tra, hộ kinh doanh này không đăng ký hành nghề xay xát, chế biến mà chỉ hành nghề kinh doanh nông sản. Bên cạnh đó, cơ sở đã tự ý xay xát và nhuộm gạo Séng cù không đúng quy định để bán ra thị trường. Lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính đồng thời xử phạt 7,5 triệu đồng do vi phạm quy định về đăng ký kinh doanh và yêu cầu hộ kinh doanh ký cam kết không tái phạm hành vi này.


    Ảnh minh họa

    Theo thống kê của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai, Séng cù là gạo đặc sản đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lí, được canh tác chủ yếu tại 2 địa phương Bát Xát và Mường Khương. Sản lượng Séng cù mỗi năm đạt khoảng 10.000 tấn. Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có hơn 100 cơ sở xay xát, chế biến gạo Séng cù. Gạo Séng cù có hình thái đặc trưng là hạt gạo thuôn dài, bụng tròn, hạt gạo có màu trắng ngà hoặc trắng trong tùy vào hình thức phơi, sấy.

    Gạo Séng cù đặc sản nổi tiếng của Mường Khương chỉ có 2 loại. Thứ nhất là loại gạo hạt trong, do bà con xay xát từ lúa được phơi dưới nắng nhẹ, có màu rất đẹp; nhược điểm là không bảo quản được dài ngày. Nhiều gia đình muốn ăn loại gạo này phải đóng gói, hút chân không để trong tủ lạnh. Thứ hai là loại gạo Séng cù hạt màu trắng đục giống như gạo nếp, xay xát từ lúa được phơi nắng già, khi xát ra có thể bảo quản dài ngày.

    Theo cơ quan chức năng, hiện chưa có bất cứ cơ sở nào, được cấp chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm với sản phẩm gạo Séng cù xanh. Theo quy định, các sản phẩm trước khi đưa ra ngoài thị trường để lưu thông, thì phải đảm bảo các điều kiện cơ bản về an toàn thực phẩm, quy chuẩn chất lượng phải được công bố…

    Ông Phạm Khắc Huy – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho hay, các hành vi giả mạo ngày càng được làm tinh vi và người tiêu dùng khó phân biệt bằng mắt thường nếu không sử dụng các công cụ kiểm tra như app, quét mã QR… hoặc không được trang bị các thông tin nhận diện hàng thật – hàng giả.

    Trên thực tế, ở huyện Mường Khương chỉ có loại gạo Séng cù truyền thống màu trắng ngà hoặc trắng đục, không có Séng cù màu xanh, dù là lúa thu hoạch non hay già, phơi đủ nắng hay thiếu nắng. “Tất cả gạo “Séng cù xanh” trên thị trường là do các tư thương đã nhuộm bằng lá cây và có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm” – lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Lào Cai thông tin.

    Trước đó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tỉnh Lào Cai cũng từng khẳng định, chưa tiếp nhận bất kỳ một bản công bố chất lượng sản phẩm gạo Séng Cù xanh nào của các đơn vị sản xuất. Do vậy, các sản phẩm đang được quảng cáo, rao bán rầm rộ trên thị trường không được cơ quan chức năng của Lào Cai chứng nhận về nguồn gốc chất lượng. Như vậy, việc kinh doanh sản phẩm gạo “Séng cù xanh” là hành vi có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu hàng hoá đối với nhãn hiệu gạo Séng cù đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/can-trong-truoc-khi-su-dung-gao-seng-cu-xanh-duoc-ban-ram-ro-tren-mang-d223013.html

    Nhiều quốc gia áp dụng thuế phát thải carbon để giảm phát thải khí nhà kính

    Nhằm giảm phát thải khí nhà kính mới đây Mỹ, Đan Mạch, EU đã áp dụng thuế phát thải carbon thúc đẩy làn sóng xanh toàn cầu.

    Đặc phái viên khí hậu của chính phủ Mỹ, John Podesta cho biết, Mỹ sẽ không khoanh tay đứng nhìn “chảy máu carbon” từ các nhà sản xuất nước ngoài, gây bất lợi cho các doanh nghiệp trong nước. Động thái này được xem là nỗ lưc phản ứng với sự cạnh tranh công nghiệp của Trung Quốc đồng thời giúp cắt giảm khí thải nhà kính.

    “Mỹ sẽ chống lại tình trạng các nhà sản xuất nước ngoài bán hàng hóa công nghiệp phát thải nhiều carbon sang Mỹ mà không chịu bất cứ chi phí liên quan nào”, John Podesta cho biết.

    Quyết định áp thuế carbon cũng đặt ra nhiều thách thức, mặc dù ngành công nghiệp Mỹ có lượng phát thải carbon thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, nhưng vẫn còn khoảng cách đáng kể so với tiêu chuẩn của EU. Động thái này có thể châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại, khi các đối tác lớn của Mỹ đáp trả bằng các biện pháp tương tự, gây khó khăn cho chính các nhà xuất khẩu Mỹ.

    Bên cạnh đó, việc Mỹ chưa xây dựng một hệ thống định giá carbon toàn diện trong nước cũng là một điểm yếu. Các doanh nghiệp Mỹ có thể gặp bất lợi khi xuất khẩu sang các thị trường đã áp thuế carbon.

    Mặc dù tồn tại nhiều rủi ro nhưng cũng không thể phủ nhận tiềm năng to lớn của thuế carbon trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh toàn cầu. Đây có thể là đòn bẩy kinh tế mạnh mẽ, khuyến khích đầu tư vào công nghệ sạch và giảm thiểu lượng khí thải carbon trên toàn thế giới.

    Áp dụng thuế phát thải carbon là một giải pháp hữu hiệu để xanh hóa toàn cầu. Ảnh minh họa

    Theo một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới, Anh sẽ áp dụng cơ điều chỉnh biên giới carbon, tương tự như khối Liên minh chau Âu (EU) vào năm 2026. Hiện có 75 hệ thống định giá carbon đang hoạt động trên khắp thế giới, chi phối 24% tổng lượng khí thải toàn cầu. Động thái của EU có thể tạo ra động lực để các nước khác giới thiệu hệ thống định giá carbon của riêng họ. Có nghĩa là thay vì để Brussel thu tiền thuế carbon, họ có thể tự thu tiền thuế này.

    Liên quan tới giải pháp giảm thiểu khí thải mới đây Chính phủ Đan Mạch cũng đã quyết định áp dụng thuế phát thải carbon, tức nông dân sẽ phải nộp gần 100 USD/năm khi sở hữu 1 con bò. Được biết Đan Mạch nằm trong top những quốc gia về xuất khẩu thịt lợn và sữa lớn trên thế giới. Do đó, nông nghiệp, đặc biệt là chăn nuôi gia súc là nguồn phát thải carbon lớn nhất tại quốc gia này. Theo đó, từ năm 2030, nông dân quốc gia này sẽ phải nộp mức thuế 672 krone/năm (khoảng 96 USD) với mỗi con gia súc mà họ sở hữu.

    Với quyết định này, Đan Mạch trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng thuế phát thải carbon trong lĩnh vực nông nghiệp. Mục đích của loại thuế này nhằm thúc đẩy ngành chăn nuôi tìm kiếm các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính.

    Kết quả nghiên cứu cho thấy, trung bình một con bò sữa tại Đan Mạch thải ra khoảng 5,6 tấn khí CO2 tương đương mỗi năm. Từ năm 2030, mức thuế phát thải carbon tương đương 96 USD/con bò/năm và tăng lên thành 241 USD/con bò/năm vào năm 2035.

    Ở Việt Nam có mô đàn lợn khoảng 28-29 triệu con, đàn trâu 2,3 triệu con, đàn bò (tính cả bò sữa) 6,7 triệu con, đàn dê và cừu 2,9 triệu con… Chăn nuôi cũng là ngành phát thải khí nhà kính ra môi trường lớn thứ hai trong lĩnh vực nông nghiệp.

    Tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 06/2022/NĐ-CP ngày 7/1/2022 của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bổ sung ngành chăn nuôi (lợn, bò) vào danh mục cơ sở phải kiểm kê khí nhà kính.

    Theo đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam, tiềm năng của các biện pháp giảm phát thải liên quan đến ngành chăn nuôi trong cả giai đoạn 2021-2030 là 152,5 triệu tấn CO2 tương đương, chiếm 54% tổng tiềm năng giảm phát thải của lĩnh vực nông nghiệp.

    Theo danh mục hệ số phát thải phục vụ kiểm kê khí nhà kính của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố cuối năm 2022, trong số các động vật có phát thải khí metan từ dạ cỏ, bò sữa gây phát thải khoảng 78kg khí CH4/con/năm, trâu khoảng 76kg khí CH4/con/năm, bò thịt 54kg CH4/con/năm, ngựa 18kg CH4/con/năm, dê và cừu 5kg CH4/con/năm, lợn 1kg CH4/con/năm.

    Với dự thảo trên, các trang trại chăn nuôi quy mô 3.000 con lợn thường xuyên, còn với bò là 1.000 con trở lên sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Tức là sẽ có hơn 4.000 trang trại chăn nuôi lợn và bò phải thực hiện công việc này. Các doanh nghiệp, trang trại sau khi kiểm kê khí nhà kính xong sẽ phải thực hiện giảm phát thải theo hạn ngạch được giao.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/my-dang-xem-xet-xay-dung-he-thong-dinh-gia-carbon-doi-voi-hang-nhap-khau-d222967.html

    Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp

    Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn.

    Ảnh minh họa

    Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định mua bán điện trực tiếp là hoạt động mua bán giao nhận điện năng được thực hiện thông qua 02 hình thức:

    Mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng là hoạt động ký hợp đồng mua bán điện và giao nhận điện năng qua Đường dây kết nối riêng giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn theo quy định tại Chương II Nghị định này.

    Mua bán điện trực tiếp qua Lưới điện quốc gia là hoạt động mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn (hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền) và hoạt động mua bán điện thực hiện theo quy định tại Chương III Nghị định này bao gồm:

    – Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo bán toàn bộ điện năng sản xuất vào thị trường điện giao ngay của thị trường bán buôn điện cạnh tranh;

    – Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền ký hợp đồng mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc đơn vị được ủy quyền/phân cấp) để mua toàn bộ điện năng đáp ứng nhu cầu;

    – Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền mua bán điện thông qua Hợp đồng kỳ hạn.

    Nguyên tắc mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng

    Về hình thức mua bán điện trực tiếp qua Đường dây kết nối riêng, Nghị định quy định đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn thực hiện mua bán điện trực tiếp thông qua Đường dây kết nối riêng theo các nguyên tắc sau:

    – Hợp đồng mua bán điện giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và Khách hàng sử dụng điện lớn trong trường hợp mua bán điện trực tiếp thông qua Đường dây kết nối riêng do hai bên thỏa thuận phù hợp với quy định tại Điều 22 Luật Điện lực và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, bao gồm các nội dung chính sau: Chủ thể hợp đồng; mục đích sử dụng; tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ; quyền và nghĩa vụ của các bên; giá điện, phương thức và thời hạn thanh toán; điều kiện chấm dứt hợp đồng; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng; thời hạn của hợp đồng; trách nhiệm đầu tư, xây dựng, quản lý vận hành Đường dây kết nối riêng; các nội dung khác do hai bên thỏa thuận;

    – Giá bán điện do hai bên thỏa thuận trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định này.

    Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện về công suất, sản lượng, giá đối với sản lượng điện dư với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (hoặc đơn vị được ủy quyền) theo quy định.

    Ngoài các hoạt động mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng quy định ở trên, Khách hàng sử dụng điện lớn được mua bán điện với Tổng công ty Điện lực (hoặc Đơn vị bán lẻ điện không phải Tổng công ty Điện lực) theo quy định.

    Trường hợp Đơn vị điện lực vừa thực hiện chức năng phát điện và chức năng bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm kết hợp mua điện từ hệ thống điện quốc gia đồng thời với các nguồn điện tại chỗ khác để bán lẻ điện cho các khách hàng sử dụng điện trong các mô hình khu, cụm, giá bán lẻ điện cho khách hàng được thực hiện theo Quy định về thực hiện giá bán điện do Bộ Công Thương ban hành.

    Giá thị trường điện giao ngay

    Về hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, Nghị định cũng quy định rõ việc bán điện của đơn vị phát điện năng lượng tái tạo qua thị trường điện giao ngay và việc mua bán điện với Tổng công ty điện lực.

    Theo quy định, giá thị trường điện giao ngay là giá thị trường điện toàn phần được hình thành theo từng chu kỳ giao dịch của thị trường điện giao ngay và được xác định bằng tổng của giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường. Trong đó, giá điện năng thị trường và giá công suất thị trường được xác định theo Quy định vận hành thị trường bán buôn điện cạnh tranh do Bộ Công Thương ban hành.

    Thành Long
    https://vietq.vn/chinh-phu-ban-hanh-nghi-dinh-ve-co-che-mua-ban-dien-truc-tiep-d222972.html

    WHO báo động tình trạng uống rượu ở độ tuổi cấp 2 tiềm ẩn nguy cơ dài hạn về sức khỏe

    Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lên tiếng cảnh báo trước những nguy cơ dài hạn về sức khỏe khi tỷ lệ uống rượu ở độ tuổi thanh thiếu niên từ 11 đến 15 tuổi đang ở mức đáng báo động.

    Dựa trên dữ liệu khảo sát 280.000 thanh thiếu niên các độ tuổi 11, 13 và 15 (tại Việt Nam là độ tuổi cấp hai) ở châu Âu, Trung Á và Canada, WHO ghi nhận “bức tranh đầy quan ngại” về thói quen uống rượu, hút thuốc ở các nhóm tuổi này ở 53 nước.

    “Những hậu quả về dài hạn của các xu hướng trên là đáng kể, và các nhà hoạch định chính sách không thể phớt lờ những phát hiện báo động đó”, AFP dẫn lời WHO.

    Báo cáo phát hiện 57% trong số thanh thiếu niên 15 tuổi uống rượu ít nhất 1 lần, và con số này ở nữ sinh là 59% so với 56% ở nam sinh. WHO lưu ý về tổng thể, tỷ lệ nam sinh uống rượu giảm đi, trong khi số liệu phản ánh sự gia tăng ở nữ sinh.

    Về trạng thái uống rượu hiện tại, tức từng uống ít nhất 1 lần trong 30 ngày gần đây nhất, có đến 8% trong số nam sinh độ tuổi 11 thừa nhận, còn ở nữ sinh là 5%. Tuy nhiên ở độ tuổi 15, nữ sinh “qua mặt” nam sinh, với 38% số nữ sinh thừa nhận đã say xỉn ít nhất 1 lần trong vòng 30 ngày vào thời điểm tham gia khảo sát. Con số này ở nam sinh là 36%. Tỷ lệ thanh thiếu niên say xỉn đáng kể, tức ít nhất 2 lần say xỉn, là 9%, trong khi tỷ lệ này ở nhóm tuổi 13 là 5% và tăng lên 20% ở độ tuổi 15.

    Báo động tình trạng trẻ vị thành niên uống rượu bia, hút thuốc lá điện tử gây ra không ít hệ lụy. Ảnh minh họa

    Tại Việt Nam, theo Bộ Nội vụ, ngày càng có nhiều thanh niên Việt Nam uống rượi bia, có 38,3% dân số trên 15 tuổi sử dụng rượu bia, cứ 2 người đàn ông thì có 1 người uống rượu. Tỷ lệ người nghiện rượu nặng là 1,4% trong tổng dân số trên 15 tuổi.

    Mặc dù tại Việt Nam tuổi uống rượu hợp pháp của thanh niên là 18, nhưng có đến 34% thanh thiếu niên từ 14 – 17 tuổi từng uống rượu bia, và con số này ở thanh niên từ 18 – 21 tuổi, là 57%. Tình trạng sử dụng rượu bia, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông cũng như bệnh tật khác, đặc biệt trong nhóm nam thanh niên trẻ.

    Trước thực trạng này Bộ Tài chính cho rằng, việc điều chỉnh tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế. Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Trong đó, đang chú ý, cơ quan này đề xuất đánh thuế với tất cả đồ uống có cồn, thực phẩm lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống pha chế từ cồn thực phẩm. Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành quy định sắc thuế này đối với rượu từ 20 độ trở lên là 65%, rượu dưới 20 độ là 35% và bia là 65%.

    Theo đánh giá của cơ quan quản lý, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia còn thấp chưa đủ tác dụng để hạn chế tiêu dùng hoặc điều tiết thu nhập của người sử dụng có thu nhập cao trong xã hội. Theo đó, trong dự thảo mới này, đối với rượu từ 20 độ trở lên và bia, Bộ Tài chính đề xuất phương án 2 là áp thuế 80% vào năm 2026, tăng dần qua các năm và lên 100% vào 2030. Với rượu dưới 20 độ, Bộ đề xuất chịu thuế 50% từ năm 2026 sau đó tăng lên cao nhất 70% vào năm 2023.

    Với đề xuất này, Bộ Tài Chính cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có cồn (bia, rượu) sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này, từ đó hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

    Theo đó, giá bán bia, rượu năm 2026 sẽ tăng 20% so với năm 2025, và các năm tiếp theo mỗi năm giá bán sẽ tăng 2-3% so với năm trước để đảm bảo giá sản phẩm tăng tương ứng theo mức độ lạm phát và gia tăng thu nhập của các năm tiếp theo.

    “Việc định hướng, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm rượu, bia góp phần kiểm soát được yếu tố nguy cơ gây bệnh do nguyên nhân từ rượu, bia, sẽ làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong nên giảm áp lực lên hệ thống y tế, giảm quá tải bệnh viện”, Bộ Tài chính lý giải.

    Quy định về kinh doanh rượu

    Căn cứ vào Khoản 1 Điều 3 Nghị định 105/2017/NĐ-CP quy định về hoạt động kinh doanh rượu, bao gồm: Hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán buôn, bán lẻ rượu; hoạt động bán rượu tiêu dùng tại chỗ. Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

    Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban Nhân dân cấp xã.

    Quy định về chất lượng và an toàn thực phẩm thì rượu đã có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường.

    Rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật phải được công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và đăng ký bản công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường cho đến khi quy chuẩn kỹ thuật tương ứng được ban hành và có hiệu lực.

    Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo quy định của Luật an toàn thực phẩm, Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành khác liên quan.

    Rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước và rượu nhập khẩu phải được dán tem và ghi nhãn hàng hóa theo quy định, trừ trường hợp rượu được sản xuất thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại. Rượu bán thành phẩm nhập khẩu không phải dán tem.

    Các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về kinh doanh rượu: Không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung ghi trong giấy phép theo quy định tại Nghị định này. Sử dụng cồn thực phẩm không đáp ứng quy chuẩn, cồn công nghiệp hoặc nguyên liệu bị cấm khác để sản xuất, pha chế rượu. Cho thuê, cho mượn Giấy phép kinh doanh rượu. Trưng bày, mua, bán, lưu thông, tiêu thụ các loại rượu không có tem, nhãn đúng quy định của pháp luật, rượu không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm, rượu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Bán rượu cho người dưới 18 tuổi, bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua mạng Internet, bán rượu bằng máy bán hàng tự động. Quảng cáo, khuyến mại rượu trái quy định của pháp luật.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/who-bao-dong-tinh-trang-uong-ruou-hut-thuoc-la-dien-tu-do-tuoi-cap-2-d222840.html

    Cách sử dụng cây nước nóng lạnh an toàn, tiết kiệm điện năng

    Cây nước nóng lạnh là sản phẩm phổ biến trong các gia đình hiện nay. Tuy nhiên việc sử dụng cây nước nóng lạnh sao cho an toàn, tiết kiệm điện thì nên dựa vào nhiều yếu tố.

    Có thể nói, mức độ tiêu thụ điện năng của cây nước nóng lạnh sẽ phụ thuộc vào chế độ nóng lạnh cũng như công nghệ làm nóng/lạnh của thiết bị. Cụ thể:

    Cây nước nóng lạnh ở chế độ chờ sẽ tiêu thụ khoảng 160W/giờ. Trong khi đó, nếu sử dụng chế độ lạnh hoặc chế độ đun sôi nước nóng, thiết bị này sẽ tiêu thụ khoảng 2.8kW/ngày. Cũng có nghĩa là cây nước nóng lạnh sẽ tiêu thụ khoảng 1022kW trong vòng 1 năm sử dụng.

    Công nghệ làm nóng/ lạnh của cây nước cũng là một trong những yếu tố quyết định với mức điện năng tiêu thụ của thiết bị. Hiện nay, trên thị trường có 2 loại công nghệ làm nóng/ lạnh nước trên cây nước nóng lạnh là công nghệ chip điện tử và công nghệ block.

    Cây nước nóng lạnh cần tuân theo tiêu chuẩn chất lượng. Ảnh minh họa

    Trong đó, công nghệ chip điện tử chỉ làm lạnh nước ở nhiệt độ khoảng 10 độ C và nhiệt độ làm nóng nước đạt khoảng 80 độ C. Còn công nghệ block lại có khả năng làm nóng nước tới 90 độ C và khi nhiệt độ nước xuống thấp rơ le sẽ tự động bật để tăng nhiệt độ nước. Còn ở khoang lạnh, rơ le nhiệt cũng hoạt động theo cơ chế tương tự. Còn khi nước đạt ngưỡng nhiệt, rơ le sẽ tự động ngắt để đảm bảo an toàn và tiết kiệm điện. Điều này cũng cho thấy rằng, công nghệ block có khả năng làm nóng, lạnh nước hiệu quả hơn mà còn giúp tiết kiệm điện năng tốt hơn so với công nghệ chip điện tử

    Về mức tiêu thụ điện năng trung bình của cây nước nóng lạnh sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như thời gian sử dụng, công nghệ… Tuy nhiên theo các chuyên gia tại điện máy gia dụng Hòa Phát, để tiết kiệm điện năng tối đa khi dùng sản phẩm này người tiêu dùng nên lưu ý:

    Khi sử dụng cần lưu ý nên chọn mua cây nước có chức năng tự ngắt điện. Đây là tính năng hữu ích để giảm thiểu lượng điện tiêu thụ của cây nước nóng lạnh. Khi không sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, thiết bị sẽ tự động ngắt điện để duy trì nhiệt độ của bình chứa nước. Như vậy không phải lo lắng về việc quên tắt công tắc hoặc để cây nước hoạt động liên tục.

    Khi không có nhu cầu sử dụng máy trong thời gian dài hoặc không có bình nước lắp trên máy thì hãy rút nguồn dây điện. Trước khi cắm điện sử dụng, bạn hãy đặt bình lên máy tầm 10 phút. Nên đặt máy nóng lạnh cách tường khoảng 10 – 15 cm để tránh việc tỏa nhiệt làm ảnh hưởng đến hoạt động cũng như tuổi thọ của thiết bị. Sử dụng ổ cắm riêng để tránh chập điện hoặc quá tải.

    Vệ sinh và bảo trì thường xuyên sẽ giúp cây nước nóng lạnh hoạt động hiệu quả và tiết kiệm điện. Nên lau chùi bề mặt của thiết bị sạch sẽ để tránh bám bụi và ẩm mốc. Cũng nên kiểm tra và thay thế các linh kiện hư hỏng hoặc cũ kỹ như ống dẫn, van xả, bộ lọc… Đồng thời cũng nên xả bình chứa nước ít nhất một lần mỗi tháng để loại bỏ các chất cặn bã và vi khuẩn gây hại cho sức khỏe.

    Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với từng mùa để giảm thiểu công suất tiêu thụ điện của cây nước nóng lạnh, có thể điều chỉnh nhiệt độ phù hợp với từng mùa. Trong mùa Hè có thể giảm nhiệt độ của bình chứa nước xuống mức thấp nhất hoặc tắt chế độ làm nóng hoàn toàn. Ngược lại, trong mùa Đông có thể tăng nhiệt độ của bình chứa nước lên mức cao nhất hoặc tắt chế độ làm lạnh hoàn toàn. Bằng cách này sẽ không phải chờ đợi quá lâu để có được ly nước ấm hoặc ly nước lạnh theo ý muốn.

    Công bố hợp quy cây nước nóng lạnh

    Căn cứ theo Thông tư số 21/2009/TT-BKHCN ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc ban hành và thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện và điện tử; QCVN 04:2009/BKHCN – Quy Chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đối với thiết bị điện, điện tử thì sản phẩm cây nước nóng lạnh trước khi được lưu thông trên thị trường các doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục xin cấp giấy chứng nhận hợp quy.

    Chứng nhận hợp quy cây nóng lạnh là hoạt động kiểm nghiệm, đánh giá và xác nhận chất lượng của sản phẩm, quá trình, môi trường sản xuất, kinh doanh cây nóng lạnh phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.Tất cả các doanh nghiệp thực hiện hoạt động sản xuất, kinh doanh cây nóng lạnh đều bắt buộc phải thực hiện thủ tục xin cấp chứng nhận hợp quy thì sản phẩm mới được phép lưu thông trên thị trường.

    Theo quy định pháp luật thì chứng nhận hợp quy là căn cứ để cây nóng lạnh được phép lưu thông trên thị trường; Đảm bảo chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, nâng cao hình ảnh, vị thế so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường; Được người tiêu dùng lựa chọn bởi chất lượng đã được kiểm định và thương hiệu doanh nghiệp được khẳng định trên thị trường, theo đó sức tiêu thụ sản phẩm tăng, đem lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp; Đảm bảo thủ tục pháp lý khi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành kiểm tra, hạn chế những rắc rối so với các doanh nghiệp không thực hiện chứng nhận hợp quy sản phẩm.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/cach-su-dung-cay-nuoc-nong-lanh-tiet-kiem-dien-d222952.html

    Người dân sử dụng thuê bao 2G sẽ bị “tắt sóng” vào 15/9

    Thông tin từ Bộ TT&TT cho biết sẽ không cấp lại băng tần 900MHz, 1800MHz cho các nhà mạng đang sử dụng và sẽ hết hạn vào 15/9. Chính vì vậy các nhà mạng sẽ buộc phải tắt sóng 2G theo lộ trình đã được đưa ra.

    Theo kế hoạch, thời hạn tắt sóng 2G là ngày 15/9. Trong trường hợp vẫn sử dụng thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G (2G Only), người dùng có nguy cơ không thể sử dụng dịch vụ. Nhà mạng cũng không thể can thiệp do giấy phép băng tần 900/1800 MHz – vốn là tần số chính dùng cho dịch vụ 2G tại Việt Nam – khi đó sẽ hết hạn.

    Trả lời câu hỏi về phương án xử lý trong trường hợp vẫn còn người sử dụng mạng 2G Only, ngày 1/7, Cục trưởng Viễn thông Nguyễn Thành Phúc khẳng định Bộ sẽ không cấp phép lại các băng tần 900/1800 MHz, doanh nghiệp phải có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ 2G Only.

    “Vấn đề này sẽ được thực hiện nghiêm để bắt buộc nhà mạng đưa ra biện pháp, chính sách thúc đẩy thuê bao 2G lên 4G và 5G”, ông Phúc nói và cho biết đã đề nghị doanh nghiệp di động cần quyết liệt triển khai giải pháp truyền thông, hỗ trợ để đảm bảo quyền lợi của các thuê bao nói trên.

    Hiện các nhà mạng đã đưa ra phương án thúc đẩy chuyển đổi như trợ giá cho điện thoại “cục gạch” hoặc smartphone 4G giá rẻ, tăng cường phủ sóng 4G.


    Ảnh minh họa

    Bà Vũ Thu Hiền, Trưởng Phòng Chính sách và Quy hoạch Tần số (Cục Tần số Vô tuyến điện, Bộ TT&TT) cho hay, đến tháng 9/2024, Bộ TT&TT đặt mục tiêu trên mạng di động sẽ không còn thuê bao 2G only. Tuy nhiên, với thuê bao smartphone 3G, 4G thời kỳ đầu, chưa tích hợp tính năng VoLTE (Voice over Long-Term EvolutioN) hay còn được gọi là HD Call, Voice HD,… Đây là tiêu chuẩn giao tiếp không dây chất lượng cao của các nhà mạng như Vinaphone, Viettel, MobiFone,… khi sử dụng mạng 4G. VoLTE đem đến cho người dùng những trải nghiệm dịch vụ gọi điện tốt nhất với tốc độ kết nối cực nhanh và âm thanh truyền đến rõ ràng hơn. Những mẫu điện thoại buộc phải gọi thoại qua nền tảng 2G, 3G vẫn có thể tiếp tục sử dụng đến tháng 9/2026.

    “Trong khoảng thời gian từ tháng 9/2024-9/2026, hệ thống mạng 2G vẫn duy trì nhưng không phát triển thêm thuê bao mới. Trong 2 năm này, hệ thống mạng 2G chỉ được sử dụng để cung cấp dịch vụ thoại cho các thuê bao 3G, 4G không có tính năng VoLTE. Đây là sự chuyển đổi mềm, giúp các thuê bao di động có thời gian chuyển đổi phù hợp, đảm bảo duy trì hệ thống hợp lý. Đây là tiền đề để đến năm 2026 không còn hệ thống 2G trên mạng”, bà Vũ Thu Hiền khẳng định.

    Trước đó, ngày 1/3, các nhà mạng đã thống nhất triển khai phương án ngăn chặn nhập mạng các máy điện thoại 2G only không chứng nhận hợp quy. Các doanh nghiệp đã thực hiện nghiêm chỉnh, việc ngăn chặn các máy 2G only nhập mạng đã góp phần làm giảm số thuê bao 2G only trong các tháng 4, tháng 5.

    Cục Viễn thông cho biết, khi thực hiện tắt sóng 2G, các nhà mạng phải báo cáo hiện trạng và đề xuất áp dụng việc thực hiện giải pháp, đặc biệt giải pháp đối với vùng biển, đảo để đảm bảo thông tin liên lạc được thông suốt.

    Trong tháng 6/2024, ông Nguyễn Huy Dũng – Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng khẳng định, đã ban hành các thông tư 03, 04 về quy hoạch lại băng tần 900 và 1800 Mhz cho thông tin di động. Ngày 15/9 là thời hạn ngừng cung cấp dịch vụ thuê bao điện thoại 2G Only và đến tháng 9/2026 sẽ ngừng hoàn toàn 2G, trừ một số trường hợp đặc biệt như tại quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và nhà giàn DK.

    Từ nay đến 2026, mạng 2G vẫn được duy trì nhưng không mở mới thuê bao, chỉ để phục vụ thuê bao vốn dùng máy 3G và 4G đời cũ, chưa hỗ trợ tính năng thoại qua mạng di động, trước khi các dòng điện thoại này biến mất hoàn toàn.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/nguoi-dan-su-dung-thue-bao-2g-se-bi-tat-song-vao-15-9-d222916.html

    Hóa chất tiềm ẩn trong chai nhựa có thể làm giảm độ nhạy cảm với insulin

    Một nghiên cứu mới mang tính đột phá của các nhà khoa học cho thấy hóa chất tiềm ẩn trong chai nhựa có thể làm giảm độ nhạy cảm với insulin- loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu.

    Một nghiên cứu mới mang tính đột phá của các nhà khoa học cho thấy bằng chứng trực tiếp rằng bisphenol A – hay BPA, một hóa chất có trong chai nhựa có thể làm giảm độ nhạy cảm với insulin, loại hormone giúp điều chỉnh lượng đường trong máu. Khả năng đáp ứng với insulin bị suy giảm, gọi là kháng insulin, có thể có nghĩa là lượng đường trong máu cao mãn tính và nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn nhiều.

    Các nhà nghiên cứu đã trình bày những phát hiện của họ tại phiên họp khoa học năm 2024 của Hiệp hội Tiểu đường Mỹ và cho biết nghiên cứu này cho thấy Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) có thể cần xem xét lại các giới hạn an toàn khi tiếp xúc với BPA trong chai nhựa, hộp đựng thức ăn và các loại hộp đựng khác.

    Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bách khoa California đã nghiên cứu 40 người trưởng thành khỏe mạnh được chỉ định ngẫu nhiên dùng giả dược hoặc một liều nhỏ BPA hằng ngày. Sau 4 ngày, những người tham gia sử dụng BPA có phản ứng kém hơn với insulin, trong khi nhóm dùng giả dược không có bất kỳ thay đổi nào. Liều BPA mà người tham gia nhận được, 50 microgam/kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, là lượng hiện được EPA phân loại là an toàn.

    Todd Hagobian, tác giả cao cấp của nghiên cứu và giáo sư tại Đại học Bách khoa California của Mỹ cho biết trong một thông cáo báo chí: “Những kết quả này gợi ý rằng liều an toàn của EPA cần được xem xét lại và các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có thể đề xuất những thay đổi này cho bệnh nhân”.


    Hóa chất trong chai nhựa tiềm ẩn nhiều nguy hiểm cho sức khỏe con người. Ảnh minh họa

    Trước đó Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xem BPA là an toàn khi ở mức thấp trong các hộp đựng thực phẩm, lên tới 5mg mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày, hoặc gấp 1.000 lần lượng mà nghiên cứu mới cho thấy có nguy cơ. Một số nhà nghiên cứu cho rằng hướng dẫn của FDA đã lỗi thời.

    Các cơ quan quản lý khác trên thế giới đã có lập trường cứng rắn hơn đối với hóa chất này. Ủy ban châu Âu đề xuất cấm BPA trong các sản phẩm tiếp xúc với thực phẩm hoặc đồ uống vào cuối năm 2024. Mối lo ngại về BPA là một phần của lời cảnh báo rộng hơn về việc chúng ta tiếp xúc hằng ngày với các chất có thể có hại cho sức khỏe.

    Một nghiên cứu khác gần đây đã phát hiện ra các hạt vi nhựa, những hạt nhỏ đến mức có thể xâm nhập vào tế bào con người, có khả năng tàn phá sức khỏe. Chúng được tìm thấy ở khắp nơi, từ phổi người đến các cơ quan sinh sản.

    Hiểu được cách mà các chất chúng ta gặp hằng ngày ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe có thể giúp chúng ta đưa ra quyết định tốt hơn về cách giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường loại 2.

    Tác giả nghiên cứu Hagobian cho biết trong thông cáo báo chí: “Vì bệnh tiểu đường là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ, điều quan trọng là phải hiểu được ngay cả những yếu tố nhỏ nhất góp phần gây ra căn bệnh này. Chúng tôi rất ngạc nhiên khi thấy rằng việc giảm tiếp xúc với BPA, chẳng hạn như sử dụng chai thủy tinh hoặc thép không gỉ và lon không chứa BPA, có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường”.

    Ở Việt Nam trong những năm gần đây đã có một số nghiên cứu ban đầu về vi nhựa trong môi trường, nhưng chỉ có một số ít đề cập đến các tác động tiềm ẩn của vi nhựa đối với sức khỏe.

    Trong vài thập kỷ qua, con người đã thải hàng tấn rác nhựa ra đại dương. Khoảng 580.000 mảnh rác nhựa trên mỗi km vuông đã được tìm thấy ở Đại Tây Dương. Nếu quá trình này tiếp tục diễn ra trong nhiều năm tới, thì không những môi trường bị ô nhiễm mà đến sức khỏe của con người sẽ bị phá hủy nghiêm trọng.

    Các hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa rất độc và gây hại cho cơ thể con người như chì, cadmium và thủy ngân có thể tiếp xúc trực tiếp với con người. Những chất độc này có thể gây ung thư, khuyết tật bẩm sinh, các vấn đề về hệ thống miễn dịch và các vấn đề về phát triển ngay từ nhỏ.

    Các chất độc khác như BPA hoặc health-bisphenol-A được tìm thấy trong chai nhựa và trong các vật liệu đóng gói thực phẩm. Khi các chuỗi polyme của BPA bị phá vỡ và xâm nhập vào cơ thể con người qua nguồn nước hoặc cá bị ô nhiễm, nó có thể dẫn đến một số tổn thương gây tử vong cho cơ thể chúng ta. BPA có thể làm giảm thụ thể hormone tuyến giáp, dẫn đến suy giáp.

    Ngoài những tác động nghiêm trọng này, con người cũng có thể phát triển một số tình trạng sức khỏe do nhựa. Có nhiều nghiên cứu về sử dụng đồ nhựa của người tiêu dùng Việt Nam nhưng rất ít nghiên cứu xem xét khía cạnh tác động đến sức khỏe.

    Cách đọc các kí hiệu dưới chai nhựa để giảm tác hại khi sử dụng

    Số 1 là PET

    Loại nhựa này chỉ được sử dụng một lần, nếu dùng đi dùng lại sẽ làm hòa tan các kim loại và hóa chất, làm ảnh hưởng đến hormone của cơ thể. Đồng thời chúng rất khó để làm sạch, nên hãy chỉ sử dụng loại nhựa này 1 lần

    Số 2: HDP hay HDPE

    Loại nhựa này được xem là an toàn nhất, không thải ra chất độc vì vậy nếu bạn có sử dụng nhựa thì hãy chọn nhựa HDP để sử dụng. Loại nhựa này thường dùng để sản xuất bình đựng sữa, bình chứa chất tẩy rửa, đồ chơi…

    Số 3: PVC hay 3V

    PVC có đặc tính mềm dẻo, được sử dụng phần lớn trong việc sản xuất bao bì thực phẩm. Loại nhựa này khá độc hại vì nó sẽ giải phóng chất độc ở nhiệt độ cao từ 80 độ C trở lên. Vì vậy loại nhựa này được khuyến cáo chỉ sử dụng để chứa thực phẩm hay những thứ khác dưới 80 độ C

    Số 4: LDPE

    LDPE cũng là một loại nhựa dẻo dùng để chế biến các loại hộp, đồ đông lạnh, vỏ bánh. Sản phẩm này cũng cần tránh sử dụng ở nhiệt độ cao, đặc biệt là lò vi sóng vì nó sẽ giải phóng chất độc

    Số 5: PP

    Nhựa PP có màu trắng hoặc trong suốt, thường được sử dụng nhiều để chứa thực phẩm. Loại nhựa này khá bền và nhẹ, chịu được nhiệt độ lên đến 167 độ C nên có thể tái sử dụng hoặc dùng trong lò.

    Số 6: PS

    Nhựa PS nhẹ và rẻ, chịu được nhiệt độ lạnh rất tốt nhưng sẽ giải phóng chất độc khi sử dụng ở nhiệt độ cao. Do vậy mà không nên sử dụng nhựa PS để đựng thực phẩm trong thời gian dài.

    Số 7: PC không nhựa không có kí hiệu

    Đây là loại nhựa độc nhất, nguy hiểm nhất, thường dùng để tạo ra các loại thùng đựng hoặc bình nước dung tích 3-5l cũng như một số loại hộp thực phẩm.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/hoa-chat-tiem-an-trong-chai-nhua-co-the-lam-giam-do-nhay-cam-voi-insulin-d222708.html

    Thời tiết nắng nóng kéo dài: Bật điều hòa thế nào cho tiết kiệm?

    Điều hòa nhiệt độ là thiết bị điện không thể thiếu trong những ngày nắng nóng. Các gia đình cần lưu ý một số điều khi sử dụng thiết bị điện này.

    Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình trạng nắng nóng gay gắt ở miền Bắc sẽ kéo dài. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp độ ẩm trong không khí giảm thấp nên nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao. Do đó, việc tiết kiệm điện có thể giúp giảm khả năng tăng phụ tải, tránh gây sự cố cho hệ thống điện.

    Chuyên gia đưa ra một số mẹo tiết kiệm điện khi dùng điều hòa:

    Đầu tiên, tránh bật tất cả điều hòa cùng lúc trong nhà vào giờ cao điểm từ 12h-15h và 22h-24h hàng ngày. Ví dụ, nhà có 4 phòng, lắp 4 điều hòa, không nên bật cùng lúc. Nên dùng chung điều hòa cho cả gia đình vào thời gian cao điểm để góp phần giảm phụ tải, giảm rủi ro sự cố về điện.

    Không đặt nhiệt độ điều hòa thấp hơn 26 độ C. Để nhiệt độ lạnh sâu có thể tạo cảm giác mát mẻ khi ở trong nhà nhưng hại sức khỏe vì chênh lệch nhiệt độ quá cao giữa không khí bên trong và môi trường bên ngoài.

    Nếu có thể hãy đặt nhiệt độ khoảng 28 độ C, chế độ quạt gió trung bình hoặc thấp và kết hợp với quạt. Hãy hẹn giờ tắt điều hòa hoặc đặt chế độ ECO hoặc Sleep vào ban đêm.

    Một số người có thói quen đóng cửa trước khi bật điều hòa mục đích muốn giúp cho nhiệt độ căn phòng hạ nhanh chóng, tuy nhiên theo một số chuyên gia bạn nên đợi khoảng 3 – 5 phút khi bật máy lạnh rồi hãy đóng cửa.


    Sử dụng điều hòa sai cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tốn tiền điện.

    Sau khi tắt giàn lạnh, vi khuẩn và nấm mốc sẽ tích tụ bên trong điều hòa, cách làm này giúp bạn tống bớt chất bẩn và vi khuẩn từ bên trong giàn lạnh, chúng sẽ được luồng khí lạnh đưa ra ngoài và hạn chế vi khuẩn trong phòng. Việc làm này cũng tương tự tắt máy điều hòa, nếu không khí trong phòng lạnh bị ứ đọng suốt 6 tiếng sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi và phát triển, gây hại cho sức khỏe người sử dụng.

    Sau thời gian sử dụng, điều hòa là nơi trú ngụ của vi khuẩn và nấm mốc, việc vệ sinh định kỳ giúp bạn bảo vệ sức khỏe, tăng tuổi thọ máy và giúp điều hòa lưu thông không khí một cách dễ dàng nhất.

    Bộ lọc, cuộn dây làm mát cần được vệ sinh thường xuyên từ 1-3 tháng một lần vì đây là nơi bám nhiều bụi bẩn nhất. TS. Trần Văn Thịnh, Bộ môn Thiết bị điện, điện tử, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, thao tác đơn giản trên sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa 10 lần, hạn chế sốc nhiệt.

    Nguyên nhân là do khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng nên điện năng tiệu thụ cần khá nhiều. Tuy nhiên, khi ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn nên tiêu thụ điện sẽ ít hơn.

    Một số người thường tắt điều hòa khi đã đủ lạnh, bật lại khi nhiệt độ phòng tăng lên vì cho rằng như vậy là để tiết kiệm điện. Đây là thói quen gây tiêu hao điện năng, đồng thời khiến điều hòa nhanh hỏng. TS Thịnh khuyến cáo, để tránh sức khỏe bị ảnh hưởng do đột ngột ra vào phòng điều hòa, trước khi ra khỏi phòng 30 phút nên tắt máy điều hòa, mở cửa phòng cho không khí lưu thông và cơ thể thích nghi dần với nhiệt độ bên ngoài.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/thoi-tiet-nang-nong-keo-dai-bat-dieu-hoa-nhu-the-nao-cho-tiet-kiem-d222707.html

    Lưu ý về bao bì đóng gói khi sử dụng thực phẩm nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe

    Hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống có thói quen sử dụng túi ni lông, hộp xốp để bao gói thức ăn, đồ uống nóng sẽ thôi nhiễm hóa chất độc hại vào thực phẩm, gây tổn hại sức khỏe người sử dụng.

    An toàn trong đóng gói thực phẩm đòi hỏi tính toàn vẹn về cả vệ sinh và chất lượng của các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm (bao bì, dụng cụ bếp…). Đây là mục tiêu đã được quy định theo pháp luậy mà tất cả tổ chức, doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh thực phẩm buộc phải đáp ứng để đảm bảo chất lượng sản phẩm và chất lượng an toàn sử dụng cho người tiêu dùng.

    Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh – chuyên gia về công nghệ sinh học và thực phẩm, túi ni lông mà nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống đang dùng để bao gói thực phẩm đa số được tái chế từ nhựa đã qua sử dụng có chứa chất độc hại như monostyren, dioctin phatalat… và các kim loại nặng như cadimi, chì. Quá trình thôi nhiễm chất độc từ túi ni lông, hộp xốp diễn ra mạnh khi chịu tác động lớn của nhiệt độ cao.

    Túi ni lông hoặc hộp xốp nếu đựng thực phẩm nóng như tào phớ, nước canh, cơm… sẽ bị tác động nhiệt, có thể nóng chảy và hòa tan, thôi nhiễm các chất độc hại vào thức ăn. Không chỉ các loại thực phẩm nóng, ngay cả những thực phẩm nguội lạnh nếu đựng trong các loại túi ni lông, hộp nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế cũng gây tác hại cho sức khỏe. Đó là những loại thực phẩm có nhiều axit như dấm chua, dưa chua, dưa cà, các loại thực phẩm chứa dầu hay các thực phẩm mặn khi đựng trong túi ni lông cũng rất nguy hiểm vì có chất điện ly nên khiến việc hòa tan rất nhanh.

    Tuy nhiên, vì hàm lượng chất độc sinh ra rất thấp, nên người tiêu dùng chưa thấy được ngay tác động, nhưng khi sử dụng trong thời gian dài thì chất độc sẽ tích lũy dần trong cơ thể và sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây tổn thương tế bào gan, thận, gây suy gan, suy thận, ung thư.


    Ảnh minh họa

    Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, các chuyên gia an toàn thực phẩm khuyến nghị người dân, tiểu thương kinh doanh, không đựng, bao gói thức ăn, đồ uống nóng trong túi ni lông, hộp xốp. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng túi ni lông, hộp nhựa, hộp xốp để đựng thực phẩm thì chỉ đựng những đồ nguội, lạnh và mang tính tạm thời, không để kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày.

    Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng, các chuyên gia an toàn thực phẩm khuyến nghị người dân, tiểu thương kinh doanh, không đựng, bao gói thức ăn, đồ uống nóng trong túi ni lông, hộp xốp. Trong trường hợp bất đắc dĩ phải dùng túi ni lông, hộp nhựa, hộp xốp để đựng thực phẩm thì chỉ đựng những đồ nguội, lạnh và mang tính tạm thời, không để kéo dài nhiều giờ, nhiều ngày.

    Về phía doanh nghiệp, cần tìm hiểu kỹ những tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho ngành đóng gói thực phẩm khi tiến hành sản xuất, kinh doanh để đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tại Việt Nam, Bộ Y tế đã ban hành 4 bộ quy chuẩn QCVN 12-4:2015-BYT, QCVN 12-1:2011/BYT, QCVN 12-3:2011/BYT, QCVN 12-2:2011/BYT quy định các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu quản lý về vệ sinh an toàn đối với bao bì, dụng cụ làm bằng thủy tinh, gốm, sứ và tráng men, nhựa tổng hợp, kim loại, cao su tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm.

    Ngoài ra, doanh nghiệp cần cập nhật các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế khác để quản lý tốt vấn đề an toàn thực phẩm và tiến hành đánh giá, phát triển, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng. Từ đó khắc phục nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm và đáp ứng quy định bảo vệ sức khỏe cho khách hàng.

    Tuy nhiên, người tiêu dùng cần lưu ý chất lượng các sản phẩm đóng gói có thể thay đổi do điều kiện hóa học, vật lý, enzyme hoặc vi sinh vật, đặc biệt là môi trường. Điều kiện bảo quản sẽ ảnh hưởng đến kết cấu và hương vị của các sản phẩm thực phẩm đóng gói. Nhiệt độ lưu trữ cũng là yếu tố quan trọng trong việc duy trì chất lượng, thời hạn sử dụng.

    Bất kỳ thay đổi nào xảy ra trong môi trường nhiệt độ sẽ tạo ra vấn đề nhất định đối với thực phẩm đóng gói, vì tốc độ hô hấp có thể bị ảnh hưởng bởi những thay đổi về nhiệt độ. Hóa chất tổng hợp được sử dụng trong bao bì thực phẩm là có hại. Các chất này có thể gây ảnh hưởng lâu dài đối với sức khỏe. Các hóa chất có thể làm ô nhiễm thực phẩm và có nguy cơ gây ra các nguy cơ cho sức khỏe.

    Thực phẩm đóng gói có thể làm tăng mức cholesterol hoặc khiến cơ thể rơi vào tình trạng thiếu nước. Tiếp xúc với hóa chất từ bao bì thường xuyên có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Vì vậy, khi mua sắm bạn hãy chú ý đến các loại bao bì đóng gói thay vì chỉ xem hạn sử dụng.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/luu-y-ve-bao-bi-dong-goi-khi-su-dung-thuc-pham-nham-dam-bao-an-toan-suc-khoe-d222722.html

    Tem chống giả vẫn bị làm giả, vì sao?

    Tem chống hàng giả ra đời như một vị cứu tinh của chống hàng giả tuy nhiên, thực trạng những chiếc tem chống hàng giả cũng có thể bị làm giả, làm cho người tiêu dùng và doanh nghiệp hoang mang trước “ma trận” làm tem giả.

    Tem chống hàng giả ra đời như một vị cứu tinh của chống hàng giả, giúp người tiêu dùng dễ dàng phân biệt rõ ràng sản phẩm thật – giả. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay dù nhiều doanh nghiệp đã in tem chống hàng giả nhưng vẫn bị làm nhái từ sản phẩm cho đến tem chống giả làm cho người tiêu dùng và doanh nghiệp hoang mang trước “ma trận” làm tem giả.

    Với thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, việc làm nhái sản phẩm không hề khó đối với nhiều cơ sở có ý định trục lợi dựa trên làm nhái sản phẩm. Thậm chí họ còn liều lĩnh sản xuất hàng nhái số lượng lớn trong một lần để nắm cả thị trường. Điều này dẫn đến thị trường tràn lan hàng giả hàng nhái.

    Hàng giả, hàng nhái phát triển nhanh đã khiến nhiều doanh nghiệp tiên phong trong việc phân tích thị trường và đưa ra sản phẩm mới dễ nản lòng thoái chí. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cho biết, khi sản phẩm của họ ra đến thị trường chưa đến một tuần thì hàng nhái với mẫu mã tương đương nhưng giá thành thấp đã xuất hiện gây thiệt hại không nhỏ đến doanh nghiệp.

    Thực tế theo thống kê của Tổng Cục Quản lý thị trường, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 87.000 vụ vi phạm, thu giữ lượng hàng hóa trị giá ước tính hơn 10.000 tỷ đồng, trong đó, hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc chiếm tỷ lệ đáng kể. Có rất nhiều nguyên nhân khiến cho tình trạng dù đã dán tem chống hàng giả những vẫn bị làm giả.


    Công nghệ làm tem chống hàng giả ngày càng tinh xảo khó phân biệt thật giả.

    Công nghệ in ấn phát triển

    Các máy in chất lượng cao ứng dụng vào sản xuất tem chống giả chất lượng, một số đối tượng đã lợi dụng máy móc công nghệ cao để làm tem giả với độ tinh xảo cao, rất khó phân biệt bằng mắt thường. Đây chính là con dao hai lưỡi vừa là xu hướng phát triển ngành in ấn, vừa là rào cản của công tác hàng giả.

    Ham rẻ khi làm tem

    Nhiều doanh nghiệp lựa chọn những công ty in ấn tem chống hàng giả giá rẻ, không uy tín, không được chứng nhận in tem. Không quan tâm đến chất lượng của nguyên liệu, hình thức của tem.

    Thiếu công nghệ chống giả bảo mật cao cấp

    Sử dụng các loại tem chống hàng giả chỉ in ấn thông thường, chưa được ứng dụng các công nghệ bảo mật cao cấp như mã QR, mã vạch ẩn, công nghệ nano text, mực in phát sáng logo, in seri, in lớp phủ cào, … khiến tem dễ bị sao chép.

    Quản lý lỏng lẻo trong quá trình sản xuất và phân phối

    Quá trình sản xuất, vận chuyển và sử dụng tem chống giả nếu không được quản lý chặt chẽ sẽ tạo kẽ hở cho kẻ gian lợi dụng. Có thể tem bị đánh cắp, tuồn ra ngoài, sau đó được sử dụng để gắn lên hàng giả, hàng nhái với tem thật. Các đại lý phân phối tha hồ nhập hàng giá rẻ từ bên ngoài làm loạn thị trường.

    Người tiêu dùng “thụ động” trước ma trận tem giả

    Một số người tiêu dùng chưa có thói quen kiểm tra tem hoặc chưa biết cách soạn tin nhắn để kiểm tra tem chống hàng giả bằng điện thoại, hay quét mã qr code để phân biệt tem thật – giả. Điều này vô tình tiếp tay cho hàng giả, hàng nhái trà trộn vào thị trường. gặp khó khăn trong việc kiểm soát thị trường, xử lý các trường hợp vi phạm

    Để nâng cao ý thức người tiêu dùng trong việc sử dụng tem nhãn chống hàng giả, cần có sự chung tay của cả cộng đồng. doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng tem chống hàng giả cho sản phẩm và hướng dẫn người tiêu dùng cách nhận biết các loại tem vỡ chống hàng giả.

    Cơ quan thẩm quyền cần thắt chặt công tác kiểm soát và áp dụng biện pháp xử lý nghiêm minh đối với các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái. Người tiêu dùng nâng cao ý thức tự bảo vệ, chủ động tìm hiểu thông tin, kiểm tra tem chống hàng giả trước khi mua hàng.

    Quy định về tem chống giả

    Bộ Công an Việt Nam là đơn vị duy nhất được phép sản xuất, phát hành tem chống giả tại Việt Nam. Quy định về tem chống hàng giả Bộ Công an Việt Nam năm 2023 được ban hành bởi Thông tư số 32/2023/TT-BCA ngày 20 tháng 8 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Công an.

    Theo quy định này, tem chống giả Bộ Công an Việt Nam là loại tem được sử dụng để kiểm soát, xác minh tính xác thực của sản phẩm, hàng hóa, có các đặc điểm sau: Tem được sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, có độ bảo mật cao. Tem có các yếu tố bảo an đặc trưng, khó làm giả, khó sao chép. Tem được đăng ký và cấp phép sử dụng bởi Bộ Công an Việt Nam.

    Tem chống giả Bộ Công an Việt Nam được sử dụng để dán trên các sản phẩm, hàng hóa thuộc các lĩnh vực sau: Thực phẩm, đồ uống; Thuốc, hóa mỹ phẩm; Điện tử, điện thoại; Thời trang, phụ kiện; Trang sức, kim cương; Cơ khí, công nghiệp; Xe ô tô, xe máy; Hàng tiêu dùng.

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/canh-bao-quan-trong-han-che-viec-lam-gia-tem-d222669.html