32.3 C
Hanoi
Chủ Nhật, Tháng 7 6, 2025
More
    Home Blog

    Kem chống nắng giả đe dọa trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng

    Một vụ án nghiêm trọng vừa được Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện liên quan đến sản xuất và buôn bán hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả, trong đó nổi bật là kem chống nắng nhãn hiệu Althena kém chất lượng, có nguy cơ gây hại nghiêm trọng cho sức khỏe người tiêu dùng. Đây là lời cảnh báo mạnh mẽ đối với người dân khi lựa chọn và sử dụng các sản phẩm chăm sóc da, đặc biệt là kem chống nắng, mặt hàng được nhiều người sử dụng hàng ngày.

    “Kem chống nắng” nhưng không chống được nắng

    Kết quả giám định từ Viện Khoa học hình sự – Bộ Công an cho thấy: sản phẩm kem chống nắng do Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Athena Việt Nam sản xuất chỉ có chỉ số SPF thực tế dao động từ 4,2% đến 26,6% – thấp hơn rất nhiều so với chỉ số SPF 50+ ghi trên bao bì. Theo quy định tại Nghị định số 98/2020/NĐ-CP của Chính phủ, sản phẩm có chỉ số SPF thấp hơn 70% so với công bố bị xác định là hàng giả.

    Điều này có nghĩa là, người dùng tin tưởng vào khả năng chống nắng mạnh mẽ của sản phẩm, nhưng thực tế làn da họ hoàn toàn không được bảo vệ. Việc tiếp xúc trực tiếp với tia UV trong thời gian dài khi sử dụng kem chống nắng giả như vậy có thể dẫn đến cháy nắng, tổn thương tế bào da, lão hóa sớm, thậm chí tăng nguy cơ ung thư da.


    Sản phẩm giả do công ty của Đường Văn Thiết sản xuất. (Ảnh: Công an Phú Thọ)

    Theo thông tin từ cơ quan điều tra, ông Đường Văn Thiết – Giám đốc Công ty Athena đã thành lập nhà máy sản xuất mỹ phẩm tại Phú Thọ từ năm 2019, lợi dụng nhu cầu ngày càng tăng về các sản phẩm chăm sóc da để đưa ra thị trường hàng nghìn sản phẩm không đạt chất lượng. Bao bì sản phẩm được thiết kế bắt mắt, in sẵn những chỉ số “khủng” như SPF 50+, khả năng chống 98% tia UVB, nhằm đánh lừa người tiêu dùng.

    Tuy nhiên, thực tế là các sản phẩm này không có kiểm nghiệm thành phần đầy đủ, không đảm bảo an toàn và hiệu quả như công bố. Việc cố tình ghi sai thông tin trên bao bì để tiêu thụ sản phẩm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự vô trách nhiệm nghiêm trọng với sức khỏe cộng đồng.

    Khi kiểm tra xưởng sản xuất, lực lượng chức năng đã thu giữ 4.989 sản phẩm kem chống nắng Althena cùng hơn 8.600 sản phẩm mỹ phẩm khác như kem dưỡng da, sữa rửa mặt, dầu gội, nước hoa… Tất cả đang trong quá trình đóng gói, chuẩn bị tung ra thị trường.

    Điều này đồng nghĩa với việc hàng loạt sản phẩm giả suýt chút nữa đã đến tay người tiêu dùng nếu không được phát hiện kịp thời. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh về lỗ hổng trong giám sát chất lượng mỹ phẩm, cũng như thói quen mua hàng thiếu kiểm chứng của người tiêu dùng.

    Cẩn trọng khi lựa chọn kem chống nắng và mỹ phẩm

    Trước thực trạng trên, người tiêu dùng cần tỉnh táo và thận trọng hơn khi lựa chọn các sản phẩm chăm sóc da, đặc biệt là các loại mỹ phẩm có tác dụng bảo vệ như kem chống nắng. Một số khuyến nghị gồm: Chỉ mua sản phẩm từ các thương hiệu uy tín, được phân phối chính hãng tại nhà thuốc hoặc cửa hàng có giấy phép kinh doanh; Kiểm tra tem chống hàng giả, mã QR, hạn sử dụng và các chỉ số thành phần cụ thể; Tránh mua hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội hoặc từ các cá nhân không đáng tin cậy; Cảnh giác với các sản phẩm quảng cáo “thần tốc”, chỉ số chống nắng cao bất thường với giá quá rẻ.

    Vụ việc Công ty Athena bị điều tra và khởi tố không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn là hành động coi thường sức khỏe cộng đồng. Người tiêu dùng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ bản thân, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất và buôn bán mỹ phẩm giả để ngăn chặn từ gốc mối nguy hiểm này. Đừng để làn da và sức khỏe phải trả giá vì tin tưởng nhầm vào một lọ kem chống nắng giả. Hãy trở thành người tiêu dùng thông minh, lựa chọn sản phẩm chất lượng, rõ nguồn gốc và luôn ưu tiên sự an toàn cho chính mình.

    Theo An Nguyên
    https://vietq.vn/canh-bao-kem-chong-nang-gia-de-doa-truc-tiep-den-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-d234856.html

    Đề xuất siết chặt kiểm soát thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Tăng giám sát, giảm kẽ hở

    Bộ Y tế vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, với hàng loạt điều chỉnh nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi và thực phẩm bổ sung. Đây là động thái được đánh giá là cần thiết trong bối cảnh thị trường thực phẩm chức năng, thực phẩm hỗ trợ sức khỏe ngày càng phát triển nhưng vẫn còn nhiều kẽ hở về quản lý.

    Theo dự thảo, thay vì để doanh nghiệp tự công bố và chịu trách nhiệm như quy định hiện hành, Bộ Y tế đề xuất yêu cầu bắt buộc đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông, đối với các nhóm thực phẩm đặc biệt như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, dinh dưỡng y học, thực phẩm cho trẻ dưới 36 tháng tuổi và thực phẩm bổ sung. Các sản phẩm này sẽ được kiểm soát từ giai đoạn nghiên cứu phát triển, bao gồm đánh giá thành phần, chỉ tiêu an toàn, công dụng… nhằm loại bỏ rủi ro từ sớm, hạn chế tối đa thông tin sai lệch gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng.


    Đề xuất siết chặt kiểm soát thực phẩm bảo vệ sức khỏe. (Ảnh minh họa)

    Đặc biệt, các cơ sở sản xuất nhóm thực phẩm đặc biệt này phải đạt chuẩn quốc tế như HACCP, GMP, ISO 22000 hoặc tương đương, thay vì chỉ đáp ứng điều kiện an toàn chung như trước đây. Đây là bước nâng tiêu chuẩn nhằm bảo đảm chất lượng ở mức cao, tiệm cận với cách làm của Liên minh châu Âu và các quốc gia phát triển.

    Thực tế thời gian qua cho thấy không ít doanh nghiệp đã lợi dụng kẽ hở trong quy định để phân loại sản phẩm sai lệch. Theo Nghị định 15 hiện hành, thực phẩm bổ sung được xếp chung với nhóm thực phẩm chế biến, đóng gói sẵn nên chỉ cần tự công bố, không cần đăng ký bản công bố sản phẩm. Lợi dụng điều này, nhiều doanh nghiệp đã “biến” thực phẩm bảo vệ sức khỏe thành thực phẩm bổ sung để né kiểm tra quảng cáo, thậm chí đưa thông tin sai lệch về công dụng.

    Dự thảo mới yêu cầu thực phẩm bổ sung cũng phải đăng ký bản công bố sản phẩm trước khi lưu thông, đồng thời kiểm soát chặt nội dung quảng cáo. Bộ Y tế khẳng định việc này nhằm tăng tính minh bạch, bảo vệ người tiêu dùng trước tình trạng “loạn” thông tin như hiện nay.

    Ngoài ra, trong khi hiện tại doanh nghiệp chỉ cần nộp phiếu kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn thì theo đề xuất mới, phải bổ sung cả kết quả kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng. Điều này giúp ngăn chặn gian lận trong sản xuất và đảm bảo sản phẩm bán ra đúng như công bố.

    Tăng quyền kiểm soát cho cơ quan chức năng

    Dự thảo bổ sung nhiều quyền cho cơ quan quản lý. Theo đó, nếu phát hiện vi phạm, cơ quan chức năng có thể: Thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, giấy xác nhận nội dung quảng cáo, giấy công bố sản phẩm. Yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai lệch đã đăng tải. Tạm dừng tiếp nhận hồ sơ hành chính cho đến khi doanh nghiệp chấp hành quyết định xử phạt.

    Đây là những biện pháp chưa từng có trong Nghị định 15 trước đây, được kỳ vọng sẽ xử lý triệt để những doanh nghiệp vi phạm nhưng chây ì, không khắc phục hậu quả.

    Một điểm mới đáng chú ý là Bộ Y tế yêu cầu tăng cường hậu kiểm thông qua: Lập kế hoạch hậu kiểm định kỳ và đột xuất; Cho phép cơ sở kiểm nghiệm chủ động lấy mẫu; Kết nối dữ liệu giữa Bộ Y tế, các bộ ngành và địa phương thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia để quản lý xuyên suốt.

    Riêng với thực phẩm, nguyên liệu vốn sản xuất để xuất khẩu nhưng sau đó tiêu thụ nội địa, dự thảo quy định rõ phải đáp ứng đầy đủ điều kiện như sản phẩm nội địa. Trước đây, do chưa có quy định riêng nên xảy ra tình trạng hàng xuất khẩu không đạt chuẩn trong nước vẫn được đưa ra thị trường tiêu dùng.

    Với thực phẩm nhập khẩu, Bộ Y tế cũng phân định rõ các hình thức kiểm tra như kiểm tra hồ sơ, cảm quan, lấy mẫu; đồng thời quy định cụ thể các trường hợp được miễn kiểm, tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.

    Kiểm soát chặt quảng cáo và người nổi tiếng tiếp tay

    Không dừng lại ở sản phẩm, Bộ Y tế đề xuất siết chặt giám sát hoạt động quảng cáo, đặc biệt là đối với doanh nghiệp phát hành quảng cáo, người truyền tải nội dung và các nhân vật có tầm ảnh hưởng (KOLs).

    Theo đó, dự thảo yêu cầu công khai mối quan hệ tài trợ giữa người quảng cáo và doanh nghiệp, nhằm minh bạch hóa thông tin và tránh gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trong quảng cáo thực phẩm, hướng tới môi trường truyền thông lành mạnh, có trách nhiệm.

    Dự thảo sửa đổi Nghị định 15 lần này cho thấy nỗ lực rõ rệt của Bộ Y tế trong siết chặt quản lý thực phẩm bảo vệ sức khỏe, một lĩnh vực vốn đang phát triển nhanh nhưng còn nhiều “lỗ hổng” trong quản lý. Nếu được thông qua và thực thi nghiêm túc, những thay đổi này sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ sức khỏe người dân và tạo ra sân chơi công bằng, minh bạch hơn cho doanh nghiệp chân chính.

    Theo Cẩm Anh
    https://vietq.vn/de-xuat-siet-chat-kiem-soat-thuc-pham-bao-ve-suc-khoe-tang-giam-sat-giam-ke-ho-d234893.html

    Tràn lan sạc dự phòng giá rẻ và những hiểm họa tiềm ẩn phía sau

    Sau vụ việc thu hồi sạc dự phòng của một thương hiệu lớn do nguy cơ cháy, các chuyên gia và nhà sản xuất đang kêu gọi người tiêu dùng nâng cao cảnh giác với các loại sản phẩm giá rẻ.

    Sạc dự phòng đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại, giúp người dùng duy trì kết nối mọi lúc mọi nơi. Tuy nhiên, sự phổ biến của thiết bị này cũng mở ra một thị trường phức tạp, nơi các sản phẩm giá rẻ, không rõ nguồn gốc đang tràn lan, ẩn chứa những mối nguy hiểm khôn lường. Vụ việc một thương hiệu sạc dự phòng nổi tiếng Anker liên tục phải thu hồi sản phẩm do nguy cơ cháy nổ gần đây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo nghiêm trọng về tầm quan trọng của việc lựa chọn sản phẩm an toàn.

    Theo nhận định của kỹ sư Trần Ngọc Minh, chuyên gia thiết kế vi mạch tại Synopsys – Khu CNC Đà Nẵng cho biết, pin lithium-ion là một thiết bị lưu trữ năng lượng cao. Nếu quá trình sản xuất và kiểm soát chất lượng không được thực hiện chặt chẽ, nguy cơ cháy nổ là hoàn toàn có thể xảy ra. Đây chính là vấn đề cốt lõi của các loại sạc dự phòng giá rẻ. Chúng thường sử dụng các loại pin kém chất lượng, không đạt chuẩn, hoặc thậm chí là pin tái chế, thiếu các mạch bảo vệ an toàn cơ bản như chống quá tải, quá nhiệt, hoặc ngắn mạch.

    Nhiều người tiêu dùng ham rẻ mà chấp nhận sử dụng các loại sạc dự phòng giá rẻ, kém chất lượng

    Khi pin sạc dự phòng xảy ra sự cố, hậu quả có thể nghiêm trọng. Trong đó bao gồm hư hỏng thiết bị đang kết nối hoặc cháy lan gây hỏa hoạn bởi pin lithium-ion khi cháy rất khó dập tắt. Nguy hiểm hơn cả là khi phát nổ, gây cháy hoặc rò rỉ hóa chất độc hại có thể trực tiếp gây chấn thương ảnh hưởng đến con người.

    Liên quan đến vấn đề chất lượng pin, Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) về an toàn pin lithium-ion sạc lại đã thống nhất một tiêu chuẩn chung có tên mã là IEC 62133. Tiêu chuẩn này bao gồm các yêu cầu và thử nghiệm về an toàn điện, cơ khí và hóa học của pin, nhằm giảm thiểu rủi ro cháy nổ hoặc các tai nạn khác.

    Tại các quốc gia, các tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật cũng được áp dụng dưới các tên gọi khác nhau dựa trên các yêu cầu chung của IEC và bổ sung những yêu cầu nghiêm ngặt riêng.

    Việt Nam có QCVN 101:2020/BTTTT (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về pin lithium cho thiết bị cầm tay). Đây là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng cho pin lithium, bao gồm cả pin sạc dự phòng, quy định về an toàn và nhãn mác.

    Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng Việt vẫn chưa có thói quen kiểm tra chứng nhận chất lượng mỗi sản phẩm khi mua hàng mà chỉ tập trung đến giá thành, dung lượng hay kích cỡ sản phẩm để lựa chọn mua. Ngoài các yếu tố về tiêu chuẩn an toàn, một bộ phận không nhỏ người dùng có những thói quen sử dụng pin sạc dự phòng không đúng: để ở những nơi không tỏa nhiệt, vừa dùng vừa sạc hay thậm chí có dấu hiệu hỏng pin vẫn tiếp tục sử dụng. Điều này dẫn đến mất an toàn cho sản phẩm và những hậu quả khó lường.

    Để nhận biết pin sạc dự phòng đang xuống cấp và có nguy cơ cháy nổ, người dùng cần chú ý đến các dấu hiệu bất thường về ngoại hình, hiệu suất và hoạt động. Đây là các hướng dẫn đến từ chuyên gia Gary Clack – Holo Battery.

    Về ngoại hình, sạc dự phòng bị phồng rộp, biến dạng là dấu hiệu nguy hiểm và rõ ràng nhất. Khi pin bị phồng, tức là các chất điện phân bên trong đã bị phân hủy, tạo ra khí gas (như CO2, CO), làm tăng áp suất bên trong. Nếu tiếp tục sử dụng, áp suất này có thể gây nổ. Vỏ pin có thể bị bung, nứt hoặc biến dạng một cách bất thường.

    Nếu thấy vỏ pin có dấu hiệu chảy nhựa, hoặc có các vết nóng chảy, sém đen, điều này cho thấy pin đang tạo ra nhiệt độ quá cao và có nguy cơ cháy.

    Về hiệu suất hoạt động, sản phẩm nóng “bỏng tay” hoặc nóng một cách bất thường, đó là dấu hiệu của sự cố bên trong (quá tải, ngắn mạch, hoặc pin đã bị chai nặng).

    “Đối với nhiều loại pin sạc dự phòng có đèn báo hiệu (LED), khi đèn hiển thị bất thường như nhấp nháy liên tục, chuyển màu, hoặc không sáng như bình thường cũng là một dấu hiệu cho thấy pin đã hư hỏng” – chuyên gia Gary Clack chia sẻ thêm.

    Theo Bảo Linh (t/h)
    https://vietq.vn/tran-lan-sac-du-phong-gia-re-va-nhung-hiem-hoa-tiem-an-phia-sau-d234876.html

    Hiểm họa sức khỏe tiềm ẩn sau những tờ hóa đơn

    Ít người để ý rằng những tờ hóa đơn tưởng chừng như vô hại lại tiềm ẩn nhiều hóa chất gây hại đến sức khỏe con người.

    Theo một nghiên cứu từ Mỹ cảnh báo rằng các hóa đơn in trên giấy cảm nhiệt chứa nhiều bisphenol S (BPS) – một hóa chất phá vỡ nội tiết tố và có liên quan đến ung thư, giảm khả năng sinh sản. Chỉ cần cầm hóa đơn trong 10 giây cũng có thể hấp thụ BPS vượt mức an toàn theo tiêu chuẩn California, đe dọa sức khỏe người tiêu dùng và nhân viên thu ngân.

    Cũng theo trang The Guardian, hóa đơn từ phần lớn các cửa hàng có chứa nhiều bisphenol S (BPS) đến mức chỉ cần cầm tờ hóa đơn trong 10 giây cũng có thể khiến da hấp thụ lượng chất rất độc này vượt mức an toàn mà bang California (Mỹ) đưa ra.

    BPS là chất có liên quan tới bệnh ung thư và các vấn đề khác về hệ sinh sản. Trong giấy in hóa đơn không chỉ có BPS, mà còn có cả bisphenol A (BPA), theo trang First Post. Vì BPA và BPS hỗ trợ quá trình in nhiệt (khi in hóa đơn), theo giải thích của Cơ quan Kiểm soát Ô nhiễm Minnesota (Mỹ).

    Theo nghiên cứu, hóa đơn thường chứa nhiều hóa chất độc hại đối với sức khỏe người

    Bác sĩ Aniket Mule, cố vấn y khoa ở chuỗi bệnh viện Wockhardt nổi tiếng ở Ấn Độ, nói với trang Indian Express rằng cả BPA và BPS đều là chất gây rối loạn nội tiết, tức là có thể ảnh hưởng đến hormone của con người.

    Bisphenol là loại hóa chất được dùng trong nhiều sản phẩm tiêu dùng, như bao bì thực phẩm, vải, đồ chơi, đồ bếp… Các cơ quan quản lý từ trước đến nay tập trung chủ yếu vào BPA – chất đã bị cấm dùng ở nhiều nước châu Âu trong những đồ liên quan đến thực phẩm vì nó rất độc. Nhưng các nghiên cứu gần đây thấy rằng BPS – chất thường được dùng thay thế cho BPA, cũng có hại không kém.

    Với một tình huống phổ biến là một người mua thức ăn trong tiệm thức ăn nhanh cầm hóa đơn rồi sau đó lại cầm vào thức ăn, thì rất nhiều hóa chất độc hại sẽ được đưa vào cơ thể.

    “Những tờ hóa đơn là con đường phổ biến mà các chất bisphenol gây rối loạn hormone được đưa dễ dàng vào cơ thể qua da” – Melissa Cooper Sargent, một nhà hoạt động vì sức khỏe và môi trường ở Trung tâm Sinh thái tại Mỹ, cho biết.

    Bác sĩ Mule cũng cho biết, việc tiếp xúc thường xuyên với các chất trong các tờ hóa đơn có liên quan tới nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm bệnh ung thư, các bệnh tim mạch, các vấn đề về sinh sản và phát triển…

    Hóa đơn giấy tưởng là vật vô hại nhưng có thể là nguồn nguy hiểm chứa hóa chất phá vỡ nội tiết và chất nhựa siêu nhỏ. Để bảo vệ bản thân, nên sử dụng hóa đơn điện tử, gấp mặt in vào trong, rửa tay sau tiếp xúc và nhân viên bán hàng nên chuyển sang giấy in không chứa chất độc hoặc dùng bảo hộ phù hợp.

    Theo Bảo Linh
    https://vietq.vn/hiem-hoa-suc-khoe-tiem-an-sau-nhung-to-hoa-don-d234759.html

    Bác sĩ chỉ ra cần phải ăn dưa hấu đúng cách để đảm bảo sức khỏe

    Theo các bác sĩ, nhiều người có thói quen ăn dưa hấu không hết, phần còn lại bọc ni lông hoặc màng bọc thực phẩm rồi cất trong tủ lạnh, cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

    Dưa hấu là món ăn quen thuộc, giúp giải nhiệt và bổ sung nước cho cơ thể trong những ngày nắng nóng. Tuy nhiên, nếu ăn và bảo quản không đúng cách, loại trái cây tưởng chừng vô hại này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe.

    Theo bác sĩ Đàm Đồng Tử (Trung Quốc), nhiều người có thói quen dùng thìa trực tiếp múc dưa hấu rồi bọc phần còn lại bằng màng thực phẩm hoặc túi ni lông và bảo quản trong tủ lạnh. Mặc dù cách làm này tiện lợi, nhưng lại dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, đặc biệt là vi khuẩn Listeria – một tác nhân có thể tồn tại trong môi trường lạnh và gây nhiễm trùng huyết nghiêm trọng.

    Ngoài ra, vi khuẩn Salmonella thường có trong trái cây cắt sẵn cũng là mối nguy đáng lo ngại. Chúng có thể xâm nhập từ vỏ không được rửa sạch hoặc do dao, thớt, tay người nhiễm bẩn lây chéo sang phần ruột quả. Người nhiễm Salmonella thường có biểu hiện buồn nôn, sốt, tiêu chảy và đau bụng. Với người cao tuổi, trẻ nhỏ hoặc người có hệ miễn dịch yếu, bệnh có thể diễn tiến nặng và nguy hiểm đến tính mạng.


    Ăn dưa hấu sai cách dẫn đến không tốt cho sức khỏe. Ảnh minh họa

    Không chỉ vấn đề nhiễm khuẩn, theo Bệnh viện Hồng Ngọc, việc ăn dưa hấu sai cách cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro với một số nhóm đối tượng. Dưa hấu chứa nhiều đường và kali, vì vậy không nên ăn cùng chuối giàu kali đặc biệt với bệnh nhân suy thận. Sự kết hợp này có thể khiến nồng độ kali trong máu tăng cao, gây rối loạn nhịp tim, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe.

    Với những người mắc bệnh thận, ăn nhiều dưa hấu còn có thể gây tích nước, làm trầm trọng hơn tình trạng sưng phù do thận không kịp đào thải lượng nước dư thừa. Bên cạnh đó, theo Đông y, dưa hấu có tính hàn và lợi tiểu. Người bị loét miệng ăn quá nhiều có thể khiến cơ thể mất nước, khoang miệng khô, bệnh kéo dài lâu ngày khó lành.

    Người bị tiểu đường cũng cần cẩn trọng vì dưa hấu có hàm lượng đường cao, dễ khiến lượng đường huyết tăng nhanh và mất kiểm soát. Tương tự, phụ nữ mang thai nếu ăn nhiều dưa hấu, đặc biệt là dưa ướp lạnh, có thể đối mặt với nguy cơ tiểu đường thai kỳ, đau bụng và tiêu chảy do thay đổi sinh lý và khả năng điều tiết insulin kém trong thai kỳ.

    Để ăn dưa hấu an toàn, các chuyên gia khuyến cáo nên rửa sạch vỏ, cắt miếng nhỏ, cho vào hộp có nắp đậy kín và bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, tốt nhất ở nhiệt độ từ 8–10°C. Không dùng lại thìa đã qua miệng để múc phần còn lại, và nên cạo bỏ lớp thịt bên ngoài nếu đã để lâu. Mỗi lần chỉ nên ăn khoảng 500 gram, ăn từ từ để cơ thể hấp thu tốt hơn.

    Dưa hấu vẫn là món trái cây tuyệt vời nếu được bảo quản hợp lý và sử dụng đúng cách. Việc giữ gìn vệ sinh khi chế biến và hiểu rõ tình trạng sức khỏe bản thân sẽ giúp tận hưởng trọn vẹn lợi ích của loại quả này mà không lo rủi ro cho sức khỏe.

    TCVN 10740:2015 – Bảo đảm chất lượng và an toàn cho dưa hấu quả tươi

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10740:2015 về dưa hấu quả tươi được ban hành nhằm xác lập các yêu cầu kỹ thuật cần thiết để đảm bảo chất lượng, vệ sinh và an toàn thực phẩm cho sản phẩm dưa hấu khi lưu thông trên thị trường hoặc xuất khẩu. Đây là cơ sở quan trọng giúp quản lý chất lượng nông sản ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, đồng thời nâng cao giá trị thương hiệu cho loại trái cây phổ biến trong mùa hè này.

    Theo tiêu chuẩn, dưa hấu thương phẩm phải là quả tươi, sạch, nguyên vẹn, không bị dập nát, sâu bệnh, thối hỏng hoặc tổn thương cơ học ảnh hưởng đến chất lượng. Quả cần có hình dạng, màu sắc đặc trưng của giống, không bị biến dạng quá mức. Bề mặt vỏ phải khô ráo, không đọng nước, không có vết nứt, đốm đen hay vết thương hở dễ nhiễm khuẩn.

    Việc tuân thủ TCVN 10740:2015 không chỉ giúp dưa hấu giữ được độ tươi ngon, giá trị dinh dưỡng và hình thức bắt mắt khi đến tay người tiêu dùng, mà còn góp phần nâng cao uy tín cho nông sản Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

    Theo Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/bac-si-chi-ra-nhung-sai-lam-pho-bien-khi-an-dua-hau-nen-tranh-d234762.html

    Nghiên cứu mới: Bổ sung vitamin D liều thấp giúp tăng gần gấp đôi hiệu quả hóa trị ung thư

    Một nghiên cứu mới từ Brazil cho thấy việc bổ sung vitamin D liều thấp có thể giúp tăng gần gấp đôi hiệu quả của quá trình hóa trị trong điều trị ung thư.

    Các nhà khoa học tại Trường Y Botucatu, Đại học bang São Paulo (Brazil) đã thực hiện nghiên cứu trên 80 bệnh nhân ung thư vú, độ tuổi trên 45, bắt đầu điều trị tại bệnh viện thuộc trường. Những người tham gia được chia thành hai nhóm: một nhóm gồm 40 người được bổ sung 2.000 IU (đơn vị quốc tế) vitamin D mỗi ngày, trong khi nhóm còn lại dùng giả dược.

    Tất cả bệnh nhân đều trải qua hóa trị để thu nhỏ khối u trước khi phẫu thuật. Phần lớn đều có mức vitamin D trong máu dưới 20 ng/mL thấp hơn ngưỡng khuyến nghị (40–70 ng/mL).

    Theo Giáo sư Eduardo Carvalho-Pessoa, mức vitamin D ở nhóm được bổ sung tăng dần trong suốt quá trình điều trị, góp phần cải thiện khả năng phục hồi. Sau 6 tháng, 43% người trong nhóm dùng vitamin D có khối u biến mất sau hóa trị, trong khi nhóm dùng giả dược chỉ đạt 24%. Điều này đồng nghĩa việc bổ sung vitamin D giúp tăng hiệu quả hóa trị lên 1,79 lần, theo Scitech Daily.

    Giáo sư Carvalho-Pessoa nhấn mạnh, dù số lượng người tham gia nghiên cứu còn hạn chế, nhưng kết quả cho thấy sự khác biệt rõ rệt. Liều dùng trong nghiên cứu cũng tương đối thấp, cho thấy vitamin D có thể là lựa chọn bổ trợ hiệu quả thay cho các loại thuốc tăng cường hóa trị khác vốn đắt đỏ hoặc khó tiếp cận.


    Nghiên cứu việc bổ sung vitamin D liều thấp có thể làm tăng hiệu quả điều trị ung thư. Ảnh minh họa

    Vitamin D vốn đóng vai trò thiết yếu trong việc hấp thụ canxi và phốt pho, giúp xương chắc khỏe. Gần đây, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin D còn hỗ trợ hệ miễn dịch, chống nhiễm trùng và một số bệnh mạn tính, bao gồm cả ung thư. Tuy nhiên, phần lớn các nghiên cứu trước đây dùng liều cao, còn nghiên cứu mới mở ra hướng đi mới với liều thấp an toàn hơn.

    Giáo sư Carvalho-Pessoa kết luận đây là phát hiện đầy hứa hẹn, cần được mở rộng nghiên cứu trên quy mô lớn hơn để hiểu rõ vai trò của vitamin D trong tăng hiệu quả điều trị ung thư.

    Bên cạnh đó, vitamin D không chỉ quan trọng với hệ xương mà còn ảnh hưởng đến chức năng miễn dịch và sức khỏe tổng thể. Tuy nhiên, nhu cầu bổ sung vitamin D khác nhau tùy vào tuổi tác, giới tính, lối sống và tình trạng sức khỏe. Nếu thiếu hụt vitamin D có thể khiến cơ thể kém hấp thụ canxi, dẫn đến loãng xương, còi xương và tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như tim mạch, rối loạn miễn dịch.

    Ngoài ra do vitamin D chủ yếu được tổng hợp từ ánh nắng mặt trời và hấp thụ qua thực phẩm. Nếu bổ sung quá mức có thể gây buồn nôn, yếu cơ, đau xương hoặc thậm chí sỏi thận. Do đó, việc bổ sung vitamin D hợp lý là cần thiết, nhất là với một số nhóm đối tượng cần thận trọng khi dùng vitamin D.

    Đối với những người bị bệnh thận việc bổ sung quá mức có thể làm tăng gánh nặng lọc máu, dẫn đến tích tụ trong cơ thể. Người có sỏi thận cũng không nên bổ sung quá mức do nồng độ vitamin D cao có thể làm tăng lượng canxi trong nước tiểu, góp phần hình thành và phát triển sỏi.

    Người dị ứng hoặc có phản ứng phụ nếu bổ sung quá nhiều vitamin D có thể gặp tiêu chảy, buồn nôn, mệt mỏi. Người đã tiêu thụ nhiều vitamin D qua thực phẩm cần cân nhắc tổng lượng bổ sung để tránh quá liều. Hay phụ nữ mang thai và cho con bú nên tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng đặc biệt.

    TCVN 11428:2016 hướng dẫn bổ sung vitamin và khoáng chất vào thực phẩm

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11428:2016 (CAC/GL 55:2005) được xây dựng nhằm đảm bảo rằng việc bổ sung vitamin và khoáng chất vào thực phẩm hàng ngày là an toàn, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng cộng đồng. Phạm vi áp dụng tiêu chuẩn bao gồm các sản phẩm thực phẩm bổ sung, chứa vitamin và/hoặc khoáng chất, dùng để hỗ trợ chế độ ăn uống hàng ngày. Những thực phẩm này có thể dạng rắn, lỏng, hoặc loại dùng để bổ sung trực tiếp.

    Yêu cầu về hàm lượng dinh dưỡng quy định rằng mỗi khẩu phần bổ sung phải cung cấp ít nhất 15% mức khuyến cáo ăn hàng ngày (RDA) từ FAO/WHO đối với vitamin hoặc khoáng chất tương ứng. Đồng thời, mức tối đa cũng được thiết lập dựa trên đánh giá khoa học về mức an toàn tối đa, xem xét cả nguồn dinh dưỡng từ thực phẩm khác và phản ứng của các nhóm dân cư nhạy cảm.

    Bao gói và vật liệu chứa bắt buộc phải đảm bảo vệ sinh, có khả năng bảo quản chất lượng sản phẩm, không gây tương tác gây hại, và phù hợp với mục đích sử dụng. Nhãn mác phải tuân thủ TCVN 7087:2013, bao gồm thông tin rõ ràng về thành phần, hàm lượng vitamin/khoáng chất, khuyến cáo sử dụng, cảnh báo nếu cần, và đảm bảo minh bạch theo hướng dẫn quốc tế.

    Ghi nhãn dinh dưỡng yêu cầu công bố hàm lượng vitamin và khoáng chất bằng số lượng rõ ràng, sử dụng đơn vị đo phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia. Giá trị này nên được đưa ra theo khẩu phần khuyến cáo hoặc nếu khác, phải ghi chú rõ ràng trên nhãn.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/nghien-cuu-moi-bo-sung-vitamin-d-lieu-thap-giup-tang-gan-gap-doi-hieu-qua-hoa-tri-ung-thu-d234764.html

    Không nên tiêu thụ quá nhiều protein cô đặc dưới dạng bột

    Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bột protein được sản xuất bằng cách chiết xuất protein từ thực phẩm nguyên chất, sau đó cô đặc và chế biến thành dạng bột được nhiều người tiêu dùng lựa chọn nhưng không nên lạm dụng.

    Theo các chuyên gia dinh dưỡng, việc tiêu thụ quá nhiều bột protein cô đặc dưới dạng bột có thể gây tác dụng phụ. Việc quá tải protein có thể tạo áp lực lên thận, khiến chúng phải làm việc nhiều hơn để bài tiết những chất dư thừa.

    Bột protein là một trong những chất bổ sung được sử dụng phổ biến nhất. Các nhà sản xuất đã tạo ra bột protein từ nhiều nguồn động vật và thực vật khác nhau. Whey protein được phân lập từ sữa bò – có nguồn gốc từ động vật. Còn Protein đậu lại có nguồn gốc từ thực vật.

    Mọi người sử dụng bột protein cho nhiều mục đích. Một mục đích phổ biến nhất là xây dựng sức mạnh, tái tạo các mô và duy trì cơ bắp trong cơ thể. Ngoài ra, người ta còn sử dụng chúng để thay thế các bữa ăn, tăng lượng protein hoặc giúp giảm cân.


    Không nên tiêu thụ quá nhiều protein cô đặc dưới dạng bột. Ảnh minh họa

    Tuy nhiên theo tiến sĩ Aastha Khungar, Trưởng khoa Dinh dưỡng và Chế độ ăn kiêng tại Bệnh viện Max, Mohali (Ấn Độ), nhiều người lầm tưởng có thể đáp ứng nhu cầu protein chỉ bằng bột protein, trong khi thực phẩm tự nhiên vẫn là nguồn cung cấp tốt hơn.

    Đối với người có mức độ hoạt động bình thường, không tập luyện cường độ cao, lượng protein khuyến nghị là khoảng 0,8-1,0 gram protein cho mỗi kg trọng lượng cơ thể mỗi ngày.

    “Lượng protein này dễ dàng đạt được từ chế độ ăn cân bằng, giàu protein tự nhiên, kèm theo các chất dinh dưỡng thiết yếu như vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất béo lành mạnh, những chất mà bột protein đôi khi thiếu”, Tiến sĩ Aastha Khungar nói.

    Bà Aastha Khungar nhấn mạnh về một chế độ ăn cân bằng giàu thực phẩm nguyên chất như thịt nạc, cá, trứng, sữa, đậu, hạt, và ngũ cốc nguyên hạt sẽ cung cấp đủ protein chất lượng cao và các dưỡng chất thiết yếu mà bột protein có thể thiếu. Thịt gà, đậu phụ, sữa chua Hy Lạp, đậu lăng, hạt diêm mạch và phô mai tươi không chỉ giàu protein mà còn cung cấp thêm vitamin, khoáng chất, chất xơ và chất béo lành mạnh.

    Do đó, việc tiêu thụ quá nhiều protein cô đặc dưới dạng bột có thể gây tác dụng phụ. Việc quá tải protein có thể tạo áp lực lên thận, khiến chúng phải làm việc nhiều hơn để bài tiết những chất dư thừa. Từ đó làm tăng nguy cơ sỏi thận, phản ứng dị ứng và mụn trứng cá, đặc biệt là đối với người dùng protein whey cô đặc. Một số loại bột protein còn có thể làm thay đổi hệ vi khuẩn đường ruột, từ đó làm tăng nguy cơ mắc bệnh ruột kích thích và ung thư ruột kết.

    Một số loại bột protein có thể chứa thêm đường, chất tạo ngọt nhân tạo, chất bảo quản, hoặc protein cô lập chất lượng thấp, điều này không lý tưởng cho sức khỏe lâu dài. Người dùng cũng thường gặp phải các vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, đầy bụng hoặc tiêu chảy, đặc biệt khi sử dụng bột protein chứa váng sữa (dành cho người không dung nạp lactose) hoặc chất tạo ngọt nhân tạo.

    Khi lựa chọn bột protein, Tiến sĩ Amit Garg, cố vấn cấp cao về Phẫu thuật Bariatric tại Bệnh viện Livasa, Mohali (Ấn Độ) khuyên nên chú ý đến chất lượng, khả năng tiêu hóa và các chất gây dị ứng tiềm ẩn. Hãy đọc kỹ nhãn mác, thành phần và tìm kiếm các chứng nhận từ bên thứ ba để đảm bảo sản phẩm sử dụng an toàn và hiệu quả.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10560:2015 về Whey bột

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10560:2015, tương đương với CODEX STAN 289‑1995 (sửa đổi năm 2003 và bổ sung năm 2010), xác định các yêu cầu cơ bản cho sản phẩm whey bột và whey axit bột, được sử dụng trực tiếp hoặc làm nguyên liệu chế biến thực phẩm tiếp theo. Tiêu chuẩn này do Ban kỹ thuật quốc gia về sữa và sản phẩm sữa xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

    Theo tiêu chuẩn, whey bột là sản phẩm dạng bột thu được khi loại bỏ nước từ whey (dạng lỏng thu được sau khi tách phần đông trong quá trình chế biến phô mai hoặc casein) hoặc từ whey axit (sản phẩm thu được qua quá trình đông tụ nhờ axit).

    Về nguyên liệu, whey bột phải được sản xuất từ whey hoặc whey axit, tuân thủ thành phần và chất lượng phù hợp với quy định chung về sữa. Đặc biệt, whey bột nếu được tinh chỉnh như trung hòa hoặc khử khoáng cũng phải đảm bảo không làm thay đổi quá giới hạn hàm lượng protein và nước so với thông số chuẩn.

    Về phụ gia thực phẩm, tiêu chuẩn cho phép chỉ những loại phụ gia an toàn, có trong danh mục CODEX STAN 192, phù hợp với phân loại nhóm whey bột.

    Về chất nhiễm bẩn, sản phẩm phải đảm bảo giới hạn an toàn tương đương quy định của CODEX STAN 193, đồng thời không được vượt quá mức cho phép của các chỉ tiêu như dư lượng thuốc thú y (theo TCVN 6711) và thuốc bảo vệ thực vật (theo TCVN 5624).

    Về vệ sinh an toàn thực phẩm, quy trình sản xuất whey bột phải tuân thủ các nguyên tắc thực hành tốt trong chế biến sữa (CAC/RCP 1 và CAC/RCP 57), đồng thời đáp ứng các tiêu chí vi sinh theo TCVN 9632:2013, đảm bảo sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Tóm lại, TCVN 10560:2015 đặt nền tảng cho việc sản xuất whey bột an toàn, chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận thị trường trong nước và xuất khẩu.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/khong-nen-tieu-thu-qua-nhieu-protein-co-dac-duoi-dang-bot-d234842.html

    Rác thải “công nghệ nhanh” âm thầm bủa vây

    Sự bùng nổ của các thiết bị điện tử giá rẻ dùng ngắn hạn – từ quạt mini, tai nghe đến bóng bay LED đang tạo ra một “đại dương rác thải” mới mang tên công nghệ nhanh. Với vòng đời ngắn, khó sửa chữa, khó tái chế nhưng lại tiêu thụ ồ ạt, những món đồ nhỏ bé này đang trở thành mối đe dọa lớn với môi trường và tài nguyên toàn cầu.

    “Công nghệ nhanh” là thuật ngữ chỉ những thiết bị điện tử nhỏ, giá chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn đồng, thường được mua online để phục vụ nhu cầu tức thời. Từ tai nghe, quạt mini, cáp sạc, bóng bay LED, đến áo len phát sáng dịp lễ – hầu hết đều có điểm chung: rẻ tiền, nhanh lỗi thời và dễ bị vứt bỏ chỉ sau một lần sử dụng.

    Theo The Guardian, rác điện tử đang trở thành “cơn đau đầu” toàn cầu. Trong đó, công nghệ nhanh chính là “ngòi nổ” thúc đẩy lượng rác tăng chóng mặt.

    Một khảo sát tại Anh do công ty Opinium thực hiện cho thấy chi tiêu cho công nghệ nhanh đã tăng từ 2,8 tỷ bảng năm 2023 lên 11,6 tỷ bảng năm 2025. Gần 84% người được hỏi cho biết từng mua các món đồ này trong năm qua và gần 22 triệu sản phẩm – bao gồm cả những linh kiện có giá trị như đồng, vàng, lithium – bị bỏ xó chỉ sau một tháng sử dụng.


    Quạt mini được mua nhiều trong mùa hè. (Ảnh minh họa)

    Tổ chức phi lợi nhuận Material Focus ước tính, mỗi năm có hơn 1,14 tỷ thiết bị điện tử nhỏ được tiêu thụ, trong đó khoảng 589 triệu thiết bị – tương đương 19 thiết bị bị vứt bỏ mỗi giây trở thành rác thải. Không ít trong số đó vẫn chứa kim loại quý, pin, dây dẫn, nhưng lại bị vứt đi như đồ rác thải sinh hoạt thông thường.

    “Chúng ta từng có thức ăn nhanh, thời trang nhanh, giờ là công nghệ nhanh. Chúng tôi không phản đối công nghệ, nhưng điều đáng lo ngại là số lượng khổng lồ sản phẩm giá rẻ, chất lượng thấp, dùng một lần đang tràn lan trên thị trường”, ông Scott Butler – Giám đốc điều hành Material Focus cảnh báo.

    Ông cho biết, hơn 1/3 người Anh coi công nghệ nhanh là đồ dùng một lần vì giá rẻ. Nhưng thực tế, “bất kỳ thứ gì có phích cắm, pin hay dây cáp đều không nên bị vứt bỏ” bởi chúng chứa những nguyên liệu quý hiếm, có thể tái sử dụng hoặc tái chế.

    Một điểm đáng báo động khác là xu hướng tiêu dùng theo mùa, theo trào lưu. Năm ngoái, chỉ riêng nước Anh đã tiêu thụ hơn 7,1 triệu chiếc quạt mini vào mùa hè, nhưng đến nay hơn một nửa trong số đó – khoảng 3,5 triệu chiếc đã bị vứt bỏ hoặc quên lãng trong ngăn kéo.

    Nhà khoa học môi trường Laura Young đánh giá công nghệ nhanh là “mối đe dọa môi trường kiểu mới”, không chỉ vì khối lượng khổng lồ và vòng đời cực ngắn mà còn bởi nhiều thiết bị chứa các hóa chất độc hại, nguy cơ rò rỉ khi xử lý không đúng cách.

    Một chuyên gia ngành tái chế cho rằng việc kết hợp giữa nhựa và các thành phần điện tử đã tạo ra “hỗn hợp độc hại rất khó phân tách”, khiến việc tái chế trở nên gần như bất khả thi. Đáng lo ngại hơn, nhiều sản phẩm giá rẻ này được thiết kế để… không thể sửa chữa, càng khiến chúng bị loại bỏ nhanh hơn.

    Không chỉ gây ô nhiễm tại nước sở tại, rác thải công nghệ còn bị đẩy sang các quốc gia nghèo hơn, nơi điều kiện xử lý kém, tiềm ẩn rủi ro sức khỏe cho cộng đồng.

    Theo Thanh Hiền (t/h)
    https://vietq.vn/rac-thai-cong-nghe-nhanh-dang-am-tham-bua-vay-d234733.html

    Nguy cơ vô hình từ nhà bếp: Vi nhựa đang “len lỏi” vào cơ thể bạn mỗi ngày

    Không chỉ xuất hiện trong đại dương hay thuỷ hải sản, vi nhựa còn ẩn mình trong những vật dụng quen thuộc như chai nước, hộp đựng thức ăn, thớt, túi trà… khiến con người vô tình hấp thụ chúng mỗi ngày mà không hề hay biết.

    Ô nhiễm vi nhựa không còn giới hạn ở môi trường biển – theo một nghiên cứu mới, các hạt nhựa siêu nhỏ đã thâm nhập vào cả không khí mà chúng ta hít thở và các vật dụng nhà bếp hằng ngày. Điều này đặt ra cảnh báo lớn đối với sức khỏe, đặc biệt là hệ hô hấp và nội tiết của con người.

    Tờ Daily Mail dẫn thông tin từ Diễn đàn Bao bì Thực phẩm Thụy Sĩ cho biết, nhóm chuyên gia đã rà soát 103 nghiên cứu khoa học liên quan đến vi nhựa phát sinh từ vật dụng tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm như chai nhựa, bình sữa trẻ em, cốc dùng một lần, túi trà, màng bọc thực phẩm, thớt…

    Đáng chú ý, chai nhựa là thủ phạm phát thải vi nhựa nhiều nhất với 173 hồ sơ, theo sau là túi trà (68 hồ sơ), cốc dùng một lần (59), túi nhựa (57), pallet (19), giấy gói (11) và cả… thớt (1 hồ sơ). Đặc biệt, có tới 27 hồ sơ ghi nhận sự hiện diện của vi nhựa trong bình sữa trẻ em, cho thấy con người đã tiếp xúc với các hạt nhựa này ngay từ thuở sơ sinh.

    Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh, ngay cả khi sử dụng đúng cách theo hướng dẫn, các sản phẩm đóng gói bằng nhựa vẫn có thể giải phóng vi nhựa. Những hạt này thường có kích thước siêu nhỏ – dưới 5mm (vi nhựa), thậm chí dưới 1 micromet (nano nhựa) nên hoàn toàn không thể quan sát bằng mắt thường.

    Vi nhựa có thể hình thành từ ma sát (khi mở nắp chai), tác động nhiệt (đổ nước sôi vào túi trà, quay thức ăn trong hộp nhựa), hoặc cắt thức ăn trên thớt nhựa. Một khi phát tán, chúng xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp, tiêu hóa và tích tụ tại nhiều cơ quan quan trọng như tim, phổi, não, nhau thai – thậm chí xuất hiện trong… phân người.


    Ảnh minh họa.

    Dù tác động dài hạn vẫn cần nghiên cứu sâu, các bằng chứng bước đầu cho thấy vi nhựa có thể gây ra rối loạn nội tiết, tổn thương hệ thần kinh, suy giảm trí nhớ, ảnh hưởng thai kỳ, đột quỵ và thậm chí là ung thư. Ngoài ra, vi nhựa còn phá vỡ hệ vi sinh đường ruột, gây stress oxy hóa, viêm nhiễm, ảnh hưởng khả năng sinh sản – nhất là ở nam giới.

    “Cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với vi nhựa và nano nhựa để giảm nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe”, nhóm tác giả khuyến cáo.

    Trước đó, một nghiên cứu năm 2023 đăng trên Environmental Science & Technology cho biết mỗi cm² bề mặt hộp nhựa quay trong lò vi sóng có thể giải phóng hàng triệu hạt vi và nano nhựa. Khi đựng thức ăn nóng, các chất phụ gia như BPA và phthalate trong nhựa có thể thoát ra, tiềm ẩn nguy cơ gây rối loạn hormone, viêm và ảnh hưởng khả năng sinh sản.

    Khuyến nghị cho người tiêu dùng:

    • Tránh đựng thực phẩm nóng vào hộp nhựa.

    • Không quay hộp nhựa trong lò vi sóng, dù được ghi “an toàn”.

    • Ưu tiên sử dụng hộp thủy tinh, sứ, gốm hoặc inox.

    • Hạn chế sử dụng chai nhựa dùng một lần và túi trà công nghiệp.

    Vi nhựa đang thầm lặng “xâm nhập” vào cơ thể con người qua những thói quen tưởng như vô hại hằng ngày. Giới chuyên gia khuyến cáo, việc chủ động thay đổi hành vi tiêu dùng sẽ là hàng rào bảo vệ đầu tiên và quan trọng nhất để giảm thiểu rủi ro từ những hạt nhựa vô hình này.

    Theo Thanh Hiền
    https://vietq.vn/nguy-co-vo-hinh-tu-nha-bep-vi-nhua-dang-len-loi-vao-co-the-ban-moi-ngay-d234680.html

    Nghiên cứu mới từ Mỹ: Dầu ăn thực sự có tác dụng hỗ trợ chống lại bệnh tim và tiểu đường

    Một nghiên cứu quy mô lớn tại Mỹ đã phát hiện ra rằng mức độ cao của chất béo có trong dầu ăn như dầu đậu nành và dầu bắp, giúp giảm tình trạng viêm, cải thiện sức khỏe tim mạch và trao đổi chất, giảm tình trạng kháng insulin.

    Nghiên cứu trên vừa được trình bày tại Nutrition 2025 – cuộc họp thường niên quan trọng của Hiệp hội Dinh dưỡng Mỹ, diễn ra tại Orlando- Florida (Mỹ). Các nhà nghiên cứu đã sử dụng các dấu hiệu trong máu, quan sát thấy những người có nhiều axit linoleic trong huyết tương có lượng đường trong máu, tình trạng kháng insulin và tình trạng viêm thấp hơn. Những phát hiện này cho thấy dầu ăn thực sự có tác dụng bảo vệ sức khỏe, theo trang tin y khoa Scitech Daily.

    Nghiên cứu mới này đã chứng minh chất béo trong dầu ăn có thể bảo vệ chống lại bệnh tim và tiểu đường. Các nhà khoa học đã đo nồng độ axit linoleic, một loại axit béo omega-6, có nhiều trong dầu ăn, trong máu của những người tham gia và đã phát hiện ra rằng mức axit linoleic cao hơn giúp giảm viêm và các yếu tố nguy cơ tim mạch và trao đổi chất.

    Axit linoleic là chất béo omega-6 phổ biến nhất trong chế độ ăn uống, có trong nhiều loại thực phẩm từ thực vật, đặc biệt là trong các loại dầu thực vật như dầu đậu nành và dầu bắp.

    Tuy gây tranh cãi trước đây, omega-6 vẫn luôn có giá trị nhất định đối với sức khỏe. Chúng là tiền chất quan trọng để tổng hợp các hợp chất khác trong cơ thể, bao gồm một số hợp chất vai trò trong quá trình điều hòa huyết áp, chức năng miễn dịch, đông máu, phản ứng viêm… Omega-6 cũng giúp duy trì tính toàn vẹn, tính linh hoạt và khả năng hoạt động của màng tế bào, liên quan đến sự phát triển não bộ và thị lực ở trẻ nhỏ. Ngoài các loại hạt, chất béo này cũng tồn tại nhiều trong thịt, trứng.

    Các nhà khoa học tại Trường Y tế công cộng Đại học Indiana-Bloomington (Mỹ) đã phân tích dữ liệu của 1.894 người tham gia. Kết quả đã phát hiện ra rằng nồng độ axit linoleic cao hơn trong huyết tương sau khi được hấp thụ qua chế độ ăn uống, có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tiểu đường loại 2 thấp hơn.


    Dầu ăn tốt cho sức khỏe nên sử dụng đúng cách. Ảnh minh họa

    Tác giả nghiên cứu chính, Giáo sư – tiến sĩ Kevin C. Maki, Trường Y tế công cộng, Đại học Indiana-Bloomington (Mỹ), giải thích, dầu ăn ngày càng được chú ý, một số người cho rằng loại dầu này thúc đẩy tình trạng viêm và làm tăng nguy cơ tim mạch chuyển hóa. Nghiên cứu của chúng tôi đã chứng minh rằng axit linoleic cao hơn trong huyết tương có liên quan đến mức độ thấp hơn của các dấu hiệu sinh học về nguy cơ tim mạch chuyển hóa, bao gồm cả những dấu hiệu liên quan đến tình trạng viêm, theo Scitech Daily.

    Kết quả nghiên cứu mới phù hợp với các kết quả từ các nghiên cứu cho thấy lượng axit linoleic cao hơn có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và các biến cố tim mạch, như đau tim và đột quỵ, thấp hơn.

    Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những người có hàm lượng axit linoleic cao hơn có mức glucose và insulin và tình trạng kháng insulin thấp hơn.

    Giáo sư Maki cho biết, kết quả nhất quán khi đo lường các chỉ số sinh học khác nhau. Những người có hàm lượng axit linoleic cao hơn trong máu có nguy cơ bệnh tim và tiểu đường thấp hơn.

    Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe khi sử dụng dầu ăn Viện Dinh dưỡng quốc gia cho rằng, trong mỗi gia đình nên có hai loại dầu ăn để sử dụng cho các loại thực phẩm khác nhau. Loại thứ nhất để cung cấp các axit béo thiết yếu, chủ yếu là các loại dầu hạt như: dầu mè, dầu ô liu…. Các loại dầu này nên dùng để trộn với giấm, salad, cho vào thức ăn trẻ em, nấu canh, ướp thịt cá. Loại thứ hai là dầu dừa, dầu đậu nành dùng để chiên, xào ở nhiệt độ cao như rán chả, giò, cá, khoai tây.

    Dầu ăn, mỡ sử dụng chiên, xào còn dư nên bỏ đi, không dùng đi dùng lại nhiều lần (chỉ dùng tối đa 2 lần) vì trong quá trình chịu tác động của nhiệt độ cao sinh ra chất béo thể trans và một số thành phần độc hại khác không tốt cho cơ thể. Dầu đã mở nắp chỉ nên sử dụng trong khoảng 1 tháng. Dầu ăn, mỡ tái sử dụng nhiều lần tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe, thậm chí lâu dài có thể gây ra ung thư.

    Theo Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế), dầu ăn, mỡ khi chiên rán ở nhiệt độ cao (thường trên 180 độ C) sẽ xảy ra các phản ứng hóa học, sinh ra các chất aldehyde, chất oxy hóa… đều là những chất rất có hại cho sức khỏe. Nếu nấu ở nhiệt độ càng cao (như để cho dầu bốc cháy trên chảo), số lần nấu lại càng nhiều thì lượng chất độc hại sinh ra càng nhiều.

    Trong những chất độc hại đó, có những chất bay hơi ra không khí, gây ô nhiễm không khí, người hít phải cũng độc hại; có chất lại lắng lẫn vào trong dầu, mỡ thấm vào thức ăn, người ăn vào rất hại cho sức khỏe. Khi ăn phải chất độc hại trong dầu, mỡ này có thể thấy các triệu chứng: chóng mặt, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, thở khó, tim đập chậm, huyết áp tăng cao, người mỏi mệt, ăn nhiều trong thời gian dài có thể bị ung thư.

    Ngoài ra, dầu, mỡ nấu ở nhiệt độ cao nhiều lần còn làm cho các vitamin tan trong dầu như vitamin A, E bị phá hủy, làm giảm giá trị dinh dưỡng của dầu. Theo đó, muốn tránh tác hại nói trên cần thực hiện một số biện pháp như khi chiên rán phải hạn chế nhiệt độ cao, không để vượt quá 150-180 độ C, muốn vậy không để cho dầu, mỡ bốc khói khi nấu.

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7597:2018 về dầu thực vật

    Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7597:2018 quy định các yêu cầu cơ bản đối với dầu thực vật dùng làm thực phẩm. Theo đó, dầu thực vật phải được sản xuất từ nguyên liệu sạch, an toàn và không sử dụng hóa chất độc hại trong quá trình chế biến, đặc biệt đối với dầu nguyên chất và dầu ép nguội. Dầu phải có mùi, vị đặc trưng, không ôi khét, không chứa tạp chất hoặc chất lạ.

    Tiêu chuẩn cũng yêu cầu dầu phải được tinh chế hoặc xử lý phù hợp để loại bỏ các tạp chất và đảm bảo chất lượng ổn định trong quá trình bảo quản và sử dụng. Các loại dầu như dầu hướng dương, dầu cọ, dầu đậu nành… đều cần đảm bảo tỷ lệ thành phần phù hợp với từng loại.

    Về phụ gia, chỉ những loại dầu tinh luyện mới được phép sử dụng một số chất chống oxy hóa nhằm kéo dài thời gian sử dụng, còn dầu nguyên chất và ép nguội không được phép dùng bất kỳ loại phụ gia nào. Ngoài ra, dầu thực vật phải đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm, không chứa vi sinh vật gây hại và tuân thủ đúng quy định về nhãn mác, bao gồm tên sản phẩm, ngày sản xuất, hạn sử dụng, nơi sản xuất và thông tin nhà sản xuất.

    Vân Thảo (T/h)
    https://vietq.vn/nghien-cuu-moi-tu-my-dau-an-thuc-su-co-tac-dung-ho-tro-chong-lai-benh-tim-va-tieu-duong-d234679.html