16.6 C
Hanoi
Thứ sáu, Tháng Một 17, 2025
More
    HomeTiêu dùng bền vữngBác sĩ chỉ cách rã đông thực phẩm ngày tết để tránh...

    Bác sĩ chỉ cách rã đông thực phẩm ngày tết để tránh bị nhiễm khuẩn gây ngộ độc

    Date:

    Related stories

    Theo các chuyên gia dinh dưỡng, ngày tết là lúc thực phẩm trữ trong tủ lạnh rất nhiều nên việc rã đông cần đúng cách để thực phẩm vẫn giữ nguyên và không gây hại cho sức khỏe.

    Bác sĩ Phạm Ánh Ngân – Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, thực phẩm đông lạnh không diệt trừ được vi khuẩn, chỉ giúp ngăn ngừa chúng phát triển. Có nhiều cách để rã đông thực phẩm, cách thường được sử dụng nhất là rã đông ở ngăn mát tủ lạnh, khi nhiệt độ dưới 5 độ C. Nên để thức ăn ở ngăn thấp nhất, tránh nước rơi rỉ lên các thực phẩm khác.

    Trong trường hợp cần rã đông gấp, lò vi sóng là lựa chọn hữu ích để có thể nấu ngay sau khi rã đông. Tuy nhiên cần lưu ý, trước khi đưa vào lò, cần phải tháo các đóng gói bao bì không an toàn khi dùng trong lò vi sóng như: khay bằng nhựa polystyrene, nhựa bọc thực phẩm hay hộp giấy.

    Bác sĩ Ngân cho biết thêm, một trong những cách rã đông khác cũng khá phổ biến là sử dụng nước lạnh, tuy nhiên dễ khiến thực phẩm ở trong khoảng nhiệt độ nguy hiểm từ 8 đến 63 độ C (đây là nhiệt độ có lợi cho vi khuẩn phát triển).

    Khi dùng cách này, cần sử dụng thau, bồn rửa sạch và để toàn bộ khối thực phẩm ngập trong nước. Thực phẩm cần được bọc trong bao bì không thấm nước, không rò rỉ để tránh nhiễm khuẩn. Đặc biệt chú ý quá trình rã đông chỉ nên khoảng trong 2 tiếng hoặc ít hơn để tránh thực phẩm ở nhiệt độ nguy hiểm (8-63 độ C).


    Việc rã đông thực phẩm nên thực hiện đúng cách để đảm bảo thực phẩm vẫn tươi ngon, không nhiễm khuẩn. Ảnh minh họa

    Thậm chí khi thực phẩm được gói trong bao bì không thấm nước, vẫn có vi khuẩn bám trên bề mặt của chậu rửa, vì vậy cần vệ sinh thau chậu sau khi đã rã đông. Ngoài ra, thực phẩm sau rã đông nên được nấu chín trong vòng 24 giờ đầu, nếu chưa thể nấu ngay, nên bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh.

    Đối với những món ăn đã chế biến, cần cấp đông để dùng dần trong những ngày tết, nên chia nhỏ khối lượng thực phẩm thành từng phần vừa đủ cho một bữa ăn, tốt nhất là trữ trong hộp thủy tinh, khi ăn thì rã đông phần đó trong lò vi sóng.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nên rã đông thực phẩm đông lạnh ở trong tủ lạnh hoặc nước lạnh để phòng sự phát triển của các vi sinh vật. Lựa chọn tốt nhất là rã đông đồ trong ngăn mát tủ lạnh.

    Còn theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia (Bộ Y tế), nên rã đông thực phẩm với nước. Cách này có thể áp dụng cho các loại thịt được trữ đông. Hãy cho thịt cần rã đông vào 1 túi zíp hoặc màng bọc thực phẩm trước khi ngâm vào nước hoặc dưới vòi nước. Rắc chút muối hoặc đập dập gừng tươi cho vào nước để giữ độ tươi ngon cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm.

    Lưu ý nên thay nước mới mỗi 30 phút một lần để hạn chế vi khuẩn có hại. Sau khi rã đông, thịt cần được nấu chín ngay để tránh bị hư hỏng và đảm bảo dinh dưỡng. Không nên ngâm thức ăn trực tiếp vào nước để rã đông, dịch bào có chất dinh dưỡng sẽ tan ra và hòa vào nước, thực phẩm sẽ mất chất dinh dưỡng và bị nhão.

    Rã đông thực phẩm ở ngăn mát tủ lạnh. Cách này thường được nhiều gia đình áp dụng, vì tiện lợi. Chỉ cần chuyển thực phẩm từ ngăn đông xuống ngăn mát, để trong 6-8 giờ để thực phẩm được rã đông tự nhiên. Đây là phương pháp được xem là tối ưu, an toàn nhất nhưng tốn nhiều thời gian. Sản phẩm được rã đông dần trong ngăn mát tủ lạnh nếu chưa dùng ngay vẫn có thể bảo quản trong điều kiện như vậy 3-5 ngày. Nếu cần, có thể tái đông trở lại bằng cách chuyển trở lại ngăn đá để bảo quản lâu hơn.

    Lưu ý, bao bọc cẩn thận và để các thực phẩm tươi sống ra xa thức ăn đã được chế biến nhằm hạn chế lây nhiễm vi khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng nên cho thực phẩm cần rã đông vào hộp hoặc đĩa để không bị chảy nước ra ngoài.

    Rã đông bằng lò vi sóng chỉ cần cho thực phẩm cần rã đông vào lò vi sóng, chọn chế độ, thời gian phù hợp để bắt đầu. Rã đông trong lò vi sóng cũng rất tốt vì điện trường cao tần sẽ gây nên nội ma sát trong bản thân thực phẩm, khiến thực phẩm nóng lên, tan đông nhưng không làm vỡ tế bào. Với phương pháp này, thực phẩm phải được chế biến ngay vì một phần thịt có thể đã hơi bị chín. Nếu dùng không hết, có thể bảo quản ở ngăn đá tủ lạnh, nhưng phải được nấu chín lại thực phẩm, vì lúc này thực phẩm có thể đã nhiễm vi sinh. Ngoài ra, thịt, cá đông lạnh có thể được quay, nướng trong lò vi sóng mà không cần phải rã đông.

    Lưu ý nhiệt độ trong lò rất nóng nên không được bọc thực phẩm trong túi nhựa vì sẽ gây chảy nhựa và cũng không cũng nên bọc thực phẩm bằng giấy bạc vì dễ gây cháy nổ.

    Bác sĩ Trần Thị Hiếu – Phụ trách khoa Dinh dưỡng tiết chế Bệnh viện Đa khoa khu vực Thủ Đức (TP.HCM) cũng chia sẻ, những thực phẩm không được trữ đông như: Rau xanh, trái cây, thực phẩm dễ vữa nát (mì, miến, bún, phở, trứng sống), thức ăn bao bột bên ngoài như bột chiên. Khi bảo quản các loại thịt, cá, hải sản không nên để nhiệt độ âm quá sâu làm protein biến tính, thường âm 10 đến 15 độ C là được. Việc chế biến thực phẩm đông lạnh phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, phải phân khu vực chế biến riêng biệt: sơ chế, rửa đồ sống, bếp nấu… thành từng khu riêng.

    Bác sĩ Hiếu khuyến cáo để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, thức ăn cần phải ăn chín, uống sôi, rửa tay thường xuyên. Thực phẩm lựa chọn phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

    Ngọc Nga (T/h)
    https://vietq.vn/bac-si-chi-cach-ra-dong-thuc-pham-ngay-tet-de-tranh-bi-nhiem-khuan-gay-ngo-doc-d218688.html

    Subscribe

    - Never miss a story with notifications

    - Gain full access to our premium content

    - Browse free from up to 5 devices at once

    Latest stories

    spot_img