28.8 C
Hanoi
Thứ Tư, Tháng 7 9, 2025
More
    Home Blog Page 14

    Nấm mốc gây bệnh mùa nồm ẩm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe

    Khí hậu miền Bắc những ngày này với độ ẩm không khí cao khiến sàn nhà, tường nhà trở nên ẩm ướt, khó chịu, quần áo rất lâu khô, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho nấm mốc trong nhà có thể phát triển.

    Chị Hoàng Hải Yến (34 tuổi, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, những ngày nồm, hơi ẩm trong không khí rất cao, làm cho nước bị ngưng tụ và đọng lại trên mọi bề mặt khiến cho sàn nhà trơn trượt, đồ nội thất bị mốc, hư hỏng; tường và trần nhà xuất hiện nấm mốc, mùi ẩm mốc rất khó chịu, đặc biệt ở các không gian nhỏ như khu vệ sinh, nhà tắm.

    “Đi làm về tới nhà, không khí nồm, đồ đạc ẩm ướt, quần áo cả tuần không khô và mang mùi ẩm mốc, tâm trạng của tôi rất khó chịu, bực bội và dễ cáu gắt”, chị chia sẻ.

    Để giúp không gian sống trở nên sạch sẽ, thông thoáng, cũng như bảo vệ sức khoẻ gia đình vào mùa nồm, chị Yến quyết định đặt dịch vụ dọn nhà theo giờ.

    Tương tự, chị Nguyễn Trâm (ở Văn Quán, Hà Nội) cho biết, thời tiết nồm khiến các thành viên trong gia đình chị thay nhau bị viêm mũi dị ứng, cảm cúm, khó ngủ… “Dọn dẹp, làm sạch, lau khô không gian sống là điều đầu tiên tôi nghĩ tới để đối phó với thời tiết nồm của miền Bắc. Nhà tôi chưa có máy hút ẩm nên sử dụng lại quần áo cũ (chất liệu cotton) để hút ẩm, giúp ngôi nhà trở nên khô thoáng hơn”, chị Trâm cho hay.

    Phân tích về tác động của thời tiết nồm ẩm, Tiến sĩ Manisha Arora – cố vấn cao cấp tại Viện Y khoa Sri Balaji Action (Ấn Độ) cho biết, nấm mốc có thể gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe, đặc biệt là đối với những người có hệ miễn dịch yếu, dị ứng hoặc các vấn đề về hô hấp.


    Nấm mốc trong nhà có thể phát triển trong các khu vực có độ ẩm cao, thiếu ánh sáng và không khí lưu thông kém. (Ảnh minh họa).

    Trong những ngày mưa kéo dài, vấn đề nấm mốc trong nhà trở nên phổ biến, không chỉ làm hư hại tài sản mà còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nấm có thể xâm nhập qua cửa sổ, cửa ra vào, quần áo, giày dép, thậm chí vật nuôi. Chúng thường có kết cấu bột, bông và mùi mốc, nhưng nhiều người thường bỏ qua các tác hại tiềm ẩn của chúng.

    Theo Tiến sĩ Arora, nấm mốc xuất hiện ở khu vực ẩm ướt trong nhà, đặc biệt là những nơi có nhiệt độ từ 60-80°C như phòng tắm, nhà bếp, xung quanh máy điều hòa và máy làm mát. Một số loại nấm có thể phát triển phía sau giấy dán tường. Các nấm này có thể sản sinh độc tố gây hại lâu dài cho sức khỏe.

    Tiến sĩ Arora giải thích, một số người có thể gặp các triệu chứng như ho, cảm lạnh, hắt hơi sau khi tiếp xúc với nấm mốc. Nấm cũng có thể làm trầm trọng thêm các bệnh hô hấp như hen suyễn. Những người có hệ miễn dịch yếu có thể bị viêm họng hoặc các vấn đề hô hấp khác.

    Để phòng bệnh, TS. BS Nguyễn Thị Bích Ngọc, Giám đốc Trung tâm Điều trị bệnh phổi hiếm và các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp (Bệnh viện Phổi Trung ương) khuyến cáo người dân đảm bảo điều kiện sống, môi trường sống khô ráo, thoáng đãng sẽ ít nấm mốc hơn điều kiện ẩm mốc.

    Đồng thời, người dân hạn chế làm việc trong môi trường nhiều nấm mốc như làm vườn, lá úa mục hay có nhiều nấm. Khi vệ sinh nhà cửa hay làm vườn cần đeo khẩu trang để tránh hít phải bụi nấm. Vắc xin phòng cúm, phế cầu cũng là biện pháp giúp giảm tình trạng nhiễm trùng ở phổi.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/nam-moc-gay-benh-mua-nom-am-anh-huong-nghiem-trong-den-suc-khoe-d231091.html

    Ngộ độc nặng do sử dụng thuốc giảm cân mua trên Tiktok

    Sau một tháng uống loại thuốc giảm cân được quảng cáo “7 ngày giảm 7 cân” mua trên Tiktok, cô gái trẻ 21 tuổi ở Hà Nội nhập viện cấp cứu trong tình trạng tổn thương não nặng…

    Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai cho biết, Trung tâm chống độc của bệnh viện này đang điều trị cho nữ bệnh nhân 21 tuổi, ở Hà Nội, nhập viện trong tình trạng nhiễm độc chất Sibutramin, tổn thương não nặng. Nguyên nhân do uống thuốc, thực phẩm chức năng giảm cân không rõ nguồn gốc mua trên Tiktok.

    Qua khai thác thông tin từ người nhà bệnh nhân, cô gái có tiền sử khoẻ mạnh. Khoảng một tháng gần đây, người bệnh có sử dụng một loại sản phẩm uống mua trên mạng xã hội để giảm cân. Lọ thuốc giảm cân này sử dụng chữ nước ngoài, không có nhãn phụ tiếng Việt. Trên lọ thuốc có nội dung “7 ngày giảm 7kg” bằng Tiếng Anh.

    Trước đó, phát hiện con gái bất tỉnh, gọi hỏi không đáp ứng, dù không sốt, không co giật, không nôn, người nhà đưa bệnh nhân đến bệnh viện tư để cấp cứu. Kết quả chụp MRI cho thấy não bệnh nhân có hình ảnh tổn thương nên gia đình xin chuyển bệnh nhân sang Bệnh viện Bạch Mai.

    Tại đây, mẫu thuốc bệnh nhân uống được Trung tâm Chống độc gửi sang Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh An toàn thực phẩm Quốc gia để kiểm tra. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy trong thuốc giảm cân có thành phần Sibutramin.

    Khi tỉnh lại, nữ bệnh nhân cho biết, cô mua thuốc giảm cân này trên Tiktok, đã uống liên tục hơn 1 tháng, liều lượng mỗi ngày 1 viên. Sau thời gian uống thuốc và nhịn ăn, bệnh nhân giảm được 4-5kg. Đặc biệt, bệnh nhân cũng không thấy có biểu hiện mệt mỏi, lo lắng, hồi hộp, run chân tay, trống ngực sau khi uống thuốc.


    Lọ thuốc giảm cân mà cô gái trẻ đã uống trước khi nhập viện.

    Theo Cục An toàn thực phẩm, căn cứ Thông tư số 10/2021/TT-BYT, Sibutramine thuộc danh mục chất cấm sử dụng trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe.

    Sibutramine là một loại tân dược, không được phép sử dụng trong sản phẩm thực phẩm chức năng. Hoạt chất Sibutramine từng được kê đơn thuốc giúp giảm cân, nhưng sau đó đã bị cấm tại Singapore từ năm 2010 do làm gia tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Tại Việt Nam, ngày 8/6/2010, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn về việc ngưng cấp phép nhập khẩu nguyên liệu Sibutramine.

    Năm 2011, Cục Quản lý Dược cũng đình chỉ lưu hành và thu hồi các thuốc chứa hoạt chất sibutramine do có tác dụng không mong muốn. Cục cũng rút số đăng ký của tất cả thuốc có chứa hoạt chất Sibutramine. TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cảnh báo, các thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc, được quảng cáo để giảm cân thường chứa rất nhiều chất và chia thành các nhóm sau:

    Các chất kích thích như: chất cấm sibutramine, cafein, thậm chí bột từ tuyến giáp động vật… Các chất này có cơ chế, bắt các cơ quan nội tạng của cơ thể, đặc biệt là tim mạch, đốt cháy mỡ, tiêu thụ năng lượng mà không phải tăng vận động về thể lực. Điều này là phản khoa học và rất nguy hiểm, gây biến cố với tim mạch, não…

    Các chất gây chán ăn, ví dụ phenylpropanolamine cũng có nhiều chất có rủi ro và độc tính cao. Các chất độn để khi uống vào nở ra trong đường tiêu hóa tạo cảm giác no. Hầu hết sản phẩm này đều không công bố hay ghi rõ thành phần các chất này trên nhãn mác, thường quảng cáo với lời lẽ quá mức, không có kiểm soát.

    TS. BS Nguyên khuyến cáo, để giảm cân, người dân nên đi khám hoặc có lời khuyên trực tiếp từ bác sĩ hướng dẫn, đánh giá tình trạng và biện pháp cụ thể với từng người. Cần điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường vận động thể lực, theo nguyên tắc tăng năng lượng tiêu hao, giảm năng lượng nạp vào. Tất cả thuốc, sản phẩm dùng với mục đích giảm cân đều nên có sự tư vấn kỹ của bác sĩ, sử dụng sản phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/ngo-doc-nang-do-su-dung-thuoc-giam-can-mua-tren-tiktok-d231066.html

    Mỡ đứng thứ 8 trong 100 thực phẩm lành mạnh tốt nhất thế giới

    Theo thông tin từ tờ báo của Anh, trong danh sách 100 thực phẩm lành mạnh tốt nhất thế giới thì mỡ lợn đạt điểm cao hơn 92 loại thực phẩm khác.

    Theo báo Surrey Live của Anh đưa tin, ai cũng biết các loại rau củ quả chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Chúng ta thường được khuyên ăn ít nhất 5 khẩu phần trái cây và rau củ một ngày để đảm bảo dinh dưỡng tối ưu. Tuy nhiên, có một sản phẩm từ động vật được đánh giá là lành mạnh hơn rất nhiều loại rau củ,

    Surrey Live cho biết trong danh sách 100 thực phẩm lành mạnh nhất thế giới của BBC, mỡ lợn đứng ở vị trí thứ 8 về giá trị dinh dưỡng. Với điểm số dinh dưỡng là 73/100, mỡ lợn đã đạt điểm cao hơn 92 loại thực phẩm khác, trong đó có đậu Hà Lan, bắp cải tím, cà chua, cá thu, xà lách, cam và khoai lang.

    Mỡ lợn là một nguồn cung cấp vitamin B và khoáng chất tốt. Nó cũng lành mạnh hơn mỡ cừu hoặc mỡ bò. Mỡ lợn bao gồm các chất béo không bão hòa đơn như axit oleic – chất cũng có trong dầu ô liu – có lợi cho sức khỏe tim mạch. Nó cũng có một số chất béo bão hòa, nhưng mức độ vừa phải. Bên cạnh đó, mỡ lợn cung cấp các vitamin tan trong mỡ như Vitamin D, đặc biệt nếu lợn được nuôi ngoài trời. Mỡ lợn nuôi bằng thức ăn tự nhiên có xu hướng lành mạnh hơn nhờ hàm lượng dinh dưỡng tốt hơn.

    Chất béo không bão hòa đơn được tìm thấy với hàm lượng cao ở một số thực phẩm như: Dầu ô liu, đậu phộng, dầu hạt cải, quả bơ, các loại hạt (hạnh nhân, quả phỉ, quả hồ đào, hạt bí ngô, hạt vừng)…

    Chất béo không bão hòa đa bao gồm acid béo omega-3 và acid béo omega-6. Chất béo không bão hòa đa được tìm thấy trong các loại dầu có nguồn gốc thực vật như dầu đậu nành, ngô, dầu cây rum, có nhiều trong quả óc chó, hạt lanh, hạt hướng dương; các loại cá như cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ, cá hồi.


    Mỡ lợn rất tốt cho sức khỏe không nên loại bỏ hoàn toàn. Ảnh minh họa

    Theo Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan của Mỹ, nhìn vào thành phần dinh dưỡng của mỡ lợn, sẽ thấy bao gồm cả chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa đơn và chất béo không bão hòa đa.chất béo không bão hòa, ở dạng lỏng ở nhiệt độ phòng, được coi là chất béo có lợi vì chúng có thể cải thiện mức cholesterol trong máu, giảm viêm, ổn định nhịp tim và đóng một số vai trò có lợi khác. Chất béo không bão hòa chủ yếu được tìm thấy trong thực phẩm từ thực vật, chẳng hạn như dầu thực vật, các loại hạt.

    Hiện nay, nhiều người tiêu dùng Việt phân vân nên dùng ăn dầu ăn hay dùng mỡ động vật trong chế biến thức ăn bởi vì theo một số lập luận bảo vệ quan điểm có lợi của mỡ động vật cho rằng, mỡ lợn là linh hồn của món ăn, dù là món ăn gì đi nữa chỉ cần một muỗng mỡ động vật cũng đủ để tạo món ăn màu sắc đẹp, vị thơm và ngon. Nó là một thứ phụ gia làm cho các món ăn trở nên tuyệt vời hơn vì mùi thơm của mỡ động vật là không thể thay thế bởi nguồn gốc chính của mùi thơm này là một lượng nhỏ của một loại protein đặc biệt, sản phẩm phân hủy của glyceride. Vậy thực chất ăn mỡ lợn hay dầu ăn tốt hơn?

    Trên thực tế, theo Bệnh viện Vinmec, mỡ động vật chứa nhiều axit béo no (bão hòa) và có khả năng tạo ra cholesterol trong máu. Trong khi đó, dầu thực vật chứa nhiều axit béo không no (chưa bão hòa), không có cholesterol (trừ một số loại như dầu dừa, dầu cọ, dầu cacao). Nếu dầu thực vật chứa nhiều vitamin E, K thì mỡ động vật chứa nhiều vitamin A, D.

    Mỡ lợn và dầu ăn là 2 loại thực phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của con người. Nếu chỉ sử dụng dầu thực vật mà hoàn toàn bỏ qua các loại mỡ động vật sẽ gây ra sự mất cân bằng dinh dưỡng.

    Về giá trị dinh dưỡng của mỡ lợn và dầu ăn, các chuyên gia dinh dưỡng cho biết: “Trong mỡ có nhiều axit béo no, vitamin tan trong chất béo như vitamin A, vitamin D. Trong dầu thực vật có acid béo không no, vitamin tan trong chất béo như vitamin E, vitamin K mà acid béo không no nếu sử dụng ở nhiệt độ cao, lâu sẽ bị phân hủy tạo thành những chất độc gây hại cho cơ thể”.

    Như vậy, rõ ràng là mỡ động vật không gây béo hơn dầu thực vật như bấy lâu nay quan niệm vì mỗi một gram dầu và mỡ đều cung cấp 9 calo như nhau cho nên dù là mỡ lợn và dầu ăn đều gây tăng cân như nhau và việc sử dụng dầu ăn hay mỡ động vật đều tốt với cơ thể nhưng cần sự cân bằng trong sử dụng để chế biến thức ăn giúp bảo đảm sức khỏe. Nên kết hợp chế độ ăn uống cân bằng với nhiều loại thực phẩm khác nhau, hạn chế tiêu thụ mỡ lợn quá nhiều và ưu tiên các phương pháp chế biến lành mạnh như luộc, hấp, nướng thay vì chiên xào. Ngoài ra, cũng nên lưu ý đến nguồn gốc xuất xứ của mỡ lợn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

    Ngoài ra do lượng tiêu thụ mỡ lợn nên phù hợp với nhu cầu calo và tình trạng sức khỏe của mỗi người. Tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn về lượng mỡ lợn phù hợp với tình trạng sức khỏe cá nhân.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 6044:2013 về mỡ động vật

    Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố áp dụng cho mỡ động vật dùng làm thực phẩm. Theo đó các thành phần chính và chỉ tiêu chất lượng tiêu chuẩn này yêu cầu thành phần axit béo (tính theo phần trăm) khi phân tích bằng sắc ký khí-lỏng được coi là phù hợp với tiêu chuẩn này khi cho các kết quả phân tích mẫu nằm trong phạm vi quy định của tiêu chuẩn này.

    Các chất tạo màu được phép sử dụng với mục đích phục hồi màu tự nhiên đã bị mất đi trong quá trình chế biến hoặc vì mục đích tiêu chuẩn hóa màu, với điều kiện chất tạo màu thêm vào không được đánh lừa người tiêu dùng hoặc làm cho người tiêu dùng hiểu sai bằng cách che dấu những khuyết tật hoặc sự kém chất lượng hoặc bằng cách làm cho sản phẩm tỏ ra tốt hơn giá trị thực của nó.

    Các sản phẩm thuộc phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này phải tuân thủ các giới hạn tối đa cho phép về chất nhiễm bẩn và độc tố trong CODEX STAN 193-1995 (Tiêu chuẩn chung đối với các chất nhiễm bẩn và các độc tố trong thực phẩm và thức ăn chăn nuôi).

    Các sản phẩm thuộc phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này phải tuân thủ các giới hạn tối đa cho phép về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật theo quy định hiện hành. Các sản phẩm thuộc phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn này cần được sản xuất và xử lý theo CAC/RCP 1-1969 (Quy phạm thực hành về những nguyên tắc chung đối với vệ sinh thực phẩm) và các quy phạm khác có liên quan như các quy phạm thực hành, quy phạm thực hành vệ sinh. Các sản phẩm phải phù hợp với các tiêu chí vi sinh được thiết lập theo TCVN 9632:2013 (CAC/GL 21-1997) Nguyên tắc thiết lập và áp dụng tiêu chuẩn vi sinh đối với thực phẩm.

    Sản phẩm phải được ghi nhãn theo CODEX STAN 1-1985 (Ghi nhãn thực phẩm bao gói sẵn). Tên của sản phẩm phải thống nhất theo tiêu chuẩn này.Ngoài tên của sản phẩm, nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ của nhà sản xuất hoặc nhà đóng gói phải được ghi trên nhãn thì thông tin đối với các bao bì không dùng để bán lẻ cũng phải ghi trên nhãn hoặc trong các tài liệu kèm theo. Tuy nhiên, việc nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc nhà đóng gói có thể thay bằng ký hiệu nhận biết, với điều kiện là ký hiệu đó có thể dễ dàng nhận biết cùng với các tài liệu kèm theo.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/mo-lon-dung-thu-8-trong-100-thuc-pham-lanh-manh-tot-nhat-the-gioi-d231050.html

    Tiêu thụ nhiều nước có gas nguy cơ làm tăng kháng insulin và đái tháo đường

    Theo một số nghiên cứu cho thấy nếu thường xuyên tiêu thụ nước có gas sẽ làm tăng nguy cơ kháng insulin và đái tháo đường và còn tích trữ chất béo trong cơ thể.

    Một số nghiên cứu cho thấy nếu tiêu thụ nước có gas thường xuyên gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cơ thể, như tăng cân và sâu răng. Ngoài ra, do chứa hàm lượng đường cao, nước có gas có thể gây áp lực lên cơ chế điều tiết insulin, làm tăng nguy cơ kháng insulin và đái tháo đường.

    Theo Media Feed, Axit phosphoric trong nước có gas có thể cản trở quá trình hấp thụ canxi, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe xương nếu chế độ ăn uống thiếu hụt canxi. Nước có gas còn gây nguy cơ kháng leptin – hormone kiểm soát cảm giác no. Khi cơ thể kháng leptin, bạn có thể liên tục cảm thấy đói, dẫn đến ăn quá mức và tăng cân ngoài ý muốn.

    Hàm lượng đường cao trong nước có gas có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch, cao huyết áp và rối loạn mỡ máu. Một số nghiên cứu cho thấy nước có gas có thể làm tăng triglyceride và cholesterol xấu, góp phần vào các vấn đề tim mạch. Ngoài ra, uống nước có gas thường xuyên có thể kích thích phản ứng viêm và stress oxy hóa, làm trầm trọng thêm tình trạng sức khỏe tim mạch theo thời gian.

    Béo phì – một trong những hậu quả của việc tiêu thụ nước có gas – là yếu tố nguy cơ của nhiều loại ung thư. Ngoài ra, một số loại nước có gas chứa caramel màu, trong đó có hợp chất 4-methylimidazole (4-MEI), được Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) phân loại là có thể gây ung thư ở người.


    Không nên uống nhiều đồ uống có gas vì nguy hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa

    Nước ngọt không đường có thể giảm lượng calo, nhưng đi kèm với các chất tạo ngọt nhân tạo như aspartame, sucralose và saccharin. Một số nghiên cứu cho thấy các chất này có thể ảnh hưởng đến hệ vi sinh đường ruột và kích thích thèm đồ ngọt, dù vẫn cần thêm nghiên cứu.

    Liên quan tới nước ngọt có gas, Bệnh viện Vinmec cho biết, nước ngọt có ga (còn gọi là nước ngọt, nước giải khát có ga) là một loại đồ uống có chứa nước carbon dioxide bão hòa, chất làm ngọt và hương liệu. Một số sản phẩm khác còn có chứa caffeine, chất bảo quản, phẩm màu,…

    Nước ngọt có ga không hề tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trên đối tượng trẻ em. Lượng đường ngô, đường mía, caffeine có trong nước ngọt có ga đều không rõ hàm lượng. Bên cạnh đó là các chất tạo màu, tạo chua, tạo ga,… được thêm vào loại thức uống này có thể gây nhiều ảnh hưởng bất lợi cho sức khỏe trẻ.

    Cụ thể các chất phụ gia trong nước ngọt có thể gây bệnh thận, gây hại cho răng miệng, ảnh hưởng tới dạ dày và đường ruột. Trẻ uống quá nhiều nước ngọt có ga sẽ làm tăng đào thải canxi qua nước tiểu, dẫn tới tình trạng trẻ bị thiếu canxi, không đủ canxi để tăng chiều cao.

    Trẻ uống đồ uống có ga hằng ngày dễ dẫn tới lười ăn, không chịu uống sữa, không chịu ăn trong các bữa chính, gây thiếu hụt dinh dưỡng trầm trọng, là nguy cơ gây còi xương ở trẻ em. Trẻ uống nước ngọt nhiều sẽ tăng lượng mỡ trong gan và trong xương. Mỡ trong gan nhiều sẽ làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ, máu nhiễm mỡ và xơ gan.

    Lượng đường trong nước ngọt khá lớn, buộc các tế bào tuyến tụy phải tăng tiết insulin để chuyển hóa đường. Tình trạng này kéo dài dễ dẫn tới hiện tượng kháng insulin nên làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, dễ gây những biến chứng nguy hiểm như suy tim, nhồi máu cơ tim, tắc mạch chi,…

    An Dương (T/h)
    https://vietq.vn/tieu-thu-nhieu-nuoc-co-gas-nguy-co-lam-tang-khang-insulin-va-dai-thao-duong-d231011.html

    Thời trang tuần hoàn góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy phát triển bền vững

    Đối mặt với lượng rác thải và dấu chân carbon ngày càng gia tăng, ngành thời trang đang chuyển mình theo xu hướng tuần hoàn từ việc tái sử dụng, tái chế quần áo đến ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động môi trường.

    Ngành thời trang hiện nay phải đối diện với vấn đề rác thải khổng lồ và sự tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên không bền vững. Theo một báo cáo của Coherent Market Insights – công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn kinh doanh, thị trường thời trang bền vững toàn cầu có giá trị 7,8 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tăng vọt lên 33,05 tỷ USD vào năm 2030. Xu hướng nổi bật trong thị trường này là thời trang tuần hoàn khuyến khích việc tái sử dụng và tái chế quần áo nhằm giảm chất thải và dấu chân carbon.

    Thời trang tuần hoàn giúp giảm chất thải và giảm thiểu tác động đến môi trường. Ảnh minh họa

    Sự tăng trưởng của thị trường thời trang bền vững được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đối với các sản phẩm thân thiện với môi trường, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và được sản xuất theo tiêu chuẩn đạo đức. Báo cáo “Thị trường Thời trang Bền vững Toàn cầu” đăng trên tờ The Business of Fashion dự đoán tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 22,9% trong giai đoạn 2023 – 2030, với quần áo và các sản phẩm làm từ vải tái chế ngày càng chiếm ưu thế.

    Các chuyên gia cho rằng, giải pháp cho những thách thức hiện nay nằm ở việc “biến dòng rác thải” của ngành thành nguồn nguyên liệu thô tái chế. Tuy nhiên, để đạt được điều này, các doanh nghiệp cần có những thay đổi căn bản trong cách thức sản xuất và kinh doanh.

    Trước tình hình đó, Quỹ H&M của Thụy Điển đã công bố hợp tác với Quỹ Ellen MacArthur trong dự án “The Fashion ReModel”. Dự án này nhằm thúc đẩy các mô hình kinh doanh tuần hoàn như cho thuê, sửa chữa, tái bán và tái chế quần áo. Các thương hiệu tham gia cam kết gia tăng tỷ lệ doanh thu từ mô hình tuần hoàn trong ba năm tới và báo cáo tiến độ hàng năm lên Quỹ Ellen MacArthur. Nếu được nhân rộng, mô hình này hứa hẹn giúp ngành dệt may giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính và thay đổi xu hướng tiêu dùng theo hướng bền vững.

    Bà Christiane Dolva – Trưởng bộ phận Nghiên cứu & Trình diễn của Quỹ H&M nhấn mạnh: “Doanh thu phải được tách biệt khỏi việc sản xuất mới và khai thác tài nguyên thiên nhiên. Không có con đường khả thi nào để đạt được các mục tiêu khí hậu và đa dạng sinh học toàn cầu nếu không thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại”.

    Về phía bà Jules Lennon – Trưởng bộ phận Thời trang tại Quỹ Ellen MacArthur, cho biết: “Để nền kinh tế tuần hoàn trong thời trang trở thành chuẩn mực, chúng ta cần đẩy nhanh những nỗ lực trong thiết kế sản phẩm cũng như cải tiến quy trình kinh doanh, giúp quần áo được sử dụng nhiều lần thay vì bị vứt bỏ sau một lần mặc”.

    Việc Quỹ H&M tài trợ cho The Fashion ReModel thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc chuyển đổi ngành thời trang theo hướng bền vững, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh mới thông qua sự hợp tác và đổi mới sáng tạo.

    Bên cạnh đó, những tiến bộ công nghệ cũng góp phần định hình tương lai của thời trang tuần hoàn. Nhóm nghiên cứu của một công ty công nghệ sinh học tại Anh đã phát triển Nanocellulose – một loại vật liệu sinh học nhẹ, bền gấp 8 lần thép và cứng hơn sợi Kevlar, được sản xuất từ chất thải trái cây. Tiến sĩ Ben Reeve – CEO Công ty Modern Synthesis (Anh), cho biết: “Chúng tôi sử dụng rác thải từ nhiều nguồn để tạo ra Nanocellulose, với cấu trúc liên kết chặt chẽ, giúp tạo nên chất liệu nhẹ nhưng cực kỳ bền vững.”

    So với truyền thống, chất liệu sinh học này tạo ra lượng khí thải rất ít, điều này có thể giúp giảm thiểu khí thải carbon của ngành công nghiệp thời trang. Ngoài ra, với khả năng nhuộm và tạo ra các lớp phủ khác nhau, chất liệu bền vững này có thể trở thành một sự thay thế linh hoạt cho hàng dệt may thông thường.

    Bà Jen Keane – Công ty công nghệ sinh học Modern Synthesis (Anh) chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ cố gắng để tạo ra một loạt chất liệu bền vững mới. Đây còn là cơ hội cho ngành công nghiệp thời trang, góp phần giảm thiểu tác hại của môi trường”.

    Tại Nhật Bản, hãng máy in Seiko Epson dự kiến thành lập doanh nghiệp tái chế quần áo dựa trên công nghệ tái chế giấy hiện đại. Công nghệ mới của hãng hứa hẹn thu hồi hơn 50% sợi, với mục tiêu cuối cùng đạt 100%, thông qua quy trình “tái chế khô” sử dụng lượng nước tối thiểu, giúp tạo ra những sản phẩm có màu sắc tươi sáng và sắc nét.

    Thực tế cho thấy, từ quần áo cũ, vải vụn, giấy báo đến nhựa – tất cả đều có thể trở thành nguồn nguyên liệu cho thời trang tái chế, biến hóa thành túi xách, giày dép, mũ và các sản phẩm thời trang khác. Theo Tạp chí Fashion Magazine, có tới 73% khách hàng thuộc thế hệ Millennials sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn để sở hữu sản phẩm từ các thương hiệu thời trang bền vững, thiết kế mang phong cách vintage.

    Sự chuyển mình của ngành thời trang không chỉ dừng lại ở các thương hiệu lớn. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn nhờ lợi thế sản xuất và cam kết phát triển kinh tế tuần hoàn. Ví dụ, Tập đoàn Syre – doanh nghiệp Thụy Điển chuyên sản xuất polyester tái chế công nghệ cao đang đầu tư từ 700 triệu đến 1 tỷ USD cho dự án “Tổ hợp sản xuất vải vóc công nghệ cao”. Dự án nhằm thiết lập trung tâm toàn cầu đầu tiên cho ngành dệt may tuần hoàn theo tiêu chuẩn Mỹ và Liên minh châu Âu (EU), hướng đến mô hình Net Zero.

    Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Định, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, để phát triển bền vững, Việt Nam cần tích cực chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn song song với các động lực tăng trưởng truyền thống. Bộ trưởng cũng lưu ý, trong quá trình nhập khẩu và áp dụng công nghệ tái chế, yếu tố bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xử lý nước thải và rác thải.

    Dự án của Tập đoàn Syre nếu thành công sẽ không chỉ giúp Việt Nam trở thành trung tâm tái chế vải vóc hàng đầu khu vực mà còn thu hút thêm nhiều doanh nghiệp dệt may châu Âu đầu tư vào lĩnh vực thời trang tuần hoàn. Qua đó, sự chuyển đổi sang mô hình thời trang tuần hoàn không chỉ góp phần giảm thiểu tác động môi trường mà còn mở ra một kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp thời trang toàn cầu nơi mà sự sáng tạo, đổi mới và bền vững song hành cùng nhau.

    Duy Trinh
    https://vietq.vn/thoi-trang-tuan-hoan—giam-phat-thai-khi-nha-kinh-dua-nganh-cong-nghiep-phat-trien-ben-vung-d231007.html

    Đường ăn kiêng có ảnh hưởng xấu đến bệnh tiểu đường

    Theo nghiên cứu y khoa mới nhất, đường ăn kiêng có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến việc điều trị ở người đã mắc bệnh tiểu đường.

    Nghiên cứu mới từ Đại học Florida (Mỹ) cho thấy việc lựa chọn đồ uống ngọt được quảng cáo là “không đường”, “dành cho người ăn kiêng” có thể trở nên nguy hiểm với người đang điều trị bệnh tiểu đường. Thứ gây hại là chất tạo ngọt bên trong đồ uống đó. Thường được gọi là “đường ăn kiêng”, chất làm ngọt nhân tạo không calo (NNS) từng bị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo là chỉ làm tăng nguy cơ bệnh tim, tiểu đường.

    Theo News Medical, các nghiên cứu dựa trên chuột đã tìm ra bằng chứng cho thấy tiêu thụ đồ uống chứa đường ăn kiêng dường như làm giảm tác dụng của một loại thuốc điều trị tiểu đường phổ biến là metformin. Khả năng hỗ trợ kiểm soát glucose và giảm cân của thuốc không còn hiệu quả đối với những con chuột bị bổ sung nhiều chất tạo ngọt.

    Đường ăn kiêng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người mắc tiểu đường

    Để kiểm tra, các nhà khoa học đã tuyển dụng một số tình nguyện viên là bệnh nhân tiểu đường type 2, bao gồm cả trẻ em và người lớn (độ tuổi từ 10-21), có sử dụng metformin để điều trị. Họ được chia thành 2 nhóm, một nhóm có sử dụng đồ uống chứa đường ăn kiêng, nhóm còn lại thì không.

    Sau 12 tuần thực hiện cùng một chế độ nhằm kiểm soát bệnh tiểu đường và giảm cân, các tác giả nhận thấy 90% người tham gia trong nhóm đối chứng đã đạt được các mục tiêu điều trị căn bản là giảm một ít cân nặng, kiểm soát glucose tốt hơn.

    Thế nhưng, chỉ 40% trong nhóm có “nạp” chất tạo ngọt đạt được hiệu quả này. Đặc biệt, các bệnh nhi gặp bất lợi rõ ràng hơn so với bệnh nhân trưởng thành. Phát hiện này một lần nữa nhấn mạnh các chất tạo ngọt không calo không hề lành mạnh như chúng thường được quảng cáo.

    Một số nghiên cứu trước đây cho thấy chúng làm giảm sức khỏe đường ruột và phá vỡ hệ thống kiểm soát cảm giác no, gây tăng cân, giảm khả năng dung nạp glucose và làm sức khỏe tim mạch xấu đi. Hay một minh chứng khác từ nghiên cứu của hệ thống Cleveland Clinic (Mỹ) cho thấy chất làm ngọt nhân tạo erythritol, thường được gọi là “đường ăn kiêng” erythritol, làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch và các biến cố kèm theo bao gồm đột quỵ, nhồi máu cơ tim (đau tim).

    Chính vì vậy, người tiêu dùng cần hết sức lưu ý khi lựa chọn mua các sản phẩm được gắn mác là đường ăn kiêng, bởi sự thật không an toàn 100% nhất là với bệnh nhân tiểu đường. Đây cũng là dấu hiệu báo động khi các nhà chức trách có thẩm quyền cần có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn các sản phẩm này.

    Bảo Linh
    https://vietq.vn/duong-an-kieng-co-anh-huong-xau-den-benh-tieu-duong-d230977.html

    Dâu tây giá rẻ tràn ngập thị trường: Cách nhận biết dâu “xịn”

    Bên cạnh các sản phẩm dâu tây Sơn La, trên thị trường xuất hiện cả dâu tây Trung Quốc bán trà trộn.

    Thị trường đang bày bán la liệt dâu tây Sơn La với giá tương đối rẻ.

    Dâu tây Sơn La đang vào chính vụ nên bày bán tràn ngập thị trường, từ chợ truyền thông đến chợ mạng với giá tương đối rẻ, dao động từ 60.000 – 200.000 đồng/kg (tùy loại). Tuy nhiên, trên thị trường cũng xuất hiện hàng loạt mặt hàng dâu tây có nguồn gốc từ Trung Quốc với giá rẻ bằng một nửa dâu tây Sơn La, giá chỉ khoảng 50.000 đồng/kg.

    Chị N.T.H. (Nam Từ Liêm, Hà Nội), tiểu thương kinh doanh dâu tây nhiều năm chia sẻ, dù nguồn cung dâu tây trong nước dồi dào, song nhiều người vì trục lợi mà vẫn nhập những loại dâu tây kém chất lượng, sau đó gắn mác “dâu tây Sơn La, dâu tây Mộc Châu, dâu tây Đà Lạt,…” để bán cho người tiêu dùng. “Tại chợ đầu mối, các nhà cung cấp vẫn nhập rất nhiều dâu Trung Quốc để bán với giá rẻ một nửa so với dâu tây Sơn La. Vì vậy, người tiêu dùng nên tỉnh táo để lựa chọn được sản phẩm chất lượng đúng với số tiền bỏ ra”, chị H. nói.


    Người tiêu dùng cần nắm rõ thông tin để có thể lựa chọn được sản phẩm tốt nhất.

    Khi được hỏi về cách phân biệt hai loại dâu tây này, chị H. bật mí: “Cách phân biệt dâu tây Sơn La và Trung Quốc chủ yếu qua hình dáng và kích thước. Thông thường dâu tây Sơn La quả to, nhỏ không đều, người bán thường phân thành nhiều loại theo kích thước để bán theo hộp. Giá đang vào mùa dao động từ 60.000 – 200.000 đồng/kg, tùy loại. Quả càng to giá càng cao, mỗi hộp đóng 500 gram để tránh dập nát và khách hàng dễ lựa chọn.

    Bên cạnh đó, dâu tây Sơn La quả hình oval, to ở phần cuống và thuôn ở phần đuôi, màu đỏ tươi, quả căng mọng. Trong khi đó dâu tây Trung Quốc quả dài, dẹt, màu đỏ nhưng không đậm, sờ vào có độ cứng. Đặc biệt, dâu tây Trung Quốc có cuống dài, lá thường héo.

    Về mùi vị, dâu tây Sơn La có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt và chua thanh nhẹ còn dâu tây Trung Quốc nhạt và xốp. Dâu tây Mộc Châu có phần thịt quả màu đỏ nhạt, xen lẫn màu trắng. Còn dâu tây Trung Quốc có màu đỏ đậm hơn, phần màu trắng bên trong rất ít.

    Đặc biệt, dâu tây Sơn La không bảo quản được lâu, nhanh hỏng, nếu để 2 ngày sẽ bị thâm, lá héo. Trái ngược với dâu Trung Quốc để 7-10 ngày vẫn có thể tươi.

    Lý giải về giá dâu tây rẻ bất ngờ, nhiều người bán hàng chia sẻ, dâu tây Sơn La đang vào chính vụ, dâu chín rộ, đỏ mọng và ngày càng có nhiều đơn vị cung cấp hàng ra thị trường nên giá rẻ nhiều so với trước đây. Khi mua, gười mua nên tìm địa chỉ uy tín để lựa chọn. Do khí hậu thuận lợi nên nhiều năm trở lại đây, nhiều tỉnh thành tại Việt Nam trồng dâu tây cho sản lượng cao, giá trị kinh tế đảm bảo cho người trồng.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/dau-tay-gia-re-tran-ngap-thi-truong-cach-nhan-biet-dau-xin-d231006.html

    Cẩn trọng ‘lửa ngầm’ từ thiết bị, máy sấy quần áo

    Việc cháy, nổ từ máy sấy quần áo không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.

    Những ngày gần đây, các tỉnh miền Bắc bước vào mùa mưa nồm, thị trường tung ra nhiều sản phẩm có chức năng hút ẩm, sấy khô để phục vụ nhu cầu của người dân. Máy sấy quần áo là một trong những mặt hàng đắt khách và được nhiều người tìm mua trong thời điểm này. Nắm bắt xu hướng đó, nhiều siêu thị, cửa hàng bán đồ điện máy cũng tung ra những chương trình ưu đãi hấp dẫn cho người mua hàng.

    Nhiều chủ cửa hàng bán đồ điện tử chia sẻ, những ngày thời tiết nồm ẩm, lượng khách hỏi mua các sản phẩm máy sấy, tủ sấy quần áo, máy hút ẩm tăng cao đột biến. Trên “chợ mạng” cũng rao bán nhiều sản phẩm máy sấy quần áo với mức giá phải chăng.

    Ông Nguyễn Văn Tú – một người dân sống tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: “Thời tiết nồm ẩm khiến sàn nhà lúc nào cũng ướt sũng, quần áo phơi cả tuần vẫn không khô, cơ thể lúc nào cũng bứt rứt khó chịu. Vì vậy, tôi quyết định mua máy hút ẩm để cải thiện tình hình”.

    Tuy nhiên, việc mua máy không hề dễ dàng. Anh Tú cho biết, khi đến cửa hàng gần nhà, nhân viên thông báo hàng đã hết và phải chờ đợi thêm vài ngày mới có hàng mới về. Điều này cho thấy nhu cầu sử dụng máy hút ẩm đang tăng cao một cách chóng mặt.

    Tại các siêu thị điện máy lớn và cửa hàng gia dụng ở Hà Nội, lượng khách hàng tìm mua máy hút ẩm và máy sấy quần áo đã tăng đáng kể thời gian gần đây.


    Cẩn trọng với những loại máy sấy quần áo giá rẻ trên mạng xã hội.

    Giá cả các sản phẩm này dao động từ 3 triệu đến vài chục triệu đồng tùy thuộc thương hiệu và công nghệ. Đặc biệt, thị trường máy hút ẩm hiện nay rất đa dạng, từ những sản phẩm bình dân đến cao cấp, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng khác nhau.

    Chị Nguyễn Thị Trang, chủ một cửa hàng điện tử trên đường Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy) cho biết: “Cửa hàng ngày nào cũng đông khách đến hỏi mua máy sấy và máy hút ẩm. Có ngày chúng tôi bán được vài chục chiếc, hàng nhập về chưa kịp trưng bày đã hết sạch. Nhiều khách hàng còn đặt cọc trước để đảm bảo có hàng”.

    Mặc dù vậy, không phải ai cũng có điều kiện để sắm những chiếc máy hút ẩm cao cấp với giá bạc triệu. Đối với những người có thu nhập thấp như sinh viên, công nhân, họ thường tìm đến những giải pháp tiết kiệm hơn.

    Theo Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH), nhu cầu sử dụng các loại máy như máy sấy quần áo hay tủ sấy quần áo của người dân đang tăng cao. Tuy nhiên, nếu người dân sử dụng thiết bị này không đúng cách hoặc mua phải sản phẩm kém chất lượng, không đúng tiêu chuẩn sẽ tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ. Việc cháy, nổ từ máy sấy quần áo không chỉ gây thiệt hại về tài sản mà còn gây nguy hiểm đến sức khoẻ và tính mạng con người.

    Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho gia đình và bản thân, cần hiểu rõ nguyên nhân, cách phòng ngừa và giải pháp khi gặp sự cố liên quan đến cháy, nổ từ máy sấy quần áo.

    Để đảm bảo an toàn, Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy và Cứu nạn, Cứu hộ (Bộ Công an) khuyến cáo người dân cần nắm rõ nguyên nhân, cách phòng ngừa và xử lý khi xảy ra sự cố liên quan đến cháy nổ từ máy sấy quần áo. Những nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến tình trạng nguy hiểm này như không vệ sinh máy sấy thường xuyên sẽ gây cháy nổ do bụi bẩn và xơ vải tích tụ trong máy. Dù bộ lọc có thể giữ lại phần lớn xơ vải, một lượng nhỏ vẫn có thể lọt qua và bám vào bộ phận làm nóng hoặc ống xả, theo thời gian, chúng dễ bắt lửa khi nhiệt độ tăng cao. Ngoài ra, hệ thống thông gió bị tắc nghẽn cũng làm tăng nguy cơ quá nhiệt, dẫn đến cháy nổ.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/can-trong-lua-ngam-tu-thiet-bi-may-say-quan-ao-d230894.html

    Phát triển kỹ thuật mới tái chế quần áo bỏ đi thành giấy bền hơn

    Mặc dù nhiều loại giấy hiện nay có thể tái chế, nhưng rác thải dệt may vẫn chủ yếu chỉ bị đổ hoặc đốt (trừ một số trường hợp ngoại lệ mang tính thử nghiệm). Một kỹ thuật mới có thể thay đổi điều đó bằng cách kết hợp hai vật liệu, sử dụng quần áo cotton bỏ đi để tăng độ bền của giấy đóng gói.

    Kỹ thuật này đang được phát triển tại Đại học Công nghệ Graz của Áo, bởi một nhóm do nhà nghiên cứu sau tiến sĩ Thomas Harter đứng đầu. Quá trình này bắt đầu bằng việc xé quần áo cotton bỏ đi thành từng mảnh bằng máy, sau đó kết hợp với dung dịch dung môi gốc nước. Hỗn hợp đó sau đó được nghiền để tách các sợi cotton đan xen mà không để chúng vón cục hoặc tạo thành nút thắt.

    Bùn xơ thu được được cho là rất giống với bột giấy dùng trong sản xuất giấy. Trên thực tế, chất này được thêm vào bột giấy tái chế dùng trong sản xuất giấy đóng gói như bìa cứng, giúp tăng cường độ bền của sản phẩm hoàn thiện.


    Quần áo cotton vụn được ngâm trong dung dịch nước trước khi xay.

    Các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm được báo cáo đã chỉ ra rằng ngay cả khi giấy tăng cường chỉ chứa 30% sợi dệt, nó vẫn bền hơn đáng kể so với giấy đóng gói được làm hoàn toàn từ sợi giấy tái chế. Điều này là do sợi dệt dài trung bình 1,7 mm, dài hơn nhiều so với sợi giấy. Cả sợi bông và sợi gỗ thường được sử dụng trong sản xuất giấy chủ yếu bao gồm xenlulo.

    Điều quan trọng là giấy đóng gói tăng cường có thể được xử lý giống như giấy thông thường. Nó có màu nâu xen kẽ với các đốm màu từ vải nhuộm màu, nhưng đặc điểm đó không ảnh hưởng đến hiệu suất của nó.

    Người ta hy vọng khi công nghệ này được phát triển hơn nữa, nó có thể chuyển hướng chất thải dệt may khỏi việc chôn lấp, sản xuất ra giấy bao bì bền hơn, có thể sử dụng lâu hơn trước khi cần tái chế và giảm lượng giấy thải cần thiết để sản xuất giấy bao bì.

    Harter và các đồng nghiệp hiện đang khám phá phương pháp mở rộng công nghệ để sử dụng trong công nghiệp, một phần trong đó sẽ bao gồm việc giảm nhu cầu năng lượng cho quá trình xay xát. Điều này có thể được thực hiện bằng cách xử lý trước vải vụn bằng enzyme, giúp sợi bông dễ tách ra hơn.

    Tiểu My
    https://vietq.vn/phat-trien-ky-thuat-moi-tai-che-quan-ao-bo-di-thanh-giay-ben-hon-d230998.html

    Nhựa đường tự phục hồi sử dụng bào tử thực vật để ngăn hình thành ổ gà

    0

    Nếu muốn ngăn ổ gà hình thành trên đường nhựa cần phải xử lý khi chúng vẫn chỉ là những vết nứt nhỏ. Một loại nhựa đường tự phục hồi mới có thể làm được điều đó bằng cách sử dụng các bào tử thu được từ rêu.

    Vật liệu thử nghiệm hiện đang được các nhà khoa học từ Đại học Swansea và King’s College London ở Anh phát triển, hợp tác với các đồng nghiệp từ Đại học Bío-Bío ở Chile.

    Các nhà nghiên cứu bắt đầu bằng cách sử dụng các thuật toán học máy để mô hình hóa cách bitum (chất dính màu đen trong nhựa đường) bị oxy hóa và cứng lại để phản ứng với yếu tố môi trường. Khi đã cứng lại vượt quá ngưỡng nhất định, bitum sẽ nứt thay vì giãn ra khi chịu tải trọng nặng.

    Để chữa lành các vết nứt nhỏ ban đầu trước khi chúng có thể hình thành vết nứt lớn hơn và cuối cùng là ổ gà cần phải có cách trẻ hóa bitum bị oxy hóa. Đó là nơi các bào tử xuất hiện. Các nhà khoa học bắt đầu bằng cách lấy bào tử từ cây rêu sừng hươu (Lycopodium clavatum). Sử dụng nhiều phương pháp xử lý hóa học khác nhau, các nhà nghiên cứu có thể loại bỏ tế bào sinh sản từ bên trong các bào tử đó, khiến chúng trở nên rỗng.


    Tiến sĩ Jose Norambuena-Contreras của Đại học Swansea với một mẫu nhựa đường tự phục hồi.

    Tiếp theo, sử dụng kỹ thuật đóng gói chân không và ly tâm, các nhà khoa học đã nạp các bào tử bằng tải trọng dầu hướng dương. Các bào tử đã nạp sau đó được thêm vào bitum, sử dụng để sản xuất các mảnh nhựa đường nhỏ.

    Khi các mẫu nhựa đường chịu tác động của điều kiện khiến các vết nứt nhỏ hình thành trong bitum, bào tử bên trong các vết nứt đó vỡ ra và giải phóng dầu hướng dương. Dầu đó làm trẻ hóa bitum bị oxy hóa, khiến các vết nứt biến mất trong vòng chưa đầy một giờ.

    “Trong nghiên cứu của mình, chúng tôi muốn mô phỏng các đặc tính chữa lành được quan sát thấy trong tự nhiên. Ví dụ, khi một cái cây hoặc động vật bị chặt, vết thương sẽ tự lành theo thời gian, sử dụng chính sinh học của chúng. Việc tạo ra nhựa đường có thể tự lành sẽ làm tăng độ bền của đường và giảm nhu cầu lấp ổ gà của con người”, Tiến sĩ Francisco Martin-Martinez của King College London cho biết.

    Tiểu My
    https://vietq.vn/nhua-duong-tu-phuc-hoi-su-dung-bao-tu-thuc-vat-de-ngan-chan-o-ga-hinh-thanh-d230929.html