25 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    Home Blog Page 16

    Tự làm kem chống nắng tại nhà tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn sức khỏe

    Trong những thời điểm nắng nóng gay gắt kéo dài, trào lưu tự làm kem chống nắng tại nhà đã lan tỏa trên TikTok do ảnh hưởng từ một số người nổi tiếng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn đối với sức khỏe.

    Cụ thể, tháng 6 vừa qua, Nara Smith, 22 tuổi, một người dùng mạng xã hội nổi tiếng với việc chia sẻ các video tự làm mọi thứ, từ ngũ cốc đến kẹo ngậm ho, đã đăng một video clip giới thiệu cách chồng cô, Lucky Blue Smith, trộn dừa, sáp ong, bơ béo, bơ cacao, dầu jojoba và bột oxit kẽm để tạo ra một loại kem chống nắng. Các nguyên liệu này là thành phần chính trong nhiều loại kem chống nắng từ khoáng chất đang được bán trên thị trường.

    Kể từ đó, video của cô đã nhận được khoảng 2 triệu lượt thích, kéo theo đó là nhiều người khác, như TikToker Avery Cyrus, 24 tuổi, người có 9,3 triệu người theo dõi, cũng đã chia sẻ video về tự làm kem chống nắng tại nhà.

    Nhưng một số bác sỹ da liễu đã bày tỏ lo ngại về loại kem chống nắng tự làm này, cũng như độ lan truyền của nó trên mạng xã hội. Tiến sỹ Aamna Adel, bác sỹ da liễu tại London, Anh cho biết: “Những nguy hiểm liên quan đến kem chống nắng tự chế là về cơ bản, nó sẽ không bảo vệ làn da của bạn như mong đợi. Chỉ vì nó chứa kẽm oxit… không có nghĩa là nó sẽ bảo vệ bạn khỏi tia UV”.

    Những người tự làm kem chống nắng sẽ “làm tăng nguy cơ bị cháy nắng và dẫn đến ung thư da”. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là tiến sỹ Adel đã thực hiện một số chiến dịch trả phí cho các thương hiệu có sản phẩm kem chống nắng trong quá khứ…


    Ảnh minh họa

    Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định kem chống nắng là thuốc không kê đơn. Các sản phẩm trên thị trường “phải trải qua quá trình thử nghiệm rộng rãi,” Tiến sỹ Brooke Jeffy, bác sỹ da liễu tại Scottsdale, Arizona cho biết.

    Các bác sỹ da liễu cho biết có một số lý do khiến việc tự làm kem chống nắng có thể gây nguy hiểm. Đầu tiên, quá trình làm kem chống nắng khá phức tạp, cần công thức rất chính xác và khó có thể sao chép tại nhà. Thứ hai, không có cách nào để biết kem chống nắng tự chế sẽ bảo vệ bạn đến mức nào. Do đó, kem chống nắng của bạn có thể có độ che phủ không đồng đều hoặc không hiệu quả, điều này có thể làm tăng nguy cơ ung thư da và dẫn đến các dấu hiệu lão hóa sớm, như nếp nhăn và đốm cháy nắng.

    “Giả sử bạn sử dụng 15% kẽm, nhưng bạn lại thêm những thành phần khác vào đó. Cuối cùng, công thức và định lượng trong kem chống nắng tự chế có đạt chuẩn hay không? Bởi, không dễ để tạo ra một loại kem chống nắng gốc khoáng và có thể thoa một cách dễ dàng và trơn tru. Tiến sỹ Doris Day, một bác sỹ da liễu có trụ sở tại thành phố New York, Mỹ cho biết.

    Theo FDA – Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ và các hiệp hội y khoa đều khuyến nghị sử dụng kem chống nắng vì nó có thể giúp ngăn ngừa ung thư da. Tuy nhiên, bất kỳ ai lo lắng về các sản phẩm gốc hóa chất nên sử dụng kem chống nắng khoáng chất thay thế.

    Kate Ring, 43 tuổi, một người có sức ảnh hưởng trên TikTok sống tại Kent, Vương quốc Anh, cũng đã đăng video về công thức kem chống nắng tự chế của cô, công thức mà cô đã sử dụng trong nhiều năm vì cô lo ngại về các thành phần trong kem chống nắng trên thị trường. Cô cho biết cô không hề nao núng trước những cảnh báo từ các bác sỹ và quan chức y tế công cộng, lập luận rằng quy trình làm kem chống nắng “hoàn toàn không phức tạp.”

    Nhưng nhiều chuyên gia cho biết việc không bị cháy nắng rõ ràng không phải là dấu hiệu cho thấy da được bảo vệ đầy đủ khỏi ánh nắng mặt trời.

    Tiến sỹ Day nói rằng nếu ai đó không muốn nghe bác sỹ da liễu, đó là quyết định của họ. Nhưng “thật không may,” một số người có thể nghe theo những người có sức ảnh hưởng đó hơn là các chuyên gia. “Tôi quan tâm đến việc bảo vệ mọi người khỏi thông tin sai lệch và các sản phẩm có thể gây hại cho làn da của họ”, Day nói. “Tất cả những gì tôi có thể làm là cung cấp thông tin và hy vọng rằng nó có ý nghĩa”.

    Khánh Mai (t/h)
    https://vietq.vn/tu-lam-kem-chong-nang-tai-nha-tiem-an-nhieu-nguy-co-mat-an-toan-suc-khoe-d224510.html

    Ăn khoai tây thường xuyên với lượng vừa phải giúp tác động tích cực đến huyết áp cao

    Theo một số nghiên cứu nếu ăn khoai tây, nhất là khoai tây tím thường xuyên với lượng vừa phải sẽ tác động tích cực đến huyết áp cao.

    Một nghiên cứu được công bố trên chuyên san Annals of Medicine (Mỹ), khoai tây là nguồn cung cấp dồi dào vitamin C, chất xơ, canxi, magiê, vitamin B6, niacin, folate cùng nhiều dưỡng chất có lợi khác. Đặc biệt, hàm lượng kali dồi dào trong khoai tây có tác dụng rất tốt đối với những người huyết áp cao.

    Ở bệnh nhân huyết áp cao, một trong những điều cần phải làm hạn chế là muối. Vì trong muối chứa lượng lớn natri. Natri khi vào cơ thể sẽ làm tăng tích tụ chất lỏng trong mạch máu, khiến cơ thể giữ nước và làm tăng huyết áp. Trong khi đó, kali lại có khả năng giúp cơ thể loại bỏ lượng natri dư thừa, làm giãn thành mạch máu và giúp máu lưu thông nhiều hơn. Các tác động này giúp giảm huyết áp.

    Ngoài ra nếu tăng lượng canxi, magiê và vitamin C trong chế độ ăn cũng có tác dụng giúp hạ huyết áp. Đây đều là những dưỡng chất quan trọng có trong khoai tây. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo khoai tây dù tốt cho sức khỏe nhưng không nên ăn quá nhiều. Dù là tinh bột phức tạp nhưng ăn nhiều khoai tây cũng có thể gây thặng dư calo và tăng cân.


    Ăn thường xuyên khoai tây, nhất là khoai tây tím với lượng vừa phải sẽ rất tốt cho người cao huyết áp. Ảnh minh họa

    Bệnh viện Vinmec cũng thông tin, khoai tây nhất là khoai tây tím là loại thực phẩm có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp hiệu quả. Sở dĩ, khoai tây có khả năng này là do có chứa chất chống oxy hóa, giúp bảo vệ cơ thể khỏi gốc tự do, nguyên nhân phá hủy các tế bào khỏe mạnh. Vì thế, loại thực phẩm này xứng đáng nằm trong danh sách thực đơn dành cho người cao huyết áp.

    Có rất nhiều bằng chứng khoa học cho thấy lợi ích hạ huyết áp từ khoai tây tím. Một nghiên cứu trên 18 người thừa cân béo phì bị huyết áp cao: Họ đã được chia làm 2 nhóm, 1 nhóm thực hiện chế độ ăn khoai tây tím từ 6 – 8 củ (cỡ quả bóng golf) và 1 nhóm không ăn khoai tây tím trong thời gian 4 tuần. Kết quả cho thấy những người ăn khoai tây tím đã hạ huyết áp tâm trương (chỉ số huyết áp thấp nhất) trung bình 4,3% và huyết áp tâm thu (chỉ số huyết áp cao nhất) 3,5%. Họ cho rằng kết quả đặc biệt đáng chú ý vì 14/18 người trong nghiên cứu không hạ huyết áp hiệu quả sau khi uống thuốc hạ huyết áp. Những người này không áp dụng chế độ ăn giảm cân do cân nặng được duy trì trong thời gian nghiên cứu.

    Các nhà nghiên cứu cho biết khoai tây chứa nhiều thành phần dinh dưỡng tương tự như súp lơ xanh, rau bina và mầm cải Brussels. Tác dụng hạ huyết áp của khoai tây tím gần tương tự với bột yến mạch, khoai tây đỏ và trắng. Do đó ngoài khoai tây tím, người cao huyết áp cũng nên ăn các loại thực phẩm thay thế này.

    Theo nhà nghiên cứu Joe, thuộc Đại học Scranton, Pennsylvania (Mỹ), mặc dù khoai tây có tác dụng hạ huyết áp hiệu quả, tuy nhiên thành phần dinh dưỡng của khoai tây còn phụ thuộc rất nhiều vào việc chế biến.

    Việc chiên ngập dầu và ăn cùng các thực phẩm giàu chất béo có thể phá hủy các chất dinh dưỡng lành mạnh trong khoai tây, vô tình làm giảm hiệu quả hạ huyết áp. Thay vào đó nên lựa chọn biện pháp khác như luộc, nướng khoai tây tím trong lò vi sóng, ăn 2 lần/ngày trong 1 tháng giúp giảm 3 – 4% huyết áp mà không làm tăng cân.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/an-khoai-tay-thuong-xuyen-voi-luong-vua-phai-giup-tac-dong-tich-cuc-den-huyet-ap-cao-d223902.html

    Mỹ: Phát hiện hóa chất độc hại trong thực phẩm cho trẻ em

    Perchlorate, một hóa chất có trong nhiên liệu tên lửa đã làm ô nhiễm nước và thực phẩm tại Mỹ, đồng thời nhiều khả năng được tìm thấy trong thực phẩm dành cho trẻ sơ sinh và trẻ em.

    Đó là kết quả nghiên cứu do Consumer Reports – một tổ chức phi lợi nhuận chuyên giám định sản phẩm để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng tại Mỹ thực hiện và công bố mới đây. Theo Cục Kiểm soát các chất độc hại, perchlorate là hóa chất do con người tạo ra và thường được phát hiện trong nước ngầm. Nhà vi sinh vật học James Rogers – Giám đốc phụ trách nghiên cứu và kiểm tra an toàn thực phẩm tại Consumer Reports cho biết, hầu hết thực phẩm bị phát hiện nhiễm perchlorate là sản phẩm dành cho trẻ em như ngũ cốc và gà viên.


    Hóa chất perchlorate xuất hiện trong nhiều loại thực phẩm bày bán tại Mỹ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ nhỏ.

    Các nhà nghiên cứu đã phân tích 196 mẫu thử lấy từ 63 mặt hàng bán tại siêu thị và 10 mặt hàng tại cửa hàng đồ ăn nhanh. Kết quả cho thấy khoảng 67% các sản phẩm này có nồng độ đáng kể perchlorate.

    Theo ông Rogers, 3 nhóm mặt hàng có nồng độ perchlorate cao nhất là thực phẩm cho trẻ em/trẻ sơ sinh, trái cây, rau quả và đồ ăn nhanh. Ngoài ra, bánh burrito thịt bò, bánh sandwich gà và khoai tây chiên là 3 loại thực phẩm có nồng độ perchlorate cao nhất. Hiện chưa có giới hạn cụ thể về mức độ được coi là “nguy hiểm” đối với perchlorate.

    Ông Rogers cho biết việc hấp thụ hóa chất vượt ngưỡng an toàn có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tuyến giáp. Ông giải thích: “Hormone tuyến giáp ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và chức năng tuyến giáp kém có thể dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2 trong trường hợp này. Các vấn đề về tuyến giáp có thể dẫn đến bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người trường thành. Ở trẻ em và thai nhi, điều này có thể dẫn tới các biến chứng về phát triển thần kinh hay làm giảm chỉ số trí tuệ (IQ) của trẻ”.

    Theo Cơ quan quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) của Mỹ, việc tiếp xúc nồng độ perchlorate cao có thể ảnh hưởng đến tuyến giáp theo nhiều cách. Điều này có thể cản trở quá trình tuyến giáp hấp thụ iodide, phá vỡ chức năng tuyến giáp và có thể dẫn đến giảm sản xuất hormone tuyến giáp.

    Bảo Linh (t/h)
    https://vietq.vn/my-phat-hien-hoa-chat-doc-hai-trong-thuc-pham-danh-cho-tre-em-d224396.html

    Tiêu chuẩn GHG Protocol về đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính

    GHG Protocol do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ.

    Hiện tượng hiệu ứng nhà kính làm nhiệt độ Trái Đất nóng lên, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người. (Ảnh minh họa)

    Khí nhà kính là một tập hợp các khí tự nhiên và nhân tạo có khả năng gây hiệu ứng nhà kính trên Trái Đất. Các khí này có khả năng hấp thụ và tỏa nhiệt độ, giữ lại nhiệt năng từ ánh sáng mặt trời và gây ra sự gia tăng của hiệu ứng nhà kính. Hiệu ứng nhà kính là hiện tượng mà các khí nhà kính tạo ra một lớp chắn bức xạ trong khí quyển, giữ lại nhiệt và làm tăng nhiệt độ bề mặt Trái Đất.

    Hoạt động kiểm kê khí nhà kính có tầm quan trọng đối với việc đánh giá và quản lý tác động của con người lên biến đổi khí hậu và sự thay đổi trong hệ thống khí quyển. Vì vậy, không chỉ tại Việt Nam mà các nước trên thế giới luôn có sự quan tâm đối với hoạt động kiểm kê khí nhà kính của doanh nghiệp.

    Theo đó, tiêu chuẩn GHG Protocol là một trong những tiêu chuẩn phổ biến được sử dụng để đo lường và báo cáo phát thải khí nhà kính hiện nay đối với các tổ chức, doanh nghiệp. GHG Protocol do Viện Tài nguyên thế giới (WRI) và Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới về Phát triển bền vững (WBCSD) phát triển để giúp các công ty, tổ chức và chính phủ tính toán, quản lý lượng phát thải khí nhà kính của họ.

    Tại COP 26, Việt Nam đặt ra mục tiêu giảm mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Ảnh minh họa.

    GHG Protocol cung cấp hướng dẫn, phương pháp tính toán và khuôn khổ báo cáo theo ngành cụ thể cho các loại hình tổ chức và hoạt động khác nhau.

    GHG Protocol chia phát thải khí nhà kính làm ba phạm vi: Phạm vi 1 – phát thải trực tiếp từ các nguồn được sở hữu hoặc kiểm soát. Phạm vi 2 – phát thải gián tiếp từ việc sản xuất các nguồn năng lượng điện, nhiệt, hơi do tổ chức mua và sử dụng. Phạm vi 3 – tất cả các phát thải gián tiếp khác xảy ra trong chuỗi giá trị.

    GHG Protocol tương đối toàn diện và chi tiết, bao trùm nhiều lĩnh vực và hoạt động, đồng thời cung cấp thêm hướng dẫn, công cụ để tính toán, quản lý khí nhà kính.

    Mai Phương
    https://vietq.vn/tieu-chuan-ghg-protocol-ve-do-luong-va-bao-cao-phat-thai-khi-nha-kinh-d224449.html

    Chuyên gia khuyến cáo: Những loại thuốc không nên uống chung với cà phê vào buổi sáng

    Hiện nay nhiều người có thói quen uống cà phê vào buổi sáng. Điều này là hoàn toàn bình thường nhưng với những người đang uống thuốc thì cần tránh uống cà phê chung vì có thể gây ra tác dụng phụ không mong muốn.

    Theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ), caffeine có khả năng kích thích dạ dày và làm cản trở sự hấp thụ thuốc trong máu. Hệ quả là dẫn đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn như bồn chồn, nhức đầu. Nhiều nghiên cứu cho thấy caffeine trong cà phê có thể ảnh hưởng đến quá trình phân giải, hấp thụ, chuyển hóa và bài tiết thuốc. Do đó, uống cà phê chung với một số loại thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

    Thuốc cảm lạnh và dị ứng OTC

    Một số loại thuốc cảm lạnh có chứa chất kích thích pseudoephedrine, tác dụng thu hẹp các mạch máu trong đường mũi để giảm sưng và ngạt mũi. Tuy nhiên, chất này cũng kích thích tế bào trong não chịu trách nhiệm về phản ứng “chiến đấu hay chạy trốn của cơ thể”. Theo tiến sĩ Ngo-Hamilton, chuyên gia tư vấn lâm sàng tại BuzzRx, dược sĩ Trung tâm Y tế Đại học Minnesota (Mỹ), uống cà phê có thể làm trầm trọng thêm phản ứng này, khiến người dùng thuốc cảm thấy bồn chồn và lo lắng.

    Các loại thuốc không kê đơn chứa pseudoephedrine, được bán nhiều, có thể mua dễ dàng tại các cửa hàng thuốc. Tiến sĩ Ngo-Hamilton khuyến nghị nên uống các loại thuốc này hai giờ trước hoặc 4 giờ sau khi uống một tách cà phê.


    Nếu đang uống thuốc trị tiểu đường, huyết áp… thì không nên uống cà phê vào buổi sáng

    Thuốc điều trị tiểu đường

    Cứ 10 người Mỹ thì có một người sử dụng insulin để kiểm soát bệnh tiểu đường. Insulin không tương tác trực tiếp với caffeine nhưng nó vẫn xung đột với thói quen uống cà phê buổi sáng. Theo tiến sĩ Ngo-Hamilton, uống cà phê làm tăng lượng đường trong máu, đặc biệt nếu có thêm kem và đường, từ đó làm giảm hiệu quả của thuốc.

    Theo nghiên cứu của Hiệp hội Đái tháo đường Mỹ, các loại đồ uống chứa caffeine đều có thể làm tăng lượng insulin và lượng đường trong máu. Ngoài insulin, tiến sĩ Ngo-Hamilton khuyến cáo sử dụng thuốc điều trị đường huyết metformin chung với cà phê cũng có thể gây nguy hại sức khỏe.

    Tiến sĩ Ngo-Hamilton khuyến nghị người bệnh theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên để xác định có nên uống cà phê khi dùng thuốc hay không.

    Thuốc kháng sinh

    Thuốc kháng sinh là loại thuốc giúp điều trị các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn gây ra. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh và cà phê đều gây kích thích hệ thần kinh trung ương, nên khi uống chung sẽ khiến các kích thích mạnh hơn, gây bồn chồn và mất ngủ. Ngoài ra, một số loại thuốc điều trị dị ứng, chẳng hạn như fexofenadine, cũng không nên uống chung với cà phê vì cũng có thể tạo kích thích quá mức lên hệ thần kinh và gây cảm giác bồn chồn.

    Thuốc tuyến giáp

    Với những người bị suy giáp thì tuyến giáp sẽ không tiết đủ hoóc môn tuyến giáp. Thiếu hoóc môn tuyến giáp khiến cơ thể xuất hiện các biểu hiện như tăng cân, da khô, đau khớp, rụng tóc nghiêm trọng, thậm chí là kinh nguyệt không đều ở phụ nữ. Những người bị suy giáp sẽ cần dùng thuốc để cân bằng loại hoóc môn tuyến giáp. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy cà phê lại làm giảm đến 50% hiệu quả của thuốc điều trị bệnh này.

    Thuốc trị hen suyễn

    Thuốc trị hen suyễn sẽ giúp người bệnh dễ thở hơn bằng cách làm giãn các cơ phổi và khí quản. Caffeine trong cà phê không chỉ làm giảm hiệu quả của thuốc mà còn gây ra các tác dụng phụ như đau đầu, bồn chồn, đau dạ dày và cáu kỉnh, đặc biệt là ở trẻ em.

    Thuốc trị Alzheimer

    Alzheimer là bệnh thoái hóa thần kinh dẫn đến suy giảm chức năng nhận thức. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến người trên 65 tuổi. Các loại thuốc điều trị như donepezil, rivastigmine và galantamine bị ảnh hưởng rất nhiều nếu dùng chung với caffeine. Thuốc hoạt động bằng cách duy trì chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine trong não. Tuy nhiên, caffeine lại làm suy yếu tác dụng này của các loại thuốc vừa nêu, theo Healthline.

    Thuốc huyết áp

    Hiệp hội các trường Cao đẳng Dược Mỹ ước tính các bác sĩ đã kê 117 triệu đơn thuốc chẹn beta điều trị bệnh cao huyết áp cho 26 triệu người Mỹ. Chúng có tác dụng hạ đường huyết và ngăn chặn tác dụng của hormone hoặc adrenaline. Điều này giúp cải thiện lưu lượng máu và giảm nhịp tim. Tuy nhiên, sau khi uống cà phê hoặc các loại đồ uống chứa caffein, nhịp tim tăng trở lại, cuối cùng làm tăng huyết áp. Đây không phải tương tác thuốc trực tiếp, mà giống với một dạng kháng thuốc, theo tiến sĩ Ngo-Hamilton. Bà đề nghị uống thuốc hai giờ trước hoặc 4 giờ sau khi uống một tách cà phê.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13836:2023 cà phê và sản phẩm cà phê – xác định cỡ hạt cà phê rang xay

    Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố đưa ra các phương pháp phân tích cỡ hạt của cà phê rang xay (cà phê bột) bằng phương pháp lắc ngang sử dụng sàng có chổi tròn để giảm thiểu hạt bị tắc, kết vón và kết dính. Tiêu chuẩn này quy định các nguyên tắc chung liên quan đến thiết bị, cách tiến hành và biểu thị kết quả. Phương pháp này có thể áp dụng cho cà phê rang xay có cỡ hạt trong dải từ 150 μm đến 2 μm.

    Về nguyên tắc cần tách mẫu cà phê rang xay bằng máy sàng ngang có chổi tròn trên từng sàng thử nghiệm để có được phép phân tích đáng tin cậy. Máy được trang bị đồng hồ hẹn giờ, phạm vi đếm ít nhất trong 10 min, cũng như tất cả các phụ kiện cần thiết để thiết bị hoạt động tốt và an toàn.

    Khi lấy mẫu thử cân khay hứng phải đảm bảo khay sạch hoàn toàn. Cân từng sàng cùng với chổi và lắp ráp theo thứ tự cỡ lỗ tăng dần hướng lên phía trên cùng của khay hứng. Cân phần mẫu thử thu được chính xác đến 0,1 g.

    Báo cáo thử nghiệm phải bao gồm ít nhất các thông tin sau: bất kỳ thông tin cần thiết để nhận biết về mẫu (kiểu, xuất xứ và tên gọi của mẫu); ngày và kiểu quy trình lấy mẫu (nếu biết); ngày nhận mẫu; ngày thử nghiệm; các kết quả thử nghiệm và các đơn vị biểu thị kết quả cũng như thông tin thống kê về độ chính xác của các kết quả này, nếu được yêu cầu; bất kỳ phát hiện đặc biệt được thực hiện trong quá trình thử nghiệm; bất kỳ thao tác nào của quy trình không được quy định trong tiêu chuẩn này hoặc được coi là tùy chọn, có thể ảnh hưởng đến kết quả.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/nhung-loai-thuoc-khong-nen-uong-chung-voi-ca-phe-vao-buoi-sang-d224365.html

    2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính

    Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 13/2024/QĐ-TTg ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính.

    Theo đó, danh mục lĩnh vực phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gồm:

    Năng lượng: Công nghiệp sản xuất năng lượng; tiêu thụ năng lượng trong công nghiệp, thương mại, dịch vụ và dân dụng; khai thác than; khai thác dầu và khí tự nhiên.

    Giao thông vận tải: Tiêu thụ năng lượng trong giao thông vận tải.

    Xây dựng: Tiêu thụ năng lượng trong ngành xây dựng; các quá trình công nghiệp trong sản xuất vật liệu xây dựng.

    Các quá trình công nghiệp: Sản xuất hóa chất; luyện kim; công nghiệp điện tử; sử dụng sản phẩm thay thế cho các chất làm suy giảm tầng ozon; sản xuất và sử dụng các sản phẩm công nghiệp khác.

    Nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất: Chăn nuôi; lâm nghiệp và thay đổi sử dụng đất; trồng trọt; tiêu thụ năng lượng trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; các nguồn phát thải khác trong công nghiệp.

    Chất thải: Bãi chôn lấp chất thải rắn; xử lý chất thải rắn bằng phương pháp sinh học; thiêu đốt và đốt lộ thiên chất thải; xử lý và xả thải nước thải.


    2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê

    Quyết định nêu cụ thể danh mục 2.166 cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính cập nhật năm 2024; trong đó có 1.805 cơ sở thuộc ngành công thương; 75 cơ sở thuộc ngành giao thông vận tải; 229 cơ sở thuộc ngành xây dựng và 57 cơ sở thuộc ngành tài nguyên và môi trường.

    Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các cơ sở phát thải khí nhà kính thực hiện kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở theo hướng dẫn của các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường; nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính của cơ sở theo Nghị định của Chính phủ quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozon theo quy định.

    UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc có liên quan đôn đốc các cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn thuộc danh mục ban hành kèm theo Quyết định này thực hiện kiểm kê khí nhà kính theo quy định; cập nhật, điều chỉnh danh mục cơ sở phát thải khí nhà kính trên địa bàn phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ quản lý lĩnh vực có liên quan theo quy định.

    Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ: Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương rà soát, cập nhật danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

    Quyết định 13/2024/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 1/10/2024. Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg ngày 18/1/2022 ban hành danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính hết hiệu lực từ ngày 1/10/2024.

    Các cơ sở phát thải khí nhà kính thuộc danh mục quy định tại Quyết định số 01/2022/QĐ-TTg nhưng không thuộc danh mục quy định tại Quyết định 13/2024/QĐ-TTg không có nghĩa vụ thực hiện và nộp báo cáo kiểm kê khí nhà kính cấp cơ sở năm 2025.

    Nam Dương
    https://vietq.vn/2166-co-so-phat-thai-khi-nha-kinh-phai-thuc-hien-kiem-ke-khi-nha-kinh-d224385.html

    WHO tuyên bố bệnh Mpox là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu

    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh Mpox (trước đây gọi là bệnh đậu mùa khỉ) là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu do sự gia tăng nhanh chóng của bệnh này tại nhiều quốc gia châu Phi bởi một biến chủng mới là clade Ib.

    Mpox hiện đang bùng phát dữ dội tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo, đồng thời bệnh đã lan rộng qua nhiều quốc gia châu Phi lân cận. Hơn 15.600 ca mắc bệnh Mpox và 537 ca tử vong đã được phát hiện tại nước này trong năm nay, một tình huống mà Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Gebrselassie nhận định là “rất đáng lo ngại”.

    Mpox (trước đây còn gọi là bệnh đậu mùa khỉ) là một bệnh truyền nhiễm do vi rút đậu mùa khỉ (Monkeypox) gây ra, vi rút này thuộc họ Poxviridae bao gồm 2 dòng di truyền chính là clade I và II.

    Bệnh Mpox lưu hành ở các quốc gia thuộc miền Trung và Tây Phi. Bệnh ban đầu xảy ra trên khỉ, sau đó lây từ khỉ sang người, và hiện nay lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ nốt đậu hoặc từ sang thương da và niêm mạc của người bệnh. Các triệu chứng phổ biến của bệnh Mpox là phát ban trên da hoặc tổn thương niêm mạc có thể kéo dài 2–4 tuần kèm theo sốt, nhức đầu, đau nhức cơ, đau lưng, mệt mỏi và sưng hạch bạch huyết. Hầu hết người mắc bệnh sẽ hồi phục hoàn toàn, nhưng có một tỷ lệ người bị bệnh bị biến chứng nặng và có thể tử vong.

    Mặc dù các đợt bùng phát bệnh Mpox không phải là hiếm ở nước Cộng hòa Dân chủ Congo, nhưng trong thời gian qua với sự xuất hiện của chủng vi rút mới (clade Ib) số ca mắc tăng rất nhanh, đường lây chủ yếu vẫn qua quan hệ tình dục.


    Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố bệnh Mpox (trước đây gọi là bệnh đậu mùa khỉ) là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu.

    Trong tháng 7 vừa qua, hơn 100 trường hợp được xác nhận trong phòng thí nghiệm của nhóm 1b đã được báo cáo ở 4 quốc gia lân cận nước Cộng hòa Dân chủ Công – Gô, nơi mà trước đây chưa có báo cáo về Mpox, bao gồm Burundi, Kenya, Rwanda và Uganda. Các chuyên gia tin rằng số lượng các trường hợp này thực sự cao hơn vì một tỷ lệ lớn các ca bệnh có triệu chứng lâm sàng nhưng chưa được xét nghiệm.

    Vào tháng 7 năm 2022, khi đợt bùng phát Mpox ở nhiều quốc gia trên thế giới ngoài lục địa châu Phi, WHO đã tuyên bố tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu vì dịch lây lan nhanh chóng qua quan hệ tình dục ở nhiều quốc gia mà trước đây chưa từng thấy loại vi rút này. WHO đã tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp vào tháng 5 năm 2023 sau khi đã kiểm soát được số ca mắc Mpox trên toàn cầu. Tuy nhiên tình hình Mpox tại châu Phi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

    Quyết định thông báo tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu lần này của WHO là quyết định công bố lần thứ hai trong vòng 3 năm qua liên quan đến bệnh Mpox. Theo WHO, việc công bố tình trạng khẩn cấp nhằm huy động nguồn tài trợ kinh phí, nguồn vắc xin được cấp phép sử dụng trong tình trạng khẩn cấp, để tạo điều kiện cho các quốc gia châu Phi tiếp cận công bằng với vắc xin, giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh nhằm kịp thời ngăn chặn dịch bệnh nguy cơ lan khắp lục địa châu Phi.

    Tại Việt Nam, theo báo cáo của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 năm 2023-2024 ghi nhận 199 ca Mpox, trong đó có 8 ca tử vong. Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận số ca mắc (156 ca) và tử vong (6 ca) trong năm 2023-2024 cao nhất tại khu vực phía Nam. Riêng năm 2024, có 49 ca Mpox, không có ca tử vong.

    Về đặc điểm dịch tễ của các ca bệnh tại Thành phố, 100% là nam giới, tuổi trung bình là 32 tuổi (nhỏ nhất là 18 tuổi và lớn nhất là 53 tuổi). Độ tuổi ghi nhận nhiều nhất là 30 – 39 tuổi (46%), 84% ca bệnh tự nhận bản thân thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM). Đáng lưu ý có 55% là người sống chung với HIV và 7% đang điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV.

    Hiện nay, dịch bệnh Mpox trên địa bàn Thành phố vẫn đang được kiểm soát thông qua các hoạt động giám sát chủ động tại cửa khẩu và cộng đồng. Thành phố chưa ghi nhận thay đổi về dịch tễ học của bệnh. Dòng vi rút gây bệnh hiện vẫn là clade IIb, là dòng gây dịch cho các nước trên thế giới, chưa phát hiện clade Ib. Dịch vẫn lây chủ yếu trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới hoặc lưỡng tính, qua hành vi quan hệ tình dục không an toàn.

    Ngành y tế Thành phố vẫn tiếp tục duy trì các hoạt động phòng chống dịch bệnh, thực hiện giải trình tự gen một số mẫu bệnh phẩm để giám sát sự biến đổi của vi rút gây bệnh.

    Sở Y tế khuyến cáo người dân nếu phát hiện bản thân hoặc người xung quanh có triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh Mpox cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, chẩn đoán và điều trị đúng. Người bị bệnh cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn của nhân viên y tế trong chăm sóc điều trị cho bản thân, giảm thiểu các biến chứng cũng như thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng lây nhiễm. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là thực hành quan hệ tình dục an toàn.

    Nam Dương
    https://vietq.vn/nhung-thong-tin-can-biet-ve-mpox-sau-khi-who-cong-bo-tinh-trang-khan-cap-ve-suc-khoe-toan-cau-d224419.html

    WHO cảnh báo về loại bột trắng có trong mỹ phẩm gây hại cho sức khỏe

    Hầu hết trong các loại mỹ phẩm đều có chứa loại bột trắng này tuy nhiên nhiều người vẫn có nhiều lo ngại về tính an toàn của nó.

    Mỗi năm, Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca mắc ung thư mới, số tử vong lên đến 82.000 trường hợp. Trong khi tỷ lệ tử vong do ung thư trên thế giới khoảng 59,7%, ở các quốc gia đang phát triển là 67,9% thì tỷ lệ tử vong do ung thư ở Việt Nam là 73,5%, ở mức cao trên thế giới. Nguyên nhân gây ung thư có nhiều lý do nhưng gần nhất được cho là chế độ ăn uống và sử dụng các sản phẩm không an toàn.

    Mới đây, WHO cảnh báo có một loại bột trắng có nguy cơ gây ung thư mọi người cần tránh đó là talc. Đây là một loại khoáng chất tự nhiên, được khai thác ở nhiều nơi trên thế giới và thường được dùng để làm phấn rôm trẻ em, mỹ phẩm.


    Bột talc có trong các mỹ phẩm có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe

    Thành phần của bột talc bao gồm magie, silic, oxy và hydro kết hợp với nhau tạo thành hợp chất magie silicat khan. Đặc điểm đáng chú ý của loại bột này là khả năng hút ẩm, chống vón cục, tạo độ mờ và tham gia vào kết cấu của các lớp trang điểm. Mặc dù bột talc được sử dụng phổ biến trong sản xuất mỹ phẩm, tuy nhiên vẫn có nhiều lo ngại về tính an toàn của nó.

    Theo Cơ quan phòng chống ung thư (IARC) thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bột talc được cho là “có khả năng gây ung thư”. Cảnh báo này được đưa ra vào ngày 5/7 và ngay lập tức đã thu hút sự chú ý của dư luận.

    Nhận định này xuất phát từ một số tài liệu khoa học được công bố từ những năm 1960 đã cho thấy mối liên hệ có thể xảy ra giữa việc sử dụng sản phẩm có chứa bột talc và tỷ lệ mắc bệnh ung thư buồng trứng. Theo IARC, một số nghiên cứu gần đây cũng liên tục chỉ ra sự gia tăng tỷ lệ ung thư buồng trứng ở những phụ nữ sử dụng phấn rôm ở bộ phận sinh dục.

    Cơ quan này cho biết thêm, hầu hết mọi người đều có nguy cơ tiếp xúc với bột talc dưới dạng phấn rôm hoặc mỹ phẩm. Tuy nhiên, quá trình khiến con người tiếp xúc đáng kể nhất với thứ bột này lại nằm ở quá trình khai thác, chế biến thành phẩm.

    Dẫu vậy, IARC lại cho rằng tác động cụ thể, cũng như cách thức gây hại của bột talc vẫn “chưa được xác định một cách đầy đủ”.

    Bảo Linh (t/h)
    https://vietq.vn/who-canh-bao-ve-loai-bot-trang-co-trong-my-pham-gay-hai-cho-suc-khoe-d224243.html

    Mỹ phát triển các dung môi có khả năng loại bỏ hơn 98% hạt nhựa siêu nhỏ khỏi nước

    0

    Một nhóm nghiên cứu Mỹ đang phát triển các dung môi có khả năng loại bỏ hơn 98% hạt nhựa siêu nhỏ khỏi nước. Kết quả này có hiệu quả với cả nước mặn và nước ngọt.

    Các nhà khoa học tại Đại học Missouri (Mỹ) đã tạo ra các dung môi chống thấm nước làm từ thành phần tự nhiên, có thể nổi như dầu trên mặt nước. Sau khi trộn dung môi với nước, chúng sẽ từ từ nổi lên lại trên mặt nước, mang theo các hạt nhựa siêu nhỏ (nhựa nano) trong cấu trúc phân tử của chúng.

    Trong phòng thí nghiệm, nhóm chỉ sử dụng một lọ nhỏ dung môi để loại bỏ các hạt nhựa nano khỏi nước. Các nghiên cứu trong tương lai sẽ tập trung vào việc mở rộng toàn bộ quy trình lọc nhựa nano để có thể ứng dụng dung môi vào các vùng nước lớn hơn như ao hồ, hay thậm chí là đại dương.

    Nhóm cho biết phương pháp mới này hiệu quả với cả nước mặn và nước ngọt. “Những dung môi này được làm từ các thành phần an toàn, không độc hại cùng khả năng chống thấm nước giúp ngăn ô nhiễm lan sang các nguồn nước khác”, bà Piyuni Ishtaweera, trưởng nhóm nghiên cứu tại Đại học Missouri, cho biết.

    Những dung môi dùng để lọc nhựa ra khỏi nước được làm từ các thành phần an toàn, không độc hại. Ảnh: Tuổi Trẻ

    “Chiến lược của chúng tôi là sử dụng một lượng nhỏ dung môi để hấp thu các phân tử nhựa có trong một lượng nước lớn”, ông Gary Baker, một tác giả của nghiên cứu và làm việc tại khoa hóa Đại học Missouri, nói.

    Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm dung môi với 5 kích cỡ khác nhau của hạt nhựa nano có gốc polystyrene – một loại nhựa phổ biến trong ly nhựa. Kết quả cho thấy dung môi của nhóm có hiệu quả vượt trội hơn so với các nghiên cứu trước đây, vốn tập trung vào một cỡ hạt nhựa nano.

    Hiện tại nhóm nghiên cứu vẫn chưa hiểu hết khả năng của dung môi, do đó họ cần nghiên cứu thêm về điều này cũng như khám phá các phương pháp để tái sử dụng dung môi nhiều lần.

    Phương pháp cải tiến này không chỉ mang lại giải pháp thiết thực cho vấn đề ô nhiễm các hạt nhựa nano, mà còn mở đường cho những nghiên cứu và phát triển sâu hơn về công nghệ lọc nước tiên tiến.

    Nhựa nano có thể phá vỡ hệ sinh thái dưới nước và xâm nhập chuỗi thức ăn, gây rủi ro sức khỏe như bệnh tim mạch hay hô hấp cho con người và động vật. Do đó việc loại bỏ nhựa nano để giúp nước sạch hơn luôn là một thách thức cấp thiết của giới khoa học. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí ACS Applied Engineering Materials.

    Liên quan tới rác thải nhựa, theo thống kê từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường, trong đó 0,28- 0,73 triệu tấn bị thải ra biển nhưng chỉ 27% trong số này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở, doanh nghiệp. Điều đáng nói, việc xử lý và tái chế rác thải nhựa còn nhiều hạn chế khi có đến 90% rác thải nhựa được xử lý theo cách chôn, lấp, đốt và chỉ có 10% còn lại là được tái chế.

    Theo đại diện Đoàn Thanh niên Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa, bình quân mỗi hộ gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường nước, đất và không khí.

    Do đó, Việt Nam cần xây dựng chính sách phát triển thị trường sản phẩm tái chế, dán nhãn xanh cho các sản phẩm, quy định tỷ lệ tái chế trong mỗi sản phẩm nhựa… Đặc biệt muốn chống rác thải nhựa, điều quan trọng đầu tiên phải kéo dài vòng đời sản phẩm nhựa, giảm thiểu thải bỏ ra môi trường. Muốn vậy phải có quy chuẩn cho các sản phẩm nhựa.

    Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 32:2018/BTNMT về môi trường đối với phế liệu nhựa nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất

    Quy chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định và được ban hành bởi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về các loại phế liệu nhựa được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất; các loại phế liệu nhựa không được phép nhập khẩu; tạp chất không được lẫn trong phế liệu nhựa nhập khẩu; tạp chất không mong muốn được phép còn lẫn trong phế liệunhựa nhập khẩu; các yêu cầu kỹ thuật khác đối với phế liệu nhựa nhập khẩu từ nước ngoài. Quy chuẩn này không điều chỉnh đối với phế liệu nhựa nhập khẩu từ các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan trên lãnh thổ Việt Nam.

    Yêu cầu về phân loại, làm sạch phế liệu quy chuẩn quy định phế liệu nhựa nhập khẩu bao gồm một hoặc một số khối hàng phế liệu nhựa đã được phân loại riêng biệt theo từng mã HS thuộc Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

    Từng khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu phải được sắp xếp tách riêng trong lô hàng hoặc công ten nơ nhập khẩu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra tại địa điểm đăng ký kiểm tra theo quy định của pháp luật. Trong mỗi khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu được phép lẫn lượng phế liệu nhựa có mã HS khác (thuộc Danh mục phế liệu nhựa được phép nhập khẩu) so với mã HS khai báo trong hồ sơ nhập khẩu. Tỷ lệ khối lượng phế liệu nhựa có mã HS khác không vượt quá 20% tổng khối lượng của khối hàng phế liệu nhựa nhập khẩu.

    Phế liệu nhựa nhập khẩu phải được loại bỏ các chất, vật liệu, hàng hóa cấm nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/my-phat-trien-cac-dung-moi-co-kha-nang-loai-bo-hon-98-hat-nhua-sieu-nho-khoi-nuoc-d224314.html

    Cảnh báo người dùng thận trọng khi đổi máy điện thoại hỗ trợ 4G

    Các dòng điện thoại phím bấm hỗ trợ 4G đang khan hiếm cục bộ do nhu cầu của người dân tăng cao. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã lừa người dân mua phải những chiếc điện thoại 2G nhưng “đội lốt” 4G.

    Chỉ còn gần một tháng nữa sẽ đến thời hạn tắt sóng di động 2G only trên toàn quốc (ngày 15/9/2024). Theo đó, các nhà mạng trong nước sẽ không còn hỗ trợ thiết bị chỉ sử dụng công nghệ 2G only – dòng điện thoại phím bấm với chức năng chủ yếu là nghe, gọi thoại.

    Vì vậy, để đảm bảo duy trì liên lạc, người dùng sẽ phải đổi điện thoại từ 2G sang 4G. Trong thời gian này, các nhà mạng đang gấp rút triển khai nhiều hỗ trợ tới người dùng để chuyển đổi. Việc dừng công nghệ 2G được đánh giá là cơ hội tốt cho người sử dụng làm quen với dịch vụ trên môi trường số.

    Bộ TT&TT khuyến khích việc chuyển đổi các thuê bao sử dụng điện thoại 2G only (điện thoại “cục gạch”) sang sử dụng smartphone, thay vì điện thoại phím bấm 4G. Đây là cơ hội để người dân được tiếp cận sử dụng công nghệ mới, tiếp cận các dịch vụ số tiện ích hơn.

    Đối với việc chuyển đổi sang các mẫu máy feature phone 4G (máy phím bấm 4G), Bộ TT&TT cho rằng, chỉ thực hiện trong một số trường hợp đặc biệt, theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, do nhu cầu sử dụng của một bộ phần người dân, đa số là người cao tuổi có nhu cầu sử dụng máy phím bấm 4G, một số đối tượng đã lừa đảo người dân mua máy 2G nhưng “đội lốt” 4G với giá 400.000 – 500.0000 đồng/máy.


    Cảnh báo người dùng thận trọng khi đổi máy điện thoại hỗ trợ 4G.

    Người tiêu dùng mua phải các thiết bị này sẽ gặp tình trạng mất liên lạc hoàn toàn khi mạng 2G chính thức ngừng cung cấp từ 15/9 tới. Hiện tại, do chưa tắt sóng di động 2G nên người dùng mua phải điện thoại giả mạo vẫn có thể thực hiện nghe, gọi bình thường.

    Theo khuyến cáo của nhà mạng, người dân không nên vội vàng mua các sản phẩm trôi nổi với lời mời chào hỗ trợ 4G giá rẻ nhưng thực chất phần cứng của những sản phẩm này chỉ hỗ trợ 2G. Các sản phẩm giả mạo hiện nay chủ yếu là của các hãng không có thương hiệu hoặc hàng xách tay. Vì vậy, người dân nên chọn mua tại các hệ thống cửa hàng có uy tín để tránh bị lừa mua phải hàng giả.

    Hiện nay, các hãng smartphone cũng đưa ra nhiều dòng sản phẩm phân khúc thấp, với giá từ 2 – 3 triệu đồng để thúc đẩy khách hàng nâng cấp từ 2G lên thẳng dòng smartphone, thay vì nâng cấp lên máy feature phone 4G. Việc chuyển đổi thẳng lên smartphone là cơ hội để người dân có nhiều trải nghiệm với dịch vụ mới. Người dân có thể vào mạng, sử dụng dịch vụ hành chính công của nhà nước ngay trên ứng dụng cài đặt trong smartphone… từ đó dần dần hình thành xã hội số.

    Nam Dương
    https://vietq.vn/canh-bao-nguoi-dung-than-trong-khi-doi-may-dien-thoai-ho-tro-4g-d224343.html