30 C
Hanoi
Thứ hai, Tháng mười một 18, 2024
More
    Home Blog Page 13

    Lịch sử hình thành và phát triển của HACCP

    0

    Lợi ích to lớn do HACCP mang lại không chỉ dành cho doanh nghiệp, tổ chức áp dụng HACCP mà cao hơn thế nhằm hướng tới một nền thực phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thuận lợi thương mại và đặc biệt quan trọng là bảo vệ, nâng cao sức khỏe con người.

    Khái niệm “Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (Hazard Analysis and Critical Control Points – HACCP)” được phát triển lần đầu tiên vào những năm của thập niên 1960 bởi Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia Hoa Kỳ (NASA). Đây là hoạt động hợp tác của NASA với Công ty Pillsbury (Pillsbury là một trong những nhà sản xuất bánh ngọt và sản xuất ngũ cốc và nhiều loại thực phẩm lớn nhất thế giới cho đến khi được General Mills mua lại vào năm 2001), hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát các yếu tố gây bệnh và tăng thời hạn sử dụng để phục vụ cho phi hành gia bay vào vũ trụ.

    Trong thời kỳ sơ khai, chương trình HACCP của NASA tập trung vào 3 nguyên tắc cốt lõi và yêu cầu nghiêm ngặt về yếu tố gây bệnh đối với thực phẩm. HACCP yêu cầu các quy trình thử nghiệm cồng kềnh khiến số lượng thực phẩm vượt qua yêu cầu của HACCP là rất ít.

    Đồng thời, nhận thấy tiềm năng của việc triển khai HACCP nhằm giảm thiểu mối nguy về an toàn thực phẩm, Pillsbury bắt đầu cải thiện hệ thống HACCP của các chương trình vũ trụ. Họ cũng bắt đầu triển khai thí điểm hệ thống quản lý này vào các hoạt động quản lý an toàn thực phẩm của riêng mình trong phạm vi công ty.

    Dấu mốc quan trọng đến vào năm 1971, tại Hội nghị quốc gia lần thứ nhất về bảo vệ thực phẩm, HACCP lần đầu tiên được trình bày với triển vọng đầy hứa hẹn dành cho ngành thực phẩm. Năm 1972, Pillsbury bắt đầu các hoạt động đào tạo đầu tiên cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và HACCP đã được áp dụng rộng rãi trong quy định đóng hộp có hàm lượng axit thấp.

    Tiếp theo, báo cáo năm 1980 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)/Ủy ban Quốc tế về An toàn Vi sinh vật trong thực phẩm (ICMSF) đã công bố về HACCP. WHO EUROPE đã khuyến nghị sử dụng HACCP vào năm 1983. Năm 1985, Học viện Khoa học Quốc gia Hoa kỳ đưa ra kết luận rằng HACCP là phương pháp đầy đủ để đảm bảo an toàn thực phẩm. Một kết quả khác từ báo cáo năm 1985, Ủy ban Cố vấn Quốc gia Hoa Kỳ về Vi sinh vật trong thực phẩm (NACMCF).

    Đầu những năm 1990, trong bối cảnh các vụ ngộ độc thực phẩm nghiệm trọng thường xuyên xảy ra tại Hoa Kỳ nói riêng và thế giới nói chung, yêu cầu kiểm soát an toàn thực phẩm trở nên rất bức thiết. Trong giai đoạn này, nhiều cuộc họp và nhóm an toàn thực phẩm ủng hộ áp dụng HACCP. Năm 1992, Ủy ban Cố vấn Quốc gia Hoa Kỳ về vi sinh vật trong thực phẩm đã công bố tài liệu trình bày bảy nguyên tắc cốt lõi làm trọng tâm cho HACCP lần đầu tiên.

    Năm 1993, Ủy ban Codex Alimentarius (Ủy ban chung của Liên Hợp Quốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) được thành lập năm 1963 để xây dựng một bộ quy tắc quốc tế về tiêu chuẩn chất lượng thực phẩm) thông qua Hướng dẫn áp dụng Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn. Đến năm 1997, Ủy ban Codex Alimentarius đã ban hành các hướng dẫn chính thức về HACCP khuyến nghị rằng các quốc gia nên áp dụng HACCP trong hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của mình.

    Từ năm 2000, nhiều quốc gia bắt đầu áp dụng HACCP một cách chính thức trong các quy định về an toàn thực phẩm, bao gồm cả Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Hiện nay, HACCP là công cụ phổ biến tại Việt Nam để kiểm soát an toàn thực phẩm.

    Hệ thống tiêu chuẩn về HACCP CODEX

    Năm 1969, Uỷ Ban Tiêu chuẩn hóa Thực phẩm (CODEX) ban hành lần đầu “Các nguyên tắc về vệ sinh thực phẩm”, ký hiệu CXC 1-1969. Các nguyên tắc về vệ sinh thực phẩm có nội dung bao gồm: Thực hành vệ sinh tốt (GHP) và Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn nhằm mục đích:

    – Cung cấp nguyên tắc và hướng dẫn về việc áp dụng các GHP được áp dụng trong toàn bộ chuỗi thực phẩm để cung cấp thực phẩm an toàn và phù hợp cho nhu cầu tiêu dùng;

    – Cung cấp hướng dẫn về việc áp dụng các nguyên tắc HACCP;

    – Làm rõ mối quan hệ giữa các GHP và HACCP;

    – Cung cấp cơ sở để có thể thiết lập các quy tắc thực hành dành riêng cho ngành và sản phẩm.

    Các phiên bản của các nguyên tắc về vệ sinh thực phẩm: CXC/RCP 1-1969; CXC/RCP 1-1969, Rev.3-1997; CXC/RCP 1-1969, Rev.4-2003; CXC/RCP 1-1969, Rev5-2020.

    Những thay đổi của HACCP Codex CXC/RCP 1-1969, Rev5-2020 so với các phiên bản trước đó

    Vào ngày 25 tháng 9 năm 2020, Ủy ban Codex Alimentarius đã thông qua các nguyên tắc về vệ sinh thực phẩm CXC/RCP 1-1969, Rev5-2020 và phục lục HACCP. Phiên bản này có nhiều thay đổi được thực hiện so với phiên bản năm 2003 trước đó. Một số thay đổi được tóm tắt như sau:

    – Thay đổi về cấu trúc tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn đã được cấu trúc lại với 2 phần chính: phần thực hành vệ sinh tốt (good practice hygiene) và phần các nguyên tắc haccp. Cấu trúc phần thực hành vệ sinh tốt đã được sắp xếp lại, bổ sung thêm phần nguyên tắc chung.

    – Nguyên tấc chung: Phần nguyên tắc chung được bổ sung vào để làm rõ hơn yêu cầu kiểm soát các mối nguy an toàn thực phẩm phải dựa trên cơ sở khoa học, các biện pháp kiểm soát phải được thẩm định trên cơ sở khoa học. Hệ thống kiểm soát an toàn thực phẩm phải được thẩm tra, xem xét định kỳ và thực hiện các hành động khắc phục khi cần thiết. Yêu cầu trao đổi thông tin giữa các bên liên quan trong toàn chuỗi cung ứng thực phẩm.

    – Cam kết của lãnh đạo và văn hóa an toàn thực phẩm: Để đảm bảo thành công của hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, cam kết của lãnh đạo trong việc thiếp lập và duy trì văn hóa an toàn thực phẩm trong tổ chức đã được thêm vào trong HACCP CODEX 2020.

    + Trách nhiệm và quyền hạn phải được thông tin bên trong tổ chức.

    + Trao đổi thông tin.

    + Cung cấp nguồn lực.

    + Đào tạo nhân viên.

    + Tuân thủ các yêu cầu luật định.

    + Cải tiến liên tục

    – Kiểm soát chất gây dị ứng

    HACCP CODEX 2020 bổ sung thêm mối nguy và yêu cầu kiểm soát chất gây dị ứng bên cạnh các mối nguy vật lý, hóa học, sinh học. Yêu cầu về quản lý chất gây dị ứng được tham chiếu đến: “Code of Practice on Food Allergen Management for Food Business Operators (CXC 334-2020).

    + Nhận dạng chất dây dị ứng trong nguyên liệu.

    + Kiểm soát nhiễm chéo (bảo quản, vệ sinh, swab test,…).

    + Đào tạo nhận thức về quản lý chất gây dị ứng.

    + Ghi nhãn và cung cấp thông tin chất gây dị ứng đến khách hàng và người tiêu dùng.

    – Các bước chuẩn bị và 7 nguyên tắc HACCP

    + 5 bước chuẩn bị cho HACCP được mô tả chi tiết hơn. Ví dụ: Lưu đồ sản xuất yêu cầu chi tiết hơn HACCP CODEX 2003.

    + Định nghĩa rõ mối nguy đáng kể (significant hazard) và việc xác định điểm kiểm soát tới hạn (CCP) chỉ áp dụng cho mối nguy đáng kể.

    + Sơ đồ cây quyết định không còn là lựa chọn duy nhất khi xác định CCP, có thể dùng phương pháp tiếp cận khác để xác định CCP.


    7 nguyên tắc của HACCP.

    TCVN 5603 và HACCP CODEX

    Tại Việt Nam, HACCP CODEX đã được biên soạn thành tiêu chuẩn quốc gia với số hiệu TCVN 5603. Tiêu chuẩn này đưa ra nguyên tắc chung mà các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần hiểu và tuân theo ở tất cả công đoạn của chuỗi thực phẩm và làm cơ sở cho các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra an toàn thực phẩm và sự phù hợp của thực phẩm.

    Dựa trên việc xem xét các công đoạn trong chuỗi thực phẩm, bản chất của sản phẩm, các chất ô nhiễm có liên quan và liệu chất này có ảnh hưởng tiêu cực đến tính an toàn và tính phù hợp hoặc cả hai hay không, các nguyên tắc này cho phép cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm xây dựng các quy phạm thực hành vệ sinh thực phẩm riêng và biện pháp kiểm soát an toàn cần thiết, đồng thời tuân thủ yêu cầu do cơ quan có thẩm quyền quy định. Các phiên bản TCVN 5603 bao gồm:

    TCVN 5603:1991 hoàn toàn tương đương với CXC/RCP 1-1969;

    TCVN 5603:1998 hoàn toàn tương đương với CXC/RCP 1-1969, Rev.3-1997;

    TCVN 5603:2008 hoàn toàn tương đương với CXC/RCP 1-1969, Rev.4-2003;

    TCVN 5603:2023 được xây dựng trên cơ sở tham khảo CXC 1-1969, R.5-2020;

    TCVN 5603:2023 do Ban Kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/TC/F3 nguyên tắc chung về vệ sinh thực phẩm biên soạn, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng nay là Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia đề nghị, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

    Phạm vi áp dụng của HACCP rất rộng, bao gồm: Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản, thực phẩm, thức ăn chăn nuôi…; các cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, khu chế xuất, thức ăn công nghiệp; các cơ sở dịch vụ về ăn uống, nhà hàng, khách sạn và tổ chức hoạt đông liên quan tới thực phẩm…

    Cuối cùng, những lợi ích to lớn do HACCP mang lại không chỉ dành cho doanh nghiệp, tổ chức áp dụng HACCP mà cao hơn thế nhằm hướng tới một nền thực phẩm an toàn, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thuận lợi thương mại và đặc biệt quan trọng là bảo vệ, nâng cao sức khỏe con người.

    Thanh Thủy – Ban QLCL& ĐGSPH
    https://vietq.vn/lich-su-hinh-thanh-va-phat-trien-cua-haccp-d225157.html

    Rau mầm tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc

    0

    Thông tin từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, rau mầm là món ăn có giá trị dinh dưỡng cao hơn nhiều loại rau thông thường, được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, rau mầm rất dễ bị nhiễm khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm bởi các vi khuẩn: Salmonella, E.coli, Listeria…

    Thông thường rau mầm được dùng để ăn sống kèm với salad, món cuộn hoặc ăn cùng các loại bánh tráng, hải sản, thịt hoặc nhúng lẩu. Các loại rau mầm thường gặp như: Mầm cải, mầm lạc, mầm đậu xanh, đậu trắng, mầm cỏ linh lăng… Hầu hết rau mầm đều phải trồng trong môi trường ấm, đây chính là điều kiện để các loại vi khuẩn phát triển. Khi trồng rau mầm, nếu đất, rơm, xơ dừa… không được tiệt trùng để diệt vi khuẩn, nấm mốc ở trong môi trường nóng ẩm, ít nắng là nguy cơ làm cho rau mầm nhiễm nấm mốc, vi khuẩn như Pythium, E.coli…

    Bên cạnh đó, đất để gieo rau mầm có thể chứa nhiều kim loại nặng hoặc hàm lượng nitrat cao, khi ăn vào có thể bị ngộ độc, đặc biệt với trẻ nhỏ. Trong quá trình chăm sóc rau không bảo đảm an toàn rau cũng sẽ bị nhiễm khuẩn. Nước tưới cho rau mầm phải là nước sinh hoạt sạch; Dùng các loại nước bã chè, nước gạo sẽ khiến vi khuẩn gia tăng.

    Nếu gieo rau mầm bằng những hạt có tẩm hóa chất, do thời gian thu hoạch ngắn ngày nên tồn dư hóa chất chưa được phân hủy có thể gây ngộ độc cho người tiêu dùng, ảnh hưởng tới sức khỏe. Muốn trồng rau mầm phải chọn hạt giống sạch, dành riêng cho rau mầm.


    Cây rau mầm có nguy cơ gây ngộ độc. (Ảnh minh họa).

    PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về công nghệ thực phẩm cảnh báo, rau mầm rất dễ bị nhiễm khuẩn trong quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản.

    Theo PGS. Thịnh, hạt giống cần điều kiện ấm, ẩm và giàu dinh dưỡng để mầm phát triển. Những điều kiện này là lý tưởng cho sự phát triển nhanh chóng của vi khuẩn. Mọi người hay sử dụng xơ dừa hoặc rơm cắt nhỏ để làm giá thể trồng rau mầm. Nếu các giá thể trên chưa sạch và không tiệt trùng sẽ khiến cho rau mầm dễ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc. Bên cạnh đó, nước dùng để tưới nếu không sạch, bị nhiễm khuẩn hoặc lẫn chất độc hại sẽ khiến rau mầm bị nhiễm vi khuẩn và các chất độc hại.

    Để ăn rau mầm không bị ngộ độc, PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, người tiêu dùng nên lựa chọn mua rau mầm ở những cơ sở uy tín, đáng tin cậy, có nguồn gốc rõ ràng. Không nên mua rau mầm có màu lạ, thân và lá rau to, xanh, bóng mượt quá mức. Đây là dấu hiệu thường gặp ở rau mầm có chứa chất bảo quản và chất kích thích sinh trưởng.

    Rau mầm trước khi chế biến cần được rửa nhiều lần, thật sạch và kỹ dưới vòi nước chảy. Sau khi rửa xong, cần ngâm rau mầm trong nước muối pha loãng khoảng 10-15 phút rồi rửa lại với nước sạch để loại bỏ hóa chất còn tồn đọng trong rau, giảm nguy cơ ngộ độc. Để an toàn và tốt nhất là nên mua hạt giống rau mầm về gieo tại nhà. Khi đó, người tiêu dùng có thể kiểm soát được nguồn nước tưới, quy trình công nghệ để rau không bị nhiễm độc. Các chuyên gia y tế khuyến cáo, cũng như các loại rau khác, rau mầm có nguy cơ nhiễm khuẩn, gây ngộ độc thực phẩm, khi trồng rau mầm tại nhà, cần lưu ý đến các dụng cụ, hạt giống và nắm vững quá trình nuôi trồng.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/rau-mam-tiem-an-nguy-co-ngo-doc-d225118.html

    9 lợi ích thực hiện ESG mang lại cho doanh nghiệp

    0

    Phát triển bền vững ESG đang ngày càng thu hút sự quan tâm, đầu tư triển khai của doanh nghiệp. Mặc dù vậy, lợi ích của doanh nghiệp nhận được khi thực hiện ESG là gì vẫn là câu hỏi luôn được đặt ra.

    3 tiêu chuẩn của ESG

    ESG là viết tắt của 3 tiêu chuẩn đó là: Environmental (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị).

    Tiêu chuẩn môi trường được đánh giá bằng cách doanh nghiệp hoặc tổ chức quản lý các tác động của họ lên môi trường, bao gồm việc giảm thiểu khí thải carbon, sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

    Tiêu chuẩn xã hội được đánh giá bằng cách doanh nghiệp hoặc tổ chức tương tác và có tác động đến các bên liên quan khác nhau như nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp và cộng đồng. Điều này bao gồm các chính sách về quyền lao động, điều kiện làm việc, sự đa dạng và hòa nhập, cũng như các hoạt động cộng đồng.

    Tiêu chuẩn quản trị đánh giá cấu trúc và thực tiễn quản lý của doanh nghiệp hoặc tổ chức, thông qua cách doanh nghiệp quản lý rủi ro, sự minh bạch và trung thực trong báo cáo tài chính, cấu trúc hội đồng quản trị, các chính sách về lương thưởng và ưu đãi.

    Hiện các nhà đầu tư ngày càng chú trọng đến ESG vì họ tin rằng các công ty có tiêu chuẩn ESG cao có thể là các khoản đầu tư bền vững và ít rủi ro hơn trong dài hạn.

    Dưới đây là 9 lợi ích từ việc thực hiện ESG mang lại cho doanh nghiệp:

    1. ESG giúp kiểm soát những rủi ro: Việc tuân thủ các tiêu chí ESG giúp doanh nghiệp nhận diện và quản lý các rủi ro liên quan đến môi trường, xã hội và quản trị, từ đó giảm thiểu nguy cơ phải đối mặt với các vấn đề pháp lý và tài chính.
    2. ESG giúp doanh nghiệp tối ưu hóa chi phí: Các thực hành bền vững như sử dụng năng lượng tái tạo, quản lý chất thải hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên không chỉ giảm thiểu tác động môi trường mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và tăng cường hiệu quả hoạt động.
    3. ESG giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn đầu tư bền vững: ESG ngày nay đã trở thành yếu tố đánh giá quan trọng của các quỹ, các tổ chức đầu tư trên thế giới khi xem xét đầu tư, đặc biệt là các tổ chức đầu tư bền vững.
    4. ESG hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay phù hợp: Việc áp dụng ESG cũng dần trở thành tiêu chí phổ biến, nhất là với nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính phát triển bền vững, vay nước ngoài.
    5. ESG hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng khả năng tiếp cận thị trường: Các tiêu chuẩn ESG không chỉ là yêu cầu bởi các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức tài chính mà đã trở thành yêu cầu của các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ… Vì vậy, doanh nghiệp muốn tìm kiếm khách hàng, đối tác mới trên thị trường, yêu cầu bắt buộc phải thực hành ESG.
    6. ESG giúp cải thiện hình ảnh và danh tiếng: Doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chí ESG thường được xem là có trách nhiệm và đạo đức, từ đó thu hút được sự tin tưởng của khách hàng, nhà đầu tư và cộng đồng.
    7. ESG giúp thu hút và giữ chân nhân tài: Môi trường làm việc bền vững và có trách nhiệm xã hội luôn thu hút những nhân viên chất lượng cao và giữ chân họ lâu dài, vì nhiều người lao động ngày nay mong muốn làm việc cho các doanh nghiệp có ý nghĩa và giá trị xã hội.
    8. ESG giúp gắn kết khách hàng: Khách hàng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc và cách thức sản xuất của sản phẩm. Họ có xu hướng ủng hộ các doanh nghiệp có tiêu chuẩn ESG cao.
    9. ESG giúp thích ứng với các thay đổi: Bằng cách tập trung vào các yếu tố bền vững, doanh nghiệp có thể xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển dài hạn, giúp duy trì khả năng cạnh tranh và thích ứng với các thay đổi trong môi trường kinh doanh.

    Theo đó, phát triển bền vững dựa trên tiêu chuẩn ESG không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội và môi trường, tạo ra giá trị lâu dài cho cả doanh nghiệp và cộng đồng.

    VNCPC (tổng hợp)

    https://vncpc.org/9-loi-ich-thuc-hien-esg-mang-lai-cho-doanh-nghiep/

    Lợi ích bất ngờ từ lá chuối đối với sức khỏe

    0

    Lá chuối chứa nhiều chất quan trọng như lignin, allantonlin, hemiselulosa, polyphenol và protein, rất hữu ích đối với sức khỏe và làm đẹp. Dưới đây là lợi ích của lá chuối mà bạn không nên bỏ lỡ.

    Ngoài việc dùng để gói thức ăn, lá chuối còn có thể sử dụng như một chiếc đĩa tự nhiên. Ăn trên lá chuối không chỉ mang đến cảm giác gần gũi với thiên nhiên mà còn giúp cơ thể hấp thụ thêm các chất chống oxy hóa có trong lá chuối.

    Điều trị đau họng

    Một trong những lợi ích tuyệt vời của lá chuối là giảm đau rát cổ họng. Người dùng chỉ cần luộc lá chuối già đã được phơi khô sau đó đun lên như pha trà thông thường và uống 2 lần/ngày để cải thiện tình trạng đau họng.

    Tăng sức đề kháng

    Một lợi ích khác của lá chuối là giúp hạ nhiệt và tăng sức đề kháng cho cơ thể. Hàm lượng allantoin trong lá chuối rất hữu ích cho hệ thống miễn dịch.

    Đun sôi lá chuối, để nguội, sau đó cho một chút mật ong để tăng thêm đặc tính, mùi vị. Uống nước lá chuối giúp đẩy nhanh quá trình chữa bệnh và bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của bệnh tật.

    Chữa bệnh kiết lỵ

    Bệnh kiết lỵ xảy ra do ruột bị viêm nhiễm dẫn đến chảy máu khi đại tiện. Một trong những nguyên liệu dân gian để chữa bệnh kiết lỵ là lá chuối bởi có thể khắc phục tình trạng viêm ruột.


    Bất ngờ trước những lợi ích của lá chuối. (Ảnh minh họa).

    Duy trì vẻ đẹp làn da

    Lá chuối là nguyên liệu làm đẹp da tự nhiên. Chất allantoin, chất chống oxy hóa có trong lá chuối sẽ giúp ngăn ngừa dấu hiệu lão hóa sớm trên da như xuất hiện nếp nhăn, tàn nhang.

    Ngoài ra, lá chuối còn chữa kích ứng da, giảm mụn trứng cá và cung cấp độ ẩm thiết yếu cho da. Cũng có thể xay nhuyễn hoặc dùng nước luộc lá chuối đắp lên mặt và toàn bộ cơ thể để sở hữu làn da mịn màng. Đồng thời, việc uống nước lá chuối đun sôi thường xuyên có thể tiêu diệt vi khuẩn trên da và giúp da luôn khỏe mạnh, săn chắc.

    Duy trì mái tóc khỏe

    Một tác dụng khác của lá chuối là làm sạch da đầu, giúp mái tóc khỏe mạnh. Nếu thấy ngứa da đầu, tóc có gàu hoặc dễ gãy rụng hãy đắp mặt nạ lá chuối cho tóc trong nửa giờ và rửa sạch. Khi đó, tình trạng ngứa da đầu sẽ được cải thiện và tóc sẽ chắc khỏe hơn.

    Tăng cường hệ miễn dịch

    Lá chuối chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm polyphenol và flavonoid. Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Pharmacology vào năm 2018, các chất chống oxy hóa có thể ức chế sự hình thành gốc tự do và do đó giảm stress oxy hóa, đồng thời cải thiện chức năng miễn dịch.

    Giải độc

    Các chất chống oxy hóa và chống viêm trong lá chuối hỗ trợ quá trình giải độc tự nhiên của cơ thể. Chúng giúp loại bỏ độc tố, giảm viêm và giúp cơ thể khỏe mạnh.

    Hỗ trợ tiêu hóa

    Các chất có trong lá chuối giúp làm dịu dạ dày, giảm tình trạng đầy hơi và khó tiêu. Khi sử dụng lá chuối gói xung quanh các món ăn trong quá trình nấu nướng, chất dinh dưỡng trong thức ăn được bảo quản tốt hơn, giúp cơ thể hấp thụ hiệu quả.

    Chống viêm

    Các hợp chất trong lá chuối có tính chống viêm, có thể giúp giảm viêm trong cơ thể. Nhờ đó, có thể dùng lá chuối để hỗ trợ điều trị các bệnh liên quan đến viêm, đặc biệt là các bệnh về khớp.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/loi-ich-bat-ngo-tu-la-chuoi-doi-voi-suc-khoe-d225148.html

    Tiêu chuẩn ESG và 3 trụ cột chính

    Phát triển bền vững là xu hướng tất yếu đối với tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy, tiêu chuẩn ESG đang ngày càng thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp.

    ESG gồm những tiêu chuẩn gì?

    ESG (Environment – môi trường, Social – xã hội và Governance – quản trị doanh nghiệp) là bộ 3 tiêu chuẩn để đo lường những yếu tố liên quan đến định hướng, hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp. ESG giúp doanh nghiệp xác định các rủi ro và cơ hội, cũng như mức độ ảnh hưởng khi áp dụng chúng vào vận hành.

    Điểm số ESG được đánh giá dựa trên những tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của doanh nghiệp khi quản lý các ảnh hưởng đó. Điểm ESG càng cao càng chứng tỏ cho việc thực hành tốt ESG tại tổ chức.

    Điểm số ESG được đánh giá dựa trên những tác động của doanh nghiệp đến môi trường, xã hội, và hiệu suất quản trị của doanh nghiệp khi quản lý các ảnh hưởng đó.

    3 trụ cột của ESG

    Tiêu chuẩn ESG bao gồm đa dạng vấn đề, bắt nguồn từ luật quốc tế, luật địa phương, các thỏa thuận, nguyên tắc ở mỗi quốc gia. Để thực hiện ESG, doanh nghiệp cần đáp ứng 3 trọng tâm chính với hàng chục tiêu chí cụ thể.

    1. Môi trường

    Môi trường là khía cạnh đầu tiên đo lường mức độ doanh nghiệp tác động đến tự nhiên trong suốt quá trình sản xuất, vận hành, quản lý… Khía cạnh môi trường được đo lường dựa trên 4 yếu tố, bao gồm:

    Biến đổi khí hậu

    Tiêu chí biến đổi khí hậu được đánh giá dựa trên các cam kết quốc tế và trong nước, chính sách quốc gia và quy định tại địa phương đó. Tại doanh nghiệp tiêu chí này được đánh giá dựa trên lượng khí thải nhà kính phát thải từ hoạt động kinh doanh.

    Với vai trò tiên phong trong việc tạo ra các chính sách ESG, Chính phủ sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp có động lực và cơ sở rõ ràng hơn khi nỗ lực đạt được các cam kết liên quan đến mục tiêu ESG.

    Năng lượng

    Khi các doanh nghiệp thực hiện ESG phải đảm bảo khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng. Bên cạnh sự tối ưu, quá trình tìm kiếm, sử dụng các nguồn năng lượng thay thế có tính vô hạn đang được khuyến khích… Điều này giúp tránh tình trạng cạn kiệt năng lượng, doanh nghiệp luôn có thể hoạt động mà không phụ thuộc vào các nguồn bị giới hạn. Từ đó, thúc đẩy quá trình sản xuất ngày càng phát triển hơn.

    Tài nguyên thiên nhiên

    Tài nguyên thiên nhiên bao gồm đất, nước, cây xanh, khoáng sản, không khí… Để đạt điểm ESG cao ở mục này, doanh nghiệp phải đảm bảo có đầy đủ giấy cấp phép khi sử dụng bất kỳ nguồn tài nguyên nào. Ngoài ra, nhiều tổ chức cũng ghi điểm khi chủ động/góp phần cải tạo, khôi phục các khu vực bị ô nhiễm.

    Đặc biệt, thay vì giảm thiểu, một số doanh nghiệp trong thời đại 4.0 còn nghiên cứu và triển khai các loại công nghệ mới có thể tự tạo ra tài nguyên mà không gây tác động đến môi trường.

    Xử lý và tái chế chất thải

    Muốn xử lý chất thải đạt chuẩn ESG, các doanh nghiệp cần thống kê, lên danh sách chi tiết từng loại và khối lượng chất thải nguy hiểm. Sau đó tiến hành thu gom, phân loại chúng và lưu trữ đảm bảo không gây ô nhiễm. Theo quy định, doanh nghiệp có thể di chuyển và đem chúng đến nơi xử lý thích hợp theo giấy phép. Nếu được, doanh nghiệp có thể tái chế, tái sử dụng để giảm chất thải ra môi trường, tối ưu hóa năng lượng. Doanh nghiệp còn có thể tự mình sáng chế, hoặc dùng các dịch vụ tái chế để đảm bảo chất thải được xử lý đúng cách theo quy định của pháp luật.

    1. Xã hội

    Xã hội là khía cạnh thứ 2 trong ESG giúp các doanh nghiệp đánh giá các yếu tố liên quan như mối quan hệ kinh doanh của công ty với khách hàng, đối tác; điều kiện làm việc của nhân viên theo luật Lao động ở Việt Nam. Tiêu chuẩn này bao gồm 4 yếu tố chính:

    Quyền riêng tư và bảo mật

    Đây là tiêu chí quan trọng nhưng quy định và luật lệ về chúng còn khá mới ở nước ta. Khi thực hiện ESG, các doanh nghiệp cần sự cho phép của chủ sở hữu trước khi thu thập, sử dụng hoặc làm bất cứ điều gì với dữ liệu của họ. Đặc biệt doanh nghiệp phải cam kết có các biện pháp bảo vệ dữ liệu, tuyệt đối không được tiết lộ thông tin cá nhân.

    Tính đa dạng, công bằng và hòa nhập

    Cơ sở để đánh giá điểm ESG ở mục này là Luật Lao động. Theo đó, các tổ chức không được phân biệt đối xử với nhân viên dù họ có giới tính, màu da, chủng tộc, tôn giáo, hay ở bất cứ tầng lớp xã hội, tổ chức nào. Nhân sự nam và nhân sự nữ cần công bằng về mọi mặt: công việc, cơ hội thăng tiến, lương thưởng…

    Môi trường làm việc an toàn

    Nơi làm việc cần đảm bảo về an toàn lao động và sức khỏe. ESG nghiêm cấm các trường hợp ép buộc lao động, ngược đãi, bóc lột, quấy rối… Tiêu chuẩn cũng khắt khe trong việc sử dụng nhân lực dưới 18 tuổi, bên cạnh đó, tổ chức cần thực hiện đúng giờ giấc cũng như tính chất công việc được luật Lao động cho phép.

    Điều kiện làm việc 

    ESG dựa theo những quy định trong luật pháp Việt Nam để xem xét điểm số cho doanh nghiệp như mức lương, giờ làm việc, khám sức khỏe, chính sách bảo hiểm…

    1. Quản trị doanh nghiệp

    Khía cạnh cuối cùng của ESG là quản trị, liên quan đến các hoạt động của tổ chức đảm bảo tính hiệu quả, minh bạch, đạo đức kinh doanh và tuân thủ các quy định pháp luật.

    Công bố báo cáo ESG

    Luật Việt Nam quy định các doanh nghiệp thực hiện ESG phải công bố thông tin, kết quả hoạt động hằng năm như khai thác và tiêu thụ tài nguyên, chính sách lao động, báo cáo tài chính, đóng góp cho cộng đồng… Báo cáo này cần nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam và Sở Giao dịch chứng khoán.

    Chống hối lộ và tham nhũng

    Đây là yếu tố rất được quan tâm trong quản trị và được đánh giá theo luật Phòng chống hối lộ và tham nhũng, luật Hình sự của Việt Nam.

    Tính đa dạng và hòa nhập của hội đồng quản trị

    Tiêu chí ESG này đánh giá sự đa dạng về nguồn gốc của các thành viên trong hội đồng quản trị về giới tính và lý lịch. Theo luật pháp Việt Nam, trong một số trường hợp còn buộc phải có hội đồng quản trị độc lập, chẳng hạn 1/5 thành viên hội đồng quản trị của công ty đại chúng chưa niêm yết phải độc lập.

    Không phải là phong trào, hiện ESG được xem là chìa khóa giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Do vậy, để bắt kịp xu hướng và hoàn thành tốt bộ tiêu chuẩn này, lãnh đạo doanh nghiệp cần có sự tìm hiểu sâu rộng về ESG và có cách quản trị phù hợp các khuôn khổ pháp lý và các thông lệ ESG hiện hành.

    VNCPC (tổng hợp)

    https://vncpc.org/tieu-chuan-esg-va-3-tru-cot-chinh/

    Hàm lượng thực phẩm siêu chế biến trong mì ăn liền có hại cho sức khỏe?

    Thực phẩm siêu chế biến trong mì ăn liền chứa hàm lượng đường, muối cao và được làm từ những thành phần “thường không có trong bếp”.

    Thực phẩm siêu chế biến thường có hàm lượng đường, muối cao và được làm từ những thành phần mà “chúng ta thường không tìm thấy trong bếp”, Jinan Banna, chuyên gia dinh dưỡng, đồng thời là Giáo sư dinh dưỡng tại Đại học Hawaii chia sẻ.

    Nếu phải chọn loại thực phẩm siêu chế biến có hại cho sức khỏe hàng đầu để tránh sử dụng, Banna nói, đó là mỳ ăn liền. “Tôi thường không ăn mỳ ăn liền. Nếu tôi thèm mỳ tôi sẽ tự nấu riêng”.

    Banna cho biết, mỳ ăn liền thường chứa mỳ và gói gia vị, với hàm lượng natri và chất béo bão hòa cao. Chúng cũng thường ít chất xơ. “Nhìn chung, tôi không coi mỳ ăn liền là thực phẩm lành mạnh”, cô nói.

    Theo Banna, thực phẩm có hàm lượng natri hoặc chất béo bão hòa cao có thể góp phần gây ra bệnh mãn tính như bệnh tim. “Tất nhiên, chúng ta cần một ít natri. Nhưng tiêu thụ quá nhiều lại là vấn đề”. Nhắc đến hàm lượng natri và chất béo bão hòa, một cách tốt để hiểu sản phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng này thấp hay cao là sử dụng quy tắc 5/20. Theo đó, nếu giá trị hằng ngày của sản phẩm là 5% trở xuống, đó là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng thấp. Nếu con số từ 20% trở lên, đó là dấu hiệu cho thấy lượng natri và chất béo bão hòa khá cao.


    Mỳ ăn liền thường chứa mỳ và gói gia vị, với hàm lượng natri và chất béo bão hòa cao.

    Banna nói, bạn cũng có thể tự nấu mỳ tại nhà, thường sẽ có ít natri hơn nhiều, đồng thời có thể chủ động thêm rau và các loại đậu để có chất xơ. Hầu hết người Mỹ không nạp đủ chất xơ, trong khi thành phần này rất quan trọng để duy trì hệ tiêu hóa và cân nặng khỏe mạnh.

    Nhưng nếu mỳ ăn liền là một trong những món ăn yêu thích, thỉnh thoảng bạn vẫn có thể ăn, bởi tất cả các loại thực phẩm đều có thể phù hợp với chế độ ăn uống ở mức độ vừa phải.

    Chuyên gia khuyến cáo, mỳ tôm là thực phẩm tiện lợi nhưng bản thân nó không đủ chất dinh dưỡng nên nếu dùng thay thế bữa chính, ăn liên tục sẽ rơi vào tình trạng thiếu dinh dưỡng.

    Đặc biệt, với trẻ nhỏ đang tuổi phát triển, việc lạm dụng mỳ tôm dễ dẫn tới suy dinh dưỡng. Mỳ tôm là sản phẩm công nghiệp, có rất nhiều chất phụ gia, đặc biệt là muối. Việc cho trẻ ăn quá mặn sẽ tạo nên thói quen ăn mặn, gây các hệ lụy về tim mạch, huyết áp sau này.

    TS. BS Trương Hồng Sơn – Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng nói rằng cho tới nay chưa ai khẳng định ăn mỳ tôm sinh bệnh, cũng không có khuyến cáo đừng ăn sáng bằng mỳ tôm. Ông nói: “Bữa sáng vẫn có thể ăn mỳ tôm, nhưng không nên ăn cả tuần hay trường kỳ cả tháng. Nếu một tuần ăn 1-2 lần hoặc một tháng ăn 3-4 lần vào bữa sáng, tôi khẳng định sẽ không có vấn đề gì”.

    Nguyên liệu chính tạo nên mỳ tôm là bột lúa mì, dầu cọ chiên mỳ và một số phụ gia, gia vị khác. Do là thực phẩm khô nên sẽ không có sự đa dạng dinh dưỡng nếu chỉ ăn mỳ. Chuyên gia khuyên, khi ăn mỳ tôm nên cho thêm rau, chất đạm (thịt bò, trứng, tôm, mực) để bữa ăn đa dạng về dinh dưỡng hơn. Tuy nhiên, các thực phẩm thêm vào cũng không nên quá nhiều, tránh dư thừa năng lượng, gây tăng cân.

    Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/ham-luong-thuc-pham-sieu-che-bien-trong-mi-an-lien-hai-cho-suc-khoe-d225025.html

    Chế độ ăn ít đường có thể làm chậm quá trình lão hóa tế bào

    Một nghiên cứu của các nhà khoa học của Mỹ cho thấy, chế độ ăn nhiều dinh dưỡng thiết yếu và ăn ít đường có thể làm chậm quá trình lão hóa tế bào.

    Lão hóa là một quá trình sinh học tự nhiên xảy ra ở mọi sinh vật sống. Nó liên quan đến sự suy giảm dần dần của các hệ thống cơ thể khác nhau theo thời gian, dẫn đến sự suy giảm các chức năng thể chất và nhận thức. Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần gây ra lão hóa, bao gồm di truyền, lối sống và ảnh hưởng của môi trường.

    Mặc dù không thể ngăn chặn hoặc đảo ngược hoàn toàn quá trình lão hóa, nhưng một số yếu tố trong lối sống, bao gồm thay đổi chế độ ăn uống, có thể làm chậm quá trình lão hóa và thúc đẩy quá trình lão hóa lành mạnh. Một chế độ ăn uống cân bằng giàu chất dinh dưỡng, chẳng hạn như vitamin, khoáng chất, chất chống oxy hóa và chất béo lành mạnh, ít đường có thể hỗ trợ sức khỏe tổng thể và giúp duy trì sức khỏe tối ưu khi già đi.

    Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ, chế độ ăn nhiều dinh dưỡng thiết yếu và ít đường có thể làm chậm quá trình lão hóa tế bào, như được thể hiện bằng phép đo “đồng hồ biểu sinh”. Tuy nhiên, tiêu thụ nhiều đường sẽ đẩy nhanh quá trình lão hóa sinh học, làm nổi bật tầm quan trọng của chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng đối với tuổi thọ.


    Chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng và ít đường có thể làm chậm quá trình lão hóa tế bào. Ảnh minh họa

    Nhóm nghiên cứu tại Đại học Calfornia, San Francisco đã phát hiện ra mối liên hệ giữa việc tuân thủ chế độ ăn giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt là chế độ ăn ít đường, có thể duy trì tuổi sinh học trẻ hơn ở cấp độ tế bào.

    Các tác giả đã xem xét cách ba chế độ ăn lành mạnh khác nhau ảnh hưởng đến “đồng hồ biểu sinh” – xét nghiệm sinh hóa ước tính cả sức khỏe và tuổi thọ. Kết quả là những người càng ăn uống càng lành mạnh, tế bào của họ trông càng trẻ. Ngay cả khi mọi người theo chế độ ăn lành mạnh, thì mỗi gam đường mà họ tiêu thụ bổ sung có liên quan đến việc tăng tuổi biểu sinh.

    Đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên xác định mối liên hệ giữa bổ sung đường và lão hóa biểu sinh và là nghiên cứu đầu tiên xem xét mối liên hệ này ở một nhóm phụ nữ không đồng nhất gồm cả người da đen và da trắng ở độ tuổi trung niên. Hầu hết nghiên cứu về chủ đề này đều được thực hiện với người da trắng lớn tuổi.

    Nghiên cứu giúp hiểu sâu hơn về lý do đường có hại cho sức khỏe. TS. Elissa Epel, một trong các tác giả cho rằng: “Ăn nhiều đường được biết đến khiến cho hoạt động trao đổi chất kém và bệnh tật sớm. Giờ đây, chúng tôi xác định được rằng quá trình lão hóa biểu sinh tăng tốc là nguyên nhân cơ bản của mối liên hệ này và đây có thể là một trong nhiều cách mà lượng đường nạp vào cơ thể quá mức, làm hạn chế tuổi thọ”.

    Nghiên cứu có sự tham gia của 342 phụ nữ da đen và da trắng có độ tuổi trung bình là 39 tuổi ở Bắc California. Những người phụ nữ này tiêu thụ trung bình 61,5 gam đường bổ sung mỗi ngày. Một thanh sô cô la sữa có khoảng 25 gam đường bổ sung, trong khi một lon cola 350ml chứa khoảng 39 gam đường. Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ khuyến cáo người lớn không nên tiêu thụ quá 50 gam đường bổ sung mỗi ngày.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13743:2023 đường trắng

    Bộ Khoa học và Công nghệ công bố tiêu chuẩn để áp dụng cho đường trắng và đường trắng đồn điền dùng làm thực phẩm. Theo đó nguyên liệu dùng để chế biến đường trắng và đường trắng đồn điền đảm bảo các quy định hiện hành về chất lượng và an toàn thực phẩm (nếu có).

    Yêu cầu về màu sắc đường phải có tinh thể màu trắng, khi pha trong nước cất với tỷ lệ đến 50 % (phần khối lượng/thể tích) cho dung dịch trong; trạng thái dạng hạt tương đối đồng đều, khô, rời; Tinh thể đường hoặc dung dịch đường trong nước có vị ngọt tự nhiên, không có mùi, vị lạ.

    Sản phẩm phải có khả năng cho phép truy xuất nguồn gốc, phù hợp với quy định hiện hành. Đường trắng và đường trắng đồn điền được đóng gói trong các bao bì khô, sạch, nguyên vẹn, bền, không hút ẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

    Ghi nhãn sản phẩm theo quy định hiện hành. Tên sản phẩm phải được ghi rõ là “Đường trắng (RS) hay “Đường trắng đồn điền (PMWS)” phù hợp với các chỉ tiêu quy định. Đường phải được bảo quản sản phẩm nơi khô, sạch, không bảo quản chung với các sản phẩm không phải là thực phẩm hoặc là thực phẩm có mùi. Phương tiện vận chuyển đường trắng và đường trắng đồn điền phải khô, sạch, không có mùi lạ.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/che-do-an-it-duong-co-the-lam-cham-qua-trinh-lao-hoa-te-bao-d224999.html

    Tiêu chuẩn dành riêng cho băng dán vết thương có tác dụng ngừa khuẩn xâm nhập

    Uỷ ban tiêu chuẩn quốc tế ASTM đã đề xuất một phương pháp thử nghiệm về tính kháng khuẩn, ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài đối với các loại băng dán vết thương.

    Mục đích tiêu chuẩn này được Uỷ ban tiêu chuẩn ASTM International phê duyệt là giúp xác định các đặc tính ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn có trong các loại băng vết thương, bao gồm cả chất kết dính dạng lỏng. Ủy ban thuốc trừ sâu, thuốc kháng khuẩn và tác nhân kiểm soát thay thế (E35) thuộc ASTM đã phát triển tiêu chuẩn mới (E3383) nhằm thiết lập một chuẩn mực mới của các đặc tính kháng khuẩn của loại băng này, và đây sẽ là bản chuẩn quốc tế đánh giá cho các sản phẩm khác.

    Theo thành viên ASTM và cũng là nhà vi sinh vật học chính của NAMSA, ông Shazia Siddiqui cho biết, tiêu chuẩn này sẽ cung cấp phương pháp để kiểm tra các đặc tính ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập của băng vết thương được ghi dán nhãn trên các bao bì sản phẩm. Thử nghiệm được mô tả trong tiêu chuẩn thường được các cơ quan quản lý yêu cầu là một trong những thử nghiệm hiệu suất trong ống nghiệm để nộp kiểm tra kết quả. Các phòng thí nghiệm cũng có thể sử dụng tiêu chuẩn này để kiểm tra các đặc tính ngăn ngừa vi khuẩn của băng vết thương hở và keo dán dạng lỏng.


    Tiêu chuẩn mới được đề xuất của Uỷ ban ASTM sẽ là phương pháp mẫu thử nghiệm về tính kháng khuẩn cho các loại băng vết thương

    Ông Siddiqui lưu ý rằng một trong những yêu cầu cơ bản của băng vết thương là ngăn cản sự xâm nhập của vi khuẩn từ bề mặt băng vào nền vết thương. Đặc biệt, đối với những vết thương hở, thì điều kiện ngăn ngừa vi khuẩn, tránh cho vi khuẩn từ môi trường bên ngoài hay từ chính những băng dán phải được ưu tiên hàng đầu, phải đảm bảo rằng băng keo đủ kín và đối với một số loại cần có tính kháng khuẩn cao để không xâm nhập vào vết thương.

    “Vết thương hở là môi trường dinh dưỡng cho vi khuẩn xâm nhập và nếu không được chăm sóc đúng cách, vết thương hở có thể dễ dàng bị nhiễm trùng và biến thành vết thương mãn tính”, ông Siddiqui cho biết. “Để bảo vệ vết thương, chúng ta cần một loại băng dán vết thương có đặc tính gây ức chế sự xâm nhập của vi khuẩn từ môi trường. Phương pháp thử nghiệm có trong tiêu chuẩn này sẽ thử nghiệm băng dán vết thương có tính kháng khuẩn và lấy đó làm thước đo mẫu chuẩn”.

    Nỗ lực này liên quan trực tiếp đến Mục tiêu phát triển bền vững số 3 của Liên Hợp quốc về sức khỏe và hạnh phúc.

    Bảo Linh
    https://vietq.vn/tieu-chuan-danh-rieng-cho-bang-dan-vet-thuong-co-tac-dung-ngua-khuan-xam-nhap-s5-d224970.html

    Khẩu trang tích hợp cảm biến phân tích hơi thở người đeo để theo dõi sức khỏe

    Nhiều người vẫn đeo khẩu trang thường xuyên, để tránh lây lan vi-rút mà họ mắc phải, hoặc để kiểm soát vấn đề về hô hấp. Một loại khẩu trang thử nghiệm mới tiến xa hơn một bước, bằng cách phân tích hơi thở người đeo để kiểm tra tình trạng sức khỏe của họ.

    Được tạo ra bởi Giáo sư Wei Gao và các đồng nghiệp tại Viện Công nghệ California, khẩu trang EBCare (Exhaled Breath Condensate) được thiết kế để theo dõi các bệnh về đường hô hấp bao gồm COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính), hen suyễn và bệnh nhiễm trùng sau COVID-19. Tuy nhiên, nó có thể có một số công dụng bổ sung.

    Không giống như một số “khẩu trang thông minh” theo dõi sức khỏe khác, nó không theo dõi đặc điểm như tốc độ, nhiệt độ hoặc độ ẩm hơi thở người đeo. Thay vào đó, nó tập trung vào việc xác định các hóa chất tiết lộ trong hơi thở của họ, cung cấp các chỉ số về mức độ của dấu hiệu sinh học đó.

    Khi người dùng thở ra, hơi thở ẩm ướt của họ được làm mát thông qua một hệ thống tích hợp kết hợp làm mát bay hơi (dưới dạng hydrogel) với làm mát bức xạ. Kết quả là, các giọt nước trong hơi thở của họ ngưng tụ thành dạng lỏng.


    Nếu được thương mại hóa, chi phí vật liệu của mỗi chiếc mặt nạ EBCare chỉ khoảng một đô la.

    Chất lỏng sau đó được hút vào một loạt các kênh vi lưu thông thông qua hoạt động mao dẫn, đưa chất lỏng xuống một bể chứa. Các cảm biến trong bể chứa đó sau đó phân tích chất lỏng, mỗi cảm biến được thiết lập để phát hiện một loại hóa chất nhất định. Dữ liệu cảm biến được truyền không dây đến một ứng dụng trên điện thoại thông minh của người đeo, ứng dụng này sẽ hiển thị kết quả theo thời gian thực.

    Trong các thử nghiệm được thực hiện trên bệnh nhân hen suyễn và COPD, khẩu trang EBCare đã phát hiện chính xác mức nitrit thở ra, đây là hợp chất liên quan đến tình trạng viêm đường hô hấp. Nó cũng thành công trong việc đo mức amoni thở ra, tương ứng với mức urê trong máu – mức urê cao trong máu lại là chỉ báo về các vấn đề về thận. Chiếc khẩu trang này thậm chí còn có thể đo chính xác nồng độ cồn trong máu thông qua nồng độ cồn trong hơi thở, cho thấy nó có thể được sử dụng như một giải pháp thay thế rẻ hơn cho máy đo nồng độ cồn điện tử.

    “Chúng tôi muốn mở rộng công nghệ này để kết hợp các dấu hiệu khác nhau liên quan đến nhiều tình trạng sức khỏe khác nhau. Đây là nền tảng để tạo ra một chiếc khẩu trang có chức năng như một nền tảng theo dõi sức khỏe tổng quát đa năng”, Giáo sư Wei Gao cho hay.

    Hà My
    https://vietq.vn/khau-trang-tich-hop-cam-bien-phan-tich-hoi-tho-cua-nguoi-deo-de-theo-doi-suc-khoe-d224897.html

    Chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái để phát triển kinh tế bền vững

    0

    Theo Vụ Quản lý các Khu kinh tế, Bộ KH&ĐT, tính đến hết tháng 7/2024, cả nước đã có 431 KCN, khu chế xuất được thành lập với tổng diện tích khoảng 132.300 ha, tạo ra quỹ đất công nghiệp khoảng 89.900 ha.

    Trong đó có hơn 300 KCN đã đi vào hoạt động, thu hút được lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung cũng như các địa phương nói riêng.

    Hiện đã có một số Khu công nghiệp truyền thống tiên phong chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái, thu hút nhiều Tập đoàn lớn đến đầu tư và hướng đến mục tiêu phát triển kinh tế đất nước xanh, bền vững. Tuy vậy rất cần nhiều cơ chế, chính sách hơn nữa để thúc đẩy các Khu công nghiệp sinh thái thực sự đóng góp cho sự phát triển kinh tế đất nước bền vững.

    Một thực tế đáng mừng là, trong những năm gần đây, vốn FDI trong KCN, KKT chiếm khoảng 35 – 40% tổng vốn FDI đăng ký tăng thêm của cả nước; nếu tính riêng trong lĩnh vực chế biến, chế tạo thì vốn FDI trong KCN, KKT chiếm 70 – 80% tổng vốn đăng ký cả nước. KCN và KKT đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, như: Samsung, LG, Canon, Foxconn, Lego, Gortek, Hyosung, Formosa… đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm, góp phần nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.


    Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền – Hải Phòng

    Không nằm ngoài xu hướng chung của thế giới, với sự hỗ trợ của các tổ chức, chuyên gia quốc tế và nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, trong giai đoạn 2015-2019, Việt Nam đã triển khai thí điểm sáng kiến KCN sinh thái tại 3 địa phương: Ninh Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ do Bộ KH&ĐT phối hợp với tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc thực hiện với nguồn tài trợ từ Tổng cục kinh tế Liên bang Thụy Sỹ, Quỹ Môi trường toàn cầu và Chương trình phát triển của Liên Hợp Quốc.

    Sau hơn 4 năm triển khai hỗ trợ chuyển đổi 4 KCN thí điểm là KCN Khánh Phú, KCN Gián Khẩu, KCN Hòa Khánh và KCN Trà Nóc 1&2, các giải pháp sử dụng hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn do dự án đề xuất đã giúp 72 DN tiết kiệm được hơn 22.000 MWh điện, 600.000 m3 nước, gần 3.600 tấn hóa chất và chất thải, trên 76 tỷ đồng/năm và huy động trên 207 tỷ đồng từ khu vực tư nhân, cắt giảm khí CO2 phát thải…

    Từ năm 2020-2024, từ nguồn hỗ trợ tài chính của Chính phủ Thụy Sỹ, Bộ KH&ĐT tiếp tục phối hợp với UNIDO nhân rộng mô hình KCN sinh thái thêm tại 3 địa phương: Hải Phòng, Đồng Nai và TP.HCM. Tính đến hết tháng 5/2024, đã có 90 doanh nghiệp được hỗ trợ với 889 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn tại 4 KCN: Hiệp Phước; Amata; Đình Vũ và Hoà Khánh, góp phần tiết kiệm năng lượng, nước, giảm phát thải CO2 và đem lại lợi ích kinh tế cho các DN; đề xuất thực hiện 62 cơ hội cộng sinh công nghiệp – đô thị cho 3 KCN với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.

    Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững, các KCN trong thời gian tới cần có những giải pháp đột phá, phù hợp với xu thế mới, các bộ, ngành đang đề xuất những chính sách khuyến khích phù hợp, hỗ trợ các nhà đầu tư có động lực triển khai các mô hình mang tính bền vững.

    Bà Vương Thị Minh Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu Kinh tế, Bộ KH&ĐT cho biết: “Đối với mô hình khu công nghiệp sinh thái này thì ngoài những cơ chế chính sách ưu đãi, không phải quy định của pháp luật về thuế, chúng tôi định hướng sẽ bổ sung cơ chế chính sách, ví dụ như thời hạn hoạt động của các dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cao hơn so với những dự án hạ tầng khu công nghiệp thông thường.

    Đồng thời sẽ bổ sung cơ chế chính sách liên quan đến điều kiện tín dụng ưu đãi, các nguồn lực cho việc thực hiện các khu công nghiệp sinh thái. Ngoài ra nội dung quan trọng nhất của Luật, đó chính là nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về Khu công nghiệp- Khu kinh tế với trọng tâm là các cơ quan quản lý nhà nước về KCN-KKT ở các địa phương. Các Ban quản lý phải có đủ thẩm quyền, năng lực để phát triển những mô hình, theo hướng tiệm cận với quốc tế như là mô hình Khu công nghiệp sinh thái hay khu thương mại tự do”.


    Bà Vương Thị Minh Hiếu – Phó Vụ trưởng Quản lý các Khu kinh tế – Bộ Kế hoạch và Đầu tư

    Phát triển bền vững không còn là khẩu hiệu mà đang thực sự trở thành xu thế tất yếu, là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp xác định tầm nhìn và định hướng chiến lược kinh doanh. Đây cũng vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam để phát triển bứt phá và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

    Đơn cử như quá trình chuyển đổi từ truyền thống sang sinh thái của các khu công nghiệp An Phát (Hải Dương), Nam Cầu Kiền và Deep-C (Hải Phòng) đã tạo ra hiệu quả vượt trội cho chuỗi kinh tế tuần hoàn. Những mô hình này đang tạo sức cạnh tranh lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời, là xu thế tất yếu trong quá trình chuyển đổi xanh. Khu công nghiệp Deep C nổi bật với hệ thống năng lượng tái tạo (điện mặt trời áp mái, điện gió); khu tổ hợp dịch vụ xã hội trong khu công nghiệp. Các công trình nơi đây đều dựa vào tự nhiên ứng phó biến đổi khí hậu.

    Đặc biệt, khu công nghiệp Nam Cầu Kiền với vai trò tích cực của nhà đầu tư đã trở thành mô hình đang chuyển đổi sang khu công nghiệp sinh thái thí điểm, đã có hơn 1 triệu cây xanh được trồng, chiếm đến 33% diện tích đất khu công nghiệp. Hệ thống quan trắc nguồn thải tự động liên tục truyền dẫn thông tin về Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng (24/24 giờ) tất cả các ngày trong tuần. 81,4 kWh điện đã được tạo ra từ dự án điện mặt trời áp mái và được sử dụng trong vận hành khu công nghiệp, 25% lượng nước thải trong khu công nghiệp sau xử lý được tái sử dụng cho mục đích tưới cây, rửa đường, giảm lượng xả thải ra ngoài môi trường, tiết kiệm được 6 tỷ đồng mỗi năm chi phí mua nước sạch. 65% hệ sinh thái trong khu công nghiệp được phục hồi sau khi mô hình sinh thái đang được từng bước áp dụng tại Nam Cầu Kiền. Mô hình chuyển đổi này đang được nhân rộng trên cả nước, với tổng quy mô quỹ đất lên đến 3.500 ha.

    Ông Phạm Hồng Điệp – một chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền, Hải Phòng đề xuất: “Cơ chế, chính sách để khuyến khích cho các nhà đầu tư cũng như là các doanh nghiệp FDI hoặc DDI trong thu hút đầu tư phải có sự đồng bộ và có cơ chế chính sách khuyến khích để họ có cảm hứng, liên kết với nhau cùng xây dựng một Hệ kinh tế tuần hoàn, cũng như Hệ doanh nghiệp sống cộng sinh trong khu công nghiệp, dẫn đến thành công một khu công nghiệp sinh thái. Hiện nay, chúng tôi rất cần các vấn đề pháp lý và các cơ chế chính sách để tạo cảm hứng cho các nhà đầu tư”.

    Ông Bruno Jaspaert – Tổng giám đốc Khu công nghiệp Deep C (Hải Phòng) cho biết, các nguyên tắc phát triển hiện nay của Khu theo hướng đảm bảo thu hút các nhà đầu tư muốn đến đầu tư và đáp ứng các dịch vụ liên quan đến ESG (các tiêu chí về môi trường, xã hội và quản trị), đến chứng chỉ carbon, các sáng kiến để các nhà đầu tư báo cáo với cấp quản lý không chỉ hiệu quả về mặt lợi nhuận mà cả việc thực hiện trách nhiệm xã hội. Các sáng kiến đều đảm bảo phát triển một KCN theo định hướng xanh nhất và bền vững nhất. Tuy nhiên cũng còn một số khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ Khu công nghiệp truyền thống sang Khu công nghiệp sinh thái.

    “Có một ví dụ mà chúng tôi gặp khó khăn khi triển khai các sáng kiến, và ngay tại thời điểm này có nhiều việc chúng tôi cũng chưa thể làm được. Như việc chúng tôi có nhà máy xử lý nước thải có khả năng xử lý để chất lượng nước thải sau xử lý còn tốt hơn chất lượng nước thô. Nhưng hiện tại chúng tôi chưa thể đưa nước thải đã qua xử lý quay trở lại quy trình sản xuất công nghiệp mặc dù các nhà đầu tư thứ cấp trong khu công nghiệp sẵn sàng tái sử dụng nước thải đã qua xử lý này” – ông Bruno Jaspaert nói.

    Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ mạnh dạn tiên phong thay đổi hướng phát triển các mô hình KCN mới, tập trung đẩy mạnh phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN xanh, trong đó quy hoạch hình thành các khu Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, hướng đến xây dựng “Thung lũng Sillicon Việt Nam”. Các Khu công nghiệp, khu kinh tế lấy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo làm trụ cột cho phát triển trong tương lai.

    Trong đó, chuyển hướng sang chủ động kiến tạo, tạo môi trường cho các DN công nghệ, start-up được hình thành và phát triển. Dành quỹ đất và nguồn lực cho các dự án R&D, nghiên cứu thử nghiệm sản phẩm mới, ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, tiết kiệm năng lượng… Thu hút đầu tư có chọn lọc, chủ động tiếp xúc, bám sát các Tập đoàn hàng đầu thế giới trong các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên. Điều quan trọng nhất là phát triển kinh tế phải đi liền với phát triển hạ tầng xã hội, đảm bảo bền vững về môi trường, quy hoạch và triển khai các giải pháp xây dựng nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động trong KCN, KKT, hoàn thiện hệ sinh thái công nghiệp – đô thị – dịch vụ, đảm bảo cho việc phát triển bền vững các KCN, KKT.

    Xuân Lan/VOV1
    https://vov.vn/kinh-te/chuyen-doi-sang-khu-cong-nghiep-sinh-thai-de-phat-trien-kinh-te-ben-vung-post1116812.vov