Các nhà sáng chế tại Đại học Tufts (Mỹ) vừa phát triển thành công sản phẩm băng y tế “thông minh” có trang bị bộ phận theo dõi và hỗ trợ quá trình chữa lành vết thương.

Về cơ bản, băng y tế điện tử sử dụng các cảm biến đo nhiệt độ và độ pH để theo dõi tình trạng nhiễm trùng và viêm của vết thương. Một bộ vi xử lý sẽ phụ trách đọc dữ liệu từ các cảm biến, sau đó giải phóng thuốc kháng sinh theo nhu cầu của vết thương, nhờ đó bảo đảm việc dùng thuốc đúng liều mà không cần đến sự can thiệp của bệnh nhân hoặc người chăm sóc. Tất cả các bộ phận được tích hợp trong miếng băng trong suốt và mềm dẻo với độ dày chưa đầy 3mm. Sản phẩm được sản xuất với giá thành thấp và dùng một lần, trừ bộ vi xử lý có thể tái sử dụng.

Được biết, theo dõi độ pH tại vết thương là cách để giám sát quá trình chữa lành, ví dụ, độ pH dao động trong khoảng 5,5-6,5 là bình thường, nhưng nếu tăng trên 6,5 nghĩa là vết thương đang nhiễm trùng. Tương tự, nhiệt độ tại chỗ và xung quanh vết thương cũng là một chỉ dấu quan trọng giúp xác định mức độ viêm.

Miếng dán cấp thuốc cho bệnh nhân Alzheimer

Trong một nỗ lực khác, hãng dược phẩm Mỹ Corium Pharmaceuticals vừa cho ra đời một miếng dán truyền thuốc dùng trên bắp tay hỗ trợ điều trị bệnh cho những người mắc Alzheimer – chứng thoái hóa thần kinh chưa có thuốc chữa.

Theo các chuyên gia y tế, thuốc Aricept – giúp làm giảm triệu chứng và trì hoãn tiến triển của chứng sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi – đang tác động lớn đến chất lượng sống của hàng nghìn bệnh nhân Alzheimer cấp độ từ nhẹ tới vừa. Nhưng do mất trí nhớ và hay lẫn, họ khó duy trì việc uống thuốc đều đặn, đặc biệt là những người gặp vấn đề về nuốt.

Trong khi đó, miếng dán mới (cỡ một con tem) cũng chứa một loại thuốc có dược tính tương tự Aricept. Sau khi dán lên da, thuốc được giải phóng từ từ qua các mao mạch và đi vào máu, sau đó truyền tới não và làm tăng nồng độ chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine vốn có công dụng giúp các tế bào thần kinh giao tiếp với nhau. Tác động này giúp bệnh nhân Alzheimer chống lại tình trạng mất trí và lẫn.

Kết quả thử nghiệm miếng dán sau 6 tháng chứng tỏ sản phẩm dùng cấp thuốc 1 tuần này đã có hiệu quả tương đương như khi uống thuốc viên hàng ngày. Nhưng so với dùng thuốc viên, sử dụng miếng dán giúp giảm đáng kể tác dụng phụ (như buồn nôn, ói và mất cảm giác thèm ăn), bởi thuốc không đi vào dạ dày mà ngấm qua máu.

Theo Huy Minh/baocantho.com.vn (11/7/2018)