Theo chuyên gia Mỹ, rượu bia, đồ uống chứa caffeine, bạc hà, rau mùi tây là những thực phẩm phụ nữ đang cho con bú nên tránh hoặc hạn chế vì có thể không an toàn cho em bé.
Các bà mẹ đang cho con bú không cần quá căng thẳng về việc không nên ăn gì khi cho con bú nhưng điều quan trọng là phải nhận thức được những thực phẩm mà khi tiêu thụ với số lượng lớn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của em bé và nguồn sữa của mẹ.
Hầu hết bà mẹ cho con bú có thể ăn nhiều loại thực phẩm mà không ảnh hưởng đến em bé của họ. Nhưng mọi tình huống đều khác nhau. Nếu nhận thấy rằng con có vẻ quấy khóc, khó ngủ hoặc đầy hơi sau khi ăn một loại thức ăn cụ thể, hãy nói chuyện với bác sĩ để tìm hiểu cụ thể.
Rượu bia
Theo Andrea Syms-Brown, nhà tư vấn về vấn đề cho con bú tại New York (Mỹ) cho biết, sau 9 tháng không uống rượu bà mẹ có thể muốn uống một cốc bia hoặc một ly rượu và điều đó hoàn toàn ổn. Nhưng hãy nhớ rằng rượu có thể đi qua sữa mẹ vào hệ thống cơ thể của em bé. Dù mẹ có hút bỏ sữa đi trước khi cho bé bú thì nồng độ cồn vẫn cao trong máu của mẹ.
Nếu đã uống quá nhiều, hãy đợi cho đến khi rượu đào thải ra khỏi cơ thể trước khi cho con bú. Vào thời điểm máu không còn cồn, sữa cũng vậy. Tất nhiên, lượng rượu cần thiết để khiến say và cần đợi bao lâu trước khi tỉnh táo trở lại tùy thuộc vào mỗi người.
Nếu có thể chỉ nên uống chút rượu sau khi cho con bú, sau đó đợi 2-3 giờ trước lần cho con bú tiếp theo để cơ thể có thời gian đào thải chất cồn ra ngoài. Cũng có thể lên kế hoạch vắt sữa trước khi uống để có sẵn một ít sữa mẹ dự trữ cho bé.
Điều rất quan trọng là không bao giờ ngủ chung giường hoặc ngủ trên ghế sofa với em bé nếu đã uống rượu. Điều này có liên quan đến nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS).
Thực phẩm chứa caffeine
Caffeine có thể được sử dụng khi đang cho con bú với liều lượng vừa phải. Tuy nhiên, chuyên gia Syms-Brown khuyến cáo miễn là hạn chế lượng caffeine nạp vào không quá 3 cốc đồ uống có chứa caffeine mỗi ngày.
Mặc dù những thứ có chứa caffeine không nhất thiết phải là thực phẩm nên tránh khi cho con bú, tốt nhất nên thưởng thức cà phê hoặc trà sau khi vừa cho con bú xong. Giống rượu, caffeine đi vào máu và sữa mẹ, do đó, uống quá nhiều cà phê có thể khiến một số trẻ (đặc biệt là trẻ sơ sinh) bồn chồn.
Giống rượu, caffeine đi vào máu và sữa mẹ, do đó, uống quá nhiều cà phê có thể khiến một số trẻ (đặc biệt là trẻ sơ sinh) bồn chồn. Ảnh minh họa
Cá chứa thủy ngân
Hầu như tất cả loại cá đều chứa một ít thủy ngân, chất gây ô nhiễm phổ biến được biết đến là chất độc thần kinh, có thể ảnh hưởng đến não của em bé. Tuy nhiên, lợi ích sức khỏe của việc ăn cá (đạm cao, ít chất béo) lớn hơn nguy cơ.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các trường hợp ngoại lệ và những loại cá được dán nhãn là thực phẩm nên tránh khi cho con bú là cá mập, cá kiếm, cá ngói và cá thu vua. Những loài cá già, ăn thịt hàng đầu này chứa hàm lượng thủy ngân cao nhất, vì vậy, hãy loại bỏ những thực phẩm đó khỏi chế độ ăn cho con bú.
Bạc hà, rau mùi tây và cây xô thơm
3 loại thảo mộc này được gọi là thuốc chống tiết sữa, có nghĩa là ở liều lượng cao, chúng làm giảm sản xuất sữa mẹ. Nếu nhận thấy việc sản xuất sữa của mình giảm xuống sau khi ăn một bó bạc hà, mùi tây hoặc cây xô thơm, tốt nhất bạn nên tránh nó khi đang cho con bú một thời gian. Đối với một số bà mẹ cho con bú, ngay cả kẹo và kem đánh răng có hương vị bạc hà cũng là vấn đề.
Thực phẩm gây đầy hơi
Thủ phạm phổ biến bao gồm đậu, bông cải xanh, bắp cải và mầm Brussels. Đầy hơi, ợ hơi và xì hơi ở trẻ là bình thường. Nhưng nếu em bé bị đầy hơi hoặc đau bụng thường xuyên, hãy tránh những thực phẩm này trong vài tuần để xem liệu chúng có làm giảm các triệu chứng hay không.
Tránh thực phẩm cay, lạnh, chưa chín, đồ chua
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Hồng Ngọc, thực phẩm cay không có lợi cho đường ruột của mẹ đặc biệt là làm giảm cảm giác ngon của sữa khiến trẻ bỏ bú. Nó cũng có thể có hại cho đường ruột non nớt của trẻ. Ăn đồ cay làm mẹ dễ bị táo bón và bệnh trĩ sau khi sinh.
Các loại đồ ăn, đồ uống lạnh có hại cho răng và tiêu hóa của mẹ sau sinh. Mẹ rất dễ bị buốt răng về lâu dài và rối loạn tiêu hóa nếu tiêu thụ đồ lạnh ngay sau khi sinh. Nó cũng là một nguyên nhân làm cho các cơn đau của mẹ kéo dài hơn.
Các loại thực phẩm chưa chín làm tăng nguy cơ ngộ độc, rối loạn tiêu hóa của mẹ thậm chí có thể ảnh hưởng đến đường ruột của trẻ bú sữa mẹ.
Các loại trái cây, đồ uống có vị chua từ cam, quýt, chanh bình thường là nguồn cung cấp vitamin C rất tốt. Tuy nhiên, đối với bà mẹ vừa sinh thì các trái cây này lại không có lợi.
Đồ ăn uống có vị chua rất dễ lên men không có lợi cho tiêu hóa của mẹ mới sinh. Mặt khác, trẻ bú sữa mẹ rất dễ bị trào ngược dạ dày, tiêu chảy hoặc bị hăm tã nếu mẹ tiêu thụ các chất này. Mẹ nên tránh các loại đồ chua sau sinh.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/nhung-thuc-pham-phu-nu-dang-cho-con-bu-nen-tranh-vi-an-toan-cua-tre-d210911.html