Nội tạng động vật là thực phẩm chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhưng theo các bác sĩ dinh dưỡng, cha mẹ cần cẩn trọng khi cho trẻ ăn.
Phủ tạng động vật bao gồm: óc, tim, gan, thận (bầu dục), dạ dày, ruột… Thông thường chúng ta hay ăn tim, gan, bầu dục dạ dày của lợn, gà, ngan, vịt, ngoài ra còn ăn tim gan của trâu bò nhưng ít hơn.
Theo ThS.BS Mai Quang Huỳnh Mai – Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM, nội tạng động vật chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, đặt biệt là gan. Gan không chỉ là nguồn vitamin A tuyệt vời, mà còn chứa các yếu tố vi lượng khác như: Folate, sắt, chromium, đồng, kẽm… góp phần cải thiện huyết sắc tố cho những người bị thiếu máu. Còn não động vật là nguồn acid béo omega-3 phong phú. Omega-3 hỗ trợ sự phát triển trí não, tăng cường khả năng tập trung và cải thiện thị lực cho trẻ.
Trong khi tim là cũng nguồn cung cấp folate, sắt, kẽm và selen dồi dào. Nó còn là kho chứa vitamin nhóm B (B1, B6, B12), không chỉ quan trọng với sự phát triển của thể chất, mà còn cần thiết cho bão bộ, hệ thần kinh và tinh thần của trẻ.
Tim động vật còn là nguồn cung cấp coenzyme Q10 (một chất như vitamin được sử dụng để sản xuất năng lượng trong tế bào). Theo nghiên cứu, sự thiếu hụt coenzyme Q10 có thể đóng góp vào sự phát triển của chứng đau nửa đầu ở trẻ em và thanh thiếu niên.
Lưỡi giàu năng lượng và acid béo cùng những yếu tố vi lượng như kẽm, sắt, choline, vitamine B12. Lưỡi rất tốt cho bệnh nhân vừa hồi phục sau bệnh hoặc phụ nữ mang thai. Ngoài ra, trong nội tạng động vật cũng có chứa Folate là một loại vitamine có giá trị hỗ trợ cho quá trình sinh sản và tránh dị tật trên thai nhi.
Cha mẹ cần thận trọng khi cho trẻ nhỏ ăn nội tạng động vật. Ảnh minh họa
Mặc dù giàu dinh dưỡng, nhưng theo bác sĩ Mai, cha mẹ cần thận trọng khi cho trẻ ăn nội tạng động vật. Bởi loại thực phẩm này có chứa hàm lượng cholesterol và chất béo bão hòa cao. Một điều đặc biệt cần lưu ý nữa là khả năng nhiễm độc khi ăn nội tạng. Nếu con vật bị nhiễm trùng, ký sinh trùng hoặc chất độc thì không chỉ nội tạng mà thịt động vật cũng có thể bị nhiễm theo.
GS Lynn, chuyên gia dinh dưỡng của Viện Weston A Price (Úc) cũng cho rằng, các loại nội tạng nên dùng cho trẻ là: Gan, tim, óc và trứng cá. Đây là nguồn cung cấp một số vitamin và khoáng chất như vitamin A, folate, choline, kẽm, sắt, và vitamin B12. Tuy nhiên khi sử dụng thịt nội tạng, giáo sư cũng khuyên không nên dùng cật, thận, mắt động vật và gan cá biển.
Tim, gan có tác dụng cung cấp sắt để chống thiếu máu thiếu sắt rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Các loại phủ tạng này cung cấp nhiều vitamin A có tác dụng bổ mắt tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em nhưng do gan là một cơ quan lọc thải độc chất có trong cơ thể. Hàm lượng các chất này trong gan phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn của gia súc và gia cầm. Nếu ăn quá nhiều gan gia cầm, các chất độc này có thể được tích tụ gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của trẻ.
Có người cho rằng ăn óc bổ óc cho nên khi bị đau đầu thì mua óc về ăn, hoặc cho trẻ em ăn óc để thông minh là không đúng. Trong óc lợn có hàm lượng chất đạm thấp chỉ bằng một nửa gan hoặc thịt, cá, nhưng hàm lượng cholesterol lại rất cao, chỉ cần ăn 100g óc lợn lượng cholesterol đã gấp 8 lần nhu cầu hàng ngày (một ngày mỗi người chỉ nên ăn khoảng 250 – 300mg cholesterol). Cho nên những người đau đầu mà nguyên là do tăng huyết áp thì ăn óc là cực kì nguy hiểm. Trẻ em cần nhiều chất đạm để phát triển trí não, còn ăn quá nhiều chất béo thì có thể gây thừa cân – béo phì còn ảnh hưởng đến phát triển trí não.
Vì vậy, bác sỹ dinh dưỡng khuyến cáo trước khi cho trẻ ăn nội tạng động vật, cha mẹ nên biết nhu cầu dinh dưỡng của trẻ sẽ còn phụ thuộc vào độ tuổi, thể trạng… Tốt hơn hết, cha mẹ nên tham khảo ý kiến của bác sỹ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi có ý định cho trẻ ăn bất cứ loại thực phẩm lạ nào.
Chọn mua nguyên liệu ở những địa chỉ uy tín. Con vật có khỏe mạnh thì thịt và nội tạng của chúng mới an toàn. Tuân thủ nguyên tắc “Ăn chín uống sôi” trong chế biến.
Nội tạng là nguồn cung cấp chất đạm và béo là chủ yếu, nên khi ăn phải cân đối khẩu phần. Một phần ăn dặm của trẻ cần phải đảm bảo 4 nhóm thực phẩm: Tinh bột, đạm, béo, vitamin & chất xơ. Không nên ăn quá 2 ngày/ tuần, khoảng 30-50gr/lần để tránh gây gánh nặng cho thận của trẻ. Không nên dùng cật, thận, mắt động vật và gan cá biển. Nếu trẻ không bị dị ứng với loại thực phẩm nào thì có thể bắt đầu tập ăn từ 6 tháng tuổi.
An Dương (T/h)
https://vietq.vn/bac-si-canh-bao-tre-co-the-bi-nhiem-doc-ky-sinh-trung-neu-an-noi-tang-dong-vat-d204747.html