Thời tiết đã chuyển sang mùa hè với nhiệt độ liên tục tăng cao khiến nhiều người lựa chọn sử dụng điều hòa thường xuyên để giảm bớt sự oi bức và nắng nóng khiến chi phí điện năng tăng khiến nhiều người lo lắng. Vì vậy, cần lưu ý những các tiết kiệm điện để có thể thoải mái sử dụng điều hòa.

1. Sử dụng chế độ tiết kiệm điện trên remote

Một số dòng điều hòa có chế độ tiết kiệm điện (Econo/Eco) bằng cách giới hạn mức tiêu thụ điện của máy. Chế độ ngủ (Sleep) cũng rất hữu dụng, vừa giúp máy chạy êm để người dùng yên giấc, vừa giúp tiết kiệm điện. Sáng sớm khi trời dịu mát, người dùng có thể tắt điều hòa trước khi tỉnh giấc khoảng 1 tiếng để tận dụng hơi lạnh trong phòng. Hoặc, người dùng có thể hẹn giờ tắt tự động – vừa tiết kiệm điện lại không ảnh hưởng giấc ngủ.

2. Xem chỉ số tiết kiệm điện trên tem năng lượng

Để minh bạch thông số máy, Bộ Công Thương yêu cầu nhà sản xuất dán nhãn năng lượng màu xanh, ghi rõ số sao năng lượng từ 1 đến 5 (trong đó mức 5 là tiết kiệm điện nhất). Nếu thiết bị đạt mức sao năng lượng như nhau, người mua có thể xem thêm chỉ số hiệu suất năng lượng (CSPF) trên tem. Chỉ số này càng cao thì máy càng tiết kiệm điện.

3. Không để nhiệt độ quá thấp dưới 25 độ

Nhiều người sau khi đi trời nắng về thường có thói quen giảm nhiệt độ điều hoà xuống mức 16-18 độ C để làm mát nhanh, tuy nhiên việc làm này vừa khiến thiết bị hoạt động quá tải, lại gây lãng phí điện và ảnh hưởng tới sức khoẻ. Mỗi khi bạn giảm 5 độ C thì điều hòa sẽ tiêu tốn thêm khoảng 40% điện năng.

Để tiết kiệm điện, hãy khởi động điều hoà ở mức nhiệt 23-24 độ, sau đó tăng dần lên mức mong muốn. 26 độ C là mức nhiệt tối ưu cho cả sức khỏe lẫn ví tiền của bạn. Mức nhiệt 23-25 độ C vào ban ngày và 25-28 độ C vào ban đêm thích hợp để máy lạnh hoạt động tối ưu, xét về tương quan tiền điện và hiệu quả làm mát.


Người mua có thể xem thêm chỉ số hiệu suất năng lượng (CSPF) trên tem. Chỉ số này càng cao thì máy càng tiết kiệm điện. Ảnh minh họa

4. Không bật tắt liên tục

Cách dùng điều hòa tiết kiệm điện bạn cần biết đó là bỏ thói quen bật tắt điều hòa liên tục. Nhiều người có thói quen bật điều hoà kèm quạt, sau đó tắt đi, đến khi cảm thấy nóng lại bật điều hoà lại. Tuy nhiên đây là cách làm tai hại, vừa không những lãng phí thêm tiền điện mà còn làm cho điều hòa nhanh hỏng.

Mỗi lần khởi động, điều hoà phải tiêu tốn rất nhiều điện năng để bật máy nén, động cơ quạt và làm lạnh không khí đến mức nhiệt độ yêu cầu.

5. Đóng kín các cửa, khe hở, không mở cửa thường xuyên

Khi sử dụng các loại máy lạnh, điều hoà cần đóng kín cửa phòng, bịt các khe hở để tránh làm thất thoát nhiệt. Nếu đi ra ngoài cũng không nên để cửa mở hoặc đóng mở thường xuyên. Việc ra vào nhiều lần không đóng kín cửa là cơ hội để khí nóng bên ngoài xâm nhập vào phòng làm nhiệt độ tăng lên, khiến điều hoà phải hoạt động nhiều hơn để lấy lại nhiệt độ mong muốn. Ngoài ra, cần che kín phòng bằng rèm vải dày, bởi ánh nắng sẽ làm phòng nóng lên và máy điều hòa phải hoạt động nhiều hơn để làm mát.

6. Đặt điều hoà ở vị trí thích hợp

Vị trí đặt máy điều hoà nên là nơi thích hợp và thông thoáng nhất căn phòng. Nếu điều hoà bị che khuất hay bị chắn bởi các vật dụng trong phòng sẽ làm luồng khí lạnh không thể trực tiếp tỏa tới nơi bạn mong muốn.


Công suất điều hoà cần phù hợp với diện tích phòng để tiết kiệm điện tối ưu. Ảnh minh họa

7. Hẹn giờ tắt vào ban đêm

Vào ban đêm, chúng ta sẽ không đòi hỏi nhiệt độ mát lạnh so với ban ngày. Nếu bạn để điều hòa hoạt động liên tục sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ có thể dẫn đến viêm họng,… Vì thế, sử dụng chế độ hẹn giờ sẽ giúp bảo vệ sức khỏe từng thành viên trong gia đình, đồng thời thời gian hoạt động của điều hòa sẽ ít hơn, tiết kiệm điện năng hơn rất nhiều.

8. Sử dụng điều hoà kết hợp quạt công suất nhỏ

Phòng có điều hòa nên có thêm quạt công suất nhỏ sẽ giúp hơi mát từ điều hòa được phân bổ đều hơn và giúp chúng ta cảm nhận hơi mát tốt hơn, việc này còn giúp ngăn chặn tình trạng da mất nước quá nhiều. Thói quen này cũng giúp tiết kiệm một khoản tiền điện kha khá do không phải cài đặt điều hoà ở mức nhiệt quá thấp.

9. Không sử dụng điều hòa 24/24

Không nên bật điều hòa 24/24, kể cả vào những nắng nóng vì khi ở trong môi trường điều hòa lâu sẽ khiến cơ thể dễ mất nước, khô da, khô tuyến hô hấp… Thêm nữa, việc bật máy lạnh cả ngày sẽ khiến hóa đơn tiền điện tăng lên đáng kể, chi tiết máy bên trong cũng bị hao mòn, làm giảm tuổi thọ sản phẩm. Vì vậy, bạn nên dùng quạt thay cho điều hòa vào thời tiết không quá nóng để vừa tiết kiệm điện mà còn giúp phòng lưu thông được không khí.

10. Sử dụng chế độ “Dry”

Dùng điều khiển để chuyển chế độ lạnh từ “Cool” sang chế độ “Dry”, thao tác đơn giản này sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa đáng kể mà không phải ai cũng biết. Mẹo này tiết kiệm điện bởi khi hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa lấy nhiệt nóng từ trong phòng để đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng. Điện năng tiêu thụ cho hoạt động này của điều hòa là khá nhiều. Trong khi đó, nếu ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra khỏi phòng, trả lại không khí trong lành và khô ráo hơn. Chế độ này tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát khá nhiều. Tuy nhiên, chỉ nên sử dụng chế độ Dry khi nhiệt độ bên ngoài không quá chênh lệch với nền nhiệt trong nhà, các chuyên gia khuyến cáo nên sử dụng chế độ Dry khi nhiệt độ bên ngoài không quá 34 độ C.


Dùng điều khiển để chuyển chế độ lạnh từ “Cool” sang chế độ “Dry”, thao tác đơn giản này sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa đáng kể. Ảnh minh họa

11. Thường xuyên bảo trì và vệ sinh

Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng và vệ sinh điều hòa tránh bụi bẩn khiến điều hòa phải hoạt động nhiều hơn. Đặc biệt là lọc gió của điều hoà vừa giúp tăng hiệu suất làm lạnh của điều hoà, vừa giúp giảm năng lượng tiêu thụ và còn có tác dụng kéo dài tuổi thọ của máy.

12. Chọn điều hòa có máy nén Swing

Máy nén là “trái tim” của hệ thống lạnh với nhiệm vụ vận chuyển môi chất lạnh. Đây là bộ phận tiêu tốn điện năng nhất, chiếm đến 70-80%. Công nghệ máy nén Swing được đánh giá là tối ưu cả công năng lẫn điện năng. Máy nén Swing chuyển động xoay tròn, giảm ma sát và độ rung, hạn chế rò rỉ môi chất làm lạnh. Điều này giúp tăng hiệu quả làm lạnh cũng như tiết kiệm điện.

Khánh Mai (t/h)
https://vietq.vn/12-cach-tiet-kiem-dien-khi-su-dung-dieu-hoa-vao-mua-he-d210749.html