Bánh chưng, món ăn không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt vào dịp Tết Nguyên đán. Tuy nhiên việc ăn, chọn và bảo quản bánh chưng đúng cách không phải ai cũng biết.

Theo Ths.BS Nguyễn Văn Tiến – Viện Dinh dưỡng Quốc gia, xét về mặt dinh dưỡng, bánh chưng có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm, nguyên liệu bao gồm gạo nếp (nhóm chất bột đường); đỗ xanh; thịt lợn (nhóm chất đạm động vật và đạm thực vật; nhóm chất béo); hành củ; hạt tiêu (nhóm vitamin và khoáng chất)… Do đó nên ăn bánh với dưa góp, hành muối để kích thích tiêu hóa, giúp không bị đầy bụng.

Với hàm lượng dinh dưỡng trong 100g bánh chưng cung cấp năng lượng là 181Kcal; 4,3g chất đạm; 4,2g chất béo; 31,6g chất bột đường; 0,6g chất xơ; 26g canxi; 0,94g sắt; 1,4g kẽm. Một miếng bánh chưng cỡ vừa có trọng lượng khoảng 114g. Một chiếc bánh nhân đậu xanh loại nhỏ thường có trọng lượng khoảng 25g, cung cấp năng lượng là 50Kcal; 1,8g chất đạm; 0,7g chất béo; 9,2g chất bột đường. Vì thế, dù thích bánh chưng đến mấy, cũng nên ăn ở mức vừa phải để tránh bị tăng cân.

Không chỉ lo ngại về vấn đề tăng cân, nhiều gia đình vì không có thời gian nên thường lựa chọn mua bánh chưng bên ngoài. Tuy nhiên, Ths.BS Nguyễn Văn Tiến chia sẻ, thực tế không ít người kinh doanh muốn sản xuất số lượng nhiều để bán ra thị trường, đã bất chấp sức khỏe người tiêu dùng. Vì vậy, người tiêu dùng cần chú ý việc lựa chọn bánh chưng ngày Tết, bởi những chiếc bánh xanh đẹp, dẻo thơm trên thị trường thường chứa nhiều hóa chất không tốt cho sức khỏe.

Chất độc được nhắc tới chính là pin. Môi trường chính trong những viên pin là môi trường kiềm. Trong môi trường này, diệp lục (chất tạo màu xanh cho lá cây) có trong lá dong gói bánh sẽ chuyển thành màu xanh đậm. Đồng thời, kiềm còn giúp tinh bột hấp thụ nước tốt và trong hơn. Do đó, nhiều người đã dùng pin để luộc bánh chưng, làm bánh chưng nhanh chín, hạt nếp trong, màu vỏ lá xanh và bắt mắt.

Ngoài ra, còn có những nguy cơ tiềm tàng ít được chú ý, đó là các kim loại nặng trong pin: chì (PB), thủy ngân (Hg), cadmium (Cd) và asen hay còn gọi là thạch tín,… là những chất cực độc, nguy hiểm cho não, thận, tim mạch và khả năng sinh sản của con người.

Do đó cần chú ý tới màu sắc của bánh khi mua. Thời gian luộc bánh chưng thường 8 – 9 giờ mới chín, lớp lá bên ngoài thường ngả màu, hơi vàng hay xanh nâu. Bánh chưng luộc có pin mất ít thời gian hơn, vỏ ngoài có màu xanh mướt, ánh tím.

Bảo quản như thế nào cho đúng?

Để bảo quản bánh chưng, không được cho vào túi nilon mà cần treo lên hoặc cho vào ngăn mát của tủ lạnh. Ở môi trường tự nhiên, bánh chưng thường để được 5 ngày. Nếu để trong ngăn mát tủ lạnh được 15-20 ngày, nhưng bánh sẽ bị rắn, lại gạo.

Bánh chưng bị mốc thường là mốc từ ngoài vào do nấm mốc trong không khí. Khi gói, bánh chưng phải dùng lá sạch, nên gói chắc tay, nhân bánh phải tươi sạch. Luộc xong phải rửa bánh khi đang nóng, vì lúc này bánh đang nở to, nước lã không vào được. Nếu rửa khi nguội, nước dễ xâm nhập, dễ gây hỏng bánh.

Bánh chưng, với sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và dinh dưỡng, là một phần quan trọng của bữa ăn ngày Tết. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, người tiêu dùng cần chú ý đến nguồn gốc và cách chế biến của bánh chưng. Việc lựa chọn an toàn và bảo quản đúng cách sẽ giúp mọi người thưởng thức món ăn truyền thống mà vẫn đảm bảo sức khỏe.

Duy Trinh (t/h)
https://vietq.vn/chuyen-gia-chia-se-mot-so-luu-y-khi-an-va-bao-quan-banh-chung-d218755.html