Thịt bò có chứa nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, cần tránh ăn nhiều thịt bò, nhất là thịt bò nướng.
Thịt bò có hương vị thơm ngon, có thể chế biến thành nhiều món ăn vô cùng hấp dẫn. Trong thịt bò có chứa nhiều vitamin B6, protein và sắt cao, vitamin B12 cùng nhiều khoáng chất khác,… Là những chất giúp tăng cường năng lượng và tạo máu cho cơ thể, tăng trưởng cơ bắp. Với những người đang cần luyện tập cơ bắp thì thịt bò là thực phẩm không thể thiếu. Chúng bổ sung nguồn năng lượng dồi dào cho các hoạt động mạnh.
Các khoáng chất trong thịt bò giúp tổng hợp protein tốt hơn, chống oxy hóa, tăng cường hệ miễn dịch, tăng cường khả năng trao đổi chất insulin. Theo nghiên cứu, 2 axit Linoleic và palmitic là những hợp chất đặc biệt giúp cơ thể chống lại bệnh ung thư và các virus mầm bệnh. Tuy nhiên theo các bác sĩ, khi ăn và chế biến thịt bò cần đặc biệt lưu ý để không hại sức khỏe.
Cụ thể, theo bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Tấn Vũ, giảng viên khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, thịt bò là nguồn dưỡng chất quan trọng, tùy chế độ ăn của mỗi cá nhân mà có lượng ăn phù hợp, không nên ăn quá 500 gr thịt đỏ đã qua nấu chín mỗi tuần.
Ngoài ra, một số cách chế biến cũng cần tránh như: Chế biến thịt bò ở nhiệt độ cao vì các amin dị vòng là chất gây ung thư được tạo ra khi thịt được chế biến ở nhiệt độ cao. Chế biến thịt bò theo công nghệ như xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói…: Cách chế biến này có thể khiến những người ăn nhiều tăng nguy cơ xuất hiện ung thư đại tràng. Chế biến món ăn từ thịt bò tái. Ăn thịt bò đã được nấu chín để đề phòng ký sinh trùng hoặc sán thâm nhập cơ thể. Món thịt tái không đảm bảo được vấn đề này.
Không nên ăn nhiều thịt bò được chế biến ở nhiệt độ cao. Ảnh minh họa
Những bệnh không nên ăn thịt bò
Theo các bác sĩ tại Bệnh viện Mellatec, chính bởi thịt bò chứa nhiều chất dinh dưỡng cho nên có nhiều người bệnh sẽ khó thích ứng được loại thực phẩm này. Điển hình có thể kể đến những người mắc các chứng bệnh dưới đây:
Người bị dị ứng thịt bò: Những người bị dị ứng thịt bò thường khi ăn vào sẽ thấy các hiện tượng như nổi mề đay, viêm da dị ứng, ở vùng mắt và môi da có hiện tượng phồng lên,… Sau đó còn có thể lan rộng ra các vùng da khác. Ngoài ra, còn bị ngứa ở mắt, mũi dẫn đến chảy nước mắt, nước mũi, hắt hơi, kèm theo các triệu chứng của hen suyễn như nặng ngực, khó thở, thở khò khè, ho.
Bệnh nhân mỡ máu, gan nhiễm mỡ: Những người bị bệnh mỡ máu, gan nhiễm mỡ thường phải điều chỉnh lại chế độ ăn uống của mình. Nhất là những giai đoạn bệnh có nguy cơ tiến triển nặng và bệnh nặng thì chỉ nên ăn thanh đạm, giảm lượng protein động vật, tăng lượng protein thực vật. Trong khi đó, hàm lượng đạm trong thịt bò rất cao, không thích hợp với đối tượng người bệnh này.
Người cao huyết áp: Những người mắc bệnh cao huyết áp thường phải hạn chế tối đa các loại thực phẩm chứa chất béo bão hòa. Điều này giúp ổn định đường huyết, tránh mỡ máu. Thịt bò có chứa chất béo bão hòa với hàm lượng lớn nên không thích hợp với những người này. Đây là một trong những đối tượng cần hạn chế ăn thịt bò.
Người bệnh u xơ tử cung: Phụ nữ bị u xơ tử cung nên tránh thịt bò. Vì trong thịt bò có chứa các chất kích thích estrogen phát triển nên sẽ khiến khối u lớn nhanh hơn bình thường.
Người đang bị thủy đậu: Khi bị thủy đậu, người bệnh cần phải kiêng nhiều loại thực phẩm. Trong đó, có thịt bò, hải sản, thịt vịt,… Thịt bò chứa nhiều chất dinh dưỡng song không hợp với người đang có bệnh này. Các chất trong thịt bò sẽ khiến các nốt thủy đậu nổi lên nhiều hơn và bệnh trở nên trầm trọng hơn.
Người bị bệnh viêm khớp: Khi ăn lượng thịt bò nhiều vào trong cơ thể, thịt bò sẽ sản sinh ra nhiều lượng axit. Trong khi đó các axit cần phải có canxi để trung hòa và chuyển hóa. Những người bị viêm khớp thường trong trong tình trạng thiếu canxi. Nếu tiêu thị lượng thịt bò quá nhiều hoặc vừa phải cũng không tốt. Axit do thịt bò sản xuất ra sẽ hấp thụ hết canxi trong cơ thể khiến người bệnh càng thiếu canxi trầm trọng hơn, bệnh sẽ nặng hơn. Đây là những bệnh không nên ăn thịt bò.
Người bị bệnh gout: Người bị bệnh gout có nguyên nhân là do bị tăng axit uric trong máu quá nhiều, hình thành những u, cục ở bàn tay và bàn chân gây đau đớn cho bệnh nhân. Trong khi đó, thịt bò chứa nhiều đạm, là yếu tố hàng đầu có nguy cơ làm tăng axit uric. Do vậy, những người bị bệnh gout nên hạn chế tối đa hoặc tránh hẳn món thịt bò.
Người bị sỏi thận: Thịt bò và nhiều loại thịt giàu đạm khác rất giàu protein. Trong khi đó, protein khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng nguy cơ hình thành các loại sỏi.
Đây là những người nên tránh hoặc hạn chế đến mức tối đa thịt bò. Thịt bò nhiều chất, có thể là nguồn cung cấp dinh dưỡng thiết yếu cho nhiều người nhưng riêng những người có bệnh như trên thì không nên ăn thịt bò. Việc tiêu thụ thịt bò có thể vô tình khiến cho bệnh trở nên nặng hơn mà chính bản thân bệnh nhân không hề biết.
Những lưu ý khi sử dụng thịt bò
Thịt bò vốn nhiều chất dinh dưỡng. Do vậy khi kết hợp trong nấu nướng, ăn uống hàng ngày người dùng cần lưu ý đến từng loại thực phẩm phù hợp. Khi ăn thịt bò, người dùng cần lưu ý những điều sau:
Không nấu chung hoặc ăn chung thịt bò với hải sản. Lý do là bởi sự kết hợp này có thể gây phản ứng giữa các chất dinh dưỡng với nhau. Thịt bò chứa nhiều photpho, trong khi hải lại rất giàu calci và magie. Khi kết hợp 2 thực phẩm này thì các chất sẽ kết tủa thành một dạng muối. Sự kết tủa này khiến cho cơ thể bị giảm sút khả năng hấp thụ photpho và canxi.
Không nấu chung hoặc ăn chung thịt bò với thịt lợn. Bởi thịt lợn tính hàn còn thịt bò tính ôn. Hai thứ này kết hợp sẽ khiến cho dinh dưỡng của cả 2 loại thực phẩm này không còn tác dụng được như mong muốn.
Không ăn chung thịt bò với lươn, rau hẹ vì sẽ gây ngộ độc hoặc khó tiêu.
Không dùng chung thịt bò với hạt dẻ vì hạt dẻ giàu vitamin C còn thịt bò nhiều protein, kết hợp sẽ làm biến chất và giảm dinh dưỡng của chúng. Không nấu chung thịt bò với rượu vì sẽ khiến thịt bò biến chất, gây khó tiêu, thậm chí là dị ứng.
Ăn thịt bò không nên uống chè hoặc các loại trà có vị chát. Vì trà có chứa nhiều axit tanin sẽ ngăn cản hấp thu vi khoáng có trong thịt bò. Đặc biệt là có thể gây táo bón, khó tiêu dài ngày. Chỉ nên uống trà sau khi ăn thịt bò ít nhất 2 tiếng đồng hồ.
Không nên nấu chung thịt bò với các loại đậu như đậu nành, đậu đen,… Đậu đen giàu chất xơ sẽ làm giảm khả năng hấp thụ nguồn sắt dồi dào trong thịt bò. Trong khi đó, đậu nành chứa nhiều purin kết hợp với thịt bò sẽ làm tăng acid uric gây cơn đau khớp, nhất là với những người bị bệnh gout.
Ngọc Nga (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-chi-ra-nhung-luu-y-dac-biet-khi-an-va-che-bien-thit-bo-de-dam-bao-suc-khoe-d210737.html